Thằng Tệch trải miếng bố xuống nền xi-măng, ngáp dài. Nó dòm qua nhà bên kia đường. Đèn sáng hực. Có cô con gái tóc quăn úp sách trên ngực, nằm mơ màng. Thằng Cảo ngồi khoanh tay rế, chép miệng:
- Lớn quá mà còn đi học há.
- Hứ! Thì người ta có tiền. Mà sao mày biết y có đi học?
- Tao gặp ở trước cửa trường Nam-Cường hoài.
Tệch cổi áo giũ sột soạt hỏi:
- Mầy thích đi học lắm hả?
- Học mà không thích thì thích cái gì mậy?
Tệch hả cái miệng rộng huệch cười:
- Tao đâu có cần đi học mà tao cũng biết đủ. Nè! Sơ-vanh là con ngựa. Lơ bốp là con bò. Lơ...
- Dở! Mầy dở nhiều. Chữ đó xưa rồi. Nghe tao đọc chữ mới đây: Đờ gượt, đờ bồi, đờ tít-sơ, đờ bờ-lắc bô, đờ cà-lách rum, đờ...
- Đọc cái con quỉ gì vậy?
Tệch lại ngáp:
- Ối! Hơi đâu nói mầy hỏi. Tao thì cái gì cũng biết. Bỏ qua nho tao cũng đầy ruột: Nhơn chi sơ tay rờ cơm nguội, tánh bổn thiện cái miệng đòi ăn...
Thằng cảo nuốt nước miếng cái ực:
- Ờ! phải có cơm nguội mà rờ cũng đỡ. Mầy đọc hai câu nho đó sao tao nghe nó trúng ngay cái tâm của tao lúc nầy quá trời.
Câu chuyện trong bóng tối tới đó im ngang. Có lẽ nghe nhắc tới cơm, tụi nó đang ngồi tưởng tượng.
Lâu lắm mới nghe giọng nhừa nhựa của thằng Cảo cất lên:
- Tao còn năm đồng để dành tính góp nhóp mua cái quần cụt. Hay là tụi mình quất rụm mẹ nó đi. "Bi nhiêu" cũng không đủ vô đâu. Nghèo cho nó mạt luôn một thể.
Thằng Tệch thở ra nhè nhẹ, ngẫm nghĩ một chút mới trả lời:
- Tao nói vậy chớ không mấy đói. Hồi xế thằng cha thợ hồ có cho tao một tô bún nước lèo. Tiền dành khi khác. Mà để bụng đói ngủ ngon hơn, đúng theo phép "vệ sanh 1956".
Nó vừa nói vừa co rút, hai tay chấp lại, kẹp ở giữa háng. Cảo ngả lưng kế bên. Gió từ sông Cửu-Long thổi lên lồng lộng. Có tiếng người ta nói chuyện rì rào:
- Mát quá! Mát thấu trời.
Cảo rùng mình day qua ôm thằng Tệch... mơ màng... Tiếng hát "Bập bông bông... bập bông bông..." ở rạp Tây Đô nghe văng vẳng.
Nó thấy nó đi lạc tới chỗ nào đẹp quá. Đẹp đẽ mà không có ồn ào lộn xộn như chợ Cần-Thơ nầy. Nhà cửa thẳng giăng, đều đặn, xinh đẹp, không phải như bây giờ: cái thì cao đụng ông trời xanh, cái thì thấp ngang cần cổ. Người ta đi lại từ tốn, vui vẻ không ai phách lối, cao-bồi, không ai có áo ny-lông, cũng không có ăn mày rách rưới nữa. Không biết đây có phải là cái xứ Thiên Đàng ở tận trên khỏi chín từng mây mà bà nội thường nói cho nghe hồi nhỏ không. Lạ quá! Đương suy nghĩ, thình lình có ai đánh bộp vô vai một cái. À thằng Tệch mắc dịch đây chớ ai! Mẹ cha ơi! Nó làm gì mà bảnh tẻn dẫu: giày xăng-đan, quần xanh, áo sơ-mi trắng bỏ vô quần, đầu hớt cao, mặt mày sáng láng, sạch sẽ. Nó ngơ ngác hỏi:
- Tệch! Mày làm sao mà coi ngon quá sá vậy?
- Thằng hỏi lảng nhách. Thì học chung một trường với mầy chớ làm sao đâu?
- Học! Tao mà đi học? Mầy nói bộ tao chiêm bao sao chớ.
- Thì mầy coi quần áo mầy kìa. Cặp mầy cầm tay đó.
Nó cúi xuống, ngạc nhiên quá. Rõ ràng quần áo nó y hệt như thằng Tệch. Tay nó xách cái cặp láng trơn mà hồi nãy tới giờ nó cứ tưởng đương xách cái thùng đánh giày chớ. Nó cười ha hả khoái chí.
Chưa kịp nhớ lại đầu đuôi gì, thằng Tệch kéo nó đi:
- Đi ăn lót lòng cho kịp vô học mầy, chuông ăn rung rồi kìa.
Hai đứa quay vô nhà. Nhà lót gạch bông, đi bước mát lạnh.
- Nhà ai đây mậy?
- Nhà tụi mình chớ nhà ai.
- Của tụi mình?
- Ờ! Của dân mồ côi mồ cúc, đánh giày móc túi, ăn đình ngủ chợ, uống nước đường mương hồi đó đó.
Phòng ăn hiện ra rực rỡ, đông đúc con nít cỡ tụi nó, không có đứa nào ồn ào la lối, chụp giựt gì hết. Ý mà có thằng Long Điểm, Long Què, Hai Chọt, A Chải: mấy đứa móc túi số dách hồi đó. Ủa! Có thằng Mẻo, Tư Xùi, ba gã đánh giày đây mà. Đứa nào đứa nấy coi cũng đàng hoàng ghê. Khoái thiệt.
Đồ ăn đầy bàn, ngon quá trời. Thằng Tệch bẻ cho nó một khúc bánh mì, gắp một miếng xiếu mại, mời:
- Ăn đi Cảo! Ăn đi cho đã mầy.
Nó cảm động nhớ tới hồi đó có lúc đói quá, nó với thằng Tệch giành có một khúc bánh mì, đánh nhau u đầu rồi hai đứa ôm nhau khóc. Thiệt là bần cùng sanh ra đủ chuyện bậy bạ. Nó biết thằng Tệch thương nó lắm phải chơi đâu. Hồi nó đau liệt, thằng Tệch dám nhịn ăn mấy ngày, uống nước phong-tên chịu trận để dành tiền mua cho nó mấy gói thuốc nhãn máy bay, ôm nó khóc như con nít lên ba. Nghĩ lại nó thương thằng Tệch quá. Nó nghẹn ngào nói:
- Ăn đi Tệch, tao có phần tao nè.
Vừa nói vừa gắp một miếng lạp xưởng tươm mõ bỏ vô miệng... chưa kịp nhai, nó bỗng nhảy nhỏm dậy.
Nó ngó dáo dác, dụi mắt.
Gió sông Cửu-Long thổi lên lồng lộng. Thằng Tệch ngồi bó gối, đang nhìn nó chăm chăm:
- Mầy làm gì mà miệng nói làm xàm, nhai lép nhép thấy ngon quá vậy. Kêu hoài mầy hổng hết ú ớ, tao phát giận, đập vô mông mầy một cái mới chịu tỉnh.
Cảo lờ đờ, tiếc miếng lạp xưởng tươm mỡ chưa kịp nhai. Nó hơi tức thằng Tệch sao mà hồi nãy không để cho nó nhai hết miếng lạp xưởng rồi hãy kêu dậy.
Ối! Mà tức vậy cũng bậy. Nó đâu có biết mình nằm chiêm bao đương ăn lạp xưởng. Nghĩ tới đó, nó bực cười.
Thằng Tệch hỏi:
- Cười cái gì vậy mậy?
- Tao chiêm bao hay quá mầy.
- Nói nghe coi.
- Ừ!
Gió sông Cửu Long vẫn thổi lên lồng lộng.
Tiếng nói êm êm rù rì. Hai mái đầu xanh đau khổ chụm lại, say sưa xây những mộng đẹp trong lành. Hai bàn tay bé nhỏ ôm chặt lấy nhau, sát bên nhau.
Gió sông Cửu-Long vẫn lồng lộng bốn phương trời;
Và Tây Đô vẫn quay cuồn trong bao ánh sáng!
 

Xem Tiếp: ----