Chàng trai đã bịa ra cả một câu chuyện cổ tích để mê hoặc cô gái mà không ngờ rằng chính câu chuyện sẽ làm cho cuộc đời cô rẽ sang một ngả khác.
Đã ba bốn hôm nay trong phòng nghỉ của tôi đều xuất hiện những bông hoa súng, thứ hoa đồng nội yếu ớt nổi lênh trên các ao hồ của miền đất trũng. Mầu hoa rực hồng cứ lặng lẽ tỏa sáng trong đêm và mùi hương dịu ngọt thấm sâu vào tận giấc ngủ của tôi. Sớm nay sau khi dọn phòng và thay hoa, cô gái phục vụ nhà nghỉ còn đặt trên bàn mấy bắp ngô nướng, điều ấy khiến tôi khó chịu. Với cái giọng lạnh lùng, tôi hỏi:
- Chẳng lẽ ở đây không có thứ hoa nào khác ư, cả món ăn sáng kia nữa, cô đang đùa tôi thì phải?
Vừa sắp xếp lại những chiếc chén trên bàn, cô ngước lên nhìn tôi:
- Thưa chú, nhà nghỉ của chúng cháu ở đây chả thiếu loại hoa nào - Cô khẽ đẩy cánh cửa sổ, ngoài kia là cả một vườn hoa, dễ đến trăm loài, rực rỡ trong nắng sớm. Cháu sẽ thay cho chú lọ hoa khác. Lỗi này không phải tại cháu, có lẽ cô ấy đã nhầm cứ cam đoan rằng chú thích loại hoa này...
Giọng nói và gương mặt cô gái như chứa đựng một sự bí mật nào đó, tôi gấp vội cuốn sách đang đọc dở bước tới.
- Hình như cô đang nói về một ai đó, hẳn người ấy có liên quan tới những bông súng kia?
- Vâng, đúng thế? Nhưng cô ấy đã lầm... Cháu thành thật xin lỗi chú...
Tôi vội giữ tay cô gái, một cái gì đó mong manh giống như cánh hoa súng vừa rơi xuống mặt nước làm vỡ ra trong ký ức tôi những vòng tròn sáng tới vô cùng. Tôi nhìn sâu vào mắt cô định nói một câu gì đó nhưng không biết vì sao tôi lại thôi.
Buổi chiều tôi trở về khá muộn, cô gái đón tôi ở cửa, giúp tôi mang túi khoác, chân máy ảnh... những đồ nghề lỉnh kỉnh của người làm báo vào phòng. Cô hỏi tôi:
- Có phải tên thật của chú là Thái?
- Phải! Nhưng mà sao kia?
Cô gái không trả lời tôi mà hỏi lại:
- Ngày xưa chú đã từng làm nghề dạy học?
- Đúng! Nhưng thế thì sao?
Cô nhìn tôi mỉm cười.
- Sớm nay cô ấy tới đây tìm chú, rất tiếc là chú đã đi rồi. Cô ấy gửi chú mấy dòng này.
Tôi đón lá thư từ tay cô gái, hấp tấp mở, hấp tấp đọc. Những dòng chữ cứ nhảy múa trước mắt tôi, phải lâu lắm tôi mới đọc hết bức thư vốn rất ngắn ngủi.
"Hẳn anh sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư này của Phú, bởi đã hai mươi mấy năm rồi đủ để anh quên cô bé ngày nào đã từng theo anh ra đầm Vạc hái hoa súng. Cũng như sớm nay anh chối bỏ những bông súng mà Phú đã gửi tới. Phú tự trách mình tại sao lại tới đây tìm anh, cả những dòng chữ này nữa thật là vô duyên, bởi đối với anh lúc này tất cả đều vô nghĩa. Nhưng biết làm sao được, Phú muốn gặp anh để quên anh đi...".
Khi tôi ngẩng lên thì cô bé đã đi rồi, lọ hoa súng trên bàn đã được thay bằng lọ hoa khác. Lá thư giống như bông súng tỏa sáng cả một miền ký ức của tôi.
Cách đây hơn hai mươi năm, ngày ấy tôi là anh giáo mới ra trường được điều về dạy học ở làng Vạc, một làng heo hút miền thượng du, nơi có những gò đồi nằm kề nhau như bát úp. Không biết tự bao giờ nơi đây đã hình thành một đầm nước có chín mươi chín ngọn suối đổ vào. Cây cối quanh bờ rậm rạp, nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò, con vạc. Mỗi khi chiều xuống, cò vạc bay đi, bay về từng đàn đen đặc bầu trời...
Cuộc đời của anh giáo làng cứ bình lặng trôi đi nếu như một chiều kia ông Hòa Chủ nhiệm HTX Tín dụng không dẫn một cô gái tới căn phòng tập thể của tôi chỉ cách nhà ông một mảnh vườn và hàng rào râm bụt. Ông bảo:
- Đây là cô Phú, học sinh Trường Ngân hàng về xã ta thực tập. Nhà tôi vừa chật lại lộc ngộc một lũ đàn ông, bởi thế tôi đổi cô ấy sang bên này nghỉ, anh giáo sang nhà tôi. Còn chuyện sinh hoạt ăn uống gia đình tôi lo. Như vậy tôi chỉ đổi cho anh giáo chỗ ngủ thôi, anh giáo đồng ý chứ?
Đến nước này tôi không thể từ chối được. Nhìn những bông hoa súng cắm trong những chiếc chai, Phú ngạc nhiên hỏi:
- Ôi, hoa đẹp quá! Đây là hoa gì thế hả anh?
- Hoa súng. Cô là người thành phố hay sao mà có vẻ lạ lùng với loài hoa này nhỉ?
- Vâng! Cô hồn nhiên trả lời - Em sinh ra và lớn lên ở Vọng, em đã nhìn thấy nhiều loại hoa bày bán ở chợ nhưng chưa bao giờ nhìn thấy hoa này. Anh nhìn kìa, những cánh hoa mỏng tang tươi như môi người con gái, và mùi hương mới dịu ngọt, tinh khiết đến lạ lùng...
Nhìn gương mặt trẻ trung và đôi mắt long lanh của cô, tự nhiên tôi thấy lòng mình xốn xang, giọng nói trở nên hoạt bát lạ thường.
- Đấy là cô chưa biết về sự tích về loài hoa này, nó là biểu tượng của mối tình thủy chung nơi thôn dã và tấm lòng trinh trắng của các cô gái đồng nội. Hoa súng thường mọc trong các ao đầm phẳng lặng, nơi những dòng sông không bao giờ ngó tới, rong rêu nhuộm mầu nước xanh đến nhức mắt. Cũng chính từ đó đã nảy sinh một mối tình mà ngàn năm chúng ta còn nhắc tới...
Chiều ấy tôi cùng Phú ra đầm Vạc hái hoa súng. Trên chiếc thuyền thúng mỏng mảnh, tôi đã bịa và kể cho Phú nghe chuyện một người con gái đã trẫm mình xuống đầm nước để chứng minh cho tấm lòng thủy chung, trong trắng của mình với người yêu nơi chiến trận trước dân làng, cha mẹ và những lời đơm đặt độc ác. Ngày người yêu nàng trở về, chàng đứng lặng bên nơi nàng đã trẫm mình. Điều lạ lùng từ nơi nàng trẫm mình mọc lên một loài hoa, chàng buột miệng gọi là hoa súng. Hoa súng có tên từ đó, một loài hoa chỉ mọc ở những đầm lầy, ao tù nước đọng, nhưng hương sắc thanh cao khó loài hoa nào sánh được. Nghe xong, Phú lặng đi một lúc lâu rồi bảo tôi:
- Nghe anh kể hay quá, em có cảm giác rằng mọi cây cỏ, ao chuôm ở nhà quê đều có cuộc đời riêng, đầy điển tích.
Câu nói của Phú làm tôi bật cười.
- Nếu em còn ở đây anh có khối chuyện hay để kể cho em nghe.
Buổi chiều, sau những giờ lên lớp, tôi dẫn Phú tới một số gia đình vừa để thăm các phụ huynh vừa giúp Phú tìm hiểu đời sống kinh tế. Phú ghi chép rất tỉ mỉ. Tôi nhớ một lần dẫn Phú tới nhà ông Bình, người làng Vạc quen gọi ông là ông Bình "be" bởi ông nghiện rượu. Một người ngang tàng nhưng có lắm tài vặt, ông đã từng là chủ lò rèn, lò ngói đôi bận vay vốn quỹ tín dụng, nhưng sau họ không dám cho ông vay vì sợ ông bỏ hết vốn vào chai. Ông trả lời Phú thế này:
- Tôi có vay một số tiền ở HTX Tín dụng, nhưng chẳng biết làm gì đành chỉ để uống rượu thôi.
- Vậy bác lấy gì để trả?
- Tôi bán thóc! Người nông dân chỉ có hạt thóc. Lúc giáp hạt giá thóc gạo lên cao tôi mang ra chợ bán, còn bây giờ cứ vay tiền tín dụng uống rượu đã, uống cho say, hết thóc thì bán đất, bán mẹ cái đĩ kia... Gớm, mấy ông cán bộ tín dụng tưởng tôi không có gì bán hả?
- Bác nói chuyện vui nhỉ!
- Vui chứ? Vui vì tôi, cô và họ chả biết dùng tiền làm gì cứ để vào hòm ngồi mong nó đẻ...
Còn ông Ngoạn béo thì tâm sự với Phú rằng:
- Tôi vay quỹ tín dụng và ngân hàng vài lần, nhưng tính ra thì lỗ. Hai lần lỗ. Lỗ thứ nhất là chăn nuôi không bán được, chưa mổ lợn, ông xã đã dặn xin cỗ lòng. Chợ nhà quê bán lắt lay cả ngày không hết một con lợn, đưa lên tỉnh thì chịu dăm bảy loại phí rồi kiểm dịch... Lỗ thứ hai là lúc vay, giá thóc mười lăm, lúc trả tiền giá thóc mười hai. Từ đó tôi đâm hãi, chẳng dám vay nữa.
Khi về nhà Phú bảo tôi:
- Trước lúc về nông thôn em cứ nghĩ người nhà quê nhếch nhác và thô lỗ. Những ngày sống ở đây em mới hiểu họ tốt và tính toán bằng mấy người thành phố. Hình như có một cái gì đó đang trói buộc họ, khiến họ không dám vượt ra khỏi lũy tre làng. Những người giàu có ở thành phố xem ra phần lớn gốc nhà quê, mà sao họ giỏi giang thế, đến ngay cả những người mấy đời ở thành phố cũng không theo kịp.
- Làng quê muôn đời vẫn là điều bí ẩn - Tôi nói như một triết gia.
Rồi đến ngày Phú phải về trường. Chiều ấy tôi cùng Phú ra đầm Vạc bẻ hoa súng. Tôi bẻ một bó to để Phú mang về trường tặng bạn bè. Chúng tôi ngồi xuống thảm cỏ xanh mát rượi. Phú hỏi tôi những câu chẳng đâu vào đâu: Tại sao người ta gọi đầm này là đầm Vạc, trong đầm có bao nhiêu loại cá... Tôi cố tình giảng giải thì Phú càng như chẳng hiểu. Chiều đã buông những làn sương nhòa nhạt, đàn cò vạc bắt đầu đi kiếm ăn, tiếng đập cánh sàn sạt trên đầu, tưởng chừng chỉ cần với tay là có thể tóm được. Phú nằm dài trên cỏ, giọng cô nghe mơ hồ:
- Ước gì em hóa thành những bông súng kia. Ôi những cánh hoa súng mọng như môi người...
Tôi trở nên lúng túng có một cái gì đó đang ngưng kết lại trong tôi chợt vỡ ra, tôi xoay người cúi xuống gương mặt của Phú đẹp như thiên thần, đôi mắt long lanh ngấn nước. Lần đầu tiên tôi được chạm vào môi người con gái, tôi không thể tả hết được cảm giác của mình khi đó. Thời gian như ngưng lại, một sức mạnh tiềm ẩn đầy bản năng đã dồn xuống đôi cánh tay tôi. Tôi luồn hai tay xuống người Phú nhấc bổng lên, say đắm hôn lên khắp mặt, cổ và ngực cô. Phú ghì chặt tôi vào ngực mình, cô nói trong hơi thở:
- Có bao giờ anh muốn em giống cô gái anh kể trong câu chuyện hôm nọ?
- Chuyện về cô gái đã hóa thân hoa súng ư? Không, đó chỉ là chuyện bịa.
 Tôi nói và tung Phú xuống đầm nước, rồi nhao tới bế thốc Phú lên tay. Phú cười, chúng tôi lại thắm thiết hôn nhau.
Khuya chúng tôi mới trở về phòng, tôi lấy ngòi bút xăm tên mình và tên Phú lên những cánh hoa súng.
- Hoa sẽ làm chứng cho tình yêu của anh, Phú ạ...
Phú chỉ cười rồi vun những cánh hoa ấy thành một đống trên bàn. Sáng hôm sau tôi không thể đưa tiễn Phú vì bận lên lớp. Cuối năm ấy tôi nhận được vài lá thư của Phú, được biết Phú đang bận ôn thi tốt nghiệp. Tôi viết cho Phú vài bức thư và nghĩ rằng đó chỉ là chuyện phù hoa, chẳng bao giờ tin Phú sẽ trở lại cái miền đất heo vắng này. Kết thúc năm học cũng là khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển công an vũ trang. Tôi hăm hở khoác ba lô lên đường, bước vào cuộc chiến đấu với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sau ngày giải phóng tôi giải ngũ lấy vợ rồi xin chuyển về làm phóng viên cho một tờ báo mà những năm ở chiến trường tôi thường xuyên cộng tác. Một bận tôi ghé qua làng Vạc, ông Hòa đã già lắm, ông nắm bàn tay tôi lắc mạnh:
- Anh giáo còn nhớ cô Phú ngày nào đã về đây thực tập? Sau ngày anh lên đường cô ấy về đây vài bận, cô hỏi tôi về anh. Mới đầu tôi nghĩ cô ấy về đây như mọi cuộc viếng thăm, cô hỏi anh giáo rất kỹ cả về gia đình, bản quán... Nào tôi có biết gì nhiều về anh giáo? Tôi đoán cô này đã bị anh giáo thả bùa. Anh lại đang ở trong chiến trường, nằm kề giữa cái sống và cái chết, thật chẳng biết đâu mà lường. Tôi bảo nó rằng anh giáo đã hy sinh rồi. Phú lặng đi một lúc lâu, nước mắt rơi lã chã, con bé khóc đấy mà không thể nào cất lên thành tiếng được. Cô nhờ những đứa con tôi ra đầm Vạc hái cho cô một bó hoa súng để cô mang về thành phố. Tôi nghĩ tại sao lúc bấy giờ mình lại độc ác đến thế? Nhưng có lẽ thế còn hơn là để nó cứ khắc khoải chờ đợi một người như anh, dám bịa ra cả một câu chuyện cổ tích để mê hoặc một đứa con gái.
Giọng ông trở nên tức giận, như chính Phú là con gái ông.
- Tôi nghe nói nó đã lấy chồng và xin lên miền núi, anh đừng hoài công tìm nó. Dẫu sao anh và nó đều đã yên phận cả rồi.
Quả thật sau ngày trở về làng Vạc tôi ngơ ngẩn đến mấy tuần. Hóa ra những câu chuyện tưởng như bông phèng ấy đã làm cho Phú tin, chờ đợi và đau khổ. Tôi cố quên Phú đi để lao vào những đề tài gai góc do bản báo giao. Còn hôm nay tại sao Phú biết tôi ở đây để gửi hoa tới? Tôi chạy đi tìm cô gái phục vụ nhà nghỉ, nhưng cô gái đã về rồi.
Sớm hôm sau tôi đến cơ quan của Phú, cô vừa đi kiểm tra hiệu quả của đồng vốn đến với người nông dân nghèo. Vẫn cái đề tài mà suốt hai mươi mấy năm nay Phú theo đuổi. Qua mọi người tôi được biết thêm về Phú. Chồng Phú là một con bạc có tiếng của cái thị xã miệt rừng mất cách đây ít lâu do ung thư máu. Khi anh ta mất còn để lại cho Phú một món nợ khổng lồ. Cô phải bán ngôi nhà cùng những vật trang sức do cha mẹ tặng để trang trải nợ nần. Cô bảo: " Dẫu sao thì anh ấy cũng đã đi rồi, hãy để cho anh ấy yên...".
Tôi chẳng tiện hỏi vì sao Phú lấy anh ấy, hẳn cuộc đời của Phú là chuỗi những tháng ngày đau khổ, Phú chấp nhận và cam chịu cuộc sống "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" để cho mái nhà mình bình yên? Nghe mọi người nói bây giờ Phú đã già lắm, rất có thể tôi đã gặp Phú trên chuyến tàu lên đây hoặc ở chỗ nào đó mà tôi không nhận ra?
Tôi trở về tòa soạn độ nửa tháng thì nhận được thư Phú. Không, đúng hơn là những cánh hoa súng ngày nào tôi đã dùng ngòi bút xăm tên mình và Phú lên đó, được Phú ép cẩn thận trong những trang sổ tay. Tôi tự hỏi có lẽ nào chính Phú đã nhập vào cô gái trong câu chuyện tôi kể cho Phú nghe hồi ấy? Và tôi, có ai biết rằng trên mặt đầm của tâm hồn tôi bừng nở một loài hoa. Vâng, đó là hoa súng.
 

Xem Tiếp: ----