1. Thùy nói: "Hè này, tụi mình phải đi học thêm Anh văn thi Đại học. Mẹ tao nói cứ ăn chơi dài dài thế này, sang năm thi rớt cả nút.". Khuyên dài giọng: "Nói như kiểu mẹ con Thùy, làm như tụi mình ăn chơi dữ lắm. Chỉ mình con Thùy ăn chơi thì có chứ tao với mầy thì hiền thí mồ đi được, Ngàn há?". Nhìn Thùy đang phồng mang trợn mắt nhìn Khuyên, tôi đoán nó phải ăn tươi nuốt sống Khuyên mới đã nư, vội can: "Thôi, tụi bây bớt nóng tính lại đi, bàn chuyện học hành đã.". Thùy chỉ... chờ có vậy thôi nên vừa nghe tôi nói, dịu giọng liền: "Tao nể lời con Ngàn đó, chứ không thì..." trong khi Khuyên đang lè lưỡi chọc tức nó... Buổi chiều, trong khu vườn nhà Thùy vắng vẻ lạ. Cả khu vườn cây ăn trái rộng thênh ở Thủ Đức, "thánh đường" của bộ ba chúng tôi vào những ngày hè, lúc này chỉ nghe tiếng gió, tiếng lá cây xào xạt và tiếng chim hót lơ đãng đâu đó. Khuyên che miệng ngáp: "Trời nóng như thế này mà chui vô mấy lớp học thêm, đúng là quá tội.". Tôi giả bộ vơ vẩn nhìn mấy giọt nắng lấp lóa trên vòm lá xanh thẫm: "Chứ làm sao đây, học thì phải khổ thôi. Nhà tao nghèo, cực khổ mấy cũng chịu được, chỉ sợ con Khuyên, sống máy lạnh quen rồi...". Khuyên quay lại đấm thùm thụp vào vai tôi, tiếng cười khanh khách vang lên rộn cả một góc vườn... Thùy đang nằm trên một chạc cây ba chỉa bỗng ngồi nhổm dậy: "Sao tụi mình không kiếm thầy dạy thêm về học ở nhà tao?". Một ý kiến tuyệt vời, dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý ngay lắp tự... 2. Thầy đến một hôm sau ngày mẩu "Cần tìm..." của chúng tôi đăng trên báo, sáng kiến của con Khuyên văn sĩ, nhân vật duy nhất trong bộ ba chuyên có tên trong mục "Bài nhận được" của mấy tờ báo học trò. Khuyên vênh mặt: "Tụi bây thấy sáng kiến của tao hiệu quả chưa? Tìm được thầy vừa dạy hay vừa đẹp trai vừa trẻ vừa chưa có bồ.". Đó là khi ba đứa chúng tôi đã hơi... thân thân với thầy, chứ ngày đầu tiên thầy xuất hiện, với áo bỏ quần thẳng nếp, vẻ mặt nghiêm nghị đăm đăm, không riêng gì Khuyên, cả tôi và Thùy cũng "rét" thầy. Mẹ Thùy thỉnh thoảng tạt qua chỗ "lớp học" của ba đứa, gật gù: "Thầy phải nghiêm với tụi này mới được chứ không thì..." trong lúc ba cái miệng đang giả đò khổ sở rên rỉ: "Oan cho tụi con quá.". Mẹ của Thùy cười xòa: "Mấy cô chỉ được cái giả bộ là hay.", thầy cũng cười, nụ cười bẽn lẽn, trông ngồ ngộ... Thầy đang là sinh viên Khoa Anh trường Đại học Sư Phạm thành phố, nghỉ hè kiếm việc làm thêm chờ năm học mới. Chỉ mới là sinh viên nhưng kiến thức của thầy ác chiến, lại tận tâm nên chúng tôi đứa nào cũng khoái thầy. Thầy không những "siêu" Anh văn mà mỗi khi gặp mấy bài toán hóc búa, mấy đề văn khó xơi, thầy đều giúp chúng tôi giải quyết rốt ráo. Khuyên phát biểu: "Học với thầy thì cho tao cả đời đi học tao cũng không ngán.". Tôi chọc Khuyên: "Coi mòi con nhỏ này muốn theo thầy về An Giang học riêng với thầy rồi đó...". Khuyên la bai bải: "Tao không có ý đó đâu, mầy là chúa suy diễn." rượt tôi chạy lòng vòng quanh khu vườn nhà Thùy. Thùy ngồi cười mím chi nhìn hai đứa tôi rượt nhau, không nói gì, vẻ mặt trông mơ màng chi lạ... 3. Thấm thoát, vậy là đã hơn một năm, chúng tôi học với thầy. Vẻ nghiêm nghị thường trực trên mặt thầy của những ngày đầu biến mất, bây giờ chúng tôi còn thấy thầy hiền lành, dễ gần nữa là khác, như một ông anh lớn của ba đứa. Có lúc, chúng tôi còn bạo gan ghép đôi thầy với đứa này đứa nọ trong nhóm, thầy cũng chỉ cười mà không nói chi, trong ánh mắt có chút bối rối khó hiểu. Khuyên bình luận: "Chắc thầy chưa có bồ.". Tôi thì đoán già đoán non: "Nhất định thầy phải để ý một trong ba đứa tụi mình, vừa đẹp... gái, vừa học giỏi nè.". Chả là tôi chế lại câu "con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi" mà mọi người hay nói cho phù hợp với "hoàn cảnh". Khuyên cười ré lên: "Chắc thầy không để ý tao đâu!". Tôi cũng cười: "Tao cũng không được vinh hạnh này." vừa nói vừa liếc Thùy. Những lúc "bình loạn" như vậy Thùy không bao giờ tham gia, chỉ làu bàu: "Tụi bây nhiều chuyện quá!". Thùy la Khuyên với tôi "nhiều chuyện" mà sao nhìn mặt nó, tôi chẳng thấy có vẻ gì là bực bội trách móc cả.... Nhờ học với thầy, môn Anh văn chúng tôi ở lớp đã khá lên nhiều. Hôm cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" được tổ chức ở thành phố, cả ba đứa rủ nhau đi coi, ủng hộ cho một anh lớp mười hai đại diện cho trường chúng tôi đi thi. Có một câu hỏi tiếng Anh dành cho khán giả, Thùy giơ tay và trả lời ngon ơ, được chị Tùng Chi tặng quà lưu niệm. Lúc nó đứng lên trả lời câu hỏi, tôi với Khuyên ngồi bên cạnh nó la hét hoan hô nó quá trời. Thùy làm chúng tôi vênh mặt lên hãnh diện, vì có được một đứa bạn giỏi giang đến vậy. Hôm Đài truyền hình phát lại chương trình đó trên ti-vi, tôi với Khuyên quê ơi là quê, vì nhìn Thùy đứng lên cầm micro điệu đàng, xinh xắn bao nhiêu, thì bên cạnh là tôi với Khuyên chỉ toàn răng với răng, trông chẳng giống ai. Thầy coi ti ti, vui lắm, thầy khen Thùy quá trời, thầy nói với đà này, mai mốt ba đứa sẽ "vào đẹp" Đại học, thầy còn hứa có quà cho ba đứa khi thi đậu... 4. Thầy từ giã chúng tôi về quê lúc ba đứa vừa thi Đại học xong. Thùy thi Sư Phạm vì muốn sống gần mãi với lứa tuổi học trò, Khuyên thi vào Ngoại Thương, cái miệng nó lách chách cả ngày, chắc hợp với thương trường lắm, tôi thì thích làm hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu phong cảnh đẹp của thành phố quê mình ba trăm năm với bè bạn năm châu nên thi ngành Kinh tế du lịch. Toàn là những ước mơ cao cả! Riêng Thùy, tôi biết Thùy còn ôm ấp một ước mơ khác: nó muốn được làm cùng nghề như thầy, muốn được như thầy... Thầy về quê, Thùy là đứa chăm viết thư cho thầy nhất, luôn miệng nhắc đến thầy với vẻ đầy trầm ngâm: "Chờ đến lúc nhập học thầy mới lên lại, lâu quá tụi bây há?". Tôi và Khuyên cũng... nhớ thầy, chẳng còn hứng thú đâu mà chọc Thùy nữa... Ngày chúng tôi có kết quả đậu Đại học, ba đứa vui như hội, hùn tiền tổ chức ăn mừng thật to ở quán bánh tôm Kỳ Đồng rồi kéo vô Đầm Sen đạp vịt, tối còn coi ca nhạc, uống cà phê ở phòng trà ATB. Chúng tôi cử Thùy viết thư báo tin thi đậu cho thầy mừng, rồi mời thầy lên thành phố dự liên hoan với ba đứa. Thầy đã không lên được, chỉ viết thư chia vui cùng chúng tôi, "quê thầy lúc này mùa màng bận rộn lắm..." hẹn chúng tôi một dịp khác vào đầu năm học. Thầy còn gọi Thùy là "đồng nghiệp tương lai của thầy", Khuyên là "nữ doanh nhân tương lai" và tôi, "hướng dẫn viên du lịch của thế kỷ XXI". Đọc thư thầy, đứa nào cũng thấy như mình lớn đến nơi rồi, lại buồn năm phút vì không có thầy cùng dự liên hoan mừng thi đậu. Khuyên lại nảy ra sáng kiến: "Đợi mai mốt tới 20 tháng 11, tụi mình gây cho thầy bất ngờ luôn." Khuyên vạch chương trình sẽ tặng thầy một bộ áo quần, cà vạt thật oách để mai mốt thầy ra trường, đi dạy thực thụ, sẽ rủ thầy về Biên Hòa ghé nhà bà nội nó chơi, leo núi Bửu Long. Nhớ lại 20 tháng 11 năm rồi, chúng tôi con nít gì đâu, ba đứa bàn nhau mua bánh kẹo tặng thầy, thầy khui ra tại chỗ, rốt cuộc bánh kẹo chủ yếu vô bụng chúng tôi, thầy chẳng có cái gì giữ lại làm kỷ niệm... 5. Thầy đã không lên thành phố được để nhận bộ áo quần, cà vạt thật oách chúng tôi tặng để khi ra trường mặc đi dạy, cũng không leo núi Bửu Long chơi với chúng tôi nhân ngày 20 tháng 11. Cả ba đứa đều sững sờ khi đầu tháng 9 ghé lại ký túc xá trường hỏi thăm thầy. Bạn thầy kể: Trong cơn lũ ở đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hè vừa rồi, nhà thầy bị lũ cuốn trôi, gia đình thầy đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Ba thầy mất do bị lũ cuốn, thầy bây giờ là lao động chính với gánh nặng mẹ già đang bệnh và bầy em bốn đứa, không thể trở lại trường tiếp tục chuyện học hành. Bạn bè thầy đã tìm mọi cách giúp đỡ để thầy có thể học tiếp nhưng cuộc sống của thầy bây giờ không phải chỉ cho riêng thầy. Chúng tôi nghe kể mà thấy mình đang sung sướng rất nhiều, lâu nay mình sống vô tình với người chung quanh mà mình đâu hề biết, cả thầy là người gần nhất mà cũng tỏ ra vô tình với thầy quá... Thùy khóc thút thít: "Làm sao bây giờ? Sao thầy khổ quá, thầy ơi!". Tôi cố gắng an ủi Thùy trong khi chính tôi cũng đâu hơn gì nó, tiếng nấc nghẹn cố kìm trong cổ họng. Chỉ có Khuyên, bất ngờ nảy ra sáng kiến một cách rất đúng lúc: "Tụi bây đừng khóc nữa, sao tụi mình không hỏi thăm địa chỉ của thầy để xuống thăm thầy một chuyến?". "Ừ há! Tuần sau đi thăm thầy đi!", tôi với Thùy nhao nhao đồng ý, mắt chưa hết những giọt lóng lánh thương thầy... Chúng tôi vẫn dặn lòng, sau này, dù có thành cô giáo, nữ doanh nhân, hướng dẫn viên du lịch tương lai hay là gì đi nữa thì hình ảnh thầy, người thầy-giáo-chưa-tốt-nghiệp sẽ sống mãi trong tâm hồn chúng tôi, là điểm sáng trong chuỗi kỷ niệm khó quên của thời học trò hoa mộng...