Ba mẹ chia tay nhau, anh ở với ba, em theo mẹ. Mẹ đưa em đi xa tít sang bên kia bờ đại dương, nơi mẹ đang sinh sống, làm việc. Hồi đó, hai anh em còn nhỏ quá nên không biết vì sao ba mẹ chia tay, chỉ nhớ buổi sáng đưa em ra sân bay là vào một ngày đầu tháng tám, giữa mùa hè nhưng không dưng có mưa lất phất. Trong mớ ký ức mù mờ còn sót lại của anh, em là con bé chín tuổi gầy gò, rụt rè, líu ríu níu áo mẹ đi vào phòng cách ly sân bay, đôi mắt ngoái lại nhìn anh, mọng nước. Anh thương em đến thắt ruột, không nghĩ đó là một chuyến đi biền biệt của mẹ và em mà mốc thời gian gặp lại chỉ tính được bằng cả hàng chục năm. Anh cố không khóc, cố làm một ông anh trai vững chải, nhưng sao nước mắt cứ chạy xuống môi, mặn chát... Năm đó, anh tròn mười hai tuổi. Mười năm sau, khi mà mối liên lạc duy nhất của hai anh em chỉ là những bức thư đi về thảng hoặc, thì một ngày, mẹ gọi điện thoại về báo tin em sẽ về thăm. Mẹ nói em đã học xong trung học, bây giờ lớn lắm rồi, dặn anh phải lo cho em thế này, dẫn em đi chơi thế kia trong thời gian em về Việt Nam. Mẹ còn dặn là anh không được nói tiếng Anh với em, mẹ sợ em quên hết tiếng Việt rồi vì suốt mười năm nay em học trong trường chung với Tây, mẹ sợ em Tây hóa. Mẹ dặn anh nhiều, nhiều lắm, đến nỗi anh không biết mình sắp đón người nào về - một cô em gái ở xa về nhà hay một người khách ngoại quốc lạ lẫm. Anh không kể những lời mẹ dặn về em với ba, nhưng hình như ba biết. Suốt đêm trước ngày em về, ba đốt thuốc ngồi một mình trong phòng, cứ lặng thầm như thế, không ngủ, suốt đêm. Anh với ba ra sân bay đón em, đứng lẫn trong đám người nhộn nhạo đón thân nhân, reo cười, chỉ trỏ, vẫy tay. Loa phóng thanh thông báo chuyến bay của em hạ cánh, rồi một đoàn khách lần lượt xuất hiện trong quầy làm thủ tục xa tít trong kia, cách nhau chỉ bằng một lớp kính trong suốt và khoảng cách chỉ chừng vài chục mét mà ba với anh không tài nào nhìn thấy em, nhận ra em. Mười năm xa nhau, thỉnh thoảng em vẫn gởi ảnh về, anh vẫn được nhìn thấy em lớn từng ngày nhưng sao lúc này, anh chẳng thể nhận ra em trong đám người xa lạ kia. Anh không dám nhìn vào mắt ba, cũng như ba, không dám thú nhận là không nhìn thấy em. Câu đầu tiên anh nói được khi gặp em là: Ba ơi, Bé My đây, ba ơi, rồi cổ họng như nghẹn lại. Ba ôm choàng lấy em rưng rưng: Con của ba! Chỉ có em là cười, rạng rỡ, hai tay vỗ vỗ lưng ba: Con đây mà, Bé My đây mà, ba đừng khóc nữa! Rồi em quay sang nhìn anh, cười tươi rói: Anh Hai dạo này lớn ghê héng! Còn em thì sao? Anh không thể nào hình dung Bé My bây giờ cao một mét sáu lăm, thêm đôi guốc là cao hơn anh với ba, tóc dài nhuộm hoe hoe, đã là một cô gái xinh xắn, quá xinh nữa là khác. Em nói em về đây cả tháng, tha hồ cho ba với anh Hai dẫn em đi chơi. Rồi em cười tùm tỉm hỏi anh là anh có thấy em quên tiếng Việt không, mẹ cứ lo xa sợ em quên tiếng Việt. Bây giờ gặp lại em, anh mới chắc chắn là mình thật sự gặp lại cô em gái của mình, chứ không phải là một người ngoại quốc xa lạ nào. Mấy ngày đầu tiên, ba với anh đưa em đi loanh quanh thắp hương mộ ông bà và thăm hỏi bà con nội ngoại. Em nói với ba và anh: Con ở bên đó quen, về đây có nhiều cái chưa biết. Có gì cần thưa gởi hay thấy con cư xử với người lớn có chỗ nào không phải, ba với anh cứ nói cho con biết, để con sửa. Đến nhà bác Ba, cậu Tư, dì Bảy, chỗ nào em cũng được khen là dễ thương, lễ phép, còn lấy em ra làm gương cho con cái trong nhà: Bé My bên Tây về mà như vậy đó, còn tụi bây ở đây thì lại.... lai căng không giống ai. Em làm anh tha hồ phổng mũi vì tự hào. Đi học, gặp bạn bè, anh cứ ba hoa: Em tao thế này, em tao thế kia... Em đi chơi đâu anh cũng muốn đưa em đi. Buổi tối về nhà, hai anh em cứ rủ rỉ nói chuyện với nhau suốt đêm. Căn phòng em ở ngày xưa vẫn giữ y nguyên, hơi nóng một chút. Ba với anh tỏ ý băn khoăn, em nói là không sao đâu, em thich nằm ngủ trong căn phòng cũ của nhà mình. Dù có đêm, nghe tiếng em trở mình liên tục, anh biết em không ngủ dược. Anh đưa em đi nếm đủ các món ngon vật lạ mà anh biết được. Bún mắm thịt heo quay, bún riêu, bánh tráng đập dập, em "mần" liên tì tì... Ăn mực nướng quệt tương ớt, hút ốc, ổi dầm chấm mắm ruốt, em xuýt xoa vì cay, nhưng vẫn "làm" tới tới, vì... ngon quá! Rồi anh dẫn em đi ăn bánh bột lọc, bánh nậm, bánh xèo... những món hồi nhỏ em khoái khẩu. Hình như em không quên chuyện gì hết. Ngày xưa, nhà mình còn nghèo, mẹ chưa đi xa, những bữa cơm chỉ toàn những món ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng thật đậm đà khó quên qua bàn tay chế biến của mẹ làm hai anh em có lúc phải tranh nhau, để anh bị mẹ la là không biết nhường nhịn em gì cả. Và tiếng cười. Nhà mình hồi đó không lúc nào thiếu tiếng cười... Anh đi chơi, đi ăn hàng với em, cả một ký ức tuổi thơ tuyệt vời của hai anh em bừng bừng sống dậy. Như không hề có khoảng cách mười năm và nửa vòng trái đất. Em nói mai mốt học xong em sẽ về Việt Nam làm việc. Mẹ cũng muốn như vậy. Ở bên kia mẹ thành đạt, nhưng cô đơn lắm. Anh thấy khó hiểu: Sao mẹ không về với ba? Em chậm rãi: Mẹ nói ngày xưa, mẹ không thể dung hòa được giữa sự nghiệp với gia đình nên ba mẹ chia tay nhau. Mẹ nói lỗi do mẹ. Anh ngậm ngùi: Ở đây anh cũng nghe ba nói lỗi do ba mà ba mẹ chia tay. Em như muốn khóc: Sao bây giờ ba mẹ lại không thể quay trở lại với nhau? Anh lắc đầu: Chuyện người lớn, làm sao mà biết mình biết được. Em im lặng một lúc lâu, rồi khẽ khàng: Có những điều ở bên đó em không hề tâm sự được với ai. Em ước gì cả nhà mình được ở gần nhau! Nghe em nói, anh thấy thương em vô cùng, lại thấy em bây giờ trưởng thành nhiều lắm. Em gặp lại đám bạn bè cũ hồi còn nhỏ, lúc em còn học ở đây. Em đi chơi suốt ngày với bạn, về nhà kể với anh là tụi nó vui quá trời. mắt ngời sáng long lanh. Trong đám bạn cũ, em thân nhất với Hòa, thằng bé mà hồi còn học mẫu giáo, có lần em rủ nó đi bộ từ trường mẫu giáo về nhà nội cách đó chừng hai cây số. Trong suy nghĩ của con bé sớm có đầu óc độc lập như em, mới chỉ năm tuổi mà tự đi về từ trường mẫu giáo về nhà nội không cần người lớn dắt tay là một thành tích. Đâu biết em làm như vậy là báo hại cả ba, cả mẹ đi tìm em muốn chết, anh thì nhòe nhoẹt nước mắt nước mũi vì sợ người ta bắt mất em. Anh còn nhớ hôm đó, khi bắt gặp em đang ung dung ngồi gặm bắp nướng trước hiên nhà nội, mẹ đã phát cho em một trận nhớ đời. Nhớ ánh mắt em khi bị mẹ phát vào mông vẫn còn ngơ ngác lắm, chừng như không hiểu tại sao mình không được khen mà lại bị đòn... Hòa bây giờ lớn bộn (cũng như em), cao to, đẹp trai, với ánh mắt lơi lả của một thằng con trai ít nhiều ý thức được sự hấp dẫn ở vẻ bề ngoài của mình. Em đi chơi với Hòa suốt, về nhà cười nói luôn miệng, hỏi anh là anh có thấy Hòa lớn lên đẹp trai không, còn xa xôi nói là chắc sau này, em sẽ về Việt Nam lấy chồng. Tự nhiên anh thấy không thích Hòa, mơ hồ cảm thấy như là cô em gái bé bỏng "cành vàng lá ngọc" của mình sẽ khổ nếu dính phải với Hòa, bởi cái vẻ lơi lả của Hòa, quên rằng em đã mười chín tuổi, cái tuổi có thể tự quyết định cuộc đời mình, quên rằng anh lo như vậy là xa xôi quá, năm nay em mới bước vào Đại học, còn phải một thời gian rất lâu, qua rất nhiều thay đổi, mới tới lúc em lấy chồng (!). Anh bóng gió nói với em về Hòa, em cười cười hỏi là có phải anh không thích Hòa. Anh lúng búng một hồi, em lại cười: Như vậy là anh thương em chứ không phải là anh không thích Hòa. Em với Hòa chỉ là bạn thôi, em đâu có yêu linh tinh, dễ dàng vậy. Em còn nói thêm một câu làm anh nhẹ lòng kinh khủng: Em là con gái Việt Nam mà, đâu phải Tây! Một tháng em ở nhà, anh dành thời gian đưa em đi chơi chỗ này chỗ nọ, dành thời gian ở nhà nhiều hơn với em, vẫn chưa thấy mình làm dược gì cho em, chưa kịp nói gì với em thì đã đến ngày em đi lại. Em về một tháng, anh thấy ba vui nhiều, ánh mắt ba dường như trẻ lại. Anh giúp em đi mua sắm loanh quanh, hai anh em cùng đi chọn quà mua sắm cho mẹ là một bộ áo dài và nón lá Việt Nam, làm một ít đồ ăn khô em mang qua bên đó để dành ăn dần. Em còn rủ anh đi chọn mấy CD nhạc Việt mang qua nghe. Mới ngày đầu tiên em về, anh dẫn em đi nghe ca nhạc, thấy người ta vỗ tay ào ào hoan hô một cô ca sĩ, em còn hỏi anh là hát như vậy là hay phải không, mà chỉ một tháng ở Việt Nam, em đã thuộc tên Lam Trường, Mỹ Linh, Thu Phương..., những Tình thôi xót xa, Tóc ngắn, Mắt buồn... vanh vách. Em nói chỗ mẹ và em ở, không có người Việt, em mà mang mấy thứ này qua, chắc mẹ mừng lắm. Thời gian ở bên em càng lúc càng ngắn lại, buổi chiều giúp em sắp đặt đồ đạc vào va-li, anh nghe mắt mình rưng rưng một nỗi chia xa, lòng buồn thấm thía hơn so với lần tiễn em ra đi cách đây mười năm, dù em hẹn chắc chắn với ba và anh là nhất định qua bên đó, em sẽ để dành tiền để hè sang năm về Việt Nam lại. Buổi tối trước ngày lên máy bay, em xin phép ba với anh cho em đi chơi loanh quanh thành phố với Hòa, còn một đêm cuối cùng em ở Việt Nam. Em nói là đi uống cà phê và đi lòng vòng quanh phố mà mãi đến gần hai giờ sáng em mới về, tóc ướt đẫm sương. Ba với anh ở nhà lo đến thắt ruột, không ai dám nhìn ai, không ai dám nói với ai một lời. Khi nghe tiếng xe Hòa chở em về đến ngõ, lồng ngực anh thở phào nhẹ nhõm, anh lại thấy giận em kinh khủng, định bụng sẽ la cho em một trận đáng đời, nhưng nhìn thấy em, nụ cười hồn nhiên hối lỗi, em giải thích là em ở lại coi cầu Sông Hàn quay, khuya quá, không biết cách nào gọi điện thoại về nhà, mọi nghi ngại trong anh tan biến hết. Anh nhớ sực ra đúng là khoảng gần 2 giờ sáng, cầu Sông Hàn mới quay cho tàu qua, sực nhớ luôn cả lần nói chuyện phiếm tình cờ giữa hai anh em, em kể là bên đó, vào những ngày nghỉ cuối tuần, em đi chơi với tụi bạn đến hai ba giờ sáng mới về. Vì ban đêm chỗ em ở, mặt trời hơn chín giờ đêm mới lặn và ngày làm việc thì bắt đầu lúc mười giờ sáng... Anh thảng thốt nhận ra rằng mình cũng chỉ còn một đêm được ở cùng với em dưới một mái nhà, chỉ còn có đêm nay ngồi thức khuya chờ em ham chơi về khuya và lo lắng cho em, đứa em gái bé bỏng của anh... Chỉ còn có đêm nay thôi. Ngày mai, em đi rồi....