Lại bắt đầu một mùa trăng nữa. Khi nãy Uyên trông thấy cái vầng sáng bàng bạc, thanh mảnh, dịu hiền hình lưỡi liềm bẽn lẽn ẩn sau lũy tre làng. Mới 9 giờ tối. Vậy mà cả xóm dường như đã chìm vào giấc ngủ. Chỉ có cửa nhà ông Ba là còn để ngỏ. Ánh điện mờ mờ, nhàn nhạt, xanh xao của bóng đèn tròn yếu ớt hắt ra ô cửa nhỏ bé trông hiu hắt thế nào. Từ chỗ Uyên ngồi nhìn sang thấy hai bóng người cúi mặt gần sát đấy, chốc chốc lại ngẩng lên cho đỡ mỏi. Thỉnh thoảng, những tiếng gõ đều đều phát ra từ hướng đó, chìm vào cái tĩnh lặng của đêm quê nghe đơn điệu, tẻ nhạt và buồn đến lạ. Ông bà chắc đang cặm cụi làm thêm vài cái rổ cho phiên chợ ngày mai. Cả nhà Uyên đều đã đi ngủ. Một mình cô nằm dài trên chiếc chõng tre ngoài sân. Mẹ cũng tắt điện rồi: "Chẳng làm gì để chi cho tốn tiền. Con hóng mát một chút rồi vô nhà đóng cửa cẩn thận nhé!" "Dạ, mẹ cứ ngủ trước đi. " Uyên trả lời nhưng biết mình sẽ còn ngồi đây lâu, lâu lắm... Giờ này ở kí túc xá, có lẽ cả bọn vừa đi thư viện về, rồi lại sắp đùa giỡn, la hét...Thật vô phúc cho đứa nào ở nhà, lười học, chui vô mùng sớm. Thế nào cũng bị nhỏ Thơm lôi cổ hoặc quậy phá cho đến khi chịu nhảy xuống khỏi giường mới thôi. Phòng Uyên sống vui vẻ và tốt lắm. Ở chung bốn năm trời còn gì. Thương yêu, hiểu nhau quá đỗi, hễ có dịp là túm lụm lại bày trò, chọc đứa này, trêu đứa kia. Lúc thì nằm ngổn ngang giữa cái nền gạch bông chật hẹp, đè nhau la hét chí chóe. Khi lại im lặng nghe Thành và Nhung hát, hứng lên cả phòng cùng "rống" thật to...Lắm hôm chỉ mỗi mình Thơm đóng kịch, làm trò hề đến lúc cả bọn ôm bụng cười ngặt nghẽo bảo ngừng. Rồi lại nhảy lên giường, cặm cặm cụi cụi ghi ghi chép chép, rồi thư viện, giảng đường, rồi ăn uống, nghịch phá...Nhiều khi Uyên cứ ngỡ như mình đang sống trong một gia đình thật hạnh phúc chứ chẳng phải chỉ giữa tình thân bạn bè. Uyên hình dung sẽ đáng chán và vô vị biết bao nếu đời sinh viên không có những tháng ngày sống ở kí túc xá...Vậy mà bây giờ đã trở thành những kỷ niệm xa ngút ngái...Làm sao Uyên không nhớ, không buồn...Đến khóc mất thôi! Chẳng biết dạo này tụi nó sống thế nào nữa? Có vất vưởng, chán chường kéo lê những ngày dài thất nghiệp như Uyên? Từ ngày rời trường, chỉ liên lạc được với vài đứa...Mà năm mùa trăng rồi chứ ít! Hôm chia tay, trăng cũng bắt đầu mọc như thế này đây. Cả phòng kéo nhau ra biển nằm dài trên bãi cát. Lặng im, thở dài rồi ôm nhau khóc. Nghe trong lòng như vỡ vụn...Vậy là hết quãng đời sinh viên, hết những ngày vật lộn với sách vở, hết những ngày sống chung, hết cái thời vô tư...Bốn năm trời cực nhọc chỉ để chờ đợi cái giây phút nhận tấm bằng đại học, chuẩn bị bước vào đời, tự lập...Sao ai cũng buồn quá đỗi? Cứ như là vĩng viễn chẳng gặp nhau nữa...Ừ! Mà chắc là thế...Bây giờ Thơm và Nhung đã vào tận Sài Gòn xô bồ, tấp nập. Thanh và Vân tìm việc trên cao nguyên xa tít mù. Thêm về Quãng Ngãi...Biết đến khi nào...Uyên lại thở dài, không dưng mà khóc ngon lành. Lúc này đang ở kí túc xa, thế nào Đào cũng lôi Uyên ra giữa phòng, cả bọn xúm xít, quây quanh trêu "Nghe vẻ nghe ve, nghe vè mắt ướt..." Uyên sẽ lại thấy lòng mình mềm ra, sẽ lại có cảm giác bình an, được sẻ chia, sẽ lại ngập tràn vui sướng giữa tình thân... Hôm qua đi chợ, Uyên tranh thủ ghé Kiều một chút, thấy nó đang úp mặt nức nở trong phòng. Hoảng hốt, chạnh lòng..."Quang vừa gọi điện chia tay với tao..." Tuần trước, nghe nó kể chỉ là một chuyện giận hờn nhỏ thôi...Vậy mà..."Có lẽ cũng phải thế. Quang thì xa tít tắp ở cao nguyên, tao giờ vẫn chưa biết đi đâu....Kéo nổi bản thân trong những ngày này đã không dễ, huống nữa là thêm một tình yêu, Uyên nhỉ?" Uyên thở dài, ôm Kiều, thấy mình đang khóc theo. Bao nhiêu cuộc tình thời sinh viên sẽ vỡ tan trong những tháng ngày tìm việc mỏi mệt như thế này? Sự say mê, hăng hái, lãng mạn của tình yêu sinh viên chẳng lẽ cũng bị nhấn chìm vào cái cảm giác chán chường, thất vọng vì không xin được việc ư? Không biết mấy đứa khác trong phòng có giữ nổi tình yêu?...Và tiếp tục suy diễn, tiếp tục chạnh lòng, tiếp tục khóc...Biết mình lại mềm yếu trước nỗi đau ngày cũ. Cái cảm giác nhỏ bé, lẻ loi, trơ trọi của kẻ mất tình yêu vụt trở về sau hơn một năm trời...Ừ! Ngày đó nếu như Nguyên chẳng phải ở nhà thất nghiệp sau sáu năm miệt mài đèn sách, nếu như Nguyên vẫn còn là sinh viên để không có cái cảm giác rã rời, thấy mình bất lực trước lo toan của gia đình, nếu như Uyên đừng quá vô tâm, nông nổi, nếu như Uyên biết chia sẻ và thông cảm cho Nguyên hơn thì cuộc tình của hai đứa có sớm vỡ tan như thế này? Bây giờ, khi Uyên đã hiểu được, biết cảm thông, biết sẻ chia thì tình yêu chẳng còn...Lâu lắm rồi hai đứa không tin tức cho nhau. Nguyên hình như cũng đang vật lộn với cuộc sống kiếm tiền để học tiếp...Nghe trong lòng lại vỡ vụn niềm đau ngày cũ. Định kẻ cho Kiều nghe "...cũng thế, cũng thế..." nhưng sợ càng làm cho không khí não nề nên thôi. Mà Kiều vững lắm, sắp tới lại là những ngày tất bật đi tìm việc, vùi đầu vào một nỗi lo lớn, rồi bước sang môi trường mới...Kiều sẽ qua được thôi. Ủy mị, mềm yếu như Uyên còn "sống" được nữa là... Cũng hôm qua, Thành gọi điện thông báo "Thảo vừa lấy chồng tuần trước, chỉ có mình tao dự đám, buồn lắm mày ạ! Vội vàng quá, nó nhờ tao nhắn tụi bay đừng trách..." "Thế còn Duy, tụi nó yêu nhau đã bốn năm trời?" "Duy cũng đang chạy ngược, chạy xuôi tìm việc máy tính, Duy làm sao lo nổi cho Thảo lúc này, ba má nó lại già yếu, bệnh nặng...Hôm qua, Thảo tới chơi, bảo là sắp chuyển đi Vũng Tàu cùng chồng, hình như nó tìm được một chỗ dạy ở đó..." Không dưng hai đứa cùng ôm lấy ống nghe mà thở dài, thấy lòng buồn thỉu, buồn thiu. Thương cho Thảo, cho cả Uyên và mấy đứa khác...Thành may mắn nhất trong cả bọn. Dường như nó sinh ra là để gặp suôn sẻ. Từ học hành, gia đình đến tình yêu, sự nghiệp. Ra trường tháng trước, tháng sau đã có việc làm tử tế trong một công ty nước ngoài...Mừng cho Thành...Thêm vài câu hỏi han về bạn bè trong phòng "À! Tao chỉ nhận được thư Bích, nghe nói nó phải làm trái nghề, chui vô tòa soạn báo nào đó, lương chỉ 200.000 đồng"...Thành lại chuyển sang việc ở công ty, về ông giám đốc tốt bụng, về tình yêu của nó...Uyên chạnh nghĩ đến mình, đến Kiều, Thảo, Duy và mấy đứa còn thất nghiệp, lòng buồn vô hạn... Đồng hồ gõ 11 tiếng. Ông bà Ba vẫn còn miệt mài với những cái rổ. Tiếng cốc, cốc...tiếp tục vang lên đều đều, tẻ nhạt...Ở quê là vậy, cặm cụi cả ngày cũng chẳng đủ ăn. Nhiều bận, Uyên cảm thậy xấu hổ thế nào khi nhìn hàng xóm, nhìn những đứa trẻ nhỏ xíu, đen đúa phải còng lưng vác lúa, còn mình thì ngồi bó gối xem tivi, đọc sách...Những lúc ấy, Uyên thường khép cửa kín mít, chui vô buồng nằm vật ra giường nghĩ ngợi linh tinh, chờ đến giờ nấu cơm. Nhà Uyên ở quê nhưng không làm ruộng, hàng ngày Uyên chỉ có mỗi một việc là trông nhà, ai đến gọi điện thì thu tiền. Có ngày được vài người, lắm hôm chẳng có khách...Điện thoại ở đây là một vật dụng xa xỉ. Chợt hình dung sáng mai này thức dậy, quét dọn xong lại ngồi bó gối trên cái đi-văng cũ kỹ, thì thoảng giật mình nhìn những chiếc xe ầm ĩ chở gạch chạy ngang, bụi thốc vô nhà mù mịt, khi nắng lên dọi vào ô cửa sổ đầy đất đỏ, tạo nên cái không khí rông rốc, bực bội, khó chịu, lại ôm lấy tivi mà đầu óc để tận đâu đâu, lại chán chường lật mấy quyển truyện cũ mèm, lại nằm dài trên giường hết ngủ thì mở mắt nghĩ ngợi chờ thời gian trôi...Uyên thấy sợ cái ngột ngạt, khó thở, đơn điệu của nhàm chán...Thà trơ trọi giữa đêm khua thế này còn dễ chịu hơn... Chuông điện thoại bỗng reo vang ngăn đôi tiếng thở dài của Uyên. Cô chạy vội vào nhà. Đã 12 giờ. Bà trở mình càu nhàu: "Khuya thế này ai còn gọi điện?" "Dạ, chắc là bạn con bà ạ! Bà ngủ nữa đi." Nghe đầu dây bên kia giọng nói chán chường mệt mỏi của Kiều: "Ờ...xin lỗi, nhưng Kiều không ngủ được, buồn quá...Uyên thế nào?" "Cũng vậy thôi," "Vẫn chưa có gì tiến triển hơn à?" "Chưa, họ bảo tao chờ tiếp. Còn Kiều?" "Có khác gì đâu. Ba Kiều vừa bán cái xe máy để lo việc. À! Mà có khi Kiều đi Sài Gòn Uyên ạ! Tìm chỗ dạy kèm cũng được...", "Đã nghĩ kỹ chưa? Kiều không thích hợp với lối sống trong đó đâu", "Chẳng biết nữa...Hay là lại chờ?" "Có lẽ thế", "Để xem, thôi nhé, Uyên ngủ đi!" "Ừ!"...Thêm một đứa có ý định vào Sài Gòn. Cuộc sống nơi ấy ra sao nhỉ? Chắc là bon chen, chắc là thực dụng...Uyên sợ lắm! Mà không lẽ ở quê nhà, Uyên chẳng tìm được một công việc thích hợp?...Cô lại ra ngồi ở cái chõng tre...Đêm bây giờ có thêm những hồi còi rú dài, lanh lảnh vọng lại, nghe rõ cả tiếng tàu chạy xình xịch, tiếng nghiến ken két, rờn rợn của những bánh xe nghiến vào đường ray. Hồi trước, cứ sắp đến ngày lễ, tết, nghe những âm thanh này, thế nào lòng Uyên cũng nôn nao, nhấp nhỏm, đợi chờ "chẳng biết chuyến tàu nào đưa Nguyên về thăm cô?" Giờ thì xa xôi quá đỗi! Mà có lẽ giờ này đêm mốt Uyên cũng sẽ đang ngồi trên tàu đi Phan Thiết. Chị gái vừa gọi điện bảo người ta nhắn Uyên vào phỏng vấn. Trước kia, chỉ định gởi đơn cho chị nộp chơi thôi nhưng lúc này Uyên mong họ nhận. Miễn là có một chỗ làm...Ờ! Khi nãy Uyên không báo cho Kiều biết... Mẹ đã ra ngồi cạnh bao giờ, đến lúc cảm được cái ram ráp, ấm ấm, dịu dàng từ đôi tay mẹ ở nơi vai Uyên mới hay "khuya lắm rồi, vô ngủ đi con. Sáng mai còn đi công chứng giấy tờ..." "Dạ" Uyên xếp chõng tre mang vào nhà, liếc sang thấy ông Ba cũng đang lui cui đóng cửa. Cô nhẹ nhàng thả mùng nằm xuống cạnh mẹ... Đêm lúc này chỉ còn lại tiếng côn trùng rả rích. Mà không! Dường như giờ có thêm tiếng mưa rơi khẽ đập vào mái tôn nhè nhẹ... Bình Định