VI

Tuy Thủ Nghĩa thương nhớ mẹ lòng hằng chua xót chẳng chút nào nguôi, nhưng mà nay tìm được bạc vàng rất nhiều, nghĩ rồi đây mình sẽ có thế mà đền ơn trả oán được, nên khi ngồi thuyền trở về thì lòng thơ thới dường như cá gặp nước, chim vào rừng. Thuyền trở lên Phú Quốc, Thủ Nghĩa tính nếu về Hà Tiên người ta thấy mình có bạc nhiều sao người ta cũng nghi, nên day mũi trở buồm rồi nhắm hòn Tre mà chạy thẳng cửa Rạch Giá. Bị gió ngang thuyền chạy cấn, chớ không phải chạy xuôi như hồi bận ra được, bởi vậy cho nên chạy đến một ngày hai đêm mới tới hòn Tre. Vả lúc ở với ông Tám Phi, Thủ Nghĩa có vào cửa Rạch Giá, Cà Mau mà bán cá thường thường nên quen đường thuộc nẻo hết, nay đến hòn Tre, tuy trời đã tối rồi, song Thủ Nghĩa không chịu đậu mà nghỉ, thừa trời có trăng cứ nhắm hướng cửa mà vô.
Vô tới Rạch Giá thì đã đầu canh tư, thiên hạ đều ngủ hết, trên bờ dưới sông im lìm, duy cách xa xa nghe có tiếng người tát nước ghe mà thôi. Thủ Nghĩa cột thuyền rồi thừa canh khuya đêm vắng, giở thúng bạc ra mà đếm thì được 125 nén. Anh ta sắp bạc dài dưới khoang ghe, múc ít gáo nước đổ vô rồi mới lấy bùn quậy cho đục đặng cho người ta không biết. Giấu bạc xong rồi mới nằm mà ngủ, bởi vì mấy đêm rồi ngủ không được, nên trong mình mệt mỏi vô cùng.
Rạng ngày Thủ Nghĩa thức dậy nấu cơm ăn rồi chèo thuyền lại mà cột dựa một bên chiếc tàu Hải Nam. Anh ta thấy người dưới tàu là khách Quảng đông bèn dùng tiếng Quảng Đông mà làm quen. Nói chuyện với bạn tàu một hồi rồi gởi thuyền bước lên bờ, kiếm thầy hù, cạo đầu gióc bính và mua hai bộ quần áo khách rồi trở xuống thay quần đổi áo, bạn tàu xem thấy chưng hửng không biết anh ta là khách Quảng Đông hay là người An Nam. Thủ Nghĩa kiếm chuyện nói lơ là một hồi rồi mở thuyền làm buồm mà đi. Ra khỏi cửa, Thủ Nghĩa chỉ mũi hướng Nam mà chạy, trời vừa tối thì đã tới sông Đốc, bèn bẻ lái trở buồm mà vô cửa rồi chạy thẳng vô Cà Mau.
Tại sao Thủ Nghĩa hồi ở ngoài hòn Kim Qui thì tính chở một mớ bạc đặng đi kiếm mà mua một chiếc thuyền cho lớn rồi trở lại mà chở nữa mà khi tới Rạch Giá rồi đã không kiếm thuyền mà mua, lại cạo đầu gióc bính rồi chạy xuống Cà Mau? Số là Thủ Nghĩa khi vô Rạch Giá thiệt cũng có ý kiếm thuyền mà mua, song nghĩ lại phận mình rách rưới nếu đi hỏi thuyền mà mua chi khỏi người ta nghi. Đã vậy mà mua thuyền lớn rồi mình chở bạc vàng biết đem đi đâu mà để. Nếu đem lên bờ kiếm chỗ giấu thì sợ mất: nếu để ngoài hòn rồi hễ cần dùng bao nhiêu ra đó mà lấy bấy nhiêu thì sợ đi nhiều lần người ta thấy người ta nghi; còn nếu mua thuyền lớn rồi để dưới thuyền hoài thì càng dễ lậu hơn nữa. Thủ Nghĩa suy nghĩ đáo để rồi mới tính cạo đầu gióc bính giả khách Quảng Đông rồi sẽ mua một chiếc tàu Hải Nam ra đó chở hết vàng bạc mà để dưới tàu. Hễ có tàu rồi thì mình xưng là chúa tàu Kim Qui, thiên hạ ắt tưởng mình là khách Quảng Đông chẳng ai còn vạch chuyện mình vượt ngục mà dầu thấy mình có vàng bạc nhiều cũng không bươi móc chi được. Bởi tính như vậy nên mới cạo đầu làm khách song mà mua tàu thì cũng sợ bể tiếng nữa nên mới kéo buồm mà xuống Cà Mau.
Thủ Nghĩa vào Cà Mau thì kiếm khách Quảng Đông mà làm quen, ăn mặc đều theo cách Quảng Đông mà nói chuyện cũng dùng ròng tiếng Quảng Đông, bởi vậy cho nên chẳng những người An Nam thôi mà thậm chí khách Quảng Đông cũng tưởng anh ta là đồng bang nữa. Thủ Nghĩa tới rồi liền hỏi mua một chiếc tàu Hải Nam. May lúc ấy có tên Kha Mộc, là khách Hải Nam, có đóng một chiếc bên Tàu mới đem qua, mà vì thiếu vốn nên đi buôn chưa được. Thủ Nghĩa nghe việc như vậy mới đến hỏi mà nài. Ban đầu Kha Mộc dục dặc không chịu bán, chừng thấy Thủ Nghĩa nói quá mới chịu bán, mà dứt giá 60 nén.
Thủ Nghĩa hỏi thăm khách Quảng Đông thì họ nói chiếc tàu ấy đóng có 30 nén mà thôi, mà Thủ Nghĩa quyết mua cho được không kể chi mắc rẻ, nên ráng trả lên tới 50 nén mà Kha Mộc cũng chưa chịu bán. Thủ Nghĩa trong trí đã chịu mua đủ 60 nén rồi, song chưa nói cho Kha Mộc hay là vì mình còn đương suy nghĩ không biết mình mua tàu rồi mướn ai đi bạn. Nghĩ tới sự này trong lòng càng rối lắm, bởi vì ở đây xứ lạ, mình không quen biết ai, nếu mình gặp ai mướn nấy rồi lúc ra hòn Kim Qui bạn nó dòm thấy vàng bạc nhiều xúm nhau giết mình quăng xuống biển đặng đoạt hết của cải ấy chia với nhau thì té ra mình tìm vàng bạc đã không ích gì mà lại còn hại đến tánh mạng mình nữa.
Thủ Nghĩa nấn ná ở Cà Mau đã ba bốn ngày mà tính việc chi cũng chưa xong. Bữa nọ ăn cơm chiều rồi, trời mát nằm sau ghe mà hút thuốc. Lúc chạng vạng tối đương nằm lo tính toán thình lình nghe có tiếng một người khách than khóc om sòm. Thủ Nghĩa lồm cồm ngồi dậy thì thấy thiên hạ tựu trước một căn phố ngay mũi ghe đông dày dày. Anh ta chẳng rõ việc chi nên lật đật bước lên bờ mà coi, đứng dòm vào căn phố ấy thì có một người Quảng Đông tay cầm dao và nói và khóc, lại có năm sáu người Quảng Đông khác đương ôm người cầm dao ấy mà nói om sòm, người biểu thôi, kẻ khuyên đừng nóng. Thủ Nghĩa ban đầu tưởng là đám đánh lộn nên có ý muốn trở xuống thuyền, chừng nghe người cầm dao đó nói rằng: “Buông tôi ra đặng cho tôi cắt họng tôi chết cho rồi” thì Thủ Nghĩa mới bước vào phố tính hỏi coi có chuyện chi náo nức lắm vậy.
Thủ Nghĩa đứng nhắm Trần Mừng thì người tuổi ước chừng 45, hình vóc cao lớn, bộ tướng mạnh mẽ, mặt ngang môi dày, trong bụng nghĩ thầm rằng người nầy tánh tính cứng cỏi mà trung hậu, nếu mình dùng thì sẽ có ích cho mình được. Nghĩ như vậy rồi mới bước lại kiếm lời an ủi một hồi, chừng khách Trần Mừng bớt buồn rầu và thôi than khóc, Thủ Nghĩa mới nhắc ghế đem lại ngồi một bên, hỏi thăm coi người gốc ở huyện nào, gia sự nguy biến làm sao mà đến nỗi ngã lòng muốn tự vận như vậy. Trần Mừng thấy Thủ Nghĩa không quen biết trước mà có lòng ái truất đến phận mình thì cảm động nên đem hết việc nhà mà tỏ thiệt cho Thủ Nghĩa nghe. Anh ta nói rằng mình là người gốc gác ở tỉnh thành Quảng Đông, cha mẹ sanh có hai anh em, mình là lớn, còn em là Trần Như, nhỏ hơn mình ba tuổi. Hồi nhỏ, tuy cha mẹ không phải là giàu lớn, song nhờ cha đi buôn ngoại quốc mấy năm nên trong nhà có đôi ba trăm nén bạc. Cách mười năm trước, khi mẹ đã qua đời rồi, cha nghĩ trong mình già yếu không thế sanh sản nữa được, nên tính chia tài sản cho hai con đặng có sanh phương đi làm ăn. Cha mua hai chiếc tàu Hải Nam mà cho mỗi đứa một chiếc, lại cho mỗi đứa năm chục nén bạc đặng làm vốn mà đi buôn. Trần Mừng thì thường hay đi Xiêm, Rạch Giá, Cà Mau, Hạ Châu, còn em mình là Trần Như lại hay đi Cao Miên mua khô mà chở về Quảng Đông. Anh em đi buôn chẳng bao lâu thì cha đã tỵ thế. Cách sáu năm nay Trần Mừng ở Xiêm vừa qua tới Rạch Giá thì nghe tin em mình nhuốm bịnh chết ở Biển Hồ, trong lòng bứt rứt chịu không được mới neo tàu ở Rạch Giá rồi mướn thuyền nhỏ mà đi Biển Hồ. Khi ở Rạch Giá ra đi có được 160 nén bạc, sợ để lại dưới tàu không ai giữ gìn nên gói hết mà xách theo. Đã biết đường đi thì đêm hôm vắng vẻ, song Trần Mừng võ nghệ cao cường, sức dám đối địch với một đôi mươi, nên không lo chi họ cướp giựt được. Đi tới Tân Châu sực nhớ mấy năm về nhà ăn Tết gặp em mình thì nó thường hay nói có quen một người ở Tân Châu tên là Trần Tấn Thân, bấy lâu nay thường tử tế với nó lắm, mỗi lần nó đi Cao Miên đều có ghé đó ở chơi một đôi ngày. Trần Mừng tính ghé đó mà hỏi thăm tin tức coi Trần Tấn Thân có biết em mình chết hồi nào và chết tại đâu hay không. Bước vô nhà Trần Mừng xưng là anh ruột Trần Như thì thiệt Trần Tấn Thân niềm nở lắm, trải chiếu mời ngồi, hối trẻ nấu nước, lăng xăng lít xít.
Chừng nghe nói Trần Như chết thì Trần Tấn Thân chưng hửng, nói rằng năm ngoái Trần Như có ghé thăm rồi nói đi Biển Hồ, lại hẹn chừng trở về rồi ghé mà trông hoài không thấy, tưởng Trần Như đi thẳng chớ không dè đã tỵ trần. Chừng nghe Trần Mừng nói rằng bây giờ mình tính lên Biển Hồ trước tìm hài cốt em, sau nữa coi em chết mà bạc tiền ai giữ thì Trần Tấn Thân lắc đầu trề môi rồi nói rằng: “Tháng trước trên Cao Miên có giặc Xiêm(1), nay vừa mới yên, song dọc theo sông quân lính canh tuần còn nhặt lắm, sợ đi chẳng tiện”. Trần Mừng quyết chí dầu khó dễ thế nào cũng đi mà thôi. Trần Tấn Thân thấy vậy mới khuyên Trần Mừng trả tiền biểu chiếc thuyền ở Rạch Giá trở về, rồi mướn ghe lườn nhỏ và hai người chèo đặng đi nước ngược cho dễ. Trần Mừng nghe lời làm y như vậy, lại thấy Trần Tấn Thân thiệt có bụng tử tế nên lấy bạc ra đếm mà gởi cho Trần Tấn Thân 140 nén, còn đem theo vài chục nén mà thôi. Đi dọc đường thiệt lính tuần hay kêu ghe ghé lại mà tra hỏi, song hỏi rồi cũng thả đi chớ không cản trở chi hết. Trần Mừng lên Biển Hồ ở trót tháng, hỏi thăm hết sức mà không ra mối, cùng thế phải trở về. Khi về tới Tân Châu đã nửa đêm rồi Trần Mừng ghé qua nhà Trần Tấn Thân đặng lấy bạc mà qua Rạch Giá; vừa mới kêu cửa thì Trần Tấn Thân lật đật chạy ra, đã không mời vào nhà mà lại dắt lại vườn chuối lựa chỗ tối mà đứng, rồi nói rõ với Trần Mừng rằng: “Chú báo hại quá! Hôm trước chú ghé nhà tôi, kế sáng bữa sau quan Huyện lại vây nhà mà bắt tôi tra hỏi tôi vậy chớ có một tên khách nào ở bên Xiêm đem thơ qua cho vua Cao Miên mà ghé nhà tôi làm việc gì, nói chuyện chi? Tình thiệt tôi khai thiệt mà quan không nghe, cứ khảo tôi hoài. Tôi nói chú có gởi cho tôi cất giùm 140 nén bạc qua Biển Hồ mà tìm em chớ không nói chi hết. Quan nghe nói như vậy mới xét nhà rồi lấy hết bạc, lại bắt giam tôi năm sáu ngày mới chịu thả. Hổm nay quan cho lính rình nhà tôi luôn luôn, đợi hễ chú về ghé qua đây thì họ bắt mà giải chú qua tỉnh. Việc khốn khổ như vậy chú phải liệu thế nào, chớ nếu chú dần dà ở đây chắc là bị hại”. Trần Mừng nghe nói hồn phi phách tán chẳng kể chi đến sự tiền bạc mất, chỉ năn nỉ với Trần Tấn Thân tính giùm coi có mưu nào mà làm cho mình thoát thân được hay không. Trần Tấn Thân bèn mướn một chiếc xuồng nhỏ rồi cho hai người bơi mà đưa riết qua Rạch Giá.
Trần Mừng thuật chuyện cho Thủ Nghĩa nghe, nói tới đây thì ngồi khoanh tay khóc thút thít một hồi rồi mới nói tiếp rằng: Khi anh ta về tới Rạch Giá bước xuống tàu thì trong mình còn có 12 nén bạc mà thôi, không còn vốn mà đi buôn nữa. Anh ta ở Cà Mau có anh em quen nên mới kéo neo xuống đó mà cậy anh em giúp vốn. Thiệt là nhờ có anh em giúp sức nên mấy năm nay mới có vốn đi buôn mà đi buôn năm nào trừ sở hụi rồi còn dư chút đỉnh mà thôi, bởi vậy cho nên đến năm nay cũng chưa trả hết vốn lại cho anh em được. Năm nay tháng giêng anh ta có bịnh, đi biển không được, nên mới sai từng khạo ngồi tàu đi Hạ Châu mua hàng mà chở về. Tàu ngang qua Bãi Bùn rủi gặp giông lớn nên sa vào bãi cạn úp tàu, hàng hóa trôi hết. Anh ta nói đến đây lại càng khóc thêm nữa, than rằng cha mẹ để lại tài sản bây giờ đã tiêu rụi hết rồi, mà sự nghiệp hết chẳng nói làm chi, ngặt mắc nợ anh em không thế trả được, thôi thì chết cho rồi chớ sống mà thất ước với anh em thì xấu hổ lắm, sống làm sao cho đặng.
Thủ Nghĩa ngồi nghe Trần Mừng thuật chuyện gởi bạc cho Trần Tấn Thân mà mất hết thì trong lòng cảm động, rồi lại có ý nghi cho Trần Tấn Thân bày mưu mà đoạt của ấy. Chừng nghe nói sự nghiệp mất hết mà mắc nợ trả chưa dứt nên tính tự vận mà chết thì biết rõ người có đủ trung tín nên quyết kiếm thế mà dụ Trần Mừng theo mình, trước là sẵn có người tin cậy mà dắt đi chở bạc vàng, sau nữa sẵn có kẻ là kiếng là vi đặng ngày sau lo đền ơn báo oán.
Thủ Nghĩa tính thầm như vậy rồi mới kiếm lời ngon ngọt mà an ủi Trần Mừng, lại nói rằng mình thấy anh ta là người có chí làm ăn, mà rủi gặp lúc thời quai vận kiển nên vốn liếng cụt hết thì thương xót nên tính ra tiền cho Trần Mừng trả dứt nợ của anh em hết cho rồi. Thủ Nghĩa hỏi thăm Trần Mừng còn thiếu nợ bao nhiêu thì anh ta nói thiếu mấy chủ bây giờ cộng hết là 50 nén. Thủ Nghĩa trở xuống thuyền lấy 50 nén bạc đem lên rồi đưa cho Trần Mừng biểu lấy mà trả nợ cho người ta. Trần Mừng thấy Thủ Nghĩa thuở nay không quen biết với mình khi không mà dám đưa 50 nén bạc thì lấy làm kỳ, không hiểu Thủ Nghĩa có ý nghĩ gì riêng nên dụ dự không chịu lấy. Thủ Nghĩa nói rằng mình là người giàu có lớn mà không có vợ con anh em chi hết, nay thấy Trần Mừng là người trung hậu mà bị tai nạn thì thương, nên cho 50 nén bạc đặng trả nợ cho người ta cho khỏi thất ước chớ chẳng có ý chi mà ngại.
Trần Mừng thấy lòng quảng đại của Thủ Nghĩa như vậy thì cảm động vô cùng, hỏi Thủ Nghĩa là ai thì Thủ Nghĩa nói mình là Minh Hương, cha Quảng Đông, mẹ An Nam, cũng bị tàu chìm nên mới đến đây kiếm tàu khác mua mà đi buôn nữa. Trần Mừng đứng dậy nắm tay Thủ Nghĩa mà tạ ơn rồi giữa mặt mấy anh em đồng bang ở trong nhà, vùng nói lớn lên rằng: “Nếu ông muốn làm nghĩa nên cho tôi 50 nén bạc mà trả nợ cho khỏi xấu hổ thì tôi cũng phải lo trả nghĩa lại cho ông; vậy thì đứng giữa chỗ này tôi nguyện theo ông mà làm tôi tớ trọn đời đặng đền ơn tri ngộ”. Thủ Nghĩa cười rồi biểu Trần Mừng lấy bạc cất đi đặng mình nói chuyện khác nữa.
Trần Mừng hối bạn quét ván cho sạch rồi dọn mâm hút đặng cho Thủ Nghĩa hút chơi. Thủ Nghĩa sợ bỏ thuyền không ai coi, Trần Mừng mới sai bạn xuống ngủ giữ thuyền, Thủ Nghĩa nói nói dưới thuyền còn bạc nhiều, hai người mới dắt nhau xuống thuyền tát nước lấy bạc bưng hết lên để trên nhà. Đêm ấy hai người trò chuyện cùng nhau coi tâm đầu ý hiệp lắm. Trần Mừng thì kính phục Thủ Nghĩa còn Thủ Nghĩa thì yêu mến Trần Mừng, hai người đều vui, nói chuyện không dứt.
Đến khuya, Thủ Nghĩa mới nói với Trần Mừng rằng mình đã mua chiếc tàu của Kha Mộc rồi, song bây giờ không biết mướn bạn ở đâu mà đi, Trần Mừng khuyên Thủ Nghĩa đừng lo, bởi vì tàu của mình tuy chìm, song bạn bè đều về đủ hết, nếu dùng bạn ấy thì cũng tiện. Thủ Nghĩa lại hỏi bạn đó An Nam hay là Quảng Đông, có đáng tin cậy hay không, thì Trần Mừng nói mười hai người đều là Quảng Đông hết, ở bạn với anh ta đã chín mười năm nay, mà có anh ta đi làm từng khạo thì chẳng có chi lo.
Sáng ngày Trần Mừng lấy 50 nén bạc đi trả nợ dứt hết còn Thủ Nghĩa lấy 60 nén đi mua tàu. Chừng về ăn cơm Thủ Nghĩa biểu Trần Mừng bán hết đồ đạc trong nhà, bán luôn chiếc thuyền của anh ta nữa, rồi qui tựu bạn lại đặng sắm sửa dọn tàu mà đi. Thủ Nghĩa bảo thế nào Trần Mừng làm cũng đều làm y như ý muốn, tuy thấy Thủ Nghĩa còn có 15 nén bạc không hiểu Thủ Nghĩa làm sao mà đi buôn song không dám hỏi, cứ coi bạn dọn tàu và kiếm người bán thuyền với đồ đạc trong nhà mà thôi.
Đồ đạc bán hết, tàu dọn xong rồi, qua ngày mồng một tháng hai, Thủ Nghĩa dạy Trần Mừng đặt một con heo quay mà cúng rồi mới kéo neo làm buồm mà chạy.
-------------------
[1] Thái Lan

Truyện Chúa tàu kim quy ---~~~cungtacgia~~~---

53 Tác phẩm