Ngày nhỏ hình như Nó ngố lắm thì phải
 Tiếng chuông nhà thờ kêu đổ dồn vọng từ trên cao chẳng giống một chút gì của tiếng chuông chùa cứ âm âm vọng về như từ lòng đất lan toả. Nó ngắm thằng bé đang chập chững đi nhưng tai thì vẫn nghe tiếng chuông nhà thờ rền rỉ.
Ngày chưa có thằng bé, Nó vẫn thường cùng cô bạn xóm đạo dự vui vào bất kỳ các dịp lễ hội của xóm đạo, Nó bỏ tiết học cùng bạn ngồi nghe Cha giảng đạo vào các buổi chiều để tha hồ được nghe kể chuyện về Chúa, về những bài học lòng nhân ái, bao dung và nhẫn nhịn, bù lại nó phải lóng nghóng học cách làm dấu thánh thật nhanh, cứ phải đứng lên và ngồi xuống để rồi thỉnh thoảng lại lập lại những câu mà các con chiên ngoan đạo tụng xưng. Nó thích nghe giọng hát cao vút của ca đoàn, nó thích cái không khí thanh thoát của những vòm nhà thờ cong cong, và nó thích cả cô bạn ngồi bên cạnh hiền lành như lá non thỉnh thoảng lại kề tai nó nhắc nhở ”Mày chuẩn bị kêu "Amen" nha! “.
Nhà Dung ở xóm Cầu Khỉ, hồi kinh Nhiêu Lộc chưa mở đẹp như ngày hôm nay, nhà Dung là một rẻo đất thừa bồi đắp từ con kênh đen thui, thúi inh. Cái nhà được làm từ vô vàn mảnh vụn đủ chất liệu, nép ngay sau cái cầu khỉ. Cha của Dung xuất thân từ một gia đình khá giả, chẳng hiểu sao ông lạc gia đình, chẳng hiểu sao mà ông lớn lên được mà chẳng hề hư hỏng, ông vào lính ngụy, cách mạng về ông phải đi học tập cải tạo. Rồi ông bồng bế theo cả cái gia đình 4 cô con gái của mình đi kinh tế mới. Dung theo ba theo má, khi trở về Sài Gòn đã trễ tuổi đến trường hai năm. Nó và Dung biết nhau từ năm lớp 6, Dung là lớp phó học tập, cả năm đi học chỉ mặc mỗi chiếc áo bông xanh, Dung học giỏi còn Nó thì học kém, cô giáo xếp Nó và Dung ngồi cạnh nhau để làm "đôi bạn cùng tiến". Cứ thay phiên nhau mỗi buổi tan trường về hai đứa đến nhà nhau để cùng học bài. Ngày ấy Nó mê đến nhà Dung lắm, Nó thấy như cả nhà đang chơi nhà chòi với nhau, trời mưa một xíu là cả nhà trèo lên gường, tay thì cầm nón tay che thì cầm xô hứng nước mưa dột đầy trên nền nhà đất nện. Đường đến nhà Dung ngoằn ngoèo những hẻm là hẻm, những con hẻm bé tẻo bé teo, có đoạn nếu không nín thở thì chắc chẳng lọt được cái bụng no cơm mà qua. Nó như lạc vào một thế giới mới.
Chị Khánh của Dung có đôi bàn tay và bàn chân đẹp ấn tượng mà cho mãi đến hôm nay khi Nó đã qua "tuổi băm" vẫn chưa từng chịu thán phục thêm một ai về điều ấy. Chị Khánh có thể gọi là đẹp với nước da trắng trẻo, sống mũi thanh tú, bờ môi đầy đặn, mái tóc đen dài và dày luôn búi gọn sau gáy. Cho dù năm tháng có như thế nào thì hình ảnh ấy của chị vẫn cứ giữ nguyên như ngày nào. Nét của chị Liên, chị kế Dung thì có đôi phần chệch choạc hơn, thế nhưng cái nước da trắng hồng thì vẫn tôn cho chị đầy đủ cái duyên cái yêu của một cô con gái nết na được ủ kỷ trong nhà. Sắc của Dung thì thua đứt hai chị vì cái khuôn mặt vuông vức giống ba như đúc, nó làm cho Dung có cái rắn rỏi cương nghị của một thằng con trai hơn là một cô gái, nhưng cái khuôn mặt ấy lại lộ ra nét nhân hậu, thật thà. Mai - cô bé út được cưng chiều nhất nhà lại đen thủi đen thui có cái trán bướng bỉnh thông minh lẹm đi một tí vì cái sẹo nghịch ngợm, có giọng ca trong vắt và khuôn mặt được thừa hưởng những gì xinh xắn nhất của cả má và 3 chị, cô bé vẫn thích gọi Dung bằng "mày tao" cho đến tận lúc này, tận lúc chỉ còn một tháng nữa là cô bé làm mẹ.
Ngày nhỏ, Dung thường bắt nạt Nó. Dung thường bày trò cho Nó và Dung cùng làm. Ngày nhỏ hình như Nó ngố lắm thì phải. Nó chỉ nhớ Dung đã rủ nó vào nhà thờ hôn chân chúa, Nó nhớ người ta xức dầu thơm nồng cho một hình nhân xinh xắn, rồi mọi người cứ vậy xếp hàng đông thật đông để đến gần Chúa chạm môi vào bàn chân của ông, làm dấu thánh, rồi trở về lòng đầy vui sướng. Dung rủ Nó đêm Nô-en vào nhà thờ dự lễ Giáng sinh, rủ Nó ăn bánh thánh và dặn đi dặn lại không được để bánh thánh đụng vào răng kẻo mang tội. Dung rủ Nó cùng vào ban thánh ca của Dung để hát thật to những bài ca lạ lẫm mà Nó vừa nghe vừa nhìn vào cuốn sách nhạc to tướng. Dung rủ Nó chui vào tòa Tổng giám mục mò vào cái thư viện sách bé tí ngay bên chân cầu thang để tìm những cuốn tạp chí mới về Thiên Chúa giáo. Nếu những điều gì về Thiên Chúa mà Nó được biết thì chính là Dung cô bạn cùng ăn vụng trong lớp của Nó đã làm cho Nó thích thú về những gì mới lạ mà Nó chưa được biết.
Khi vừa học hết cấp 3, ba Dung mất. Nó nhớ người đàn ông vai ngang, khuôn mặt chữ điền vuông vức hay mặc độc chiếc quần đùi phô làn da màu đồng - mà chỉ vài năm sau khi cơn bịnh phổi hoành hành đã chuyển thành màu trắng bệch loang lỗ những đám lang ben hồng hồng. Ông có giọng nói thật kỳ lạ, giọng nói của dân xứ nào thì đến lúc này nó cũng chẳng biết, Nó chỉ nhớ ông luôn miệng mắng yêu Dung “Cái con quỷ” thì nói chệch thành “Cái con kỷ”. Nó thấy ông lành như đất, ngày nào đến học bài với Dung nó cũng thấy ông cặm cụi ngồi nhặt thóc, hoặc chăm chú sửa cái ghế cọc cạnh trong nhà, gánh từng thùng nước cho các cô con gái tắm. Cái cặp đi học của Dung hư ông ngồi sửa từng chút, ông cười toe khi cho con mèo đen thui có cái đốm trắng ở 4 chân ăn cá, ông chăm chút con mèo như một đứa con thêm của mình. Ông lành như đất, ông sợ má Dung khổ, ông sợ 4 cô con gái của mình lo lắng, ông giấu bịnh của mình, ông cố gắng sống thật trọn vẹn với vợ với con. Ông lành như đất thiệt tình. Vậy mà ông mất vì chứng đột biến tim, người đàn ông duy nhất trong căn nhà xiêu vẹo bên rìa con kinh đen xẫm đã về với nước Chúa.
  Chuông nhà thờ rền vang gióng giả vào lúc 5 giờ chiều, Nó đi tìm sự bình an trong lòng,
 Má Dung đọc kinh chiều nghe hay hay lạ, Dung bảo với Nó bà dân đạo gốc người Nam Hà di cư vào Sài Gòn năm 54. Tóc má Dung dài lắm, ngày trước ba Dung vẫn thường nấu nước bồ kết cho má Dung gội đầu, tóc vấn thành búi bự chảng trên đầu mà vẫn còn thừa ra một khúc. Nó thích được ăn cơm ở nhà của bà, Nó thích món thịt heo kho quẹo mà mỗi lần ăn cả nhà cứ nhường phần cho Nó. Nó thích cả món chuối sứ bà mua vì hình như những gì bà làm dù chỉ là chọn mua nải chuối chợ chiều cũng đều ướp đầy tình thương yêu che chở. Bà lành hơn cả đất. Có lẽ cuộc đời của bà chẳng có lấy một ngày nhàn hạ. Hái nấm, lượm củi, làm ruộng, làm mướn… bàn tay bà chai sần. Cho đến khi Nó gặp bà, bà đang vui lòng với gánh ve chai đồng nát của mình. Nó chưa bao giờ biết ganh với ai điều gì vậy mà Nó đã từng ganh với Dung vì má Dung không bao giờ để con cái đụng đến bất cứ việc gì ngoài việc học. Bà ôm hết vào mình cả việc to việc nhỏ, cuộc đời bà giống như những gì Chúa dạy: nhẫn nhịn và hy sinh.
Có biết bao bà mai phải cúi người bước vào túp nhà nát ngồi thưa chuyện cùng má Dung để rồi bước ra lòng buồn so, 4 chị em bụm miệng cười ghẹo nhau sau chiếc màn vải thô. Họ vẫn cứ đều đặn làm những công việc thường ngày của mình. Bàn tay đẹp của chị Khánh vẫn cứ thoăn thoắt thêu những đường thêu tinh xảo trên những tấm khăn ăn gia công trắng toát, khuôn mặt trái xoan của chị Liên vẫn cặm cụi nghiêng nghiêng bên chiếc máy khâu lạch xạch lạch xạch. Và vẫn cứ đều đặn mỗi ngày họ đi lễ nhà thờ vào lúc 5 giờ chiều, bỏ ngoài tai những tiếng huýt gió làm quen của các chàng trai xóm đạo.
Dung không vào đại học, Dung đi làm công nhân mài kim cương và không nghỉ bất kỳ ngày nào. Bây giờ thì Nó lại là đứa bày trò. Nó bảo Dung làm cô giáo thật hợp, Nó xui Dung thi vào trường cao đẳng sư phạm. Dung thi đậu, nghỉ làm công nhân chuyển sang làm sinh viên, má và hai chị lo lắng, Nó thì khoái chí tửng.
Tóc của chị Khánh rụng dần, màu hồng trên má dần phai, đôi bàn tay vẫn cứ đẹp một cách ma quái. Các bà mai thưa dần rồi vắng hẳn chẳng thấy đến.
 Rồi một ngày căn nhà bên rìa con kinh phải giải tỏa, cả nhà Dung được đền bù một căn hộ nhỏ ở tầng ba chung cư Huỳnh Văn Chính, năm mẹ con lại lục đục kéo về nơi ở mới. Chị Khánh vẫn ngày ngày ngồi thêu gia công cho một xưởng thêu tư, chị Liên vẫn lẳng lặng bên chiếc máy may liên tục tiếng rè rè những đường may thẳng tắp. Cuộc sống dường như chỉ đang trôi đi quanh chiếc tivi cũ rích. Ngoại trừ Mai, gần như tất cả những gì tinh hoa nhất trong cái gia đình toàn con gái ấy dồn lại trên Mai. Rồi Mai lấy chồng.
Thằng bé cứ vấp té khi tập đi, Nó xót đau đáu trong lòng. Nó lợm giọng ứa nước mắt khi Mạc Ngôn° tả cảnh bán con trong "Tửu quốc". Vậy mà tại Beslan (Bắc Ossetia - nước Nga) hàng trăm đứa trẻ con bị sát hại, máu thật, đạn thật, không là văn học, không là phim ảnh. Chới với trước cái đau, nước mắt và uất giận ngoặm vào lòng, Nó không ngủ.
Chuông nhà thờ rền vang gióng giả vào lúc 5 giờ chiều, Nó đi tìm sự bình an trong lòng, Nó thắp sáng đôi bạch lạp trong nhà thờ Đức Bà, Nó yên lặng bên Dung chăm chú nghe những lời chỉ dẫn, ”Amen”, vòm nhà thờ nơi đây dường như cao hơn những vòm nhà thờ nơi khác, không khí ở đây dường như uy nghi hơn... Đức Cha nói lời cuối ”Các con đi bình an”. Dung cười đã có vài nếp nhăn nơi đuôi mắt...
M.X
°Mạc Ngôn: Nhà văn Trung Quốc, nổi tiếng với tác phẩm: “Cao lương đỏ”,”Báu vật của đời”,”Đàn hương hình”,”Tửu quốc”…