1. Tôi vào lại Sài Gòn trong một chuyến đi bất ngờ, không hề dự tính trước, hoàn toàn vì công việc, sau gần sáu năm xa cách. Anh Hạo, khi bàn giao công việc cho tôi trước chuyến đi, vỗ vai thân tình: "Nếu mọi chuyện tốt đẹp, Mẫn có thể ở lại trong đó chơi vài ngày, thăm bạn bè, người yêu cũ." kèm theo một cái nheo mắt. Tôi cười: "Em đã book vé Thứ Hai đi, Thứ Tư về, sao anh không nói sớm hơn.". Chi, trên đường đưa tôi ra sân bay, dặn: "Anh vô trong đó, coi có cái gì đó hay hay thì mua về cho em!". Cái gì đó hay hay của Chi là một cái kẹp tóc, hay một bộ dụng cụ làm bếp đầy rẫy ở các siêu thị Sài Gòn. Chi nói mà không hề nhìn mặt tôi, không biết lời dặn dò này của Chi làm tôi buồn lòng, như thể Chi không dặn dò gì thì tôi sẽ không hề nhớ đến Chi. Con đường dẫn ra sân bay có một đoạn đang được tráng nhựa lại, nắng, gió, và bụi tung mù mịt. Tôi chầm chậm đưa khăn tay lên chậm mắt, cay xè, mà hình như không phải vì bụi.
Sài Gòn đón tôi bằng cái nóng ghê người, ba mươi mốt độ rưỡi. Tôi ngã người khoan khoái trên chiếc taxi về khách sạn, chiếc taxi sơn độc một màu vàng vọt, người tài xế kính cẩn mở cửa, đóng cửa xe khi tôi bước lên, bước xuống. Khách sạn ở ngay trung tâm, cách chỗ tôi làm việc chưa đầy nửa cây số, máy lạnh mát rượi, thảm lót sàn êm như nhung, cũng những nhân viên phục vụ mở cửa, đóng cửa, và giúp mang hành lý lên phòng. Tôi cố để không tỏ ra ngượng nghịu, những tiện nghi phục vụ chu đáo này ngày thường tôi có mơ cũng đâu thấy được, trong đầu đang có tiếng tậc lưỡi: tiền trong tiêu chuẩn công tác, cơ quan chịu hết, có mất mát gì của mình. Nhìn bộ vó của tôi bây giờ, cà vạt, giày da bóng lộn, Samsonite sang trọng, điện thoại di động giắt lưng, có ai nghĩ là lột bộ vó này ra, tôi về ở nhà thuê, một căn gác, ẩm thấp, mùa hè nóng như một cái lò bánh mì. Cũng đâu ai biết được tôi đang phải dành dụm từng đồng để tìm cho được một chỗ ở của riêng mình, cho một đám cưới mà Chi đang từng ngày chờ đợi. Mà ngày thì vẫn trôi đi với viễn cảnh sống chung mãi hoài chỉ là dự tính...
2. Buổi tối rảnh rỗi đầu tiên ở Sài Gòn, tôi nằm dài ở phòng khách sạn, mát lạnh, mắt đăm đăm nhìn vào kênh âm nhạc MTV trên ti vi khách sạn, đầu óc như không nghĩ ngợi, không còn nhớ gì, trống rỗng. Đúng tám giờ thì tôi vùng dậy, phone cho Đạt. Đạt là bạn cũ của tôi, thời đi học chơi với nhau khá thân, bây giờ đang làm ở một công ty quảng cáo của Mỹ. Đạt không phải là đứa tôi không nhớ đến khi có dịp vào lại Sài Gòn, nhưng gặp nhau để nghe nó hỏi thăm, để thấy cuộc sống của nó bây giờ với mình khác nhau nhiều quá là điều tôi không hề muốn. Xem ra, cục mặc cảm nghèo khó trong tôi lúc nào cũng to, nhưng tối nay, tôi thèm gặp Đạt quá, lâu lắm rồi không gặp nhau. Chưa đầy mười phút sau cú phone của tôi, hai vợ chồng Đạt, mỗi đứa mỗi xe phóng đến, vừa ló mặt đến quầy lễ tân khách sạn đã cười ha hả. Hà, vợ Đạt, hoa khôi của lớp tôi ngày xưa, hồ hởi: "Lâu quá mới lại được gặp Mẫn, tụi này mừng ghê.". Đạt, trông chững chạc hơn nhiều, mập phệ, ra dáng thành đạt, mừng rỡ ôm vai tôi: "Mầy sao gầy quá?" rồi kéo tay tôi: "Đi, đi một vòng, kiếm chỗ nào đó nói chuyện chơi.". Rồi Đạt chở Hà, giao một xe cho tôi, lòng vòng qua những con đường người xe vun vút, những con đường ngày xưa tôi quen thuộc lắm, bây giờ lại thấy mình như kẻ lạ.
Một chỗ nào đó ngồi nói chuyện chơi mà Đạt và Hà chọn là một tea-room sang trọng ở góc đường Hàm Nghi, nằm trên gác hai của một căn nhà cao tầng. Đạt nói với tôi: "Tao vẫn còn nhớ gu của mầy, chỗ này yên tĩnh, nghe nhạc thích lắm!". Khi chúng tôi vào, trên sân khấu nhỏ đặt giữa khán phòng trang trí bằng vô số những hình ảnh vẽ cách điệu cảnh đồng quê Việt Nam, một cô ca sĩ trẻ mặc áo dài, tóc dài rẽ xuống hai bên vai, đang hát: " Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em...". Đèn sân khấu chiếu vào mặt cô một thứ ánh sáng xanh bệch làm cô trông giống một pho tượng, có vẻ hư thực. Bài hát này ngày xưa có lần My bắt tôi tập để hát tặng My nhân sinh nhật mười chín tuổi. Tôi chợt nhớ đến My, cách đây mấy năm, My đã theo chồng về một xứ sở xa lạ nào đó, một đời sống êm đềm với những đứa con lai kháu khỉnh chờ đón, không biết bây giờ, My có còn nhớ bài hát một thời mộng mị. Chuyện tình ngày xưa với My, và những kỷ niệm cũ, với tôi, cũng giống như một cơn mộng mị, bởi nó đẹp và tan biến nhanh. Mà có ai có thể sống trong mộng mị được suốt dời...
Cô phục vụ mang lại một cái menu đồ uống, tôi chọn một món cocktail rẻ tiền nhất có cái tên là lạ "Bare Foot: 4,7 USD/ly", Đạt gọi một ly Henessy và cho Hà một ly cocktail nhiều màu có cắm một chiếc dù nhỏ. Nhìn sơ qua giá trên menu, tôi biết Đạt sẽ trả một khoản bằng một phần ba lương tháng của tôi, không ít hơn. Thỉnh thoảng ở Đà Nẵng, tôi vẫn đi tiếp khách cơ quan ở chỗ này, chỗ nọ, tiền bạc cơ quan lo, lần nào nhìn vào hóa đơn, tôi vẫn thấy như có một cái nhói người. Trưa mai, trong một bữa cơm thân mật mời đối tác, cũng sẽ là những khung cảnh sang trọng đến choáng ngợp, cũng những khuôn mặt viên mãn, no đủ, và những hóa đơn với khoản tiền kếch xù tính bằng đô la. Tôi không biết là sau này, khi mình giàu có lên, những ý nghĩ tủn mủn vụn vặt như thế này có còn, nhưng lúc này, chỉ tổ làm day thêm trong tôi cục mặc cảm nghèo khó. Tôi ngồi đây, cảm thấy thật khó khăn để nói chuyện với vợ chồng Đạt một cách cởi mở. Đạt nói như phân trần để tôi yên lòng: "Lâu lâu có dịp, tụi tao mới vào đây, chứ ngày nào cũng thế này thì có nước bán nhà sớm.".
Câu chuyện cứ trôi đi theo một chiều hướng nhạt nhẽo, chỉ nóng lên khi Đạt nhắc lại đám bạn cũ và những kỷ niệm thời sinh viên. Hà cười suốt buổi, thỉnh thoảng phụ họa theo chồng những chi tiết Đạt quên. Đạt vui vẻ: "Lâu quá, tao mới có dịp được sống thật lòng như thế này. Hằng ngày, lúc nào cũng phải giữ mình, dè chừng trong quan hệ làm ăn, tao chán lắm.". Hà quan tâm tới chuyện khác: "Sao Mẫn không lấy vợ, My đi rồi, không lẽ ở hoài vậy sao?". Tôi trả lời gượng gạo: "Chắc cũng sắp, cô ấy tên Chi." rồi một điều tự nhiên như cây cỏ, tôi nhớ đến Chi. Chi dường như thuộc về một thế giới khác hẳn với Đạt và Hà, càng khác xa với My, nửa căn cơ, nửa phù phiếm một cách rất đàn bà và hiền lành. Tôi chọn Chi bởi bên Chi, tôi thấy bình yên. Chợt nhớ: ngày mai, tôi sẽ tranh thủ mua quà cho Chi, một cái gì đó hay hay và rẻ tiền là đúng ý Chi, Chi sẽ vui. Tôi thấy mình thật có lỗi khi đem so sánh Chi với Đạt, với Hà, với My, với những gì không thuộc về Chi rồi thấy sao mà tội nghiệp tôi vô cùng...
Lúc đưa tôi về khách sạn, Hà hẹn: "Tối mai Mẫn còn ở đây, tụi mình đi uống cà phê ở tòa nhà ba mươi ba tầng?". Đạt nói thêm: "Ngồi trên đó nhìn xuống thành phố dưới này, hay lắm!". Tôi cười: "Thành thật cám ơn hai người. Tối mai Mẫn bận rồi!". Hà chép miệng tiếc rẻ: "Vậy thì Đạt, Hà chia tay Mẫn ở đây. Mẫn về ngoài đó vui. Cưới vợ, báo tin sớm cho tụi này ra chơi!". Tôi gật đầu: "Chắc chắn!" rồi nghĩ chắc là tôi sẽ không mời hai bạn đâu, cảm thấy là mình thật tệ, cả vô lý nữa nhưng lại thấy là không thể khác đi được...
3. Bằng một cách nào đó, Tiến biết tôi đang ở Sài Gòn. Tiến phone cho tôi theo số máy điện thoại di động, giọng trách móc: "Sao mày vào Sài Gòn mà không báo tin cho tao biết? Sao không về Biên Hòa chơi?". Lúc Tiến phone là vào khoảng bốn giờ chiều, tôi đang loanh quanh trong một hiệu sách nơi đường Nguyễn Huệ: "Tao đi công tác, gấp lắm, chắc là không ghé thăm mầy được. Thôi, để dịp khác!". Tiến văng tục: "Mầy nói như c., hai giờ nữa tụi tao sẽ xuống Sài Gòn, tao và Kiên. Mầy ở đâu?". Tôi nói tên khách sạn và nơi hẹn gặp Tiến. Tiến, Kiên là bạn cùng ở ký túc xá với tôi thời sinh viên, không học cùng lớp nhưng ở cùng phòng, thân nhau như anh em ruột. Cả Tiến và Kiên đang sống ở Biên Hòa, cách Sài Gòn ba chục cây số, mất một giờ đi xe máy. Tôi thấy cảm động, Tiến là vậy, bổ bã nhưng chân thành. Ít ra, tôi sẽ không có một buổi tối nằm chèo queo ở khách sạn, một mình với kênh âm nhạc MTV ồn ào, giậm giựt.
Đúng sáu giờ, chuông điện thoại trong phòng tôi reo. Giọng Tiến. Tôi hỏi: "Mầy đang ở đâu?". "Tao với Kiên đang đứng trước khách sạn mầy ở." Tôi nôn nóng: "Sao không lên đây?". Tiến nửa đùa nửa thật, vẫn giọng nói bổ bã thường ngày nhưng sao khó nghe quá: "Khách sạn của mầy sang trọng bỏ mẹ, hai thằng tao mà lên nó phí đi, không xứng.". Tôi đấu dịu: "Thôi được, tao xuống bây giờ đây. ", biết là Tiến đùa nhưng vẫn thấy buồn. Suy cho cùng, ở một chỗ sang trọng thì đâu phải là một cái tội. Tôi thấy nhớ thằng Tiến của ngày xưa, bổ bã thật đấy nhưng ăn nói đâu có cay độc như bây giờ.
Ba thằng kéo nhau vào một quán nhậu ven đường, Tiến gọi một xị rượu đế và dĩa gân bò hầm. Tôi giao hẹn trước: "Tao không uống được nhiều đâu!". Tiến nhìn tôi cười, mà sao trong mắt Tiến như có tia vằn: "Thằng Mẫn dạo này uống rượu Tây quen, đâu chơi được thứ này!.". Kiên đấu dịu: "Thôi, nâng ly đi, mừng sức khỏe và mừng gặp lại.", cầm đũa gắp một miếng gân bò: "Ăn thứ này để nhớ ngày gian khổ. Mầy còn nhớ nồi cháo gân bò bà Ba Khía ở phía sau trường không Mẫn?". Tôi gật đầu: "Hồi đó, hôm nào lĩnh học bổng, ra mần một tô cháo bò, cho thật nhiều gừng, đời không còn gì để mơ ước.". Kiên trầm ngâm kể: "Sau này có lần đi qua trường, tao đĩnh đạc ghé vào gọi một tô cháo gân bò thật to, không còn thấy ngon, chỉ thấy hôi rình mùi bò. Tao không biết là do bà Ba nấu cháo dở đi, hay mình dở đi, có rủng rỉnh chút tiền là quên mất đi thời gian khổ.". Kiên chỉ kể chuyện như mọi câu chuyện bình thường khác mà sao tôi nghe giọng Kiên có chút sũng nước.
Tiến nâng ly: "Thôi, uống đi. Lâu ngày gặp nhau, thằng Kiên cứ nhắc chuyện cũ, nghe chán bỏ mẹ. Nói chuyện gì vui vui đi." quay sang vỗ vai tôi: "Hơn ba chục tuổi, già rồi chứ không còn nhỏ nhít gì đâu. Khi nào cưới vợ?". Tôi nghĩ đến Chi, nhớ vẻ mặt hiền lành một cách tủn mủn của Chi: "Đang quen một em, con nhà lành, công nhân may.". Tiến tỏ ra quan tâm: "Mầy có mang theo ảnh, cho tụi tao xem mặt!". Tôi rút cái ví da từ sau túi quần ra đưa Tiến, cái ví da có lần Chi tặng tôi khi thấy cái ví cũ của tôi rách bem, khi mua về đã tẩn mẩn cắt cái ảnh đẹp nhất dán vào, dặn: "Để lúc nào cũng có em ở bên anh!". Tiến ngắm nghía hình Chi, đưa cho Kiên, nhận xét: "Trông hiền lành, được đấy! Cưới cho rồi, đừng làm khổ con người ta nữa." rồi bô bô bày tỏ quan điểm: "Tao cũng chỉ ước mơ thế này thôi, cưói vợ là bà này bà nọ mà làm gì, chỉ tổ về làm tôi mọi cho nó.". Kiên đưa trả cái ví da lại cho tôi: "Tháng sau là đám cưới tao, cuối năm nay là đến thằng Tiến. Mẹ tao ở nhà giục quá, ngày nào cũng giục. Liệu mầy có thu xếp vào dự được?". Tôi tính nhẩm một con số, ngập ngừng, như thể mình là thằng có lỗi: "Chắc là tao không vào được, tụi mầy thông cảm cho tao!". Tiến lại nâng ly: "Uống đi, băn khoăn mà làm quái gì. Ở hoàn cảnh mầy bây giờ, tụi tao cũng vậy thôi, tiền đâu mà bỏ cả triệu bạc từ Đà Nẵng vào Sài Gòn ăn cưới. Tụi tao hiểu mầy mà!". Tiến lúc này mới thực sự là thằng Tiến chí tình, tự nhiên tôi thấy mắt mình cay cay. Tôi muốn nói một điều gì đó với Tiến, với Kiên nhưng rồi lại thấy có nói gì cũng quá thừa. Sự thiếu thốn tiền bạc, đôi khi làm cho con người ta sống ít tình cảm với nhau hơn, dù lòng đâu hề muốn thế.
4. Công việc rồi cũng hoàn tất mỹ mãn, đúng như mong đợi và tôi không còn việc gì ở thành phố này nữa. Ngày Thứ Tư, đúng dự định, tôi ra sân bay lúc mười hai giờ trưa, chuyến bay vào lúc bốn giờ chiều, phải ra sớm như vậy vì sau mười hai giờ trưa, khách sạn sẽ tính thêm tiền. Giờ này, Đạt, Hà bận đi làm, không tiễn tôi được, mà tôi cũng không thích tiễn đưa, chỉ biết chào tạm biệt nhau qua điện thoại. Tiến với Kiên về lại Biên Hòa ngay đêm qua. Lúc chia tay nhau, Kiên nói: "Tụi tao chỉ xuống gặp mầy một chút vậy thôi, phải về để ngày mai đi làm sớm. Có gì, tin cho tụi tao biết.". Tiến kéo dài giọng khệ khạ như người say nhưng thật ra rất tỉnh: "Lần sau vào Sài Gòn mà mầy còn trốn thế này thì tao xuống cắt cổ.". Tôi cười: "Tao biết tội của tao rồi." chợt thấy buồn vì biết nếu không có dịp đi công tác, tự tôi cũng khó lòng vào được Sài Gòn đơn thuần chỉ để đi chơi, thăm viếng bạn bè.
Chuyến bay dời lại hai tiếng đồng hồ, vì một trục trặc kỹ thuật gì đó, Hàng Không Việt Nam thì thoảng vẫn trễ máy bay với lời xin lỗi và giải thích bằng hai thứ tiếng Việt và Anh lúc nào cũng giống hệt nhau. Tôi có thêm hai tiếng đồng hồ loanh quanh ở sân bay, lội quanh các shop bán hàng lưu niệm, mua cho Chi một lọ nước hoa ngoại bé tí với giá bán ghi bằng đô la. Từ lúc quen nhau đến giờ, chưa lần nào Chi dùng nước hoa, Chi nói Chi không thích nước hoa nhưng tôi thừa hiểu là Chi không dám phung phí một khoản tiền lớn vào những khoản xa xỉ. Tôi gỡ mảnh stick ghi giá tiền trên lọ nước hoa, vất đi, biết là dù có hạ giá tiền xuống bao nhiêu lần để nói dối Chi, Chi cũng sẽ ca cẩm tôi hoang phí cho mà xem.
Lúc máy bay cất cánh, trời đã sẫm tối. Từ trên cao nhìn xuống, Sài Gòn với cơ man là đèn sáng nhấp nháy, giống như một tấm thảm đẹp tuyệt vời có đính những viên kim cương lấp lánh. Cô tiếp viên xinh xắn nhắc tôi thắt dây an toàn, tôi nhìn khung cảnh êm đềm trên máy bay, hít một hơi thở dài rồi nhắm mắt lại, mơ hồ ước ao được nằm duỗi dài trên tấm thảm kim cương lấp lánh dưới kia mà ngủ một giấc thật say, quên hết những lo toan, buồn đau và hệ lụy của cuộc đời. Được thế, quả không còn gì sướng hơn!
Đà Nẵng, 20/04/1999

Xem Tiếp: ----