Một đêm trăng rừng, sau một loạt bom nổ gần và sau tuần trà đậm, cả hai chúng tôi đều không ngủ. Hai anh em, mỗi người mỗi chiếc võng đu đưa dưới mái nhà lợp lá trung quân. Đêm rừng đã yên ắng, nhưng tiếng bom và tiếng rít của phản lực vẫn chưa ra khỏi tâm trí tôi. Tôi đang nghĩ đến cái chết và cái sống của thời chiến tranh. Âấy là đêm đầu mùa mưa năm 1966, và tôi là người ở Hà Nội đã vượt Trường Sơn về đến khu rừng này đã tròn một tháng. Cơ quan văn nghệ R. cho tôi ở chung với một nhà văn mà anh em gọi là Tư già. Không hiểu anh đang nghĩ gì mà hỏi tôi thức hay ngủ rồi từ bên võng, anh nói sang: - Tôi nghĩ trong đời người muốn đạt được danh hiệu gì cũng khó, cũng gian nan. Ví dụ, muốn đạt được danh hiệu anh hùng phải dũng cảm, phải mưu lược, và phải trả giá bằng sinh mạng. Muốn đạt được danh hiệu là nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú phải có tài năng, được quần chúng ngưỡng mộ, vân vân... Đó là những danh hiệu khác. Đời người, ít hay nhiều, ai cũng chơi nhưng đạt được danh hiệu "Dân chơi" không phải dễ đâu. Anh Tư nhà văn, anh chỉ hơn 40 mà sao ai cũng gọi anh Tư già? Ơở chung nhà với anh một tuần, tôi đoán chừng, một là trong cơ quan văn nghệ R ai cũng trẻ, hai là anh lúc nào cũng thong thả, thong thả đến chậm chạp, nghe có tiếng máy bay, ai cũng ào một cái là xuống hầm, còn anh, anh cứ đi từng bước chậm chạp, thứ ba là trong các buổi nhậu anh em trẻ, ai cũng "dô" trăm phần trăm, còn anh, anh từ từ nâng ly lên, nói chậm rãi: "Anh Tư già rồi, tha cho anh Tư, để cho thằng già lai rai". Điều thứ tư là miệng anh móm, móm xọm như ông già, bù lại cái miệng móm của anh lại có duyên. Tôi gọi anh bằng anh, anh gọi tôi bằng chú, chú vai em, thân mật hơn, anh gọi tôi bằng chú mày, tự xưng là mình. - Chú mày có một thằng bạn học đạt được danh hiệu đó. Biết ai không? - Ai? - Thằng Nguyễn Khắc Trung. - Nhớ rồi! Thân lắm! - Chú mày cho mình nghe một chi tiết nào đó chứng tỏ đúng là bạn thân thì mình sẽ kể tiếp. Hồi học cùng trường, có con nhỏ cùng lớp cùng tuổi, đẹp nhứt tên là Thùy. Thằng Khắc Trung mê lắm. Mà không chỉ một mình nó mà cả lớp đều mê. Em Thuỳ mà cười với thằng nào, thằng đó như lên mây, vui cả tuần cả tháng. Một hôm, tôi thấy nó buồn. Hỏi tại sao, nó bảo, trước khi nói nó chửi thề, và chưa bao giờ tôi thấy cái mặt nó đau khổ đến vậy: "Nó gọi tôi bằng em". Anh nhà văn già cười ha há, vừa cười vừa chòi đạp trên võng, khiến hai cây cột lắc rung lên, cái võng của tôi cũng rung. - Chi tiết đó chứng tỏ là bạn. Thằng Khắc Trung của chú mày nổi lên giữa đất Sài Gòn năm 1958, sau khi nó ra tù. Khắc Trung là nhà báo, nhưng chẳng có một bài báo nào đáng nhớ, chỉ thấy ngày nào Khắc Trung áo quần cũng bảnh bao, cầm tay lái chiếc Wolsvagen rong rong trên đường phố. Ăn sáng khi thì nhà hàng Thanh Thế, khi Pagode, khi Givral, hoặc Brodart, những nơi đó như câu lạc bộ của giới báo chí Sài Gòn. Cơm trưa, cơm chiều, cơm Tàu rong xe vào Chợ Lớn, cơm Tây ra Sài Gòn, cơm ta thì ra Cầu Bông, về Gia Định, tối thì nhẩy đầm trong các bar đường Tự Do. Lang bạt, không vợ không con, khi bắt bồ với vũ nữ, khi với ca sĩ, nổi tiếng nhứt là bắt bồ với một cô diễn viên múa người Đại Hàn. Thật là hết biết! Ông bạn già kể về thằng bạn học của tôi, giọng trìu mến cùng với nỗi nhớ đất Sài Gòn. - Chú mày có biết tại sao mình kể chuyện thằng Khắc Trung với chú mày không? - Anh nhớ? - Nhớ cái cóc khô! Nếu nói nhớ thì mình nhớ một người đàn bà. Nhưng mình kể về nó là vì chú mày có thể gặp lại nó. - Thằng Khắc Trung ở Sài Gòn, sao tôi gặp được? Anh Tư già bật lưng lên khỏi võng, đưa tay chỉ về phía tôi: - Giấu phải không? Tôi đã được tổ chức phân công vào công tác nội thành Sài Gòn, là chuyện bí mật sao anh lại biết? Anh có biết cũng chẳng sao, tôi bèn thú nhận, là tôi đang chờ liên lạc để xuống Củ Chi, rồi từ Củ Chi vọt vào nội thành. Anh Tư già tiếp: - Mình kể về thằng Khắc Trung để chú mày nay mai ra Sài Gòn đi tìm nó. Nếu ngồi bên tay lái của nó như một thằng bạn, coi như an toàn. - Vào nội thành là chuyện tuyệt mật, sao anh biết, anh Tư? Anh Tư già lại bật lưng lên võng, cười ha há, một giọng cười đắc chí. - Đã là nhà văn thì phải chơi chi tiết, mình phát hiện chuyện chú mày cũng từ một chi tiết, mình thấy chú mày đi chụp hình. Đến lúc tôi bật lên võng lại cười, cười cái giọng của anh. - Thằng nào mà không có một lần đi chụp hình? - Âấy vậy! Chú mày lại dỡn với tôi rồi. Nên nhớ người chụp hình là ông Tỷ, chú biết chưa? Mỗi lần ông Tỷ từ đặc khu Sài Gòn về R là một lần có một người đặc phái vào nội thành Sài Gòn. Ông Tỷ làm căn cước giả cho mình, giả như thật. Nếu chú mày không được phái vào nội thành thì mắc mớ gì ổng lên R để chụp hình? Tôi là người tập kết ra Hà Nội từ năm 54 vừa mới trở về còn rất bỡ ngỡ nhiều điều chưa được biết. Anh Tư già lại tiếp: - Mình cũng có một căn cước giả do ổng cấp. Thằng chả có cặp mắt rất lạ, cặp mắt tinh đời, nói theo nghĩa dân gian là cặp mắt nhà coi tướng. Sau khi mình nhìn qua ống kính, bấm rắc một cái, hỏi qua lai lịch của mình thì chính ông ta ghi cho mình một cái nghề trong thẻ căn cước. Lần đó ổng hỏi mình: " Anh muốn đề nghề gì?" Mình đáp: Tôi đang viết báo. Ôổng lắc đầu, báo chí bây giờ bọn nó đang theo dõi, cái tướng của ông dong dỏng, quần tây đen, áo sơ mi trắng, đeo kính trắng, tôi để cho ông là: "Nhà giáo" nhưng không phải là nhà giáo chung chung, nếu bọn nó xét ông, hỏi ông, ông dạy ở trường nào, cấp mấy, ông sẽ ấm ớ, trước sau gì ông cũng ăn còng số 8, nên tôi để cho ông là nhà giáo tư gia, là gia sư nhưng chưa đủ, nếu nó hỏi ông dạy môn gì chớ nói là dạy môn toán, cái mặt ông thì phải dạy văn, cái môn văn là cái môn tào lao, ai cũng nói được. Mình nghe ông Tỷ bảo ban, mình phục ổng sát đất! Có một chuyện rất vui, một đồng chí cấp cao bị ông Tỷ cho vào tờ căn cước "nghề ở đợ", đồng chí cao cấp đỏ mặt tía tai: "Sao lại là nghề ở đợ". Ông Tỷ tỉnh như không: "Cái mặt của đồng chí như vậy thì đề như vậy, nếu đồng chí muốn đề nghề gì tôi sẽ chấp hành nhưng nếu đồng chí bị bắt thì đừng trách tôi". Nói đến đó anh Tư già cười ha há rồi hỏi tôi: - Ông Tỷ cho ông nghề gì? Tôi kể, ông Tỷ nhìn tôi rất lâu mà không chọn được nghề nào. Cái mặt của ông trơn quá, ông Tỷ than rồi hỏi cha mẹ tôi làm nghề gì. Thợ bạc, tôi đáp. Lập tức ông xòe tay cho tôi xem chiếc cà rá đeo ngón giữa, hỏi, vàng gì? - Vàng tây. Tôi đáp không cần suy nghĩ. Sao biết? Nếu trăm phần trăm thì không bóng. Ông Tỷ cười, đúng, cái gì không thiệt trăm phần trăm thì làm bóng, thế là ông Tỷ cho tôi một cái nghề "buôn bán", dặn thêm là buôn bán vàng... - Nè, gần mười năm hoạt động trong nội thành, mình nghiệm thấy trong một khía cạnh nào đó của tâm lý, thằng Mỹ, thằng nguỵ mắc một sai lầm lớn, khi nghĩ đến Việt cộng chúng nó thường nghĩ đến những thằng nghèo, thằng dốt, nó ít nghĩ đến người có học, người giàu, dân chơi thì hầu như nó không bao giờ nghĩ tới. Thằng Khắc Trung với cái lai lịch của gia đình nó, nó phải bị nhốt ở ngoài Côn Đảo. Nhưng nó là dân chơi, bọn nó không để ý. Nếu chú mày, tao nhắc lại nếu ngồi bên tay lái của chiếc xe dân chơi thì cầm chắc " muôn năm". Và chỉ một ngày, chú mày có thể nhìn bao quát được cả Sài Gòn. - Làm sao tìm được nó? - Cứ đến mấy tòa soạn báo, hỏi, ai mà không biết. Sở dĩ tôi còn ở lại rừng là phải chờ giao liên. Giao liên từ Củ Chi đưa cán bộ lên R, từ R đón cán bộ về Củ Chi, một tuần mới có một chuyến. Từ Hà Nội trở về, tôi đề đạt nguyện vọng lên cấp trên xin được về chiến trường Đồng Tháp Mười, đó là chiến trường xưa của tôi thời chống Pháp. Nghĩ đến Đồng Tháp, tôi nghĩ đến cánh đồng mênh mông, những cô gái xõa tóc, hoặc mái chèo trên những con kinh dài hun hút. Khi tôi nhận được quyết định về nội thành, tôi rất băn khoăn. Hai chiến trường, mỗi nơi có mỗi đặc điểm riêng. Vào nội thành Sài Gòn, sẽ không bị chết vì bom đạn, không đói khát. Gặp một anh ở nội thành vào, tôi hỏi: buổi sáng ăn gì? Anh đáp: bình thường thôi, hủ tíu, cà phê, bánh bao, giò cháo quảy, cơm nếp lạp xườn, thích gì ăn nấy, nghe mà phát thèm. Nhưng lại không thoải mái, phải đối phó từng giờ từng phút, phải đóng một vai kịch nào đó, đóng kịch cả trong giấc ngủ, hễ sơ sẩy thì bị bắt, bị tra tấn, bị tù đày. Tôi không hình dung nổi biết mình có dũng cảm khí tiết hay không. Nghĩ đến cảnh tượng ấy, tôi sợ, nếu về chiến trường Đồng Tháp Mười, sẽ gian khổ, chẳng biết lúc nào bị chết vì bom đạn, nhưng lại được tự do thoải mái. Chiến trường này hợp với tôi hơn nhưng biết sao, mệnh lệnh thì phải chấp hành. Tìm lý do từ chối, sẽ bị mang tiếng thằng chạy xịt! May sao, cái ngày có giao liên là ngày tôi lên cơn sốt, sốt cao, sốt mê man, ở rừng chết vì sốt ác tính là chuyện thường. Anh em phải khiêng tôi vào bệnh viện. Trong những ngày tôi nằm bệnh viện, ban lãnh đạo Củ Chi có công văn gởi về R đại ý rằng, Củ Chi đang chống càn do đó không nhận một cán bộ nào nữa. Dứt sốt tôi về cơ quan văn nghệ R với một quyết định mới, về chiến trường Đồng Tháp Mười với nhiệm vụ: ký giả chiến trường. Tôi mừng rơn. Tôi hình dung, tôi sẽ đứng bên bờ sông Cửu Long, con sông quê hương mà tôi đã xa cách hơn 20 năm. Tôi hình dung tôi sẽ gặp lại cha mẹ tôi, anh em tôi cùng với những người thân mà tôi hằng mong nhớ. Tôi khoe với anh Tư gia, anh cười, cái miệng móm xọm: - Tôi biết lúc ông còn trong bệnh viện, tôi mừng cho tương lai văn học của chú mày. Mình không hình dung được chú mày vào nội thành, chú mày sẽ viết được cái gì? Nếu suôn sẻ, chú mày có thể vào cấp ủy, nhưng văn chương thì thật khó nói. Còn về chiến trường Đồng Tháp thì chú mày sẽ có ít nhứt một tập ký về chiến trường. Thôi! Nói chuyện khác, sau một trận sốt, người ta thèm ăn một món gì đó, mình hỏi, bây giờ chú mình thèm ăn cái món gì? Nghe anh hỏi, tôi chợt nhớ và kể - Hồi ở miền Bắc, năm 1958, tôi đi thực tế ở Ba Vì, theo một đơn vị Nam Bộ ở nông trường nuôi bò. Dưới chân núi Ba Vì, tôi bị sốt. Dứt cơn sốt, anh chàng trung đội trưởng tên Tốt, người như tên, thật tốt bụng, hỏi tôi, anh thèm gì, tôi nói, thịt heo luộc với một xị đế. Tốt không nói gì, bật dậy " xách đít" đi. Tôi nghĩ là Tốt hỏi cho vui và đi vì một việc gì đó của đơn vị. Không ngờ, chiều về, anh mang đến cho tôi một tô thịt luộc, một nắm rau thơm với một lít đế. Tốt cười thoả mãn sau một thành công: - Rất may, chiều nay đơn vị làm heo, tôi xắn một ký, nhúng vô chảo nước sôi nấu cơm, thôi nhậu đi! Tôi và Tốt ngồi nhậu cho đến mặt trời lặn. Không hiểu sao mà tôi cắt luôn cơn sốt. Còn bây giờ thì tôi thèm. - Thèm gì? - Thèm cái mà ở rừng không thể có. - Cứ nói xem? - Chuối chiên! Anh Tư già mắt liếc xéo tôi với nụ cười nửa môi. Buổi trưa hôm sau, tôi đang lơ mơ ngủ trên võng dưới bóng cây rừng. Nghe có ai lay đầu võng tôi: - Dậy! Dậy! Tôi mở mắt: - Anh Tư già. Từ chiếc võng của tôi qua chiếc võng của anh không quá ba thước được che qua một hàng cây rừng. Chiếc võng dù của anh treo giữa hai cây tai nghé gần khoảng trống nhìn ra trảng. Dưới võng của anh, trên một tờ báo trải rộng dưới mặt cỏ, tôi thấy có bốn miếng chuối chiên đặt dài trên tờ giấy rất trân trọng. Như một giấc mơ anh bảo: - Mỗi thằng hai miếng! Miếng chuối chiên bằng hai ngón tay, bao bên ngoài là một lớp bột vàng. Nhưng ở rừng làm gì có bột. Sau này, tôi được biết, anh xay bột bằng cách bỏ từng nhúm gạo vào lon sữa bò, rồi dùng cán cây "boa nha" đâm từng nhúm đến nát, rồi lại đâm nhúm khác cho đến khi đủ bột cho bốn miếng chuối. - Miếng đầu chú mày ăn ngấu nghiến cho đã thèm, miếng sau thì nhấm nháp từng miếng cho đã. Ăn chuối chiên, uống trà củ măng trong một buổi trưa rừng, bữa chuối chiên nhớ cả một đời người. Nếu vào nội thành, gặp lại thằng bạn dân chơi chẳng biết có vui không, chớ ở đây, chơi với anh Tư già thật thích thú. Anh về Bến Tre, tôi ở Đồng Tháp, tôi với anh sẽ đi với nhau một tuyến đường, bốn ngày bốn đêm đường bộ, một đoạn đường sông, qua bốn trạm. Đi với anh thật yên tâm, thứ nhứt là bữa ăn, trong cái bòng mang trên lưng của anh không chỉ có quần áo mà như có cả một cái bếp lưu động. Cái "bếp" có đủ gia vị: hành khô, ớt khô, tiêu tỏi muối đường, bột ngọt và nước mắm khô. Tôi chỉ làm một việc đơn giản, đi quơ củi, nấu cơm bằng cái "hăng gô" treo trên cái bếp lửa dã chiến. Còn anh, anh đi vào rừng hái rau, rau cải trời, rau càng cua, lá bứa và đủ thứ rau rừng. Ngoài cây "boa nha" trong bòng của anh còn có con dao thái thịt bằng hai ngón tay, lại còn có một hộp lưỡi câu, lưỡi câu nhiều cỡ khác nhau, một sợi nhợ dài. Hôm nào đến trạm sớm chưa đúng bữa ăn thì anh chặt một nhánh cây rừng, chuốt thành cần câu, anh đi ra suối hoặc một con rạch hay con sông của đất trạm. Anh đi không lâu, muộn nhứt là một tiếng, anh thường trở về với một xâu cá rô mè. Một bữa cơm chiến trường thật ngon lành. Đến một cái trạm tôi với anh sẽ chia tay. Chúng tôi đặt nó là một cái trạm "nghỉ ngơi". Không như những trạm khác, ngủ lại một đêm, mờ sáng lại phải đeo bòng, lại đi. Còn cái trạm này chúng tôi được nghỉ lại một ngày, ngủ thêm một đêm. Trạm giao liên này đóng bên bờ con sông trong một xóm nhà lưa thưa, nằm giữa một vạt tràm xơ xác. Tháng sáu âm lịch, nhằm những ngày con nước quay, dòng sông ngầu đục chất phù sa, ào ạt và mỗi lúc dâng đầy. Con sông tựa như con rắn uốn mình, ào ạt suốt đêm ngày. Để thử sức mình, tôi trầm mình, lặn một hơi thì đến bên kia bờ, bên kia bờ là đất nước Cămpuchia. Khi tôi trở về, anh Tư già khen chỉ cần hai hơi mà chú mày đụng được hai bờ biên giới của hai đất nước, chú mày trở về chiến trường Đồng Tháp là đúng. Ơở trạm "nghỉ ngơi" này có người môi giới cho khách đi đường đổi tiền Sài Gòn ra tiền "ria" của Campuchia, người môi giới ấy không ai khác là các cô cậu giao liên, rồi cũng chính các cô cậu ấy bơi qua sông nhờ các cô gái Miên ra chợ mua đủ thứ thức ăn theo yêu cầu của khách. Người nhận đổi tiền và mua giúp thức ăn cho chúng tôi là cô giao liên tuổi mười tám đôi mươi. Những cô giao liên tôi thường gặp đều là cô gái nông thôn, nước da bánh mật, rám nắng, gương mặt cô nào cũng rắn rỏi. Còn cô giao liên ở trạm "nghỉ ngơi" này thì như một cô nữ sinh, mái tóc xõa ngang vai, nước da trắng hồng, môi đỏ như son, cô mặc chiếc áo bà ba màu xanh lá cây, quần ny lông đen ống túm, choàng chiếc khăn rằn tưởng như cô văn công đóng vai giao liên trên sân khấu. Trạm nào cũng có thể bị đói, còn cái trạm "nghỉ ngơi' này thì phủ phê. Cũng giao liên nhưng cô cậu nào về được cái trạm coi như số đỏ. Nhìn cô giao liên đang đếm lại tiền, tôi nghĩ và hỏi: - Em tên gì? - Bông! - Cô ngước đôi mắt long lanh nhìn tôi. Tôi trêu: - Bông cũng là hoa, sao không đặt tên là Hoa cho nó đẹp. Anh Tư già ngồi trên võng liếc xéo qua tôi. Cô Bông đáp: - Cha mẹ đặt sao để vậy, với lại em không thích tên Hoa. - Sao lại không thích tên Hoa? - Tên Hoa nhiều nghĩa lắm. Người có tài gọi là tài hoa, không ai gọi là tài bông, rồi lại hào hoa phong nhã, cũng không ai nói hào bông phong nhã, còn em Bông là Bông! Anh Tư già nhìn xéo tôi và như anh đứng về phía cô gái anh cười chọc tôi. Khi cô gái đi rồi, anh lại nhìn xéo với nụ cười hóm hỉnh: - Thua một bàn trông thấy! Buổi sáng hôm đó, hai chúng tôi ăn thịt quay bánh hỏi. Chín năm ở Hà Nội, thịt heo quay ở chợ nào cũng có, nhưng không thấy đâu có bánh hỏi. Hơn ba tháng vượt Trường Sơn, tôi đang còn đói, món gì mà chẳng ngon, có dè đâu lại được cái món ngon tuyệt vời này với rượu đế. Đã vậy, sau khi ăn lại còn uống trà "củ măng" với bánh in sầu riêng. Tôi "chíp" cái bánh in sầu riêng này, bèn gửi mua thêm một chục phong dành ăn trừ cơm. Cơm nước no nê hai chúng tôi mỗi người mỗi võng dưới bóng cây trâm bầu. Tôi đang lim dim thì anh đánh thức bằng một cái quèo nhẹ bên vai tôi: "trực thăng", anh nói rất nhẹ nhưng tôi bật dậy ngay, đúng là có tiếng trực thăng đâu đó xa lắm, cả hai đều nhìn xuống cái hầm đầu võng. Tiếng trực thăng mỗi lúc mỗi rõ, rồi tiếng hét hốt hoảng: "Trực thăng! Trực thăng!" Tiếng hét hốt hoảng của ai đó trong đoàn khách, khiến tất cả đều bật dậy rời võng ngồi sẵn bên nắp hầm, nhưng thấy anh Tư già vẫn nằm trên võng phì phà khói thuốc. Tôi bắt chước anh, cũng đốt một điếu thuốc, cũng hút trong tiếng lạch bạch của trực thăng, nhưng mỗi người hút mỗi cách khác nhau, điếu thuốc trên miệng anh cháy đều, khói cũng nhẹ nhàng, còn điếu thuốc trên miệng tôi thì ngùn ngụt, khói thuốc từ cửa miệng tôi cũng ngùn ngụt như ống khói. Khi tiếng trực thăng rộ lên hung hăng giận dữ, anh bật dậy với lấy cái bình toong đựng rượu rót vào nắp bình toong đưa cho tôi với một cái nháy mắt: "Hớp một miếng". Rồi anh cũng hớp một miếng: "Mình phải lấy rượu làm nư!" (Sau này, tôi lại có một thói quen giống anh, hễ nghe tiếng trực thăng đến gần là tôi uống một ly, có người hỏi tôi, tôi đáp, lấy trực thăng làm mồi, nói tắt là nhậu trực thăng). Ba chiếc trực thăng bay dọc theo con sông biên giới, nghiêng cánh liếc qua cái trạm, rồi đảo một vòng, bay thẳng theo con đường mòn dẫn vào cánh đồng sâu, "sút" ba cái hoả tiễn, coi như xong nhiệm vụ rồi mất hút. Bầu trời trở nên yên lặng, yên lặng hơn cả trực thăng khuấy động, chúng tôi trở lên võng. Vừa no vừa ngà ngà say, thần kinh vừa mệt mỏi lại có ngọn gió đông, tôi đánh một giấc ngon lành. Khi tôi choàng tỉnh thì đã về chiều, trời lại sa mưa. Buồn lạ! Nhìn qua, tôi thấy anh đang đọc sách tiếng Pháp, anh xếp sách: - Dậy rồi hả? Chiều nay tôi đãi chú mày một món nhậu của nông dân. - Món gì? - Nhái. - Ơở đây có bán? Không! Mình đi bắt. Chú lo lửa củi. Nói vậy rồi anh rời khỏi võng, trong tay một cái túi may bằng áo mưa màu xanh đã cũ nát, bước ra đám cỏ dưới cơn mưa lất phất, rồi anh giả dọng nhái, anh giả giọng thế nào mà nhái từ đâu trong đám cỏ, như thót bụng dọt qua ngọn cỏ tới anh, anh đưa tay chớp gọn, nhốt vào bọc ni lông, rồi lại giả giọng và nhái lại bươn bả nhảy lại dưới chân anh. Tôi không thể hiểu được và thấy như lạc vào một miền đất xa lạ nào đó cùng với những cư dân có bùa chú. - Củi lửa xong chưa? Đến lúc ấy tôi mới bắt đầu nhen ngọn lửa. Tôi đã bảo anh là một người khéo tay. Anh chặt mấy nhánh trâm bầu nhỏ, tuốt da đặt lên bếp lửa. Có ngay một chén muối tiêu chanh và một chút bột ngọt. Anh nướng từng con, chín con nào ăn con nấy, anh cầm nguyên con nhái đưa vào miệng tôi: - Đừng cắn làm đôi hay làm ba, phải nhai nguyên con, nguyên con mới đủ một hớp rượu. Những cọng xương nhỏ cùng với thịt da của nó rào rạo dưới hàm răng trong của tôi, ôi sao mà ngon mà ngọt mà thơm lạ, lại một hớp rượu nữa, tuyệt! Hết con này tới con khác đang ngon miệng, tôi chợt hỏi: - Anh Tư? - Gì? - Tôi thấy anh em đi vào cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh quá khốc liệt, ai cũng có một tâm trạng nào đó, có lúc sơ hở có lúc cuống cuồng, còn anh, tôi thấy sao anh cứ nhàn nhã như đi chơi vậy? Hình như câu hỏi vô tình của tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của anh, anh bật cười ha hả, cười đến sặc cả rượu, rồi anh nhìn tôi, hai con mắt cười long lanh: - Đi làm cách mạng mà nói đi chơi là không nghiêm túc, có thể bị phê bình là không đúng lập trường. Nhưng (anh nhấn mạnh) nghĩ theo một cái nghĩa nào đó, nói là chơi cũng được. Mình kể cho chú mày nghe cái tiếng "chơi". Hồi ở Sài Gòn trước khi vào R mình có một bữa tiệc nhỏ chia tay với bạn bè. Bạn bè hỏi mình đi đâu? Không thể nói vào khu, không thể nói đi làm cách mạng, cũng không thể nói là đi đánh Mỹ, tự dưng mình buột miệng: "Đi chơi!". Vậy là từ đó cái tiếng "chơi" cứ đeo đuổi theo mình. Càng gẫm càng thấy ý nghĩa, đây là một cuộc chơi lớn. Miền Bắc, thế nào mình không rõ chớ trong Nam mình, hồi nhỏ, hễ rủ nhau đánh lộn thì hỏi: "Chơi không?" Đối phương đáp "Chơi". Thế là cả hai bên nhào vô "quánh". Cuộc này mình chơi với thằng Mỹ. Đã dám chơi thì không sợ. Bom đạn cứ bom đạn, cần nhậu thì nổi lửa. Nó bay trên đầu mình nổi lửa mà không có khói thì nó làm gì? Cũng coi như "chơi" lại với nó. Tôi nhen thêm lửa, anh móc thêm hai con nhái trong bọc nhựa đặt lên bếp, anh vừa trở con mồi vừa nói: - Có lúc, anh em thấy mình như nhởn nhơ, có người đặt cho mình biệt hiệu: Tư chơi thay cho Tư già. Mình từ chối. Già thì đã đến, "chơi" thì chưa đạt lắm. Chiều hôm sau, đến chuyến hai đứa phải lên đường cùng với một đoàn khách hơn hai mươi người và người dẫn đường là cô Bông. Trời nhá nhem tối, đoàn người xếp hàng một, bòng đeo lên vai, tôi với anh Tư già đứng cuối cùng. Anh lại đưa tay khều vai tôi: - Có nên ở lại chơi thêm hai hôm nữa không? Thật lòng, tôi muốn lắm, nhưng rất ngại. - Tôi thấy chú mày chưa lại sức, ở lại "chơi" bồi dưỡng thêm vài ngày nữa. Vừa lúc đó có một đoàn cán bộ trên R về, đoàn này sẽ nghỉ lại một chuyến và sẽ tiếp thu chỗ ăn ở của đoàn chúng tôi. - Anh Tư! - Có ai đó gọi anh. Một thanh niên trạc tuổi hai mươi lăm, xô tới ôm vai anh. Anh quay lại: - Bá! Mới tới? - Dạ em mới tới. - Hay lắm! Nghỉ lại một chuyến, ở lại " chơi" với tụi này. Bá lắc đầu: - Đúng ra thì phải nghỉ lại một chuyến, nhưng em tranh thủ đi ngay. - Làm gì mà vội vậy? Bá cười đỏ mặt. - Aà biết rồi, đi đi... Bá liền cắm đầu chạy theo đoàn khách đã đi một quãng xa. Hai chúng tôi trở lại chỗ cũ mở bòng, mắc võng che tăng. Lên võng, phì phà điếu thuốc, tôi hỏi: - Bá nào mà vội quá vậy anh Tư? - Em út của thằng bạn mình hồi chín năm. Nó mới vừa lấy vợ thì được điều về R dự khoá dân quân một năm để trở về làm huyện đội phó. Nó sốt ruột là phải. - Bá về tới đâu? - Cà Mau. - Đi mất bao nhiêu ngày? - Nếu suôn sẻ thì chuyến nào cũng phải mất hơn một tháng. Tôi chặc lưỡi. Anh tiếp: - Âấy là chuyện thường. Có đoàn đi chỉ cần một tuần, nhưng nếu gặp giặc càn có khi mất đến cả mấy tháng. Chiến tranh thì đâu có gì bình thường. Cái đêm ấy vì no bụng, no cả mắt hay là vì không ngủ được hai chúng tôi cứ trở mình trên chiếc võng, như có một tín hiệu bí ẩn nào đó của chiến tranh, lòng thấy nao nao. Thế là hai anh em lại uống rượu dưới tầm bay của chiếc "ĐaKôta", nhìn pháo sáng ma quái và nghe tiếng bom rền. Một loạt bom rền nghe rất xa, nhưng hơi bom lại dội về lao xao qua rặng trâm bầu. Cũng với cái giọng nhẹ nhàng, anh bảo: Bê năm hai nghe rền rền vậy là xa lắm, khi nó nổ gần mình thì cứ nghe ùn ụt, mặt đất chao đi như đưa võng. Buồn quá hả! Thôi! Ơở Hà Nội có gì vui kể nghe chơi. Thế là tôi kể chuyện Hà Nội, chuyện này qua chuyện khác, thủ thỉ mòn mỏi rồi thiếp đi lúc nào không hay biết. Có ai đập trên đầu võng tôi như báo động, tôi bật dậy, anh Tư già cũng bật dậy, trời sáng bảch. Trước mắt chúng tôi là anh trạm trưởng quần đen, áo đen, khăn rằn quàng cổ, mặt tối sầm: - Hai đồng chí chưa đi hả? Có thể bị quở trách gì đây, anh Tư già đưa tay chỉ qua tôi, lẹ miệng: - Đồng chí này vượt Trường Sơn, bị sốt. Tưởng anh trạm trưởng phê phán hay trách móc nhưng anh nhìn chúng tôi với hai con mắt buồn như có một đám mây, giọng khàn khàn: - Thật may cho hai đồng chí. - Rồi giọng của anh như lạc hẳn đi- Cả đoàn chết hết cả rồi! Chúng tôi chết sững một hồi lâu mới cất được tiếng: - Sao? - Bê năm hai ba đợt dội ngay đội hình, rồi trực thăng, đồng nước mênh mông, không hầm không hố. - Cô giao liên tên Bông còn không? Anh trạm trưởng chỉ hơn hai mươi tuổi mà già đi hơn bốn mươi, anh buồn rầu lắc đầu. - Không còn một ai. - Không còn một ai. - Không còn một ai! - Anh Tư già không phải hỏi mà lặp lại như tiếng vang. Ba năm sau. Trong ba năm ấy, tôi xê dịch ba nơi: ở chiến trường Đồng Tháp một mùa nước thì trở về R. Từ R theo một cách quân tiến về Sài Gòn năm Mậu Thân, rồi từ chiến trường Sài Gòn lại trở về R. còn anh Tư già thì ở Bến Tre, nhưng không ngồi yên một chỗ, khi ở cù lao này lúc ở cù lao khác, mỗi lần thay đổi cù lao là phải vượt sông trong tầm súng của tàu tuần, dưới tầm bay của trực thăng. Cả hai đều suýt chết nhiều lần nhưng không chết mà gặp nhau trên một cái hồ giữa rừng biên giới. Một cái hồ mênh mông có một dòng sông nhỏ nối liền sông Cửu Long, nhờ đó mà cá từ Biển Hồ xuôi theo sông Cửu Long, rẽ vào nhánh sông nhỏ, vào hồ trú ngụ sanh đẻ. Độ mươi cái nhà bè sống trên hồ, sống bằng nghề đánh cá. Anh em ở chiến trường về, bệnh hoạn hoặc ốm yếu mới được ra hồ để bồi dưỡng. Hồ có rất nhiều loại cá: cá bống, cá lăn, cá trèn... có một loại cá dễ câu nhất là cá thác lác, dễ câu là vì biết được cái khẩu vị của nó. Mồi trùn, mồi dế, mồi cào cào cá thác lác không mê lắm, nó mê nhất là mồi con gián. Đêm đêm, một thằng bạn chuyên làm nhiệm vụ bắt gián, sáng ra thì tôi đi câu. Nói là đi chứ chẳng đi đâu. Nhà bè nào cũng có vài cái lỗ độ hai tấc vuông để tuôn rác xuống hồ. Cái cần câu ở đây chẳng có gì thơ mộng nhưng rất thực dụng, là một khúc tre già bằng ngón tay cái, dài bốn năm tấc, cả hai đầu đều bằng nhau buộc nhợ câu vào đầu nào cũng được, ngắn gọn mà chắc. Tôi móc con gián vào lưỡi câu, ngồi trên sàn gỗ của nhà bè, mở cái nắp lỗ, thả xuống. Không phải đợi lâu, chỉ cần hút vài ba hơi thuốc là cần câu bị ghì xuống, giật lên, con cá thác lác bề ngang bằng bàn tay, vẩy bạc li ti, mắc vào lưỡi câu uốn mình giẫy giụa, tôi khéo léo kéo qua lỗ đưa nó lên sàn, một con. Mỗi sáng chỉ cần ngồi câu độ nửa tiếng là có bốn năm con thác lác, đủ ăn cả một ngày. Nhiệm vụ của tôi thế là xong. Phần còn lại là của anh Tư già, anh làm cá, chế biến thức ăn và nấu cơm một ngày hai bữa, cực nhưng anh khoái làm bếp. Làm cá thác lác người ta chỉ nạo lấy thịt còn da thì bỏ, anh Tư lại khác- cái da cá anh đem phơi, da cá thác lác anh mắc đầy lên cây rừng. - Cá đâu có thiếu gì mà tiết kiệm đến cái da anh Tư? - Âấy, rồi sẽ có lúc cần. Một hôm, tối lắm, một đoàn bạn trẻ cùng một cơ quan, bốn đứa từ trong rừng kéo ra hồ. Anh Tư hỏi: - Mấy chú đi đâu giờ này? Chuyện gì? Hỏi vậy là có hơi lo, tin giặc càn hoặc dời cứ gì đây - một bạn trẻ đáp: - Có gì đâu! Tụi cháu rủ nhau ra thăm chú Tư chơi. Anh Tư đưa ngón tay trỏ lên, hỏi: - Nói cho rõ. Ra chú Tư chơi hay là ra chú để chơi? Anh bạn trẻ lém lỉnh: - Ra chú Tư chơi để chơi, được chưa? - Vậy thì ngồi đó. Anh Tư già nổi lửa rồi quay qua tôi: - Mồi cá thác lác đâu? Tôi biết anh không bảo tôi đi câu, lẹ chân tôi đi gom da cá thác lác treo trên cây rừng, co ít nhứt cũng bốn năm chục cái da cá. Da cá thác lác để vào lửa, nó quéo lại thơm lừng. Với mồi da cá, rượu đựng trong thùng đạn Mỹ, bọn tôi uống sạch bốn lít. Một đêm cũng trên cái hồ ấy ngoài những chuyện về chiến trường, anh lại nhắc đến thằng bạn dân chơi của tôi ở Sài Gòn, Nguyễn Khắc Trung. - Trận Mậu Thân đánh vào Sài Gòn có gặp thằng dân chơi của chú không? - Không! Tôi chỉ đi đợt 1 cũng chỉ đến An Lạc rồi rút về. - Uổng uổng! Tôi nhớ lại thằng Khắc Trung, nhớ lại thời còn đi học. Không ngủ được vì nhớ hay vì con trăng rừng huyền ảo quá! Rồi hai đứa cũng gặp nhau. ấy là một buổi chiều tháng năm 1975, những ngày đầu tưng bừng của Sài Gòn vừa giải phóng. Tôi đang thả bộ trên vỉa hè dưới hàng me đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) bỗng có người gọi đúng tên tôi, tiếng gọi nghe như hét, như bị dồn nén từ lâu, tôi quay lại: thằng Khắc Trung, nó ngồi trên chiếc xe Honda nam màu đen cao lêu nghêu. Đã hơn hai mươi năm từ ngày tôi với nó với mấy thằng bạn ngủ dưới nền đất trong ngôi nhà bên sông Trà Cú trước ngày tập kết, hai mươi năm sau tôi vẫn nhận ra nó, cái mặt chơi của nó rắn rỏi quá. - Đi sau lưng mà sao nhận ra tao, Trung? - Tao với mày có cái khác nhau. Cổ tao dài như cổ cò, còn cái cổ của mày như cái cổ vịt lùn Sa Đéc. Nó đưa tay ra sau vỗ lên yên xe, nói như lịnh: "Lên xe!". Từ đó, đôi ba ngày nó lại thắng xe trước sân nhà tôi hét vào: - Bận áo vô! Tôi có ở trần hồi nào đâu mà nó bảo tôi mặc áo? Đó như là ám hiệu có nghĩa là lên đường đi nhậu. Khi ngồi vào quán trước ly rượu, nó bảo: - Với mày tao có kế hoạch như vầy, tao bỏ ra một tháng để chống dốt cho mày. Tôi chưa kịp hiểu thì nó nhướng mày: - Không phải mày bị dốt vì chữ nghĩa, ra miền Bắc, mày được học hành, chuyện đó bây giờ mày giỏi hơn tao. Nhưng tao biết tụi mầy gian khổ lắm, cái gì ở đất Sài Gòn này, mầy chưa biết, tao cho mầy biết, được hôn. - Còn gì bằng! Buổi chiều lần đầu gặp nhau, nó đưa tôi đến một cái quán sang ở chợ cũ, nó cho tôi ăn con đuông, quả là từ nhỏ đến lớn tôi mới biết mùi vị của con đuông. Con đuông là một loại sâu trong cây chà là. Mỗi cây chỉ có một con, con đuông chỉ to bằng một ngón tay, ngon và béo hơn con nhộng, đặc biệt thơm mùi bơ. Đó cũng là cách nó chống dốt cho tôi... Lần ấy tôi hỏi nó: - Nghe nói ở ngoài này mầy nổi tiếng dân chơi? - Sao mầy biết, ai nói? - Anh Tư nhà văn. - Anh Tư nhà văn, tao biết, tao cũng chống dốt cho ảnh đôi ba lần. Mấy năm đó cũng chơi, nhưng không nổi đình đám bằng sau Mậu thân năm sáu mươi tám. Thằng dân chơi của tôi kể tiếp: - Khi quân ta rút dần về căn cứ cũng là lúc tao được tin ông già tao từ Hà Nội về đến rừng U Minh, người đem thư báo tin là một bà già. Thế là tao đóng vai con của bà, về căn cứ. Chuyện cha con gặp nhau vui buồn thôi khỏi kể. Trong những ngày đó, tao gặp ông Chánh ủy khu, vốn là bạn của ông già, tao gọi là chú Sáu. Sau nhiều câu chuyện về Sài Gòn, chú Sáu Chánh ủy nói: "Cách mạng muốn nhờ cháu một việc"... nhờ là chuyện thường tình, đằng này ổng nói: "Cách mạng muốn nhờ...". Tao biết đây là chuyện sống chết, chuyện lớn, tao nghe ớn xương sống, chẳng biết nói gì chỉ biết dạ. Chú Sáu Chánh ủy tiếp: - Hiện nay bộ đội mình đã hết tiền, anh em chiến sĩ ăn uống kham khổ, vừa đói vừa chiến đấu. Cách mạng thì có tiền. Nhưng tiền xài không được, có đôla nhưng chưa đổi thành ra tiền của Sài Gòn. Cách Mạng muốn nhờ cháu đổi đôla ra tiền Sài Gòn, cháu thấy sao? Té ra hôm nay nói chuyện với ổng, ổng cố ý tìm hiểu và đánh giá khả năng của mình. Tao đã vô tình kể về sự giao du của mình, đối với dân thượng lưu của Sài Gòn. Phải nói là không khí rất nặng nề. Ông già tao mở tròn hai con mắt nhìn tao lom lom. Hình như ổng cũng bị bất ngờ trước sự phân công này. Lâu lắm tao mới mở miệng: "Chú Sáu cho cháu suy nghĩ". Đêm hai cha con ngủ chung, ông già bảo: "Con nên nghĩ kỹ, đồng tiền dễ mang tiếng". Tao đáp: "Con không sợ mang tiếng, con chỉ sợ con không đủ sức". "Ba đang nghĩ đến bộ đội mình đang đói, tùy con". Sáng hôm sau cũng trong ngôi nhà lá trong cụm tràm thưa, bên bờ kinh, tao nhớ một buổi sáng đầy nắng, không nghe tiếng súng, chỉ nghe tiếng chim và tiếng ong bay đi tìm mật, tao ngồi đối diện với chú Sáu Chánh ủy. Chú hỏi: - Đêm qua cháu mất ngủ phải không? - Dạ. - Cháu đã nghĩ kỹ chưa? - Dạ kỹ. Cháu xin nhận với hai điều kiện. - Điều kiện gì cháu cứ nói. - Điều kiện thứ nhứt là cháu hoạt động đơn tuyến. Tự tay cháu nhận tiền và cũng đích thân cháu mang tiền về. Điều kiện thứ hai là cháu được xài tiền. Tao định giải thích cho rõ điều kiện thứ hai tại sao và tại sao thì chú Sáu Chánh ủy đưa tay vẫy nhẹ: - Cách mạng hiểu cháu. Cách mạng đồng ý với hai điều kiện của cháu... Lúc đó tao thầm nghĩ, chú đánh giá đúng người. Không thể để anh em chiến sĩ bị đói, tao nghĩ khi xách đầy một vali đôla trên đường về Sài gòn. Về Sài Gòn, mở cửa vào nhà, tao thẩy vali lên giường như một cái vali quần áo. Tao sống độc thân, nhà không có ai. Tối hôm đó tao lại ra bar, giao tiếp với các tai to mặt lớn của ngụy Sài gòn. Xen lẫn trong những câu chuyện tào lao, tao cho họ biết, Trần Lệ Xuân khai thác gỗ ở miền Đông, ở Tây Nguyên, còn tao, tao sẽ khai thác gỗ ở rừng U Minh. "Các ông đánh Việt cộng đến đâu thì tôi làm gỗ đến đó, hẹn một ngày huy hoàng!". Sau đó tao đến nhà của một đại tá phu nhân, một mụ đàn bà đầu mối buôn lậu, cái gì mụ cũng buôn, có cả buôn tiền, đổi tiền và rửa tiền. Trên bốn mươi tuổi, đẹp sắc sảo, có học nhưng cặp mắt khi liếc thì bén và ác. Sau khi nghe tao nói mụ bảo: - Cho tôi xem mẫu. - Vừa nhìn tờ bạc mẫu trên tay tao, mụ nhìn tao với cặp mắt khác, vừa hoảng sợ vừa căm thù: - Tiền Việt Cộng ở đâu ông có? Có lẽ tao cũng hoảng hơn cả mụ, nhưng tao làm tỉnh và trấn an bằng một cái lưỡi: - Tiền nào cũng là tiền. Tôi đến đây không phải để làm chính trị. Tôi với bà là người làm giàu bằng chiến tranh. Cái gì có lời tôi nghĩ là chúng ta không nên bỏ qua. Aánh mắt mụ ta dịu lại: - Đôla này là đôla Hồng Kông, đất Sài Gòn không ai có, không ai xài, trừ Việt cộng. Nếu muốn đổi ra tiền Việt Nam Cộng Hòa thì phải đổi ra đôla Mỹ, không dễ đâu! - Vì không dễ nên tôi mới tìm đến bà, nếu trong tay tôi là đôla Mỹ thì tôi với bà không quen nhau. Tôi thấy bà đánh giá đúng nhưng chưa đầy đủ, đôla này người Tàu Chợ Lớn nhiều nhiều lắm, nó có thể đốt cháy tôi và cả bà. Mụ ta cười, cái cười thấy đồng tiền trước mắt: - Chiều mai ông trở lại, tôi trả lời dứt khoát... Đây không phải là báo công mà kể lể dài dòng, vắn tắt để cho mày biết chơi vậy thôi. Nói đến chơi, tao chơi một cú thật động trời, bọn tướng tá, thằng nào nghe, gặp tao cũng bái. Số là hôm đó tao mang về hai vali tiền. Đến cái đồn cuối cùng trước khi vào căn cứ thì trời về chiều, tao xách hai chiếc vali tiền đi thẳng vào đồn. Cái đồn này coi như đồn biên giới giữa hai vùng ta và địch. Khi tao bước vào tên trung úy đồn trưởng biết tao là ai rồi, nó đã nhận được điện của một viên đại tá đàn anh báo trước, nó chực sẵn ngoài cổng. - Chờ cậu Hai lâu quá! - Vừa vồn vã vừa đỡ lấy hai chiếc vali và hỏi - Gì mà nặng dữ vậy cậu Hai? - Tiền! Tiền gỗ, tiền phát lương. Sau đó tao hỏi: - Ơở đây có gì vui? - Khỉ ho cò gáy, buồn thúi ruột! - Bây giờ làm gì vui? Nó nháy mắt cười nửa miệng rất đểu: - Cái gì vui, cậu Hai biết rồi! Hiểu ý, tao lịnh cho nó: - Gọi về Sài Gòn, lấy một chiếc trực thăng, chở em xuống, mỗi thằng một em. Bọn lính đứng xung quanh nhảy dựng lên, có thằng chạy lại đấm bóp hai vai tao... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đổi hết tiền, một hôm gặp lại bọn tướng tá trong nhà hàng, mượn rượu tao chửi thẳng vào mặt chúng nó: - Đ.mẹ, tụi mày đánh giặc như con c... Tao theo chân tụi mày, tao rải tiền, bây giờ tụi mày tháo chạy, gỗ của tao nằm ì tại chỗ, cháy túi. Mặt thằng nào cũng sượng. Tao thấy nỗi thất vọng đến chán chường qua cặp mắt lơ láo của bọn tướng tá. Tôi nói: - Mầy tồn tại đến bây giờ kể cũng giỏi. - Biết thế nào mà giỏi với dở, cũng như mầy, bom đạn vậy mà mầy vẫn sống, cũng không bị thương. Tao chơi, tao tung hoành trong cái khe hở của bọn nó. - Mầy có viết nhựt ký, ghi lại những việc đã làm không? Nó bật cười: - Viết làm quái gì! Tôi hỏi sang chuyện khác: - Sao mầy không lấy vợ? - ở đất Sài Gòn này, mang tiếng là dân chơi, có lẽ vì chơi mà tao không tìm ra tình yêu. Aà! Mày còn nhớ con Thùy không? - Nhớ đến mầy là tao nhớ đến nó. - Tại sao nó không phải là Thủy là Thuy, là Thụy mà lại là Thùy. Nghẫm nghĩ sự đời, tao thấy đời tao lận đận vì cái dấu huyền. Tôi làm trung gian sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn được mệnh danh là dân chơi - Anh Tư già nhà văn và Nguyễn Khắc Trung - Một người là dân chơi trong lòng giặc đầy trắc trở, hiểm nguy. Tôi hình dung một cuộc gặp gỡ đầu thú vị. Chiều hôm đó, tôi ăn mặc đàng hoàng hơn mọi ngày, ngồi chờ. Thằng Nguyễn Khắc Trung của tôi cỡi chiếc xe Honda đen, như ngồi trên con ngựa ô, xe thắng "két" trước sân nhà, nó khoác tay và hét: - Bận áo vô!