Ở nơi này mùa xuân đi qua rất chậm. Trên những thảm cỏ ướt tháng hai, từng bầy con gái nhảy múa và xe sợi, gom lại những chùm hoa đỏ rực rỡ để chờ ngày mang về nhà chồng. Tôi ngồi nhìn con suối vắt qua trước nhà, nhìn những trái mơ non lông trắng mượt trên những tàn cây trước cửa, thấy lòng nhẹ thoảng như một vệt gió.Mẹ tôi ngồi khâu lại cái túi nhỏ xíu, cho mấy đồng bạc trắng vào trong và bảo, mang về dưới thành phố, đi đường xa thì nhét vào túi áo túi quần, kẻo cảm lạnh. Tôi bảo, đến khi con lấy vợ, mẹ có làm túi bạc cho vợ con không? Mẹ tôi nhìn tôi, còn tùy con dâu đã. Tôi bảo, chắc chắn là đẹp rồi. Mẹ tôi bảo, đẹp chẳng để làm gì. Đàn bà thành phố như yêu tinh. Tôi nhìn đám con gái tóc dài xuống suối lạnh. Nắng bắt đầu tràn qua những ngọn đồi, bốc khói những đám sương ướt. Mẹ tôi nhìn theo, chép miệng, con gái xóm mình đẹp, nhưng toàn lấy mấy thằng nát rượu, phí thân. Tôi bảo, nếu con lấy một trong những đứa con gái dưới suối, mẹ ưng đứa nào? Mắt mẹ tôi sáng ngời: Con Phần. Nó đẹp nhất xóm. Mà đảm đang. Tôi lại bảo, mẹ có chắc là nó sẽ chịu ở nhà với mẹ không? Con xuống thành phố, chắc là sẽ có nhân tình, nhưng sẽ không bao giờ bỏ vợ. Mẹ tôi bảo, thằng mất dạy, làm đàn bà nhục vì có những thằng đàn ông tham dục. Tôi cười. Nắng lên cao, vời vợi những đỉnh đồi trước mặt. Đám con gái thôi xe sợi, líu ríu đi qua ngõ nhà. Mẹ tôi gọi: Phần. Phần vào nhà, chân trắng, lông mày cạo thành vệt như sợi chỉ, đẹp cổ điển. Tôi bất giác cười, nghĩ đến những cô nàng thoáng qua tại các trung tâm ngoại ngữ ban đêm, mắt mày xăm đậm kỹ lưỡng. Họ có vẻ đẹp sắc sảo của họ. Họ không bao giờ là Phần được. Tôi bảo, Phần mấy tuổi. Phần cười, em hai mươi. Hai mươi mà chưa lấy chồng sao? Phần lại cười, chẳng nói. Mẹ tôi ngừng khâu, nhìn Phần cười, làm con dâu tao đi cho xong, mày đẹp người. Đám con gái cười rinh rích. Tôi cũng cười. Tôi không thích Phần. Cái thung lũng này như một miền đất hứa, cứ vài năm lại nảy thêm một nóc nhà mới, chẳng biết từ đâu về và tuyệt nhiên không ai có ý định bỏ đi. Mỗi nhà một dân tộc, một tiếng nói khác nhau. Nhưng đều êm đềm cả. Những người đàn ông đi biền biệt. Năm thì mười họa mới về. Những người đàn bà thì chờ đợi. Mẹ tôi sống quanh năm trong mấy nếp nhà sàn không muộn phiền. Mẹ bảo, tôi là con trời nên đi đâu cũng được, mẹ cũng chẳng lo lắng, chẳng ngại sợ những mưu chước của người đời. Tôi nhớ những ngày nhỏ, mùa đông thường rất dài. Ngày đó mẹ vẫn thường bảo, một buổi tối trời mưa dông sấm sét, mẹ đi lên núi Tả Van lấy lá thuốc về đắp chân cho bà ngoại. Đi ngang gốc cây dẻ sồi lớn, bỗng có tiếng nổ đinh tai. Mẹ ngất lịm đi. Sáng sớm tỉnh dậy, mẹ thấy mình đang ngập chìm trong bùn đất và cây dẻ sồi ngã vật ngang con suối, thân hình nó vạm vỡ như người đàn ông cường tráng nhất làng. Mẹ lấy tay khoét những vuông bùn quanh mình để tự giải cứu. Khi bước lên khỏi đám bùn ấy mẹ thấy thân mình nặng trĩu, như vừa trải qua một cuộc giày vò kinh khủng, chính mẹ cũng không hiểu vì sao. Cái cảm giác như vừa bị ngã ngựa, vừa đau rát phía cửa mình, vừa bần thần hoan lạc. Trên đám bùn rộng chảy tràn con suối, có những vết chân vừa to vừa dài đi hun hút lên phía thượng nguồn. Mẹ định thần lại, mẹ ngồi trên thân cây dẻ sồi. Mẹ bảo, mỗi khi trời nổi cuộc ngông cuồng, sau mây mưa vần vũ là một thiên thần xuất hiện. Chân thiên thần vừa to vừa dài, người đến rồi đi không ai biết mặt. Nhưng đó là một khuôn mặt đẹp, đẹp hơn hoàng tử, đẹp hơn cả ông Hẳng Bồ Câu suốt ngày tập khí công trên đỉnh núi Tả Van... Những ngày sau, cuộc sống của mẹ cứ bấn loạn lên vì những thay đổi bất thường, những thay đổi khiến bà ngoại cũng không ngờ tới. Mẹ mới tuổi hai mươi, mẹ chẳng biết gì nhiều. Khi thiên hạ đồn ầm lên, đến tai bà ngoại thì cũng là lúc tôi gào khóc đòi nợ cuộc đời. Bà ngoại lịm đi, không nói được gì và cũng chẳng muốn nói gì. Rồi bà kiệt dần. Hồn bà bay khỏi mái nhà tranh khi mẹ đưa tôi ra suối gội sạch đám cứt trâu trên đầu đúng ngày đầy tháng. Suốt những ngày ấu thơ, tôi vẫn thường huênh hoang với đám bạn, tôi là con của thiên thần, sinh ra từ gốc cây dẻ sồi và tôi khỏe mạnh cũng bởi được thừa hưởng sức lực cường tráng từ mạch nguồn bí ẩn đó. Và cho đến tận năm mười bảy tuổi, tôi vẫn thích tin vào những câu chuyện của mẹ, câu chuyện bí ẩn về thân phận tôi trong cuộc đời này. Mẹ tôi bảo tôi, mấy hôm nữa đi rồi chừng nào về? Mày có ưng con Phần để tao qua bảo với nhà người ta. Tôi cười, tôi không thích Phần. Mẹ cũng chẳng ngăn cản tôi đi đâu. Mẹ sinh cho trời đất một đứa con ngang bướng. Và mẹ để tôi đi, say mê đi và rồi âm thầm trả giá. Lúc nào chán mỏi thì lại về với mẹ... ... Mười bảy tuổi. Tôi lộc ngộc như con gà chọi, mắt thao láo, mặt đỏ gấc nhìn cái mái tóc dài như một búi quả mây. Chị mười tám, bỏ trốn khỏi nhà chồng đã được năm năm. Thực lòng tôi không biết chị đến nhà tôi từ đâu, chỉ nghe mẹ kể nhà chị ở bản người Mông, bố chị là ông già bán than củi khô mỗi chợ phiên. Tôi không đánh dấu ngày chị về ở chung một gian bếp với mẹ tôi, chỉ thấy đã thành thân thuộc. Để về sau nhớ lại, tôi nhớ mãi cái sợi chỉ nhỏ mảnh căng trên đôi mắt chị, đẹp miệt mài. Mãi về sau tôi mới biết những bão dông của chị trong đêm tối tuổi mười ba. Chị nhớ rất rõ, đêm đó là hội trùm chăn, đám con gái như những búp xuân mưng mẩy mong ngóng được bắt trộm đem về làm vợ. Chị chẳng mong như vậy. Anh trai chị hùng hục lôi chị từ phòng trọ của trường nội trú lên lưng ngựa, bắt chị về nhà. Mẹ chị tự tay khâu váy đẹp, bắt chị mặc để đợi được bắt đi. Mẹ chị bảo, đàn bà học nhiều chỉ để cãi nhau. Cái đêm hôm ấy, trong bóng đuốc lấp loáng sáng, người ta đi chơi, người ta uống rượu rộn ràng. Mưa gió gọi nguồn bất chợt kéo nhau về. Mưa ầm ào, mưa rộn rã. Chị vân vê cuốn sổ tay mà thầy giáo chủ nhiệm dạy văn đẹp trai trao tặng. Cuốn sổ tay có vẽ bông hoa đỏ rực, màu hoa như màu môi. Thế rồi bất ngờ chị bị bịt kín chăn, bị vác trên vai, xuôi dốc rồi ngược dốc. Chị quẫy đạp. Chị quăng mình trong đám cỏ rậm. Chị nhìn thằng trai say rượu đang cầm khúc cây định bổ xuống thân mình. Chị hoảng sợ, cầm hòn đá quăng ngược trở lại. Thằng trai say rượu ôm mặt, khóc tu tu như một đứa trẻ con. Chị chạy ngược suối, chị tìm về đây và gục xuống cầu thang của mẹ tôi. Mười ba tuổi chị đã một đời làm vợ. Về sau bố chị cũng ghé tìm. Nhưng chị tránh mặt. Mẹ tôi cũng cho chị tránh mặt. Bố chị biết, nhưng chỉ thở dài. Ông âm thầm một đời, lên núi đốt than để kiếm tiền đền con gái cho người ta. Tôi nhìn chị quay tóc bên vại nước. Chị mười tám, người chị như con cá trắm. Chị thích vẽ những bông hoa màu môi đỏ rực, nghĩ nhiều đến những tháng ngày ngắn ngủi ở thị trấn với người thầy giáo đẹp trai. Tôi biết điều đó khi theo chị lên núi bẻ ngô. Chị luôn mang theo cuốn sổ bên mình. Tôi lén xem, tất cả các trang viết đều đã nhòe ướt, chắc có lẽ bởi nước mắt, nhưng sao bông hoa màu môi vẫn đỏ rực không thôi. Chị nhìn tôi với cái mặt ngơ ngáo màu gà chọi mà cười. Thế mà tôi vẫn cứ nhìn. Chị cột tóc lên cao, cái cổ trắng ngần, bầu ngực phập phồng thở. Rồi chị đi lên núi hái chè. Tôi ngồi trên thềm nhà, nhìn ra những cây mơ trụi lá ngoài vườn, nghĩ xa xôi mà không sao dứt khỏi trái lê màu trắng phập phồng phía trong ngực áo chị. Đêm đó tôi thao thức. Ngày hôm sau vẫn thao thức. Có cái gì đó đau tức, như muốn trào ra, vỡ ra từ phía dưới thân mình. Đêm ấy tôi giã từ mười bảy năm non trẻ. Mười tám tuổi. Tôi đếm kỹ tất cả số bạc trắng được cất giữ suốt từ ngày bà ngoại mười tám tuổi cho đến khi cây tùng thông trên mộ bà đã cao quá hai đầu người. Chúng khá nhiều và nặng. Mẹ tôi bảo, đem về thành phố mà ăn học thành tài. Cái đêm cuối cùng tôi ở lại nhà trước khi về thành phố. Tôi thực tâm không nhớ đêm đó có trăng hay không, nhưng hình như mới quá rằm. Chị bảo tôi, mai Toàn đi rồi, có thấy buồn, có thấy nhớ nhà không? Tôi chẳng buồn nói với chị nữa. Tôi chẳng buồn. Chỉ thấy nhớ cái mái nhà này, mảnh vườn này, nhớ mẹ và nhớ chị. Tôi đi lên núi chào ông bà ngoại. Núi đầy sương và cây lá thẫm sậm như những khối thạch đen óng mượt. Chị chạy theo tôi, bước chân chị thình thịch. Chúng tôi cùng chào ông bà ngoại và ngồi lại. Trong mùi cỏ già đơm hạt, mùi hoa dẻ xôn xao từ những suối khe, mùi những trái bồ kết rụng xào xạc trong đêm ngai ngái. Chị tựa vào vai tôi, tóc thơm mùi hoa dại, mắt khép như một vầng trăng kín. Chị bảo, ngày mai phía trước Toàn là cả một cuộc đời. Còn tôi mãi vẫn chỉ có bông hoa màu môi làm bạn. Tôi sẽ là một thứ ma khô. Tôi không nhìn chị, chỉ nhìn vào khoảng bóng tối trước mắt, nghe tiếng thầm thì của những bóng hoa rớt về đêm. Tôi nhìn mãi vào đó để rồi bất ngờ nhận ra những chiếc cúc áo của mình đã được cởi hết. Tay chị nhẹ lướt xuôi xuống. Những miền cỏ xanh mùa xuân dậy thì. Và những bí mật. Tôi ngã vật ra đám cỏ. Cái đôi tay, như thiên thần dịu nhẹ, nhịp nhàng. Phía trên người tôi là một bầu máu nóng ngập tràn. Tôi đi nhẹ nhàng trong giấc mơ không ngày tháng. Si mê, cuồng dại. Những vòng quay bất tận. Trên cỏ. Bất chợt như vần vũ. Bất chợt gió. Bất chợt mưa. Và lóe chớp. Giấc mơ trong thân thể tôi như dòng nước suối khe chảy vào vùng bất tận. Mình tôi giật mạnh, sức tôi trôi đi cùng với giấc mơ của người đàn ông mười tám tuổi. Tôi nằm vật ra, mặt ngửa lên trời. Trong mưa gió vẫn có một vì sao cháy trên bầu trời. Mưa tràn lên thân thể tôi và chị. Mát lịm. Chị hôn lên những hạt mưa. Rồi bất thần bỏ chạy. Một mình tôi nằm lại. Nằm tới khi trời sáng, mưa tạnh. Tôi mơ thấy vết chân mình to như vết chân thiên thần. Tôi khóc... ... Tôi thường gắn những kỳ nghỉ Tết và nghỉ phép luôn thể, về chơi với mẹ. Đêm cuối ở nhà với mẹ, tôi định hỏi chuyện về chị nhưng lại thôi. Đám con trai kéo đến, rủ đi đánh bữa rượu, mai thì biền biệt suốt cả năm mới về. Mẹ tôi bảo, mai tàu xe xa, đừng nên uống nhiều. Bạn bảo, uống chút nữa, cho say cho mê, không mai mốt lại quên đường về nhà. Uống rượu với thịt trâu khô, rượu thật đậm đà. Rồi đi trêu gái. Đi xa quá. Mà đường về chếnh choáng. Tôi đi liêng biêng trên những triền dốc cao. Mỗi thằng con trai lại tìm được một cái bếp đàn bà rồi chui vào ngủ lại. Còn tôi, tôi bị thành thị làm phai mùi mồ hôi, chẳng đứa con gái nào theo nữa. Tôi đi, một mình cũng đi. Có tiếng sáo thổi bài ca gì, thật chẳng nhớ. Và tiếng sáo ngưng. Và trên trán tôi là bàn tay con gái. Anh Toàn đã say rồi, ngồi đây lạnh là mai không đi về thành phố được đâu. Tiếng của Phần. Tôi như lịm đi. Phần bảo, mai anh về thành phố, chắc chẳng nhớ em đâu. Nhưng em thì nhớ anh. Tôi bảo, đàn ông ra thành phố dễ hư hỏng, Phần tin làm gì. Em sẽ ở lại với mẹ, lúc nào thích thì anh về cũng được. Tôi nhìn nước mắt Phần. Nước mắt đẹp. Nhưng tôi bỏ chạy. Phần ngồi phịch xuống cỏ, khóc dấm dứt. Suốt đêm đó quẩn trong thung lũng là tiếng sáo réo rắt. Mờ sáng hôm sau, tôi lách qua phên giậu của mẹ. Tôi đi... Tôi đi như tháng giêng mười tám tuổi...