Tác Giả - Tác Phẩm

KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH HANS CHRISTIAN ANDERSEN (02.04.1805 – 2005)
Cổ tích của thiên sứ
Hans Christian Andersen
1.Cách đây 200 năm, vào ngày 02.04.1805, có một người được sinh ra trong ngôi làng ngập tràn gió biển vùng Odense, dưới bầu trời đầy sao của xứ sở Đan Mạch xa xôi. Như một thiên sứ được gửi xuống trần gian để thực hiện sứ mệnh cứu rỗi loài người, người đó, ba chục năm sau đã trở thành một trong những người kể chuyện cổ tích hay nhất hành tinh: nhà văn Hans Christian Andersen.
Bất chấp những khó khăn, bất hạnh và sự đối xử không công bằng của cuộc đời, Andersen đã mang đến thế giới này hàng trăm câu chuyện kể, những câu chuyện được viết nên từ một bộ óc thông minh, một trái tim nhân hậu và một cái nhìn hồn nhiên trong trẻo về cuộc sống. Những câu chuyện được viết nên với lòng yêu thương và "kính trọng" trẻ em, những câu chuyện mang niềm tin bất diệt về sức mạnh của điều thiện và sự chiến thắng của lòng nhân ái...
Hai trăm năm đã trôi qua, biết bao thế hệ trẻ em của thế giới này đã được lớn lên bằng dòng sữa mẹ và ước mơ về một thế giới thần tiên mà Andersen đã tạo ra...Ở đó, con người sống với lòng dũng cảm của "chú lính chì", lòng nhân hậu của "bác sồi già", sự trung thực của "cô bé với đôi giày đỏ", tinh yêu của "nàng tiên cá" và niềm lạc quan, yêu đời của "chú hoạ mi". Ở đó, vạn vật trong vũ trụ, từ những nhành cây, chiếc lá, bông hoa đến chú vịt con xấu xí, bầy chuột đồng nghịch ngợm, cô thiên nga xinh đẹp...đều có linh hồn và tiếng nói, đều tồn tại cùng với con người trong một thế giới chung, một thế giới được "vận hành" theo quy luật của lòng nhân ái và điều thiện sẽ chiến thắng cái ác, sự bao dung và chính trực sẽ chiến thắng những lọc lừa...
Hai trăm năm cũng đủ dài để loài người nhận ra rằng Andersen không chỉ là một nhà văn của trẻ thơ: ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ của ông là một câu chuyện ngụ ngôn viết cho người lớn, những câu chuyện ngụ ngôn làm thức tỉnh con người, truyền cho họ niềm tin và sức mạnh...Có lẽ sẽ không là cường điệu khi nói rằng chính những câu chuyện cổ tích dành cho người lớn của Andersen đã góp phần đưa nhân loại vượt qua hai thế kỷ đầy biến động...Hãy yêu quý và tôn trọng trẻ em, hãy nuôi dưỡng sự hồn nhiên và lòng nhân ái, hãy yêu và nhìn thế giới này bằng trái tim và đôi mắt trẻ thơ...Đó chính là thông điệp mà Andersen cùng những câu chuyện cổ tích của mình muốn gửi đến cho nhân loại...
Tượng Andersen được đặt trang trọng tại thành phố quê hương ông Odense, ông là công dân danh dự của thành phố này
2. Dường như có một mối liên hệ vô hình nhưng vô cùng chặt chẽ giữa con đường dẫn đến tội ác với quá trình đánh mất sự hồn nhiên và lòng nhân ái ở trẻ em. Phải chăng, những phát súng bắn vào thầy, bạn và những người thân của một học sinh Mỹ trong sự kiện chấn động dư luận gần đây đã được ươm mầm từ rất lâu trước đó, khi đứa trẻ có thể cảm thấy hoàn toàn thanh thản hoặc thậm chí là thích thú trong hành động bẻ gãy một cành cây hay dẫm đạp lên một con chó nhỏ? Phải chăng, những cuộc chiến tranh, những vụ thảm sát, những thảm hoạ tàn phá môi trường được tiến hành bởi những con người đã hoàn toàn không còn biết sợ và không tin vào bất cứ điều gì ngoài sức mạnh của cái cái ác?
Và phải chăng, cùng với những tiến bộ công nghệ của thế kỷ 21, những thành tựu gây choáng ngợp về sức mạnh của vật chất và khơi dậy tham vọng trở thành bá chủ muôn loài, loài người đang dần dần lấy đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và biến thế giới này thành một thế giới của những quan hệ vật chất khô khan giữa những người máy, một thế giới khi chú "chim họa mi" thánh thiện bị đuổi khỏi Hoàng cung để thay vào đó là một "con chim máy" với tiếng hót vô tri trong câu chuyện cổ tích "Chim hoạ mi" được Andersen viết ra như một lời cảnh báo cho nhân loại từ hơn trăm năm trước? Thế giới này sẽ ra sao khi trẻ con không được tôn trọng, bị "tước đoạt" sự hồn nhiên và bị "huỷ hoại" niềm tin cổ tích? Thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả trẻ con đều không tin "ông già Noel", "bà chúa Tuyết", "nàng tiên Cá"... là có thật? Thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả trẻ con đều không tin rằng muôn loài, hoa lá, cỏ cây cũng có linh hồn, cũng biết đớn đau và khát khao được sống? Và thế giới này sẽ ra sao khi những đứa trẻ con bị sớm thành người lớn đó trưởng thành và làm chủ hành tinh này?
Tôi không phải là người quá bi quan để tin rằng những điều khủng khiếp trên sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn muốn nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của một con người đã dành trọn đời mình cho việc chăm sóc tâm hồn trẻ thơ và làm đẹp thế giới này để gửi tới mọi người một lời nhắn nhủ: "Nếu sự hồn nhiên và niềm tin vào điều thiện ở con người không còn nữa, thế giới này sẽ diệt vong. Khi đó, câu chuyện về lịch sử loài người trên trái đất sẽ trở thành một cổ tích buồn, một câu chuyện cổ tích mà chắc chắn Andersen không bao giờ muốn viết ra".

Xem Tiếp: ----