Lời giới thiệu của dịch giả: Hwang Sunwon sinh năm 1915 tại Taedong, thuộc tỉnh Bình Nhưỡng, Đại Hàn. Cha ông bị giam 18 tháng vì chống chính sách đô hộ của Nhật và tham gia phong trào đòi độc lập năm 1919. Hồi trẻ ông học tại trường Nhật, tốt nghiệp đại học Waseda (Tokyo) môn Văn chương Anh năm 1939. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông xuất bản năm 1940 sau khi ông về nước. Trong Thế chiến thứ hai, ông sáng tác lén lút vì chính quyền Nhật cấm viết bằng tiếng Hàn. Sau thế chiến, Nga và Mỹ chia cắt Triều Tiên ở vĩ tuyến 38. Trong cuộc chiến tranh 1950-53, ông bỏ nhà lánh về phía nam. Truyện của ông thường tả cảnh cốt nhục tương tàn và nỗi đau đớn sau khi chấm dứt chiến tranh ở hai bên Khu phi quân sự ngăn đôi đất nước.Những chiếc mặt nạ (Masks) trích trong tập truyện ngắn The Book of Masks, do J. Martin Holman tuyển chọn và dịch sang Anh ngữ, Readers International xuất bản năm 1989 tạI Luân Đôn.Bị thương vì một viên đạn nơi chân, người lính ngã xuống. Khi cố vực mình lên, một lưỡi lê đâm xuyên qua ngực anh. Đúng lúc anh mất ý thức, khuôn mặt kẻ tấn công in hằn trên đôi mắt anh như đóng bằng sắt nung. Máu từ ngực người lính chảy vào mảnh đất vàng của bãi chiến trường hoang tàn này. Nơi đó là chân đồi cách xa quê anh, nhưng giống như vùng đất chung quanh làng anh.Máu anh thấm vào đất và biến thành đất. Người lính tử trận đã từng là nông dân, và với anh, đất chính là sự sống. Thoạt đầu chỗ đất này đậm hơn chung quanh, nhưng dần dà trở thành đồng màu.Rễ một cây cỏ tranh tím âm thầm uống cuộc đời anh lính, và anh biến thành cỏ tranh.Một đám giày trận chà đạp lên cỏ tranh và tiếp tục đi. Vào mùa đông, giày ống nặng hơn trước giẫm lên cỏ tranh tuyết phủ. Ngày lại qua ngày, giày ống đạp lên cỏ tranh rồi bỏ đi, nhưng cỏ tranh không chết. Sau khi giày ống đã đi qua, cỏ tranh được thoảng nhẹ trong gió xuân, tắm dưới ánh mặt trời, gội trong mưa và sương, phủ trong tuyết, và lại được thoảng nhẹ trong gió xuân. Đến cuối xuân, cỏ tranh được chiếc phảng nhà nông cắt xuống và mang vào chuồng bò.Nơi đây cỏ tranh biến thành con bò đực. Giống như người lính tử trận đã làm khi còn là nông dân, người chủ bò săn sóc nó như phần tử quan trọng nhất trong gia đình. Giờ đây, anh lính làm việc cần cù bên cạnh nhà nông. Anh làm việc đến lúc sưng bầm da, nhưng giữ cho ruộng đất sống năm này sang năm khác không phải dễ dàng. Rồi một trận lụt quét sạch cánh đồng, và một đêm thu đó, người nông dân nén tiếng khóc của mình khi ông đập vào gáy anh lính. Anh lính đi qua chợ, rồi lên xe lửa đến lò sát sinh. Người ta treo anh lên trong quầy thịt ở thành phố, thịt xẻ từ xác anh ra bán. Ở đó anh gặp người anh biết - người đã đâm lưỡi lê qua ngực anh tại chân đồi. Hắn đang xin ăn. Hắn ăn mẩu thịt vụn xin ở nhà hàng, và anh lính nhập vào hắn.Người đàn ông ném chậu ăn xin trống rỗng và tự vực mình lên, một cánh tay áo lao động sờn cũ lủng lẳng chỗ tay cụt. Hắn đi đến lò đúc sắt, nơi hắn đã từng làm công nhân máy tiện trước khi chiến tranh tước mất cánh tay của hắn. Hắn xoải bước vào trong, đi về phía người chủ cũ của mình.- Chào ông.Khuôn mặt ông chủ lò đúc lộ vẻ không bằng lòng. Ông dùng mũi giầy dập điếu thuốc.- Đừng lo, thưa ông, tôi không đến đây để quấy rầy ông. Tôi đến đây để làm việc như ngày trước.Ông chủ liếc nhanh cánh tay áo cụt một cách bực bội.- Ông nhìn gì? - người đàn ông nhìn thẳng ông chủ và nói tiếp - Tôi bị thương ở chân vì một viên đạn, nhưng thế nghĩa là tôi không điều khiển được máy tiện sao?Người đàn ông cử động thân mình trong khi nói, cánh tay áo rỗng của hắn đung đưa bên cạnh.