Gió lồng lộng. Chiều cuối năm, mưa phùn bay mù mịt, ẩm ướt. Hạ quấn lại cái khăn quanh cổ rồi cúi xuống di di chút bùn cát bám ở đế giày để giấu đi vẻ sốt ruột. Mọi người hối hả xuống phà. Con bé bán táo rong sấn sổ bê rổ táo chen lên trước, cái cạp rổ xô làm xước mu bàn tay Hạ, đau rát. Nó quay lại, cong mỏ quát: "Hãm! Đứng lù lù giữa đường! Táo ơ! Táo Thiện Phiến giòn ngọt như điên đây!". Bà hàng nước quệt cốt trầu rồi nói: "Chuyến phà cuối cùng đấy. Cô chờ người quen à? Không xuống đi kẻo lỡ!". Hạ thở dài quay lại nhìn bà chủ quán: "Cháu tưởng đã tối đâu mà nhà phà đã nghỉ hả cụ?". "Ừ 6 rưỡi là chuyến cuối. Cũng tối nhọ mặt người rồi còn gì! Ở bến này vắng khách, họ không chở muộn, chả bõ tiền xăng dầu". Vừa nói, bà cụ vừa sải tay dọn dẹp hàng quán. Hạ tần ngần một chút rồi bước tới: "Để cháu dọn đỡ bà một tay. Nhà bà ở gần đây không ạ?". "Ơ, thế cô không qua sông à?". Hạ không trả lời vào câu hỏi của bà cụ "Bà ơi, mấy hôm nay bà có thấy một người đàn ông chống nạng qua sông này không hả bà?". Bà cụ nhìn Hạ vẻ thương cảm: "Giời đất! Tìm người như thể tìm chim. Cả bến rộng thế này tôi biết ai vào ai". Hạ im lặng. Quán hàng đã dọn xong. Bà cụ hỏi: "Thế giờ cô về có xa không? Ra tìm người nhà? Hay tìm chồng?". Ba tiếng cuối, bà cụ nói xuống giọng, tha thiết lắm làm Hạ hơi sững lại. Người ấy là thế nào với Hạ nhỉ?
Gần ba chục năm về trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, người đàn ông ấy - khi đó còn là một chàng trai tròn hai mươi tuổi đã giấu cả nhà viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Cô bạn gái đã gục vào vai chàng trai khóc than không nước mắt. "Anh là con liệt sỹ cơ mà!". "Vì bố anh là liệt sĩ, anh càng phải có mặt ở chiến trường. Chiến tranh sắp kết thúc rồi mà em! Chờ anh nhé! Nhất định anh sẽ trở về!". "Vâng! Em sẽ chờ. Em sẽ chờ anh suốt đời!". Cô gái run lên như một con chim sẻ non nớt. Anh lính ấy mang cả cái tứ thơ tình của Ximônốp ra mặt trận. Hình như, cặp mắt tròn đen với cái lúm đồng tiền của cô gái đã theo chàng suốt cả đời lính. Lúc bị thương giữa rừng Quảng Trị, máu ra nhiều quá, chàng ngất đi. Muỗi và bọ bâu đến, rồi mưa rừng xối xả. Thế mà chẳng hiểu sao chàng lại sống sót. Có trời mới biết. Chỉ bị cưa mất một chân. Khi nằm ở trạm quân y tiền phương, chàng gặp Thắng - thằng bạn cùng quê làm y tá trưởng. Hai đứa mừng muốn khóc. Chàng bảo: "Cậu có tin không, chính đôi mắt hạt nhãn với cái lúm đồng tiền của cô ấy đã đánh thức tớ từ cõi chết trở về đấy!". Thắng nhìn hút ra ngoài cửa sổ đầy ánh trăng: "Tin chứ. Phải có một sức mạnh thiêng liêng và huyền bí lắm, thì cậu mới sống sót. Trong nghề, tớ chứng kiến nhiều rồi. Mất máu, nhiễm trùng và kiệt sức. Chẳng ai tới được ngày thứ tư trong trường hợp như cậu".
Cuối năm 75, chàng trở về quê với một đôi nạng gỗ. Cô gái có đôi mắt hạt nhãn và cái lúm đồng tiền bế con đứng sau bụi chuối nhòm vào sân nhà chàng. Như linh tính, chàng vội vã chống nạng bước ra sân, gọi lớn: "Xuân đấy phải không? Xuân ơi!". Người đàn bà vội bế con chạy trốn. Tiếng nạng gỗ lộc cộc đuổi theo sau: "Xuân ơi, anh đây mà!". Tới triền đê, chị đứng lại thở dốc. Gió thổi vờn qua tóc, qua cổ chị. Những giọt mồ hôi rịn ra nơi gáy, nơi vai chợt làm chị ớn lạnh. Không quay lại, nhưng chị biết anh đã ở rất gần mẹ con chị.
- Bố nó là ai, em?
Chị không nói, chỉ cắn răng cho nước mắt tuôn lã chã.
- Em sống thế nào?
Anh hỏi và đưa tay vuốt má đứa bé. Nó lạ, quay mặt vào ngực mẹ và nhệch mồm ra khóc mếu.
- Nói gì với anh đi chứ. Bao năm rồi, đêm nào anh cũng mơ được nghe tiếng em nói. Xuân ơi!
Người mẹ trẻ vẫn im lặng rồi chợt vùng chạy. Đứa bé khóc ré trong tay chị. Và chỉ hôm sau thì anh đã được biết rõ hoàn cảnh của chị. Chồng chị là gã đồ tể ở đầu làng. Nhà gã giàu có và khinh người nổi tiếng. Cả làng chẳng ai ưa. Gã hơn anh chừng hai tuổi. Ngày đi học hết lớp 4 trường làng thì bỏ học về phụ với mẹ thu tiền bán thịt. Lớn một chút nữa, hắn xách túi theo cha làm nghề chọc tiết lợn. Chắc chắn trong đời, hắn chưa hề biết có một nhà thơ Ximônốp, thậm chí cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng chỉ dừng ở cửa nhà hắn. Tại sao chị lại lấy hắn thì chẳng ai rõ. Nhưng chị suốt ngày bị hắn hành hạ, đánh đập thì cả làng đều biết. Hắn uống rượu tì tì, say sưa, đập phá, chửi bới và cờ bạc.
Mỗi lần gặp nhau ở đầu làng, chị cố tình tránh mặt anh, nhưng anh đã lên tiếng: "Xuân! Đứng lại tôi bảo đã!" Tiếng gọi sắc lạnh như mệnh lệnh làm chị không dám bước tiếp. Anh nhìn vào mặt chị. Bên mắt trái bầm tím, cái môi dưới vều ra. Anh xót xa: "Em khổ lắm phải không? Sao lại đến nông nỗi này cơ chứ".
Chị khe khẽ: "Em đáng bị giời phạt như thế". Anh chợt nghiến răng, hai tay nắm chặt lấy cái nạng gỗ: "Thằng khốn! Anh sẽ hỏi tội nó".
"Em lạy anh!" - Chị rên rỉ.
Chiều tối hôm đó, khi gã đồ tể đang lè nhè chửi bới thì anh chống nạng bước vào:
- Tôi muốn nói chuyện với anh.
Tao không cần nói chuyện với thằng nào, con nào. Cần mua thịt hay cần giết lợn hả?
Anh gõ mạnh cái nạng vào chân bàn nghe đến "cạch" khô khốc và túm lấy ngực áo hắn:
- Đây không cần giết lợn. Nhưng nếu mày còn động đến cô ấy nữa thì tao sẽ giết mày!
Gã đồ tể cười khành khạch, nhe bộ răng cáu bẩn thuốc lào:
- Cô nào hả? Cái con vợ tao ấy à?
- Phải!
Hắn lại cười rú lên như con lợn bị chọc tiết:
- Vợ tao thì liên quan gì tới mày hả thằng què? Vợ tao, tao muốn làm gì thì làm chứ! Mẹ đời, thằng điên này ở đâu ra mà tốt bụng thế? Hé hé!
Anh dồn hết sức bổ cái nạng gỗ vào đầu hắn. Hắn đổ vật ra nền nhà máu me lênh láng. Chị nãy giờ cứ đứng run cầm cập ở giữa bếp giờ vội chạy lên ôm lấy hắn:
- Giời ơi, anh giết chết chồng tôi rồi!
Và hắn chết thật. Đưa hắn đến bệnh viện huyện lúc tối thì đêm hắn tắt thở. Anh bị đi tù mất 10 năm. Khi trở về, ở làng bảo: "Làm cơm cúng trăm ngày chồng xong, chị bế con trốn đi đâu biệt tích, chẳng có tin tức gì". Anh đi khắp nơi tìm mẹ con chị mà không thấy. Gặp lại đồng đội cũ, họ rủ anh ở lại Tây Nguyên trồng cà phê. Thế là anh ở lại. Thì có gì ràng buộc anh nữa đâu. Cách đây mấy năm chị lần mò về quê dò hỏi tin tức anh thì chỉ được biết: Mỗi năm anh chỉ về quê một lần, vào những ngày Tết Nguyên đán. Thắp hương trên mộ bố mẹ, rồi đi dọc con đê làng một vòng. Hôm sau lại ra đi sớm. Không ai biết giờ anh ở đâu, làm gì. Chị đã chờ anh ở bến phà về làng suốt từ rằm tháng chạp đến chiều ba mươi Tết của hai năm qua mà không thấy anh. Đường về quê, buộc phải qua bến phà này cơ mà! Chiều 30, trước khi đi, chị xuống phà, qua sông. Vào nghĩa trang đầu làng, chị thắp nắm hương trên mộ chồng, mộ bố mẹ chị, và cả mộ bố mẹ anh nữa. Rồi chị lại tất tả đi cho kịp chuyến phà cuối cùng. Nhìn hai nấm mộ ấy, chị biết anh không về. Sang tới năm sau cũng y như vậy. Chị chợt cảm thấy lòng cồn cào. Hay có chuyện gì đã xảy ra với anh?
Giờ là năm thứ 3 - kể từ ngày chị biết được một chút tin tức về anh - tức là 18 năm kể từ ngày chồng chị chết. Chị đã mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư giai đoạn cuối. Chị khẩn khoản bảo với con gái: "Mẹ chết cũng là đáng. Chỉ tiếc là mẹ không gặp được bác ấy để xin bác ấy tha tội".
Hạ lạnh lùng: "Ông ấy giết chết bố con, vậy thì sao mẹ phải xin lỗi ông ấy cơ chứ?". Chị lặng im. Một tuần sau chị mất để lại bao xót xa, thắc mắc và tò mò trong lòng cô con gái 19 tuổi. Hạ chỉ còn một mình trên cõi đời này, không một người máu mủ thân thích. Những khi cô đơn, Hạ hay nghĩ về câu chuyện mẹ kể. Hạ muốn biết mặt người đàn ông đó. Người đã nắm phần quyết định số phận cả bốn con người - bố, mẹ, ông ấy và Hạ. Ông ấy là kẻ thù? Hay là người dưng? Tại sao câu chuyện về ông ấy cứ đeo đẳng theo Hạ trong những đêm mất ngủ. Có lúc Hạ nghĩ: trong đời, thà có một kẻ thù cũng còn hơn không có ai để yêu, ghét và căm giận. Và cuối năm nay, Hạ quyết định thay mẹ tìm về bến sông quê để mong được gặp ông ấy.
- Nhà bà ở ngay sau bụi dâm bụt kia thôi. Hay cháu vào nghỉ tạm cho vui. Sáng mai lại ra bến đợi sớm - Bà lão ướm thử như vậy khi thấy Hạ có vẻ ngơ ngác và lúng túng không muốn rời bến sông này mà đi.
- Được thế thì tốt quá. Cháu cũng chưa biết ngủ trọ thế nào - Hạ nói và xách hai cái làn đựng những lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam và lạc rang, thuốc lá, thuốc lào… đi theo chân bà lão.
Khi Hạ lúi húi mồi lửa nấu cơm thì có tiếng đàn ông ngoài sân:
- Bà ơi, ở nhà có khách hả bà?
- Ờ ờ, con bé ở ngoài bến phà chờ đón người nhà. Tôi rủ về nhà…
Hạ dụi mắt vì khói. Mưa phùn, rơm ẩm mốc khó bén lửa, chỉ đặc sịt những khói:
- Cháu chào chú - Hạ ngẩng lên nhìn người đàn ông chừng 45 - 47 tuổi. Da xanh và gầy.
- Con trai tôi đấy. Nó lái máy cày… Bà cụ giới thiệu.
Trong bữa cơm, Hạ cứ im lặng cúi mặt vào bát. Người đàn ông bắt chuyện:
- Tôi nghe bà cụ nói cô đi tìm một người đàn ông chống nạng qua phà sang sông hả?
- Vâng ạ.
- Cô là thế nào với người ấy?
- Cháu… cháu chẳng là thế nào đâu ạ.
- Cứ nói thật đi. Có thể tôi giúp được cô đấy.
Hạ ấp úng:
- Mẹ cháu… mất rồi. Trước khi nhắm mắt mẹ cháu chỉ ước ao được gặp ông ấy một lần.
- Mẹ cháu… là Xuân, có phải không?
Hạ buông rơi đôi đũa cầm trên tay ngẩng lên nhìn người đàn ông. Ắng đi vài giây, Hạ mới thốt lên lời:
- Chú biết mẹ cháu, và ông ấy?
- Ừ, chú là Thắng. Bạn học với mẹ cháu và Lương.
Chỉ nói tới đấy rồi như thử sức tò mò và lòng kiên nhẫn của Hạ, người đàn ông tên Thắng im bặt cắm cúi và cơm soàn soạt. Sốt ruột lắm, nhưng Hạ cũng chẳng dám hỏi ngay. Khi dọn mâm, rửa bát xong, Hạ quay trở vào thì đã thấy người đàn ông mang hai cái ghế con, một cái chõng tre, cái điếu cầy và chai rượu ra sân - dưới giàn gấc. Chẳng nói, người đàn ông hất hàm ra ý bảo Hạ ra đấy ngồi. Hạ lặng lẽ làm theo vì biết chắc điều mình tìm đã thấy. Người đàn ông lên tiếng khi đã nhấp ngụm rượu đầu tiên.
- Họ yêu nhau. Yêu ghê lắm. Nếu không có tình yêu ấy, chắc thằng Lương đã bỏ xác ở rừng Quảng Trị hồi 73 rồi. Chính chú là y tá điều trị cho nó, chú biết. Nó về quê trước chú, với một cái chân gỗ, một cái nạng. Làm bảo vệ trạm bơm được dăm tháng thế nào mà lại chui lút vào tù. Khi chú về, mới hay mọi chuyện. Chú mò lên trại Bảo Hà thăm nó. Lương gầy và buồn lắm. Nó cứ ân hận. Nó bảo biết thế thì đã không về quê. Nó hỏi thăm và lo cho mẹ con Xuân lại đi lấy cái gã đồ tể ấy làm chồng. Mãi mà mình không dám hỏi, sợ Xuân buồn và nghĩ là mình trách giận cô ấy. Thằng cha đó, nó cướp vợ mình, mình đau đớn thì mình chịu được. Nhưng nó cứ đánh đập, hành hạ cô ấy, trời ơi, mình phát điên. Mình không thể chịu nổi! Cái đồ con lợn, giỏi thì nó đánh nhau với mình đây này, cho bõ mặt hai thằng đàn ông. Đằng này, mình vừa phang một đòn thì nó đã đầu hàng, hèn thế, ức thế chứ!".
Rồi một lần chú gặp mẹ cháu về quê, ấy là khi bà cháu mất, Mẹ cháu lảng tránh tất cả mọi người. Khi nghe chú kể về Lương, mẹ cháu đã khóc. "Tại sao em lấy chồng ư? Tại ngày ấy, bố em ốm quá. Mọi người cứ mách thầy này mát tay, thuốc kia tốt lắm. Bán hết ruộng đất đi vẫn chẳng khỏi. Đưa bố em vào viện, lại phải một khoản tiền nữa chứ. Vay lãi của nhà ấy chưa trả được, rồi vẫn phải vay thêm. Chẳng nhẽ để ông em chết ra đấy vì không có thuốc à… Rồi thì em thành vợ người ta để trừ nợ". "Sao tôi lại nghe có người thì thào: Cái thằng đồ tể ấy say rồi cưỡng hiếp cô?" "Trời ạ, thiên hạ rõ nhiều lời… Mà thôi anh, chuyện cũng qua lâu rồi. Chồng em cũng đã về với cát bụi, oán hờn mà làm gì. Tại cái số em nó thế!".
- Chú Thắng ơi, thế chú biết bác Lương giờ ở đâu chứ? - Hạ sốt ruột hỏi.
Người đàn ông im lặng. Một bên mắt xanh lét trong bóng tối. Hạ thấy sợ quá. Một lúc lâu, người ấy rít liền mấy hơi thuốc lào rồi phả khói mù mịt.
- Thế là cuối cùng họ cũng đã gặp được nhau - Người đàn ông lẩm bẩm bằng một giọng trầm đục lạ lùng.
- Kìa! Chú Thắng! Chú nói gì thế chú! - Hạ hốt hoảng.
- Cháu có thấy không, mẹ cháu đang rất hạnh phúc đấy. Và cả cậu nữa, cậu cũng đang rất vui phải không Lương? Nào uống đi, chúc mừng cậu - người đàn ông cứ nhìn trân trân vào khoảng không trước mắt mà tu rượu ừng ực.
Hạ nhìn theo hướng ấy nhưng cô chẳng thấy gì cả. Đêm cuối năm tĩnh mịch và lạnh buốt.
 

Xem Tiếp: ----