"Tình yêu đôi khi như trái
Chín rồi không hái phải rụng thôi" (H.T.T)
Tình yêu có đủ tất cả mọi sắc màu mà nhân loại đã nhận biết được. Nóng và lạnh. Dữ dội, mãnh liệt và thoảng qua như gió. Hờn giận và ghen tuông...
Hồi đó tôi còn là một cậu học trò ở một ngôi trường sơ tán trên mạn ngược. Xa nhà hai chục cây số, khoảng cách đủ cho tôi tự do làm tất cả những gì mà cái đầu lãng mạn vô bổ của tôi nghĩ ra. Tôi tập làm thơ. Rồi lại tập đánh đàn. Lúc đó tôi tôn sùng một cách vô thức tất cả chữ nghĩa mà các nhà thơ lớn đã sắp xếp ra trên trang giấy. Tôi đọc và học thuộc lòng. Tôi bắt chước họ nhào nặn chữ nghĩa câu cú theo cách riêng của mình. Thú thật là tôi cũng say sưa và đắc ý với những bài thơ của tôi lắm. Tôi không hề tự ái trước bất cứ một lời chê bai, báng bổ nào bao giờ. Tôi tuyệt đối tin vào lời nói của thầy giáo toán của mình: Trong con người, ai cũng có ít nhất là hơn năm chục phần trăm máu ghen tị trước tài năng của người khác; với văn nghệ sĩ, tỷ lệ ấy còn cao hơn rất nhiều. Thế là tôi không chấp. Niềm hạnh phúc của tôi là được đích thân đọc những bài thơ ấy cho một cô bạn trong lớp. Đó là một cô bé có tinh thần nhẫn nại vào bậc nhất thế giới. Không những cô ta chịu chun mũi chống tay ngồi nghe tôi đọc mà còn rụt rè đề nghị: "Chép cho mình bài thơ này được không?". Về nhạc thì tôi là tay cự phách số một - bởi vì ở cái làng hẻo lánh miền bán sơn địa ấy, có bói cả đêm cũng không tìm được một người nào từng biết mặt mũi cây đàn ghi ta, nói gì tới chuyện ai biết nốt đô cách nốt pha mấy cung. Có chăng là một vài người gẩy đàn bầu làm từ ống bương và thổi ống sái làm bằng cây trúc đốn trong vườn. Mà họ cũng chỉ biết thổi một vài bài ai đó đã dạy cho.
Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng thấy lạ. Con người ta sao lại có thể sống đơn giản đến thế. Cứ làm việc hùng hục trên đồng đất của mình, rồi ăn uống quấy quá, rồi lăn ra ngủ, rồi sinh đẻ lu bù. Được miếng gì ngon cũng đem ra bán ngoài chợ, rồi sung sướng hả hê đem tiền về giấu đâu đó trong nhà; có khi để mối ăn mất cũng không biết. Điều lo lắng số một của họ là cái bồ lúa. Nó vắt kiệt họ ra từ sáng sớm tới tối mịt. Nó tiêu diệt hầu như sạch trơn mọi sở thích của họ. Cà phê chỉ là thứ nước đắng nghét làm mất ngủ. Rượu là thứ nước cay xè đáng tởm. Cả chữ nghĩa nữa, nó là thứ làm nhức đầu số một; nó là của các bậc thánh hiền, họ sợ không dám đụng tới; điều đó có lợi cho họ trong việc giữ gìn đôi con mắt trong sáng theo thời gian.
Nếu văn học có khái niệm điển hình, thì gia đình tôi ở trọ là một điển hình đích thực về tính cách đơn giản ấy. Cả nhà không một ai thèm đi học, trừ cô gái ở làng dưới lên làm dâu thui thủi từ hơn bốn năm nay. Họ không hề mua sắm bất cứ một thứ tiện nghi nào của thời hiện đại. Mọi tin tức trên báo chí dù có giật gân đến mấy cũng luôn ở ngoài tai. Gagarin và Titốp lên mặt trăng làm gì khi mà cánh rừng trên dãy núi trước mặt còn ối chồn cáo, hươu nai. Thủy điện Thác Bà cũng là thứ xa vời, bởi lẽ, hễ trời vừa sập tối là cả nhà đã phủi chân leo lên giường đánh liền một giấc tù tì đến sáng. Cơm nước thì độn khoai độn sắn gì cũng được, miễn no thì thôi. Thức ăn quý hồ thủ sẵn chum tương, vại cà là vững bụng. Của đáng tội, ông chủ nhà thật ra lâu lâu cũng nổi hứng xa xỉ với đời, nhưng giỏi lắm cũng chỉ khúc dồi chó chừng gang tay. Dồi ấy ông chấm với năm xu mắm tôm và tiêu hóa nó cùng một cút rượu ngang. Thù tạc xong một cách trang trọng, ông lấy đôi đũa quệt ngang miệng, phanh áo ngồi phưỡn bụng trên cái chõng tre, khà một tiếng khoái trá: "Đời mà! Cũng phải tí tỉnh cho nó ra con người. Ông bà mình tinh thật. Sống ở đời ăn miếng dồi chó". Khệnh khạng như một địa chủ, ông nheo mắt thông nỏ điếu, nhồi mồi thuốc, rồi châm đóm kéo một hơi dài sòng sọc tới mức tưởng có đủ thời gian cho thứ khói thần diệu ngấm tới tận những tế bào xa nhất ở đầu ngón út bàn chân phải.
À, quên mất! Thỉnh thoảng ông cũng có đọc một hai câu thơ, đó là những lúc ông đã tỉ nhờ thứ chất cay trong vắt, tuyệt diệu, ngấm ngây ngất trong từng mạch máu, từng chân lông. Nhưng thường là ông đọc sai. Và tất cả các lần sai đều khác nhau trong cùng một câu thơ, thế mới chết người.
Lúc thì: Chọc trời khuấy nước mặc dầu/Dọc ngang nào biết nước Tầu có ai.
Lúc lại là: Chọc trời khuấy nước mặc dầu/Dọc ngang cóc biết trên đầu có ai.
Đọc sai be bét như vậy mà ông vẫn cứ khoái trá ngửa mặt lên trời, cười hềnh hệch, vỗ tay bồm bộp, khen lấy khen để: Hay! Hay! Nguyễn Du tài, tài thật!
Ông chủ như vậy, còn bà chủ thì như một cái bóng trong nhà. Bà suốt ngày im lặng. Im lặng đến mức khi bắt gặp bà lụi cụi làm gì đó trong bóng đêm chạng vạng, tôi toát cả mồ hôi, tưởng là ma. Bà chưa hề đi đâu xa nhà quá mười hai cây số, trừ cái lần nhà trai đến rước dâu, đưa bà về với ông ở bên này. Để viết về bà thì chỉ chừng đó, ngoại trừ văn học cho phép hư cấu để nhân vật bà chủ của tôi trở nên màu mè, ly kỳ, bí ẩn.
Người thứ ba là người tôi không thể nào quên được. Người đó đã đi ngang qua đời tôi và cứa vào tim tôi một nét vẽ đẹp nhất mà không một sắc màu nào diễn tả nổi, ngoại trừ điều mà tôi đã đề cập ở phần đầu chuyện kể này. Đó là tình yêu.
Tất nhiên bạn đọc muốn biết rõ về người đã làm cho trái tim non nớt của tôi phải đau khổ, phải khóc nấc lên điệu đàn run rẩy của một tình yêu trẻ thơ vụng dại. Đó là thói quen mà trường phái văn học cổ điển đã tạo ra cho bao nhiêu thế hệ độc giả xưa và nay. Vì lẽ đó, tôi xin thành thật nói rằng, cô ấy hơn tôi gần nửa con giáp. Chưa đâu! Điều đó cũng chưa quan trọng lắm, cái chính là cô ấy đã có chồng. Cứ như trong ảnh thì anh ta có vẻ thật thà, chất phác; đôi mắt toát ra một ánh nhìn đôn hậu và bao dung, tỏ ra rất tin tưởng vào cuộc đời vốn không lấy gì làm phức tạp. Vậy mà lúc nào tôi cũng như đang bị ám ảnh bởi đôi mắt ấy. Ngay cả trong giấc ngủ, đôi khi tôi cũng giật mình, tưởng như anh đang nhìn tôi một cách vui vẻ nhưng lại đầy phật ý.
Hình như có một nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng, những trái tim tốt đẹp thường chịu nhiều đau khổ. Trong đời tôi, tôi nghiệm ra rằng, thường là tự mình làm cho mình đau khổ, chứ cuộc đời thì hồn nhiên lắm.
Cái cô gái thừa bản lĩnh chịu đựng sự tra tấn trước những bài thơ "con nhái" của tôi, chỉ là một niềm cảm xúc lãng mạn của tuổi học trò mới lớn. Đó không phải là tình yêu. Nếu là tình yêu thì nó phải thật sự là đau khổ dày vò con tim chảy máu trong từng giây từng phút của cuộc đời. Lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó một cách ngọt ngào thổn thức tới buốt thắt, run rẩy, là một buổi chiều mùa đông ảm đạm.
Hôm ấy trời heo may, mưa phùn dai dẳng như chó cắn giẻ rách. Tôi vừa chia tay với cô bạn kiên nhẫn của mình trở về, sau khi đã đọc xong mấy bài thơ tình mà tôi úm ba la ý tứ chữ nghĩa từ những bài thơ tình hay nhất thế giới. Đầu óc tôi bấy giờ còn đê mê hứng khởi, bởi những tiếng hít hà của cô bạn gái thừa bản lĩnh chịu đựng niềm cảm xúc của tôi.
Sự hứng khởi đê mê của tôi nhanh chóng bị xua tan bởi sự yên ắng đến kỳ lạ của ngôi nhà. Sự yên ắng như đang bò lê tới mọi ngóc ngách. Yên ắng tới mức câm lặng nghẹt thở. Vốn dĩ cái làng hẻo lánh này đã từng im lặng suốt bốn nghìn năm nay, huống hồ là hôm ấy. Mưa bụi lất phất trùm lên tất cả. Sự im lặng cũng như bệnh tật, nó lây sang tôi một cách nhanh chóng.
Tôi lách qua liếp cửa, bước vào nhà một cách thiếu tự tin như đứa học trò không thuộc bài trước ông thầy khó tính. Linh tính thủ thỉ với tôi rằng, có điều gì đó không ổn. Tôi lén nhìn vào buồng và bắt gặp cô dâu của gia đình ông chủ nằm khóc. Mái tóc của cô đổ xõa sang một bên như vũng nước đen nhánh. Đôi vai của cô rung lên từng cơn nhẹ. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là vẻ đẹp của một người con gái nằm khóc một mình. Hẳn là cô phải có một điều gì đau khổ lắm. Nỗi đau khổ hình như làm cho tất cả các cô gái trên trái đất này trở nên đẹp hơn một cách đáng kính trọng. Tôi ngồi im và không biết mình có nên ho một tiếng hay không. Ý nghĩ ấy khiến tôi tự nhiên ngứa cuống họng; càng lúc càng ngứa, ngứa tới muốn ho hắt ra. Nhưng rồi tôi đã kìm được. Cuối cùng nhớ đến cây đàn, tôi lôi nó xuống. Và với tất cả sự kém cỏi của mình, tôi gảy một giai điệu hoàn toàn ngẫu hứng. Rồi cứ thế, tôi cào mãi trên những sợi thép niềm cảm xúc vô định của mình.
Trời cứ lất phất mưa. Gió cứ hun hút thổi. Còn tôi, tôi cứ thế mà cào mãi trên cây đàn. Những sợi thép run lên. Giai điệu chập chùng xuất hiện. Tiết điệu lúc buông lơi uể oải, lúc ầm ào cuộn sóng. Tất cả hòa vào nhau, nối với nhau mà kéo dài ra cùng mưa rơi gió thổi. U ẩn, cô liêu. Sôi trào, cắt cứa. Tôi chìm vào trong chuỗi chuỗi hàng âm của mình. Tâm hồn thổn thức run lên. Tâm linh cũng run lên, lạc mãi vào cõi trống không vô thức.
Chị lặng lẽ đến đứng sau lưng tôi. Tôi cảm nhận được điều đó một cách bồn chồn, hồi hộp. Nhưng điều đó cũng không dừng được giai điệu mà tôi đang thả vào không gian đặc quánh heo may, đặc quánh sự im lặng đợi chờ.
Thế rồi chị ngồi xuống bên tôi. Chị choàng cánh tay qua vai tôi. Hơi ấm của chị phả nhẹ sang tôi. Hơi ấm bò lan, mỗi lúc mỗi rần rật cảm giác nghẹt thở.
- Hôm nay em đàn hay thật đấy!
Chị nói và đột nhiên kéo xiết tôi vào người chị. Bừng bừng một sức sống mãnh liệt ngút cháy, vây bủa tấm thân run rẩy của tôi. Tôi hoảng tới mức cứng đơ cả người, không còn biết phải bỏ cây đàn xuống bằng tay nào nữa.
Chúng tôi ngồi im như vậy lâu lắm. Tôi nhớ là lúc đó tôi không nghĩ gì cả, ngoài sự sợ hãi lỡ ông chủ hay bà chủ trở về bắt gặp. Bây giờ tôi như con giẽ giun run rẩy trong vòng tay chị.
- Khói quá. Để chị thổi lửa bùng lên mới được.
Chị nói và buông tôi ra, đi đến bếp lửa sưởi giữa nhà, cầm lấy ống thổi, thổi phù phù. Tro than bay lên bám đầy trên đầu chúng tôi. Chị kéo chiếc khăn len trên vai ra, phủi tro trên đầu và trên người của chị.
Thấy tôi định đứng dậy, chị nói:
- Ngồi yên đấy, chị phủi cho cả thể.
Khi ngọn lửa đã bốc cao, chị lại ngồi xuống bên tôi và hỏi, giọng nhỏ như tâm sự:
- Nếu em là gái có chồng đi biền biệt, em mới hiểu được chị đã khắc khoải, đã chịu đựng thế nào trong bấy nhiêu năm. Nhưng... dù sao em cũng đã học gần hết cấp ba, rồi em sẽ hiểu.
Sau một lúc lưỡng lự, chị nói tiếp:
- Ngày mai chị có việc phải về quê một thời gian. Ở nhà, có gì em giúp đỡ hai bác giùm chị!
Mọi chuyện sẽ không có gì để đọng lại dai dẳng trong tôi nếu không có một đêm hôm ấy. Cái đêm mà trong ngôi nhà theo leo ngoài đầu dốc, chỉ có mình tôi với chị, với mưa phùn gió bấc vây bủa mịt mùng.
Bấy giờ mới khoảng chín giờ tối. Nhưng ở cái làng hẻo lánh miền bán sơn địa này, chín giờ đã là khuya lắm. Họa chỉ có hồn ma mất ngủ mới đi lại vào giờ đó giữa cái rét căm cắm cắn đốt da thịt; chứ còn dân làng thì ai nấy đều đã tắt đèn đi ngủ, vừa để đỡ tốn tiền dầu, vừa để lấy sức ngày mai gánh bảy, tám chục ký phân chuồng ra bón ruộng. Với tôi, sau cái buổi chiều bất ngờ ấy, tôi không thể nào ngủ được. Sự cảm nhận của da thịt cứ rần rật mãi trong người tôi như là có vết. Nó cứ hun đốt, hun đốt ngùn ngụt mãi. Ngủ không được, tôi đứng dậy đốt cây đèn phòng không, rồi trùm chăn ngồi co ro đọc sách. Bỗng nhiên trong im lặng của đêm đông buốt cóng, nghe dội lên tiếng người nói rì rầm ngoài góc sân. Tôi dỏng tai nghe và nhận ra tiếng chị với tiếng ai đó. Hình như chị khóc.
Biết rằng tò mò là xấu, nhưng tính tọc mạch của tuổi mới lớn vẫn kéo tôi lẻn ra khỏi nhà. Tôi đứng nép ở góc chuồng bò, và tôi nghe rõ ràng tiếng ông thầy dạy toán của tôi.
- Cầm lấy, tốn bao nhiêu cũng phải phá, không thì nhục lắm!
Tôi hiểu ngay là phá cái gì. Tôi run lên vì uất hận, căm thù.
Ngày ấy, chúng tôi được dạy dỗ rất kỹ lưỡng về sự đoan chính, tiết trinh, cũng như lòng chung thủy của người phụ nữ và sự chính trực, cao thượng của người đàn ông. Vậy mà ông thầy của tôi, người mà tôi hằng nể trọng, lại dan díu với vợ của người không biết chết sống thế nào ngoài mặt trận. Tư tưởng "nam nữ thụ thụ bất thân" có đến chín phẩy bảy phần mười chảy trong huyết quản của tôi. Dòng máu ấy sôi lên tới mức, suýt tí nữa tôi đã nhảy ra bóp cổ ông thầy của mình.
Sáng hôm sau, chị chủ động gặp tôi, mặc dù tôi không muốn gặp chị chút nào. Tôi giận chị. Tôi ghét chị. Tôi ghen tuông một cách mơ hồ.
- Em khinh chị lắm phải không? Cũng phải thôi, vì em còn trẻ quá. Có điều chị van em, em đừng nói cho ai biết. Chị khổ tâm lắm. Mọi chuyện là do chị cả. Còn thầy em, thầy không xấu như em nghĩ đâu. Ngày trước thầy với chị từng yêu nhau tha thiết, nhưng gia đình chị gả chị cho anh ấy trước ngày anh ấy lên đường có bốn hôm. Tất cả cho tiền tuyến. Hôn nhân cũng vì tiền tuyến. Chị tủi lắm, nhưng không dám trái ý bố mẹ, không muốn làm phật ý bạn bè trong chi đoàn.
Trong cơn xúc động, chị kéo tôi vào ngực mình. Giãy nảy như đỉa phải vôi, tôi ẩy mạnh chị ra, vùng chạy ra khỏi ngõ; chạy một mạch lên gốc lim già sần sùi nơi sườn đồi hun hút gió heo may. Đứng lặng trên đó tôi nhìn xuống. Mùa đông u ám màu lau bạc phếch.
Chị đấy! Chị đi thui thủi với cái đãy vải nâu đã úa bạc. Sao mà chị nhỏ nhoi, cô độc.
Thầy đấy! Thầy cũng xiêu vẹo trong gió bấc; hai tay buông thõng như bất lực trước giá lạnh tê tái của ngày tháng chạp.
Hai người dừng lại gần chỗ ngã ba trùng trùng lau bạc. Thế rồi chị bỏ đi trước. Đi như rướn người mà chạy trốn về phía làng quê của chị. Còn thầy đi ngược về phía chị vừa đi. Bước chân dường như mỏi mệt, nặng nề kéo lê trên mặt đất vốn đã xạm cả mặt mày vì giá lạnh. Tôi thấy cay xé nơi sống mũi, cay xè nơi đuôi mắt. Tôi chui vào giữa những lùm sim xơ xác, nằm úp mặt xuống sườn đồi lạnh căm căm, khóc nấc lên.
Chồng chị không bao giờ trở về. Thầy tôi cũng vậy. Thầy đã nhập ngũ sau cái đêm ấy vài tháng. Còn chị, chị vẫn ở vậy tới giờ. Tóc bạc, và đôi mắt cũng bạc vì tuổi tác.
Gặp lại chị, tôi hỏi, sao chị không đi bước nữa khi còn trẻ trung, mà lại ẩn nhẫn đơn côi tới tận bây giờ. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói:
- Người ta chỉ đi được khi còn có tình yêu với người mình yêu thôi em ạ!
 

Xem Tiếp: ----