Truyện này do một tác-giả vô danh Việt-Nam biên soạn. Truyện diễn ca gồm có 788 câu, có thể chia làm 5 hồi: 1. Nỗi oan giềt chồng Đức Quan-Âm nguyên trước kia là đàn ông, tu hành đắc đạo gần thành Phật. Nhưng Đức Mâu ni hiện ra người con gái đẹp để thử lòng thì ngài hẹn đến kiếp sau sẽ vầy duyên. Vì vậy Đức Phật bắt ngài sinh làm kiếp thứ mười và cho ngài đầu thai làm con gái họ Mãng ở quận Lũng-tài nước Cao ly, rồi bắt suốt đời phải chịu oan-khổ để thử lòng. Người con gái ấy tên là Thị Kính, lớn lên có tài sắc nết na. Sau cha mẹ gả cho Thiện-Sĩ, một thư sinh, con nhà họ Sùng. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận. Một đêm kia chồng ngồi đọc sách, nàng ngồi khâu bên cạnh. Chồng mệt tựa bên cạnh ngủ. Nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có râu mọc ngược; sẵn dao nơi tay, nàng toan cắt sợi râu đi. Bỗng người chồng giật mình thức dậy, tưởng vợ có ý ám hại mình bèn tri hô lên. Cha mẹ chồng đến, một mực buộc nàng cố ý giết chồng, rồi sai mời Mãng-ông đến bảo để giao trả nàng lại. 2. Thị Kính đi tu Về nhà cha mẹ, oan-ức và đau buồn mà không biết thổ lộ cùng ai, nàng định tự tử. Song nàng nghĩ mình là con một, mà cha mẹ thì đã già nên không nỡ dứt tình. Nàng bèn quyết chí đi tu. Nàng giả dạng nam-nhi, đến chùa Vân-tự xin qui y. Được sư cụ thừa nhận, đặt tên cho là Kính-Tâm. 3. Nỗi oan thông dâm Nhờ câu kinh tiếng kệ, Kính-Tâm dần quên được đau buồn. Nhưng không bao lâu lại xảy ra tai vạ nữa. Nguyên trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, hiện đường kén chồng nên thường hay đến lễ chùa. Thị Mầu thấy tiểu Kính-Tâm có tư sắc thanh tao, đem lòng say mê, nhưng Kính-Tâm thì vẫn thờ ơ. Vì mơ tưởng nguyệt-hoa quá nên khi lửa dục nhóm lên, không tự chủ được, Thị Mầu mới thông dâm với đứa đầy tớ trong nhà, thành ra có mang. Chuyện đổ bể ra, làng biết, gọi ra tra hỏi thì Thị Mầu đổ cho Kính-Tâm. Kính-Tâm khó thể minh-oan nên làng phạt đánh và bắt khoán. Nhà sư thương-hại đứng ra lĩnh về. 4. Thị Kính nuôi con Thị Mầu Sau Thị Mầu sinh được một đứa con trai, đem ra chùa trả cho Kính-Tâm. Vì dạ hiếu sinh, Kính-Tâm ẩn-nhẫn nuôi đứa hài nhi. Ba năm sau, đứa bé khôn lớn. Kính-Tâm đã đến ngày siêu hóa, bèn gọi đứa bé lại dặn dò rồi viết một bức thư để lại cho cha mẹ trước khi xả tự. 5. Rửa oan thành Phật Khi sư vãi trong chùa liệm thi hài mới biết Kính-Tâm là đàn bà giả trai. Làng hay, bắt Phú ông phải sắp đặt việc chôn cất. Thị Mầu khi ấy hổ thẹn phải liều mình, và lúc chết phải sa vào địa ngục. Được thư báo tin, ông bà họ Mãng cùng Thiện-Sĩ và đứa bé đến chùa lo việc ma chay, cầu cho Thị Kính kiếp sau khỏi khổ nạn. Trong lúc chay đàn, Đức Phật Thiên-Tôn hiện xuống truyền cho Kính-Tâm được lên trời làm Phật Quan-Âm, ông bà họ Mãng và đứa tiểu nhi cũng được siêu thăng. Duy chỉ có Thiện-Sĩ thì cho làm con vẹt đứng nhờ một bên. Năm hồi trên đây, có thể chia ra làm 31 đoạn: 1. Mở đầu. 2. Vào truyện. 3. Quan-Âm thác sinh. 4. Họ Sùng ngỏ lời thông gia với họ Mãng. 5. Họ Mãng bằng lòng nhận lời cầu hôn của họ Sùng. 6. Thị Kính buồn nỗi phải xa cha mẹ. 7. Cha mẹ khuyên-giải Thị Kính. 8. Thị Kính về nhà chồng. 9. Thị Kính bị nghi oan là giết chồng. 10. Thị Kính bày tỏ nỗi oan. 11. Nhà chồng có ý ngờ Thị Kính có ngoại tình. 12. Thị Kính từ giã nhà chồng về nhà cha mẹ đẻ. 13. Lúc vợ chồng từ giã nhau. 14. Thị Kính sau khi về nhà cha mẹ đẻ. 15. Thị Kính cải trang trốn đi ở chùa. 16. Thị Kính xin vào tu tại chùa Vân-tự. 17. Thị Kính được đổi tên là Kính-Tâm làm tiểu nhà chùa. 18. Thị Mầu phải lòng tiểu Kính-Tâm. 19. Thị Mầu tư thông với với đứa ở. 20. Phú ông tra hỏi Thị Mầu. 21. Vì làng đòi hỏi, phú ông phải dẫn Thị Mầu ra đình. 22. Tiểu Kính-Tâm bị làng tra hỏi. 23. Tiểu Kính-Tâm bị đòn. 24. Nhà sư xin bảo lãnh cho tiểu Kính-Tâm. 25. Nỗi niềm tiểu Kính-Tâm khi ra ở tam-quan. 26. Thị Mầu sinh con trai, đem giao trả cho Kính-Tâm. 27. Tiểu Kính-Tâm nhận nuôi đứa tiểu nhi của Thị Mầu. 28. Tiểu Kính-Tâm viết thư dặn con rồi siêu thoát. 29. Nỗi nhà họ Mãng sau khi nhận được thư. 30. Tiểu Kính-Tâm siêu thăng được làm Phật Quan-Âm. 31. Kết-luận.