“Fate fits karma so use it…”
Thuở hồng hoang... Tất cả là hư không. Sinh linh không có. Những đám bụi sống vẩn vơ trong vũ trụ tìm chốn dừng chân. Hồng hoang đáng sợ mà trinh nguyên, chưa có ác độc, thù hằn, không có cuộc tranh đua tàn khốc giữa các sinh linh từ giống trùn giun đến những con người tròn đầy hình hài sinh thể. Nghiệp chướng của mỗi sinh linh vì thế cũng chưa nên hình. Karma chưa có. Rồi một ngày kia hồng hoang sinh ra karma từ khi có cuộc sát diệt giữa muôn loài. Karma đến như một lời cảnh báo. Từ đó quay về lại hồng hoang…
Thịch! Thịch! Thịch!...
Ông nằm im đến nỗi có thể nghe rõ tiếng tim mình đập dữ dội trong lồng ngực. Quả tim khốn khổ! Bình thường chẳng bao giờ ai chú ý tới nó. Dĩ nhiên, tim, cũng như mọi cơ quan khác trong cơ thể, nằm ngoài sự quan tâm thường nhật của bất cứ người bình thường nào. Nhưng giờ đây nằm trên giường bệnh, ông lại thấy quả tim hoạt động dữ dội. Dường như chính nó cũng muốn góp phần vào cuộc tranh đấu quyết liệt và muôn thuở chống lại tử thần mà ông đang trải qua. Nghe tiếng tim đập, ông lại thấy rõ hơn bao giờ hết cái gian khổ và cam go trong cuộc chiến này. Ông biết có thể mình sẽ thắng, nhưng biết đâu lại vẫn thua như hàng trăm, hàng triệu người khác trong vòng luân hồi. Vòng quay ác nghiệt nhưng lại quá tất yếu, ông có thể thoát khỏi nó lần này, nhưng còn mai đây…?!
Thịch! Thịch! Thịch!...
Năm mươi mốt tuổi. Không phải còn trẻ nhưng ông cũng chỉ mới sang bên kia bờ dốc cuộc đời. Còn sớm, quá sớm. Ông biết như vậy. Trước mặt ông vẫn là hàng trăm, hàng triệu những niềm đa đoan trần tục. Ông chưa được phép về cát bụi. Ông còn quá nhiều thứ phải làm.
Thịch! Thịch! Thịch!...
Ông nằm thở dốc, cảm giác, một cảm giác kỳ lạ, là tự nhiên không khí trong phổi mình đang bị một cái bơm khổng lồ hút hết ra ngoài. Một sự trống rỗng đến ghê người. Ông cựa quậy như tìm chỗ với. Quả tim vẫn đang vật lộn khắc khoải. Trời ơi! Hãy để cho ông sống… Ông gào lên trong cơn mê sảng và hoảng loạn. Ông hoảng loạn vì thấy sự bất lực của mình trước thần chết. Ông không cho hắn được thắng cuộc. Hắn không được thắng cuộc, vì ông, ông chỉ còn bản thân mình là đáng quý để đấu tranh giữ lấy. Ông chỉ còn thứ tài sản duy nhất này, và không được phép buông tay đánh mất nó, đánh mất thứ cuối cùng trong đời ông: số mệnh. Ông chỉ còn số mệnh của chính mình. Đêm hôm đó, ông ngủ ngon giấc trở lại vì bác sĩ đã kịp tiêm thuốc an thần cho ông. Ngủ yên để tạm quên đi trận chiến của mình…
Nửa năm trước, ông còn là giám đốc một công ty nhà nước vào bậc nhất. Ông được trọng vọng, nể vì. Người ta xun xoe hỏi ý kiến ông, nịnh hót ông như một bầy ruồi bâu quanh miếng mồi ngon. Ông được ca tụng đến quên cả bản thân mình; đến nỗi nhiều lúc ông thấy mình cũng cao quý hẳn lên, học thức uyên bác lên và tấm bằng tiến sĩ mua với giá một nghìn đô cũng giá trị lên hẳn. Ông có trong tay ba cái nhà to, một cái trong phố cho thuê mở nhà hàng, một cái gia đình ông ở và một cái biệt thự to đùng ngay bên bờ hồ Tây lộng gió để bà vợ và mấy cô con gái đỏng đảnh nhà ông thỉnh thoảng tới đổi không khí. Với cái đống gia sản đó ông khiến người ta phải rỏ nước miếng ghen tị, thậm chí ghen ghét gièm pha. Mà cũng phải! Tốt đẹp gì đâu cái thứ nhà ông! Gần mười năm trời làm giám đốc ông chứng kiến hàng trăm điều hủ bại và sống với chúng đến độ thành quen. Nó như một cái guồng máy hoạt động liên tục. Ông chẳng may (hay là may mắn?!) mắc vào cái guồng đó và không sao thoát ra được nữa. Ông quay theo nó, quay theo những đốn mạt và rởm đời của nó để ông vẫn là giám đốc, vẫn ngồi chiếc ghế bọc nhung trong văn phòng bật máy lạnh chạy rì rì, vẫn có cô thư ký trẻ măng hay ngồi giũa móng tay và pha nước trà rất khéo cho ông, và vẫn có những phong bì đo đỏ, những chai rượu ngoại đắt tiền mỗi khi năm hết tết đến. Ôi! Đời mà! Ông biết thốt ra cái câu sáo rỗng này chẳng ích lợi gì, nhưng nó vẫn an ủi ông rằng ông còn giữ được phần nào cái “thanh lương”.
Đối với ông, những người dưới quyền đều là một lũ cơ hội bỉ ổi, chúng bám lấy gấu quần ông, nhưng chỉ chờ cơ hội là cắn trộm, cắn thật tàn nhẫn như lũ chó hoang cắn nhau. Sống trong nỗi lo sợ, cấu xé, giành giật đó cũng chẳng thú vị gì nhưng ông vẫn phải gắng gượng. Ông thu vén một cách miệt mài, cần cù như một con kiến thợ để chưa đến năm mươi tuổi ông đã có mấy căn nhà to và một tài khoản ngân hàng Thuỵ Sĩ.
Vợ ông vốn là một người đàn bà cục mịch và thô thiển. Thời bao cấp mụ làm mậu dịch viên. Ông làm cán bộ nhà nước. Cá gặp nước; thế là vồ lấy nhau như phải duyên số. Từ đấy và rất lâu về sau, đã nhiều lần ông tự hỏi trong tim mình có chỗ nào gọi là tình yêu dành cho mụ hay không. Nhưng lục lọi mãi mà ông vẫn chẳng thấy đâu, cuối cùng đành hài lòng với một ý nghĩ giản đơn: ông lấy về một người làm vợ, chứ không phải một người tình. Mà quả thực trong gia đình mụ thu vén tốt ghê lắm. Ngay cả trong thời bao cấp đói kém mà trong nhà mụ vẫn lo được đầy đủ, con cái cũng có da có thịt chứ không vàng bủng xanh xao như lũ trẻ trong cái khu tập thể ổ chuột. Từ khi ông lên giám đốc hồi đầu những năm chín mươi, cả nhà lại càng thảnh thơi hơn. Ông lo việc ông, mụ chạy việc mụ. Tiền tài trong nhà luôn dư giả. Lũ vịt giời nhà ông cũng tự nhiên được liệt vào hạng tiểu thư đài các, khác hẳn bọn thường dân.
Gia đình ông không có bất hoà bao giờ. Là một mụ đàn bà đanh đá có tiếng ngoài đường ngoài ngõ nhưng vợ ông hiếm khi cãi lại chồng. Hình như mụ vẫn mang trong lòng một sự nể phục nhất định đối với ông, một giám đốc bệ vệ oai phong, đi đâu là có tuỳ tùng bám theo sát đít. Mụ lại có tài nội trợ nên tới bữa bao giờ cũng đầy đủ cơm dẻo canh ngọt. Ông còn gì mà phải chê bai nữa đâu.
Cuộc đời ông cứ trôi qua phẳng lặng, phẳng lặng đến ngán ngẩm. Ông tưởng mình cũng sẽ yên ổn thế này tới lúc về hưu và có lũ cháu ngoại bế trên tay. Nhưng ông quên karma…
Karma đến đột ngột như nó phải đến. Karma đến không được chào đón, âm thầm và dữ dội tống những đợt sét vào đời ông khiến nó không còn phẳng lặng. Những điều không dự liệu dày xéo ông, khiến ông không ngóc đầu lên được. Ông bị karma vùi dập. Ông kêu trời, nhưng trời cũng chỉ là trời thôi; trời không có việc ở nhân gian trần tục. Ở đây đã có karma chờ đón ông, nham hiểm và tàn khốc…
Vợ ông bị ung thư. Mụ ra đi nhanh đến nỗi sau đám tang đến vài ngày ông vẫn còn chưa nhận thức được sự ra đi đó. Lũ con gái khóc đến ráo cả nước mắt nhưng ông vẫn ráo hoảnh. Mới đầu ông tưởng ông không yêu mụ đến mức có thể đau xót. Điều đó là bất nhẫn, ông biết vậy. Nhưng cuối cùng ông nhận ra điều tệ hại hơn: ông tiếc sự ra đi của vợ đến ngẩn ngơ. Ông giậm chân kêu trời tại sao không cho định mệnh của ông hoàn hảo. Ông có tất cả những hạnh phúc phồn thực của một người trần mắt thịt, ông có đòi hỏi gì nữa đâu. Vậy thì tại sao mụ phải ra đi?! Vợ ông ra đi ở đỉnh dốc, sắp sang phía bên kia cuộc đời, để lại cho ông hai cô con gái đang tuổi mơn mởn mà ông không biết làm thế nào. Hai đứa con gái sợ mẹ. Chúng quen với nếp sống nhung lụa quý phái, nhưng cũng chỉ sợ những lề thói có phần hà khắc mà mẹ chúng đặt ra cho chúng. Nhưng giờ đây, chúng như chim sổ lồng. Ông thấy mình giống như một anh chàng chăn nuôi khốn khổ phải tất tả khua khoắng tứ tung để lùa đàn vịt về chuồng. Nhưng ông biết hai đứa con gái đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của ông.
Mỗi buổi chiều đi uống bia về ông đều chịu khó liếc qua phòng con gái nhưng hầu như chúng không ở nhà. Ông cũng chẳng biết chúng đi đâu, vì chính ông cũng chẳng có thời gian hỏi han con cái. Bẵng đi một thời gian ông đã thấy một mái tóc đỏ lạ hoắc ngồi trong nhà: con gái ông; một thời gian nữa lại đã có một đứa mặc cái quần hở rốn để lộ cả một khoảng bụng trắng phau, tay dán một hình xăm giả mà mới đầu ông tưởng là thật: cũng là con gái ông. Chúng đã học được cách đốt tiền cho đám con trai mới lớn và những vũ trường tệ nạn. Ôi! Ông biết mình bất lực, bất lực thật sự vì đối với chúng ông đã trở thành một lão già lẩm cẩm, nói chẳng ai nghe, chỉ còn một tác dụng duy nhất là phun tiền ra đều đều như một cái máy ATM hạng bét. Mụ vợ của ông, chỉ tại mụ mà ông ra nông nỗi này; tại mụ bỏ đi quá sớm để lại cho ông những khoảng trống trách nhiệm không tài nào bù đắp được. Nếu còn mẹ, con gái ông đã không biến thành một lũ nửa tiểu thư, nửa gái nhảy như vậy. Ông tưởng tượng tới những lần vào quán karaoke ôm ấp một con bé tóc vàng nào đó. Ôi, khác gì con mình đâu. Ông suýt lộn mửa.
Ngày nghe tin đứa con gái lớn đang nằm trong nhà xác, ông đang đi công tác Hải Phòng và nghỉ trong một nhà nghỉ sang trọng ở Đồ Sơn. Quên cả cô hầu phòng trẻ đẹp, ông phi như điên dại về Hà Nội. Đứa con gái mà ông từng đặt nhiều hy vọng nhất… Ông đã xếp cho nó một chỗ tại một trường đại học danh tiếng ở Anh để làm master, mong nó sẽ thành một con người thực thụ, có kiến thức và đầu óc chứ không phải là hạng rối vườn như ông. Đứa con gái hai mươi lăm tuổi từng khóc rũ rượi bên xác mẹ nó, nói rằng sẽ chăm lo chu đáo cho cha và em. Ông biết làm sao bây giờ?! Trời phụ ông. Karma hại ông… Đứa con gái dại dột bám lưng một thằng công tử nhà giàu trong một cơn bão đường phố đã đột ngột lìa đời ở cái tuổi mà lẽ ra nó còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn thế. Thậm chí cả tuần ông vẫn chưa nói chuyện với nó. Khổ thân ông!
Đứa thứ hai nghiện nặng. Ông biết tin thấy người tê dại như bị điện giật. Ông biết đời ông thế là hết. Chức giám đốc của ông cũng chẳng còn cái vị gì nữa. Ông bị cách chức vì một dự án thiếu trách nhiệm, bị bọn đểu cáng gièm pha hãm hại. Ông sống vật vờ, cuộc sống trôi qua như một cái bóng. Con bé nghiện ma tuý không thể nào chữa khỏi được nữa. Nó bòn rút của ông như điên dại để cho bay theo những làn khói. Tệ hại hơn, nó bám đuôi thành gái bao cho bọn nhà giàu để có tiền chích. Phát đạn cuối cùng làm ông gục ngã. Cuộc đời với ông không đáng sống nữa. Ông muốn chết, nhưng cuối cùng lại phải chết bằng cái thứ bệnh bỉ ổi. Ông bị bệnh tim, cái bệnh khiến ông muốn phát điên…
Thịch! Thịch! Thịch!...
Ông nằm nghe tim đập. Ban ngày nghe tiếng không rõ bằng ban đêm vì ban ngày có tiếng hàng trăm loại xe cộ vọng từ ngoài đường vào làm thành một thứ hợp âm u u nghe rất nhức đầu. Ông nghe những tiếng động xa vắng thấy mình như sắp tách khỏi thế giới này để bước vào một thế giới khác của hư hư thực thực. Ông nằm một mình, dù ngày ngày vẫn có đứa con bà chị gái đến cơm nước. Ông không thấy đâu cái đám tuỳ tòng ngày xưa. Chúng đâu hết rồi, cái lũ vẫn bám gót ông như một lũ nhặng bẩn thỉu, chúng vẫn thường bám lấy ông, hút từng giọt máu của ông để rồi giờ ông nằm đây, khô đét như một cái xác ướp. Đứa con gái thứ hai có ghé qua viện trong những giờ tỉnh táo. Nó không nói gì mà chỉ ôm lấy ông khóc. Nó khóc thảm thiết, khóc tưởng như có thể cạn cả nước mắt và tuôn ra những dòng máu. Những lúc mệt quá nằm mê man ông chỉ cảm nhận được lờ mờ. Ông thấy có những cái gì nóng hổi lăn trên tay mình, nhưng ông không biết đấy là gì. Giá mà ông biết thêm một chuyện nữa thì ông cũng chẳng buồn đấu tranh với thần chết: những lần dùng kim tiêm đã khiến con gái ông mắc phải giống virus quái ác làm người ta cạn kiệt cả sức lực lẫn tinh thần. Rồi con gái ông cũng sẽ ra đi như mẹ và chị nó, nhưng bằng một con đường dài và khốc liệt hơn nhiều. Nó sẽ ra đi cùng với sự đau đớn, phỉ nhổ, những tủi nhục chung thân đến bên giường bệnh. Ôi, ông có biết tới điều đó đâu…
Tim đập dữ dội quá khiến ông thấy tức ngực. Sáng nay cô y tá đã tiêm thuốc cho ông, nhưng ông vẫn không thấy đỡ hơn chút nào. Ông bị bỏ rơi một cách thảm hại. Ông cần những lời an ủi, những cái cầm tay và những giọt nước mắt chân thành trong sáng. Hoá ra, trong đời ông vẫn còn thiếu nhiều quá! Phòng ông nằm còn ba bệnh nhân khác. Hình như họ bị nặng hơn ông nên ít thấy cử động gì. Thà cứ mê man đi để không biết gì. Nhưng ông lại tỉnh. Ông vẫn nghe tiếng tim đập thình thịch muốn phát điên. Ông muốn phát điên lên, rồi ra sao thì ra. Có điều ông không được yên. Ông phải nằm để nghe từng tiếng tim đập, tiếng xe cộ rít còi ngoài đường, tiếng rao hàng trước cửa bệnh viện và tiếng bệnh nhân lẫn nhân viên trong bệnh viện vang lên lao xao như chợ vỡ. Ông sợ tiếng tim đập, nhưng ông còn thấy sợ hơn những tiếng động này. Ông ước có ai đó bịt tai mình lại để không phải nghe thấy gì cả. Ông chỉ còn sống bằng thính giác. Nhưng ông cũng không còn chịu nổi những âm thanh của đời.
Tối. Cô cháu gái đưa đồ đến cho ông ăn xong rồi thu xếp ra về. Lại một mình ông trong căn phòng bệnh thê lương nghe tiếng tim đập. Ông không ngủ được, mặc dù đầu óc ông mụ mị đi. Ông đòi cô y tá đỡ ông dậy để ngồi một lát. Cô y tá trực đêm lượn qua phòng tay cầm quyển truyện dày cộp vừa đỡ ông rất thô bạo vừa càu nhàu. Ông ngồi hơn một lúc lâu nhưng vẫn không có cảm giác của người buồn ngủ. Buồn ngủ là thế nào nhỉ? Đã bao giờ ông buồn ngủ chưa? Hình như nó là một cảm giác xa xỉ và lạ lẫm. Ôi ông thèm được ngủ quá! Nhưng tim vẫn đập thình thịch. Ông sợ phải nghe tiếng của nó quá rồi.
Cô y tá lại tạt vào càu nhàu và bắt ông phải nằm xuống ngủ.
Ông vẫn thao thức và tim vẫn đập.
Thịch! Thịch! Thịch!...
22 giờ, bác sĩ trực bước vào nhìn mắt ông mở thao láo, lắc đầu.
- Không được, cần phải cho bệnh nhân nghỉ ngơi. Cô lấy ống tiêm cho tôi…
Mũi tiêm đưa thuốc vào tay ông. Ông vẫn còn cảm nhận rõ dòng chất lỏng chảy vào mạch máu một cách chậm chạp và nhức nhối. Thuốc an thần giúp ông ngủ ngon đêm nay để không phải nghe tiếng tim đập tàn nhẫn.
Thịch! Thịch! Thịch!... Ông ngủ rồi cơ mà, tại sao vẫn còn nghe tiếng tim đập?! Mà lần này lại đập nhanh lắm, nhanh đến kỳ lạ. Ông thấy cổ họng nghẹn lại một cách bí ẩn, như thể đang bị xúc động ghê gớm, nhưng là một cơn xúc động kéo dài khác thường. Không còn chút không khí nào trong phổi ư? Ông còn số mệnh… Không! Thần chết đã thắng. Ông thua. Ông không còn nghe tim đập nữa mà chỉ thấy phổi trống rỗng, một sự trống trải đến tê người làm cho ông, một cách vô thức, muốn được khóc. Ông biết đã tới hồi kết thúc, không còn phải nghe tiếng tim đập điếc tai. Không khí đã cạn. Ông thấy các cơ trong người như bị bóp dúm lại, ngực nặng như đá đè. Thế là hết! Karma của đời ông… Hồng hoang đã trở lại.
Sáng hôm sau, người ta nhìn thấy đứa con gái thảm hại của ông quỳ bên xác cha, mắt ráo hoảnh, nhìn ngây dại vào khoảng không trước mặt. Nó khóc hết cả nước mắt, nhưng không có máu để khóc nữa. Nó nợ cha quá nhiều để có thể trả lại bằng những giọt huyết lệ.
-bmm-

Xem Tiếp: ----