Ông Hựu chém phập cây rựa bản sắc xớt ngọt vào gốc mít, rít giọng:
- Từ bữa nay, thằng Hạng còn léng phéng với con nào, tao chém!
Thằng Hạng, đứa con út phá gia chi tử của ông ngồi khoanh gối trên ngưỡng cửa nhìn ra, nét mặt tai tái song không tỏ biểu hiện gì. Nó vẫn giữ cái điệu bất cần xấc láo. Trong bụng nó lầm bầm chửi rủa: "Cha mẹ tiên nhân con Ngà... Cha mẹ nó chứ, cái hạng chai bao đồng nát... Cha mẹ tiên nhân con đàn bà khốn nạn... Ông thì ông bóp cổ..". Rồi nó mơ màng nhớ lại cái cảnh Ngà hốt hoảng xô nó ra, giãy giụa trong đôi tay cứng như gọng kìm, dãi cả nước mắt, nước mũi lên người nó. "Cha mẹ tiên nhân con đàn bà khốn nạn. Nó dám trêu vào ông. Ông thì ông bóp cổ, bóp cổ...".
Thằng Hạng chằm hặp nhìn ra gốc mít, nơi vết dao cắm ngập ứa đầy nhựa trắng. Rồi hắn nhìn mấy vết răng tím bầm trên cổ tay mà lại nổi lên cái lòng muốn ăn tươi nuốt sống thủ phạm, ăn tươi nuốt sống cái con đàn bà khốn nạn ấy ngay tắp lự.
*
Con đàn bà khốn nạn ấy ở dưới chân đồi Ngắng, chênh chếch miếu Linh một quãng. Ngà thuộc loại con gái quá thì, chẳng có gì đẹp, nếu không muốn cho là xấu. Đàn bà con gái đã quá thì lại còn suốt ngày xồng xộc trên chiếc xe như con ngựa vía thì lấy đâu ra đẹp, huống chi là cái ngữ buôn đồng nát tàn tạ quá đát này. Thế mà con đàn bà ấy lại tưng tửng giòn, tưng tửng ngọt, lại tim lỉm tìm lìm thơm tho như quả na nứt mắt tròn căng khiến cho thằng Hạng cứ phải đâm đầu rúc cổ vào mới chết chứ. Hắn đã bỏ cả tuần lễ để nghiên cứu lịch trình đi về của con ngựa vía ấy, rồi vần vụ thêm mấy tuần nữa mới phục được nó, mới chiếm được nó, lại còn được cuộc cả hai két bia của bọn đàn em uống chơi. Chỉ có thế, không ngờ sinh chuyện. Con ngựa vía khốn nạn bỗng lù lù mang bầu. Mà tất nhiên là không thể tự nhiên có bầu rồi. “Nhưng cả làng đàn ông đực rựa nhung nhúc thế này, đố biết ma nào ăn cỗ, nếu không phải tại con mụ Quắn cái miệng xoen xoét như đít vịt. Mẹ kiếp! Không từ cái quán bảy món cầy tơ ấy mà ra, ông thì ông đâm đầu xuống đất...”.
Càng nghĩ hắn lại càng tức. Càng tức thì lại càng muốn bóp cổ con mẹ Ngà. Càng muốn bóp cổ con mẹ Ngà thì hắn lại càng điên tiết với ông già hắn. Ông già dính vô chuyện này làm gì chứ? Ai khiến? Có mà thừa cơm... Nhưng ông già đã dính vô thì khó đùa được. Trong cái nhà này, hắn là con cầu tự, hai thằng anh của hắn đã chết rục xương vùi thân trên rừng thiêng nước độc với giấc mộng đào vàng. Ông bà già són được hắn là còn tốt phúc. Thế mà chỉ vì một con khố rách áo ôm trời sợ, ông già lại hoạnh họe, hăm dọa hắn. "Thôi hết rồi từ nay vĩnh viễn, đời lang thang tung cánh giang hồ...". Thằng Hạng chằm hặp nhìn ra gốc mít, ngấn ngứ trong đầu mấy câu thơ chập chờn say tỉnh. Ông già hắn mà đã tuyên bố thì chắc như dao chém đá. Cái máu của một anh chính trị viên đại đội thất sủng năm xưa chỉ vì lý do vớ vẩn ôm một cô văn công quân khu sau bìa rừng mà bị giáng cấp, thuyên chuyển công tác rồi phải phục viên về làng làm đám cưới với cô ta, mẹ hắn bây giờ, trong cái từ đường mốc xì như mả rách ấy quả là ghê gớm. Bố mẹ hắn sinh tam nam tù tì nên có cong đít lên làm ăn cũng chẳng giàu có được. Mãi cho đến khi hai thằng anh hắn chết đi. Cô văn công năm xưa trúng quả liền mấy chuyến hàng Trung Quốc nhờ cái lưng eo thon và đôi mắt sắc liếc ngang liếc dọc đủ để cưa đổ những con dê già hám lạ. Sau đó, mẹ hắn bỏ nghề buôn chuyến, lấy vốn mở sạp vải tùng tiệm ở chợ nhà, tiền rủng rẻng vào ra dư sức nuôi chồng, chuộng con.
*
Nhà hắn phất lên không lâu thì chẳng biết từ đâu Ngà xuất hiện ở làng. Vừa tới làng, cô đã đi xin lễ miếu Linh rồi cắm lều dựng nhà ở ngay dưới chân đồi Ngắng. Kể cũng táo tợn. Đã lâu, đồi Ngắng là một thánh địa không người qua. Đường lên miếu Linh ngập lút cỏ dại. Những năm chiến tranh, khi cả làng bị bom đạn cày xới, miếu Linh không biết do ai dựng sẵn từ bao giờ lại chẳng hề đổ nát, sứt sẹo một cọng cỏ. Người già bảo đồi Ngắng đã được ông tổ làng chọn làm nơi trú ngụ, nên thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hồi đó, người ta còn chăm cúng thờ lễ bái tứng lựng trên miếu Linh. Sau nghe đâu trong một đêm mưa bom có đôi trai gái dắt díu nhau đến trước cửa miếu cắn lưỡi mà chết. Nghe đâu hai bên gia đình không môn đăng hộ đối nên bị cấm cản gì đấy... Chỉ biết rằng linh hồn đôi trai gái đó như mãi còn lẩn quất nơi miếu Linh, thành người giữ miếu. Từ đó, đồi Ngắng càng thêm thiêng. Người ta kháo nhau ai lên đồi Ngắng về không ốm đau quặt quẹo thì cũng sập nhà, tai nạn hay khuynh gia bại sản. Trai gái trong làng tuyệt đối không dám rủ nhau lên đồi cao tình tự, dù đó là nơi vắng vẻ trong lành. Họ tin rằng đôi trai gái nào lên đồi Ngắng, về nhà không bỏ nhau thì cũng không lấy được nhau, có khi còn trở mặt thù ghét nhau muôn đời muôn kiếp. Chuyện khó tin nhưng cũng chưa ai dám xé rào. Cho nên, Ngà trở thành người đầu tiên lên đồi Ngắng mà trở về bình yên. Có điều lạ, cô từ nơi khác đến đây, không thèm đăng ký tạm trú hộ khẩu, cứ dựng lều ở ngay vị trí đất linh thiêng nhất của làng mà chẳng hề có chính quyền nào hỏi thăm, cũng chẳng thấy thần nào bắt tội. Hay Ngà là con Trời con Phật? Nhiều người bán tín bán nghi. Chỉ có thằng Hạng là hùng hồn: "Nó là người nơi khác tới đây, không phải người trong làng thì có thần đếch nào mà hiển linh bắt tội nó được. Chứ làm quái gì con Trời con Phật lại tả tơi thế kia?"...
Hùng hồn rồi, hắn quyết tâm hạ Ngà để tỏ rõ cho bọn đàn em thấy bản lĩnh cao cường của mình. Bởi thế mà bây giờ con đàn bà ấy mới lù lù dẫn xác vào nhà hắn, rúc vào cuộc đời hắn, làm cho đời hắn khốn nạn. Thằng Hạng trân trân nhìn vết dao ứa từng dòng mủ trắng đang dần ngả vàng và sẫm đen lại, thở dài thướt thượt.
*
Từ khi Ngà về ở trong vườn nhà, thằng Hạng không bao giờ bén mảng ra vườn nữa. Ngược lại, ông già hắn trở thành người vui thú cỏ cây, thiên nhiên. Những gốc mãng cầu xiêm được bón tưới đều đều nhú lên từng đọt lá xanh. Trước đây, ông Hựu có bao giờ để ý gì đến rau với cỏ. Bà Hựu thấy chồng chăm chỉ khác thường cũng vui lây. Bà sắp có cháu rồi, mặc kệ mẹ nó là ai, bà chỉ biết mình sắp có cháu nội để bồng, cháu đích tôn của bà. Cứ nghĩ thế thôi là bà đã sướng run người, chỉ chực chui ra cái lều kia, bồng lấy cái bụng tròn thum lủm của con mẹ kia mà chăm bằm hôn hít. Vì cháu bà ở trong đó mà. Còn Ngà thì... nước non gì, đồ bỏ!
Ngà cũng tỏ ra biết phận nên suốt ngày cum cúp trong lều, không ló mặt. Chị một mình lui hui cơm nước, lui hui với đứa con bất đắc sĩ. Nếu không thương nó, Ngà đã chẳng về đây. Phải nói rã mồm ông Hựu mới xin được Ngà về, với điều kiện chị đặt ra là phải đồng ý để chị ở trong túp lều cuối vườn, tự lo cho bản thân. Ngà những muốn đứa con trong bụng sẽ có cha, có ông bà, có giấy khai sinh hẳn hoi. Chẳng như mẹ nó, không biết bố mẹ, cũng không họ hàng thân thích. Một ngày, bỗng dưng nhận ra mình có mặt ở cuộc đời, thế là phải bươn cào kiếm sống. Đứa con chị giờ được gần ông bà, gần bố, dẫu không được như ý nhưng nó sẽ không phải oe oe khóc chào đời nơi chân đồi Ngắng đèo heo hút gió. Chỉ vì nghĩ vậy mới về đây. Biết dại nhưng vẫn về. Trăm điều dại không lại một điều khôn: chị cần con có bố!
Từ ngày chị về đây, thằng Hạng chưa bao giờ gặp mặt. Hắn trốn biệt trong quán rượu. Suốt ngày say nhoét, rồi lừ đừ trở về nhà, cào cào móng tay thâm xì lên vết chém trên thân mít, nhìn trân. Ngà ước ao được nhìn thấy thằng Hạng một lần, cái mặt trong đêm mưa mà do hoảng sợ chị đã không nhìn thấy rõ. Con chị có giống bố chút nào không nhỉ? Hay là nó giống chị? Lạy trời đừng cho nó giống chị, đừng giống mẹ, khổ lắm con ơi!... Chị nhớ lại đêm mưa trong lều vắng. Cái cánh tay xiết như gọng kìm bị chị cắn nghiến. Mỗi lần nhớ lại là lòng nôn nao. Sao mình cắn hắn như thế mà hắn vẫn không chịu buông ra nhỉ? Và cả cái túp lều rệu rã rung lên, tưởng như sắp sập đến nơi... Chắc bây giờ, nó còn rệu rã hơn thế nữa. Sức vóc đàn bà nào có làm gì ra hồn, huống chi là dựng lều dựng chõng. Còn đồi Ngắng, nơi có cái túp lều của chị ấy, không biết bây giờ có ai đặt chân không? Chao ôi! Mùa này đang là mùa hoa ngắng trổ. Cái làng này có nhiều thứ thật lạ. Cỏ gì mà mang tên “ngắng”, lại đẹp đến lạ kỳ...
Vào khoảng tháng ba, tháng tư, khi mùa xuân chơm chớm heo tàn và những đợt gió Lào vừa kịp hanh hao trườn qua dãy Trường Sơn báo hiệu mùa hè sắp đến thì cỏ ngắng cũng bắt đầu trổ hoa. Đến mùa trổ hoa, cỏ ngắng bỗng cao vút lên, to và mập bằng thân lúa, giống như người đàn bà mang bầu tròn căng thân thể, cho đến một lúc nào đó, trên các đọt lá, những bông hoa tròn như chấm nắng ươm vàng xuất hiện. Và thế là cả một vùng chấm nắng rập rờn giữa đồi cao, tỏa ra mùi thơm ngọt như mùi kẹo gừng dậy làng đêm cuối năm. Ngà mê cái mùi hoa ấy, mê cái thảm vàng khổng lồ bao quanh ngọn đồi. Chao! Ước gì chị được rời khỏi góc vườn này, ước gì chị lại lên đồi Ngắng, nằm lịm đi trong thảm hoa vàng, để cho đứa con trong bụng được giãy đạp, hít thở mùi hương lừ ngọt say nồng ấy... Rồi chị lại trở về. Chị sẽ trở về. Nhất định. Vì chị đến đây, ở lại dưới chân đồi Ngắng này không phải là chuyện tình cờ, mà bởi một lời nguyền từ truyền thuyết xưa còn lại...
Sau đêm giông đầu tiên của mùa hè, ông Hựu dậy sớm ra vườn. Ưỡn căng lồng ngực, ông hít thở mùi đất ngai ngái sực lên từ cơn mưa ẩm ướt. Những cành lá vươn ra xanh thẫm phủ kín gốc mãng cầu xum xuê như vừa thay áo, tràn trề sinh lực. Ông liếc mắt về cuối góc vườn. Quái! Hôm nay sao nhà Ngà ngủ kỹ thế? Mọi hôm, vẫn thường dậy sớm trước ông kia mà. Ông Hựu lại liêng liếc mắt nhìn. Vẫn im lặng. Không hề có một tiếng động. Không hề có khói rơm hăng hắc như mọi khi. Linh tính một điều chẳng lành, ông xộc thẳng vào căn lều. Trong lều không một bóng người. Trên chiếc chõng tre, gối chăn của Ngà vẫn còn xếp gọn, lạnh ngắt. Đêm qua, Ngà không ngủ đây! Ngà đâu? Cháu nội của ông đâu? Cháu nội của ông...
Ông vụt vào nhà, giật áo thằng Hạng, rồi như lên cơn điên, băng ra ngõ chạy tìm.
Đúng ngọ trưa hôm sau, ông Hựu liều mình lên đồi Ngắng, nơi duy nhất trong làng ông chưa sục xới. Ông thấy Ngà nằm khuất trong vạt cỏ vàng hươm, trên môi ngậm ba đọt cỏ còn đọng mưa giông đêm trước. Cạnh đó là một vệt trườn dài dẫn xuống miếu Linh.
*
Lời nguyền xưa truyền tụng trong làng... Ai tìm được ba đọt cỏ vừa nhú lên trong đêm giông đầu tiên của mùa hè trên đồi Ngắng, người ấy sẽ tìm được điều ước linh thiêng ứng nghiệm cho mình!...
_____________________________