Sau gần mười năm không gặp nhau, Quảng vẫn vậy, có phần trắng trẻo và mập ra, duy chỉ có ánh mắt là già nua, mệt mỏi, tinh ý lắm mới thấy. Tôi luống cuống, lăng xăng, chả làm được việc gì cho ra việc gì, kể cả kéo ghế mời Quảng ngồi, khi Quảng cười cười ôm túi xách bất ngờ bước vào nhà tôi. Quảng cười hồn hậu: "Tao về đây thăm mầy, mầy không mừng sao?". Tôi ngỡ ngàng một chút, rồi có một cái gì đó rất lạ, vỡ òa ra trong tôi, làm tôi muốn chảy nước mắt. Mười năm Quảng đi xa, không thư từ, không điện thoại, thảng hoặc chỉ nghe người này, người kia kể là gặp Quảng chỗ này, chỗ nọ bên Mỹ, tôi biết Quảng bình yên nhưng vẫn nghĩ mình sẽ không bao giờ được gặp Quảng nữa. Chúng tôi là bạn thân chí cốt, tôi thương Quảng nhất trong đám bạn của tôi vì từ nhỏ, Quảng đã có một đời sống không êm đềm. Mẹ mất từ lúc bốn tuổi, ba cưới vợ khác, rồi ba Quảng cũng mất vài năm sau đó, Quảng như người thừa, như cái gai trong nhà. Đang học nửa chừng lớp mười, Quảng trốn nhà đi vượt biên, trước khi đi có đến chào tôi: "Nếu không có tin tức gì, coi như ngày hôm nay là ngày giỗ tao.". Lúc đó, tôi còn non nớt, thương bạn nhưng chẳng biết làm gì giúp bạn, vẫn cảm nhận được những lời như thế kia thốt ra từ miệng một thằng bé mười sáu tuổi là kinh khủng lắm. Tôi bần thần, mất ngủ mấy tháng liền khi Quảng đi, thấy cuộc dời này sao chẳng đẹp như mình nghĩ, lần đầu tiên nhận ra mình đang mất đi một điều quý giá lắm nhưng không biết cách nào giữ lại được.
Quảng nhìn cơ ngơi của tôi, tấm ảnh cưới của hai vợ chồng tôi treo trang trọng giữa nhà: "Tao về, thấy mầy sống thế này, tao mừng!". Quảng thân thiện chào vợ tôi: "Ngày xưa, tôi là bạn thân nhất của Trung đó chị!", lôi ra mấy món quà cho vợ tôi và Cu Tý, nói như hối lỗi: "Tao không biết con mầy là con trai hay con gái, lại không biết lớn hay nhỏ nên chẳng biết mua gì cho con mầy!". Vợ tôi cười: "Anh nói quá, anh về thăm vợ chồng em thế này là mừng rồi, bày vẽ gì cho tốn kém.". Quảng xua tay, nói vui: "Chị đừng lo, tôi là Việt kiều mà chị!", rồi cười với vợ tôi: "Chị cho tôi mượn Trung hai ngày! Tôi cũng chỉ về đây trưng dụng thằng này có hai ngày thôi!".
Tôi xin nghỉ phép, lấy xe đưa Quảng đi thăm chơi loanh quanh. Về quê thắp hương mẹ Quảng. Vừa xong hai trận lụt lớn, đường về quê ngập bùn, lầy lội không thể tưởng, có nhiều đoạn, Quảng phải nhảy xuống xe, chân lội bùn ngập đến ống giày, lặc lờ đẩy xe máy cho tôi. Đã quá lâu không về quê, cảnh vật thay đổi nhiều quá, phải loay hoay hỏi thăm một hồi, chúng tôi mới tìm đường ra đến mộ mẹ Quảng. Trên mộ cỏ mọc đầy, tấm bia đá có chỗ bị nứt loang lổ nhưng vẫn còn đọc được chữ. Hình như đã lâu lắm rồi, không có ai đến thắp hương ở đây. Quảng ngồi bần thần bên mộ mẹ, tay run rẩy sờ từng dòng chữ khắc trên tấm bia. Rồi Quảng đi vòng quanh mộ nhổ những bụi cỏ dại. Và thắp hương. Tôi không dám nhìn vào mặt Quảng. Ở Quảng, có một nét gì đó như là quá sức chịu đựng. Quảng hỏi: "Ngày xưa, mầy có nhớ mặt mẹ tao? Tao thì chẳng nhớ gì cả.". Tôi im lặng, không thốt được một lời. Hồi đó tôi cũng còn quá nhỏ. Quảng ngậm ngùi nói với tôi mà như không nói với ai cả: "Suốt cả những năm thơ ấu của tao, tao thèm được gọi mẹ ghê gớm, tao cũng muốn được có mẹ như những đứa khác. Gần mười năm xa nhà, tao cũng ý thức mình có một nguồn cội, một nơi chốn để về. Nhưng tao cố gắng lắm, vẫn không hình dung được mẹ mình như thế nào. Ba tao, tao cũng không nhớ gì nhiều. Hồi đó, ổng ngại dì tao, nên cha con cũng ít gần gũi!". Rồi đột ngột Quảng đứng dậy, phủi phủi những bông cở may dính trên ống quần: "Mình về đi Trung!", giọng tỉnh khô đến tôi cũng không chắc là có phải Quảng đang nói.
Chúng tôi đi lòng vòng quanh phố, ghé chỗ này một tí, chỗ kia một tí, hình như ở thành phố này Quảng chẳng còn ai thân thiết. Tôi hỏi: "Mầy có ghé ra ngoài X. thăm dì và mấy đứa em?". Quảng gật đầu: "Dì tao bây giờ già lắm, hai đứa em tao cực kinh khủng. Lúc đầu, dì tao không nhận ra tao, khi nhận ra tao, bả khóc. Tao thấy tội nghiệp bả. Tao đưa tiền bả sửa nhà, sắm sửa, dẫn hai đứa em tao đi mua sắm áo quần, giày dép linh tinh. Ngày tao đi, hai đứa còn nhỏ quá, đến lúc về, tụi nó chẳng biết tao là ai. Ngày xưa, tao hận dì tao lắm, nhưng bây giờ lại thấy thương bả.". Tôi lắng nghe và im lặng, có quá nhiều điều để hỏi Quảng đến không biết hỏi gì. Quảng dừng lại chụp hình trước ngôi trường ngày xưa chúng tôi từng học: "Qua bên đó tao có đi học tiếp. Tao ở ký túc xá trong trường, chung phòng với một thằng người Tàu sinh ở Mỹ. Mùa đông đầu tiên, tao lạnh đến chảy máu mũi, vậy mà về đến nhà là nó mở cửa sổ toanh hoanh. Tao đóng lại, nó lại mở ra. Tao tức quá: tao trả một nửa tiền nhà, tao có quyền, tao muốn đóng cửa sổ lại. Cuối cùng, mầy biết sao không, một cánh của mở, một cánh đóng. Ở nước mình, người ta có ghét nhau đến mấy cũng không đối xử với nhau như vậy. Tao học được nhiều điều, và cũng chai sạn hơn. Đáng buồn, phải không?". Rồi Quảng hỏi: "Mầy sống hạnh phúc?". Tôi gật đầu. Quảng ôm choàng ngang hông tôi: "Vậy là tốt rồi. Bây giờ tao không thiếu gì cả, nhưng cô đơn lắm.". Tôi ngập ngừng: "Sao mầy không cưới vợ đi?". Quảng cười, có vẻ muốn lẩn tránh câu hỏi của tôi: "Mầy nói với vợ mầy, tối nay, ngủ với tao một đêm. Tao muốn nói chuyện nhiều với mầy, như ngày xưa. Mầy còn nhớ năm lớp chín hai thằng hay học chung, ngủ lại nhà mầy không?".
Buổi tối, hai thằng nằm trên căn gác tôi vẫn dành cho khách, hai mẹ con Cu Tý ngủ dưới nhà. Chúng tôi nói chuyện vu vơ, nhắc lại những kỷ niệm vui vui thời đi học. Quảng nhẹ nhõm: "Tao về đây, được nằm nói chuyện với mầy như thế này, tao thấy bình yên.". Tôi hỏi: "Bên đó, mầy có bạn chứ?". Quảng cười mà mặt buồn rười rượi: "Mầy tưởng ở Mỹ dễ kiếm bạn lắm sao? Mình là dân da vàng, người ta kỳ thị lắm. Mà tránh sao khỏi, ngày xưa tụi mình thấy mấy đứa ở quê xuống, cũng bày trò chọc ghẹo đủ thứ, mình cũng kỳ thị lắm mà mình không biết đó là kỳ thị.". Rồi Quảng thở dài. Tôi không chịu được tiếng thở dài của Quảng, nghe như có nỗi niềm gì thật tuyệt vọng. Quảng hỏi thăm về cuộc sống, công việc của tôi, trầm ngâm ao ước: "Ở Việt Nam, dù sao cũng hạnh phúc hơn nhiều so với bên đó.". Từ lúc gặp Quảng đến bây giờ, tôi không hề nghe bạn tôi kể là cuộc sống bên đó giàu sang, sung sướng, có cảm giác Quảng đang mang một bi kịch nặng nề ở trong người. Suy cho cùng, trong đời bạn tôi, có phút giây nào thảnh thơi. Tôi nói với Quảng, giọng đượm màu sách vở: "Sao mầy không yêu, có tình yêu, người ta sẽ vượt qua được nhiều thứ.". Quảng im lặng một lúc lâu: "Hồi mới qua, tao cũng có yêu một em người Việt. Em này qua Mỹ từ nhỏ nên hầu như không nhớ gì về Việt Nam, nói chuyện thì nửa tiếng Tây, nửa tiếng ta. Yêu nhau một thời gian, tao thất vọng quá, vì không chia xẻ được gì. Tao vẫn cảm thấy rất cô đơn. Ngay cả chuyện sex, mầy biết là ở Mỹ rất thoáng chuyện này, riết một hồi tao cũng không còn hứng thú gì. Như cái máy. Cuối cùng thì đường ai nấy đi.". Tôi băn khoăn: "Bộ chẳng lẽ sau đó, mầy không gặp được ai? Tao nghĩ ở đâu thì cũng có người tốt.". Quảng gật đầu: "Tao cũng nghĩ vậy. Nhưng tao không gặp được. Dường như không ai hiểu tao, hay là tao quá khó khăn để cho người khác hiểu.". Giọng Quảng trầm xuống, tâm sự: "Nhiều lúc tao cô đơn quá. Đúng là sau này tao có gặp một người. Một người Mỹ gốc Ý, cũng là dân nhập cư như tao. Lúc đầu tụi tao cũng là bạn bè bình thường, nhưng rồi..." Quảng ngập ngừng một lát rồi nói tiếp, vẻ ray rứt: "Nói là tao yêu người này thì cũng không hẳn, tao không thật sự hiểu nổi mình, nhưng có lẽ... tao yêu thật. Cảm giác này lạ lắm, trước đây chưa hề có trong tao bao giờ. Tụi tao quan hệ với nhau được hai năm, rồi thôi. Vì tao biết sẽ không đi đến đâu.". Tôi bực dọc: "Tại sao vậy? Mầy lừng khừng quá, sao lúc yêu, lúc lại không yêu. Đã gặp được người rồi, sao không lấy nhau? Tây ta gì thì cũng đâu có quan trọng.". Quảng im lặng, rồi cất giọng run run như thú tội, một cách rất khó khăn: "Mầy tắt đèn đi. Mầy biết tại sao không, vì Mark là đàn ông. ". Có một khoảng im lặng trống rổng bao trùm lấy hai đứa. Tôi thấy choáng váng, đầu óc không bắt theo kịp những điều Quảng nói, không muốn tin những gì mình nghe: "Quảng ơi, mầy nói lại đi, mầy đang giỡn chơi với tao phải không?". Quảng "suỵt" cho tôi im lặng: "Đừng để vợ mầy nghe thấy", thầm thì: "Cách đây khoảng năm năm thôi, có ai bảo tao là dân đồng tính, thế nào cũng bị ăn một cú đấm vô mặt. Mọi chuyện khác đi từ khi tao gặp Mark. Mark rất hiểu tao, thương tao thật lòng và dịu dàng.". Tôi nghĩ đến những gã đàn ông để tóc dài, độn ngực, mặc áo quần phụ nữ, hỏi Quảng, có hơi gay gắt thì phải: "Mark có giống phụ nữ?". "Không hề. Tao biết như thế là sai trái, là tội lỗi, nhưng tao cô đơn quá. Tao có nói chuyện với Mark, tụi mình là đàn ông, Mark bảo, tao không quan tâm, tao sống cho tao, vì tao, và tao yêu mầy." Rồi chừng như sợ tôi không hiểu, không thông cảm với mình, Quảng nói tiếp, giọng như van nài: "Mark là người đầu tiên hiểu tao, thật sự muốn chia xẻ với tao, Trung à!". Tôi bàng hoàng, vừa thương, vừa giận. Làm sao để đến nông nổi này hở Quảng? Tôi thấy bất lực đến đau đớn, có cảm giác mình đang trôi đi, không còn muốn nghe gì, biết gì... "Bây giờ thì sao?". "Tao không còn liên lạc với Mark. Tao đang cố gắng yêu một đứa con gái, mà sao khó quá. Cảm giác Mark mang lại cho tao thật tuyệt vời. Chưa lúc nào tao hạnh phúc như vậy.". Tôi an ủi Quảng, dù biết lời mình nói có khi chẳng tác dụng gì: "Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Quên hết đi, rồi mầy sẽ gặp một người con gái tốt.". Quảng khổ sở: "Tao cũng muốn vậy, nhưng không quên được! Mầy có khinh tao không hở Trung?". Tôi không trả lời, quàng tay sang ôm chặt ngang người Quảng. Tôi thấy thương cho bạn tôi, tôi không hề có cảm giác mình đang ôm một người đồng tính luyến ái như mình từng ghê sợ trước đây, chỉ thấy thương thằng bạn tội nghiệp của tôi. Tôi thấy thất vọng và tội nghiệp cho cả mình nữa, hồi nhỏ và ngay cả bây giờ, mang tiếng là bạn thân nhưng tôi cũng chưa bao giờ thật sự hiểu Quảng, chia xẻ được gì với Quảng. Bây giờ thì chỉ biết vỗ về: "Thôi, mầy ngủ đi!".
Buổi sáng thức dậy, mặt Quảng vẫn rất bình thường, như không hề có chuyện Quảng tâm sự với tôi đêm qua. Tôi ngập ngừng đề nghị: "Hay là mầy tìm một bác sĩ tâm lý, bên đó có nhiều bác sĩ giỏi...". Tôi chưa nói hết câu, Quảng đã ngắt lời: "Không sao đâu, tao vẫn là đàn ông thật sự mà. Chuyện đó chẳng qua là tao phiêu lưu chút thôi, bởi vì tao cô đơn quá. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Mầy yên tâm đi!". Rồi Quảng cười, nụ cười hiền lành, vô tư, tôi nhìn Quảng cười mà thấy lòng thắt lại vì một nỗi lo lắng mơ hồ...
Vợ chồng tôi tiễn Quảng ra sân bay. Quảng ôm hôn Cu Tý: "Tý ráng học giỏi, vài năm nữa chú về, sẽ có quà cho Tý.", cười với vợ tôi: "Mai mốt tôi về, chị chuẩn bị tinh thần đi, tôi sẽ dẫn theo ít nhất là hai người nữa, một người dắt, một người bồng.". Vợ tôi dặn với theo: "Anh Quảng nói, phải giữ lời à nhe!". Quảng bắt tay tôi thật chặt: "Mầy đừng lo cho tao!". Quảng chào tạm biệt mọi người, xách va ly bước vô phòng cách ly, dáng lầm lũi. Tôi đứng nhìn theo đến khi bóng dáng cao to của Quảng khuất sau dãy cầu thang. Thằng bạn thân của tôi vẫn lầm lũi bước đi, không ngoái đầu nhìn lại, dù chỉ một lần.

Xem Tiếp: ----