Trời đất ơi, thằng Tý bị mắc kẹt trên cây đa rồi. Ai biểu đứng trưa mà ra trèo lên cây làm chi không biết nữa. Bị Bà quở rồi. Có đứa nào chạy đi kêu giúp ông Sáu đi…”.
Tiếng thím Ba la thất thanh ngoài ngõ. Đang trưa, mấy đứa nhỏ chạy vô kêu ầm lên: Thằng Tý leo lên cây đa bắt sáo con, không rút tay ra được, mắc cứng trên đó luôn rồi! Nghe nói tới cây đa, mặt thím Ba cắt không còn giọt máu. Con với cái, chơi ở đâu không chơi, lại ra chỗ linh thiêng đó làm chi. Chạy quýnh quáng ra ngoài cây đa, thím đứng dưới nhìn lên thằng con đang cố sức rút tay ra khỏi thân cây, miệng la khóc: Má ơi cứu con. Con bị dính cứng ở đây rồi. Thấy nó hoảng quá, thím nói cứng: Đừng sợ, đợi ông Sáu ra, rồi đem con xuống. Cả xóm chạy theo tới nơi, đứng quanh dưới gốc cây, thì thào, không ai dám lớn tiếng, cũng không ai dám leo lên coi thử thằng Tý bị mắc kẹt chỗ nào. Ông Sáu tới, đã kịp mặc áo dài, đội khăn. “Có đứa nào chuẩn bị hương đèn chưa? Lấy hai chung nước sạch nữa”. Có người nhanh tay làm theo lời ông Sáu. Cái trang thờ nằm bên trong những nhành đa rũ xuống cắm luôn vào lòng đất khum khum như cái nơm úp cá khổng lồ. Chỗ đó rộng, chui lọt vài đứa con nít, nhưng chỉ những đứa bạo gan mới dám chui vào đó chơi.
Không ai biết chính xác cây đa được bao nhiêu tuổi, chỉ biết khi ông tiền hiền của cái làng này đến nó đã có mặt ở đó, ngay đầu làng. Nó to lớn, tỏa bóng âm u cả một vùng. Những trưa hè nắng rát cả mặt, phỏng cả chân, dân làng đi làm đồng về cũng không dám ngồi dưới bóng râm của nó. Thảng hoặc, có khách qua đường, thấy bóng mát, sà vào nghỉ chân, mọi người tự hỏi: Không biết ông ấy (bà ấy) có qua được đêm nay hay không? Nói tới cây đa không ai dám nói lớn, vậy mà không hiểu sao những chuyện như vậy ai cũng nghe cũng biết, cũng tránh né kiêng kỵ. Có lần tôi hỏi má đã thấy ai chết vì cây đa chưa, má không trả lời mà gạt ngang: Con nít nói bậy nói bạ, không nên. Ở làng tôi, từ không nên không chỉ bao hàm nghĩa không nên - không nên làm, không nên nói, không nên nghĩ. Nó mang ý nghĩa tâm linh, là sự linh thiêng con người cần phải kiêng dè. Người lớn thường gắn vào hai chữ không nên đó những câu chuyện, những hoàn cảnh thật đặc biệt để người sau phải sợ. Như thức ăn nấu để cúng cả phần còn lại trong nồi sau khi đã sắp ra cúng) không được ăn trước khi nhang trên bàn thờ tàn, vì ông bà sẽ hiện về quở phạt. Tuyệt đối không lượm đồ người khác đánh rơi, vì có người đã bị ma chọc ghẹo, lượm về một cây kẹp tóc, hôm sau bịnh liệt giường, tóc rụng hết, rồi da đầu cũng rớt hết ra đến chết. Sau này tôi mới biết đó chỉ là cách họ răn dạy con cháu nhưng lúc đó cái gì mà người lớn nói là không nên đều liên quan đến ma quỷ, thần thánh, không ai được phép làm. Cây đa là nơi linh thiêng, không được leo trèo, chặt phá, giấc đứng trưa, nửa đêm hay lúc trời mưa gió, không được đứng dưới gốc cây… Nhưng thằng Tý là đứa nghịch ngợm, chỗ nào người lớn cấm nó cố tìm cách tới gần. Tôi biết nó phục tổ chim sáo này lâu lắm rồi. Nó phục từ lúc hai anh chị chim sáo ở đâu không biết bay về đây tha rơm làm tổ, lúc con chim mái đẻ trứng, rồi đến lúc chim con nở ra. Tôi biết mỗi buổi trưa nó lén ra đây, canh chừng chim khác đến phá, có lúc nó leo lên nhìn vào tổ chim nằm sâu trong thân cây, xem những con chim non bé tí, da nhăn nheo chưa có tí lông, há cái mỏ rộng quạc chờ mẹ. Nó bảo nếu tôi giấu bí mật này giúp nó, nó sẽ cho tôi một con. Hôm qua nó nói với tôi, mấy con chim con đã xẹp bụng rồi, trưa mai nó leo lên bắt về, tôi kiếm sẵn một cái lồng đi. Chuyện bí mật của tôi với nó cả tháng nay, giờ thì cả làng đã biết. Còn nó, đứng thu lu trên cây mà la khóc, một bàn tay vẫn nằm gọn trong tổ chim sáo.
Ông Sáu là trưởng làng, mọi việc cúng tế trong làng đều do ông lo liệu. Ông trịnh trọng bước đến đốt hương, vái lạy rồi cầm nắm hương đi quanh gốc cây, lầm rầm khấn vái. Đi đủ 3 vòng ông trở về chỗ cũ, cắm hương vào bình rồi lấy nước rảy quanh. Đám đông yên lặng, chỉ nghe tiếng thở. Trên cây, thằng Tý đã nín khóc. Nó căng mắt nhìn xuống dưới. Ông Sáu nói với lên: Thằng Tý, con rút tay ra thử coi. Thằng Tý lại giựt tay ra nhưng vẫn bị mắc kẹt. Nó gắng thêm vài lần nữa rồi lại oà khóc. Thím Ba bước tới, bước lui. Ông Sáu biểu thím Ba về luộc một con gà trống tơ và nấu nồi xôi đem ra cúng. Kiểu này chắc Bà quở nặng rồi. Thím Ba tất tả chạy đi. Đầu kia ông Tăng vừa đi tới. Ông Tăng là người nổi tiếng khắp làng vì tài nói láo. Ổng gạt người này, gạt người kia, có khi gạt cả làng chỉ để cho vui, chẳng làm hại ai, nên mọi người dù tức anh ách mỗi khi bị ổng lừa cũng không ai ghét ổng. Ổng nói láo đến mức chết danh, hễ có ai kể chuyện gì nghe khó tin, mọi người đều nói: Mi nói cứ như ông Tăng. Lúc nào ổng cũng cười nói rổn rảng, ở đâu có người tụ tập là ổng sà tới. Ổng vừa đi thăm người bà con ở miệt biển về, trên vai còn nguyên bị cá chuồn khô, thấy mọi người xúm xít quanh cây đa ổng tới luôn. Xưa nay ông chưa kiêng dè cây đa này chút nào, với ông cây nào cũng là cây. Nhìn thấy thằng Tý khóc khản cả tiếng trên cây, ổng bỏ bị cá xuống, chuẩn bị leo lên. Mọi người can ngăn nói ông Sáu đã xin rồi, Bà không cho giờ phải cúng tiếp. Ông Tăng biểu thì ổng chỉ lên xem thằng Tý bị kẹt chỗ nào thôi, cho nó đỡ sợ. Leo lên tới nơi, ổng xây lưng lại phía mọi người, xem xét, thì thầm gì đó với thằng Tý. Xong ổng quay xuống nói với ông Sáu: Tui xin Bà, Bà cho rồi, để tui đem nó xuống luôn. Nói xong ổng cầm tay thằng Tý kéo nhẹ ra khỏi tổ chim rồi vịn từ từ cho thằng Tý xuống. Cả đám đông bên dưới nhao nhao. Ông Sáu cũng lui lại cho ông Tăng xuống. Con gà luộc với nồi xôi hôm đó thím Ba đãi ông Tăng, coi như cảm tạ. Suốt cả tháng sau đó thím Ba ngày canh chừng thằng Tý, đêm không dám ngủ, coi thử thằng nhỏ có biểu hiện gì không. Còn cả làng cứ rầm rì đủ thứ chuyện - những chuyện tôi nghe cứ lạ hoắc, mà tôi lại có mặt ở đó từ đầu đến cuối! Suốt chừng đó năm, cả khi chúng tôi cùng vào đại học, cùng ở chung phòng của ký túc xá, tôi cứ theo hỏi thằng Tý ông Tăng đã nói gì với nó lúc ở trên cây, ổng làm sao mà rút tay nó ra được nhẹ nhàng như vậy. Thằng Tý vẫn một mực im lặng, lại ra vẻ thần bí nữa. Cho đến năm ngoái, khi nghe tin từ ngoài quê ông Tăng mất rồi, nó mới kể cho tôi nghe. Thiệt không thể tin được. Lúc nó thò tay vào tổ chim, nó không để ý hốc cây chỉ vừa bàn tay nó thò vô, khi cu cậu nắm con chim trong tay rút ra nắm tay bị kẹt ngay ở miệng hốc. Cố rút vài lần cu cậu đâm hoảng, lại không nhớ là phải thả con chim ra, cứ nắm chặt tay mà kêu gào. Lúc ông Tăng leo lên, nhìn qua là ổng biết, nên nói nhỏ với cậu là thả con chim ra, lại dặn cậu, tuyệt đối không được tiết lộ bí mật này, nếu không Bà sẽ quở phạt. Thằng Tý răm rắp nghe theo, dù sau này lớn lên, nó biết ổng chỉ muốn đùa với dân làng cho vui, cho mọi người mặc sức thêu dệt… Tôi trố mắt, ngẩn ngơ nhìn nó, sao tôi lại không nghĩ ra điều này nhỉ? Suốt chừng đó năm, tôi cũng cố lý giải hiện tượng thần bí trên, và có lúc đã tin rằng leo lên cây đa là không nên.

Xem Tiếp: ----