Tôi cũng gọi ông cậu của nhỏ bạn bằng cậu, cậu Ba. Không phải vì thấy giàu sang bắt quàng làm họ, nhưng lần đầu tiên gặp, ông cứ thản nhiên ngọt như mía lùi xưng cậu, đâm cũng tiện. Cậu Ba có thằng nhỏ sai vặt cùng tuổi với tôi, con bà Tám. Bà chỉ có mỗi mình nó, hiếm hoi muộn màng. Chồng bà trước khấm khá, cầu khẩn mãi nó chẳng chịu ra. Đến chừng làm ăn với cậu Ba rồi dần dần lụn bại thì nó lại ra, muốn sống cảnh nghèo. Chẳng hiểu hẹn hò gì, trước khi quy tiên ông lại bắt bà hứa phải cho thằng nhỏ đi giúp việc nhà cậu. Lúc nào nó cũng như cái bóng của cậu, chăm nom đèn đóm và phe phẩy quạt cùng làm trăm thứ việc lặt vặt không tên cho cậu. Cậu thường bảo ông đi đâu thì con cũng theo nghe. Xưng "ông" cho ra vẻ chứ cậu còn trẻ hơn mẹ nó nữa. Mỗi lần cậu bảo gì nó cũng dạ. Ngôn ngữ nó nghèo nàn một chữ dạ, chẳng biết nói thêm chữ không bao giờ. Thế rồi nó có dịp biết Đà lạt vì cậu Ba lên đó dưỡng bịnh. Bà Tám hí hửng kể cho mẹ tôi nghe là bà mừng, vì như vậy nó có dịp biết đó biết dây, chớ ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn vì mẹ chưa hề biết chỗ nào xa hơn cổng chợ. Ba tháng sau thằng con về, hỏi Đà lạt có lạnh không, nó nói không vì nhà có sưởi, hỏi Đà lạt bông hoa nhiều lắm phải không, nó dạ ngay, trằm trồ vườn nhà ông nhiều hoa đẹp lắm... Chẳng mấy thuở về với mẹ, ngay cả dịp Tết nó cũng chỉ vù về thăm sáng mồng một, rồi lại phải đi hầu ông. Con cậu Ba thì nhiều, những mười bốn ngườI (năm người du học), hai vợ. Nhưng con nhà giàu thì mải bận học chữ, học đàn và đi chơi, vợ nhà giàu phải lo thù tiếp, đi đó đi đây, không ai rảnh để hầu hạ cậu. Mà cậu Ba đã đến giai đoạn thổ huyết ngày mấy bận, nên không thể sống mà không có thằng nhỏ hầu bên cạnh. Chẳng biết gia đình tôi quen biết bà Tám từ khi nào. Chỉ biết bà ngày ngày gánh rau ngang trước nhà hay dừng lại. Trả giá xong xuôi, luôn luôn mẹ lựa trái xấu, lấy mấy trái cà chua hơi dập hoặc trái bầu sướt dọc sướt ngang. Hỏi tại sao, mẹ bảo từ đây xuống chợ còn xa, người ta lựa tới lựa lui còn bầm dập hơn nữa, lỡ bà Tám bán không được, tội. Chắc từ từ cảm cái đức ấy của mẹ, bà Tám hay chuyện trò, tâm sự. Tánh tình bà lúc nào cũng yêu đời, ưa kể chuyện vui và thích thú nhìn chúng tôi cười. Thế rồi bẵng đi rất lâu không thấy bà Tám gánh rau ngang nhà nữa. Một hôm chúng tôi đang ăn trưa thì bà xuất hiện, khệ nệ ôm trái bí đỏ. Bà khoe là năm nay nhờ trời dây bí sai trái, lại to, tui nhứt định phải đem kỉnh thím một trái. Mẹ mời bà gặp bữa ăn chén cơm. Mãi bà mới chịu cho, nói khi chị tôi xới cơm: - Cho tui nửa chén thôi cô. Già cả rồi ăn chi cho lắm. Chúng tôi vui vẻ hỏi thăm đủ chuyện, thằng con ra sao, bà có đau ốm gì không mà sao lâu nay không đi bán... Bà nói có dạo sâu rầy nhiều quá cắn nát hết vườn rau nhà bà. Mà thuốc trừ sâu thì mắc và pha bột nên chẳng giết được con sâu nào. Rốt cuộc bà không có gì để bán, để ăn, phải theo bạn đi làm nghề khác. Lần này thấy dây bí xanh tươi, bà lấy nước tiểu của minh cho nó uống, sâu rầy chê hôi bỏ đi sạch, dây bí không có mũi nên ngửi được, lớn như thổi. Rồi bà chép miệng: - Làm nghề nông cực lắm thím à. Ông trời thương thì chớ, không thương thì chịu chết. Quanh năm suốt tháng lệ thuộc vào trời. Nghe bà Tám nói, tôi chợt nhớ câu ca dao học ở trường: Hai tay bưng chén cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần... Và mẹ thường bảo gạo là hột ngọc của trời, ngọc đã qúy rồi mà ngọc của trời thì còn qúy phải biết, nên không được phung phí. Ngày ngày mẹ chăm chỉ ép chúng tôi nuốt nhiều nhiều ngọc cho mạnh khỏe học hành, để lớn lên không làm người gieo ngọc. Hỏi nghề mới của bà là gì, bà Tám trệu trạo nuốt miếng cơm rồi nhìn anh em chúng tôi, tủm tỉm: - Cô cậu có biết đèo đội cậu không? Anh tôi hơi nhíu mày: - Đèo gì bà Tám? - Đèo đội cậu. - Ở đâu? - Ở mình đây nè. Anh tôi nhìn bà mỉm cười âu yếm ra điều an ủi bà già nhà quê không chữ nghĩa: - Đi ra thì có đèo Hải Vân, đi vô thì có đèo Cù Mông, đèo Cả, đèo Rù Rì, làm gì có đèo Đội Cậu bà Tám? - Có. Có đèo đội cậu. Chưa hề đi khỏi quê nhà, tôi chẳng biết đèo Đội Cậu Đội Mợ ở đâu. Nhưng nghe bà trả lời cứng cỏi quá, anh tôi đâm nghi ngờ khả năng đại học của mình, lưỡng lự: - Quái, nó ở đâu? - Đã nói ở mình đây. Rồi mắt nhương nhướng diễu cợt, bà nói một hơi: - Đèo đội cậu chay chựn mạo riêng, bách chú khớ bạnh hồ meo kụa thùa mơi. Tuy chẳng hiểu gì nhưng nghe ngộ quá, chúng tôi phá ra cười. Bà đọc như đọc thần chú mà mặt mày tỉnh bơ. Bị giục hỏi là gì, bà gật đầu: - Thủng thẳng rồi tui cắt nghĩa. Vừa ăn vừa nói dễ bị nghẹn. Người già hay nghẹn lắm. Chị tôi mau mắn: - Bà chan canh cho dễ ăn. - Dạ, cô cho tui miếng canh. Mẹ ôn tồn: - Đừng dạ với cháu, nó mang tội bà Tám à. - Dạ. Mặc dù trẻ hơn bà Tám, nhưng chắc mẹ cho rằng bà dạ với mình là phải đạo không tội lỗi gì, không sửa nữa. Bà Tám húp miếng canh, đằng hắng: - Đèo đội cậu là đầu đội kẹo, chay chựn mạo riêng là chưn chạy miệng rao, bách chú khớ bạnh hồ là bớ chú khách bộ hành, meo kụa thùa mơi là mua kẹo thơì mua! Mấy hột cơm lúng búng trong miệng tôi nhảy vọt ra ngoài. Mặt mẹ đỏ gay, người gập lại, cổ kêu hưng hức. Anh tôi buông đũa, ngả người ra ghế. Hai chị em tôi thiếu điều lăn đùng dưới đất. Bà Tám nhìn chúng tôi, cười theo hỉ hả. Trông bà đủng đỉnh. Lúc nào bà cũng có vẻ đủng đỉnh. Người ta nói như vậy là số giàu sang, an nhàn sung sướng. Hiểu rồi, bây giờ bà làm nghề đội kẹo gừng đi bán ở bến xe. Thằng con thì thỉnh thoảng chạy thoáng về đưa tiền lương cho mẹ. Một năm hai mẹ con gặp nhau mười hai lần, lần nào cũng chốc lát. Vậy mà bà cũng vui, thường bảo dành dụm cho sau này nó có đôi có bạn. Mùa đông năm đó gío nhiều và trời hay trở. Cậu Ba mỗi ngày một tiều tụy bạc nhược. Thuốc tây thuốc tàu dồn dập, cậu nuốt thuôc nhiều hơn nuốt thức ăn. Tới một ngày không món gì chịu chui xuống cổ nữa, cậu Ba thở khò khè suốt mấy ngày, mắt dựng ngược lên trắng dã, đứng tròng. Rồi cậu chỉ yếu ớt ngoắc ngón tay trỏ ra dấu từ giã hai vợ và mười bốn con, sáu người làm trong nhà kể cả thằng con bà Tám, bốn con chó bẹc giê, ba cái biệt thự và bốn chiếc xe hơi. Cậu tịch diệt. Thằng con bà Tám buồn hơn cha chết. Cậu Ba chưa được chôn cất ngay vì đi nhằm ngày trùng, phải chờ chọn ngày tốt, chờ bà con xa gần và năm người con du học bên Tây về thọ tang. Gia đình cậu mướn phòng lạnh ở nhà quàn, ngày ngày kinh kệ tụng niệm khói nhang nghi ngút. Không ngày nào không có hơn chục bà con bạn bè tới lui phúng viếng. Thằng con bà Tám vẫn túc trực ngày đêm bên cạnh quan tài trong phòng lạnh ngắt, khi nào đông người quá thì nó âm thầm ra ngồi ở góc vườn hoặc rút về căn phòng nhỏ dành cho người trông nom. Trong khi đó mẹ già nó vẫn ngày ngày đèo đội cậu chay chựn mạo riêng... Nhưng hôm tôi theo mẹ đến phúng thì không thấy nó đâu nữa. Mẹ chép miệng hài lòng: ờ tội nghiệp, cũng phải cho nó nghỉ ngơi chút chớ! Ngày trước hôm chôn cậu, tôi theo nhỏ bạn đến thăm, cốt chỉ để nhìn mấy người con du học bên Tây về, nghe nói một chị đẹp như đầm, sống như đầm, nói tiếng Việt đã bắt đầu lơ lớ và không chịu ăn nước mắm nữa, chê hôi. Trong khi bạn nhang đèn trò chuyện với thân nhân, tôi lẩn thẩn dạo dọc hành lang. Ngang qua vài phòng đóng kín, tôi bỗng khựng lại trước căn phòng hẹp bỏ ngỏ, tối tăm. Từ đó nghe tiếng thở hổn hển, dồn dập ngắt quãng, tiếng nấc khe khẽ, tiếng kêu ư ứ trong cổ họng như chợt muốn thoát ra, chợt gượng giữ lại, tiếng chiếc giường sắt rên siết, nhún nhẩy, tiếng đập nhẹ vào da thịt dịu dàng vỗ về... Tôi vừa tò mò vừa lo âu vô cớ nhìn vào: trong cái lờ mờ chập choạng buổi chiều, một thân hình mảnh dẻ ngồi trên giường, đầu gục lên vai người đàn bà ngồi bên cạnh. Và cũng trong màu đen ám chướng dị kỳ ấy, cái gì đỏ tươi rải loang lổ lên tấm ra trắng, lên vai người đàn bà như mặc chiếc áo thêu hoa... Cái đó rơi vãi dưới sàn... thành vũng nhỏ... Cổ tôi thốt ra âm thanh gì đó lạ lùng rõ to làm hai người rời ra, và người đàn bà quay lại... Cái gì chận ngang cổ làm tôi ngộp thở đau nhói ở lồng ngực, bụng cồn cào quặn lên... Tôi ù té chạy... Và tôi vấp ngã, nằm sấp trên bãi cỏ khu nhà quàn. Đau quá, tôi úp mặt xuống đất khóc rấm rức, thảm thiết, nghẹn ngào... Trong cái tranh tối tranh sáng, tôi thấy rõ hai hố mắt bơ phờ ráo hoảnh, môi nhăn nhúm khô quắt không run rẩy. Vẻ mặt sao mà ngơ ngáo, dửng dưng. Không, không phải mẹ con bà Tám! Đó chỉ là hình vẽ rất vụng trên miếng giây nhàu nát màu lá úa... MIÊNG Paris, le 8 Oct.obre 1999