Có một lần lâu lắm rồi, cô đọc cho anh nghe câu ca dao về dòng sông quê cô: "Sông Tiên nước chảy ngược dòng, ai về Tiên Phước để lòng ngẩn ngơ...", khoe với anh là có khá nhiều dị bản nhưng cô thích dị bản để lòng ngẩn ngơ này nhất. Rồi cô kể với anh là trên sông Tiên có một cây cầu nhỏ, gọi là cầu Bình An, bình an như chính tên gọi của nó. Năm ngoái, nhằm đúng ngày nước lụt dâng cao, có cô gái nọ thất tình, đứng trên cầu Bình An nhảy xuống, may sao lại bị vướng ở đám bèo lục bình dày đặc dưới chân cầu mà thoát chết. Hình như xưa nay, chưa có ai bị chết đuối dưới chân cầu Bình An... Những chuyện ly kỳ cô kể về thị trấn trung du quê cô nghe giống như một lời rủ rê. Và anh, cũng làm như mình bị cuốn theo những lời rủ rê của cô, lặn lội một mình một ngựa vượt qua chặng đường gần 100 cây số với những dốc cùng đèo để đến thị trấn trung du thăm cô. (Thực ra thì anh đâu có mê gì con sông Tiên nước chảy ngược dòng, cũng như chiếc cầu chưa có ai chết đuối đó, anh chỉ lên đây là vì cô, nhưng anh đâu có dại gì mà thú nhận điều này với cô). Để bây giờ, ngồi với cô ở một quán cà phê dưới chân cầu Bình An, cũng tên là Bình An quán, nhìn cô cười, mái tóc cô bay bay vấn vít, anh thấy lòng ấm áp và bình an lắm. Quán vắng, hai chiếc loa thùng bự chảng trong quán đang thả một tình khúc ngọt ngào: "Phố núi cao, phố núi đầy sương... anh khách lạ đi lên đi xuống...". Ừ, thì cũng là phố núi, anh cũng đang là khách lạ đây, chưa xa lắc nhưng sao anh thấy có nhiều điều để nhớ quá chừng.
Lần đầu tiên anh gặp cô là ở nhà một người bạn gái của cô. Cô bạn của cô lúc ấy là sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng, là thành viên trong câu lạc bộ văn thơ của thành phố mà anh là một trong những kẻ ngoại đạo đang tập tểnh dấn thân bằng những vần thơ con cóc dở ẹt. Anh biết mình không có tài, nhưng thừa đam mê. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, những lần đọc thơ dã ngoại, gặp gỡ với các nhà thơ nổi tiếng luôn làm anh mê mẩn. Anh quen cô bạn của cô ở đó, rồi vô tình nghe nhắc đến tên cô, bấy giờ đã là một tên tuổi khá đình đám trong giới sinh viên viết lách ở Huế. Sau đó lại được gặp cô, lần gặp gỡ tình cờ không ngờ lại dẫn đến một mối quan hệ thân thiết nửa bạn bè, nửa không xác định được sau này. "Hồi đó, trông anh ngô ngố, chứ không lém lỉnh như bây giờ, mỗi lần rủ anh đi chơi, tụi em tha hồ bắt nạt anh mà anh đâu có dám nói gì!". Ngày mới gặp nhau, cô nghịch lắm cơ, đi chơi với cô, cô giành nói hết, chẳng cho anh có ý kiến gì, làm hai tai anh cứ đỏ rừ lên mỗi khi ở bên cạnh cô. Còn anh thì thấy cô, bên ngoài những bài viết khá ấn tượng, vẫn đời thường và con nít lắm! Có lẽ, níu cho anh với cô thân nhau là những lá thư. Thư cô viết thường không đầu không đuôi, đôi khi là một đoạn ngăn ngắn, một bài thơ nhỏ mà cô tình cờ "nhặt" được trên đường. Anh biết mình làm thơ dở, chẳng dám đối lại với cô đâu, chỉ biết thỉnh thoảng dạo hiệu sách, gặp cuốn truyện nào hay hay, hay một cassette nhạc mới nào đó là "lượm" về hì hục gói lại, ra Bưu điện gởi tặng cô... Ba năm trời với những lần gặp nhau đếm được trên đầu ngón tay. Ba năm trời, như một cái chớp mắt, cứ lơ lơ lửng lửng như thế, cho đến ngày cô ra trường, về dạy ngay ở chính ngôi trường cũ ở quê, anh mới chợt nhận ra sao anh nhiều bạn bè là thế mà bây giờ chỉ còn có một mình cô. Cũng như cô, đến một lúc nhận ra, riết một hồi, có chuyện buồn vui gì thì cô cũng chỉ biết trút với anh, duy nhất với anh, không dè chừng, không e ngại.
Để rồi, từ một người có tiếng là không mặn mòi lắm với những chuyến đi xa, anh lặn lội chạy xe một mình lên cái thị trấn trung du heo hút này. Những địa danh là lạ, địa danh nào anh cũng thấy ngộ nghĩnh. Nhà cô ở Tiên Cảnh. "Thế Bồng Lai ở đâu?". Đây là Tiên Kỳ. "Đâu có thấy gì kỳ lạ.". Đây là Tiên Thọ. "Chắc Tiên ở đó sống lâu!". Vùng này là Tiên Mỹ. "Tiên ở Tiên Mỹ chắc xinh lắm, vì là Tiên ngoại quốc". Nghe những câu "bình loạn" trước của anh, cô thùm thụp đấm vào lưng anh phản đối nhưng câu cuối cùng thì cô gật đầu. "Em có mấy đứa bạn ở Tiên Mỹ, xinh lắm, để em giới thiệu cho anh!". Anh cắc cớ: "Không cần giới thiệu ai khác cho anh đâu, anh thấy Tiên Việt Nam cũng xinh đâu có kém gì!". Thật không còn lời tán tỉnh nào trắng trợn hơn. Cô đỏ mặt, anh nghĩ là mình không nhìn lầm, cô đỏ mặt thật. Và khi cô đỏ mặt e thẹn, mắt long lanh, anh bất ngờ nhận ra cô xinh thật, chứ không phải là cái miệng liếng láu của anh đang chọc cô. Khỉ quá đi mất!
Anh chở cô chầm chậm trên đường về nhà cô. Nhà cô hơi khó tìm, nên khi anh lên, cô hẹn gặp anh ở quán cà phê dưới thị trấn. Con đường nhựa chính của thị trấn trung du nhỏ hẹp và đầy dốc. Cô kể ngày xưa em đi học, ngày nào cũng đạp xe băng băng hai bận qua gần 5 cây số đường dốc này. Có khi cao hứng, cô với mấy đứa bạn gái nghịch ngợm thả phanh xe lao xuống dốc, để nghe gió táp ào ào trên mặt... Anh nhăn mặt: "Con gái con đứa gì mà liều quá, gãy cổ có ngày!". Cô búng mũi anh, cười hồn nhiên: "Lúc đó, tụi em đâu có nghĩ gì đến nguy hiểm, chỉ biết là thả dốc, thích lắm!". Anh thử đùa với cô: "Bây giờ anh thả phanh xuống dốc, em có thích không?". "Đừng, em không muốn hy sinh cùng với anh!". Anh cắc cớ: "Không muốn hy sinh hay không muốn cùng với anh?". "Cả hai!". Cô đối đáp giỏi lắm, không hiểu sao lại làm anh chạnh lòng. Có một điều gì đó mới mẻ đang lan tỏa rất nhẹ trong tim anh và một dự cảm mất mát mơ hồ. Anh với cô chỉ là bạn? Hay anh đã mơ hồ nghĩ đến một điều gì khác mà chưa thể gọi tên được thành lời?
Nhà cô nằm hun hút trong xóm, ngoằn nghèo qua một con đường đất nhỏ hẹp, chung quanh toàn là đồng lúa xanh ngút. Cô dẫn anh vào giới thiệu với ba mẹ cô: "Đây là anh V., bạn con!". Bố mẹ cô trông chân chất và rất hiền. Không khí gia đình đầm ấm, bữa cơm trưa dung dị có cá đồng nướng, canh bầu nấu với tôm và ớt hiểm dằm nước mắm nhỉ cay thin thít làm anh thấy lòng nhẹ nhàng, bình yên chi lạ. Như là ở nhà mình. Tự nhiên, anh nhớ cũng có lần, cô bạn gái ngày xưa của anh cũng dẫn anh về nhà ra mắt và dùng cơm trưa với gia đình. Bữa cơm trưa sang trọng trong phòng khách, máy lạnh chạy êm như ru, hai tay anh thừa thãi trong khung cảnh im lặng nhợt nhạt và ánh mắt bà mẹ cô bạn gái sắc như dao. Sau đó, vì một lý do gì đấy anh không muốn nhớ, tụi anh đã chia tay nhau, chuyện này anh cũng đã có lần kể cô nghe. Anh không biết nếu chuyện tình ngày đó có một kết thúc có hậu thì anh sẽ sống ra sao với bà mẹ vợ. Một ý nghĩ ngớ ngẩn, ngớ ngẩn quá đi mất. Anh không biết trên đời này, còn có ai như mình, cưới vợ mà cứ sợ sống với bà mẹ vợ. Bất chợt, anh quay sang nhìn cô, thấy thinh thích khi cô bắt gặp ánh mắt anh, e thẹn cúi mặt. Một kiểu e thẹn rất tự nhiên và đúng lúc. Cô có như anh, đang nghĩ về một điều mới mẻ mơ hồ chưa thể gọi tên được thành lời?
Buổi chiều, cô đưa anh đi thăm ngôi nhà cổ tương truyền đẹp nhất Quảng Nam. Ngôi nhà nằm trên đồi cao, anh thích nhất là lối đi lên dài hun hút với những bậc thang cấp xếp bằng đá núi, một bên vách cũng bằng đá núi có bám những cây dây leo ngồ ngộ. Rồi anh chở cô chạy xe vù vù qua những con dốc dài đến tham quan nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một ngôi nhà mái ngói âm dương ba gian xưa cũ nằm sau một hàng giậu bằng cây chè tàu xanh mướt, với những di chỉ về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh. Cô nói nếu có thời gian, cô sẽ đưa anh đi thăm Lò Thung, một thắng cảnh của quê cô. Cô còn dẫn anh rẽ ngang qua một con đường hình vòng cung, chỉ cho anh ngôi trường ngày xưa cô đi học, cũng là nơi cô dạy bây giờ. "Còn một điều quan trọng mà em chưa đưa anh đi giới thiệu?". Anh cười cười nhìn cô. Cô làm như không để ý, tránh ánh mắt của anh: "Điều gì?". "Bạn trai của em đâu?". Một câu hỏi có tính thăm dò. Cô cười lớn: "Anh chơi thân với em lâu nay mà không biết bạn trai của em ở đâu à?". Một câu trả lời cũng mang tính đánh đố không kém. Trông cô lúc này đáng yêu quá, hai má đỏ hồng, mắt long lanh, những sợi tóc mai mỏng mảnh dính bết trên má. Và trong một lúc bất ngờ không chủ định, anh đột ngột cầm lấy tay cô, siết chặt, đưa lên môi. Bàn tay cô mềm và ấm. Anh nhìn thẳng vào mắt cô, giọng run run: "Anh có cần phải nói thêm điều gì nữa không?". Cô lặng lẽ lắc đầu. Cô có thật sự hiểu anh? Không nghe cô nói gì, cũng không thấy cô rụt tay lại. Không dưng, anh thấy bàng hoàng, như thể mình đang làm vỡ mất một điều gì mong manh lắm, mà không thể níu lại được. Có phải là đã quá trễ để níu lại một tình bạn? Và hãy còn quá sớm để gọi tên một điều chưa thể gọi thành lời?
Những ngày vui vẻ như thế này thường qua rất nhanh. Lúc chiều tối, trên đường tiễn anh về lại Đà Nẵng, cô đưa anh vào một quán ăn bên đường có món đặc sản "lòng thả" của quê cô. Đó là một món ăn được nấu bằng những sợi bún khô lỏng lẻo nước, trên có thả mấy lát lòng gà thái mỏng. Cay nồng, thơm lựng. Chính lúc này, được ngồi bên cạnh cô, được ngắm những sợi tóc mai mỏng mảnh của cô, anh biết là mình sẽ khó lòng quên được món "lòng thả" gợi nhớ, khó quên dòng sông Tiên nước chảy ngược dòng và chiếc cầu Bình An luôn bình an như tên gọi. Nhưng có một điều anh vẫn chưa biết là ở trên thị trấn trung du những dốc cùng đèo, có một nơi chốn bình an nào để anh thả lòng mình ở lại?
"Không phải em không hề nghĩ đến một điều chưa thể gọi tên bằng lời nhưng đây là chuyện rất hệ trọng, em cần có thời gian suy tính thật kỹ trước khi trả lời với anh". Lần cuối cùng anh gặp cô là cách đây đã hơn 2 tháng rồi, cô vẫn còn đang suy tính. Bây giờ đã là tháng tám, nắng trước hiên nhà anh rất vàng và lá rất xanh...
Người ta đâu cần một thời gian dài đến thế mới gọi tên được một điều mà từ lâu, đã không còn một ý nghĩ mơ hồ...

Xem Tiếp: ----