Tôi về báo Trăng Khuya đã được năm năm. Suốt năm năm, cơ quan gần như không có thay đổi nào ngoài việc bớt hai vị nghỉ chờ hưu, thêm hai cô thử việc - một là con và một là cháu của các vị vừa nghỉ; và việc cô thủ quỹ lấy được chồng hồi đầu năm ngoái. Cô gặp ai cũng cười: "Em mãi mới lừa được đấy!".
Trăng Khuya là tờ nguyệt san của Hội Bách Nguyệt - hội của những người đàn bà đẹp, giỏi cầu lông, tennis, tuổi từ ba mươi đến sáu mươi. Lúc đầu, hội chỉ kết nạp đúng một trăm hội viên, là những quý bà đẹp nhất thành phố, số khác chỉ được gọi là cộng tác viên. Chỉ khi có hội viên vượt "đát", mới kết nạp người mới. Về sau, căn cứ tình hình thực tế là thành phố ngày càng có nhiều phụ nữ đẹp, tài ba, và nhu cầu mở mang ảnh hưởng của hội, các chị cho rằng không nhất thiết bách phải là tròn một trăm, mà có thể là hàng trăm, nhiều trăm. Thế nên việc kết nạp vào hội mới đỡ căng thẳng, nay đã có tới hai trăm hội viên.
Trăng Khuya là sáng kiến của bà hội trưởng - phu nhân một vị lãnh đạo thành phố. Nguyên hồi ấy, bà có cô em gái là giáo viên môn giáo dục công dân ở một tỉnh ngoài. Đối với bà, tiền bạc của nả không thiếu, tình cảm của thiên hạ cũng chẳng thiếu. Nhưng bà vẫn biết những cái ấy chấp chênh lắm, bà chỉ tin vào máu mủ tình thâm. Chị em phải ở gần để chạy qua chạy lại mà lấy hơi nhau, bao bọc nhau...
Bà nghĩ cách chuyển cả gia đình cô em gái về đây. Cậu em rể thì dễ làm kín đáo, chỉ có cô em bà phải tính kỹ. Không nghĩ ra được một cái ghế nào khả dĩ, để ngoài cái tình ra thì cái lý cũng phải tiềm tiệm một chút, kẻo "quan trên trông xuống, người ta trông vào", bà nghĩ đến một tờ báo và chức tổng biên tập. Làm cuộc lật đổ thì không được. Gây chuyện với cái đám vừa to mồm tốt giọng lại sẵn micro trong tay, rách việc! Thế là cái hội có hai trăm vầng nguyệt của bà ra đời một tờ tin. Sao lại Trăng Khuya? Thì có mấy mồng là trăng non, trăng trẻ con, không tính, còn thì nói chung trăng khuya đều là vằng vặc, là soi tỏ muôn hoa rồi. Đến cái kim cũng tỏ ấy chứ!
Được một năm thì bà lo xong cái chính danh cho nó: là cơ quan ngôn luận của Hội Bách Nguyệt. Tỉnh nhà thêm một tờ báo được đường hoàng hoạt động. Nhà in hàng tháng có thêm những ngày cả người và máy rộn ràng. Thật là vui vẻ cả làng. Ông nhà lại được tiếng là có một nội tướng tài ba, xuất chúng. Lo được mấy chỗ làm tử tế cho con cháu, họ hàng, bạn bè gửi gắm. Tóm lại là giải quyết được khối việc, mà toàn việc lớn!
Nhờ duyên bà hội trưởng, Trăng Khuya ngày càng được nhiều cơ quan đặt mua. Hơn nữa, bà em tuy không biết gì về nghề báo, nhưng cũng là người lanh lẹ, hót hay. Thật là giống phượng giống công, giỏ nhà ai quai nhà nấy! Thế là tờ báo chẳng mấy chốc có tira lớn vào loại nhất nhì trong tỉnh. Nó được đón nhận còn vì có nhiều ảnh phụ nữ đẹp, rất môđen, và lại rất nhiều thông tin "cần thiết cho mọi lứa tuổi từ vị thành niên trở lên". Nhưng, nói trộm vía hai bà, tôi thấy nó không lá cải thì cũng đại loại là lá khoai, lá dong, lá ngô đồng, lá gì gì đó.
Nhưng nói gì thì nói, báo Trăng Khuya vẫn có độc giả, mà đông đảo nữa là khác. Đó là món ăn bình dân rất dễ tiêu hoá và hợp túi tiền. Chúng tôi buôn dưa lê từ đời tư các văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, chính trị gia... đến chuyện phòng the, các kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc, các kiểu "gây men hồi sức", các kiến thức chăm sóc sắc đẹp,v.v... Chúng tôi cũng chạy những hàng tít lớn suốt trang, cũng có kiểu mà cánh làm nghề gọi là "giật tít đùng đùng", có chuyên mục dành cho những run rẩy của tuổi "mực tím" hoặc chuyên đề "cải lão hoàn đồng" cho những cụ ông cụ bà vẫn còn hăng hái... Tóm lại, là nó hơi giống cái mẹt thuốc Tây lẫn ta, của bà Vệ làng tôi cách đây vài ba chục năm.
Hồi ấy, trạm xá xã chẳng có gì ngoài mấy luống bạc hà xen cỏ chỉ. Cửa hàng thuốc của huyện thì xa mà lại không dễ mua. Còn cái mẹt thuốc của bà, nói theo cách bây giờ là giá mềm, lại rất linh hoạt. Chỉ cần đọc bệnh là bà bốc, gói, thứ này mấy viên, thứ nọ mấy lần, mấy ngày thì khỏi.
Mà lạ! Bà già không biết lấy một chữ bẻ đôi, mà hàng chục năm bán thuốc chữa bệnh không hề phán một câu sai. Trường hợp nào mà bà bảo: bệnh đó, đây không có thuốc, phải đi viện; thì mười người đi cũng được sáu, bảy người về. Sau, vì không có giấy phép nên bà bị cấm. Có đoạn người ta lén lút mua, bà lén lút bán. Bị bắt. Được tha. Mấy lần thế, bà chán, bỏ luôn. Cũng may, sau đó ít lâu, người ta cải tạo cái trạm xá. Tôi về quê, quen nghề tìm chuyện, đến bà Vệ. Bà kể chuyện cũ, cười khanh khách. Thích lắm! Còn kể cả chuyện đi buôn, có ông bạn cứ thích cõng bà lội qua sông, vì hai vú bà như hai quả dừa... Lại cười khanh khách, phô cái miệng bà lão chín mươi không còn răng nhưng không hề móm. Hỏi sao cụ già mà còn khoẻ, còn đẹp thế; bà bảo đi hát nhiều nó trẻ lâu đấy. Chồng ghen lắm, nhưng mà mê hát quá cứ trốn đi, hát đối đáp, hát giao duyên, hát phường vải này... Hôm nào mày về lâu lâu, đến tao hát cho mấy bài hát cổ, tục thanh gì cũng có hết! Để coi các cố ngày xưa tán tỉnh nhau có kém bọn bay bây giờ không...
Cuộc thi "Hát dưới trăng" do Hội Bách Nguyệt và báo Trăng Khuya tổ chức thế là thành công tốt đẹp. Thì xưa nay đã ai thấy có cuộc thi nào, có hội nghị nào không thành công tốt đẹp đâu! Nhưng cuộc thi này, tốt đẹp phần lớn là nhờ cái giải thưởng to. Ngoài hai trăm người đẹp là hội viên đua nhau mở ví để hé lộ vẻ sang giàu, thì cũng cỡ từng đó cộng tác viên muốn tỏ rõ mình đây đã đẹp lại phóng khoáng, xứng đáng là ứng cử viên sáng giá cho lần kết nạp sắp tới. Cái sổ vàng của hội thật là được một phen hứng tiền. Ấy là chưa kể nhiều quý ông nịnh đầm, ném tiền để lấy lòng người ngọc.
Tôi cầm danh sách các ca sĩ với các tiết mục đoạt giải, định sang nhà in để chèn vào cái ô đã chừa sẵn ở trang 2, bên đó chỉ chờ in tay báo này nữa là chuyển sang máy gập, rồi xén; cỡ tiếng đồng hồ là xong được mấy chục bản cầm về cho sếp xem trước. Chợt có chuông điện thoại. Thì ra là bà chị tổng biên tập. "Em sang phòng chị có việc nhé! Cầm cả cái biên bản của hội đồng giám khảo". Dạo này, ông anh rể mới lên chức, giọng chị đâm ra có vẻ khô và cứng hơn. Trước, chị gọi tôi là Mai, xưng mình, vì tôi chỉ thua chị một tuổi. Cần bàn việc gì, chị tự sang phòng tôi hoặc mời tôi ra hội trường. Chẳng gì tôi cũng thâm niên hơn hai chục năm làm báo, ẵm bao giải lớn giải bé, từng được giải "ngòi bút vàng" là giải thưởng báo chí uy tín nhất vùng miền... Tôi còn chịu ngồi làm phó cho chị, làm cái công việc mà tôi cho là rất nhảm nhí, cũng bởi chị khôn người, khéo giữ. Không bạc tiền gì nhưng cũng được lời nói mát lòng. Sáng nay, chị bảo, cái kết quả cuộc thi, phải tự tay Mai cầm đi nhà in thì chị mới yên tâm. Lỡ sơ sểnh gì thì chết!
- Có một chút thay đổi, Mai ạ! Là cái giải nhì của Thu Hảo, em bóc ra cho chị. Thay bằng cái này...
- Thế Thu Hảo lên giải nhất à?- Tôi khấp khởi.
Thu Hảo có chất giọng thật đẹp, mềm ấm và sang trọng, không đoạt giải nhất đã khiến tôi buồn bực mất mấy ngày. "Một đêm trăng lên thấp thoáng, tôi nghe tiếng balalaika (1), lặng nghe khúc hát Volga bồng bềnh trên sóng nước sông Đà, tưởng như thiên nga chắp cánh...". Khi giọng hát ấy cất lên, tôi xúc động trào nước mắt. Quả thật, Thu Hảo đã hát bài hát này với một xúc cảm khác thường. Tôi đã nghe bao nghệ sĩ nổi tiếng hát bài này, nhưng chưa có ai làm tôi xúc động mạnh như thế. Cả hai vùng đất ấy, nước Nga xa xôi và sông Đà, tôi chưa từng được đặt chân đến, vậy mà cảm thấy rõ ràng một dòng sông trăng, một dòng âm thanh mênh mang dịu ngọt, hoà trộn tinh hoa của hai nền văn hoá mà tan vào mình. Tôi mê man giữa quá khứ và hiện tại, trong khúc hát như vang dài trên mặt sông mênh mông...
- Không! Bỏ hẳn tên Thu Hảo ra. Thay bằng ca sĩ Ban Trắng, với bài... bài gì nhỉ? À, Trăng sông Lam!
- Không phải sông Lam mà là sông La! - Tôi nổi cáu - Bài ấy có vào giải đâu? Biên bản chấm thi cả sao và gốc, đủ cả năm chữ ký hai cái dấu đỏ chót đây này! Mà chữ ký của toàn những ông nhạc sĩ nổi tiếng, chức danh kêu như khánh như chuông cả!
- Thay đổi rồi - Tổng biên tập nói và chìa ra cho tôi xem một tờ giấy cũng có hai dấu đỏ, và một, hai... đủ năm chữ ký giống hệt năm chữ ký tôi đang cầm trên tay.
Tôi không dám tin mắt mình nữa. Cuộc thi ấy được đài truyền hình tỉnh truyền hình trực tiếp, tôi là một trong hai thư ký của hội đồng, có quyết định hẳn hoi, vậy mà toàn bộ hồ sơ chấm thi tôi đang giữ, tất cả đều hợp pháp, đầy đủ thủ tục, bỗng hoá thành mớ giấy lộn. Cơn giận bừng bừng bốc cháy trong đầu tôi. Bàn tay cầm nắm giấy tờ run lên. Bà tổng biên tập lại gần tôi, bàn tay nõn nà mềm mại xoa vai tôi, vuốt tay tôi, đỡ lấy nắm giấy, giọng nói mềm lại như nhung:
- Thôi, Mai cho qua đi. Hội đồng đã làm việc lại vì hôm trước có chút trục trặc. Đáng lẽ chị phải báo trước cho em để mời em cùng dự, nhưng việc gấp quá, em lại đi vắng nên không kịp (rõ ràng bà biết từ sáng tới giờ tôi chưa rời cơ quan nửa bước). Thu Hảo hát hay thật, chị nghe cũng chảy cả nước mắt, xứng đáng giải nhất chứ không phải là nhì đâu. Nhưng cô ấy còn trẻ, còn nhiều dịp tranh tài. Có tài thật sự thì lo gì! Không trao lần này thì lần sau. Việc này có những lý do tế nhị, sau này chị nói rõ với em. Giờ em đừng để người ngoài nhìn vào lại tưởng chị em mình có chuyện gì. Việc này là vì hội, vì báo thôi. Với lại, chị thấy cô Ban Trắng hát cũng không đến nỗi nào. Cô ấy cần cái giải vì phải làm hồ sơ xét nghệ sĩ ưu tú, lại phải tranh cái huyện uỷ viên, sẽ phụ trách văn-xã, báo mình còn phải nhờ cậy nhiều.
Tôi nghe ù cả tai. Giải mới chả giếc! Có mà giải rút! Thế mà cái trò hề của các bà đã làm tôi tốn bao công sức. Chạy ngược chạy xuôi, dỗ dành từ gã nhạc công đến mấy đứa kỹ thuật, loa máy, phòng thu, phòng dựng... Phải nhét phong bì vào tay cả những đứa vớ vẩn, như người dạy xiếc thú nhét mía vào mồm voi, nhét lạc vào mõm gấu khi chúng biểu diễn ấy!
Tôi bốc xe máy, vù ra đường, phi như điên. Có lẽ trông mặt mũi tôi kinh lắm nên ai nấy giạt ra cả. Tuy nhiên, cái bọn choai choai đánh võng lại không biết sợ ai. Và một thằng đã quệt vào đít xe tôi. Thế là tôi ngã, gãy mất ba rẻ sườn! May mà cái đầu đang bốc khói không sao! Thật là hú vía!
Tôi nằm nhà hai tháng, ê ẩm hết cả mình mẩy. Người cứ như sợi bún, hư tính hư nết, làm khổ chồng khổ con. Tôi chán mình, chán người, mò dậy ra ga mua vé tàu. Đi chơi xa, cho nó qua cái năm xung tháng hạn, để xả bớt nỗi bực bội trong lòng!
Mùa này tàu rảnh. Cả khoang sáu giường chỉ có ba khách. Một ông tầng ba, trèo lên một lát, tàu chưa chạy đã nghe ngáy ò ọ. Cô gái tầng một bên cạnh, tôi nom quen quen. Vầng trán sáng, đôi mày cong thanh thoát, cằm chẻ, cổ cao ba ngấn, mái tóc bối một cuộn thật to... Đúng rồi! Thu Hảo! Cô không trang điểm kỹ như lúc lên sân khấu nên tôi không nhận ra ngay. Tôi buột miệng gọi tên cô.
- Sao chị biết tên em?
- Em vừa dự cuộc thi "Hát dưới trăng" cách đây vài tháng mà. Chị rất tiếc là em không được giải.
Cô gái cười nhếch miệng. Một tay chống cằm. Tay kia, những ngón măng bấm lên mặt bàn như bấm phím đàn.
- Một ông nhạc sĩ trong ban giám khảo là bạn của ba em bảo, nói cũng chẳng ích gì đâu. Giải của họ, họ muốn trao cho ai thì trao. Mời mình chấm chỉ là trang trí thôi. Cho nó sang mà!
- Nhưng ông ấy không cãi lấy một câu nào sao?
- Bác ấy không muốn để người ta nghĩ là mình có bất đồng với ông chồng bà Hội trưởng Hội Bách Nguyệt. Sợ người ta nghĩ mình tranh cái ghế của ông ấy. Đang làm phó cho ông ta mà!... Tiền cũng quý. Nhưng em buồn không phải tiếc tiền. Mà chẳng sao! Giọng hát em không mất là được. Chị biết không, ba mẹ em lấy nhau và sinh em ở Nga. Ba em biết chơi đàn balalaica, biết rất nhiều bài hát và các vũ điệu Nga. Sau này về nước sống, cứ nhắc đến nước Nga là ông chảy nước mắt. Em mất cái giải này, chỉ thương ba em. Em muốn dâng lên hương hồn ba em...
- Ba mất lâu chưa?
- Hồi có vụ tai nạn ấy...
- Ờ, chị có biết vụ đó!
- Giờ em sẽ lên sông Đà thắp hương cho ba, rồi quay về Hà Nội. Có một đoàn nghệ thuật quân đội đã tuyển em vào. Giọng chính đấy!
- Mừng cho em! Nhớ thỉnh thoảng về quê hát nữa nhé!
- Hát chứ! Đang giận thì nói thế thôi. Bỏ quê thế nào được. Riêng chuyện chị nhớ em, nhớ tiếng hát em đã là một giải thưởng rồi!
- Thôi, chị xuống ga Si đây, không đi Hà Nội nữa. Tôi đột ngột quyết định.
- Sao chị đổi ý nhanh thế? - Hảo nhướn cặp mày thanh tú, hỏi tôi.
- Ra Hà Nội chỉ để đi chơi thì phí quá. Chị phải về quê để kịp nghe một bà cụ hát mấy bài hát cổ, kẻo không, cụ mà đi mất thì tiếc lắm! Do svidania!(2)
- Do svidania! - Hảo nhắc lại bằng lối phát âm rất chuẩn.
Tàu chạy. Hảo hét với theo:
- Chị tên gì để em gửi đĩa có bài hát ấy về tặng chị?
- Chị là Mai. Nguyễn Thị Mai - Tôi hét thật to như sợ em không nghe rõ.
Chỉ có vài ba người khách cùng xuống tàu, ai cũng có vẻ vội vàng. Còn lại một mình trên sân ga, tôi mới nhận ra là mình đang ở giữa một đêm trăng. Vầng trăng đang khuyết dần vì đã qua rằm mất mấy hôm, nhưng vẫn đẹp nao lòng. Còn đẹp hơn cả khi nó đầy tròn vành vạnh. Bây giờ trông nó giống một miếng ngọc phát sáng hơn. Thỉnh thoảng có một vài đám mây xúm lại, được trăng lồng vào, làm thành vầng mây lấp lánh bạc. Cả bầu trời vẫn sáng trong, mát rượi. Thường thì trăng tách khỏi những đám mây, thản nhiên đứng không như chẳng làm gì. Thật ra, nhiều khi trăng còn soi tận lòng người. Tôi nghĩ thế!

Xem Tiếp: ----