Trong đám trò nhỏ đó, cô thương nhất em. Cậu học trò ngồi dãy giữa, bàn hai, chỉ cần năm phút sau khi tiết một bắt đầu là dép đi đằng dép, chân đi đằng chân. Em nhỏ thó, tóc mỗi tháng mỗi kiểu, có lẽ do bố em không chủ động được tay kéo. Mỗi sáng, em được bố chở đến trường, có bữa là mẹ em. Mẹ em đẹp người. Em giống mẹ. Em học lớp Ba.
Mặc dù đã luôn tự nhủ: "Phải yêu thương đồng đều!" nhưng cô vẫn thương em hơn hẳn. Không chỉ tại em giỏi nhất lớp, (năm nào mà chẳng có trò giỏi nhất lớp), còn tại một cái gì đấy không rõ làm cô luôn dịu xuống trước em. Em trả bài vấp (chuyện này hiếm), cô cứu em bằng câu hỏi giữa chừng, vì cô nghĩ tối qua cúp điện, đến cô người lớn chấm bài còn nhức mắt, làm sao bắt em còn bé mà phải học với đèn dầu. Em đi học trễ, cô nghĩ ngay ra chắc lại hỏng xe, thấy tội nghiệp em hớt hải đi vào, cô chọn cái nhìn thật dịu dàng, biết chắc là khối đứa bạn em đang ganh tị.
Cô nhớ buổi sáng cái ngày ba em tự tử. Ðưa em đến trường, ba em mặc áo ca-rô, thả em xuống xong, còn đứng nhìn theo em xốc lại ba-lô, vào cổng. Mẹ em khác, mẹ em không bao giờ nhìn như thế. Tự nhiên lúc ấy cô nghĩ, em học giỏi là di truyền từ ba. Ba em tự tử vì chuyện gì không rõ, hình như nợ nần, vỡ hụi, hình như ông chủ đòi nhà...
Từ đó, em đi học một mình. Cô đi trên đường thấy em nhỏ thó, tóc cắt thật cao kiểu để dùng một lần cho mấy tháng, cứ đi một quãng lại xốc ba-lô lên. Những cái xe tải thỉnh thoảng chạy qua tung bụi mịt mùng che cả em, cô sợ quá. Cô nói em lên ngồi cô chở, em ngồi ngoan như trong lớp vẫn ngồi. Cô hỏi các anh của em làm gì, em bảo một anh thì đi học, một người đi xây nhà. Thế còn mẹ em, cô hỏi, mẹ em nấu cơm với giặt đồ, còn ba em chết rồi, em nói ngây thơ, nhẹ nhàng như thể ba về quê Quảng Ngãi, mấy bữa nữa về thể nào cũng mang theo đường phổi.
Nhưng từ đó, em học sút hẳn. Vẫn nhất lớp, nhưng cái cách nhất của em không được như xưa. Hai tháng sau, dù thương, cô vẫn phải để em tụt xuống hạng hai. Họp phụ huynh, thay cho ba em nghiêm túc mọi khi là anh em, mặt hiền lành nhưng non choẹt, cả buổi họp cứ nhấp nhổm nhìn ra hành lang có cô giáo mới về trường đi qua. Anh của em nghe thông báo em học kém đi rất chăm chú, đầu gật gật, nhưng cô chắc là anh ấy chẳng nghĩ gì, cô sợ những người đi họp kiểu này. Cô lại biết, đây là người học cao nhất nhà em, cô đâm lo, ai sẽ dạy em đây?
Cô quyết định, một chiều kia, đến nhà em. Có mình em ở nhà ngồi bệt dưới sàn, kê vở lên cái ghế con, làm toán. Em bảo cô đợi, em chạy đi gọi ầm trong xóm, mẹ em từ trong một nhà nào đó vội ra. Ngồi ở đây cô còn nghe tiếng mẹ em dặn dò hàng xóm: "Cô giáo tới hả?... Ðợi chút nha, ê... hay mày chơi giùm tao ván này đi". Cô ngồi lật loe hoe hai, ba tờ báo cũ mèm, nghĩ, cô đến làm mẹ em dở dang buổi xòe bài cùng hàng xóm, cô nghĩ chắc tại ba em mất, mẹ em phải giải khuây... Chiều đó, mẹ em cho phép cô đón em về nhà cô một tuần ba buổi chiều, mẹ em hỏi gọn lỏn: "Chịu không?", em ngượng nghịu nhìn cô cười, dựa vào mẹ, gật đầu. Khi cô ra về, mẹ em cùng em tiễn ra cổng, mẹ em hỏi: "Vậy là từ chiều mai, hả cô?".
Thế là em đến nhà cô vào Ba, Năm, Bảy. Cô dạy em học. Cô biết thế là cô thiếu công bằng, những buổi học thế này, đáng lẽ cô phải dành cho trò kém. Nhưng, cô tự bênh vực mình, mình mới ra nghề, mình còn trẻ, phần bản năng trong mình còn lớn... Mình thích sao thì làm vậy, thế thôi. Cô nhìn em ngồi chênh vênh trên ghế ăn cơm với bà, hai chân đong đưa, quần tây cũn cỡn... Buổi tối, cô chưa kịp nói, bà đã bảo để bà mua miếng vải may quần mới cho em, nhưng, bà dặn thêm, mình may chứ đừng đưa cho mẹ nó.
Khi em đã quen với nhà cô, quen cả với mấy con chó đến mức nó đùa được với em thì mẹ em đòi em lại. Một buổi chiều, mẹ em dẫn em đến nhà cô. Em trông khác hẳn, nai nịt gọn gàng, đầu đội cái mũ lưỡi trai tròn đã cũ, đeo bình nước chéo ngực, như sắp sửa đi dã ngoại. Mẹ em nói cảm ơn cô với bà bấy lâu nay cưu mang cháu, nhưng nhà túng quá, phải cho cháu làm gì thêm. Bà hỏi thế nào là làm gì thêm, em non nớt bảo: "Con đi bán vé số!". Cô nhìn em mà thương quá, em của cô sẽ đi giữa chang chang trưa nắng, la cà trong mấy hàng ăn giống những đứa nhỏ bán vé số cô vẫn thấy, đấy là chưa kể đến chuyện tranh giành khách, trông em hiền thế thể nào cũng bị giật bình nước, ném mũ, tát tai... Cô mới nghĩ đến đấy đã rùng mình. Cô nói mẹ em chịu khó vào phòng cho cô nói chuyện riêng một chút. Mẹ em vào phòng cô, nhìn tò mò những hộp phấn, những lọ nước hoa. Cô hỏi mẹ em nếu đi bán vé số thì phụ được bao nhiêu, mẹ em nói có thể đủ tiền chợ. Cô nghĩ lại càng thương, em bé xíu thế này mà đã phải lo tiền chợ. Cô nói mẹ em để cô lo tiền chợ hộ em được không, còn xấp vé số chiều nay cô sẽ nói bà mua hết cho, cô tin cô là con một, nói gì bà cũng chịu.
Rốt cuộc, em lại được về nhà cô tuần ba buổi. Bà thương em hơn sau một lần suýt nữa bị mất em. Tập vé số chiều hôm đó, bà trúng giải thấp nhất. Bà mua con heo đất bỏ vào hết cho em, bà định bỏ heo dần dần, khi em hết cấp I, em sẽ đập heo mua xe đạp nào em thích. Cô thì nghĩ chắc đến đấy em cũng chưa cao được bao nhiêu, (cứ nhìn anh của em thì cô biết), cô nghĩ em đi xe mini an toàn hơn. Bà lại bảo chắc em không chịu đâu vì xe mini xe của con gái...
Lớp Ba kết thúc, em tổng kết lại vẫn nhất lớp. Cô nghe vài phụ huynh xì xào cô nâng đỡ, thêm điểm em. Oan cho cô vì thật ra càng ngày cô càng khắt khe với em. Cô bắt em học bài phải làu làu, cô bắt em làm thêm toán khó, em viết chính tả sai một tý cô cũng cau mày... cô sợ sau này em đi lớp khác, qua cấp khác, đâu phải ai cũng thương em như cô, chừng đó những gì cô chiều em sẽ hại em, người ta sẽ phủi công em: "Thấy chưa, đúng ra có thông minh gì đâu!". Mà cô biết, em thông minh, và tình cảm.
Ðúng ngày phát thưởng, hai cô trò mình đang vui, thì mẹ em lại nói định cho em làm con nuôi ông cụ gần nhà. Ông cụ lâu nay sống bằng tiền con cái ở nước ngoài. Ông chưa yếu lắm, nhưng những việc quét vườn, rửa chén, lau nhà, giặt áo... (nhiều lắm, cô không nhớ hết) thì ông đau khớp, ông không làm được. Em qua đó ở sẽ được cơm ba bữa, một tháng vài trăm (hơn hẳn số tiền cô vẫn đưa). Cô vội hỏi thế sao mẹ em không xin ông cụ để mẹ em làm những việc ấy, còn tiền chợ cô hứa vẫn đưa, cần thì cô nuôi em ba bữa cơm. Mẹ em lúng túng nói: "Không được! Tui phải ở nhà làm công chuyện!". Cô bắt đầu nghi ngờ mẹ em, có cái gì đó vô lý trong sự tính toán này. Cuối cùng, cô hỏi ông cụ trả bao nhiêu... Và thế là em bắt đầu ăn cơm đều đặn ở nhà cô, mẹ em có thêm vài trăm. Bà thì vẫn thương em nhưng đã bắt đầu khó chịu. Bà nói: "Sẽ còn nhiều trò!".
Tội nghiệp, em chẳng biết gì. Em nhổ tóc sâu cho bà. Trẻ con trong xóm cô đã biết nhắn bà, chút nữa em đến kêu em ra ném lon. Ngày nào em đi chơi với anh em, bà đi ra đi vào: "Tối nó có về ăn cơm không?" Cô lại phải qua đón em sang. Em sang, líu tíu kể bà nghe hôm nay đua xe, xem khỉ... Rồi em ngủ gật, bà sợ chở về em ngồi sau xe, ngã; lại bắt cô sang xin mẹ em cho em ngủ lại một đêm... Ba tháng hè trôi qua, em có cao hơn, cô đã nghĩ với tốc độ này, lớp Sáu em không cần chạy mini; Bà đi mua cho em cái cặp mới, bình nước mới để vào lớp Bốn... Ðang náo nức đi học như thế, mẹ em bảo cô: cả nhà phải về quê. Bà dặn: "Con cứ lì ra đi, bảo về thì cứ về, xem mụ ấy muốn gì". Cô cũng nghe theo lời bà. Mẹ em nói muốn mời cơm bà và cô, sợ sau này không bao giờ gặp lại. Bà ra hiệu cô cứ bình tĩnh. Cô lại bình tĩnh nhận lời. Tối đó, cô tra hỏi, em bảo tại ông chủ đòi nhà. Em vừa nói vừa nghịch con mèo, em nom nớt như khi kể về bố em tự tử, em nghĩ về quê còn nhẹ hơn đổi lớp. Em bảo, mẹ em đã mua mấy cái bao để đựng đồ... Cô hỏi bà, thế là sao? Bà nói chắc chuyện này có thật, nhưng đợi đến bữa cơm với mẹ em tính tiếp. Cô không chịu được, lén qua hỏi trước, mẹ em nói không có tiền thuê nhà, rồi nhìn thẳng mắt cô. Cô không dám nhìn thẳng mẹ em như những lần trước, cô biết lần này cô thua. Cô nghĩ mãi, rồi rụt rè xin nhận nuôi em. Mẹ em nói, không, em phải ở cạnh gia đình. Cô lủi thủi ra về, xin chở em sang ăn cơm, mẹ em cũng chối từ, nói em phụ dọn nhà, xếp quần áo.
Hôm ấy, cô đưa em ra bến xe. Bà không dám đi, bà sợ người già hay khóc. Trên xe, em được ngồi gần cửa sổ. Học trò cưng của cô mặc áo còn đeo phù hiệu của trường. Cô nắm bàn tay em, từ trước đến giờ, cô nhớ ra, cô chưa bao giờ nắm tay em. Bàn tay em ấm và khô, nhỏ xíu...
 

Xem Tiếp: ----