1. Nhạn khều khều tay Hân, thầm thì, vẻ quan trọng: "Tao mới biết ở X. có một bà thầy bói hay lắm. Chuyện xưa, chuyện nay, nghe cứ vanh vách ấy. Hôm nào tao với mầy đi coi thử cho biết.". Từ nhỏ đến lớn, Hân chưa đi xem bói bao giờ nên nghe Nhạn rủ, tự nhiên thấy háo hức: "Mầy đi coi rồi hả, sao biết hay vậy?" Nhạn vẫn chưa hết vẻ quan trọng: "Tao chưa, nhưng chị Ngân tao đi rồi. Này nhá, bà í nói chị Ngân tao có phận làm mẹ chứ không có phận làm vợ, bà í ở xa sao biết được chồng chị Ngân đi đào vàng mất tích, tài ghê chưa!...". Chuyện chồng chị Ngân đi sáu năm rồi không có tin tức gì thì Hân có biết. Nhạn còn kể quảng cáo thêm một lô một lốc chuyện về bà thầy bói linh thiêng thế này, tài giỏi thế kia, rồi hai đứa nghéo tay Chủ Nhật tới sẽ đèo nhau đi coi, nhưng phải đi thật sớm, chứ Chủ Nhật là đông người lắm, xếp hàng cứ thành từng dãy dài, đi trễ một chút có mà chờ dài cổ...
2. Từ sớm tinh mơ, Hân đã dậy, suốt đêm qua Hân không ngủ được vì hồi hộp. Hân lịch kịch sửa soạn, thay đồ chỉnh tề, Nhạn đã dặn trước là phải ăn mặc thật đường hoàng, không thì bà quở. Lúc Hân dắt xe ra ngõ, bố đang tập thể dục trước sân, hỏi: "Đi đâu mà sớm quá vậy con?". Hân không dám nhìn bố, trả lời quấy quá: "Nhạn nó rủ con về quê, bố nói mẹ dùm con." rồi lật đật dắt xe ra, cứ sợ bố sẽ hỏi thêm một câu gì đó là lòi cái mặt nói dối ra. Bố là cán bộ hưu trí, nghe nói Hân đi coi bói, thế nào Hân cũng bị la. Nhạn chờ nó ở trước cổng nhà, cũng nói dối là về quê bạn chơi, sợ bị chị Ngân chọc là con nít mà cũng bày đặt đi coi bói. Hai đứa cười rích rích với nhau, không dưng Nhạn thốt một câu lo lo bâng quơ: "Lát nữa bà thầy bói hỏi muốn coi gia đạo hay tình duyên, hai đứa mình biết nói thế nào đây.". Hân chợt nghĩ đến Vịnh, biết Hân đi coi bói thế này chắc Vịnh cười dữ lắm, rồi tự trấn an: mình không kể chắc Vịnh không biết đâu. Lúc đầu, Hân đã định rủ Vịnh đi cùng cho vui, Nhạn gạt ngang: "Bộ mầy muốn Vịnh biết hết chuyện bí mật của tụi mình sao?". Giờ đây, ngồi sau xe cho Nhạn đèo, Hân mới thấy Nhạn quả luôn khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng hơn mình... Rồi lại thấy, sao lại phải e dè với nhau đến thế, hơn nữa, đây lại là với Vịnh...
Căn nhà của bà thầy bói nằm sâu trong ruộng, chung quanh là những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, có vẻ hơi biệt lập. Nhạn thầm thì: "Lâu lâu mình mới lên đây coi bói chứ sống ở chỗ như thế này, buồn chết!". Rồi không đợi Hân nói thêm tiếng nào, Nhạn tự lý giải: "Mà phải ở nơi vắng vẻ như thế này, coi bói mới linh nghiệm chứ.". Hân nhìn quanh, quả là con đường dẫn vô nhà bà thầy bói cam go thật. Suốt chặng đường dài gần năm cây số từ quốc lộ rẻ vào đây, ngồi trên chiếc phoọc-ba-ga không có đệm đau điếng, bon bon qua mấy ổ gà, ổ trâu to tướng và đá ong lỏng chỏng, Hân không nén nổi tiếng suýt xoa, hăm he: Về đến nhà, nhất định mình phải gắn thêm tấm đệm vào sau xe. Xưa nay, Hân toàn chở người khác đi bằng xe mình nên bây giờ mới nếm mùi. Có mấy người vác cuốc làm đồng sớm đi ngược chiều, cứ ngó bộ vó thành phố của hai đứa bằng ánh mắt thoáng chút lạ lẩm làm Hân thấy chột dạ, như thể ai cũng biết là mình vào con đường này, đi vô lối này, thế nào cũng là đi coi bói. Mặt Hân cứ thấy nóng phừng phừng...
Khi hai đứa đến được nhà bà thầy bói, khoảng sân trước nhà bà đã xếp cơ man là xe, xe Dream, xe Cub các loại, cả xe đạp còn dính đầy bùn ở dưới bánh cũng có. Mới sáu giờ rưỡi sáng chứ mấy, nhìn dãy xe xếp dài, Hân đã thấy nản: kiểu này phải chờ đến chiều, muốn thối lui ra về cho rồi. Nhạn kéo tay Hân lại, thầm thì: "Đông người như thế này đã ăn thua gì, bà thầy bói này hay lắm nhe, ai có căn duyên thì được coi trước, không kể tới sớm hay không.". Hai đứa líu ríu nắm tay nhau bước vào, rón rén vì sợ ảnh hưởng mấy người tới trước. Trong nhà tối om, nồng nặc mùi khói hương, người ngồi sin sít, chen chúc nhau, chật cứng. Loay hoay mãi mới có được một chỗ để yên vị, đặt mông ngồi xuống rồi, Hân mới có dịp quan sát nhân vật chính kỳ bí của căn nhà mà Hân chỉ mới có dịp nghe qua lời Nhạn quảng cáo. Đó là một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi, người khô đét, mặt tô đầy phấn, môi đỏ lòm, lông mày kẻ hai đường lưỡi mác đậm lè làm cho khuôn mặt bé choắt của bà trông thật dữ dằn. Ánh mắt sắc lẻm của bà nhìn cứ như xoáy vào người đối diện. Bà mặc một bộ bà ba tím thêu hoa cầu kỳ, ngồi trên bộ phản ở góc nhà, đang thì thầm nói gì đó với một thân chủ, bà này vẻ mặt thành kính lạ thường, tay chắp lại như kiểu đang vái, đầu gật lia lịa. Ở giữa nhà là một bàn thờ nhang đèn nghi ngút, toàn bộ ngôi nhà không có một thứ ánh sáng nào khác ngoài thứ ánh sáng leo lắt từ bàn thờ tỏa xuống. Trên bàn thờ đặt đầy hoa quả và một cái dĩa lớn đựng những phong bao đỏ chót. Một chiếc máy cassette được đặt ở đâu đó trong phòng, đang ra rả phát nho nhỏ một bài kinh đều đều, trầm buồn cộng với khung cảnh tranh tối tranh sáng, thiếu không khí của căn phòng làm Hân tự nhiên có cảm giác gai gai người. Nhạn thầm thì vào tai Hân, vẻ rành rẻ: "Mầy biết không, cái đĩa trên bàn thờ đó là để người ta cúng tạ bà khi xem bói xong, tùy lòng thành, bao nhiêu cũng được.". Vừa ngồi xuống, Nhạn đã kịp làm quen với một chị ngồi bên cạnh: "Chị đi hôm nay là ngày thứ ba rồi mà chưa được cô gọi. Ngày nào người cũng đông như kiến cỏ thế này. Sáng nay, chị phải dậy từ ba giờ sáng.". Hân nghe mà lè lưỡi: Sáng nay mà không được thì thôi chứ cho vàng Hân cũng không đi nữa.
Ngồi đợi được một lát, đang đưa mắt ngó tới ngó lui thì bỗng dưng Hân thấy đám người bên dưới rộn rạo sửa soạn. Thì ra là bà khách trên phản đã coi xong. Hân chỉ nghe "cô" dặn: "Vậy há! Bảy ngày nữa sắm lễ vật lên đây, cô giúp cho." trong lúc bà khách kia cúi rạp người, ôm lấy tay "cô", thành kính: "Nhờ cô, con cảm ơn cô!". Tiễn bà khách xuống, "cô" khoan thai rời chiếc phản, lại bàn thờ lấy vài trái xoài và mấy nhánh lá cây, uyển chuyển đi một vòng qua đám thân chủ đang nhốn nháo chờ "cô", đưa mấy trái xoài và lá cây cho hàng chục bàn tay đưa lên đón lấy "xin lộc cô". Rồi "cô" dừng lại trước mặt Hân, nhìn vào mắt Hân, tia nhìn như có điện chiếu làm Hân sợ rúm cả người. Rồi không kịp để Hân kịp có phản ứng gì, "cô" nắm lấy tay Hân, bàn tay lạnh ngắt, thầm thì: "Con lên đây.". Hân chỉ biết đứng dậy theo "cô" lên phản, còn kịp nghe chị ngồi bên xuýt xoa tiếc rẻ: "Con nhỏ này hên quá!".
Đâu đó trên phản xong, "cô" tằng hắng giọng, bắt đầu. Lúc này, Hân đã thấy bình tâm lại, không còn sợ nữa. "Cô" nhin Hân, vẻ nhìn bề trên, đầy thương hại: "Tội nghiệp con chưa, oan trái lắm phải không? Sao con không tìm đến cô sớm hơn để cô giúp cho?". Hân chưa kịp nghĩ ra trên mặt mình có cái nét gì để "cô" nói như vậy thì "cô" đã hỏi, rất quan tâm: "Năm nay con bao nhiêu tuổi?" Hân lí nhí: "Con mười bảy tuổi.". "Con chưa có người yêu phải không?". Chưa kịp để Hân trả lời, cô phán một tua dài: "Cô biết ngay mà, trên mặt con chứa đầy âm khí thế này, thằng nào mà dám tán con.". Hân nghĩ thầm: ngôn ngữ của "cô" nghe cũng hiện đại ác!. "Đứa con trai nào cũng sợ con, phải không?". Hân gật đầu. "Cô" tỏ vẻ hài lòng: "Tụi con trai sợ con không phải là tại con dữ. Cô biết, con hiền lắm.". Hân thấy khoai khoái, "cô" cũng biết mình hiền. "Tại vì hồi mười bốn tuổi, con bị một thằng chết ở trước nhà con cách đây hai mươi năm nó ám, nó chấm con cho nó rồi nên con bây giờ là người nửa âm nửa dương, xác trên dương trần nhưng hồn ở chín cõi âm ty. Con bị lơ lơ lửng lửng như lúc nào cũng ở trên mây, học đâu quên đó, tội nghiệp chưa? Con thích đi chùa, nghe kinh kệ lắm phải không? Con đi đâu nó cũng đi theo, con không làm gì được cả, cha mẹ con buồn lắm phải không? Tội nghiệp chưa?". Bà thao thao nói, sau mỗi câu kết thúc bằng "phải không?" bà lại chép miệng: "Tội nghiệp chưa?". Hân ngồi yên lặng nghe bà nói, chốc chốc lại gật đầu, tính Hân vốn vậy, luôn làm bộ đồng ý khi thấy không cần thiết phải đôi co. Hân càng gật đầu, bà càng hăng nói, Hân có cảm giác như bà không biết mình đang nói gì. "Cô" linh thiêng thế, chẳng lẻ "cô" không biết Hân vừa lĩnh phần thưởng học sinh giỏi cuối năm sao? Và còn nữa, không có buổi tan học nào là Vịnh không chờ Hân trước cổng trường. Vịnh mến Hân lắm mà, một tuần không gặp Hân, Vịnh nói Vịnh không làm gì được mà "cô"! Hân nhìn lướt xuống dưới, thấy mặt Nhạn căng thẳng ghê luôn, mồ hôi rịn bết trán, lại thấy đám người ngồi dưới dáng vẻ chịu đựng, mệt mỏi, cứ thấy buồn cười thế nào ấy, tự hỏi: có đáng phải tốn công chờ đợi để nghe những lời tầm phào như thế này không? Bài phán của bà thầy bói kết thúc bằng: "Con phải nói ba mẹ mua cái này, cái này nè, cô đã ghi list hết rồi đây nè, mang thêm năm trăm ngàn lên đây cô cúng giải giùm cho, tội nghiệp cho con, mới mười bảy tuổi đầu. Nếu không biết mua thì mang tiền lên đây cô mua lễ giúp cho. Tội nghiệp con quá!".
Nhạn đã không chờ được cho đến lúc "cô" gọi nó lên để cô coi bói cho vì đã quá trể, hai đứa phải về nhà. Nhạn đèo Hân đi giữa trưa nắng gắt, luôn miêng than thở: "Số mầy sướng, số tao xui xẻo gì đâu!". Hân đang tiếc vì mất một buổi sáng vô tích sự, đã định ậm ừ, chưa kể Nhạn nghe là bà thầy bói phán Hân như thế nào, sợ làm Nhạn cụt hứng, nghe Nhạn than thở, tức mình xổ luôn ra một tràng mấy câu bà thầy bói phán Hân thấy tào lao vô cùng. Nhạn ôm bụng cười ngất, xăng xái bắt Hân dừng lại nghỉ ở một quán nước ven đường để Nhạn ngó mặt Hân coi thử có vẻ gì là "nửa âm nửa dương" không. Hân vừa thấy tức, vừa thấy buồn cười, cũng Nhạn bày ra trò đi coi bói để bây giờ Hân bị chọc là "nửa âm nửa dương". Mà Hân thấy mình cũng vô duyên, chính mình khi nghe Nhạn nói cũng xăng xái không kém gì Nhạn mà bây giờ còn bày đặt trách móc ai...
3. Buổi tối, Vịnh đang ngồi chơi ở nhà Hân thì Nhạn qua mượn vở. Hân nghi quá, không biết Nhạn qua mượn vở thiệt hay muốn dở trò gì để chọc Hân đây. Thấy Nhạn, Hân có cảm giác quê quê vì chuyện đi coi bói khi sáng. Gặp Vịnh, Nhạn hít hít mũi làm bộ ngạc nhiên, quay sang nhìn Hân nheo mắt cười. Vịnh nói chuyện trên trời dưới đất một hồi, như sực nhớ ra, nhìn Hân cười cười hỏi: "Hồi sáng Vịnh ngồi trong quán cà phê, thấy Nhạn chở Hân đi ngang qua, hai người đi đâu sớm dữ?". Hân hơi ngạc nhiên, hồi xưa đến giờ Vịnh đâu có biết uống cà phê, chưa biết trả lời thế nào, không lẻ nói thật là mình đi đâu cho Vịnh biết, quê chết, thì nghe Nhạn tơm tớp hớp lời: "Tụi này đi coi bói, có nhiều chuyện hay lắm!", Hân không biết làm sao để bịt miệng Nhạn lại để Nhạn đừng nói tiếp. Vịnh vẫn như vô tình, mặt tỉnh queo: "Sao không rủ Vịnh đi với, Hân bữa nay chơi đánh lẻ, ghê quá ta!". Hân đang bối rối, chưa biết trả lời Vịnh thế nào để Vịnh khỏi giận thì Vịnh đã kể: "Cách đây hơn một tháng, bà chị Vịnh có nhờ Vịnh chở đi coi bói. Ông thầy bói hay lắm à nhe, coi trúng phóc luôn!". Nhạn đột nhiên hỏi Vịnh cắt cớ: "Ông thầy bói nói Vịnh sao mà đúng? Ổng có nói là Vịnh đang bị một người "nửa âm nửa dương" ám không? Ám qua ám lại vậy mà!", rồi phá lên cười. Con Nhạn này chơi ác quá, làm lộ bí mật ra hết trơn, trong lúc Hân đang cố giấu Vịnh về chuyện Ngân bị phán là "nửa âm nửa dương". Nghe Nhạn hỏi, Vịnh ngơ ngác hết nhìn Nhạn đến nhìn Hân rồi thấy cái vẻ lúng ba lúng búng như gà mắc tóc của Hân, Vịnh chợt hiểu, cười theo. Hân bặm môi, muốn đưa nắm đấm lên thoi Nhạn một cái, cho rõ đau, chợt nhớ bà thầy bói sáng nay vừa khen Hân hiền mà, cũng cười, tiếng cười giòn tan như thủy tinh vỡ...

Xem Tiếp: ----