Ngày tôi năm tuổi, nàng xuất hiện. Khi đó, trái đất ngoài tôi ra chỉ có hai người phụ nữ. Mẹ chăm nuôi tôi còn nàng là bông súng trắng độc diễn trên chiếc ao ký ức tuổi thơ tôi. Trinh mảnh dẻ và có một làn da trắng như ngà. Mẹ thường chép miệng: Con Trinh trông yểu mệnh lắm!
Tôi chẳng quan tâm đến những điều mẹ nói. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi khi đó là mỗi sáng tinh sương được thấy nàng từ vườn nhài đi lên trao cho mẹ những bông hoa nhỏ xíu, trắng như tuyết. Cả người nàng toát ra làn hương thanh thoát và tươi mát của thời khắc bình minh. Dù đang còn ở trên giường hay đang ngầy ngà với mẹ, tôi cũng giành phần chạy ra đón gói hoa từ tay nàng. Một bàn tay nhỏ xíu với những ngón tay mảnh dẻ như cánh hoa ngọc lan. Mẹ rón tay nhúp mấy bông nhài từ gói lá bưởi thả vào bát tào phớ của tôi. Tôi say mê tào phớ từ khi có Trinh. Từ đó cho tới khi trở thành một gã đàn ông râu ria thường xuyên không cạo, tôi vẫn chỉ say mê màu trắng. Tôi ngây ngất khi được nàng bế và thơm vào má. Nếu lưu ý, hẳn nàng đã thấy trái tim bé nhỏ của tôi đang đập loạn xạ. Có đêm tôi mơ thấy Trinh đang hái nhài. Nhưng thay vì hoa nhài là cả một vườn sao. Mỗi khi nàng giơ tay hái, bông sao đó lại bay vụt đi. Rồi tôi thấy Trinh gánh sao đi. Thỉnh thoảng từ trong hai chiếc sọt xinh xinh lại vương ra một bông sao. Cứ thế vài bông sao lấp lánh ánh bạc rơi lác đác trên nền gạch đỏ đường làng theo lối nàng đi. Năm Trinh mười lăm tuổi, một hôm, không nhịn được, tôi đành thổ lộ với mẹ và chị Na: Sau này con sẽ cưới chị Trinh. Cả hai người cười ngất. Mẹ nói: Vậy con sẽ phải gọi ông Thược Dược (bố Trinh tên là Dược, ông nội tên Thược, nhưng cả làng cứ gọi vậy thành quen) là bố vợ đấy, con có chịu nhận không!
Đó là điều tôi ít ngờ tới nhất. Mẹ Trinh ốm chết từ khi nàng còn thơ dại. Ông Thược một nách nuôi sáu đứa con. Có một dạo ông cũng tấp tểnh nhờ mối lái, toan kén người về đỡ đần, nuôi con. Nhưng cứ nghe đến sáu chiếc tàu há mồm thì bà nào cũng lắc đầu lè lưỡi. Chẳng có ai chịu nâng khăn sửa túi - chiếc túi thường xuyên mắc bệnh viêm của ông. Thế là ông Dược tấp tểnh cặp bồ. Nhưng chẳng có người phụ nữ nào chịu cặp lâu lâu với người đàn ông keo kiệt, kiết xác ấy cả. Làng này ai cũng chê bai ông. Có một dạo đi đâu cũng thấy mấy người ghé vào tai nhau xì xào chuyện ông Dược xông vào buồng tắm của con dâu. Dạo đó nhà tắm của hầu hết mọi nhà trong làng đều làm ở ngoài trời bằng cây que che tạm. Họa hoằn lắm mới có mái che. Buổi tối hôm đó, như thường lệ, con trai ông đi xòe nan quạt. Con dâu ông đang tắm gội dưới trăng. Bỗng roẹt một cái, chiếc cửa nhà tắm làm bằng nan tre tung ra và ông Dược xuất hiện. Như một cơn lốc, bố chồng đè nghiến nàng dâu xuống và cái gì phải đến đã đến. Đứa cháu gái thứ hai giống hệt ông nội. Chẳng nể nang gì gã chồng đạp xích lô suốt ngày tổ tôm tổ cá, đứa con dâu nói huỵch toẹt rằng đó là con ông Dược, ông phải có trách nhiệm. Ông Dược cào chỗ này, cấu chỗ kia được vài trăm, ấn vào mồm đứa con dâu mất nết, thế là nó im.
Cơn sốt đất ngầm ngầm từ vài năm trước đột nhiên bùng phát mạnh. Cả làng hoa rùng rùng nở mày nở mặt. Nhiều gia đình bán một phần đất rồi làm nhà cho con ra ở riêng. Vườn nhài nhà Trinh mau chóng bị chia năm xẻ bảy rồi cũng mau chóng biến thành những lô nhà bê tông có tường bao cắm dây thép gai. Chỉ còn lại con mương thoát nước kề bên, mà hai bờ lở loét của nó được hàng mẫu đơn trắng che chở, là thoát nạn hóa kiếp vì nhà nước chưa có tiền cống hóa. Nhà cũ bán đi. Là con út chưa lập gia đình, Trinh chuyển xuống ở với người cha già trong ngôi nhà nhỏ xíu cuối vườn nhài xưa, y như hồi bố ông ta đã từng sống trước cải cách vậy. Mẹ bảo:
- Ngẫm lại cũng thấy lạ, chưa hết cuộc đời đã thấy cảnh xưa lặp lại.
Tôi cũng bắt đầu cao vống lên - theo lối nói của mẹ - nhưng chẳng có da thịt gì vì phở không ăn lại chỉ ăn tào phớ. Một thứ tào phớ thiếu hương nhài.
Bẵng đi một thời gian không thấy nàng đâu. Mẹ nói nàng đi học nghề trên phố. Thỉnh thoảng nàng lên nhà thăm mẹ, nhưng ít khi tôi gặp vì phải đi học. Lâu quá không thấy mặt Trinh, tôi xuống nhà ông Dược vờ vĩnh hỏi này hỏi nọ, nhưng nàng không có nhà. "Nó còn phải đi làm ăn chứ lêu lổng thì lấy gì đút vào mồm".
Làm thuê trên phố một thời gian Trinh lại về làng. Nghe nói nàng có mấy anh vô công rồi nghề dòm ngó, nhưng chưa ưng đám nào. Một bậc đàn chị thuê Trinh làm ở tiệm uốn tóc. Gọi là tiệm cho oai chứ thực ra nó chỉ là một chiếc ngõ che tạm bằng mấy tấm cót. Trinh ở giữa đống tạm bợ ấy như một con sẻ non trong chiếc tổ vụng dại của lũ trẻ con hay bắt chim về nuôi. Ế ẩm luôn nên hầu như khi nào tôi đi qua, nàng đều hào phóng ban thưởng cho tôi những nụ cười dịu dàng nhất trần gian làm tôi lâng lâng vui sướng. Niềm vui lớn nhất của tôi là được Trinh cắt tóc cho. Tôi ngây ngất ngắm qua gương khuôn mặt tươi mát của nàng. Tôi lả đi vì hơi thở dịu ngọt của nàng phả vào gáy, vào mang tai. Tôi nghẹt thở vì ở rất gần làn da trong suốt của nàng.
Một hôm tôi đang ngắm nàng qua gương thì bỗng thấy dưới cần cổ xinh xắn, từ làn da mỏng mảnh đó một màu hồng dâng lên từ từ, từ từ trào lên cằm, lan lên thái dương và cả khuôn mặt chuyển thành hồng. Cũng qua gương, tôi nhìn thấy bóng một gã thanh niên lướt xe máy đi tới. Trinh đã nhìn thấy chàng ta và đó chính là nguyên nhân khiến nàng đỏ mặt. Trái tim tôi thắt lại vì phát hiện này. Tôi mới có mười tuổi.
Đêm đó tôi nhói đau trong ngực. Giấc ngủ hốc hác trong mê sảng. Hôm sau mẹ hỏi: Đi cắt tóc chị Trinh chòng ghẹo gì mà suốt đêm cứ gọi tên chị hoài. Rồi tôi lại nhẹ lòng khi nhìn thấy Trinh trau chuốt những móng tay màu hồng. Ôi những ngón tay mảnh dẻ, trắng muốt như những búp hoa lan! Trong chiếc juýp trắng, cổ chân nàng thon nhỏ như một cọng ngó sen, thanh thoát đến lo âu, đến thắt lòng.
Mùa đông đầy ẩn họa đã đến. Cửa hàng của Trinh đông khách hơn. Lũ đàn ông bu đến nhiều. Vất vả hơn nhưng Trinh tươi tắn lạ lùng. Đôi mắt nâu của nàng như có lửa. Hàng mi dài trở nên sống động và linh hoạt. Mái tóc màu hạt dẻ ngang lưng mượt mà như nhung, mềm mại như lụa. Tiếng cười của nàng như những giọt pha lê. Sáng sáng nàng mua những bông hoa loa kèn miệng còn ngậm sương cắm vào chiếc bình bằng men Bát Tràng rồi ngồi trước gương vừa chải tóc vừa đợi khách. Chẳng mấy chốc đã thấy mấy anh chàng xuất hiện. Rồi Trinh gãi đầu cho họ, mơn man tóc họ bằng những ngón tay lụa là. Gần hết mùa đông thấy Trinh cặp bồ với một tay làm nghề khoan phá bê tông kiêm xe ôm. Gã nợ đìa vì hay cờ bạc. Gia đình đông anh em chen chúc trong căn hộ hai bốn mét vuông. Mẹ nói Trinh nghèo lại thất học, chẳng có điều kiện mở rộng giao tiếp, như ngọc trung ẩn thạch, là viên ngọc nhưng ở trong hòn đá nằm dưới giếng thì làm gì có điều kiện mà kén chọn. Từ đó, thỉnh thoảng Trinh nghỉ làm sớm và đi bát phố. Trinh thích ngồi sau xe của gã vì gã có tay lái lụa. Cả hai đều có điểm chung là thích tham dự vào các cuộc đua xe, nơi mà cái duy nhất có thể đem ra thi thố đó là lòng can đảm, chứ chẳng phải lý lịch, xuất xứ, bằng cấp hay địa vị xã hội. Trinh nói rất thích cảm giác ngồi xe máy mà như được bay lên, được thấy thiên hạ dạt sang lề đường. Tội nghiệp nàng! Trinh chẳng mấy khi có điều kiện đi đây đi đó vì hằng ngày phải rạp lưng gãi đầu cho khách. Một bữa Trinh sang nhà chơi, tôi bộc phát:
- Chị đừng làm nghề gội đầu nữa.
Trinh bảo:
- Không làm nghề này thì biết làm gì mà sống. Cún học cho giỏi đi, bao giờ lớn kiếm tiền nuôi chị nhé.
Rồi cái ngày tang tóc ập đến. Hôm đó mới chợt tối, Trinh nghỉ làm sớm hơn thường lệ. Cương - gã khoan phá bê tông - đến đón Trinh đi. Vừa tới dốc làng, gã lùi số xe rồi vọt lên đường đê, vượt chiếc xe tải cùng chiều đang ở khúc cua, suýt chui tất vào gầm xe, nhưng tay lái lụa may mắn thoát chết. Trinh ngồi sau người lạng đi, đầu va nhẹ vào thành ô tô, người không hề hấn gì nhưng khi Cương dừng lại thì Trinh chỉ nói được một câu: “Em mệt lắm...”, rồi gục xuống mãi mãi.
Nàng lặng lẽ ra đi với rất ít người đưa tiễn. Cương chẳng có mặt trong đám vì có lẽ gã còn chưa hoàn hồn. Cũng chẳng ai buộc tội gã phải chịu trách nhiệm trong cái chết của Trinh: đơn giản đó là một tai nạn giao thông, có thế thôi. Vì bận đi học từ sớm, tôi được tin Trinh mất vào tối hôm sau, khi mọi người đã đưa Trinh về nơi an nghỉ cuối cùng. Thoạt đầu, tôi chạy ngay ra tiệm gội đầu. Chỉ có hơn một ngày mà tất cả đã đổi khác. Chẳng còn một chút dấu vết gì chứng tỏ Trinh đã từng ở đây. Một cô gái khác đang ngồi đó tỉa tót móng tay. Tủ đồ đã quay hướng khác. Chỉ còn chiếc gương cũ thản nhiên phản chiếu bất cứ hình ảnh nào đập vào nó. Không thể tin được. Tôi đi vô định trên đường làng. Rồi trên bờ mương um tùm những cây mẫu đơn, tôi thấy Trinh. Trong bộ đồ trắng toát, Trinh dịu dàng nói:
- Cún, em đừng buồn. Chị sẽ không bao giờ xa em, trừ phi em muốn như vậy.
Tôi ôm lấy Trinh, thấy nàng thật dịu dàng, dịu dàng như một làn hương.
Trong khi cả nhà hoảng hốt đi tìm thì tôi trở về nhà, "khuôn mặt bình thản như chưa hề có chuyện gì xảy ra", theo lời của chị tôi kể lại. Ngày hôm sau cũng như nhiều ngày tiếp nữa, tôi nằm bẹp giường. Cả làng thảng thốt: Thằng Cún bị con Trinh bắt mất hồn vía rồi. Mẹ tôi bán mảnh vườn bà ngoại cho để phục thuốc cho tôi. Năm đó tôi ở lại lớp.
Tôi và Trinh còn gặp nhau nhiều lần nữa trong suốt tuổi vị thành niên của tôi. Tôi chuyện trò cùng nàng khi ở nhà một mình, khi bị bọn con trai cùng lứa chòng ghẹo, lũ con gái hắt hủi. Tôi thề sẽ yêu nàng mãi mãi. Nàng là duy nhất, là độc tôn. Ai cũng bảo tôi ngớ ngẩn. Mẹ thở dài thườn thượt. Hai sáu tuổi tôi vẫn chỉ là thằng Cún của mẹ. Bao nhiêu đám mai mối, Trinh đều chặn hết, che sạch. Con gái cứ giáp mặt tôi là lắc đầu. Còn tôi cũng chỉ thấy có nàng. Mẹ đi cắt tiền duyên thì nàng nhập vào mồm ông thầy, phán rằng: Kiếp này Cún chỉ có Trinh, chỉ yêu một mình Trinh. Chỉ có nàng mới đem lại hạnh phúc cho nó. Họ hàng xui đưa tôi đi bệnh viện tâm thần. Mẹ không cho động đến. Nói ra nói vào nhiều quá bà nổi dóa lên chửi ngoa ngoắt: “Bà chỉ có mỗi thằng con vàng, con bạc. Đứa nào bảo nó ngây tao đào mả bố nhà chúng mày lên. Chúng mày chỉ nhòm ngó vào ba sào vườn nhà bà à. Có mà ăn c. cả nhà bà đây này!”. Cuối đời mẹ không rời tay khỏi chiếc mõ. Bà tụng kinh và cả chửi đứa nào động đến con trai vàng, bạc, đồng đen, kim cương, trầm hương vân vân của bà, không ngớt. Chị Na đã ngoài ba mươi chẳng lấy được chồng. Cám cảnh nhà, chị cằn nhằn: Giá anh Cả còn sống thì mẹ đã không quá nuông chiều Cún để đến nỗi nó trở thành bệnh hoạn thế này. Có lúc chị hét lên như bị ít-tê-ri: "Anh Cả mà còn sống thì đã cho mày một trận thừa sống thiếu chết để mày tỉnh người ra, xem mày còn ngây ngây dại dại được nữa không". Có lúc chị lại than: "Giá cha không bỏ mẹ đi thì đời chúng con đâu có thế này".
Mẹ vừa nằm xuống, chị bán quách một sào vườn được tiền tỉ gửi ngân hàng. Chị thét vào mặt tôi: Tao sẽ cắt tiền duyên cho mày! Cho mày biết thế nào là lễ độ, thằng dở người đi tôn thờ cái hồn ma! Chị đưa tôi lúc xuống biển nhặt cá, khi về quê cuốc đất làm vườn, lúc lên núi đuổi dê. Tôi làm lụng mệt quá tối tối lăn ra ngủ ngay, có hôm quên cả rửa chân. Chị Na ướm hỏi một tá cô. Các cô đều lắc, còn tôi chê tất. Nhưng rồi vận may cũng đến. Hoặc giả mẹ, hay anh Cả xui khiến giúp tôi. Một lần tôi đi chăn dê gặp mưa, trú chân cùng một cô thôn nữ. Em gợi chuyện, tôi trả lời nhát gừng. Em thích đàn dê nên thỉnh thoảng đem cỏ mật đến cho chúng. Tôi thấy em trắng lôm lốp, giống một con dê cõn trong đàn. Không biết chị Na dỗ thế nào, em đồng ý lấy tôi. Đêm tân hôn, em kéo tay tôi đặt vào bộ ngực căng tròn của mình.
- Mình tên gì? - Tôi hỏi.
- Em là Linh - Vợ tôi bảo. Nàng trườn lên người tôi.
Tôi nhổm lên:
- Là Linh hay là Trinh?
Tay nàng chạm vào khe đùi tôi:
- Em là Linh... là... Linh... là Linh... là Linh... anh... anh Quất ơi...
Tôi bỗng thấy một cái gì như vỡ ra, òa ra. Dường như có một luồng sáng nào đó xé toang màn âm u bấy lâu che phủ trí não tôi. Dường như một cơn lũ quét ở thế thượng phong không gì cưỡng nổi, cuốn trôi sạch mọi ẩn ức. Sau ít phút thiếp đi, tôi choàng dậy và nhận thấy cả hai đang lõa thể. Sợ nàng lạnh, tôi kéo chăn cho nàng. Tay tôi chạm vào một bờ cong vồng lên tròn trịa. Đắp chăn xong, tôi lại thèm xoa lên bờ cong đó. Thậm chí đến sáng hôm sau, khi nàng đi chợ, nhớ quá, tôi giơ bàn tay huơ huơ, xoa đi xoa lại, xoa mãi, một bờ cong tưởng tượng...
 

Xem Tiếp: ----