1
Anh nhổm người với lấy cái muỗng, quay sang hỏi Ngà: “Về hả, trễ rồi?”. Anh gõ keng keng vài cái vào cái ly thuỷ tinh, từ một xó nào không rõ, một cô gái nhỏ bé đi nhanh lại chỗ hai người, vén cành lá loà xoà, thần mặt làm một con tính nhẩm rồi lễ phép: “Dạ! Tất cả là...” Ngà giữ tay anh: “Để em, hôm nay em có lương!” Cô gái giơ những đồng tiền lên, hứng ánh nắng từ ngoài hắt vào để “kiểm tra”. Anh cười: “Em đang thất nghiệp cơ mà, sao có lương”. Ngà vỗ nhẹ vào cái túi, thấy mình hơi vênh váo: “Gói bánh đó! Em nói anh rồi mà!”.
Anh chở Ngà đi ngang cầu đá, đêm đầy mây hồng nặng nước và sẫm nghe như từ một bầu trời xa xôi nào khác chứ không phải của bầu trời này, vẳng lại. Leo đến giữa cầu anh dừng xe, Ngà ra vịn thành cầu nhìn xuống con thuyền nhỏ đốt đèn vàng đi cô độc trên dòng sông rộng và tối đen. Anh vặn cổ rắc rắc bảo: “Thằng nào mà tóm được mình đang đứng như thế này thế nào cũng nghĩ mình lãng mạn lắm!”. Ngà hơi sựng: “Chứ không phải vậy sao?” Anh cười: “Tại anh mệt, nghỉ một chút đã!” - “Chừng nào anh về nhà?”. Ngà hỏi, vẻ cầu khẩn - “Chừng nào hết giận thì về!”, mặt anh sa sầm lại, và ngà lo âu quay đi, ở cuối trời chớp lại nháy sáng xa xôi và trên sông gió nồng nồng, lành lạnh.
2
Tổ hợp thông báo ngắn gọn: “Hết hàng!”. Ngà đã ngủ sớm dậy trễ, ở nhà được ít bữa, thấy không đi đâu mà tiền trong túi có vẻ lại vơi đi nhanh hơn, bèn sang xưởng bánh ở bên cạnh làm thêm, chờ thời. đó là một cái nhà cao lêu đêu, thơm ngào ngạt mùi bột đường và nước hoa bưởi, sàn nhà dinh dính và người ta phải trải mấy cái chiếu cói cho thợ gói bánh. Đám thợ này ngồi bên những mẹt bánh in, bánh đậu xanh, cứ hai người chung nhau một cái đèn dầu, gói rồi hơ lửa, cằm tì đầu gối, cứ đều như vậy, dưới sự giám sát “mật” của một bà dì, có lẽ là “gián điệp” của chủ nhà cài vào đám thợ để chống ăn vụng. Họ cứ lừ đừ bên cái mẹt ấy từ sáng đến chiều tối ngồi xiêu vẹo trên một nửa tầng hai. Ngồi một lúc là dàn ra cả lối đi, và suốt quá trình dời chỗ âm thầm và vô tư ấy, cô cứ lan man và vụn vặt nghĩ: “Cái nghề chính của mình là gì nhỉ? Nghề của Lãng là nghề gì nhỉ? Bỏ đi với nhau bây giờ thì sống bằng gì?”. Vừa nghĩ vừa gói, vừa dàn ra lối đi như thế cho đến mười một giờ thì một anh thợ nhô đầu lên khỏi cầu thang gọi: “Ăn cơm!”. Khi ấy mọi người mới vặn mình, nối đuôi nhau xuống nhà.
3
Lãng giận nhà, bỏ đi đã hơn mười ngày. Lúc đi xách theo một túi xốp quần áo, phân vân không hiểu có nên lấy chiếc cub đi luôn không, rồi mơ hồ cảm thấy thế nào rồi cũng phải quay về nên vào nhà xe, chọn lấy cái xe đạp tốt nhất mà đi thẳng một mạch xuống nhà Tiến. Tiến yêu Lãng như em ruột, vợ Tiến còn bé tí cũng bắt chước chồng, coi Lãng như em. Hai vợ chồng sống bằng nghề may gia công, Lãng ví họ là Phật bà, còn nghìn mắt nghìn tay là các cô hàng xóm. Công việc đã được sắp xếp như thế này: buổi sáng, Lãng đi giao hàng, lấy vải, Tiến và vợ cắt vải theo cái mẫu bằng bìa cứng, các cô gái đến nhận về may. Người ta cứ làm như thế từ ngày này sang ngày khác, đôi khi vừa đạp máy vừa nghĩ: “Sao mà lắm kiểu áo này thế, ai mặc nhỉ?”
... Tiến nói: “Xong việc mày muốn đi đâu thì cứ đi”. Lãng chẳng thiết đi đâu, anh nằm dài trên ghế bố, sai trẻ con đi thuê truyện, đọc chán lại ra quán hớt tóc gần nhà chơi. Được ba ngày, Ngà đến thăm, đã thấy anh có cái đầu kỳ quái y hệt đám thanh niên trong xóm. Cô bảo: “Anh dở lắm, đến vùng nào là trông giống ngay dân vùng ấy!”. Rồi họ đi chơi, thường là ra công viên gần đó để chèo thuyền, mỗi đêm trở về, Tiến hỏi: “Chừng nào tụi mày cưới?”. - “Trời ơi, trong tay đã có gì đâu?”. Lãng kêu lên. Vợ Tiến cúi đầu nói như một kẻ thoát nạn giờ quay lại thương xót người đang kẹt lại: “Thôi, sớm cưới đi, tội nghiệp lắm!”. Lãng cũng lơ mơ thấy tội nghiệp, hai vai mỏi nhừ, anh nằm vật ra, và ngủ mất.
4
Chọn mãi cũng được một cái thuyền với đủ mái chèo, phao bơi và nước trong lòng thuyền chỉ lềnh bềnh xâm xấp màu rêu cặn. Những cái thuyền bên cạnh có lẽ lâu rồi không ai đụng tới. Nước đã ngập đầy, mũi quay vào bờ, bị kéo vào một sợi dây buộc vào cái cọc sắt gỉ cắm trên bệ cỏ. Ngà lên trước, Lãng gỡ dây, phóng lên sau và cái thuyền chòng chành lùi xa bờ, họ cười vang và chia nhau mỗi người một cái chèo. Trên cầu ván có lan can sơn xanh đỏ như đồ mã, mấy anh bán vé tò mò nhìn theo, họ nghe hai người cười, họ thấy cái thuyền vừa quay mòng vừa tiến ra giữa dòng và hai mái chèo quơ quàng khều mặt nước.
Sáu giờ, nắng tắt đi nhanh chóng trên những ngọn cây. Lãng nói: “Chèo ra bãi sen nha”. Ngà thở dài: “Em mệt lắm rồi, đừng chèo nữa, để im gió cũng đẩy thuyền tới đó mà!”. Cô không cười nổi nữa, cô cáu tiết tuy thấy mình hơi vô lý, vì sao anh cứ vô lo như thế mãi, hình như đàn ông con trai ai cũng thế cả, càng lớn càng lơ mơ, dửng dưng với chuyện vợ con... Lãng vẫn bặm môi, hướng về những đoá sen ngả tím dần trong trời chiều, chèo hăng hái như một thằng trẻ con. Ngà thở dài “Tụi mình rút cuộc chẳng nghề ngỗng gì cả!” Lãng tròn mắt: “Anh biết chạy mánh!”. Ngà buột miệng: “Trời! Mánh cò con! Cái đấy không ổn định!” Lãng thẫn thờ tay chèo: “Biết làm gì ổn định bây giờ? Sửa xe à? Hay sửa điện? Hay thi vào một trường nào vậy?” Ngà kêu lên: “Thi không nổi đâu!”, rồi thấy Lãng quay lại, mặt đầy tự ái, cô thu mình lại: “Anh bỏ lâu quá mà”.
Họ im lặng tiến về bãi sen. Trên bờ vắng, mấy ông cụ dưỡng sinh đã bắt đầu thu dọn tấm trải. Góc hồ, một anh thanh niên đầu dinh chèo chiếc thuyền nhỏ của đội bảo vệ la to: “Không được hái sen nha. Hái: phạt!”, rồi lại nhắc nhở một ai đó: “Ngồi xuống giùm tôi đi!”. Lãng nhếch mép: “Thằng này cũng có một nghề, nghề rình rập!”. Ngà cau mày: “Nhưng ổn định, ít ra hàng tháng nó có lương!”. Lãng nổi cáu: “Lấp hồ thì cũng thất nghiệp, như tổ hợp của em cũng làm em thất nghiệp!” Ngà lí nhí: “Thì lúc đó lại bằng anh!”. Lãng sẵng giọng: “Em nói như con điên. Im đi là vừa!”. Ngà tì cằm trên đầu gối nước mắt nhoè nhoẹt, cô thoáng nghĩ: “Cái mũi mình đang đỏ lên đây!”, rồi nhìn thấy trên ghế đá bờ hồ có hai người đang đùa với nhau, cô tủi thân lại khóc nhiều hơn. Lãng bối rối, nói vẻ khó chịu: “Trời, thôi nín đi!”. Rồi anh quàng lấy vai cô, Ngà lo lắng, thấy bàn tay này sao mà vô hồn và cô không dám gạt xuống, cô nghĩ: “Gạt xuống là giận luôn!”, nên ngồi im, lưng còng xuống, như một đứa trẻ con đang chơi ô ăn quan.
Họ đã nhắc đi nhắc lại chuyện đi bụi này của Lãng không biết bao nhiêu lần để cuối chuyện kết luận: “Không hiểu chừng nào tụi mình thoát được khỏi gia đình?”. Thỉnh thoảng, Lãng vẫn nửa mơ màng, nửa láu cá nhắc đến một cô A hay cô B nào đó ở xóm thợ may đã mua cho anh thuốc lá, rồi mấy hôm sau đổi ý lại tặng anh kẹo ngậm để cai thuốc, anh lắc cái đầu: “Con gái tức cười!”. Anh đã về nhà được khoảng một tháng, đã lấy Honđa chạy đi chơi vung vít trở lại, bây giờ thì không thích chèo thuyền nữa, than: “Mệt!”, rồi thanh minh: “Tại lúc ấy công việc gần nhà thằng Tiến!”. Ngà bảo: “Anh học một nghề gì đi!”, rồi nửa đùa nửa thật, cô cười: “Học đi! Xong rồi em với anh đi bụi!”. Lần nào cũng vậy, anh lại cũng nhíu mày nghĩ ngợi: “Học cái gì bây giờ”. Nghĩ mãi không ra lại tự biện bạch rằng mình đã già rồi, xong lại rủ Ngà đi chơi, đêm về trên đường lại rủ rỉ với nhau rằng mình chưa có gì trong tay mà mong tách khỏi gia đình, và thế là khoan bàn về ngày cưới.
9-93
 

Xem Tiếp: ----