Dã TượngBốn bánh víu vào mặt băng trơn trượt. Bánh quay xào xạo, xe nhướn mãi mới leo lên được đầu con dốc. Quệt tay xoa mặt kính mù hơi nước, hắn liếc mắt hỏi, đã sắp đến chưa? Sắp - Liza kêu - sau cái cột điện kia thì quẹo tay trái. Hắn chặc lưỡi. Chuyến đi này, Liza nói đi nói lại hắn mới chiều lòng. « Không phải tại đường xa đâu, mà vì …». Ngắt ngang, Liza hờn giỗi « Chẳng vì gì cả, măng sẽ rất vui, gặp người đồng hương của dượng. Dượng mất đã ba năm, từ đó măng chẳng gặp một ai, dọn lên căn nhà xa xôi ấy, mỗi tuần xuống thị trấn đi chợ đúng một lần. Liza đã phôn, nói trước cả hai tuần nay. Không đi thì măng giận! ». Tuột xuống dốc theo một đường vòng như trượt băng, hắn chăm chú nhìn, chân nhấp thắng, tay bẻ bánh lái, người cong theo chuyển động vô cua. Chiếc xe lạng đi gần như không điều khiển được. Liza rú lên kêu, ngật đầu ngả ra phía sau. Hai tay để lên đùi, nó nhoài sang phía tay phải, ngoái tìm vệ con đường tuyết trắng đã xóa sạch vết. Thật may, xe không kẹt vào đống tuyết đùn ụ bên lề, lấy lại hướng, từ từ lết tới. Qua đụn tuyết cao dễ đến lưng chừng mái nhà, ánh đèn xa xa bực lên nhấp nháy trong mênh mông trắng xóa. Lát sau, căn nhà nằm cô quạnh trên thoải đồi rõ dần, Liza reo lên rồi chồm sang phía tay lái nhấn kèn xe. Vắng lặng vỡ ra thành mảnh. Chiếc xe lại trượt, những mảnh băng lở tơi tả trôi tuột về phiá dưới con dốc. Hắn đạp thắng. Chiếc xe chưa ngưng hẳn, nhưng Liza đã tung cửa, miệng gọi ríu rít. Nó băng mình chạy lên chiếc thang gỗ bắt lên lan can. Khung cửa hé mở, ánh đèn ứa ra một giải vàng ệch ngả dài trên nền tuyết. Gió bất chợt lên cao, vãi ra tám hướng những tinh thể tuyết óng ánh, nhuộm ơ hờ không gian đang chuyển qua mầu lụa tím cuối ngày. Hắn vẫn không có đến một cảm giác ngỡ ngàng tuy gặp bà ta lần đầu. Cũng cái trán dô ra phía trước. Cũng tròng mắt xanh mầu ve chai. Cũng một giọng cười, âm thanh ngân cao rồi bất chợt hạ xuống, nửa tâm sự tư riêng, nửa gọi mời quyến dụ. Nếu hai mươi năm vừa rồi chưa trôi qua, thì bà là Liza. Mảnh khảnh. Chân dài. Mông tròn vênh, chắc lẳn, thon gọn. Nếu chớp mắt hai mươi năm vụt đi thì Liza là bà. Có khác là bây giờ, bụng hơi to ra, mắt trũng sâu, và nét định mệnh kéo đuôi một vết nhăn nơi khoé miệng khiến nụ cười chớm chút ngậm ngùi. Nhưng đập vào mắt là mái tóc. Xưa nó có lẽ như tóc Liza vàng óng mầu lúa đến mùa, nhưng nay, với thời gian, mái tóc đó chuyển sang màu hạt dẻ. Bà lịch lãm đưa tay bắt, không vồ vập nhưng không hẳn xa cách. Nhìn hắn, bà mời ngồi, ngập ngừng nói trống không để tránh xưng hô. Một lũ mèo, dễ đến bẩy, tám con đủng đỉnh lùi xa khi thấy khách lạ, nhưng lờn chờn quẩn vào chân Liza và để nàng cúi xuống ve vuốt, miệng gọi tên từng con. Sau là những câu xã giao nhạt nhẽo. Hỏi nhưng chẳng cần đáp, giống hệt như động tác vờn nhau của hai con thú gặp nhau lần đầu, chưa biết đâu là ranh giới. Bà nhìn Liza, dịu dàng «…mẹ làm cái món ra-gu con vẫn thích đấy! ». Bước đến cạnh cái bếp lửa ga, tay bật nút, tay kia bà nâng lên chiếc nồi bằng sứ mầu cam đặt vào. Quay lưng về phía hắn, bà bảo, cứ nói chuyện, bà vừa hâm nóng đồ ăn, vừa nghe. Dưới ánh đèn, tóc bà bới cao, cổ cũng trắng, như cổ Liza. Ở ngấn gáy, những sợi tóc mai xoà ra, màu hạt dẻ. Hắn đứng dậy, miệng xin ly nước, đến gần, mắt dán vào những mảng rời nõn nà giữa những sợi tóc lưa thưa đâm lộc nẩy mầm, mỏng mảnh tựa không có thật. Hình như bà cảm thấy cái nhìn của hắn. Quay lại, bà chỉ mỉm cười. Ô, lại những sợi tóc mai … Những sợi tóc mai, tưởng quên đi nhưng bất chợt một mùi hương quen, một áng mây xa, một cánh chuồn vờn bóng nước lại nhắc nhở địa đàng không bao giờ ở trước mặt. Ðịa đàng đằng sau, là những ngày xưa, xa tít tắp, và chẳng làm sao tìm được lối quay về. Ðêm trong nhà thương vắng lặng rợn người. Nhưng chao ôi là nóng. Ra hàng hiên tôi giải chiếu, nằm lơ mơ nửa thức nửa ngủ giữa những tiếng rỉ rả côn trùng. Nhìn chéo qua vòm cây, sao trăng trên cao lơ lửng nhấp nháy, trôi theo mây bay ngang. Nhi ở trong phòng, làm sao Nhi ngủ được nhỉ? Lúc nãy, Nhi chẳng nói, nóng còn hơn là muỗi, eo ơi, phía bên trái ở tít dưới lại là nhà xác, sợ lắm… Bồ mà không ngủ được thì sáng mai mệt chết, lại phải mổ! Cắt thịt dư trong cuống họng thôi mà. Thuốc gây mê là chloroforme ông bác sĩ úp vào mũi, miệng bảo, hít vào, từ từ, cứ hít đi. Gây mê, cũng mê nhưng đau vẫn đau, đau đến mắt toé lửa, óc vỡ vụn trong tiếng sét đánh, tai ù đi hệt lúc trời đất ầm ì lên cơn giông bão. Lơ mơ tỉnh, mặt ướt nhòa nước mắt. Ai đó dấp khăn ướt lau. Rồi giọng Nhi, như chim, phân trần, nước mắt thế không phải là khóc đâu. Miệng khô chát, tôi nói không được nữa, phải chỉ tay ra dấu. Nhi mỉm cười, và từng giọt nước nhỏ vào, nhưng cổ họng tê điếng, làm sao mà nuốt. Nhi lôi ra một quyển vở, viết, bồ đau lắm hả? Dĩ nhiên. Lại hoá thành câm. Chẳng sao, bút đàm nhé. Thế là chỉ ba ngày, chúng tôi viết kín quyển vở trăm trang, bià màu hồng, trên in hình xích lô máy, đằng có cả thời khóa biểu, từ thứ hai đến chủ nhật, một vòng sinh toàn từ khi Chúa tạo ra thế giới và dặn loài người chớ quên tẩy rửa bằng tình yêu để tránh một cơn hồng thủy. Chúng tôi viết cho nhau đủ thứ chuyện. Những chuyện ngây ngô, lông bông. Rồi cũng trách móc, giận hờn. Dẫu trong góc nhà thương, có mùi ê-te, có bông băng, có dăm ba tiếng rên nhẹ, liệu ai biết đây vẫn là địa đàng. Ðiạ đàng như thế đấy. Êva chưa cắn vào quả táo, con rắn rình rập như một thứ bản năng đơm nọc đam mê, và chỉ nhìn nhau bâng quơ là đã thừa hạnh phúc để chia chung với cả thế gian. Lạy cho phép lạ thổi một trận gió nồm. Nhi vén gáy, tay phẩy quạt làm gió mơn trớn những sợi tóc mai, miệng cười, giọng nhẹ như những chiếc lá me, «…mồ hôi ra ướt hết thế này, Chúa ơi! ». Lạy Chúa, danh cả sáng, Người đã không quên tạo ra những sợi tóc mai, và lại cho rịn ra từ ngấn gáy những hạt mồ hôi lóng lánh phép lạ của Người. Nhưng đâu cứ mãi thế được. Ra khỏi nhà thương, ai về nhà nấy, rồi ham chơi, chúng rồi sẽ quên hết thôi! Mợ tôi nói thế. Chúng nó còn là trẻ con mà! Chắc mẹ Nhi cũng nói thế. Người lớn phần đông đều nói những điều như thế cả! Chính vì vậy nên dọa cho người lớn sợ Ðịa Ngục của loài ngã quỉ là điều đặng chẳng đừng. Chúa tôi ơi, chỉ Chúa mới biết là những sợi tóc mai lấm chấm mồ hôi nơi ngấn gáy trong một buổi rừng rực nắng mới có khả năng bất chấp được dâu bể. Vô thường, hiển nhiên là thuộc tính của thế giới hiện tượng. Nhưng vĩnh hằng ở trong tim. Chúa sinh thành muôn loài, Chúa đã làm ra trái tim con, và những sợi tóc mai… ° Sau bữa cơm tối, bà nhờ hắn ra ngoài hàng hiên ôm củi vào đốt. Mở cánh cửa trổ ra trái sau, hắn hít đến căng nứt buồng phổi không khí lạnh buốt của đêm, hai tay xoa vào nhau, miệng phà hơi trông như khói thuốc. Vòm trời buông chùng một giải sao vắt ngang tầm mắt vào khoảng không gian mênh mang trinh tiết đến giá lạnh. Tít tắp xa, thấp thoáng nhạt nhòa những ánh đèn, khi ẩn khi hiện, nhẩy nhót theo những cơn gió thình lình đến, thình lình đi, bốc tung những hạt băng li ti bay lên rồi tà tà rơi trở lại những đụn tuyết trắng cao ngút mắt. Ðẩy củi chụm vào nhau, bà cời cho đến khi lửa bùng lên múa may. Liza ríu rít chuyện này chuyện nọ, bà chỉ mỉm cười, nghe mà như không nghe, tay vuốt tóc con, mắt nhìn xa vắng. Thình lình bà đứng dậy đi vào căn phòng bên cạnh. Khi ra, bà cầm một chai rượu, tay đưa cho hắn. - Từ ngày nhà tôi mất đi, chưa ai uống cả. Rượu này làm ở quê hương anh đấy. Bà ngọng nghịu, đọc – Lua Moi – rồi cười, tiếp, tôi phát âm không được chuẩn! Rót cho hắn một ly nhỏ, bà thủ thỉ: - Nhà tôi về Việt Nam, qua đây ít lâu thì ngã bệnh. Cầm cự thêm một năm rồi kiệt lực. Bà chép miệng - thế mà cứ như mới hôm qua, xưa nhà tôi thỉnh thoảng tiếp những người bạn đồng hương. Hôm nay, gặp anh, tôi lại nhớ những ngày đã qua…. Hắn tần ngần, không biết nói gì, im lặng. Liza nhăn mặt: - Măng đừng có khóc nhé! Nhắc dượng mà khóc là Liza đi ngủ ngay. Ðã bảo mãi, người chết không còn, kẻ sống phải quên đi để mà sống chứ! Bà gục gặc, nhưng nước mắt đã loáng thoáng lưng tròng. Liza ôm con mèo đen tuyền, bế lên, tay vuốt dọc sống lưng. Nhìn tôi, bà hạ giọng, thầm thì: - Liza cứ bảo người chết không còn, nhưng tôi, lúc nào tôi cũng biết là nhà tôi quanh đây, khi trong phòng, lúc trong bếp…Tôi chưa bao giờ thực sự một mình. Nay, cái khác là ngôn ngữ. Tôi tập trung vào điều tôi muốn nói cho nhà tôi nghe, nhắm mắt, và lát sau thế nào anh ấy cũng trả lời, khi thì là tiếng văng vẳng, lúc lại là một thứ chỉ dấu lâu rồi tôi mới nhận biết được. Nhìn lũ mèo, bà mỉm cười, chúng nhậy lắm, là cái medium trung gian mang ký hiệu truyền thông giữa nhà tôi với tôi… - … - Nhà tôi cứ tưởng rằng mình vô thần cho đến khi cập kề sự chết. Tôi hỏi, có cái gì sau đời sống không? Anh ấy ngẫm nghĩ, đáp, nếu có thì đỡ sợ lắm. Chắc là có… - … - Trong những cơn đau, nhà tôi quặn người lại, nghiến răng kìm, thỉnh thoảng lắm mới có một tiếng rên la… Liza đột nhiên đứng dậy. Nó thở ra, giọng bùi ngùi: - Ðã bảo là quên, quên đi mà! Nghe măng kể đến lần này là bao nhiêu lần rồi! Không nói tiếp, Liza vùng vằng đi vào phòng ngủ. Bà nhìn theo, lơ đãng: - Quên được, phải muốn, và phải có sức! Thực ra, cái quan trọng không phải quên đi, mà là hiểu được. Nhà tôi khi sinh thời hay nhắc, chỉ hai điều đáng quan tâm thôi, là Tình Yêu và Sự Chết. Anh nghĩ thế nào? Hắn im lặng. Bà nhắc lại, giọng trở nên có chút thách thức. Buột miệng, hắn đáp: - Tình yêu để sống, chứ chẳng phải để hiểu. Sống hết mình, từ tâm hồn đến xác thịt, không khiên cưỡng, giới hạn! Còn sự chết, hiểu để làm gì? Có lẽ, như ông nhà nói, chỉ để đỡ sợ khi ta ra khỏi một chốn thường tục khá quen biết là cái trần gian này, thế thôi! Bật cười chế giễu, bà lạnh lùng: - Không hiểu thế nào là chết, biết gì để nói thế nào là sống? Và cái vế tình yêu để sống có ý nghĩa chi? Phật giáo mật tông- bà ngừng nói, quơ tay lấy một cuốn sách chìa vào mặt hắn- cho chúng ta một ít kiến thức về tình trạng giữa sống với chết. Nếu chúng liên tục, không gián đoạn, thì thực sự không bao giờ có chia ly. Tấùt cả đan kết xoắn xuýt lấy nhau trong một dòng vô thủy vô chung… Ngồi bật dậy, hắn chặn ngang, cười nhạt: - Không có chia ly? Tay chỉ vào ngực, hắn khan giọng, tôi, tôi không tin…. Hình bóng chia ly nằm trên tường trong mỗi căn nhà có người sống còn nhớ những người đã chết. Nhìn lên ảnh cậu, mợ thẫn thờ « Anh mày bây giờ lính tráng, sống chết chẳng biết thế nào, mợ lo. Chỉ còn có mày là trai - mợ chép miệng - mà nghe đâu lại sắp tổng động viên…» Ðưa tay lên chấm mắt, mợ hạ giọng « ….mợ đã xin với Cha xứ, Cha bằng lòng rồi. Nhà ta hai họ đều là đạo gốc, đời trước có người làm bề tôi Chúa, nhưng đời này thì chưa có một ai được cái phúc phận đó. Cha đã viết thư giới thiệu, chỉ nay mai là con vào Chủng Viện. Hai năm nữa, nếu như đúng ý Chúa, Cha có thể gửi con sang Na-pô-li ở tít mãi đâu bên ý…» Nói đến đó, mợ nghẹn lời, quay mặt vào tường khóc sụt sịt. Hững người đi, tôi ngạc nhiên, nhưng không vui không buồn, nhìn vai mợ tôi gầy guộc nhô cao, run lên, mỏng mảnh như cánh của một con chuồn kim hứng gió. Lát sau, tôi dần dần nhận ra, không thể thế được, tôi còn nhiều ràng buộc. Nghĩ đến Nhi, tôi nhỏ nhẹ « Cái phúc phận làm bề tôi Chúa không phải không thử thách mà ai cũng có. Nếu chẳng chắc ở mình thì con đâm ra là kẻ dối Chúa…» Mợ đứng phắt dậy, giang tay tát vào má tôi. Ðó là lần đầu mợ tôi đánh tôi một cái tát nổ đom đóm. Ôm má, tôi lẳng lặng ngước lên. Mợ vùng vằng bỏ đi. Tôi theo. Mợ ra ngồi cạnh cái sập, đầu gục xuống, chiếc khăn vấn trượt ra tung đổ mái tóc mợ lơ thơ vào ánh chiều tà. Dĩ nhiên tôi không nói gì với Nhi. Một tuần sau, tôi đón Nhi lúc tan trường. Dưới những tàn cây xanh om phủ bóng trong nghĩa trang Phan Thanh Giản, mắt Nhi lóng lánh mầu thảo vật. Tôi im lặng. Dựng xe đạp vào gốc cây, Nhi tinh quái«…bồ tương tư ai mà sao trông ngơ ngác thế? » Tôi lắc đầu « buồn vơ vẩn, thế thôi!» Nhi khúc khích «… lãng mạn thật, hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn chẳng hiểu vì sao lại buồn, phải không? » Nắng vàng chói ụp xuống phà cái nóng rức một buổi trưa tháng năm. Nhi vén tóc sau gáy, nũng nịu « …quạt cho Nhi, nóng khiếp! » Tôi mở cặp lấy tập vở ra phẩy. Ðó là lần đầu tôi làm gió quạt cho những sợi tóc mai mỏng mảnh trên ngấn gáy một người con gái, cái ngấn gáy thuôn thả ngọc ngà li ti những giọt mồ hôi rịn ra lấp lánh ánh kim cương sáng soi vào đến tận tiệt phần hồn tôi như niềm cứu rỗi cuối cùng khi đặt chân qua một thế giới khác. Không, tôi biết, ở giây phút đó, tôi không phải là người có phúc phận làm bề tôi của Chúa. Cuối năm học, chúng tôi không còn dịp đón nhau, đạp xe bên cạnh nhau, nói dăm câu bâng quơ rồi về để nhớ, nhớ nhau da diết, nhớ đến bùi ngùi, cái nhớ của trẻ thơ đói quà đợi mẹ. Tối tối, tôi đạp xe từ Gò Vấp lên khu chợ Vườn Chuối, đi qua đi lại trước nhà Nhi, mong tìm những sợi tóc mai trên ngấn gáy mỗi lúc một ám ảnh, một huyền ảo. Thỉnh thoảng, tôi thấy bóng Nhi. Tôi viết thư. Nhi đáp, mỗi tuần một hai lá thư bay qua bay lại. Ðành vậy. Nhưng một dạo bẵng đi đến hai tuần liền tôi không có đến một chữ. Trời hỡi, chuyện gì đây? Rồi tôi cũng nhận được, chỉ nhìn phong bì và nét chữ, tôi biết là Nhi. Dấu đóng là từ Blao, nhưng không có địa chỉ. Trên tờ giấy xé vội từ quyển vở học trò, chỉ có dăm chữ: «…chúng mình như hai đường thẳng, cắt nhau ở một điểm, rồi chia xa mãi mãi cho đến vô cực. Ðó là ý Chúa. Ðừng tìm đừng hiểu, vô ích! ». ý Chúa? Sao bắt tôi đau đáu một nỗi nát tan mà chẳng hiểu được tại sao. Viết về địa chỉ Nhi ở khu Vườn Chuối, tôi hỏi, tại sao, Nhi ơi, tại sao? Cứ thế, ngày qua ngày, tôi vào nghĩa trang Phan Thanh Giản, mỗi ngày tôi viết một bức thư, giấy kê lên những nấm mộ xây bằng đá hoa cương, và chỉ hỏi một câu, hỏi đi hỏi lại như vậy dễ đến cả trăm lần, nhưng tất cả chìm vào vô tăm, hệt những hòn sỏi ném vào mặt hồ, để lại chút lăn tăn gợn nước. Nếu còn, bây giờ là điểm cắt ứa máu của hai đường thẳng. Hai năm sau, trước ngày tôi lên máy bay đến một chủng viện giòng Tên tít tắp bờ Ðịa Trung Hải, tôi lại viết cho Nhi, nhắc lại nỗi nhớ những sợi tóc mai, bảo rằng tôi đợi buồm giăng cho một chuyến di, nhưng muôn đời lạc lõng. Vài tháng sau, gia đình tôi gửi lá thư phúc đáp của Nhi mà tôi chưa kịp nhận trước khi lên đường. Nhi viết: « Chúa cũng yêu từng sợi tóc mai. Người lãng mạn, nhưng không ủy mị, giăng buồm dẫn đường nên những đứa con Người chẳng bao giờ lạc lõng được. Hãy theo bước Người, đừng sợ…» ° Bà đứng lên, lấy xẻng cời lửa, ngọn lại bùng lên những thớ gỗ sồi, mùi thơm loãng ra ngan ngát không trung. Tám con mèo, mỗi con một góc, con trên ghế, con dưới sàn, con cạnh lò sưởi, lim dim thu mình bất động như những con thú nhồi bông cho trẻ con chơi. Gió thỉnh thoảng rít qua khe cửa, những hạt tuyết va vào kính, tiếng lích tích mơ hồ. Quay lại chiếc ghế bành, bà nhẹ nhàng ngồi, nhẩn nha: -Tôi chưa hề cảm thấy chia ly với nhà tôi. Thể xác anh ấy chôn trong nghĩa địa làng tôi, cách đây tám trăm thước. Mùa đông, tôi đến quét tuyết trên mộ mỗi tuần hai lần. Ba muà còn lại, hầu như mỗi ngày tôi mỗi đến, trên mộ lúc nào cũng có hoa tươi. Về đến nhà, anh ấy theo chân, vẫn lẩn quất đâu đây, hiện diện mọi chốn. Vợ chồng tôi ở với nhau được mười năm. Tôi có một đời chồng trước, chắc Liza đã nói…Nhưng chúng tôi gặp, yêu, và trở thành một, không có gì chia cách được. Phải chăng tình yêu ân huệ đó khiến cái tôi loãng ra, hòa vào đối tượng, và tái tạo từ đó mọi tương quan với cuộc đời? Thình lình, bà ngưng nói, nhìn hắn chằm chằm: - Anh có yêu Liza không? Hắn suy nghĩ, lắc đầu: - Yêu như bà vừa nói thì không! - Anh đã yêu như thế lần nào chưa? Hắn không đáp. Bà dịu dàng: - Cái ân huệ đó, tôi hiểu, chẳng ai cũng có. Bây giờ, tôi xin hỏi anh một câu mới nghe qua thì lạ lẫm, nhưng ngẫm lại, anh sẽ thấy nó tự nhiên vô cùng… - … - Anh đã chết lần nào chưa? - …Chết như một hiện tượng sinh học, tim ngưng đập và tắt thở thì chưa. Thưa bà, ý bà muốn hỏi là gì? Bà cười, giọng bí mật: - Chết như thể nghiệm cái giới định chặn ngang giữa một đời sống này với một đời sống khác thì sao? - Bà muốn nói, như sự phục sinh của Chúa Kitô, hay khả năng luân hồi trong Phật giáo? - Không! Cái giới định mà chính anh thể nghiệm cơ! - …. Chép miệng, bà với tay ra sau lấy một chiếc hộp gỗ mun, kích thước to hơn quyển sách một chút. Ôm vào lòng, giọng bà trầm xuống: - Thể nghiệm cái giới định đó, người ta có thể hoàn toàn tự do chọn lựa một đời sống này hay một đời sống khác… Khi nhà tôi quyết định về Việt Nam sau mười bốn năm xa cách, hình như anh ấy linh cảm thấy một điều gì, cứ chần chờ. Anh ấy bảo, về là có thể mất hết, từ những kỷ niệm cho đến thậm chí toàn bộ quá khứ. Nhưng không về, thì cứ day dứt, và sẽ day dứt suốt một cuộc hành trình vào tương lai. Tôi khuyên, phải về, nhưng tôi đã sắp xếp cho mình cái tâm thế sẵn sàng chấp nhận rằng nhà tôi không bao giờ trở lại…Cuối cùng, khi nhận được bức điện tín hẹn ra đón, tôi mừng, tôi không mất chồng, và chúng tôi sẽ cùng nhau sống không tiếc nuối những ngày sắp tới. Nhưng sau chuyến đi, mọi sự tôi tiên đoán đều sai, chồng tôi ngơ ngác vật vờ, lắm khi cả ngày ngồi im, mắt nhìn xa vắng. Ban đầu, tôi cho đó là phản ứng tự nhiên của những kẻ lưu vong, chợt thấy mình nay đã thực sự tách lìa ra khỏi gốc rễ. Tôi kiên nhẫn, cố mang đến niềm vui và sự khuây khỏa. Anh ấy cảm động, nước mắt ứa ra, cứ lẩm bẩm, tôi không xứng đáng như thế đâu. Rồi sức khoẻ anh ấy suy sụp. Chỉ tay vào ngực, anh ấy kêu, bệnh ở ngay chỗ này, phía trái đây chứ không phải là phổi…Ngày ngày, anh ấy loay hoay viết, xé rồi lại viết, cứ thế…Tất cả nằêm trong cái hộp gỗ này! Bà trao cho hắn chiếc hộp, nói như khóc: - Những điều chồng tôi viết, tôi không hiểu vì ngôn ngữ bất đồng. Như van vỉ, bà tiếp, xin anh đọc rồi kể lại cho tôi, anh là đồng hương, anh sẽ hiểu hết cái bí ẩn trong này mà tôi đến nay vẫn chưa biết… Bà xa vắng, bất chợt bật miệng: - Không phải đi, mà có thể là chỉ về mới chết trong lòng một ít! Tôi trở về nơi nuôi dưỡng tôi suốt một thời niên thiếu. Thành phố trở nên xa lạ, từ phi trường đến con đường có tên xưa là Trương Minh Giảng, cố ý phô trương đạo đức mới, khoác thứ áo nghèo nàn kiểu ai cũng như ai, bà ba trắng quần đen thay cho những vạt áo dài cuộn gió ấp ủ những mơ mộng dậy thì, nhưng chỉ một chớp mắt giấc mơ già hẳn đi vài chục năm, mang thành thị trở về nông thôn trong một cuộc đổi đời lộn ngược dòng nước trôi. Bóp tay, tôi nhìn xuống, cái tật mà hầu hết chủng sinh học được trong những lớp thần học ở Rô-ma, lúc nào cũng quá nghiêm và quá buồn, đèo bồng ít là thêm mươi năm vào tuổi mình để rập khuộn một thứ truyền thống bất thành văn của những kẻ dâng mình làm bầy tôi Chúa. Chỉ vỏn vẹn có chín năm cách trở, tôi đã trở thành một kẻ lạ trong thành phố này, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Giêsu ma, có điều gì như một sự hủy diệt đâu đây? Khi về đến chủng viện góc Yên Ðổ, nơi tôi đã ăn ở ngót nghét ba năm, tôi nhận ra, đúng thế, có một đổi thay không thể đảo ngược được. Nay anh tôi đã chết trận, mợ tôi buồn, ốm rồi qua đời, tôi chỉ còn một ông chú họ và nơi này, chốn trú của các Cha, các Thày, nguyện ơn cả sáng dâng mình xả thân cứu chuộc tội lỗi thế gian. Gặp lại, Cha quản dòng tu có vui, nhưng ngần ngừ một lúc, rồi bảo « Con ơi, bây giờ khai báo phiền phức vô cùng, vì con nay là Việt kiều, diện đặc biệt có chiếu cố riêng…Vả lại, cha dặn, phải dè chừng tất cả, trong nhà cũng như ngoài đường, cả người lẫn chó…». Tôi về nhà ông chú khu cổng xe lửa số năm. Tối, tôi mon men đến khu chợ Vườn Chuối, tìm nhà Nhi. Lạ chưa, tôi đi một mạch qua những cái hẻm quanh co, dẫu chẳng có một ngọn đèn đường nhưng tôi không hề lạc, cứ thế tôi bước, lòng nửa lo ngại, nửa bâng khuâng. Nhà đã đổi chủ. Tôi cuống cuồng hỏi thăm. Hàng xóm mách, ông bà cụ chết cả rồi, còn hai cô con gái thì vượt biên được một, cô kia hiện ở trên đường Kỳ Ðồng. Tôi vội vàng xin địa chỉ, nhưng trời đã quá khuya, phải đợi đến sáng hôm sau. Tôi đến, lòng bất an. Nhi ở đây hay là cô em Nhi? Bấm chuông, tôi nghe tiếng tim mình đập thình thịch, tay chân run lên như phát sốt. Tiếng trẻ con hỏi vọng ra « ai đấy? ». Tôi đáp. Nó réo lên «…mẹ ơi, có ai hỏi nhà mình, mẹ…». Cánh cửa sắt kọt kẹt rít. Thoáng sau là cặp mắt ai ngấp nghé. Thình lình, chiếc cửa bật tung ra, kèm tiếng kêu thất thanh « Giời ơi, lạy Chúa…» Nhi đứng trước mặt tôi, mắt mở tròn, mặt tái đi, miệng lắp bắp «…hóa ra là anh! ơn Ðức Mẹ…» Ðó là lần đầu Nhi gọi tôi bằng anh. Nàng víu lấy tay tôi, bàn tay nàng xanh sao, gân nổi như gân những chiếc lá sang mùa. Nhi bảo tôi ngồi, khen tôi chẳng thay đổi, thấy là nhận ra ngay, rồi nhìn xuống, cuống quít «…để Nhi lên thay quần áo nhé! » Chỉ dăm phút sau, Nhi chạy xuống thang, nói, nhà không ai uống nên chẳng bao giờ sẵn một ấm trà như nhà người ta. Nàng hấp tấp vào bếp, đặt nước, ra và ngồi đối diện tôi, tròng mắt đỏ hoe, miệng dịu dàng «…đợi một tí nhé! », xong lại thảng thốt « …chết, thay quần mà không thay áo » rồi tất tả chạy lên lầu. Con bé con Nhi, khoảng năm sáu tuổi, lấy làm lạ trô mắt ngó mẹ, chạy theo, miệng gọi « mẹ ơi…». Nhi xuống, vào bếp bưng bình trà lên. Vừa rót nước cho tôi, nàng vừa thở vừa nói « …em chưa trang điểm gì cả!» Ðó là lần đầu Nhi xưng em, tiếng em ngọt ngào yêu dấu. Lúc ấy, tôi không kìm được, bưng mặt khóc. Nàng vòng tay ôm lấy đầu tôi, ngậm ngùi, nhắc nho nhỏ « thôi mà, cho em xin! Cứ như ngày hôm qua thôi, thế mà biết bao nhiêu là dâu biển». Quay sang kéo con vào giưã chúng tôi, nàng nói khẽ, em đặt tên cháu là Nhu, chứ con trai thì nó đã mang tên anh rồi. Chúng tôi ngồi đầu ngọn gió sớm, trong nắng mai hân hoan nhả từng sợi tơ vàng lên một góc thế gian, dưới những chòm lá me xanh non ngả xuống rì rào bao nhiêu tâm sự. Nhi hỏi, xưa có nhận được tin Nhi báo Nhi đi lấy chồng không? Tôi lặng lẽ gật đầu. Nhi thẫn thờ một chập, rồi bỗng cau mặt nhìn con, giọng ấm ức « …con gái thế này lớn lên lại đi hóng trai thôi! » Nhìn giọt nước mắt lấp lánh cuối mắt Nhi, tôi ngạc nhiên gặng hỏi. Thì ra, mười ba năm trước, cái ngày Nhi lên Blao rồi viết bức thư giã biệt, bảo là ý Chúa, nhưng thực ra thì mợ tôi đã đến tận nhà Nhi, để rồi mẹ Nhi nhiếc Nhi bằng cái câu Nhi mới nhiếc con gái mình. Rồi người lớn thỏa thuận với nhau dành cho tôi cái phúc phận làm bề tôi của Chúa, trốn lính, du học và dĩ nhiên là toàn mạng với một mảnh bằng Thần Học. Nhưng có ai biết rằng tôi đã chết một phần hồn? Là dân đạo gốc, chẳng phải phần hồn chúng tôi chỉ thuộc về Thiên Chúa hay sao? Tôi lặng người, nhìn Nhi. Nàng nhẹ nhàng, hỏi, tương lai là thế nào. Tôi thẫn thờ «…về lại Rô-ma, mình sẽ được thụ phong linh mục! ». Nhi ngật người ra sau, lời bay bổng như mây trên cao « Lậy Chúa lòng lành, mừng cho anh » nhưng nước mắt ràn rụa. Ra khỏi nhà Nhi, tôi chạy. Tôi trốn vào Vương cung Thánh đường. Tôi quì dưới chân Chúa tôi, xin Người ban phép lạ, cho tôi một nơi trú ẩn, một chỗ nương nhờ, một cõi an bình trong cái cơn sóng gió bất ngờ đánh động những tầng nham thạch tôi ngỡ đã ngủ yên trong lòng đất. Mấy hôm sau, người nhà bảo, có ai đến đưa cho tôi một cái cát-xét, không để lại danh tánh, không đặn một điều gì. Tôi mở ra nghe. Chỉ một câu hát: Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa….. ° Mở nắp hộp gỗ mun, hắn lôi ra để trên bàn một thếp giấy chằng chịt bút tích của ông chồng bà ta. Không ghi ngày tháng, thếp giấy có trang viết tháo, có trang nắn nót, có trang chỉ nguệch ngoạc dăm ba dòng. Hắn đọc phớt, loại những trang giấy không cho phép hiểu bất cứ gì bà cho là điều bí ẩn bà chưa biết về ông. Tìm những trang có dính líu đế chuyến ông về nước, hắn xếp thành một cọc. Ngả người lên giường, hắn xoay mình tìm tư thế thư giãn, rồi bắt đầu chăm chú đọc. Bút ký của người nằm bệnh nhập nhằng trăm thứ chuyện, từ hiện tại-quá khứ, đến yêu-ghét, rồi sống-chết. Viết khi tỉnh khi mê, có những đoạn như mật mã, chen vào những đoạn ông ta mạch lạc rành rẽ, đôi khi bình tĩnh đến lạnh lùng. Thì ra, hắn chép miệng, ông về để tìm lại vợ con, nhưng cả hai biệt tích. « Con yêu quí, cứ nhìn con bé Liza, bố đau đớn hỏi mình tại sao bố lại để vụt đi cái hạnh phúc được tự mình ấp ủ nuôi nấng con. Có phải cũng chỉ vì…» Câu viết đứt đoạn như khiêu gợi tò mò. Hắn lật ngang, lật dọc. A, chắc là đây? «…Nếu như em cư xử khác đi, nguyền rủa anh là kẻ vũ phu, hẹp lượng, chống trả lại, nhất định bảo không, anh lầm đấy thì chắc chẳng đến nông nỗi ấy. Ðàng này, em chịu đựng, em nhẫn nhục, em hiền thục, em nín nhịn và chính như thế mà anh chỉ thấy với anh, em thương hại, một sự thương hại có chút khinh khi. Ai trách được em, ngoài anh là kẻ duy nhất biết rằng dẫu em là vợ anh, dẫu anh sở hữu thể xác em, anh chẳng bao giờ có được tình yêu của em. Ðiều đó, ai van xin được ai? Thành vợ chồng, rồi em đã cho anh một đứa con, em hỏi, như thế không đủ sao? Không, trăm lần không. Em trầm tĩnh, nhìn thẳng vào mắt anh, em hỏi như thế thì em phải làm gì để anh vui lòng. Nhưng anh bất lực, câu em hỏi cho anh cảm nhận rõ rệt là tình yêu không đơn thuần chỉ là việc truyền giống, sự trìu mến, nghĩa vợ chồng. Như con giun bị xéo, anh quặn mình kêu, anh cần tình yêu, một lời kêu van thảm thiết. Em nhìn anh, vẫn cái nhìn trầm tĩnh, nhỏ nhẹ, ai chẳng cần tình yêu, và tình yêu bao la nhất là tình yêu Thiên Chúa. Nghe em nói xong, anh chỉ muốn cho em chết đi, không phải ở cái nghĩa bóng, mà là chết, chết thực sự. Trừng phạt bỗng nhiên thành một thứ khoái lạc bệnh hoạn. Cứ thế anh tàn ác dày vò em, thể xác lẫn tinh thần, chửi em là con đĩ mỗi lần trên thân thể em anh bạo dâm và chỉ cảm nhận một sự chịu đựng, như khi người ta hành hình nhau. Rồi anh khinh anh, anh thù ghét chính anh, và đến một lúc anh không thấy còn bất cứ gắn bó nào với cuộc đời này. Ðó là thời gian anh vượt biên. Ðến bờ đến bến, anh trừng phạt em lần cuối, chẳng cho em biết tin tức gì. Không yêu anh, em là kẻ có tội, anh mới là nạn nhân…». Hắn ngưng đọc, lẩm bẩm, ai có tội, với ai, và ai không, với ai? Ôi, cái nỗi luẩn quẩn ân oán từ những tội lỗi… Tội lỗi thế gian ở ngay trong tim những đứa con lạc lõng trên những bước đi hoang. Về Rôma, tôi như kẻ mộng du, đầu óc quay cuồng với một nỗi nhớ khôn nguôi, những câu hỏi không giải đáp, và mặc cảm phạm tội dối Chúa. Cha Di Pietro xoay nghiêng, nửa mặt khuất trong tối, im lặng chờ đợi những lời xưng tội của kẻ Cha bảo bọc từ bao nhiêu năm qua. - Lạy Chúa, con là kẻ có tội - tôi thầm thì, mắt nhìn xuống cây Thánh Giá trong chuỗi hạt mân mê trong tay. - Ai cũng có tội - giọng Cha Di Pietro đều đặn – Chúa lòng lành cứu rỗi mọi người. - Con đã cúi đầu gục mặt hôn lên những sợi tóc mai ấy… - Chúa cũng yêu những sợi tóc mai. Lòng se xót, tôi nhớ, xưa Nhi cũng từng viết cho tôi một câu hệt như vậy. Ứa nước mắt, tôi thì thầm: - Nhưng là trên ngấn gáy của một người đàn bà đã có chồng! Cho đến bây giờ, những sợi tóc mai ấy vẫn ám ảnh. Con đã cầu xin Chúa cho con quên, nhưng Người chưa cúi xuống đoái thương con! - Rồi Chúa sẽ đoái thương, phải kiên nhẫn. - Con không muốn là đứa con chiên lạc loài dối Chúa Vừa dứt lời, nước mắt tôi ào ra. Tôi dập đầu xuống đất nức nở cho đến khi Cha Di Pietro nhỏ nhẹ: - Cứ khóc! Mặc dầu cái thung lũng nhân gian này đã đầy nước mắt. Khóc xong thì quay về phụng sự Chúa, để làm cho vơi những giọt nước mắt khác….Con hãy yêu thương những sợi tóc mai của mọi người trong nước Chúa. Làm thế, cả danh sáng, con là bề tôi Chúa muôn đời. - … - Hãy tin, và lòng tin Thiên Chúa cứu rỗi linh hồn con, soi đường cho con đến tình yêu đích thực. - Con không biết mình có cái phúc phận ấy không? - Con sẽ biết, Người cứu chuộc cho tội lỗi cả thế gian. Hãy biết mình đã, rồi theo Chúa yêu dân nước Chúa, từ sợi tóc cho đến linh hồn… - Thưa Cha, con đã nghĩ đến sự chết… - … - …thậm chí, tự hủy hoại… - Ðừng, đừng để Sa Tăng dẫn con vào con đường phản Chúa. Ðiều giới răn thứ nhất, con nhớ chứ! Giọng hốt hoảng, Cha Di Pietro nói như nài - Con hãy cầu nguyện Chúa soi sáng tâm hồn con. Ðời sống mọi sinh linh thuộc Chúa, không một ai có cái quyền lấy đi. Con phải thệ hứa… Bật miệng, tôi lẩm nhẩm: - Từ vực sâu, tôi kêu lên Chúa tôi, tôi cầu Ðức Chúa Cha, Ðức Mẹ và tất cả Thánh Thần kéo cho tôi ra khỏi những ám ảnh kia… - Con hứa đi…Không bao giờ được tự hủy hoại, đó là trọng tội! Cha khẩn khoản, tay làm dấu Thánh Giá, mắt nhìn tôi vừa thương xót vừa trách móc. Tiếng chuông nhà thờ đổ đồn vào không gian ngân nga gợi nhắc sự hiện diện của đời sống. Chưa bao giờ tôi thấy tôi yếu hèn và cô đơn đến thế. Tôi khóc vùi, hôn tay Cha, gật đầu quì áp mặt xuống đất, tìm giữ sợi dây vô hình ràng tôi vào thế gian. Sau đó, tôi xin Cha cho tôi được tu ẩn một thời gian. Trong một tu viện nằm cạnh bờ biển hẻo lánh, suốt ba tháng tôi không gặp một ai, không nói, và không nhìn gì ngoài bức tường bằng đá trước mặt nhập nhòa trong ánh nến lung linh. Có chăng, tôi chỉ còn nghe tiếng sóng dập dềnh vọng lại, khi thúc bách, lúc vỗ về. Ban đầu, những sợi tóc mai mờ nhạt dần, cái ngấn gáy trở thành ngọn bạch lạp trong ngần trong những ngày Thánh lễ vang lừng tiếng thiên thần hoan ca. Kính mừng Maria, cầu cho chúng tôi, là kẻ có tội. Như tôi đây, đang quì hôn lên chân Chúa, bàn chân đinh đóng đã hai ngàn năm sao còn ứa ra những giọt máu này. Môi tôi liếm vào mặn chát, là máu Chúa hay là nước mắt tôi? Trong tiếng hát thiên thần, bỗng dưng văng vẳng tiếng thế tục. Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Ðúng lúc ấy, những sợi tóc mai lại hiển hiện, cây bạch lạp chao đảo, oằn mình nhiễu ra những giòng nước mắt trôi xuôi, đông đóng lại làm thạch nhũ trong cái hang động không có lối ra. Gió giận dữ quật vào mái tu viện tiếng roi lẫn vào tiếng sóng biển than van. Thình lình, Nhi ngồi trong góc phòng, mắt nhìn trách móc «…không cứu được người yêu, liệu anh cứu được ai? ». Tôi nhắm mắt lại, lòng chùng xuống. Nhẩm tính lại, khi tôi gặp lại thì chồng Nhi đi đã hai năm rồi mà không tin tức. Về đây được bốn tháng, thế tất cả là hai mươi tám tháng, phải chăng anh ta đã chết trên biển cả. Lạy Chúa, ban phước lành làm phép cho anh ta sống lại thì con nguyện làm tôi Chúa. Nhi cười lạnh « Anh ấy chết thật rồi! Người sống không cứ mãi trốn tránh được! ». Tôi run rẩy «…cát bụi, rồi sẽ trở về cát bụi ». Nhi quay lưng lại. Ngấn gáy nàng hắt ánh pha lê khiến những sợi tóc mai mỏng manh mỗi lúc mỗi rõ nét sáng lên mờ ảo. Tôi cúi xuống. Thêm một lần, tôi hôn lên những sợi tóc mai. Ra khỏi tu viện, tôi về Rô-ma xin gặp cha Di Pietro, kẻ đỡ đầu cho tôi. Hôn tay người, tôi bình tĩnh «…thưa cha, con vẫn chỉ yêu những sợi tóc mai trên cái ngấn gáy xưa!» Cha khoan hòa: « Con không thể yêu tất cả những sợi tóc mai trên ngấn gáy của mọi người dân nước Chúa sao?». Tôi lắc đầu. Tôi không phải là kẻ có phúc phận ấy. Tôi tiếp, thưa Cha, từ nay con sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến sự tự hủy hoại. Dẫu không được làm tôi phụng sự Chúa, con sẽ là đứa con chiên ngoan đạo theo chân Chúa như một Kitô hữu trung kiên. Một tháng sau, tôi lại đặt chân trên phi trường Tân Sân Nhất. ° Hắn chép miệng, tay dở những trang bút ký, tiếp tục đọc. Lát sau, hắn bất chợt rú lên một tiếng rồi ngồi bật dậy. Ðộng tác đột ngột gạt đổ chiếc đèn bàn rơi xuống đất, điện tắt ngúm. Chung quanh, mắt lũ tám con mèo sáng rực lên trong bóng tối, xanh lè, đỏ au, vàng khè, vụt hiện rồi vụt biến. Lúc ấy, ông ta hiện diện, lẩn quất đâu đây, quan sát hắn với thứ ác cảm ngập ngụa oán hờn. Hắn mở mắt trừng trừng, tai lắng nghe. Hình như có tiếng một lời nguyền rủa ngay sát màng tai. Mình sởn gai ốc, hắn vùng dậy, lảo đảo bước ra khỏi phòng. Men dọc hành lang, hắn tìm cửa toa-lét, bụng cồn lên một cơn buồn nôn nhưng cổ nghẹt lại kìm giữ. Từ kẽ cửa mở hé căn phòng ngủ cùa bà ta, ánh đèn mờ mờ hắt ra. Hắn ghé mắt nhìn vào. Trên giường ngủ, mái tóc vàng của Liza úp trên bụng mẹ, một Liza nõn nà, trần truồng, tay ôm lấy phần hạ thể. Ngoài phòng khách, lửa trong lò sưởi đang lụn dần, liếm láp những khúc củi vừa biến thành than đỏ lừ, nhấp nháy rồi lịm vào một cơn mê tội lỗi. Hắn mặc chiếc đèn lăn lóc dưới đất, lẳng lặng kéo ghế ngồi cạnh khung cửa kính nhìn ra bên ngoài. Không gian băng giá trắng toát hắt vào căn phòng sắc pha lê buốt nhói. Có tiếng sói tru trong khu rừng phong bên kia quả đồi, từng chập, não nề. Hắn lôi từ túi sách tay chiếc bình bạc dẹt đựng rượu. Giơ lên tu một ngụm, hắn khà nhẹ, mắt trống tếch, giọng thất thần: - Khốn nạn, không thể sai được …Ðúng thế rồi! Tôi thì thào: - …nhỡ chỉ là một sự trùng hợp? Hắn lắc đầu: - …không, không phải là trùng hợp. Ông ta gọi ra tên, nói đến căn nhà trên đường Kỳ Ðồng và cây me cạnh sân! - Lậy Chúa tôi là đấng rất trọng, công thẳng và phép tắc vô cùng, có quyền đẩy hồn xác chúng con vào luyện ngục…Tôi thầm thì. Hắn lồng lên, quát: - Im, im ngay. Cầu xin vô ích! Bay không thấy bay chỉ là con rối, một con rối trên cạn múa may theo cái vũ điệu khốn khổ kia sao? Chúa bay bày trò cho bay, bay về tưởng ông ta chết, bay đi thì vẫn những sợi tóc mai trói buộc, ông ta đã ngỡ chết lại về để rồi phải đi và cuối cùng nằm yên trong cái nghĩa trang dưới kia…Hắn bật cười man dã – A cái vũ điệu của những hình nhân bằng rơm, nhưng múa may như thế để làm gì? - Ðau đớn khốn khổ kia là ý Chúa, Người sinh con Người cùng muôn loài… Hắn gằn giọng, tay giơ lên, nắm lại: - Nhưng để làm gì? Sinh ra để rồi khổ đau, cứ từ khổ đau này sang khổ đau khác? Tôi phục người xuống, mắt nhắm lại: - Lạy Chúa, tôi ở vực sâu kêu lên Chúa tôi, hãy nhận lời tôi van xin, hãy lắng nghe tiếng tôi, vì như Chúa lòng lành và đã phán hứa, Chúa không cứu rỗi, thì có ai cứu được … Giọng hằn học, hắn đấm tay vào khoảng không, ngạo nghễ: - Thì ra quyền uy siêu linh nằm ngay trên sự khổ đau của con người và những lời phán hứa về một thứ hạnh phúc tương lai bên ngoài trần thế. Không khổ đau, tất cái hẹn với thiên đàng có lỡ cũng chẳng sao… Hắn ằng ặc cười như kẻ chiến thắng. Một lát sau, hắn im và thật là bất ngờ, thình lình hắn bưng mặt khóc nức. Ðêm trôi lững lờ, gió ngưng và bầu trời trở nên trong vắt. Hắn nhìn ra ngoài, tay vẽ lên mặt kính cửa sổ. Hơi nóng đầu ngón tay vừa kéo thành vệt nước hình trái tim hắn đã vội vàng dùng ngón trỏ làm một mũi tên bay vút cắm vào, xiên ngang, đầu mũi tên nhiễu xuống những giọt máu, đông lại thành băng, rồi chỉ giây lát tất cả biến đi như trò ảo thuật. Hắn khò khè, dặng hắng, hát nho nhỏ vẫn một câu hát, câu độc nhất trong cái cát-xét Nhi gửi tặng năm nào. Giọng hắn khàn đục khiến đêm chùng hẳn xuống trong căn phòng đang co lại. Trong bóng đêm, những sợi tóc mai dưới ánh xanh xao chùm lá me năm nào lại kéo ngược thời gian, ám ảnh, trì triết, hiện ra thách thức qui luật vô thường. Vừa vẽ xong trái tim, tôi gạch chéo một mũi tên, hướng bay chênh chếch lên trời. Mũi tên găm vào, bất động, ánh lên sắc thép lạnh lẽo. Nó không biến đi nữa, ở đấy, như giọt máu vừa ứa ra, tiếp tục chảy, cứ thế chảy, bất chấp độ âm 20 C. Tôi run rẩy thì thầm cho hắn nghe: - … Thế là đã vẽ hàng trăm hàng ngàn trái tim, mỗi trái đèo một mũi tên, mũi nào cũng xuyên suốt, và máu tim chẩy ra hai mươi năm ròng. Hắn ngửa mặt nốc cho đến cạn kiệt những giọt cô-nhắc trong chiếc bình dẹt. Tiếp tục vẽ những trái tim, hắn mím môi, vẽ chưa xong băng đã đóng, vô tình, buốt lạnh, đục lờ như cặp mắt hắn đang cố nhướng lên. Hắn thất vọng, thều thào, đến một trái tim thôi mà cũng chẳng có, nhất là khi ngoài kia là mùa đông lạnh lẽo. Ðầu choáng váng, hắn đứng dậy nhưng ngã chúi xuống. Lết chân trên sàn, hắn leo lên giường, thả người nằm xuống mặc cho trôi vào một giấc ngủ nặng nhọc. ° Không biết lúc nào hắn nửa mơ nửa ngủ quơ tay chập chờn ôm lấy cái thân thể nóng bỏng kề bên, lềnh bềnh như ngư nữ trên lao chao sóng gió, dập dềnh lên xuống đu dưa trong bóng đêm chuyển sang màu tím than. Ðầu óc quay cuồng nhưng hắn vẫn nhớ, có thế Liza mới thật thích để buông thả hết mình vào trò chơi trống mái. Hắn quay mình, hai tay kéo hông co lên rồi lật ngược cái thân thể kia và đẩy lưng cho xấp xuống. Rồi cứ thế, hắn từ phía sau thúc vào, víu lấy mông, ruổi ngựa như tên kỵ binh Mông Cổ trên những cánh đồng bạt ngàn miền Trung Á. Khi hết sức, hắn vật mình nằm ngửa, thành cái chai không đậy nút vứt vào biển cả, trong chai có bức thư gửi cho thế gian, vỏn vẹn vài chữ, SOS, tình tình tình SOS. Ngư nữ vớt được, trườn người làm sóng dưới bụng hắn, đưa đẩy hắn cho đánh nhịp vào đại dương, khi thôi thúc, lúc bạo liệt, tuyệt vọng tựa kẻ đắm tầu sặc nước với vào bám lấy hét lên tình tình tình SOS. Hắn ưỡn người, hự lên thứ âm thanh bục ra khi người ta chết lặng đi trong vài giây. Tiếng rên lên, đáp lại, đúng lúc. Có phải là tiếng Liza, đứa con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân, cơ thể rừng rực nhựa cây trào ra ướt đẫm phần dưới cơ thể? Hình ảnh hai người đàn bà xoắn lấy nhau lại hiện về, rõ ràng là hai con rắn, con mẹ ủ con con, nhờn nhẫy, trắng nhùa nhụa trên tấm dra giải giường mầu xanh, mầu cây cỏ địa đàng, trước khi Êva ghé răng cắn vào quả táo đỏ. Nhưng điạ đàng có những sợi tóc mai trên ngấn gáy nay ở đâu. Bay vù về phía trước hai mươi năm, những sợi tóc đó sao vẫn cứ buộc tôi vào những mảng rời quá khứ. Nhi ơi, Nhi còn nhớ chứ, những vần thơ học trò tôi ngượng nghịu dúi vào tay Nhi năm tôi mười sáu: Lạy Chúa, tôi là kẻ có tội suốt đời xin làm tên ngư phủ bồng bềnh thả con thuyền vào mái tóc lênh đênh Ðâu đây bỗng văng vẳng lời cha Di Pietro, Chúa yêu tất cả những sợi tóc mai trên từng ngấn gáy của mọi người dân nước Chúa. Không, tôi chẳng đủ đức tin, tôi chỉ yêu những sợi tóc mai trên ngấn gáy một Nhi, Nhi của tôi mà thôi. Nhưng Chúa ơi, Nhi đâu còn đó! Xin ra khỏi dòng tu, tôi về tìm nàng, tôi đi một mạch thẳng từ phi trường về căn nhà trên đường Kỳ Ðồng. Tôi định nói, anh về vì em và con, anh không có phúc phận làm bề tôi Chúa, nhưng không vì thế mà chúng ta không là những đứa con chiên của Ðấng Cứu Thế. Nhưng tôi chỉ thấy vòm lá me xanh cạnh sân sau chiếc cổng sắt khóa trái. Tôi hỏi hàng xóm, chẳng một ai biết hai mẹ con Nhi đi đâu biền biệt hai tháng nay. Tôi nháo nhào, lặn lội vào tất cả những trại cải tạo người vượt biên. Sau, tôi lại mò đến những trại định cư thuyền nhân trên những cái đảo lơ lắc ở Mã Lai, ở Phi, ở Thái… Nhưng tin hai mẹ con Nhi vẫn bằn bặt. Tôi không thể tin rằng cuộc đời này, chỉ độc những oái oăm, trật khớp và bất hạnh. Tại sao, tại sao, Chúa ơi? Chẳng phải Người đã phán hứa cứu rỗi những đứa con Người sao? Còn tôi, tôi tiếp tục sống, không có Nhi? Và dẫu rằng thế, tôi phải nhận cái kiếp con thuyền lênh đênh suốt đời tiếc nuối một mái tóc, rồi ra có dạt đến bến nước nào thì cũng chỉ là bến vô tình! Mắt bỗng nhập nhòa, lại mập mờ ẩn hiện cái ngấn gáy kia li ti những sợi tóc mai buông lơi giữa những mảng rời, nơi giới định từ một đời sống này qua một đời sống khác, chỗ có những điểm cắt rướm máu của những đường thẳng gập nhau một lần, rồi thôi. Cho nên, tôi biết, biết chắc, hắn còn chỉ còn cái thân xác tôi. Còn phần hồn? Phần hồn tôi có lẽ nào là hồn ông ta, kẻ nằm dưới nghĩa trang cách đây vài trăm mét, không siêu thoát, tiếp tục đè nặng ám ảnh người đàn bà ở nhịp cuối một bản giao hưởng vương bóng dáng thời gian. Tôi nhắm mắt thả người vào khoảng không, gọi thầm, Nhi ơi, lại đây. Nhi khúc khích, và tôi lại úp mặt lên gáy Nhi, liếm từng sợi tóc mai giữa những mảng rời. Từ trống tênh bỗng hóa thành âm dương, tình yêu tôi nhân hai, rồi tình yêu Nhi nhân bốn, cứ thế, hỗn mang phình ra choán chỗ, chứ nào có đâu cái trật tự của đám tinh tú trong hằng hà sa số những giải ngân hà, cái trật tự Chúa tạo ra để Người thể hiện quyền năng linh hiển trên cái nền méo mó của muôn vàn bất hạnh. Tôi ứa nước mắt. Ai đó nức lên cùng lúc, như trong một bản giao tấu, giọng thanh lẫn vào giọng trầm. Hắn là hiện tại của tôi, tôi đang khóc đây. Tôi, là quá khứ của hắn, phục sinh trong một đêm lạnh lẽo khiến những lỡ làng xưa đóng băng vào trái tim còn rướm máu. Hắn với tôi từ nay lại là một. Bởi khi khóc, hình như tôi với hắn nhỏ chung một giọt nước mắt. ° Khi hắn choàng dậy, mặt trời đã giải những hạt nắng lên bức tường trước mặt. Nhà im vắng, không một tiếng động. Hắn ra cửa sổ đứng nhìn, đầu vẫn nặng, miệng khô khốc. Trên tuyết trắng phủ hàng hiên, những vết chân đuổi nhau về phía cầu thang xuống lối vào. Liza và mẹ chắc ra ngoài rồi. Hắn quay vào, gấp chăn, kéo lại dra trải giường cho ngay ngắn. Tay xốc chiếc gối, mắt hắn bỗng vướng vào một sợi tóc dài. Sợi tóc ở đó. Nó nhướn lên run rẩy như tơ nhện sa vào một trận gió hiu hiu. Ðâu có còn sóng nước, đứng trên hai chân sao hắn vẫn hững người vào cảm giác lềnh bềnh trên biển đêm qua, lòng chợt hoang mang bùi ngùi. Hắn nhẹ nhàng nâng sợi tóc lên ngang mày. Sợi tóc màu hạt dẻ. Như vậy là thế nào? Một người đàn ông đã chết dẫn đường đưa lối đẩy thân xác hắn vào một cuộc truy hoan cho một người đàn bà còn sống? Hắn căng mắt, hy vọng mình lầm. Dưới ánh nắng, sợi tóc lấp lánh, nhưng dưới góc độ nào đi chăng nữa, nó vẫn là sợi tóc màu hạt dẻ. Hắn để nước lạnh từ vòi sen xối vào đánh cho thức phần xác. Nhà bỗng có tiếng Liza ríu rít. Ra khỏi toa-lét, hắn bắt gặp bà ta. Bà tươi cười « Ngủ được chứ? Ðêm qua chắc anh nằm mơ, cứ ú ớ, tôi phải vào lay dậy. Nhưng anh mệt, quay người rồi tiếp tục ngáy…» Hắn nhìn vào mắt bà ta, nhưng hắn chỉ thấy sợi tóc màu hạt dẻ. «…Vâng, quả tôi có một cơn mơ. Lẽ ra bà đừng đánh thức tôi – nhìn chằm chằm, hắn nhỏ giọng - tôi mơ thấy tôi thành một con thuyền! ». Bà nhếch mép, đột nhiên xa vắng « …một con thuyền! Nhà tôi xưa hay nói về con thuyền Bát Nhã vượt sông Mê. Anh có biết chuyện đó không? » Hình như, hắn nhớ, hắn cũng đã từng nói đến những bến bờ lạc lõng. Liza sà vào hôn lên má, rủ đi ski. Hắn vòng tay qua eo kéo nó lại, vội vã «…Ðêm qua ngủ thế nào? ». Liza chúm môi, tinh quái nháy mắt, vùng gỡ tay và chạy vào phòng thay quần áo. Chỉ còn hai người, bà nhìn, và hắn hiểu là bà định hỏi gì. Hai tay trao lại hộp gỗ mun, hắn nhớ câu bà nói tối qua về cái giới định giữa một đời sống này với một đời sống khác. Chập chờn ở cái giới định đó có phải là sợi tóc màu hạt dẻ vướng trên gối sáng nay? Hắn nhìn bà. Aùnh nắng sáng làm bà trẻ lại, khoé mép tuy vẫn chút ngậm ngùi nhưng vết nhăn dãn ra chỉ còn thoáng mơ hồ một cái cười nửa miệng. Hắn buột miệng: - …sống cô đơn thế này… Như đoán ra ý hắn, bà ngắt: - Tôi chưa hình dung ra được một đời sống khác lúc này. Vẫn còn cái gì từ quá khứ… Hắn thở dài: - Quá khứ là những cái đã qua đi… -Nhưng còn những điều bí ẩn trong này, tay bà giơ hộp gỗ lên, anh mới có thể giãi mã giúp tôi hiểu. Và chỉ hiểu người ta mới đến được cái giới định từ một đời sống này đến một đời sống khác! Lòng hắn quặn lại như có muối sát vào. Hắn phải nói chi đây? Ông ta về tìm vợ con, điều cho đến nay bà không hề hay biết. Vô vọng, ông quay trở lại, rồi chết ngộp trong cái ám ảnh phạm tội, tội đã trừng phạt một người đàn bà làm vợ ông nhưng không thể ban phát cho ông cái tình yêu nàng đã lẳng lặng gửi trọn vào một mối tình ấu thơ vô tội. - Anh nói đi – bà giục – nhà tôi viết gì? Từ tốn, hắn kể lại những điều hắn hiểu khi đọc bút ký của ông ta. Hắn chỉ không nói rõ tên người vợ cũ của ông là gì, và nay hiện ra sao. Ðiều đó chắc hẳn chẳng quan trọng gì để giúp bà bước khỏi mỏm đồi hoang vu này xuống cuộc sống dưới kia. Cuối cùng, hắn nói như nói cho chính mình, giọng thẫn thờ: - Tình yêu là điều bất cập, chỉ hướng được đến, nhưng không đến được! Thượng Ðế cũng thế…Và chính vì hướng đến nên mới giữ được hy vọng, có hy vọng mới tiếp tục sống, từ một đời sống này qua một đời sống khác. Nhưng liệu có cứ hy vọng mãi được không … Khi Liza đi ra, nó sững sờ thấy mẹ khóc. Ôm lấy bà ta vào lòng, nó ngước mắt nhìn hắn. Bà ta vẫn nức nở. Ðiều bí mật của ông là một sự bội phản với bà suốt mười năm chung sống. Biết ra, liệu điều này có đủ sức đẩy cho bà đến cái giới định đổi đời? Nhưng đêm qua, nếu thật là bà chung chạ với hắn chứ chẳng phải Liza, thì cái giới định đó bà đã bước qua rồi. Bọâi phản một bóng ma, cũng vẫn là bội phản. Còn bóng ma kia? Cái bút ký và sợi tóc màu hạt dẻ phải chăng là một cách trả oán của ông ta, bắt hắn trở lại thành tôi, trực diện những bội phản của hắn đối với những sợi tóc mai đầu đời trong nghĩa trang Phan Thanh Giản, qua biết bao nhiêu lần hắn đánh lừa mình, gục mặt vào bao nhiêu ngấn gáy có những sợi tóc mai khác, đủ màu, từ bạch kim, nâu, vàng …cho đếân đêm qua là màu hạt dẻ. Không biết chuyện gì xảy ra, Liza ngạc nhiên khi thấy hắn sách chiếc túi tay, chào rồi lẳng lặng ra khỏi cửa. Lẽ ra, hắn phải đợi đến trưa mai để cùng về với nó. Liza im lặng, chỉ nhìn theo. Hắn rồ máy xe. Tôi bảo, hy vọng con thuyền Bát Nhã đến được bến bên kia. Hắn chép miệng «…muốn thế, phải để hết hành trang lại bên này. Phải tự do!» Tôi gật « …quả không có cách nào khác! » Lúc ấy, hắn bật miệng hát, như đêm qua, vẫn đúng một câu: Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Hắn đột nhiên ngưng hát rồi bật cười chua chát. Từ những sợi tóc mai này đến những sợi tóc mai khác, hắn thả nổi đời hắn trên mảng băng trôi qua bao mảnh đời đem kết lại thành một chuỗi thất vọng. Và cứ mỗi lần thất vọng lại thêm một lần bội phản. Mảng băng trôi, trước mặt hắn không biết sẽ là gì, nhưng đằng sau, hắn chắc chắn, vẫn cứ mãi mãi là khoảnh địa đàng có mùi ête, quyển vở bìa màu hồng, tiếng cười của chim, dăm câu thơ ngây một mối tình đầu mới chớm như những sợi tóc mai. Những sợi tóc mai li ti óng ánh mồ hôi trong một thoáng hiện ra, nhưng vừa đủ để hai mươi năm trước, cạnh nấm mộ đá hoa cương trong nghĩa trang Phan Thanh giản, tôi quạt cho gió lùa vào ngấn gáy ngọc ngà của người yêu. Tôi bật kêu « …phải về với Nhi thôi! Chẳng cứ thế mãi được! ». Hình ảnh cha Di Pietro hiện ra, tiếng văng vẳng, con hứa đi…không bao giờ được tự hủy hoại! Chúa tôi ơi, không lẽ chỉ có thể yêu những sợi tóc mai trên ngấn gáy một người mà tôi nay phạm trọng tội. Chúa tôi lòng lành đã phán hứa thế nào? Tim tôi bỗng băng đá như mùa đông dằng dặc nghiệt ngã này. Thế là hết. Tôi kiệt lực rồi, tôi không còn sức làm đứa con chiên ngoan đạo, tôi đành phản Chúa, tôi tự mình ném tôi vào hư vô cùng lời giới răn thứ nhất. Lần bội phản này, là lần cuối. Lạy Chúa, nếu thực linh hiển thì xin Người chứng cho còn một thế giới khác. Ở đó chắc chắn Nhi đang đợi tôi trong cuộc hẹn cuối cùng với vĩnh cửu. Cầm bằng chẳng có gì ngoài cõi này, thì cứ mặc cho tôi cười, cười bi phẫn, ngạo mạn, thách thức kẻ xoè tay xiết lấy họng mình. Nghiến răng, tôi đạp lút ga đâm thẳng vào cánh cửa hoang hoác đen ngòm dẫn đến luyện ngục. Chiếc xe cứ thế lao xuống đồi như một mũi tên, cái mũi đã găm vào những con tim nhỏ máu, trên con đường đến nghĩa trang đóng băng trơn trượt một cuộc đời không còn gì hòng cứu chuộc.