Mười giờ tối. Tôi bước xuống đường. Hơi lạnh phả vào mặt nghe khô khốc. Nhạc Giáng sinh vang vang khắp nơi, cả trên tivi lẫn trong những quán xá ven đường. Tôi thong thả gõ nhịp qua con phố nhỏ. Con phố này đã bao lần qua lại. Quen thuộc đến từng gốc cây. Nhắm mắt tôi cũng có thể dễ dàng tránh được nắp hố gas rộng mở nằm cạnh một gốc điệp già, một sạp báo nhô ra bên cạnh cây trụ điện chằng chịt dây với cô bé bán hàng thường mang chiếc áo chấm hoa xanh xanh và nụ cười nhẹ nhè mà hàng ngày tôi vẫn đều đặn ghé lại. Đêm nay, phố lạ. Lạ lắm. Phố nhỏ bổng ồn ào. Có một dòng người đang trôi về phía nhà Thờ. Đêm Giáng sinh. Chúa ra đời. Ra đời trong một máng cỏ. Bây giờ, giả sử có một sinh linh nào đấy nằm khóc oe oe trong túm cỏ ven đường, liệu có nhiều người lũ lượt kéo đến hay không? Thỉnh thoảng, một vài ông già với quần áo đỏ, râu tóc bạc phơ và chân mang ba-ta bám đầy bụi đất phóng xe máy lạng lách vòng vèo trên đường. Những ông già Noël đang trên đường làm việc. Lúc chiều, tôi mang đến cho đứa cháu món quà Giáng sinh. Nó toe toét cười: “Gấu cám ơn chú Út”. Tôi thấy vui vui theo nó: “Gấu con mở quà đi”. Gấu con hí hửng mở hộp. Quà là một ông già đang cầm chiếc kèn dài ngoằng, ngộ nghĩnh. “Gấu con bấm vào chiếc nút phía sau lưng”. Nhạc bổng vang lên. Ông già lắt lư. Gấu con cũng lắt lư. Không biết Chúa có mang niềm tin và niềm vui đến được cho tất cả các con chiên của Ngài hay không, nhưng rõ ràng hiện tại Gấu con vui lắm. Tôi bật cười: “Nếu Gấu con ngoan, ông già Noel còn thưởng cả quà nữa đấy”. Gấu con bổng nghiêm nghị: “Chú Út bồng Gấu”, rồi thì thầm vào tai tôi: “Chín giờ tối nay ông Noël mang quà cho Gấu”. “Sao Gấu con biết?”. Gấu con tỏ vẻ bí mật: “Gấu nghe Mẹ nói. Hôm qua Mẹ nói chuyện điện thoại, nhắc đi nhắc lại là phải đúng chín giờ. Mẹ còn bảo chín giờ rưỡi cháu phải ngủ, mà cháu là Gấu chứ còn ai”. Tôi chẳng biết nói gì. Gấu con mới bốn tuổi. Gấu con đang học lớp mầm. Liệu những món quà trong đêm Noël có thực sự mang lại niềm vui cho những đứa trẻ như Gấu?
Tiếng giầy của tôi vẫn thong thả gõ nhịp. Đêm nay, hàng cây bên đường được phủ thêm những chùm đèn nho nhỏ. Trông hết sức đỏm đáng và loè loẹt. Giống như những cô gái trang điểm rực rỡ và ăn vận cầu kỳ đang đứng bên đường. Hôm trước, Hoàng điện thoại: “Giáng sinh đến nhà tao party chứ?”. Tôi cười cười: “Năm nay mày gạch tên tao khỏi danh sách đi”. Hoàng hét lên trong máy: “Sao vậy hả? có tiết mục riêng rồi hả thằng khùng?”. Bạn bè từ thời cấp 3, nên ăn nói tềnh toàng, thoả mái. Nhà Hoàng không theo Chúa, nhưng Giáng Sinh nào cũng tổ chức một bữa tiệc trong gia đình. Đó chỉ là cách giữ chân một cậu ấm trong đêm Noël đầy sôi động. Năm trước, khi tôi bước vào căn phòng cũng là lúc một loạt bong bóng nổ tung. Căn phòng rộn rã âm thanh. Đám bạn thời cấp 3 đã có mặt đầy đủ cùng với một vài khuôn mặt lạ. Bạn mới của Hoàng. Một cây thông xanh sóng sánh ánh màu đặt giữa phòng, lủng lẳng treo đầy những gói quà nhỏ. Bia được đặt trong những âu nhựa để dọc lối đi. Đúng 21:00 những ông già Noël xuất hiện trên vai là những bao bắp rang khổng lồ. Buổi tiệc bắt đầu. Tiếng nổ của khui bia. Từng túm bắp rang được tung lên trắng xoá. Những tia đèn màu cắt chéo, rạch nát không gian. Tiếng nhạc rầm rã cùng tiếng hô vang: “Giáng sinh vui vẻ...”. Không khí náo nhiệt và nóng nực. 23:00 tôi bước xuống lầu để tránh cái nóng. Chị người làm đang ngồi vừa xem tivi, vừa trông cổng. Chương trình VTV4 đang phát chương trình Vầng trăng Cổ nhạc của những người khuyết tật. Những con người khuyết tật đang cố hoà mình vào cuộc sống. Thấy tôi, chị vừa lau nước mắt, vừa hỏi: “Sao em không ở trên đó cho vui”. Tự dưng, tôi bổng nhớ Mẹ. Giờ này, chắc Mẹ cũng đang ngồi một mình trong phòng khách, chắc cũng đang xem tivi, chắc cũng đang lau nước mắt, và có lẻ cũng đang nghĩ: “Nếu có nhiều tiền, Mẹ sẽ đóng góp cho Quỹ những người khuyết tật này...”. Có tiếng gọi của Hoàng, tôi vội chào chị người làm rồi chạy lên. Dance. Những bài nhạc Giáng sinh được bọn bạn phá phách theo phong cách Rap. “Đêm Noël, bùm, bùm..., đêm Noël, bùm, bùm..., chuông giáo đường ngân vang, chát, chát, bùm, bùm..., Oh, yeah...”. Tôi đứng dậy giữa phòng. Một điệu nhảy sở trường. Một điệu nhảy có thể đổ dồn hay phát tán mọi cảm xúc. Chiếc đầu và đôi tay bắt đầu uốn lượn. Những động tác giật mạnh, dứt khoát nhưng mềm dẻo. Đôi chân dậm dật và linh hoạt theo tiết tấu nhanh. Chiếc cổ đong đưa như robot, và thỉnh thoảng hoà theo những câu vô nghĩa: “Oh, yeah... why...”. Rồi bất chợt giật mình thảng thốt khi nhìn về đám bạn xung quanh: “Sao tất cả chúng tôi đều méo mó, những thân hình quèo quặt, những cánh tay tật nguyền. Có phải tất cả chúng tôi đều là những người khuyết tật?”
Tôi xoè tay bật lửa, lặng lẻ rít một hơi thuốc dài. Khói thuốc theo cánh mũi ngùng ngoằn bay lên như dùng dằng, lưu luyến. Chỉ còn vài bước chân là hết con phố nhỏ. Là nơi giao nhau giữa phố nhỏ và đại lộ thênh thang. Người đông quá. Những đôi tình nhân đứng ôm nhau tràn cả lòng đường, tạo thành đám đông, tạo nên kẹt xe, và cũng có thể đấy là điểm khởi đầu cho những bộn bề cuộc sống. Những bàn tay nắm chặt bàn tay. Những nụ hôn hoặc vội vã hoặc kéo dài không cần giấu giếm. Tôi bật cười một mình. Liệu trong những cặp tình nhân ấy, có bao người thật sự yêu nhau? Liệu những vòng tay khát khao và những nụ hôn dại khờ đó có thật sự tìm thấy sự rung động đến từng tế bào hay đã pha một chút màu, chút mùi gì khác?. Hôm trước, Khánh có dịp công tác tại nơi tôi ở và phone cho tôi: “Lâu lắm không gặp mày, chiều nay gặp mặt một chút”. Gặp mặt một chút của nó là kéo vào quán bia ven đường. Tại đó, tôi tình cờ nghe được một mẫu đối thoại của bàn bên cạnh: “- Giáng sinh năm nay không có bạn gái dắt đi chơi”. “- Có gì mà buồn? Mày có thể “đón” một em nào đấy để đi chơi, nhưng nhớ, đừng trả tiền trước. Đường xá Noël đông lắm, chỉ là đề phòng em chuồn thôi mà...”. Lạy Chúa! chắc Người không bao giờ nghĩ rằng, để đến bên Người trong đêm Noël, con người đã làm những điều như vậy. Tôi lắc mạnh đầu, như có thể xua tan đi mẫu đối thoại. Một cậu bé đang kéo lại chiếc mũ len trùm kín tai rồi hà hơi lên tay áp vào đôi má đang đỏ bừng vì lạnh của cô bạn bên cạnh. Xung quanh vẫn còn biết bao khuôn mặt đáng yêu. Tôi lại mĩm cười. Noël có phải là đêm dành cho tình cảm lứa đôi? Chắc là vậy. Rồi ngẫng mặt nhìn lên đỉnh nhà Thờ. Trên đó, có một vì sao năm cánh đang nhấp nháy. Sáng dịu. Bình yên. Nhưng đêm nay, đám đông không phải là của tôi, Giáng sinh cũng không giành cho tôi. Không có chổ đứng cho một gã đàn ông 26 tuổi đang một mình lơ ngơ giữa phố.
Đêm nay, giữa một không gian rộng lớn, giữa một đám đông ồn ào, không có chổ đứng cho một gã đàn ông 26 tuổi đang một mình lơ ngơ giữa phố. Nếu có người quen nào nhìn thấy tôi lúc này, chắc sẽ ngạc nhiên lắm. Tách đám đông và bước lên cầu, thọc sâu hai tay vào túi quần, tôi thong thả gõ nhịp. Mặc những gì đang hối hả xảy ra xung quanh, mặc những âm thanh pha tạp, mặc những ánh mắt tò mò. Tôi chú ý lắng nghe. Có tiếng nước đang ì ạch vỗ vào những trụ cầu. Nghe xa vắng lắm. Nghe dịu dàng lắm. Như một tiếng thở dài trong đêm. Những âm thanh dịu nhẹ trong đêm thật nồng nàn gợi cảm. Như được lấy ngón tay di di vào môi mắt người mà mình yêu thương. Nghe như tiếng của đỉnh lòng đang thổn thức. Rồi đâu đó, tôi chợt nhận ra giai điệu quen thuộc ca khúc Goodbye của Air-Suply. Một bài hát mà tôi có thể nghe trong bất cứ tâm trạng nào. Sâu lắng. I can see the pain living in your eyes, anh I know how hard your try, you deserve to have much more. Ừm, thì tôi thấy được những nỗi đau trong ánh mắt của em, ánh mắt khi nói lời giã biệt. Ánh mắt đó đã theo tôi trong từng giấc ngủ. I can feel your heard and I simpathize, anh I’ll never criticize all you’ve ever meant to my life. Đã một thời, em là của tôi, là suy nghĩ, là ý nghĩa cuộc đời. Giờ này không biết em đang làm gì. Đang tung tăng bên một người bạn mới? Đang nguyện cầu trước Chúa cho những điều ước của mình? Một tình yêu tự nguyện. Chia tay một tình yêu cũng tự nguyện. Cớ sao lòng lại cứ phải xót xa. Gió trên cầu thổi mạnh, lật tung những nhánh tóc bờm xờm. Tôi lắc mạnh đầu, để mặc cho tóc tự do phủ tràn xuống trán. Đứng giữa cầu, tôi có thể phóng rộng tầm mắt nhìn về thành phố, thấy ánh sao lấp lánh trên nóc nhà Thờ. Chúa ơi! Tại sao có những cảm giác yêu thương lại còn có cả thứ tình cảm mang tên gọi Tình yêu, tại sao khi đã có Tình yêu lại còn có cả những ly biệt. Thế thì sau ly biệt, con người sẽ còn lại những gì? Nhiều hơn hay ít đi so với những gì mà con người vốn có? Rồi sẽ có một tình yêu thay thế một tình yêu, nỗi nhớ này được thay thế bằng nỗi nhớ khác, nhưng liệu rằng đó là tình yêu hay chỉ là những cái na ná như tình yêu mà người đời thường nói. Có tiếng chuông nhà Thờ gióng giả vang lên. Giờ khắc Chúa ra đời. Sương rơi. Phủ bạc mái đầu.
Noel 2004

Xem Tiếp: ----