Looke heere upon this Picture, and on this,
The counterfet presentment of two Brothers 1
(W. Shakespeare)
Dương kém Hoàng hai tuổi. Nhìn bề ngoài, họ khá giống nhau. Hoàng là một chàng trai tính tình cởi mở, dễ mến; hơn thế, chàng thể hiện sự cởi mở ấy tự nhiên đến mức người ta không cảm thấy một sự cố gắng nào cả, cứ như thể đó là một năng khiếu bẩm sinh. Đám con gái luôn bị mê hoặc bởi nụ cười quyến rũ ẩn dưới cái nhìn hơi giễu cợt của chàng. Những người đố kỵ thường không thấy ở Hoàng một sự say mê đặc biệt nào cả và đi đến kết luận chàng là kẻ hời hợt. Hoàng đương nhiên chẳng lấy đó làm bận tâm; nói chung, chàng chẳng bao giờ bận tâm đến điều gì cả. Hoàng luôn suy nghĩ đơn giản và cho rằng đó là khởi nguồn của hạnh phúc. Dương không nổi bật như ông anh trai. Chàng ít nói, khuôn mặt hơi cau có khiến nhiều người ngại tiếp xúc. Từ bé, Dương đã quen sống lủi thủi một mình.
Tốt nghiệp đại học, Hoàng vào thế chỗ ông bố vừa về hưu trên Bộ. Bốn năm sau, Hoàng lấy vợ. Ngọc có vẻ đẹp cổ kính như trong những bức ảnh đen trắng chụp cách đây nửa thế kỷ. Hoàng lấy vợ được một năm thì Dương chuyển hẳn vào Sài Gòn làm việc. Bàn làm việc của Dương có một giò hoa giả được làm rất khéo đến mức nếu không chạm tay vào thì không thể nhận ra đó là hoa giả. Vào buổi chiều, giò hoa giả sáng rực lên dưới ánh nắng hắt qua cửa kính văn phòng. Những lúc như thế Dương lại nhớ đến chị dâu. Chàng vẫn nhớ lần gặp đầu tiên, Hoàng giới thiệu Ngọc với gia đình. Nàng bước vào phòng, khuôn mặt ửng hồng vì giá lạnh ngoài đường. Mẹ chàng pha trà mời khách. Nàng đỡ lấy tách trà, áp chặt hai bàn tay hơi run run vào thành chén một lúc lâu. Những ngón tay trắng muốt, xanh xao, gầy gầy như dần lấy lại sinh khí. Căn phòng trở nên ấm áp hơn. Dương rất ít nói chuyện với Ngọc ngay cả khi nàng đã là chị dâu chàng. Trong những lần nói chuyện hiếm hoi đó, luôn có mặt ít nhất một người khác. Có lẽ điều đó khiến chàng tự tin hơn. Dương không thể hình dung chàng sẽ xoay sở thế nào nếu phải nói chuyện với Ngọc nếu trong phòng chỉ có hai người. Khi đó hẳn chàng chỉ còn biết im lặng. Chàng hay nghĩ rằng quyết định chuyển vào miền Nam là để trốn tránh việc phải tiếp xúc với chị dâu. Nhưng cũng có lúc chàng lại có cảm giác rằng việc đó ít nhiều liên quan đến ông anh trai mà chàng vốn coi thường.
Thỉnh thoảng, Dương vẫn gọi điện về nhà. Thường thì mẹ chàng là người nhấc máy. Giọng bà hơi lạ, khác với giọng nói có phần cay nghiệt mà Dương thường nghe hồi ở nhà. Cha chàng ít quan tâm đến gia đình. Thỉnh thoảng, ông tỏ ra tự hào về Hoàng, người mà theo lời ông chính là bản sao của ông thời trai trẻ nhưng chẳng bao giờ nhắc đến Dương. Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt, khác hẳn Hà Nội. Vào những ngày tháng chạp, Dương hay nhớ đến cái rét Hà Nội và căn nhà thời thơ ấu. Mỗi lần gió mùa đông bắc về, chàng thường phải lấy giấy bịt chặt những chỗ hở để tránh gió lùa. Cha mẹ và Hoàng hay càu nhàu về việc đó; họ nói rằng làm như vậy ngôi nhà sẽ xấu đi. Những buổi sáng mùa đông Hà Nội, Dương thường phải dậy sớm từ lúc trời tờ mờ sáng. Lúc đó mọi cái đều thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới câm lặng. Dương nhìn sang bên kia đường nơi ánh đèn cao áp sáng mờ mờ, cảm thấy lòng mình trĩu nặng vì chỉ lát nữa thôi, thế giới câm lặng kia sẽ hoàn toàn biến mất.
Hồi mới vào Sài Gòn, mỗi khi tỉnh dậy Dương cứ ngỡ mình đang ngủ ở nhà. Đôi khi, chỉ cần nhắm mắt lại là chàng có thể hình dung ra căn nhà của mình: giàn hoa giấy trước cửa, con mèo nhỏ lười nhác nằm bên bệ cửa sổ. Chàng nhớ đến cái ngõ hẹp ở Hà Nội chỉ đủ cho một chiếc xe máy lách qua. Những ngôi nhà chen chúc nhau hẹp đến mức mỗi khi ngước nhìn, bầu trời chỉ còn là một vệt sáng mờ. Ngõ hẹp nối với nhau tạo thành một ma trận khổng lồ với những con đường sâu hun hút thường dẫn đến một bãi đất trống hay cái hồ lớn khiến người ta cảm giác nơi đây là tận cùng của thế giới. Chàng nhớ đến hàng phở trên vỉa hè nơi có những con người lụp xụp ngồi ăn vào mỗi buổi sáng mùa đông. Nghĩ đến Hà Nội, Dương thấy tim mình nhói đau, chàng không hiểu tại sao mình lại rời bỏ nó. Sau ba năm sống ở Sài Gòn, Dương lấy vợ. Vợ chàng là một người hoàn toàn không có gì đặc biệt. Nàng nhu mì ít nói, đến cả nụ cười cũng có phần gượng gạo. Hai người sống trong một căn hộ chung cư nhỏ. Nó tương đối biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ cửa sổ nhìn xuống bên kia đường, Dương hay có cảm giác như mình đang biến thành một con mắt của người khổng lồ. Thành phố những lúc như thế bỗng thu nhỏ lại vừa vặn trong tầm mắt đến nỗi chàng tưởng mình đang ở Hà Nội.
Dương không phải là người thành đạt. Mỗi khi thành công đến trong tầm tay thì không hiểu vì một lý do nào đấy, mọi cái đột nhiên biến mất và chàng phải bắt đầu lại từ đầu. Đồng nghiệp nói chung không ưa chàng; dưới mắt họ, Dương là một gã lập dị điên khùng. Người thì thương hại, kẻ thì nói xấu sau lưng nhưng cuối cùng họ đều cảm thấy mệt mỏi. Con người cứng đầu kia hoàn toàn không để tâm gì đến họ. Hắn ta cứ thế lầm lũi bước trên con đường của mình. Khi thất bại, Dương hay nghĩ đến Ngọc. Chàng tin rằng nàng không hạnh phúc. Hoàng nổi tiếng lăng nhăng từ thời sinh viên và chắc chắn anh ta chẳng bao giờ thay đổi.
Mẹ chàng có duy nhất một lần viết thư hồi chàng mới vào Sài Gòn được mấy tháng. Thư viết bằng mực tím, chữ to như chữ học sinh tiểu học, nét hơi run run. “Mẹ biết - bà viết - bố mẹ đã không công bằng với con. Mẹ cũng chẳng hiểu tại sao mọi chuyện lại như thế.” Dương không viết thư trả lời, mấy hôm sau gọi điện thoại chàng cũng chẳng đề cập đến chuyện đó. Những câu chuyện chàng nói với mẹ thường tẻ nhạt và nhát gừng. Mỗi lần dập máy, chàng gần như ngay lập tức nhận ra mình đã quên không nói điều quan trọng nhất, mục đích chính của cuộc điện thoại. Một thời gian sau, Dương hầu như không thể hình dung nổi khuôn mặt của cha mẹ chàng nếu không xem ảnh.
Thỉnh thoảng, Dương tưởng tượng ra cảnh mình sinh ra trong một gia đình khác. Cha chàng không còn là cha chàng, mẹ chàng cũng là người khác, còn chàng là con một. Gia đình này nghèo hơn gia đình chàng, chẳng hiểu sao chàng luôn tưởng tượng như thế. Liệu khi đó chàng có hạnh phúc không? Dương không bao giờ trả lời được. Mỗi lần hình dung ra cảnh mình sống trong gia đình tưởng tượng đó, Dương lại suy nghĩ miên man và dường như có một sức mạnh vô hình lôi chàng đến với câu hỏi kia; nó giống như một con đường định sẵn dẫn đến ngõ cụt, toàn bộ câu chuyện bỗng sụp đổ trong nháy mắt.
Chiều ngày thứ ba, Dương nhận được tin anh trai mất. Một người bà con gọi điện cho vợ chàng. Hoàng bị tai nạn giao thông. Dương hầu như chẳng có cảm giác gì. Lúc đó, trời đã sẩm tổi. Ánh đèn tuýp hắt xuống bình hoa hướng dương đặt góc phòng in trên tường như những con rắn đang ngóc đầu dậy. Vợ Dương đứng cạnh Ngọc, trông nàng rất không thoải mái. Đây là lần thứ hai nàng đến nhà chồng. Chẳng biết sự xa cách bấy lâu hay không khí u buồn của đám tang khiến nàng khó chịu. Mẹ Dương hầu như không dậy được. Bà nằm bẹp trên giường, thỉnh thoảng lại rên khe khẽ, khó nhọc. Khi Dương ra đến Hà Nội thì thi hài của Hoàng đã được khâm liệm. Mọi người nói rằng khuôn mặt Hoàng biến dạng đến mức không thể nhận ra nhưng Dương không thể hình dung được. Chàng chỉ còn được thấy tấm ảnh Hoàng cười rất tươi bên cạnh bát cơm đầy với quả trứng đã ngả sang màu trắng xanh trên chiếc quan tài sơn đỏ. Ngọc hầu như không khóc. Khuôn mặt nàng trắng bệch, toàn thân bất động như một bức tượng bằng đá cẩm thạch. Mắt nàng như đang nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Nàng cúi đầu đáp lễ khách viếng tang như một cái máy. Thỉnh thoảng, Dương liếc về phía Ngọc, cảm thấy sợ hãi đến nỗi chàng không đủ can đảm nhìn lâu. Tang lễ xong, Ngọc đưa cho Dương một tờ giấy được gập sẵn làm tư rồi lặng lẽ đi xuống nhà dưới. Dương nhét vội tờ giấy vào ca-táp rồi đi về phòng ngủ, đám tang khiến chàng kiệt sức.
Ngồi cạnh vợ trên máy bay, Dương im lặng suốt. Cô tiếp viên hàng không hỏi câu gì đó không rõ, chàng chỉ nghe loáng thoáng thấy vợ chàng bảo cơm gà cho cả hai. Ngoài ô cửa sổ máy bay, bầu trời chỉ còn một màu xám xịt. Một lúc sau, Dương giở bức thư Hoàng viết cho chàng cách đây một tháng, đọc lại lần nữa. Bức thư viết dở, chỉ có duy nhất một câu: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc”.
Nagoya 4/2005

Xem Tiếp: ----