Thân tặng Christina Lee Sok Tin “Cốp”, cúi đầu nhìn vào túi để lấy món quà cuối cùng nằm ở tận đáy, đầu tôi cụng vào một bộ râu, và tất nhiên cái tiếng “cốp” là do trán tôi va vào phía sau bộ râu, tức là cái cằm. Cú cụng làm trán tôi đau điếng, từ đó suy ra cái cằm của kẻ đối diện chắc là ê ẩm. “Xin lỗi nghen”, tôi vừa nói vừa vén bộ râu xồm xoàm để kẻ đối diện nhìn thấy nụ cười cầu hòa của mình. Và cũng là để cho mặt mũi được đón chút gió mát. Hai tiếng đồng hồ trong bộ áo quần và mũ mão râu ria ông già Noel, tôi nóng nực kinh khủng. Chợt nhớ ra, tôi vội buông mớ râu về vị trí cũ. Nhưng bọn nhóc đã nhìn thấy, chúng nhảy tưng lên trước phát hiện tôi là một “bà già” chứ không phải ông già Noel. Thậm chí chúng còn biết rõ bà già Noel trước mặt là ai nữa vì suốt từ sáng đến giờ, các bạn trong đoàn và tôi sinh hoạt chơi đùa và cùng ăn trưa với chúng. Nếu không bị câm điếc, hẳn phát hiện một ông già Noel lại là “cái bà” đã trở thành một trận cười náo nhiệt và cả trêu chọc. Nhưng trong những tiếng chân nhảy tưng lên chỉ là những tràng ú ớ liên tục, một bé gái có vẻ linh lợi nhất phát âm một cách đĩnh đạc “áu iếc ồi, ô ông ải ông à Ô en”. Âm thanh đã kéo những đứa bé khiếm thị đang nhận quà của ông già Noel đằng kia đi đến gần. Bằng một cách nào đó, bọn trẻ câm điếc đã “nói” cho bọn trẻ khiếm thị hiểu chúng đã phát hiện ra một “bà” trong những ông già Noel. Đám trẻ khiếm thị nhao nhao với tay lên mặt tôi: - Bà già Noel có râu không? - Bà ơi bà bao nhiêu tuổi rồi? Tôi lấy giọng ồm ồm: - Bà nhiều tuổi đến nỗi không thể đếm được. Đám khiếm thị cười vang và “dịch” lại câu trả lời của tôi cho đám câm điếc hiểu bằng cách vẽ gì đó trong lòng bàn tay. Những khuôn mặt cười ú ớ phản đối. Tình thế này thì cách hay nhất là... Vả lại túi đựng quà trên vai tôi cũng đã phát hết rồi. Tôi gỡ hẳn bộ râu ra, nhoẻn một nụ cười hết cỡ, bọn nhóc vỗ tay rần lên trước chứng cớ của sự phát hiện cực kỳ chính xác! Tôi gắn hai quai của bộ râu vào hai vành tai của đứa nhóc đứng gần nhất, bộ râu che mất hai phần ba khuôn mặt và thòng xuống tận ngực, nó bẽn lẽn rùn chân lại mà mắt nhìn bạn bè chung quanh một cách hãnh diện. Tôi gỡ mũ ra trùm lên đầu một đứa khác, và tôi quàng cái túi lúc này đã lép kẹp qua vai một đứa khác nữa. Cái túi lép kẹp nhìn chẳng quyền uy chút nào nhưng đã lỡ quàng qua vai của đứa nhóc mất rồi. Mười ngón tay của nó nắm cái quai túi một cách sung sướng. Tôi chìa tay về ông già Noel vừa bị mình cụng đầu: - Cứu bồ với. Ông già Noel gật gật tỏ vẻ đã hiểu ý tôi muốn có một vài gói quà đặt vào cái túi lép kẹp cho nó phồng lên, nhưng rồi tiếp theo là cái lắc đầu tỏ ý rất tiếc. Tôi ngạc nhiên nhìn cái túi trên vai ông vẫn còn cộm lên, rõ ràng còn khá nhiều quà bên trong. Ông lắc lắc đầu rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi theo. Vào tới một trong những lớp học được mượn làm nơi tập kết cho đoàn sinh viên tình nguyện tổ chức đêm Giáng sinh ấm, ông già Noel gỡ bộ râu ra nhìn tôi với đôi mắt một mí ánh lên vẻ láu lỉnh. Và cái mũ cũng tuột xuống lộ mớ tóc đen nhánh và khuôn mặt bầu bĩnh. Hóa ra cũng là một bà già Noel. Tôi nhận ra đó là một trong những thành viên của đoàn tình nguyện viên khuyết tật đến từ Singapore. Từ hôm qua tới giờ bận rộn biết bao nhiêu việc nên chúng tôi chỉ kịp chào nhau rồi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã bàn bạc giữa hai đoàn từ trước, tíu tít lo mua sắm sách vở kẹo bánh và phân thành từng gói, quấn giấy làm những cái mũ chỏm đính kim tuyến và những đôi cánh thiên thần... Rất nhiều việc phải làm trong không khí Giáng sinh chộn rộn khắp nơi khiến tôi không kịp nhớ rõ ai là ai, ngoại trừ một anh kỹ sư đã 40 tuổi có cái nickname rất kêu là Amstrong, và lý do nữa vì Amstrong là người duy nhất trong những người khiếm thính trò chuyện không cần ra dấu vì chỉ bị điếc nhẹ. Đeo cái máy trợ thính, Amstrong xuất hiện rất đúng lúc ở những chỗ mà cuộc chuyện trò đến lúc bí rị. Và hình như sự cứu vãn tình thế không phải vì Amstrong dịch đúng! Tôi thấy sau mỗi lần Amstrong nghiêng tai lắng nghe phía bên này nói (bằng tiếng Anh, và tất nhiên là không phải ai cũng diễn đạt đúng điều mình muốn nói dù một trong những tiêu chí của Câu lạc bộ Tình nguyện viên quốc tế là phải giỏi tiếng Anh!) rồi huơ tay diễn giải cho bên kia, là tiếng cười vang lên ở đoàn Singapore rồi lan qua đoàn Việt Nam. Cách phát âm cộng thêm tính lém lỉnh của Amstrong mà không khí im ắng của sự thiếu vắng trao đổi ồn ào trêu chọc trở nên dễ chịu hẳn lên. Mắt một mí cởi găng tay bên phải ra rồi nhìn quanh và ngồi thụp xuống, đầu ngón tay trỏ nguệch trên nền nhà đầy bụi dòng chữ “Christina Lee Sok Tin. Your name?”. Tôi viết chữ “Liên”. Christina gật đầu mỉm cười rồi cởi nốt găng tay kia và hai tay kéo rộng miệng cái túi màu đỏ ra, bên trong chỉ là những vỏ hộp bánh. Rồi Christina đưa hai bàn tay lên ra dấu. Tôi không hiểu các dấu hiệu, nhưng tôi cảm được Christina muốn nói gì. Quà đã phát đủ cho các em rồi, nhưng cái túi của ông già Noel thì không thể trống rỗng trước mặt bọn trẻ! Giải thích về cái túi xong, Christina đưa tay xoa xoa cằm rồi chỉ vào trán tôi và chỉ vào bộ áo quần màu đỏ viền trắng trên người. Tôi gật đầu và cũng huơ tay ra dấu - “Hết sức xin lỗi, tôi đã làm bạn đau lắm phải không?”. Những ngón tay của tôi chắc chắn đã diễn tả ngược lại cái điều Christina muốn tôi hiểu. Hay nói đúng hơn là... đã diễn tả sai bét! Khuôn mặt của Christina lộ vẻ không đồng ý rất rõ ràng. Lại nhìn quanh. Tôi hiểu Christina muốn có tờ giấy và cây bút. Tôi cũng vậy. Từ lúc biết trong đoàn có đa số là sinh viên khiếm thính, tôi đã chuẩn bị một quyển sổ dành riêng cho việc bút đàm. Nhưng lúc này đồ đạc cá nhân của tất cả mọi người để ở phòng bên kia. Tôi ngồi xuống, nguệch ngón trỏ lên nền bụi “Sorry, I made you...”, cái vốn tiếng Anh lõm bõm khiến tôi ngừng tay lại. Đã lõm bõm mà còn viết thành câu cú chữ nghĩa rõ ràng nữa thì... “Sorry, your chin was hurt by me”, hình như phải viết thế này mới đúng! Tôi liếc qua ngón tay của Christina - Một bức tranh! Vẽ mặt người này tựa đầu vào ngực người kia, và trong tư thế đó thì cái trán và cái cằm tựa vào nhau rất trìu mến. Ngẩng nhìn phản ứng của tôi rồi Christina mỉm cười cúi xuống nguệch hai từ - OK? Sau tiết mục phát quà là những trò chơi. Bọn trẻ khiếm thị cười nắc nẻ vì té lăn chiêng trong trò kéo co, tưởng sau khi lồm cồm ngồi dậy chúng sẽ khó mà tìm đúng người của phe mình, nhưng rồi tôi ngạc nhiên nhìn thấy chúng tìm ra nhau rất nhanh và rất chính xác. Có đứa lướt hai bàn tay rất nhanh lên mặt một ông già Noel và reo lên “A, anh Am -xờ -trong đây này”. Quả đúng là Amstrong dù Amstrong đã phồng má và bành miệng ra, hai hàng lông mày nhướng xếch lên. Một đứa ôm ngang người tôi và lần tay lên vai rồi xuống ngực, tôi né người nhưng không kịp, nó ấn tay vào ngực tôi như để xác định một lần nữa và reo lên: “A... bà già... Chị hồi chiều đeo râu cho thằng An đây này. Chị tên gì?”. Trong bóng hoàng hôn phủ nhanh xuống sân trường, những đôi mắt trống trải không bị ánh sáng phơi bày rõ ràng khiếm khuyết, nhìn bọn trẻ ôm eo nhau cong người kéo cật lực và hò hét “một hai ba...”. Thật khó tin trước mặt mình là những đứa bé mù lòa. Tôi đi qua phía bọn trẻ khiếm thính đang nhảy điệu múa sạp một cách điệu nghệ dù chẳng nghe được tiếng nhạc “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê...”... Có vẻ như những thanh tre sắp kẹp chân đứa bé nào đó nhưng rồi bàn chân linh hoạt nhấc lên đúng lúc hai thanh tre chập lại. Rồi ai nấy phá lên cười khi chính một trong những ông già Noel hướng dẫn điệu múa này bỗng nhảy vọt ra và vung tay la oai oái vì bị kẹp chân. Cú nhảy vọt bất ngờ khiến tôi bị va một cái “cốp”. Amstrong. Lần này là cái cằm của tôi. Hai ông già Noel ngã lăn cù ra. Mọi người chung quanh cười râm ran. Xem ra những sinh viên cũng được vui hả hê không kém bọn trẻ! Nhìn những bộ râu rung rung tôi cũng muốn cười theo, nhưng vừa nhúc nhích môi thì cái cằm đau thốn lên. Amstrong đỡ tôi ngồi dậy: - Sorry... Nhận ra tôi không phải là con trai, Amstrong bối rối đến nỗi không nói được như thường lệ. Chỉ ánh mắt lộ vẻ áy náy ghê gớm. Tôi xoa cằm và ra hiệu cho Amstrong đi theo mình. Băng qua sân trường, tôi đi vào lớp học chiều nay Christina đã vẽ trên nền nhà. Lạy trời cho bức tranh không bị nhát chổi của ai đó quét đi. May quá. Nó vẫn còn đó. Tôi chỉ tay vào bức tranh. Amstrong nhíu mày. Có tiếng chân bên ngoài. Christina hiện ra trên ngưỡng cửa, chìa trước mặt tôi hộp dầu gió xanh. Tôi xức dầu vào cằm mình và đưa hộp dầu cho Amstrong. Thật bất ngờ, Amstrong trở lại vẻ láu lỉnh quen thuộc, anh nghiêng chai dầu vào đầu ngón tay và ngồi xuống... xức cho cái cằm trong bức tranh. Dưới ánh trăng mười ba sáng rạng rỡ, những bộ áo quần màu đỏ lụng thụng khiến ai cũng giống ai, nhưng tôi nhận ra Christina và cũng vậy, Christina nhận ra tôi. Thỉnh thoảng, hai đứa tôi chạm ánh mắt nhau, tôi cười và biết sau đám râu um tùm Christina cũng đang cười. Được một người mới quen biết nhận ra mình giữa đám đông và có ai đó đang mong mình nhận ra họ... cảm giác thật khó tả. Nhất là trong một dịp đặc biệt thế này, ngoại trừ sinh viên của đoàn Việt Nam hướng dẫn các em khiếm thị bằng lời nói, còn lại đều ra dấu bằng tay, mọi cảm xúc đều dồn lên khuôn mặt và ánh nhìn khiến mắt ai cũng long lanh. Ánh long lanh rơi xuống thành nước mắt khi giờ chia tay đến. Những em bán trú phải về đúng giờ vì phụ huynh đã đến đón. Những em nội trú nấn ná thêm một chút với lý do chính đáng rằng ngày mai là thứ bảy, các em có quyền dậy muộn. Nhưng rồi cũng phải đến lúc để các em đi ngủ. Lưu luyến cầm tay níu gấu áo... Tôi gỡ bộ râu ra để một em khiếm thị rờ rẫm trên mặt. Rồi những ngón tay tuột xuống eo lưng tôi thành một vòng ôm: - Chị Liên ơi, sang năm chị có đến nữa không? Giọng thì thầm tràn ngập mong mỏi. Em hòa vào các bạn vừa bước đi vừa ngoảnh lại, khiếm thính thì vẫy tay, còn khiếm thị thì nghiêng tai như đợi một lời gọi. Rồi tất cả khuất sau lối rẽ hành lang. Lần đầu tiên tôi ngắm trời trong đêm Noel. Có lẽ vì đêm có trăng, và tôi đang nằm giữa sân của một ngôi trường vùng ven. Lúc chúng tôi trải tấm bạt ra sân, ông bảo vệ trường nhìn nhìn chưa hiểu tiết mục gì đây. Rồi thấy chúng tôi từng người nằm dài xuống bên nhau, ông lắc đầu nói: - Ngoài này nhiều muỗi lắm. Tôi dịch Amstrong nghe. Amstrong phẩy tay: - No problem! Cách phát âm của Amstrong khiến ông bảo vệ hiểu khác. Ông nhìn tôi, xuống giọng: - Nó nói nó tới đây là một sự lầm lẫn hả? Ở nhà nó có máy lạnh quen rồi nên ngủ trong lớp học lợp mái tôn của mình nó thấy nóng hả? Tôi phì cười. Christina ngồi dậy lấy giấy bút ra đặt lên gối chân và bật cây đèn pin nhỏ xíu, hí hoáy viết “What did he say?”. Có lẽ Christina nghĩ ông bảo vệ bắt tất cả phải vào trong phòng. Tôi viết “He said you are very nice”. Christina cười, gạch ngang chữ “you” và viết bên trên chữ “we”. Chúng tôi nằm xuống. Tiếng chân ông bảo vệ dần xa. Có bao giờ bạn thấy những sinh viên tụ tập bên nhau mà không tiếng ồn ào chưa? Yên tĩnh nôn nao. Hiện ra trong tôi vầng trăng Giáng sinh đêm mười ba tròn như trăng mười sáu. Và những thân người nằm lặng vì mệt, vì vui, vì những suy nghĩ mới mẻ và vì niềm đồng cảm dịu dàng lan tỏa. Chứng minh lời cảnh báo của ông bảo vệ, tiếng muỗi vo ve như mừng rơn. Đáp trả lại là tiếng đập bép bép. Nhưng không ai chịu vào trong phòng cả. Vì trăng đẹp quá? Vì gió tinh khiết quá? Vì không gian trong trẻo quá... Hoặc đơn giản là vì ở ngoài này chúng tôi có thể cầm tay nhau mà không bị ngăn cách bởi mùng màn. Lúc ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Không nghĩ được gì. Chỉ cảm thấy. Christina bóp nhẹ tay tôi... Lần thứ nhất, tưởng Christina muốn nói gì, tôi đợi ánh sáng của cây đèn pin lóe lên nhưng không. Lần thứ hai, tôi khẽ quay mặt về phía Christina chờ đợi cử chỉ ra dấu. Nhưng cũng không, Christina vẫn lặng lẽ nhìn lên trời, vầng trăng lộng lẫy giữa mênh mang những đám mây màu thẫm nhiều hình thù, tóc Christina bay vờn trên mặt tôi. Cái bóp tay lần thứ ba, tôi trả lời bằng động tác tương tự và thấy nỗi xúc động dâng lên mi mắt. Ôi, Christina... Tôi đã nhìn thấy rồi, ánh sáng trăng rạng rỡ đã đẩy những ngôi sao về phía xa xôi. Những vì sao... NGUYÊN HƯƠNG (Củ Chi 25-12-2004, Buôn Ma Thuột 1-1-2005)