Tác Giả - Tác Phẩm

Tên thật được dùng làm bút hiệu.
Sinh ngày 5-5-1921 làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ðã cộng tác với tạp chí Bách Khoa, Văn Hữu, Mai, Giáo Dục Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tin Văn v.v...
Võ Hồng là con cả (3 trai, 4 gái) trong một gia đình điền chủ, anh mồ côi mẹ lúc 11 tuổi. Thuở nhỏ, anh học qua các trường Xã (Ngân Sơn), trường Phủ (Tuy An). Năm 1940 đậu thành Chung xong, anh ra Hà Nội theo học ban Tú tài, thì đồng thời anh học luôn cả nhật ngữ. Năm 1943 gặp lúc Hà Nội bị Ðồng Minh dội bom, anh chạy luôn về quê. Năm 1945, anh giữ chức bí thư cho ông T.V.L. ở Ðà Lạt (trong chánh phủ Trần Trọng Kim), vì anh biết Nhật ngữ, lúc bấy gìò chính quyền rất cần người biết tiếng Nhật làm việc. Trong những ngày ở Ðà Lạt, anh quen một bạn gái và sau ngày V.M cướp chính quyền, gặp lại nhau trên đường chạy loạn từ Ðà Lạt xuống Phan Rang, Nha Trang về Tuy Hòa. Hai người đã tìm hiểu nhau để sau đó, một hôn lễ cử hành tại xã Ngân Sơn. Rồi vợ chồng Võ Hồng sống rất hạnh phúc trong những ngày kháng chiến với nhiệm vụ dạy học ở vùng quê anh. Mãi đến năm 1951-1952, quân đội Pháp mở chiến dịch Atlante đổ bộ lên Tuy Hòa, để vợ ở lại nhà, một mình anh theo đoàn cán bộ địa phương chạy ra vùng Bình Ðịnh. Tại đây, anh đi làm thợ hớt tóc bằng cách theo một người thợ lành nghề trong vùng, dù anh chưa hề hớt tóc lần nào. Sau hiệp định Genève, tháng 8 năm 1954, anh trở về Ðà Lạt vì bấy giờ vợ anh đang dạy học ở đây. Năm 1956 anh đưa vợ con về Nha Trang. Rồi vợ anh mất để lại cho anh ba con, một trai hai gái (con gái đầu lòng lên 9, con gái út mới lên 3). Anh đi dạy học từ bấy giờ đến nay. Anh vẫn dạy các môn Khoa học, Sử địa, Việt văn, Pháp ngữ, Công dân cho các trường Lê Quí Ðôn và Bồ Ðề tại thị xã Nha Trang, trung bình anh dạy trên 30 giờ mỗi tuần.
Anh viết văn từ năm 1939, khi còn học đệ tam niên (3ème année). Truyện ngắn đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy giữa năm 1939, với bút hiệu Ngân Sơn là quê của anh, một làng nổi tiếng về dệt gấm đẹp, nơi đã gợi hứng cho thi sĩ Quách Tấn (người đồng hương với Võ Hồng) đã cho xuất bản tập thơ Mộng Ngân Sơn, để ca ngợi vùng quê hương thơ mộng ấy.
Sau này nhân đi dạy học, lòng yêu văn chương của anh càng sâu đậm thêm. Trong mỗi lần giảng bài Quốc văn cho học sinh, anh thấy tiếng nói là sợi dây thiêng liêng khéo nối liền những người cùng quốc gia, một ngôn ngữ với nhau.
Những lúc giảng các bài cổ văn qua các bài thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh khiêm, Ðoàn thị Ðiểm, anh ghi rằng nếu không có những bài ấy thì giữa tổ tiên và chúng ta sẽ có một khoảng trống ghê gớm. Làm sao biết được cách đây 300 năm, 500 năm, tổ tiên mình đã sống, đã cảm nghĩ thế nào? Anh cho rằng những bài văn, thơ là thứ sử liệu dễ phổ cập hơn hết. Anh đã từng cảm động xót xa khi đọc những câu Chinh phụ ngâm, vì trước chúng ta ngót 300 năm mà tổ tiên đã sử dụng ngôn từ điêu luyện đến mức tuyệt diệu như vậy. Qua kinh nghiệm đó, anh nghĩ rằng người làm văn chương hôm nay, dù hay dù dở, cũng đang làm một việc có ích cho thế hệ đến sau.
Anh bận dạy học nên thì giờ dành để viết rất bị hạn chế. Ðã thế lại còn phải lo săn sóc con, lo coi sóc việc nhà. Vợ anh mầt đã mười năm hơn, những việc lặt vặt như mua sữa, mua gạo, thay rèm cửa, mua sắm cho con, ân nghĩa thù tạc, đưa con đi bác sĩ... anh đều phải tự mình lo lấy.
Anh thường viết vào mọi giờ rảnh. Có khi thì 5 giờ sáng, tỉnh ngủ, bật đèn, nằm trong giường viết cho đến 7 giờ sáng. Viết được nhiều nhất là buổi tối, chiều thứ bảy và cả ngày chúa nhật. Thường cứ tối ăn xong là vào 7 giờ rưỡi, nghe BBC nửa giờ, hoặc có khi cha con rủ nhau vào giường ngồi đánh bài. Bốn cha con thường đánh các-tê bằng một bộ bài năm mươi hai con. Ăn thua bằng kẹo hay hạt dưa. Ðó là dịp cha con chơi đùa với nhau. Vào những ngày ở thủ đô xảy ra Cách mạng, Ðảo chánh, anh bày ra lối đánh các-tê ;đảo chánh;. Nghĩa là thay vì con Xì ăn con già, con 9 ăn con 8 thì nay làm ngược lại, đảo chính, con xì thua con già, con già thua con bồi. Cố nhiên là theo phương thế đảo chánh thì con 2 là con bài lớn nhất trong bộ bài. Ðánh lối thường chán rồi thì hè nhau đánh các-tê đảo chánh. Ðến 8 giờ, con lo học phần con, cha vào phòng riêng để viết.
Ði xi-nê, anh thích đi với một người bạn thân. Thường đi với con gái út là Tri Thủy. Hồi nhỏ đi học anh mê xi-nê lắm. Bây giờ thì không còn ham bao nhiêu. Ưa những truyện phim xã hội tình cảm hơn là phim cao bồi. Anh không mượn xi-nê để giải buồn mà thường khi đi có niềm vui. Ðể thưởng mình sau nhiều ngày làm việc lu bù. Khi buồn, làm việc nhiều hơn là đi tiêu khiển. Còn cải lương thì gánh nào nổi tiếng là anh chọn đi một đêm để biết nghệ thuật của họ. Ngồi ở hàng ghế đầu để tránh tiếng rồ của máy phóng thanh, theo dõi từng nét biến chuyển trên khuông mặt của diễn viên... nhưng chỉ một đêm thôi. Anh ưa nghe ;giọng ca tròn và ngọt; của cô Thanh Nga.
Về tân nhạc, anh yêu tiếng hát của cô Hoàng Oanh, tiếng hát đó mạnh, lao vút tới, ;rộng và ấm; làm anh nghĩ đến tiếng hát của con chim cưỡng. Giống chim này báo hiệu mùa hè, tên nó không đẹp nhưng hình dáng màu sắc đẹp lắm và tiếng hát thì tuyệt. Về nhạc bản, anh yêu bản ;Ai lên xứ hoa Ðào;. Mỗi lần làm việc mà nghe pick-up vặn dĩa hát đó là anh bỏ công việc ngồi nghe cho đến hết bài. Có lẽ vì lời ca nhắc nhở đến những kỷ niệm. Hồi đi học ở Hà Nội, mỗi lần qua rạp Majestic nghe thấy bản Ramona, anh cũng có tật đứng nghe cho hết bản mới chịu đi.
Anh ít uống cà-phê. Thích uống trà hơn, trà xanh. Nếu trà ướp hoa thì thích trà ướp hoa sen.
Các món ăn, anh thường than vì không có người đàn bà để mình làm nũng nên mình phải bằng lòng những món gì mà chị bếp dọn lên cho mình. Anh thích cá sông hơn cá biển vì thịt cá sông có mùi thơm hơn. Thích nhất là măng tươi. Khi luộc lên, măng tươi có hương vị thơm và vị ngọt đăng đắng như hương vị của trà vậy. Các món ăn tráng miệng thì anh thích trái xoài, còn sầu riêng thì có hương vị pha chế thông minh., anh có cảm tưởng đang ăn một loại kem đặc biệt, một giống trái cây vừa ngọt và ngọt vừa, vừa thơm vừa béo, vừa... chịu không thể nào nói hết sự tinh diệu của nó.
Thuốc lá thì khi đi dạy anh hút 5,6 điếu. Ngày nghỉ và khi viết thì hút nhiều hơn. Hễ tới đoạn bí thì đốt điếu thuốc. Khi viết được đoạn hay thì tự thưởng mình bằng điếu thuốc. Khi cô đơn buồn, cũng hay đốt thuốc đặt bên cạnh để nhìn khói thuốc vươn lên. Khói thuốc trở thành một thứ sinh vật làm bạn với anh. Không nghiện hẳn một loại thuốc nào: Cotab, Philipp, Morris, Sa lem, Winston, Capstan... Nhưng hút đi một vòng thì thấy yêu thuốc vàng hơn thuốc đen. Capstan chẳng hạn. Tửu lượng của anh kém lắm. Uống một ly bia đã đỏ mặt.
Khi viết, anh có một tật là hay nằm trong giường mà viết. Kê một tấm các-tông nhẹ nghiêng nghiêng, bản thảo đặt lên và viết bằng bút máy. Không dùng ngòi viết Bic vì khi nằm như vậy, bút bị chổng ngược, mực không chảy đều. Không viết trong giường thì na tấm các-tông ra ngồi ở ghế xa-lông mà viết, hoặc nằm ở ghế dựa, đặt đưới gốc cây trứng cá, dưới bóng cây ổi, cây mận. Luôn luôn có những cánh hoa trắng rơi lả tả trên áo, trên trang giấy, trên mặt đất xung quanh nên mình phải phí một số thì giờ để mơ mộng.
Anh thích viết trên giấy manh kẻ ô vuông. Ghép một xấp độ năm sáu tờ cho nhẹ. Khi giấy hết mà đang lúc hứng thì bạ cái gì cũng chụp viết lên, có khi là mặt sau của một tờ lịch, mặt sau của một tờ thông báo của Ty Thuế vụ, chỗ trống của một phong bì thư vừa nhận dược. Mỗi lần đọc lại chữ viết của mình trên một tờ bản thảo nhảm nhí như vậy, anh thấy niềm vui thích tăng lên vì mình vừa biến một vật bỏ đi thành một vật có ích.
Viết bản thảo, anh luôn luôn viết chữ rất nhỏ, viết mau và để mình cố gắng ngồi lâu hơn. Thường khi viết độ tám trang chữ nhỏ như vậy, anh biết sẽ xếp được mấy trang chữ in, vừa đủ cho một truyện ngắn trung bình hoặc một chương chuyện dài. Ðạt tới mức độ rồi thì thường ngòi bút muốn làm reo, trí óc không muốn suy nghĩ thêm nữa, anh bỏ bút đi ra sân một lát, đi dưới bóng cây vài vòng.
Anh viết chậm rải như như anh làm một bài thơ Ðường luật. Dạy học trò thì anh thường hay bảo chúng cứ viết tràn đi rồi sửa chữa sau, nhưng đến lượt mình thì lại thực hiện một cách khó khăn. Anh cứ viết chậm một phần cũng do tính thận trọng. Có hai truyện dài viết xong trước năm 1945, hiện giờ vẫn còn giữ bản thảo, nhưng anh nghĩ rằng nó cũng đã mất thời gian tính nên cất kỹ trong tủ để làm kỷ niệm.
Truyện nào viết xong, anh cũng phải sửa chữa đến ba, bốn lần. Khi đã bằng lòng rồi thì để đó, đợi chừng nửa tháng sau, đọc lại thấy không có gì thêm bớt nữa mới chép lại sạch sẽ, đem nhờ học sinh chép lại một bản để lưu chiếu. Bản tự anh chép thì gởi đi. Gần đây, mỗi khi sửa chữa xong một chuyện, anh đọc lại ghi vào băng magnétophone rồi giao cho người đánh máy.
Viết một chuyện dài thì cực nhọc hơn. Chỉ một việc xây dựng nhân vật, xếp đặt tình tiết cũng phải mất hàng năm sáu tháng. Lúc nào có thì giờ rỗi là ngồi yên lặng nghĩ đến nhân vật và tình tiết. Nghĩ lúc ngồi trên xe đi phố, khi ngồi giữa phòng giáo sư giữa hai xuất dạy.
Anh có một nỗi cực trong khi viết là tìm tên cho nhân vật. Không bao giờ anh có sẵn, anh cứ tạm đặt những ký hiệu như cô H, cô T, ông N v.v... Trong bữa ăn, anh nhờ các con chọn hộ tên, đứa nào thấy cái tên mà nó cho là đẹp là hay thì cứ đề nghị. Nhiều cái tên đứa này cho hay thì đứa kia lại chê là quê. Khi các con anh đã cạn ý kiến, thì anh lục mấy danh sách học sinh cũ ra để chọn. Trong truyện Chống biểu tình anh đem đủ 25 tên học sinh của một lớp ra để đặt đủ cho 25 nhân vật trong truyện. Trong truyện có nhân vật làm thầy giáo, có nhân vật làm học trò, học trò giỏi ngoan và học trò cao bồi. Anh giao hẹn: cứ theo thứ tự danh sách, may nhờ rủi chịu, không được kỳ kèo. Mọi người đồng ý. Khi truyện đăng lên thì cả lớp cười một bữa. Bùi Anh Vũ đầu cúp ca-rê thì trong truyện thành anh thanh niên tóc dài vuốt tém. Anh Xuân nhút nhát hiền lành thì trở thành anh học trò ưa đâm chém có vết dao nằm vắt qua mặt.
Khi anh chọn nhằm một nhân vật thì bé Tri Thủy nhắc liền. Nó có trí nhớ tốt và theo dõi các truyện của cha viết kỹ hơn cha. Nhiều khi anh phải hỏi ý kiến của người cố vấn nhỏ đó. Chẳng hạn trong truyện Khoảng trống sau lưng, nhân vật nữ thích uống rượu gì vậy con? Hoặc trong truyện Dốc hiểm nghèo, người đàn bà đẹp tên gì vậy Thủy? Tri Thủy trả lời liền, không cần lật sách ra kiểm lại.
Tên truyện cũng là đầu đề thảo luận. Hằng, con gái đầu lòng của anh thường đề nghị những cái tên hay. Tuy nhiên có những tên truyện anh tìm đến 4, 5 tháng vẫn chưa vừa ý. Trong khi đó thì có bạn thân đưa truyện của họ vừa sáng tác xong và nhờ anh tìm cho cái tên. Anh đặt tờ giấy cứng lên mặt radio bên cạnh giường nằm rồi hễ cứ nghĩ được tên nào là ghi vội lên đó. Ðặt tên cho truyện bạn, đặt tên cho truyện mình, anh cho đó là việc vừa đặt tên cho con vừa đặt tên cho cháu.
Những hàng vải, kiểu áo, kiểu giày thì các cố vấn là những cô học sinh của các lớp anh dạy. Nhiều cô nay đã có chồng nhưng vẫn năng viết thư về góp ý kiến. Hào, thằng con giữa thì ít có ý kiến về mục văn chương. Nó thích toán và Khoa học hơn.
Những câu chuyện trong bữa ăn mà có ý kiến gì hay, hình ảnh phô diễn gì ngộ nghĩnh, thì bé Thủy bỏ đũa, lại đứng ghi ở tờ giấy ở cạnh tủ áo. Những ý đó hôm sau anh sẽ dùng để viết. có khi cô bé Thủy ghi ở quyển ghi chép anh đặt dưới nệm nơi đầu nằm. Anh hay bất chợt có ý nghĩ ngộ nghĩnh khi nằm, nên sổ tay, nhật ký, lúc nào cũng ở dưới đầu giường. Khi anh dạy học, hễ bất chợt có ý gì hay, là lật bìa vở soạn bài ghi liền. Thành ra cứ chừng ba bốn tháng, kiếm lại các bìa vở để lọc những ý nghĩ đã ghi rải rác trên đó.
Anh yêu cảnh thiên nhiên hơn thành phố. Sau khi ở lớp dạy ra, anh hay cho xe chạy dọc bờ bể. Những bữa biển động, sóng to nước đục, anh thích đứng nhìn biển hơn là những hôm lặng sóng. Nghỉ hè thì anh đi Ðà Lạt sống giữa rừng thông, sương mù và cỏ tranh. anh yêu cây cỏ chim chóc và súc vật. Yêu hoa hồng nhưng hoa hồng khó chăm bón, nên đành phải yêu hoa lan màu tím chịu đựng nắng gió hơn. Không thích nuôi mèo. Con chó Tô ở với gia đình, khi nó chết anh tự tay săn sóc lần cuối, thuê người đem chôn nó, mặt nhìn ra sóng bể Thái Bình Dương. Anh hay mua trứng vịt đem về cho con gà mái thèm ấp trứng của anh. Truyện Mẹ gà con vịt là truyện có thật. Có con gà mái nuôi đã bảy năm, già quá phải sáng bê xuống chuồng, chiều bế lên chuồng. Con vịt đực nay đã ba tuổi vẫn đi theo gà mẹ.
Trên tường trước mặt bàn viết anh, treo một ảnh lớn của Marilyn Monroe. Khuôn mặt đẹp tươi và cái chết bi thảm đó anh cho là có giá trị của một bài học lớn. Anh đã có cảm tình với Marilyn từ phim Mitsfits trong đó nàng phản đối sự dã man của lũ săn ngựa rừng.
Những nhân vật trong các truyện của anh thường không mang những cá tính đặc thù thái quá. Anh muốn tả những con người bình thường, những con người thật gần gũi với mọi người chứ không cố ý tạo dựng những nhân vật chịu khổ sai của tác giả. Họ sẽ mất nhân tính - theo anh nghĩ - và anh không nỡ nhìn họ biến thành công cụ của sự thông minh của người viết.
Có những chuyện như Trận đòn hòa giải, Xuất hành năm mới, Mẹ gà con vịt.... anh hy vọng được in ra nhiều để trẻ em có dịp được đọc. anh tin rằng chúng sẽ yêu thương cha mẹ chúng nhiều hơn và những gia đình có vợ chồng hay xích mích sẽ có thể hòa thuận nhau hơn.
Có những trường hợp cảm động đáng nhớ là truyện Tình yêu đất lấy nhân vật và khung cảnh ở ngay làng Ngân Sơn. Khi Bách Khoa vừa đăng thì ông Bác từ trần. anh đưa mấy con về quê. Ngôi mộ của ông Bác nằm trên cái Gò Ðình đó và ngẫu nhiên mà trong số ba người thanh niên hôm ấy đúng vun mộ lại là con của nhân vật Lão Túc. Trong các truyện của Võ Hồng thường mang những tên làng xóm sông núi của tỉnh Phú Yên, nên đồng bào Phú Yên bị chiến tranh phân tán đi lập nghiệp phương xa thường tìm đọc để nhớ về quê hương. Nhiều người viết thư gởi cho anh để ày tỏ niềm nhớ quê hương do những chuyện đã gợi nên.
Hè năm ngoái, viết xong Hoa bươm bướm, bản thảo vừa gời đi thì anh đưa con lên nghỉ ở Ðà Lạt. Anh chi cho các con xem những con đường mà các nhân vật đã đi qua: Ga Cậy Cày, nhà thờ, Hộ Diêm -Phương Cựu- Tháp Chàm, Ðồng Mé, Cầu đất v.v... Cầu đất là nơi gợi nhiều cảm xúc xót xa hơn hết vì nơi sở trà cao đó, ngày kháng chiến là trại giam, nơi đó cô Quỳ (nhân vật trong Hoa bươm bướm) đã sống những ngày lo sợ hãi hùng.
Anh thấy được an ủi nhiều nhất trong đời viết văn là những khi đang dạy ở lớp này mà nghe ở bên lớp kia giáo sư và học sinh giảng bài giảng văn trích ở truyện của mình viết. Hoặc khi nhận được độc giả có lòng mến gởi thư thăm, gởi thư cho quà của địa phương như mận Ðà lạt, trái bơ, bánh và trà, hoa... Có người nhân đọc Con suối mùa xuân mà đan tặng cát áo len. Có người mời lên đồn đièn của họ ở Lâm Ðồng để viết trong những tháng nghỉ hè.
Anh cho rằng độc giả nước ta đang ở trên đà coi người viết như bạn của họ, muốn tham dự vào sự hình thành những sáng tác văn chương. Ðó là những dấu hiệu tốt.

Xem Tiếp: ----