Mười bốn Âm lịch hằng tháng là Đêm Phố Cổ. Vào những Đêm Phố Cổ, ngay từ lúc năm giờ chiều, người ta cấm tất cả xe cộ vào phố, tắt hết đèn điện, nói chung là tạm thời loại bỏ những tiện nghi hiện đại, nhằm tái tạo lại không khí của một đêm phố cổ xa xưa. Không có khói xe, không có cái nhấp nháy của cửa hàng cửa hiệu lập lòe, chỉ có ánh sáng dịu mắt của những chiếc lồng đèn treo trước hiên các ngôi nhà cổ và bàng bạc ánh trăng... Đêm phố cổ trở thành một ngày hội không thể thiếu của cư dân phố cổ và những vùng lân cận...
Đêm phố cổ tháng này nhằm vào ngày thứ bảy, cuối tuần. Gần như một lệ thường, tối thứ bảy là Thoại đến nhà Hân, chở cô đi lòng vòng quanh phố, ghé quán nước dừa quen ở trên bờ sông Hàn, ngồi nhìn ra sông, nói dăm ba câu chuyện nhì nhằng, rồi về. Luôn luôn về đến nhà trước chín giờ tối, ba mẹ Hân không cho phép con gái đi chơi về khuya sau chín giờ tối, dù là sinh nhật bạn bè, liên hoan gì thì cũng không có ngoại lệ. Thoại vẫn muốn đưa Hân về thăm Hội An quê Thoại, vào một Đêm Phố Cổ, nhưng không thể. Vì bức rào cản chín giờ tối...
"Em cố gắng xin phép ba mẹ tối thứ bảy này anh đưa về Hội An chơi. Có Đêm Phố Cổ, vui lắm!". Thoại rụt rè đề nghị trong một buổi tối đến nhà Hân, Hân một mình tiếp Thoại trong căn phòng khách sang trọng, rộng thênh thênh, Thoại nói mà không chút hy vọng Hân sẽ gật đầu. Y như Thoại đã đoán trước, Hân không gật đầu thật! Hân thảng thốt nhìn quanh như thể sợ ai đó nghe được lời rủ rê của Thoại, rồi từ chối với vẻ khổ sở: "Không được đâu, em cũng thích lắm nhưng không được đâu!". Thoại cắc cớ hỏi vặn: "Vậy thì bao giờ em về Hội An chơi với anh được?". "Khi nào tụi mình, đám hỏi hay đám cưới gì đó!". Câu trả lời giống như một tiếng thở nhẹ, trôi tuột. "Nhưng anh muốn bây giờ...". Thoại nói, cho hả vậy thôi, chứ Thoại cũng thừa biết Hân không quyết định được. Hân là vậy, vóc dáng yếu đuối, mỏng manh, và mỏng manh ngay cả trong những chuyện lớn nhỏ của đời cô, lúc nào cũng chờ ý kiến ba mẹ... Ngày xưa, Thoại chú ý đến Hân cũng vì cái vẻ lúc nào cũng mỏng manh, như cần được che chở này của cô...
Tối thứ bảy, Thoại về Hội An, Thoại có hẹn một nhóm bạn cũ cùng đi chơi Đêm Phố Cổ và đưa Hân về giới thiệu. Hân không đi được, Thoại lại phải nghĩ cách để giải thích với đám bạn cũ lý do sao Hân không cùng về chơi với Thoại. Từ ngày quen Hân, Thoại ít về thăm nhà, ngay cả vào ngày Chủ Nhật, dù Đà Nẵng với Hội An cách nhau chưa đầy ba chục cây số. Hân không bao giờ tỏ ý cản Thoại về thăm nhà nhưng mỗi lần Thoại báo với Hân là cuối tuần này về, Hân lại rủ người như một chiếc lá héo, Thoại thấy không đành. Đâm ra, từ ngày có bồ, Thoại ít về thăm nhà, những ngày Chủ nhật ghé nhà Hân chơi dài lê thê, thỉnh thoảng chở Hân đi loanh quanh đâu đó. Ba mẹ Hân khó tính một cách kỳ cục, Thoại có thể ghé nhà Hân chơi cả ngày cũng được, miễn sao là ở nhà dưới sự giám sát của hai ông bà. Ba năm triền miên với một cuộc tình đều đều, từng ngày trôi qua giống hệt nhau, chỉ còn chờ ngày Hân ra trường là cưới, điểm lại, bảo Thoại kể ra một kỷ niệm nào đó thật vui vẻ với Hân, thật khó. Có chăng, là lần đầu tiên Thoại rủ được Hân đi coi ciné, một cuốn phim tình cảm Đài Loan nhàn nhạt, Thoại tỏ tình với Hân trong rạp, cô run run để bàn tay cô trong tay anh, và nụ hôn đầu say mê, choáng ngợp. Những nụ hôn sau này hay bị ngắt quãng, dở chừng, như thể Hân luôn luôn sợ một cái gì đó Thoại không biết được, hỏi Hân thì chính Hân cũng không biết mình sợ cái gì...
Nhóm bạn cũ của Thoại tập trung tại nhà Tường, gồm vợ chồng Tường, Quyên, có An và Thu, bạn gái của An. Tường, Quyên và An là bạn học chung với Thoại từ hồi cấp hai, cùng chơi với nhau trong một nhóm. Tường, Quyên vừa mới cưới nhau năm ngoái, chưa có con, còn Thu thì là bạn An, lần đầu tiên An dẫn Thu theo để ra mắt bạn bè. Chỉ có Thoại là đi một mình. Trên suốt chặng đường từ Đà Nẵng về đây, Thoại tự nhủ là lâu nay mình vẫn đi một mình, có sao đâu, tự nhiên bây giờ nhìn vợ chồng Tường, Quyên, rồi An, Thu tay trong tay, Thoại lại thấy chạnh lòng. Nỗi chạnh lòng Thoại biết là rất vô lý, nhưng vẫn là nỗi chạnh lòng...
Quyên và Thu đang loay hoay bày bát đĩa và thức ăn ra sàn nhà, thấy Thoại bước vào, chỉ có một mình, Quyên cười hỏi: "A, ông Thoại, sao về có một mình, Hân đâu?". Thoại gượng gạo giả lả: "Đi một mình tự do hơn, mắc mớ gì phải mang theo một cái rờ-mọt kè kè bên mình, mệt!". Quyên phản đối: "Ông nói vậy mà nghe được, rồi tui méc Hân cho mà coi!". Tường đang làm cái gì đó từ nhà sau bước ra, dàn hòa: "Thôi, ngồi vào đi, chờ mầy nãy giờ. Tranh thủ làm nhanh nhanh, để còn đi chơi Đêm Phố Cổ.". Cả bọn ngồi bệt trên sàn nhà lau sạch bóng, chén bát khua lanh canh. An nâng ly cười: "Ê, Thoại, giới thiệu với mầy, Thu, bạn gái của tao! 1-0 nhe!". Nếu là người ngoài cuộc, không ai hiểu được cái tỉ số 1-0 An nói với Thoại, hai thằng đã có lần thách nhau là thằng nào dẫn bồ về ra mắt trước, thằng kia phải khao một chầu. Là chuyện nói giỡn chơi tầm phào với nhau trước đây thôi, bây giờ nghe An nhắc lại, Thoại thấy giận ghê gớm mà không biết mình đang giận ai. Nỗi giận dỗi này với Thoại, không từ phía Hân, cũng không phải do ba mẹ Hân, lại càng không phải là do An. Chỉ thấy lúc này Thu, rụt rè, e thẹn, mắt long lanh nhìn An, Thoại thèm được như An kinh khủng...
Ăn uống xong là tám giờ tối, cả bọn rục rịch xuống đường. Khu phố cổ, ngày thường có vẻ mộc mạc, đơn sơ là thế, đêm nay, như một cô bé lọ lem thoát xác, lộng lẫy, trông huyền ảo, quyến rũ lạ kỳ. Suốt cả dãy phố dài chỉ toàn là lồng đèn kiểu cổ treo nối đuôi nhau dưới bàng bạc ánh trăng. Không một bóng dáng xe đạp, xe máy, không một âm thanh chát chúa nào của nền văn minh công nghiệp vọng lại, những cô bán hàng, những nhân viên phục vụ trong các quán ăn y phục xưa, áo dài màu nâu, màu lục dân dã... Là dân Hội An gốc mà lúc này nhìn khu phố cổ, Thoại cũng cứ tưởng như mình đang ở một xứ sở xa xưa nào trong cổ tích, trong Thoại đang dâng lên một cảm giác nao nao, trước đây chưa từng có bao giờ, len lỏi thật lạ. Thoại ước ao lúc này có Hân, có chút gì đó như là niềm phấn khích, muốn chia xẻ cùng Hân. Tường kéo tay Thoại: "Mới có mấy tiếng đồng hồ đã nhớ Hân hay sao mà ngó mầy buồn vậy?". Từ nhỏ đến lớn, Tường là bạn thân của Thoại, lần đầu tiên Thoại nhận ra, hình như Tường chẳng mấy hiểu mình như mình tưởng, và cũng lần đầu tiên, Thoại không có nhu cầu chia xẻ với Tường...
Cả bọn đi loanh quanh rồi kéo nhau vào một tụ điểm sinh hoạt âm nhạc gia đình. Bốn nhạc công là anh em ruột của nhau làm thành một ban nhạc gia đình, một guitar thùng, một mandolin, một violin và một bộ gõ trong một thính phòng bài trí trang nhã, những giai điệu tiền chiến trữ tình vang lên dìu dặt, ấm cúng. Lúc bọn Thoại vào, một cô ca sĩ nghiệp dư trong bộ áo dài màu vàng nhạt đang hát một ca khúc cũ: "Cùng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối, nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương gió ngát, đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi...". Một mộng ước thật êm đềm, Thoại nghe từng nhịp tim mình đang run lên, nhè nhẹ... Xong phần ca sĩ trình bày là đến phần mời quan khách có mặt tham gia đóng góp và chương trình văn nghệ. Mấy giọng ca của khách không điêu luyện lắm, nhưng được cái nhiệt tình và hát truyền cảm làm không khí trong phòng trở nên vui vẻ hẳn, tiếng vỗ tay cổ vũ vang lên rôm rả... Chợt Quyên đưa tay khều: "Này, ông Thoại lên làm một bài đi, cho thiên hạ biết mặt ca sĩ Trần Quý Cáp ngày xưa.". Chả là ngày xưa, thời còn đi học, Thoại là giọng hát đinh của trường Trần Quý Cáp trong mỗi lần hội diễn văn nghệ. Thoại ngập ngừng từ chối: "Thôi, lâu quá tao không hát hò gì, sợ bây giờ hát không được.". An khích lệ: "Mầy cứ lên đi, không sao đâu. Lâu quá bon tao không được nghe mầy hát.". Cả Thu, suốt buổi im lặng, bây giờ cũng cất giọng hùa vào: "Đúng rồi đó, em cũng nghe nói là anh Thoại hát hay lắm, mà chưa được nghe!". Và "ca sĩ" Thoại đã không làm bạn bè thất vọng chút nào. "Vẫn biết mây trời bay là bay đi mãi. Vẫn biết em chẳng như lời em vẫn nói. Vẫn thương thật nhiều, vẫn yêu thật nhiều, vẫn luôn chờ mong. Dù chiều nay phố biển không có em...". Một bài tình ca mới, Thoại hát mà cứ nghĩ đến Hân, không biết tối thứ bảy này không có Thoại đưa đi chơi, Hân ở nhà làm gì, sao mà mỗi khoảnh khắc vui buồn của đời sống Thoại đều nhằm vào lúc không có Hân. Thoại kết thúc bài hát, cả một rừng pháo tay vang lên, Thoại còn nhìn rõ, trong rừng pháo tay ấy, mấy người bạn của mình là vỗ tay to nhất, nhiệt tình nhất. Rồi Thoại được tặng hoa, một đóa hoa hồng hẳn hoi, một cô bé ngồi ở hàng ghế đầu mang lên tặng Thoại, vào lúc bất ngờ nhất: "Em muốn được làm quen với anh!", làm Thoại, mặt đỏ bừng vì bối rối. Tường ở dưới cười nói vọng lên: "Thoại ơi, xin địa chỉ đi Thoại.".
Sau khi ở tụ điểm sinh hoạt âm nhạc gia đình ra, cả bọn còn ghé một ngôi nhà cổ nghe các cụ cao niên đọc thơ Đường, rồi ra bờ sông nghe hát dân ca và coi thả hoa đăng đến khuya. Những chiếc hoa đăng phản chiếu ánh sáng dìu dịu xuống mặt sông lung linh, huyền ảo, cứ xoay tròn, xoay tròn rồi từ từ trôi về hướng biển Cửa Đại, tắt lịm... Thoại chợt nghĩ đến Hân, đến cuộc tình của Thoại và Hân, suốt đời như chỉ tỏa một thứ ánh sáng đều đều, dìu dịu như những chiếc hoa đăng kia mà thấy buồn rã rời...
Đêm, Thoại về muộn, gọi điện thoại cho Hân thì Hân đã ngủ. Thoại nằm lười lĩnh đến tận nửa đêm, cánh hoa hồng mang về nhà được cắm vội vào cái bình hoa bằng pha lê để trong phòng Thoại, cái bình hoa mà Hân mua cho Thoại hôm Tết để mấy ngày Tết, Thoại chưng hoa trong phòng. Tính Thoại vốn lười biếng chuyện hoa hòe, chiếc bình hoa lâu nay Thoại vẫn dùng để cắm bút viết, lần đầu tiên được thực hiện đúng chức năng...
Thoại qua một đêm tại nhà mình, trong chính căn phòng của mình, đầy mộng mị, những giấc mơ vụn vỡ, chắp vá, thoang thoảng một chút hương hoa hồng, như hư như thực... Buổi sáng dậy muộn, Thoại vô cùng kinh ngạc khi bất chợt nhìn thấy cánh hoa hồng cắm vội đêm qua đã gục xuống, héo rủ. Thoại tần ngần cầm lấy chiếc bình pha lê nhẹ tênh, khô rang, chợt nhớ đêm qua, khi cắm hoa, Thoại đã quên đổ nước, rồi vô tình nghĩ đến Hân, đến một điều sẽ úa tàn như cánh hoa thiếu nước kia mà thấy thương Hân vô cùng...

Xem Tiếp: ----