Lời giới thiệu của dịch giả: Victoria Tokareva là nữ văn sĩ đương đại của Nga, rất được độc giả Nga yêu thích. Băt đầu viết văn từ đầu thập niên 1960, đến nay bà đã cho ra đời gần hai chục đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện vừa, các tập truyện ngắn, kịch bản phim. Sách của bà đã được dịch khá nhiều ra tiếng Đức và Anh. Đề tài xuyên suốt của Tokareva là tình yêu của những người phụ nữ Nga với tính cách Nga điển hình. Truyện ngắn Chung tình viết năm 2002 cũng không nằm ngoài đề tài này. Tấm biển gắn trên cửa phòng đề “Giáo sư Maltsev Denis Petrovich”, nhưng mọi người trong phòng thí nghiệm đều phớt lờ nó và gọi anh là Denichka 1. Ai cũng yêu mến anh, một con người có tài năng đặc biệt, tốt bụng, cởi mở như đứa trẻ.Anh biết đủ mọi thứ - Trái Đất từ đâu mà có, con người đầu tiên xuất hiện như thế nào, điều gì xảy ra hàng triệu năm trước và sẽ xảy ra hàng triệu năm sau. Nói chuyện với anh thật dễ chịu. Nhưng duy nhất một điều không ổn là chưa bao giờ tôi cảm nhận thấy người đàn ông trong anh. Anh đứng ngoài vòng tình dục, mà cái đó rất chi là cản trở. Cản trở cái gì ư? Mọi thứ. Mặc dù tôi chả cần đến cái “mọi thứ” đó. Tôi đang say với mối tình của mình, còn Denichka vẫn thường quanh quẩn bên cô bạn gái tóc hung của tôi - Nadka Abakumova.Nadka chơi trống trong ban nhạc jazz toàn nữ. Cảm giác về nhịp điệu đã ăn vào máu cô ấy. Nadka nói nhịp điệu là cái nền cho mọi thứ. Con tim đập theo nhịp, hai lá phổi thở theo nhịp, và thậm chí ái ân cũng theo nhịp. Có cả nhịp điệu trong vũ trụ, chẳng hạn như bốn mùa luân chuyển trong năm... Nhưng mà thôi, chúng ta hãy quay lại với Denichka.Tôi đoán anh là người tình của Nadka, nhưng Nadka lại chối đây đẩy, đâu mà, bọn này chỉ là bạn của nhau. Nói chung chỉ là một cậu bạn.Mà cũng không hẳn là “cậu” bạn nữa. Chúng tôi hồi đó đều trên dưới bốn mươi. Tóm lại đã là người lớn. Mỗi người đều có gia đình, công việc, chỗ đứng trong xã hội, vị thế.Vào bốn mươi tuổi anh phải có vị thế, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Mặc dù nếu xét cho kỹ thì đó chỉ là hư danh. Vị thế gia đình làm gì nếu chồng đi lăng nhăng? Và không chỉ lăng nhăng, mà còn kiếm một cô bồ thường xuyên. Thậm chí không thèm giấu diếm. Đã thế lại còn gây chuyện. Đấy là tình cảnh của Nadka.Tôi lại rơi vào thái cực khác - anh chồng tôi không lăng nhăng, không gây chuyện, nhưng cuộc sống sao mà chán. Một cái đầm lầy. Tất nhiên là có thể thay đổi số phận. Nhưng với ai? Tất cả các ứng cử viên đều không đạt tiêu chuẩn.Mà đổi chẫu chàng lấy chẫu chuộc làm gì nếu chẫu chàng là một thứ quý giá hơn nhiều. Giữa hai chúng tôi là love story của tuổi băm, là hai đứa con. Ly hôn làm gì, phá vỡ tổ hợp gia đình làm gì? Thậm chí không thể nói ra được chuyện đó. Tôi hình dung đôi mắt của anh ấy nếu tôi đề nghị ly hôn. Thà chết dí trong cái đầm lầy này còn hơn.Lòng thương hại là một cảm xúc tốt. Nhưng bạn không thể sống bằng mỗi lòng thương hại. Bởi thế mà tôi tìm kiếm mối tình khác. Romeo yêu tôi và muốn đi đến tận cùng. Chàng hỏi: bao giờ? Có nghĩa là bao giờ tôi đồng ý theo chàng ta về làm vợ? Tôi im lặng, nhìn vô định về phía trước, mặt đần thối. Chàng nhìn nét mặt đần độn của tôi và hiểu tất cả. Hiểu rằng tôi trèo cành nhưng không muốn rách mông. Thường thì đàn ông mới hay cư xử như thế. Trong bản năng tôi muốn sự bình yên, chứ không còn ham những cơn cuồng say. Tôi nửa muốn lửa tình nửa không. Các giáo sư triết học gọi đó là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mối mâu thuẫn. Mối tình vụng trộm diễn ra say đắm, đầy xung đột. Tình cảm đó chỉ có thể chịu được hai ngày một tuần, quá nữa là không thể. Cũng như không thể xúc cà phê tan ăn như cơm bữa. Cuộc sống của tôi cứ thế cân bằng giữa cái say đắm và cái yên bình, vững vàng như chiếc ghế bốn chân. Nhưng thiếu lưng ghế. Bạn không sợ ngã, nhưng không biết dựa vào đâu.Một lần Nadka rủ cả bọn đi xem kịch với thành phần đầy đủ: cô ta và chồng, Denichka với vợ, tôi và Romeo. Lần đầu tiên tôi giáp mặt vợ Denichka, thân hình nặng nề, khuôn mặt dân quê, chị ta trông không sành điệu tí nào. Nhưng mỗi lần mở miệng là những lời hài hước tuôn ra như nước. Sự hài hước và trí tuệ khiến hình thức không còn đáng chú ý nữa. Denichka chọn được vợ trong giới khoa học quen biết, và ngay từ đầu chị ta đã không thể là một người dốt được. Người dốt nát không dấn thân vào khoa học, mặc dù mọi chuyện đều có thể xảy ra. Trong nhà hát, trước đám đông Denichka trông có vẻ hơi quê. Mắt anh bị cận 10 độ. Sau cặp kính dày cộp đôi mắt anh giống hai dấu chấm. Miệng nhỏ và tròn như đồng xu. Đôi tai cao hơn của người bình thường khoảng hai xăng ti mét - phần trên của vành tai không quặp vào mà thẳng lên như ai đó đã dùng bàn ủi là cho thẳng ra. Denhichka như chú sói con đeo kính. Có lẽ kiếp trước anh ta là chó sói hoặc chó nhà, một chú chó có vẻ hung dữ nhưng đáng yêu và không nguy hiểm.Bọn tôi xem Quan thanh tra đã được biến thể. Đối với tôi Quan thanh tra là một tác phẩm buồn chán nhất trên đời, và không một đạo diễn nào, dù hiện đại đến đâu cũng không thể làm cho nó trở nên hấp dẫn lên được. Có lẽ tôi sai, thậm chí không phải “có lẽ” nữa, mà thực sự sai.Chồng Nadka có mặt đấy nhưng dường như không tồn tại. Có lẽ giống tôi, anh ta thấy chán Quan thanh tra. Hoặc cũng có thể linh hồn anh ta đang lang thang chỗ khác. Giống như của người chết vậy. Nadka mỉm cười với xung quanh, cổ lấp lánh dây chuyền pha lê. Tôi ngồi bên cạnh và nghĩ thầm: chồng mình buồn tẻ nhưng vẫn là của mình. Còn kẻ kia là một anh chồng “ảo” trên mạng, mặc dù thời ấy chưa có khái niệm “ảo” và “mạng”. Nadka cứ cố bám lấy cuộc hôn nhân này làm gì nhỉ? Về làm vợ Denichka chẳng hạn. Cướp chồng người ta và “tư hữu hóa” anh ta đi. Một anh chàng chất lượng cao như thế, tin cậy như thế. Chỉ có cái đôi tai... Nhưng tai thì có thể nuôi tóc dài ra mà che tạm đi cũng được...Vào giờ nghỉ giải lao cả bọn rủ nhau lên quán ăn ở tầng trên. Tôi đang leo thì Denichka hỏi gì đó. Tôi quay lại. Anh đứng và nhìn tôi từ bậc dưới lên. Đầu ngẩng hưng phấn, tóc tai bù xù. Khuôn mặt anh dường như đón được ánh dương vậy.Bỗng nhiên tôi hiểu ra Denichka thích tôi nhưng không thể như Hemingway thay người tình như thay áo. Hemingway từng bỏ vợ lấy bạn gái vợ và viết nên cuốn sách về chuyện đó. Còn Denichka được giáo dục theo kiểu khác và không thể tự do như thế. Và tôi cũng không thể, hay là không muốn. Có lẽ cả hai, không thể và không muốn. Tôi chỉ đáp lại câu hỏi, leo tiếp và sau hai bậc thang đã quên khuấy anh ta hỏi gì. Sau buổi xem kịch chúng tôi chưa vội chia tay nhau.Nadka đợi tôi mời về nhà chơi, nhưng tôi im lặng. Tôi có thể làm được rất nhiều thứ trên đời này: qua một đêm may xong chiếc váy dài, chuẩn bị xong hồ sơ một vụ án phức tạp nhất, dịch xong một bài báo khó nhất sang tiếng Anh... Nhưng nhặt rau, nhưng đứng bếp, nhưng còn rửa bát đĩa... Những công việc này đối với tôi luôn là một thứ lao động khổ sai, vô nghĩa, mặc dù tôi biết thế là không đúng. Chẳng qua chỉ vì tôi là một mụ đàn bà vô dụng trong công việc nội trợ. Nadka không thấy tôi nói năng gì liền rủ cả bọn đến nhà cô. Một căn hộ ấm cúng nhưng chật chội. Bếp giống như khoang bốn người trên tàu hỏa. Chúng tôi được mời món thủ bò đông lạnh. Một món ăn nhà nghèo. Tất cả chúng tôi hồi đó đều nghèo, nhưng tuổi trẻ làm cho anh dễ dàng cảm thấy hạnh phúc...Romeo áp sát đùi vào tôi. Chúng tôi uống vốt ka, trêu đùa nhau và khát khao có nhau. Vợ Denichka đang kể chuyện gì đó một cách hưng phấn. Nadka ăn uống từ tốn, xếp gọn xương vào bên đĩa. ở nhà mình trông cô ấy có vẻ tự tin hơn. Đến cuối buổi chúng tôi cùng hát bài đang được ưa chuộng: “Thứ năm hàng tuần những chiếc tàu ra khơi, rời Liverpool đến những bến bờ xa xôi...”. Đó là những lời của Kipling. Nadka vỗ bàn tay đánh nhịp trên mặt bàn, Denichka hát giọng cao, còn Nadia vợ anh phụ họa bằng bè thấp. Tôi thì nhảy, nhưng chủ yếu là vung tay và lắc hông vì không có chỗ mà xoay chuyển. Romeo vớ được cây ghi ta gỗ dựng trong góc và làm như đang say sưa trên những dây đàn.Chồng Nadka ngồi đợi hồi kết một cách anh dũng, anh ta cảm thấy chật chội cả về tâm hồn lẫn thể xác. Muốn vứt bỏ đấy ra ngoài trời thoáng mát. Toàn bộ tâm trạng ấy lộ rõ trên nét mặt anh ta.Chúng tôi đã sống như thế, đau khổ, ước mơ, lừa dối, chờ đợi cuộc đời tốt hơn. Dường như cuộc đời đang lắc lư trên những ổ gà, nhưng rồi sẽ phóng đến chỗ hạnh phúc, chỉ đến chỗ hạnh phúc mà thôi chứ không đi đâu khác.Từ đó đến nay đã 15 năm trôi qua. Đất nước đổi thay. Và con người cũng đổi thay. Người Nga đã học được cách đếm tiền như người Đức. Con cái tôi đều đã lớn và thành đạt. Về mặt này thì không tồi, thậm chí còn tốt hơn cả ngày xưa. Đã đến thời của bọn trẻ năng động.Chồng Nadka bỗng nhiên giàu lên và có thể thoải mái nuôi cả vợ lẫn bồ. Cô bồ mới là diễn viên ba lê cổ cao ba ngấn, khuôn mặt khả ái. Anh ta đi nhiều và luôn mang cô ta theo. Nadka không lấy làm bận tâm. Hầu như toàn bộ lòng căm ghét đã đổ hết lên cô bồ trước rồi. Nhưng hiện giờ Nadka đã để cô ta yên vì cả hai đều đã là đồ cũ.Chồng tôi vẫn thế, như một hòn đảo buồn tẻ ở Greenland. Còn tôi, nhờ nghề luật sư, tôi trở nên được trọng dụng dưới thời chủ nghĩa tư bản hoang dã này, được chào mời, người ta không dám đề nghị những khoản thù lao ít ỏi đối với tôi.Romeo biến đâu mất trong hố đen thời gian. Tôi cũng không thấy nhớ anh ta. Cảm xúc đã qua giống như đống lửa đã tàn. Khi còn cháy thì rất đẹp. Nhưng khi đã tắt thì chả còn gì mà xem, chỉ còn lại tro và bụi.Nếu nhìn lại thì tôi vẫn như trước đây - dịu dàng và đầy nhiệt huyết, đôi bàn tay vẫn mềm mại, ánh mắt vẫn nóng bỏng. Tôi muốn được chia sẻ mình, những kiến thức, những suy nghĩ. Trong tôi tích tụ biết bao lòng tốt và sự dịu dàng đến nỗi tôi thấy nặng nề khi mang nó một mình. Không còn khát khao sự đắm say như ngày xưa, mà tôi cần sự cảm thông, hòa quyện vào nhau và lòng tin vào ngày mai. Nhưng thay cho dịu dàng và lòng tin là nỗi buồn và tương lai mờ mịt.Thỉnh thoảng tôi cũng có những thời khắc thăng hoa khi cãi cho khách hàng trước tòa. Tôi chuẩn bị đầu tóc, quần áo, tô son như một diễn viên trước khi bước ra sân khấu. Và tôi bước ra hưng phấn, rực rỡ, trẻ trung; trong mắt mọi người, tất cả những ai nhìn tôi đều cháy lên ngọn lửa. Và nhờ những ánh mắt này tôi lại càng cháy sáng hơn.Sau đó mọi sự kết thúc. Tôi về nhà, xì hơi như quả bóng bay ngày lễ bị đứa trẻ nghịch ngợm châm thủng. Đang bay bổng tôi biến thành một mảnh cao su đáng thương.Thế mà gọi là sống được sao? Nhưng chết cũng không muốn. Nhỡ có gì hay ho xảy ra thì sao?- A lô, - giọng đàn ông trong máy. - Denichka, - tôi đáp một cách bình thản. - Em nhận ra anh? - Denichka hỏi, giọng ngạc nhiên. Mười lăm năm quả là một quãng nghỉ khá dài. Nhưng tôi có trí nhớ đặc biệt về giọng nói. Giọng nói không thể thay đổi, không như những thứ khác.- Em thế nào? - Denichka hỏi.- Dễ thở, - tôi đáp.- Dễ thở? - Anh ngạc nhiên với cách dùng từ của tôi.- Vâng, - tôi lặp lại -, bọn trẻ đều ổn cả, em vẫn đi làm, mọi người đều khỏe, sống tốt. Còn đòi gì nữa?- Đúng thật... - Denichka trầm ngâm kéo dài giọng và im lặng.Tôi không biết anh gọi làm gì và muốn gì. Nhưng hỏi thẳng ra thì không tiện.- Thế còn anh? - tôi quan tâm hỏi.- Nadia đổ bệnh, - giọng Denichka buồn buồn.Sao thế nhỉ? Tôi biết là Nadka đang khỏe mạnh và không rời những nhà nghỉ đắt tiền cơ mà 2.- Đấy là vợ anh, - Denichka nhắc -, cô ấy cũng tên là Nadia.- À... ờ... - tôi ậm ừ.Có nghĩa là Denichka cần được an ủi, vì thế mà anh gọi cho tôi.- Chị ấy bệnh gì vậy?- Ung thư não.Trước mặt tôi lúc này là một khách hàng đang ngồi chờ tư vấn. Cuộc gọi điện thoại đến không đúng lúc lắm. Nhưng tôi cũng không thể đặt máy xuống. Không thể trong tình huống như thế mà lại nói: anh thứ lỗi cho, em đang bận...- Anh có cần tìm bác sĩ không? - tôi hỏi nhằm đưa câu chuyện vào hướng cụ thể.- Không, không... Anh đã lo tất cả. Anh đã liên hệ với những chuyên gia giỏi nhất qua Internet. Họ cho biết Nadia sẽ còn sống sáu năm, nhưng phải nằm một chỗ. Bọn anh sẽ cố đến cùng. Một bác sĩ từ Oklahoma đề xuất phương pháp rất hay. Em muốn biết không?Ông khách sốt ruột gõ nhịp những ngón tay xuống bàn.- Anh gọi cho em về nhà nhé, - tôi đề nghị.- Nhưng có tiện không? - Denichka vui mừng hỏi.- Buổi tối nhé, - tôi nhắc lại.Denichka gọi cho tôi mỗi tuần một lần, sau đó hai lần một tuần. Mỗi lần như thế Denichka đều cẩn thận hỏi: - Em có rảnh không?Tôi đáp:- Anh gọi lại sau hai tiếng nữa đi.Tôi dời cuộc trò chuyện đến 11 giờ đêm, khi một ngày đã hết, mọi việc đã xong, bát đĩa đã rửa, có thể chuyển sang tâm sự. Chúng tôi trò chuyện hồi lâu, sau đó tôi thấy mắt bắt đầu díp lại. Tức là đã buồn ngủ. Và sau đó mắt thôi díp lại với nhau, tức là đã qua thời điểm buồn ngủ và đến sáng sẽ lại mất ngủ.Chúng tôi nói những gì? Về đủ mọi chuyện. Rằng trong nửa thứ hai của cuộc đời thời gian sao mà trôi nhanh thế, làm được ít việc hơn trong một ngày, một năm trôi cái vèo là hết. Mùa xuân vừa ở kia, nhoáng cái đã đông về. Còn đối với Nadia mọi thứ đều trôi qua một điểm là ô cửa sổ. Ngoài cửa sổ lúc cành cây xanh, lúc phủ tuyết đầy. Cứ như thế sáu lần trong sáu năm. Và hết.Vào tiết giữa đông, Denichka ghé qua chỗ tôi làm việc và xin được ngồi trong phòng. Tôi bận tối mắt tối mũi, nhưng không đủ dứt khoát để từ chối. Tôi nói:- Anh cứ ngồi đi, - và rót trà cho anh.Denichka không đụng đến trà. Cứ thế ngồi trên đi văng, cầm trong tay chiếc cốc sứ to nặng và nhìn một cách vô định về phía trước. Tôi ngồi vào bàn máy tính, quay lưng lại với anh và tiếp tục công việc. Anh không cản trở tôi. Giống như thời tiết tốt vậy. Dường như Denichka không có mặt trong phòng. Cô thư ký Sonia thò đầu vào và lại thụt ra.Sau này cô ta dò hỏi:- Không có lẽ ai đó chịu ngủ với ông ta?- Sao vậy? - tôi không hiểu.- Chị thử hình dung mà xem, tỉnh giấc dậy và ngay sát bên cạnh một đôi tai như thế trên gối...- Ông ấy được nhận giải Nobel đấy, - không hiểu sao tôi bịa chuyện.- Vậy thì ông ta phải đeo cái biển trước ngực: Được giải Nobel...- Cô sẽ quen với hình thức thôi, - tôi nói -, nội dung mới là quan trọng.- Sự hài hòa mới là quan trọng. Sự thống nhất giữa hình thức và nội dung. Denichka ngồi một lúc thì đi. Tôi không biết anh đến làm gì. Có lẽ muốn thay đổi không khí, nạp năng lượng của một người khỏe mạnh cho cái ắc quy hết điện của mình. Anh lấy đi năng lượng của tôi, nhưng thật lạ lùng: tôi không thấy mất nó, mà thấy nhẹ nhõm hơn, phấn khích hơn. Có lẽ tôi truyền sang anh sự dịu dàng mà trước đây không biết cho ai...Tôi quen dần với những cuộc gọi của anh. Tôi chờ đợi chúng, ngóng nhìn đồng hồ. Vào 11 giờ đêm chuông điện thoại reo, tôi biết đó là Denichka. Tôi cầm theo diêm, thuốc lá và bước đến chỗ đặt điện thoại như người ta đi ca trực. Một lần tôi tò mò không phải lối:- Anh kiếm được bao nhiêu một tháng?- 500 đô, - Denichka dễ dãi đáp, anh không giấu tôi điều gì -. Nhưng 400 đô phải chi cho việc chăm sóc người ốm rồi. Bọn anh thuê cô y tá. Cô ta tên là Karina. Anh đi làm về thì cô ấy cũng ra về.- Em đến thăm anh chị nhé? - tôi hỏi.Anh im lặng, và tôi hiểu là không cần đến thăm.Một lần Denichka gọi điện và kể: - Anh vô ý với cô ấy, cô ấy khóc, cô ấy khóc bằng một mắt.- Thế mắt kia? - tôi ngạc nhiên.- Mắt kia bị liệt. Nước mắt chỉ ứa ra một bên má. Denichka im lặng, có cảm giác như anh biến đâu mất ở đầu dây bên kia.- Anh khóc à? - tôi đoán.- Không, - anh chối.Nhưng tôi không tin, anh đã khóc. - Anh làm hớp rượu đi, - tôi xui.- Ngày nào anh cũng uống, - anh thú nhận -, chai không lăn lóc khắp nơi.- Anh nhớ đừng say đấy.Anh lại im lặng. Anh khóc.Kịch bản sáu năm do vị giáo sư từ Oklahoma đưa ra cứ thế trôi đi. Nadia lẫn lộn giữa đêm và ngày như một đứa trẻ đang bú: ban ngày ngủ say, ban đêm tỉnh giấc. Cô muốn ăn, muốn tắm, xem vô tuyến, trò chuyện...Denichka lại đến chỗ tôi làm việc. Ngồi nửa tiếng rồi đi. Sonia vào phòng tôi bắt chuyện: - Nếu chị không màng đến ông ta thì bắt-xê 3 cho em đi. - Để làm gì?- Em chán phải giành giật đàn ông với người khác rồi. Em muốn một người không vợ, không con. Ông ấy không có con thì phải?- Không có, - tôi nhớ ra, - nhưng vợ thì có đấy. Sonia im lặng. Có những chuyện có thể nghĩ trong đầu nhưng không thể nói ra. Không thể nói về Denichka: ông ta góa vợ. Nhưng anh ấy là “người góa vợ tiềm tàng”. Có nghĩa là một chú rể tương lai.- Nhưng chính cô không thích ông ấy, - tôi nhớ lại.- Em đã bốn chục rồi, - Sonia tâm sự -, đã tìm kiếm khắp nơi mà vẫn phòng không. Dù sao thì cái ông này cũng là người được giải Nobel. Một người có học...Sonia pha cà phê và rót ra tách.Khách hàng chưa ai đến. Xếp cũng chưa thấy đâu. Hiếm khi được phút giây yên tĩnh và thoải mái như thế này. - Em không còn ham thích những cơn say đắm mãnh liệt nữa, những cơn ghen, tranh giành xem ai hơn ai... Em muốn một cuộc sống bình dị: sáng sớm đi làm, chiều về nhà, ăn tối trong ánh nến. Những buổi đi xem hát... Mà cũng chả cần nến, chả cần nhà hát, chỉ cần ngồi xem vô tuyến, bình phẩm thời sự, phim ảnh..., “râu tôm nấu với ruột bầu” cũng được...Sonia nhìn vô hồn vào một điểm nào đó trước mặt.Tôi bỗng nhớ ra Denichka đã nhìn tôi ra sao trong cái lần ở nhà hát, dường như anh đón được ánh dương vậy... Hay đúng là anh đang dự định gì, mặc dù Denichka không phải là người làm theo kế hoạch, không phải là người thực tế, thực dụng lại càng không. Nhưng dù sao thì tại sao không phải là tôi? Không phải là anh ấy?Đêm ấy tôi mơ thấy Denichka và tôi tay trong tay trên đường phố cổ nhỏ bé, còn trước ngực anh treo tấm biển “Giải thưởng Nobel”.Có nghĩa là tôi vẫn thấy không thoải mái với vẻ ngoài của anh...Mùa đông trôi chậm chạp dường như không bao giờ kết thúc. Đến tháng Tư rồi mà tuyết vẫn rơi. Denichka gọi một cách bất thường vào lúc hai giờ trưa và với giọng trang nghiêm lạ lẫm anh thông báo:- Nadia, vợ anh mất rồi. Lễ đưa tiễn vào ngày mai tại nhà tang lễ bệnh viện số Chín.Anh đọc tên phố, số nhà rồi cúp máy.Tôi cảm thấy anh như bị cứa làm đôi. Một nửa không còn, nhưng nửa khác vẫn hành động, nói năng, suy nghĩ, và khóc.Tôi đứng bên chiếc điện thoại, đầu trĩu xuống. Dù Nadia có đau ốm đến đâu thì cô ấy vẫn từng tồn tại. Thế mà bây giờ cô không còn và đang ở đâu chỉ Chúa Trời mới biết.Tôi đến chậm 20 phút vì ghé qua chợ mua hoa. Lễ cầu hồn đã bắt đầu. Nhà tang lễ một tầng nhỏ nhắn đứng tách một mình. Người đến đưa tiễn không vào được hết và một dòng người thòi ra khỏi cửa.Tôi bước lại và khẽ khàng đứng vào hàng. Trước tôi là cô gái còn trẻ, tóc màu sẫm thả dài, không đội mũ, mặc áo da lộn. Cô gái dáng cao, cân đối, ngực căng đầy. Chiếc áo da lộn thắt ở eo càng làm rõ đường nét cơ thể. Cô quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt nâu bình thản và không hiểu sao tôi liền nghĩ ngay đó là cô y tá làm việc cho Denichka - Karina. Dần dần đám đông ép vào nhau như trong một chiếc xe buýt lèn chặt người, tôi vào được trong phòng đưa tiễn. Quan tài đặt ở giữa phòng, phủ đầy hoa. Tôi không nhìn rõ người chết, và tự nhủ mình không được ngó về phía đó. Tôi biết là nét mặt người chết sẽ khắc sâu trong trí óc tôi và tôi sẽ không làm gì được với nó. Tôi sẽ đi lại, ăn uống, ngủ nghê với nét khắc đó. Tôi không chỉ sợ người chết, mà còn hơn thế, tôi khiếp đảm trước họ. Hệ thần kinh sống không chấp nhận, khước từ, giũ bỏ. Chỉ người theo đạo và người thân mới bình tâm và giao cảm với người chết. Mà tôi lại không theo đạo, càng không phải người thân. Denichka trông thấy tôi và len đến đứng bên cạnh, nắm chặt lấy tay tôi. Trông anh rất chững chạc. Điều đó không có nghĩa là Denichka còn nguyên vẹn. Dĩ nhiên anh đã bị cứa làm đôi. Nhưng nửa còn lại đã tỏ ra rất vững vàng và cao quý.Mọi người bắt đầu dịch dần về phía quan tài. Tôi hòa vào hàng người, đặt bó hoa hồng vàng phía chân người chết, và đột nhiên không kìm được nhìn lên phía trên. Khuôn mặt tô màu rám nắng, môi được tô son một cách cẩn thận. Sự trang điểm càng làm lộ rõ là thiếu vắng sự sống. Giống như Dovlatov nói, “trông không thể chết chóc hơn được nữa”. Tôi bước ra ngoài trời. Tuyết đã đóng thành băng. Từ mặt đất hơi lạnh tỏa lên người. Nhưng mặt trời đã lên, bạo dạn, dạn dĩ, mang hơi ấm mùa xuân. Tôi ngẩng mặt về phía mặt trời để đón nhận hơi ấm của mùa xuân, của cuộc sống. Tôi đứng như thế, mắt nhắm nghiền và ngộ ra: ta phải cảm tạ Thượng đế vì mỗi ngày còn sống trên đời này, chứ không phải kêu ca về những niềm hy vọng hão huyền không thành hiện thực của mình. Những đám tang như thế này là để người ta dừng chân, ngoái lại... Denichka bước tới và vẫn lịch thiệp như mọi khi, anh nói, nếu tôi có chút thời gian và nếu không phiền, tôi có thể đưa tiễn Nadia đến nhà hỏa táng. - Vâng, - tôi gật đầu.Tôi bước lên xe tang. Mấy chiếc ghế dài dọc theo thành xe giống như trên máy bay quân sự. Quan tài đặt dưới nền ở góc bên phải xe. Denichka ngồi xuống cạnh tôi.Trên xe không nhiều người lắm. Ghế đối diện không có ai ngồi vì chiếc quan tài dồn về phía đó nên không có chỗ để chân. Chả lẽ lại đặt chân lên quan tài. Chỗ ngồi thuận tiện duy nhất là ở trong góc xe. Cô gái tóc sẫm có bộ ngực căng đầy ngồi ở đó và nhìn về khoảng không trước mặt. Một nỗi buồn chân thành hiện trên nét mặt cô. Đôi mắt nhung nâu, làn da mịn màng như trái đào tơ. Mũi hơi to nhưng không làm hỏng khuôn mặt.Trong tâm khảm, tôi mong muốn được đưa Nadia về chốn vĩnh hằng, sau đó về nhà Denichka, xả đầy nước ấm vào bồn tắm cho anh. Anh sẽ nằm trong đó cho đến lúc nào cái lạnh trong cơ thể ra hết.Chúng tôi im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình.Denichka nghiêng đầu sang tôi và thì thầm:- Em ở đây nhé, anh sang chỗ Karina một chút.- Vâng, anh đi đi... - tôi gật đầu.Denichka không biết làm thế nào để đến được chỗ Karina. Cô ngồi phía bên kia sau chiếc quan tài, và muốn đến đó chỉ mỗi cách bò trên chiếc ghế dài bỏ trống. Denichka bò thật, bò trên hai đầu gối và khuỷu tay về phía Karina. Tôi ngạc nhiên nhìn Denichka làm điều đó một cách khéo léo, y hệt trong phim hoạt hình. Khuôn mặt anh ngẩng lên, hướng về phía Karina và bừng sáng như chùm đèn trong Nhà hát lớn. Đôi mắt anh như nhướng lên do nóng lòng. Chú sói con bò và rên ư ử vì sung sướng.Cuối cùng thì Denichka cũng bò đến nơi. Anh thì thầm điều gì đó với Karina. Karina lắng nghe và chỉ mấp máy môi.Có lẽ anh thì thầm về chuyện họ sẽ về nhà và bốn tay cùng cọ rửa sàn nhà, xóa đi những dấu vết về sự đau đớn, lụi tàn của người khác. Karina còn trẻ khỏe, cô ta sẽ cọ sàn không phải bằng chổi lau sàn như tôi, mà bằng giẻ, hai tay chà mạnh xuống sàn.Chiếc xe tang dừng lại trước cửa nhà hỏa táng. Ngôi nhà xây bằng bê tông cốt sắt như mọi công trình xây dựng thời nay. Cách đấy không xa là làng quê, và mặt trời cũng tỏa sáng theo kiểu thôn quê - trải rộng và cởi mở. Không ai quấy rầy mặt trời ở đây. Mùa xuân đang đến. Một mùa xuân nữa trong đời tôi.Chiếc xe thứ hai cũng vừa tới. Từ trong xe bước ra bạn bè của Denichka và Nadia. Những khuôn mặt nhầu nhĩ, những bộ quần áo nhầu nhĩ. Trên cái nền mặt trời và tuyết trắng rực rỡ, trông họ như đống đồ cũ. Nhưng những đôi mắt thì vẫn trẻ trung. Có lẽ họ không nhận thấy là mình đã già đi.Đã đến lượt chúng tôi, đúng hơn là đến lượt Nadia.Căn phòng trong nhà hỏa táng có trần cao như ở nhà thờ. Người phụ nữ phụ trách ở đây tế nhị hướng dẫn chúng tôi làm lễ tiễn đưa người chết. Người ta từ từ hạ quan tài xuống.Denichka co giật người, có cảm giác anh sắp đổ vật xuống chiếc quan tài. Tôi nắm lấy tay anh theo bản năng. Cánh tay rung bần bật. Dường như Denichka chạm phải dòng điện vậy. Đó là điện cao thế. Tôi nhìn sang anh, một nỗi đau sâu hun hút khó có thể ngoi lên từ đó được.Lòng thương cảm, nỗi đau thuốn vào tôi, và tôi cũng khóc theo.Tất cả mọi người đều khóc Nadia và khóc chính mình.Khi trở về nhà, chồng tôi đã ngủ say. Tôi cởi áo khoác ở lối vào và nghe rõ tiếng anh ấy trở mình. Tiếng lò xo giường ngủ nghe như tiếng càu nhàu. Tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được trở về nhà, không phải ngôi nhà trống vắng, mà có ai đó đang thở, đang trở mình trong giấc ngủ. Thậm chí cứ càu nhàu đi, nhưng sự tĩnh lặng thì đừng. Chồng tôi xoay trở một lúc rồi cũng dậy, hình dáng anh hiện trong khung cửa.- Người ta vừa mai táng Nadia xong, - tôi báo tin.Chồng tôi im lặng. Lý do quá chính đáng.- Mọi người đều nghĩ Denichka chắc sẽ đau đớn lắm, hóa ra trong suốt thời gian đó anh ta ngủ với cô y tá.- Thế thì sao? - chồng tôi đáp. - Có thể đau đớn và ngủ với cô y tá cùng một lúc. Cái này không làm phiền cái kia.- Làm phiền chứ, - tôi phản đối -. Hai cái đó loại trừ nhau.Tôi nhớ lại hai nét mặt của Denichka: một ở bên cạnh Karina, một lúc ở bên quan tài. Denichka hoàn toàn thành tâm ở cả hai nơi. Đúng là cái này không làm phiền cái kia. Quả thật Denichka có thể chết vì đau đớn, nhưng người sống không chui xuống mồ được, và Denichka đã ngủ với cô y tá. Anh đã sống sót với đời bằng cách như thế.Denichka còn cần thêm một người khác để chia sẻ, tâm sự - đó là tôi. Tôi hiểu, nhưng khó chấp nhận.- Người ta gọi cho em đấy, - chồng tôi báo tin.- Ai vậy?- Khách hàng, còn ai vào đây nữa...Đúng thật, còn ai vào đây nữa? Nhưng không sao, tôi sẽ nghiên cứu kỹ từng hồ sơ vụ án và lập lại công lý. Từ những công lý nho nhỏ sẽ có công lý lớn.Tôi rũ bỏ hết đống quần áo trên người và bước vào phòng tắm, đứng dưới dòng nước ấm nóng. Nước gột rửa khuôn mặt, đôi bờ vai, hai cánh tay, chảy dọc theo đôi chân và đổ vào cái lỗ đen nho nhỏ. Tôi đổ vật xuống giường và chìm vào giấc ngủ khi đầu vẫn chưa chạm gối. Đêm đó tôi không mơ thấy gì cả.Tôi tỉnh giấc vì mùi cà phê thơm ngát bay vào phòng. Chồng tôi đang lui cui dưới bếp. Hương vị cà phê xứ người lan tỏa đến chố tôi nằm. Đó là mùi của Braxin, của những vườn cà phê, của tiếng Bồ Đào Nha. Ngôn ngữ cũng có mùi vị: tiếng Anh ẩm ướt sương mù, tiếng Phần Lan thơm mùi sữa, còn tiếng Bồ Đào Nha đậm mùi cà phê. “Cứ vào thứ năm từ Liverpool, những con tàu ra khơi đến những bến bờ xa, họ đến Brazil, Brazil, Brazil, và ta cũng muốn đến Brazil, đến những bến bờ xa...”. Denichka hát bài này thật hay bằng giọng cao, bè thấp của Nadia đế theo, Nadka gõ nhịp hai tay vào cạnh bàn, tôi nhảy một cách say sưa, mềm mại như ả mèo, Romeo ngồi ôm cây đàn ghi ta với những nhịp điệu. Đó là nhịp điệu của tuổi trẻ, hy vọng và hạnh phúc. Có cảm giác như kia, hạnh phúc kia kìa, chỉ cần với tay ra... “Chỉ có Don và Magdalina, chỉ Don và Magdalina, Don và Magdalina giương buồm tới những bến bờ xa...”. Chú thích: 1 Denichka là cách gọi thân mật của “Denis”- tên của nhân vật. - ND.2 Nhân vật “tôi” nhầm vợ Denis với bạn gái. Cả hai người này đều tên là Nadia, nhưng người bạn gái thường được gọi thân mật là Nadka. - ND.3 tiếng Pháp passer: chuyển. - eVăn.