Dịch giả: Như Hạnh
Chương 1

(Dạ Du Thần/Yeyoushen)
NHÂN VẬT
Lữ khách
Ông Lão
Thiếu Nữ Trẻ Tuổi
Thanh Niên
Đàn Ông
Người Soát Vé
(Các diễn viên đóng những vai trên cũng có thể chia nhau đóng:)
Người Mộng Du
Lãng Tử
Gái Điếm
Du Côn
Chúa Trùm
Người Bịt Mặt
Màn Một
(Phía trước sân khấu bên trái có một toa xe lửa thượng hạng, đèn bên trong chiếu sáng, có ba hàng ghế dựa nhung đỏ đối diện nhau. Lữ Khách ngồi phía cửa sổ bên phải, màn cửa sổ kéo lên, Ông Lão ngồi trên cùng một hàng ghế gần cửa cách một chỗ trống. Thiếu Nữ choàng một chiếc áo lớn, nằm trên hàng ghế phía bên trái. Thanh Niên tựa cửa, trên cửa có tấm bảng đỏ mấy chữ cấm hút thuốc đã bị cạo đi, chỉ còn lại dấu vết mờ mờ. Tiếng xe lửa xập xình.
Thanh Niên rút từ trong túi ra một gói thuốc lá, sắp sửa châm thuốc thì Người Soát Vé bước vào.)
Người Soát Vé: Chào quí vị hành khách, làm ơn cho xem vé!
Thanh Niên: (Mỉm cười với Người Soát Vé.) Có người móc túi tôi.
Người Soát Vé: Thế cũng mất luôn cả vé sao?
Thanh Niên: Tiền với hành lý của tôi bị ăn cắp ở trạm xe, bực thật, tôi không cách chi mua vé được. Nhưng mà tôi phải vội đến vận đồng trường xem trận đấu, một trận đấu quốc tế, tôi không còn cách gì khác---.
Người Soát Vé: Anh là vận động viên?
Thanh Niên: Có thể nói thế! Hàng hải vận động, thuyền buồm máy, đang rất là thịnh hành, còn có người bỏ tiền ra bảo trợ. (Mỉm cười.)
Người Soát Vé: Có giấy tờ chứng minh không? Hay cũng bị trộm luôn rồi?
Thanh Niên: Đương nhiên là có giấy tờ chứng minh. (Móc từ túi áo ra một tờ giấy.)Giấy báo cáo mất cắp vừa rồi của cục cảnh sát tại trạm hỏa xa.
(Người Soát Vé tiếp lấy, ghi chép trên sổ tay mình.)
Thanh Niên: Cái họ này ít thấy, hơi lạ, phải không?
Người Soát Vé: (Trả lại giấy tờ, quay về phía Ông Lão.) Tiên sinh, xin cho xem vé.
Ông Lão: (Đang vấn thuốc, ngẩng đầu.) Không có vé.
Người Soát Vé: Cũng không có tiền luôn?
Ông Lão: Không có.
Người Soát Vé: Ông lên xe ở chỗ nào?
Ông Lão: (Lẩm bẩm.) Mới lên!
Người Soát Vé: Ông đi đâu?
Ông Lão: Maastricht.
Người Soát Vé: Đâu?
Ông Lão: M-a-a-s-t-r-i-c-h-t!
Người Soát Vé: Xe này không dừng ở trạm đó, ông lên lầm xe rồi. Ông là người nước nào?
Ông Lão: (Giọng ngoại quốc.) Người ngoại quốc.
Người Soát Vé: Ông nói tiếng Anh được không?
Ông Lão: (Từng chữ một.) Người---ngoại---quốc---tự---nguyện!
Người Soát Vé: Ông có chiếu khán không?
(Ông lão mò mẫm trong túi, cuối cùng móc ra đưa cho Người Soát Vé xem.)
Người Soát Vé: Tại sao trên giấy tờ không có ghi địa chỉ của ông? Tôi muốn nói địa chỉ thường trú của ông.
(Ông Lão nhìn Người Soát Vé, không nói một lời. Người Soát Vé chỉ còn biết ghi chép cho xong trong sổ tay của mình, rồi trả lại hộ chiếu cho Ông Lão.)
Người Soát Vé: (Nhìn Lữ Khách.) Tiên sinh, xin cho xem vé.
(Lữ Khách đưa vé cho anh ta.)
Người Soát Vé: Vé của ông là hạng nhì, đây là toa thượng hạng.
Lữ Khách: Toa này không có bảng hiệu rõ ràng gì cả.
Người Soát Vé: Hễ cứ thấy màu đỏ, ghế đỏ, thảm đỏ, thì đều là thượng hạng.
Lữ Khách: Vậy thì toa hạng nhì ở đâu?
Người Soát Vé: Chuyến xe này là Âu Châu Tốc Hành, không có toa hạng nhì. Với vé này anh phải lên chuyến trước hay chuyến tới, tức là anh phải đợi thêm hai tiếng mười lăm phút nữa. Xin trả thêm---(Tra bảng giá.) Hai trăm rưởi.
(Lữ Khách trả tiền, Thanh Niên trợn tròn mắt nhìn Lữ Khách.)
Người Soát Vé: (Viết biên lai rồi trao cho Lữ Khách.) Cám ơn. (Nhìn về phía Thiếu Nữ.) Cô này---(Thiếu Nữ lấy vé từ trong túi xách ra, đưa cho Người Soát Vé.)
Người Soát Vé: (Liếc nhìn.) Vé này hết hạn rồi.
Thiếu Nữ: Ồ, xin lỗi.
Người Soát Vé: Cô có vé khác không?
Thiếu Nữ: Có chứ, đương nhiên là có. (Ngồi dậy cầm túi xách, mặc áo khoác.) Xin cảm phiền. (Ra ngoài, mở túi xách ra.)
(Người Soát Vé theo cô ra ngoài. Thanh Niên bước vào, ngồi xuống, châm thuốc.)
Thiếu Nữ: Lạ thật, lơ đãng quá, không hiểu tại sao không tài nào kiếm ra.
Người Soát Vé: Lúc nào cô cũng lơ đãng như vầy sao?
Thiếu Nữ: Đâu có, chỉ có những lúc---(Đóng túi xách lại, vạch áo khoác lên cao, để lộ đùi ra.)
Người Soát Vé: (Trả vé cho Thiếu Nữ.) Được rồi, chúc cô may mắn. (Đi ra.)
(Thiếu Nữ vào trong trở lại.)
Thanh Niên: (Đứng dậy, để cho Thiếu Nữ ngồi cạnh cửa sổ.) Xin lỗi, làm ơn. (Ngồi xuống cạnh Thiếu Nữ.)
(Thiếu Nữ không để ý đến anh, khoác chặt áo.)
Thanh Niên: (Nói với Lữ Khách.) Buồn cười thật. Rõ ràng là bác mua vé, lại còn cả tiền phạt. (Móc từ trong túi áo mấy tấm vé ra đưa cho Lữ Khách xem, rồi bỏ lại vào túi, nháy mắt với Lữ Khách.) Ngưới nào càng theo qui củ thì càng khó sống. Bác phải biết mánh mung, họ vẫn còn mắc mưu!
(Lữ khách mỉm cười, cầm sách lên đọc.)
Thanh Niên: (Quay về phía Thiếu Nữ.) Cô đi nghỉ hè à? Hay là có hẹn hò? Tôi nghĩ là một chuyến đi đặc biệt! Nếu như tôi không lầm! Cô khó chịu à? Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
(Thiếu Nữ dựa đầu vào cửa sổ, nhắm mắt ngủ. Đàn Ông mặc áo mưa đội mũ cao, xuất hiện, nhìn tấm bảng cấm hút thuốc bị cạo mòn kia, bước vào trong, ngồi xuống, móc ra một điếu xì-gà. Thanh Niên bật lửa cho hắn.)
Đàn Ông: Cám ơn. Xe này có nệm ngủ, có toa nhà ăn, có thể ăn cơm uống rượu được, cái gì cần đều có, phục vụ kể ra chu đáo, nhưng mà lại không có chỗ để hút thuốc! Ngoại trừ cái xó xỉnh này, thoạt đầu tôi vẫn tưởng là không được. Bộ người hút thuốc thì không có quyền du hành một cách thư thái sao? Quí vị thử nghĩ xem, thiết kế như vậy là thế nào?
(Không ai trả lời. Thiếu Nữ tắt đèn phía trên chỗ ngồi của cô, nhắm mắt. Lữ Khách bắt đầu đọc sách. Tiếng rung chuyển của hai xe ngược chiều nhau càng dần càng lớn, nơi góc trái của sân khấu đèn mờ dần đi.)
Giọng Đọc: Trong đêm, dưới ánh đèn, mưa bụi lả tả. Cái đô thị ô nhiễm vì khói xe rầm rĩ suốt ngày, bạn không nhớ được là đã bao lâu rồi chưa đi tản bộ như vầy, chưa cảm thầy cái thú vị của mưa. Không khí ẩm ướt trong trẻo, thậm chí có thực sự tươi mát thật không, cũng không phải là quan tâm của bạn. Tóm lại, lành lạnh trống trải, không người qua lại, không xe cộ, bạn muốn rảo bộ thế nào cũng được, cũng chẳng cần có mục đích. Bạn không cần phải gặp ai, không cần phải chào hỏi ai, không cần phải khách sáo gì cả.
Kỳ thực trong cái đô thị bận bịu vội vàng này, bạn chưa từng thực sự sống một cách thoải mái. Lúc nào cũng người trước người sau, bị ép trong làn sóng người, chỉ cần chậm lại một bước, không có người va vào bạn, thì cũng có người lườm nguýt bước qua, không phải là bạn xin lỗi thì người khác cũng xin lỗi, song chẳng ai thật sự cảm thấy có lỗi cả, cũng y như mỗi ngày nghe không biết bao nhiêu lần cái câu mạnh khỏe không, cho dù bạn không khỏe đi nữa thì có ai lo lắng gì được cho bạn? Ai cũng có biết bao nhiêu là ưu lự vớ vẩn, suy đi nghĩ lại, khiến người ta bải hoải không chịu nổi, thân tâm tiều tụy, nhưng biết tìm đâu ra manh mối để thoát.
(Sân khấu sáng dần. Một cột đèn, ánh đèn vàng vọt, mưa và sương mù mờ mịt. Một góc đường từ từ hiển hiện. Bóng của Người Mộng Du xuất hiện đầu đường, chỉ mặc chiếc mỗi chiếc áo lót dài gần như đến đầu gối, đùi với bắp chân để trần, chân lê một đôi giầy da giây giầy kéo lê lủng lẳng.)
Người Mộng Du: Mi có thể nghe thấy bước chân, còn nghe thầy tiếng hô hấp của chính mi, hít một hơi dài, từ đầu mũi cho đến tim phổi, toàn thân thẩm thấu khí lạnh... chỉ có chân là ấm áp, người ta chỉ cần chân ấm là cảm thấy thư phục.
Đôi giầy này nặng quá, lại thêm cồng kềnh. Mi đi trên đường phố một cách nặng nề thì đâu cần phải vội vã, cũng chẳng cần nhìn trái liếc phải, cứ việc đường mình mình đi, muốn đi đâu thì đi. Đi trên lề hay là giữa lộ, muốn đi kiểu nào thì đi, không hệ lụy cũng chẳng gánh nặng. (Tùy ý đi ngược lại.)
Cuối cùng mi đã không còn trách nhiệm, cũng đã thoát khỏi phiền não, những phiền não này kỳ thực chỉ là người ta tự rước vào thân. Ai cũng thích có vấn đề này hay vấn đề kia, tựa như thể một khi không có vấn đề nữa, người ta sẽ mất đi mục đích. Nhưng mà vào giờ phút này, mi lại chẳng có vấn đề gì cả. (Suy nghĩ.) Không có vấn đề gì cả, không có, thực sự không có! Một người không có vấn đề, không biết có phải là may mắn hay không, chung qui, mi cũng có một chút đắc ý. Cũng vì mọi người đều có khổ não, mà mi không có, mi không khỏi không muốn nói cho người khác, nhưng mà ngoài đường trống trơn không người, chỉ còn cách tự tuyên xưng với chính mình: Trong cái đô thị to lớn này, mi là người duy nhất không có vấn đề!
(Anh ta đá lên đạp xuống, biến hóa đủ thứ cước bộ, cuối cùng va vào một đống thùng giấy trước một cửa tiệm đóng kín mít.)
Lãng Tử: Làm cái trò gì vậy? (Thò đầu từ đống thùng giấy ra.)
Người Mộng Du: Mi nói mi không nhìn thấy...
Lãng Tử: Thùng giấy lớn như vầy chứ đâu phải là cái kim đâu mà không nhìn thấy?
Người Mộng Du: Xin lỗi.
Lãng Tử: Xin lỗi cái đít á!
Người Mộng Du: Mi nói mi không để ý, mi nói là giữa đêm tối như vầy những thùng giấy để ngoài đường đều là rác rến đợi hốt đi, đâu có ngờ bác núp trong đó, cho nên mi mới xin lỗi.
Lãng Tử: Chú đánh thức người ta dậy!
Người Mộng Du: A, thành thật xin lỗi, mi nói là mi nghĩ rằng bác ở trong đó tiểu tiện, đâu có dè là bác lại nằm ngủ trong thùng, như thế lại còn phải xin lỗi thêm nữa.
Lãng Tử: Chú không biết cách đi đường à?
Người Mộng Du: Mi nói là đương nhiên mi biết cách đi đường, nhưng mà phải nói làm sao? Chỉ là bình thường mi đâu có như vầy, lại cứ lững thững mà đi, lỡ va phải bác, cho nên chỉ còn phải xin lỗi thôi.
Lãng Tử: Thì cứ đi như lúc bình thường không được sao?
Người Mộng Du: Mi nói vấn đề của mi là không trở lại cách đi bình thường được... mi quên khuấy đi mất là trước đây chân phải cử động như thế nào...
Lãng Tử: Một chân trước, một chân sau! Thế thuở bé chú không tập đi hay sao? Chú cố ý gây rối phải không? (Định bò ra khỏi thùng giấy.)
Người Mộng Du: Mi nói mi đi, mi đi như vầy... (Dơ chân ra dọ dẫm.)
Lãng Tử: Bộ mù rồi hay sao?
Người Mộng Du: Mi nói mắt mi không có mù---(tự ngẫm)---Trong lòng hết sức minh bạch, chỉ có điều không nói ra được, một khi nói trắng ra, mi kể như xong.
Lãng Tử: Thế chú có đi hay không nào?
Người Mộng Du: Mi nói mi sẽ đi ngay, có điều đang nghĩ một chỗ để đi... không biết phải đi đâu.
Lãng Tử: Cứ thẳng đường mà đi, mũi đụng vào đâu thì rẽ!
(Người Mộng Du dừng chân dọ dẫm, thận trọng dè dặt. Lãng Tử chui trỏ lại vào thùng giấy.)
Người Mộng Du: (Đi ra giữa đường.) Ai cũng muốn chỉ điểm mi, ai cũng muốn làm Thượng Đế. (Đứng lại.) Mi thả bộ đi quanh, vốn không mục đích, nếu như bị người ta chỉ vẽ thì còn có gì là hứng thú nữa? Chỉ thích chỉ đông chỉ tây, đến lúc mi va vào tường, xui xẻo thì lại đều là tại mi. Cái gọi là mục đích cũng y như thế, thả con thỏ ra bảo ngươi đuổi, thỏ chạy mất rồi. Mi làm gì được? (Quay lại, không thấy Lãng Tử, hét lên.) Mi đã không mục đích, lại cũng không phương hướng, cứ thế mà đi!
(Người Mộng Du quay một vòng, chỉ bừa tay về một hướng, bước tới.
Tiếng máy xe chạy đến gần rồi ngưng. Người Mộng Du ngẩng đầu lên, thấy một chiếc cầu treo ở phía cuối sân khấu.)
Người Mộng Du: Chuyến tầu cuối cùng?
(Tiếng máy xe rồ lên, rồi rời xa.)
Người Mộng Du: Ừ, đúng là quá nửa đêm.
(Du Côn bước vào. Người Mộng Du đứng lại. Du Côn bước đến trước mặt anh ta, đứng lại, thăm dò.
Người Mộng Du chần chừ, bước qua bên trái một bước, Du Côn cũng bước tới một bước. Người Mộng Du lại bước về bên phải, Du Côn cũng bước tới một bước, cuối cùng va vào nhau.)
Người Mộng Du: Ồ, xin lỗi!
Du Côn: Chú mày có biết cách đi đứng hay không?
Người Mộng Du: Mi nói mi đã xin lỗi rồi, hơn nữa mi đâu có cố ý.
Du Côn: Chú mày có mắt mà như mù vậy?
Người Mộng Du: Mi nói bác tại sao khi không mắng người ta như thế?
Du Côn: Tại vì chú mày va vào ông.
Người Mộng Du: Mi nói bác cũng có mắt, đường lại trống trơn, tại sao lại cứ thế mà sấn tới?
Du Côn: Chú mày định kiếm chuyện gì đây?
Người Mộng Du: Mi nói chính vì mi tránh lắm chuyện nên mới đợi đến đêm khuya thanh vắng ra ngoài tản bộ, chẳng dè lại đụng độ với người khác.
Du Côn: Chú mày chắn đường ông!
Người Mộng Du: Mi nói mi nghe tiếng chân, không phải là không nhường lối, nhưng mà bác đột nhiên đứng lại---
Du Côn: Đó là chính chú mày nói đấy nhé, rõ ràng là chú mày nghe ông bước tới, ông đứng lại, tại sao chú mày không nghe cho kỹ?
Người Mộng Du: Mi nói mi ra đường là để đi tản bộ, không phải là để nghe ai tới, mi chẳng cần phải nghe ai cả! Mi bảo hắn tránh ra, ai đi đường nấy, mi chỉ mong được yên ổn.
Du Côn: Ông cũng muốn biết chú mày mong cái gì, nhưng mà để ông đánh vỡ cái mặt chó thối tha của chú mày cái đã---(Dơ tay.)
(Tiếng giầy cao gót cọc cạch, Gái Điếm mặc váy da ngắn, cầm chiếc dù. Du Côn lập tức quay lưng bỏ đi.)
Gái Điếm: Chào anh!
Người Mộng Du: Chào cô.
Gái Điếm: (Dơ dù lên, đến gần dò dẫm.) Thế nào?
Người Mộng Du: Chẳng thế nào cả.
(Gái Điếm đi vòng quanh anh, hạ dù xuống rồi bỏ đi
Du Côn bước nhanh theo, đi song song với cô, miệng huýt sáo, Gái Điếm quay đi.)
Du Côn: Chà, hôm nay có đủ phiền phức không?
Gái Điếm: (Hạ dù xuống.) Anh thích à?
Du Côn: Con nhóc này, đúng là hết chỗ nói!
Gái Điếm: Có mời uống một ly không?
Du Côn: Được, về nhà em?
Gái Điếm: Ra ngoài quán chứ!
Du Côn: Quán nào? Chỗ nào cũng đóng cửa cả rồi.
Gái Điếm: Có một số vẫn còn mở.
Du Côn: Em không có hang ổ nào gần đây à?
Gái Điếm: Thế về nhà anh, được không?
Du Côn: Quá xa, cưng.
Gái Điếm: Đâu có sao, một cuốc xe là xong.
Du Côn: Hay là chúng mình tìm một xó nào, có phải là giản dị không. Khứa kia cùng đi với em à?
Gái Điếm: Anh muốn chơi trò tay ba à?
Du Côn: Đừng có làm anh gớm, cưng. Một mình em là đủ rồi.
Gái Điếm: Có tiền không?
Du Côn: Đúng là không thiếu được. (Rút thuốc lá ra, bật lửa, nhìn Gái Điếm.) A, vẫn còn được lắm.
Gái Điếm: Thích là được rồi, anh nói đi, chỗ nào?
Du Côn: (Châm thuốc lá.) Em cưng! (Ôm Gái Điếm.)
Gái Điếm: Anh chịu chi bao nhiêu? Cho một con số xem!
(Du Côn đưa tay ra.)
Gái Điếm: Đừng vội---Đợi một chút!
Du Côn: Thế nào cũng trả mà.
Gái Điếm: Trả trước cái đã.
Du Côn: Gà non, cũng còn tươi lắm đấy.
Gái Điếm: Đừng đụng vào! Có hiểu qui luật không?
Du Côn: Có muốn anh giáo huấn em một trận trước không? (Dùng tay nắm cằm Gái Đìếm.)
Gái Điếm: (Đẩy tay gã ra.) Phiền phức quá!
Du Côn: Thử nhìn mình xem, đừng có căng thẳng, đãi khách như vậy mà được à? (Ngón tay nâng mạnh cằm Gái Điếm lên.) Nào, như thế mới được chứ. (Rút điếu thuốc trên môi ra nhét vào miệng Gái Điếm.) Thú vị phải không, em phải tập.
Gái Điếm: (Nhổ điếu thuốc khỏi miệng.) Anh cút đi!
(Du Côn cười, Gái Điếm quay lưng bỏ đi.)
Du Côn: (Đuổi theo.) Này cưng, đi đâu vậy?
Gái Điếm: Tôi không nói chuyện với anh đâu, hạ cấp---(ra sức đẩy gã.)
Du Côn: Con đĩ, không phải mày thích đàn ông chơi đùa mày sao?
Gái Điếm: Khốn nạn! (Đi nhanh hơn, ra khỏi sân khấu.)
Du Côn: Được. (Liếc mắt nhìn Người Mộng Du, đưa chân dẵm nát điếu thuốc mà Gái Điếm ném xuống đất, rảo bước đuổi theo, ra khỏi sân khấu.)
(Tiếng giầy cao gót lộp cộp của Gái Điếm càng xa càng cấp bách, đột nhiên ngưng lại. Im lặng không một âm thanh.)
Người Mộng Du: (Hét lên một tiếng.) Đồ chó đẻ!
Lãng Tử: (Thò đầu ra từ một phía của thùng giấy.) Làm cái gì vậy?
Người Mộng Du: Mi nói mi không làm gì cả.
Lãng Tử: (Bò ra khỏi thùng giấy.) Thế tại sao giữa thâm canh bán dạ chú lại hét to như thế?
Người Mộng Du: Mi nói, ở đằng kia---(Im lặng.)
Lãng Tử: Đó cũng là nghề của người ta.
Người Mộng Du: Mi nói, không phải cô ta bị hiếp dâm sao?
Lãng Tử: Hừm, làm nghề đó, thứ việc này, ai mà biết được.
Người Mộng Du: Chẳng lẽ bác không có một chút thông cảm nào sao?
Lãng Tử: Chú có à, nhưng mà có ích lợi gì?
Người Mộng Du: Mi nói mi thấy chán ngán!
Lãng Tử: Thế tại sao chú không đi cứu ả đi?
Người Mộng Du: Mi nói mi biết mi cũng không cứu được, dù cho có hi sinh cả tính mạng đi nữa, cứu được một lần, cũng chẳng cứu được lần thứ nhì.
Lãng Tử: Cái đó thì đương nhiên rồi.
Người Mộng Du: Mi nói, vì thế cho nên mi mới hét!
Lãng Tử: Muốn hét, về nhà đóng kín cửa lại mà hét, đừng có ở đây mà nháo lên.
Người Mộng Du: Bác, bác nói gì? Không tim không gan! Bác nói đó chính là bác nói.
Lãng Tử: Còn chú thì sao? Chú muốn cứu nhân độ thế à? Muốn giảng đạo cho ông già này à?
Người Mộng Du: Mi nói, không có gì để nói với bác cả.
Lãng Tử: Thì đừng nói.
Người Mộng Du: Mi nói bác đi ngủ đi, mi đi đường mi.
(Lãng Tử chui lại vào thùng giấy.)
Người Mộng Du: (Một lát sau.) Mi sẽ không nói gì nữa, không nói thêm một lời nữa, không thốt ra một âm thanh, mi chỉ chìm đắm trong thế giới của mình, không còn giao du với bất cứ ai nữa! Mi không chịu đựng nổi bất cứ ai, mọi thứ trong thế giới này làm mi nghẹt thở! Mi sở dĩ còn sống trên đời này, còn giống như một con người, là chỉ bởi vì mi vẫn còn ít nhiều suy nghĩ. (Đứng lại, bất động, như một pho tượng.)
(Có chút âm nhạc theo gió mơ hồ bay đến.)
Người Mộng Du: (Thay đổi tư thế.) Một mình mình với chính mình, tự nói với chính mình. Còn như suy nghĩ về cái gì thì không có gì là quan trọng cả. Điều quan trọng là mi vẫn còn suy nghĩ, mặc dù là những ý nghĩ của mi không đáng một đồng xu dưới mắt người khác.
(Lại đổi sang tư thế khác.) Người khác không đáng để mi ưu tâm, người khác là chuyện của người khác, mi chỉ là mi. Mi là người, hoặc là một con trùng, một con bướm, hay một con kiến, người khác có nhìn mi như thế nào đi nữa, thì có gì đáng để cho mi quan tâm? Mi chỉ có thú vị trong sự trầm tư nơi chính con người mi.
(Lại đổi một tư thế khác.) Mi trầm tư, mi tiêu dao giữa trời đất, trong thế giới của riêng mi, như thế mi mới đạt được đại tự tại---
(Anh ta đi lòng vòng, đến con đưởng rải rác những thùng giấy đối diện một cánh cửa đen ngòm, đột nhiên bị một cánh tay từ phía sau nắm chặt lấy cổ họng, kéo vào trong bóng tối của cánh cửa, không còn cựa quậy gi được.)
Chúa Trùm: (Thấp giọng.) Đừng động đậy! Hét là tao giết ngay! Giữ nguyên tư thế của mày! Cứ tiếp tục nhảy múa như vừa rồi! Đúng vậy rồi, mày thừa biết đang có cái gì chĩa vào lưng mày rồi chứ? (Nới tay.) Bước tới một bước, đợi tao ở chỗ sáng kia, đổi tư thế khác, được. Từ đâu đến? Ai phái mày đến? Nói, tao đang hỏi mày mà!
Người Mộng Du: Không---không có ai, mi nói là mi đang đi tản bộ một mình---
Chúa Trùm: Đừng có dở trò thông minh vặt với tao! Mày đang đùa với mạng sống của mày đấy!
Người Mộng Du: Thật mà, mi nói---không ai phái cả, thuần túy là theo tâm cảm---tâm cảm dâng trào, hứng trí đến đây. Nếu như ông không tin, ông cũng chẳng có cách gì khác, ông cứ làm theo ý ông, súng ngang dọc gì cũng không có mằt. Ai trúng đạn cũng ngã gục, nếu định mệnh đã chủ định, có chống cự cũng chẳng chống cự nổi.
Chúa Trùm: Mày làm gì mà cả đêm đợi ở đây? Nói thật với mày, tao bám sát mày suốt hơn một tiếng đồng hồ!
Người Mộng Du: Mi nói mi lạc mất phương hướng, hay là nói, mi không muốn theo phương hướng nhất định nào cho nên mới lòng vòng nguyên chỗ. Mi nói ông không hiều được, tuyệt nhiên không nói là ông không muốn hiểu, mà nói là, mi có nói cũng vị tất đã được rõ ràng. Nếu ông có thể tưởng tượng mình trong vị trí đó, đặt mình vào địa vị người khác, điều ấy đương nhiên là không thể được, vì ông cũng rất khó mà hiểu được tại sao mi lại lòng vòng mãi ở nguyên một chỗ.
Chúa Trùm: Mày không là một thằng khùng thì cũng là một thằng khốn nạn!
Người Mộng Du: Cũng có thể, có thể là cả hai, mi nói chính mi cũng không hiểu, tại sao lại đâm ra ngu xuẩn đến mức này.
Chúa Trùm: Được rồi, tao không có thì giờ tán dóc với mày, đồ ranh con muốn rỡn mặt, tao cho mày rỡn mặt!
Người Mộng Du: (Kinh hãi.) Đừng---đừng---
Chúa Trùm: Đổi tư thế coi!
(Người Mộng Du đổi một tư thế kỳ lạ, có điểm giống như Chúa thụ nạn.)
Chúa Trùm: Tao hỏi mày, mày có biết thằng đó không?
Người Mộng Du: Thằng nào? Cái thằng khốn nạn chơi gái vừa đi qua? Mi nói mi không đời nào đi giao thiệp với cái thứ lưu manh đó.
Chúa Trùm: Tao hỏi là cái thằng vô lại trốn trong thùng giấy bên kia đường kìa!
Người Mộng Du: Mi hỏi, ông muốn hỏi cái ông lãng tử không nhà kia hả?
Chúa Trùm: Tao hỏi mày đó!
Người Mộng Du: Mi nói mi không quen ai cả, không qua lại với ai cả, hơn nữa còn sợ giao du với người khác, cho nên nửa đêm mới ra ngoài đi tản bộ một mình.
Chúa Trùm: Đem nó ra đây!
Người Mộng Du: Mi đâu có dám quấy rầy hắn nữa, mi nói, từ xưa đến nay đều là người ta quấy rầy mi chứ không phải là ngược lại, hơn nữa cũng không phải là mi không muốn làm phiền người khác, mà tại vì mi không có năng lực, thậm chí thiếu cả dũng khí để làm chuyện đó, cho nên mới đâm ra nông nỗi này.
Chúa Trùm: Đến đây! Kéo cái thằng kia ra khỏi đống rác cho tao! Mày, vẫn cứ nhảy múa như cũ!
Người Mộng Du: Mi nói chân và bụng mi mềm nhũn, không nghe sai sử... Mi nói mi không phải là vũ công, chưa từng tập luyện, có thể không nhảy được không?
Chúa Trùm: Tao bảo mày giữ tư thế! Như mới vừa rồi, được, đợi tao ở đó, hiểu không?
Người Mộng Du: Mi nói mi không mang tính mạng ra mạo hiểm, người ta sống trên đời chỉ có một lần.
Chúa Trùm: Cút!
(Người Mộng Du ra hẳn khỏi bóng tối của cánh cửa, toan làm vài động tác như cũ mà không được, đứng ngây người giữa đường.
Ở một nơi nào đó đằng xa một chiếc xe chạy qua, rồi lại im lặng.
Gái Điếm bước vào, tay không, không có dù.)
Gái Điếm: (Bước đến cạnh Người Mông Du.) Làm sao thế? Đau bụng à?
Người Mộng Du: Không, chỉ buộc giây giầy thôi.
Gái Điếm: Có thuốc không? Cho xin một điếu.
Người Mộng Du: Không có, mi nói, giờ phút này, mi không có gì cả. (Tự ngẫm.) Ngoại trừ tính mạng này, cũng nằm trong tay người khác.
Gái Điếm: Không sao. Ở lại đây với em một lát!
Người Mộng Du: Mi nói điều ấy không thành vấn đề, mi đang hi vọng là có người bên cạnh. (Tự ngẫm.) Vạn nhất ăn một phát súng, dù sao cũng có người báo cảnh sát. (Quay lại nhìn cánh cửa.)
Gái Điếm: Nhìn cái gì vậy?
Người Mộng Du: Hừ, mi nói mi không nhìn gì cả, tự lẩm bẩm một mình đã bất tri bất giác trở thành một tật xấu của mi.
Gái Điếm: (Cũng quay lại, nhìn chân mình.) Lủng một lỗ.
Người Mộng Du: (Kinh ngạc.) Lỗ ở đâu, mi hỏi?
Gái Điếm: Lủng một lỗ trên vớ. (Sửa lại vớ cao.)
Người Mộng Du: A, vớ, mang lâu là lủng ngay, chẳng có vớ nào mà mang không lủng.
Gái Điếm: Còn mới, mới mua hôm qua.
Người Mộng Du: Như thế thì đương nhiên có hơi đáng tiếc. (Tự ngẫm.) Đáng tiếc đương nhiên không phải cho ả.
Gái Điếm: Em trượt té.
Người Mộng Du: Mi nói ngày mưa như vầy, cô lại đi giầy cao gót, khó mà tránh khỏi vấp ngã. (Tự ngẫm.) Điều mi muốn biết tuyệt nhiên không phải là ả có trượt ngã hay không mà là có bị người ta cưỡng dâm hay không, nhưng mà lại không tiện hỏi.
Gái Điếm: Em mệt quá.
Người Mộng Du: Thì về nhà đi, mi nói mi cũng có hơi lả rồi.
Gái Điếm: Em không dám...
Người Mộng Du: Mi cũng thế, có nhà mà không về được, nhưng mà mi không nói.
Gái Điếm: Em sợ.
Người Mộng Du: (Tự ngẫm.) Mi cũng thế thôi, mi với ả đồng bệnh tương lân, chỉ có điều là mi không bị hiếp dâm, ngoài ra cũng không khá gì hơn lắm. Đã đi một bước rồi, không biết là có đi được bước nữa không. Điều này, đương nhiên mi cũng không nói.
Gái Điếm: (Thầm thì vào tai Người Mộng Du, hết sức cấp bách.) Nhất định là hắn chưa đi, vẫn chưa buông tha, vẫn theo rõi em, gần đâu đây thôi, em đi đâu hắn cũng bám sát trong bóng tối, em không thể cho hắn biết em ở đâu, không thể cho hắn biết em sợ hắn, không thể để mình rơi vào tay hắn, anh hiểu không?
Người Mộng Du: (Tự ngẫm.) Mi hiểu rõ hoàn toàn, mi ở trong cùng hoàn cảnh với ả, không khác gì mấy. Nhưng mà ả có thể nói cho mi nghe, còn mi thì không thể nói rõ được.
Gái Điếm: (Lớn tiếng.) Anh này đúng là đồ bủng biu.
Người Mộng Du: Tại sao? Mi không thể không hỏi.
Gái Điếm: Anh đã từng ngủ với đàn bà bao giờ chưa?
Người Mộng Du: Mi nói đương nhiên là mi không còn trinh, nhưng cũng không phải là đồng tính luyến ái, vấn đề là, cô thấy đó, hiện giờ, mi không cách chi trả tiền được.
Gái Điếm: Mình có thể về nhà anh, nếu như anh không ở xa quá, nếu như nhà anh không có nữ chủ nhân, xem ra, anh có vẻ không chịu.
Người Mộng Du: Mi nói mi đương nhiên hết sức là thích, có điều mi không muốn chết trong tay đàn bà.
Gái Điếm: Có phải anh thấy đàn bà là đáng sợ?
Người Mộng Du: Đó là tùy loại đàn bà nào.
Gái Điếm: Anh có thấy đàn bà gợi cảm không? Hay là anh thật sự không muốn?
Người Mộng Du: A, mi nói đâu phải chỉ gợi cảm, sống động chứ đâu phải dán trên tấm quảng cáo.
Gái Điếm: Được, đi về nhà anh ngay. (Thấp giọng.) Bao nhiêu, Tùy anh trả.
Người Mộng Du: Đây đúng là một giấc mộng. (Thấp giọng.) Một cơn mộng dữ! (Lớn tiếng.) Mi nói mi đương nhiên muốn có một người đàn bà bên cạnh, vạn nhất bị bắn sẻ chết, tốt xấu gì cũng có người làm chứng. Mi nói cô là một cô bé dễ thương, thật khiến người ta đau lòng.
Gái Điếm: Anh là một người tốt, người tốt hiếm có. (Tựa vào Người Mộng Du.)
Người Mộng Du: Mi nói, tốt hay không tốt, điều ấy mi không biết chắc, có điều là chưa từng làm điều gì đặc biệt xấu như giết người, hiếp dâm, đốt nhà, lừa bịp, tống tiền, thế nhưng tuyệt nhiên không phải là hoàn toàn không có tội, nhất là cái cảm giác tội ác, rất là thu hút đối với mi.
Gái Điếm: Cái đó thì đâu có sao, ai mà tránh khỏi được?
Người Mộng Du: Mi cũng không khỏi nghĩ đến cái lỗ lủng trên vớ ả, trông thấy cái họng súng đen ngòm dí vào mi, mi tựa như đang từng bước đi về phía cái chết....
(Người Mộng Du vòng tay ngang hông Gái Điếm, dắt cô ta về phía đống thùng giấy, hơi mỉm cười.)
Gái Điếm: Đừng rỡn nữa, đây là nhà anh à?
Người Mộng Du: (Vỗ lên thùng giấy.) Cứ tự nhiên ngồi, chỉ cần cô cảm thấy thoải mái.
(Lãng Tử từ trong thùng giấy bò ra.)
Gái Điếm: Tếu thật! (Cười khoái trá.)
Lãng Tử: Nhãi con, chẳng có gì buồn cười cả! (Nói với Người Mộng Du.) Anh này đúng là không thành thật.
Người Mộng Du: Mi hỏi thành thật có ích lợi gì? Bác trông đầy vẻ thành thực, nhưng mà ai biết trong lòng bác chứa những gì? Bác thành thật, thì đã không đến nỗi ngay cả một chỗ dung thân cũng không có như vầy? (Thản nhiên ngồi trên thùng giấy.)
Lãng Tử: Chú không ngủ, quậy đến mức không ai ngủ được. Rốt cuộc chú muốn làm cái gì vậy? Chú thử nói rõ ràng ra coi!
Người Mộng Du: Mi nói vấn đề của mi chính là ở chỗ mi không muốn làm cái gì cả. Hà huống, cũng không cách chi nói rõ ràng được.
Lãng Tử: Chú muốn cái thùng giấy này à? Sao không nói sớm, đừng có thậm thà thậm thụt như thế, ta cho chú đó, đem đi hết đi!
Gái Điếm: Anh thật sự muốn làm trong ấy sao?
Người Mộng Du: Ngày lạnh như hôm nay, trong ấy vẫn hơn ngoài trời.
Gái Điếm: Không! Anh là đồ dơ dáy.
Người Mộng Du: Chứ bộ cô sạch sẽ lắm sao?
Gái Điếm: Anh còn dơ dáy hơn cả thằng khốn nạn kia!
Người Mộng Du: Con người, ai cũng là rác rến hết!
Gái Điếm: Anh cũng thế à?
Người Mộng Du: Đều là khốn nạn, khốn nạn với đĩ điếm, như nhau cả.
Lãng Tử: Đúng, đúng là một người thông thái.
Người Mộng Du: Điều ấy không cần nhiều học vấn lắm.
Gái Điếm: Nói thế thì anh là một phần tử trí thức à?
Người Mộng Du: Phần tử trí thức thối tha.
(Gái Điếm cười khúc khích, thích chí đến mức chân không ngớt đá vào cái thùng giấy trên ấy cô đang ngồi.)
Lãng Tử: Này nhóc, đừng làm đổ chai rượu của ta trong đó.
Người Mộng Du: Bác còn có rượu à?
Lãng Tử: Con người thế nào cũng sống được, có điều không thể thiếu rượu được.
Gái Điếm: Tại sao bác không nói sớm? (Đưa tay vào trong thùng giấy mò mẫm, kéo ra một cái bao rách.) Bác thật hết xẩy!
Lãng Tử: Khoan!
Gái Điếm: Ông già, có tiền à?
Lãng Tử: Tiền hay không tiền khó nói. (Lấy ra một chai rượu, gạt cái túi qua một bên.) Cứ có rượu uống là được rồi.
(Lãng Tử mở nút chai ra, tự uống trước một ngụm, rồi đưa cho Gái Điếm. Gái Điếm nắm lấy chai rượu tu một hơi dài.)
Lãng Tử: Đừng có uống hết, thứ này đừng có uống nhiều quá dù là không thể không uống. (Quay về phía Người Mộng Du.) Chú không uống?
Gái Điếm: Hắn sợ bẩn. (Phá ra cười.)
Người Mộng Du: Con đĩ!
Gái Điếm: Hắn nói cái gì vậy?
Người Mộng Du: Mi nói mi chẳng nói gì cả.
Lãng Tử: Trông cô đúng là một cô bé sung sướng.
Gái Điếm: Tại sao không?
Lãng Tử: Nhóc con này, nói đúng ra thì không sung sướng cũng là do tự mình. Con người được sống là đủ rồi, còn muốn gì nữa?
Gái Điếm: Tôi thực muốn có một ông bố già như bác.
Lãng Tử: Thật sao?
Gái Điếm: Bác cho là tôi nói dối? Đối với ông già như bác, không dám thế.
Lãng Tử: Thế là mày cũng được lắm.
(Gái Điếm hôn gió ông ta một tiếng lớn.)
Lãng Tử: Thế mới là khuê nữ chứ!
Gái Điếm: (Kéo bao giấy tới.) Có thể mở ra xem có gì ăn được không?
Lãng Tử: (Cầm lấy bao, gạt qua một bên.) Dù có cái gì đi nữa cũng chẳng thể còn đến bây giờ được, nếu không bị thiên hạ phá quấy, ta đã không phải thức suốt đêm.
Gái Điếm: Ông già, tôi đói quá!
Lãng Tử: Thật chẳng biết phải làm sao với con nhóc này.
Người Mộng Du: Bác tin được không? Mi đang hỏi ông già.
Lãng Tử: Ai ta cũng tin, miễn là người ta cũng tin ta. (Mỉm cười.)
Gái Điếm: Ông già, có thuốc không? Tôi muốn hút điếu thuốc.
Lãng Tử: Lúc này ai mà không muốn? Nhưng mà thứ đó là một loại xa xỉ, giống y như đàn bà.
Gái Điếm: Ông cũng nghĩ đền đàn bà à?
Lãng Tử: Ồ, đàn bà, một món hàng đắt giá.
Người Mộng Du: Cũng có thứ không phải trả tiền, mi nói.
Gái Điếm: (Cười điên khùng.) Anh không tin là đàn bà cũng có tình cảm?
Người Mộng Du: Mi nói cứ là người ai cũng có cả.
Gái Điếm: Anh muốn nói là tình cảm của đàn bà đều dùng tiền mua được?
Người Mộng Du: Lời ấy mi nói mi không nên nói.
Gái Điếm: Anh không tin là đàn bà cũng biết yêu, không phải chỉ buôn bán?
Người Mộng Du: Mi nói là cái gì mi cũng tin, kể cả Thượng Đế.
Gái Điếm: Kỳ thực, anh chả tin cái gì cả!
Người Mộng Du: Cái này, mi nói cũng không phải là bết. Mi hỏi ả, cô tin không?
Gái Điếm: Tôi chỉ tin nơi tiền!
Lãng Tử: Hay! Đúng là một cô bé hay!
Gái Điếm: (Kéo bao giấy về phía mình.) Bên trong có gì vậy? Nặng quá, thử nhìn xem.
Lãng Tử: (Mỉm cười.) Thử đoán xem.
Người Mộng Du: Hi vọng không phải là hung khí, mi nói.
Lãng Tử: Lúc nào ta cũng qui củ, nghèo cũng an phận với nghèo, chặn đường ăn cướp, cậy cửa bẻ khóa, những thứ ấy ta đều không làm được.
Người Mộng Du: Mi nói, không phải là dùng để tự vệ sao?
Lãng Tử: Cũng chẳng cần, con người một khi đã lâm vào tình cảnh chẳng còn gì để mất hay để bị cướp, còn cần gì phải phí tâm tư như thế?
Người Mộng Du: Những tai bay vạ gió không đoán trước được thì sao? Mi lớn tiếng nói, thiên hạ nổi điên, hay là súng nổ đạn lạc, ai biết đâu mà lường, thế nào mi cũng bị! Trên đời này chẳng có gì chắc ăn cả!
Lãng Tử: Không có gì vô duyên vô cớ cả, bất cứ việc gì cũng có nhân duyên.
Người Mộng Du: Bác có dám đoan chắc qua đường không bị xe đụng chứ? Mi hỏi.
Lãng Tử: Chú phải lưu ý đèn đỏ, ai bảo chú suy nghĩ đông tây, rồi trách xe? (Mỉm cười.)
Người Mộng Du: Bác đã đến mức không nhà để về, mi nói, chắc cũng là do bác tự gây ra?
Lãng Tử: Chú có nhà để về, thế thì tại sao giữa thâm canh bán dạ lại lang bang ngoài đường thế này? (Mỉm cười.)
(Im lặng. Tiếng gió từ từ nổi dậy.)
Gái Điếm: (Mở túi gíấy ra.) Ông già, a, hết xẩy!
Lãng Tử: Đừng, đừng!
Gái Điếm: Nhìn một chút thì đã sao.
Lãng Tử: Đừng rớ vào!
Gái Điếm: Không phải là một túi đầy tiền sao?
Lãng Tử: Nhóc con, vận may đến cũng khó mà nói.
Gái Điếm: (Bướng bỉnh móc ra một xấp giấy trong bao.) Trời đất, toàn là vé số!
Lãng Tử: Thì cứ cho là thế.
Gái Điếm: Đừng vớ vẩn nữa, toàn là vé người ta vất đi rồi!
Lãng Tử: Nhưng mà người ta đều phải bỏ tiền ra mua.
Gái Điếm: (Xem xét từng tờ một.) Đừng rỡn mặt nữa cha nội, tất cả đều quá hạn rồi! Ông nhặt mấy tờ giấy rác này để làm gì vậy?
Lãng Tử: Ai cũng phải làm một cái gì, người nào có nghề của người nấy, nhưng kẻ không có nghề ngỗng gì không phải cũng lo kiếm cho mình một cái gì để làm sao? Nhóc, nghề của ta là chuyên môn đi nhặt vé số. (Mỉm cười.)
Gái Điếm: Ông ăn no rồi tự phí sức!
Lãng Tử: Ha, đừng có nói như thế, có người chuyên sưu tầm tem, có người chuyên sưu tầm xe, đồng hồ cũ, hộp thuốc hít, đó chính là mỗi người có cái thích riêng của mình đó nhóc.
Gái Điếm: Đó đều là vì họ có tiền để đốt. Cái mớ vé số quá hạn này của ông có mang bán lấy tiền được không?
Lãng Tử: Con người có biết bao nhiêu là ước nguyện, có được bao nhiêu cái thành sự thật? Thế mà vẫn cứ ao ước, sống từng bữa là một điều rất khó, không dựa vào tâm nguyện một chút thì cũng dựa vào rượu. Nhóc con, mày có ước nguyện gì?
Gái Điếm: Ông già à, cỡ như ông ngay cả ước nguyện cũng không có!
Lãng Tử: Cũng đúng, không có gì để ước, ta dựa vào cái ước hão của thiên hạ, cho nên ta mới nhặt mớ giấy lộn này để sống qua ngày.
Gái Điếm: Đừng có đóng vai Thượng Đế với tôi, ông già này đúng là mắc dịch! (Thuận tay ném đống vé số.)
Người Mộng Du: Ném hay lắm! Thử xem coi trong bao của lão còn có đồ chơi nào nữa không? Mau đổ hết ra!
(Gái Điếm móc từng đống giấy rác trong bao ra rồi ném tung lên.)
Lãng Tử: Chúng mày điên chưa? (Vội vã nhặt.) Ta khổ công mỗi ngày đây một tờ kia một tờ khắp nơi lượm lặt...
Người Mộng Du: Vứt hết đi! Vứt ráo đi!
Lãng Tử: Chúng mày dẵm nát cả rồi! (Bất lực nhìn mớ giấy la liệt trên mặt đất.)
Gái Điếm: Này ông già, ông khiêng một cái bao vé số cũ to như thế không không sợ mệt phát khùng sao? (Ném cái bao đi, cười.)
Lãng Tử: Được rồi, chúng mày quậy đi, cứ quậy đi, đứa nào cũng táng hồn lạc phách đến mức đâm ra... (Nhặt chai rượu lên.)
(Người Mộng Du nhìn cánh cửa. Lãng tử nhặt bao lên, từ từ ra khỏi sân khấu. Gió càng thổi càng mạnh.)
Gái Điếm: (Lặng lẽ bước đến cạnh anh ta.) Chúng mình cũng đi chứ?
Người Mộng Du: Đi đâu?
Gái Điếm: (Từ phía sau dịu dàng ôm lấy anh ta, thì thầm vào tai.) Về nhà anh?
(Người Mộng Du vẫn nhìn cánh cửa tối om. Ở đâu đó một cánh cửa sổ bị gió thổi kêu ầm ầm.)
Gái Điếm: Anh làm gì thế?
Người Mộng Du: Không làm gì cả.
(Gái Đìếm đi về phía cánh cửa, quay đầu lại thấy anh ta vẫn nhìn về phía cánh cửa.)
Gái Điếm: (Lớn tiếng.) Anh nhìn cái gì thế?
Người Mộng Du: Mi nói mi không nhìn gì cả. (Vẫn nhìn cánh cửa kia.)
(Gái điểm hết sức dè dặt đi về phía cánh cửa.)
Người Mộng Du: Mi định nói cái gì, rồi lại chẳng nói gì cả. Mi để cô ta từng bước một bỏ đi, chỉ hi vọng có gì xảy ra... song lại hi vọng tốt nhất là đừng có gì xảy ra cả...
(Gái Điếm đến bên cánh cửa, nhìn vào, đột nhiên lui lại, kinh hãi hét lên, một tiếng bình, giống như tiếng súng buồn tẻ, lại cũng giống tiếng một cánh cửa sổ đột nhiên bị gió thổi đóng sập lại. Đồng thời chân cô ta tựa như bị vấp, từ từ khom xuống, rơi vào bóng cánh cửa, đèn đóm chợt tắt.
Tiếng xe lửa phóng nhanh, ngang qua sân khấu.
Góc trái sân khấu, trong toa xe dần dần sáng lên, ánh đèn dịu vợi. Lữ Khách ngồi nguyên chỗ cũ gục đầu ngủ, không trông thấy rõ mặt. Trong toa xe không còn ai khác, ngoại trừ Thiếu Nữ cuộn mình trong áo khoác, nằm dài trên ghế đối diện quay mặt vào tường, trên mặt đất có một chiếc giầy cao gót của cô. Có tiếng rung khẽ của chuyến xe đang chạy.)