Bao giờ cũng vậy, hễ một chuyện nguy hiểm qua rồi thì chuyện đó trở thành chuyện vui. Đó cũng là trường hợp của anh Bảy Ngàn. Trong một ngày, anh suýt chết đến mấy lần, thoát chết rồi, bây giờ anh coi đó như một trò đùa. Âu cũng là cái tính lạc quan của người miền Nam vậy! Nhiều người nấp trong chỗ kín nhìn thấy rõ cái cảnh gian nan của anh từ đầu đến cuối, nhưng vẫn cứ muốn nghe anh kể lại. Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông. Trời trăng sáng. Đúng là cảnh trăng nước của Tháp Mười. Năm, bảy chiếc xuồng kề lại gần một tàm cây. Họ đang nhậu và nói chuyện. Hình như có cả nữ nữa. - ở cái chiến trường Tháp Mười này mà không nhanh trí, không táo bạo thì làm sao mà sống được? Anh Bảy đang nói đấy, giọng oang oang. Một anh bạn nhà báo của tôi liền rạp mình, thọc sâu mái dầm bơi nhanh lại. Xuồng đang trớn, mũi va vào lái xuồng khác đánh cốp một tiếng, xuồng này thúc xuồng kia, chòng chành, có người chới với và nhiều tiếng hỏi. Đang lúc vui, chẳng ai muốn nổi giận. - Anh Bảy, kể lại từ đầu đi! Anh Bảy, người kể chuyện, đang ngồi giữa chiếc xuồng cui lớn. Cạnh bên anh là một rổ ốc bươu, một chai rượu đã cạn, và một cái cốc, một bình tích nước trà. Anh khoảng ba mươi hai tuổi, người hơi thấp, vai ngang, da nâu, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Anh ở trần, lồng ngực phồng lên như cái ức chim. Mặt anh vuông, tóc rễ tre, cắt ngắn và dựng đứng. - Kể lại từ đầu đi, anh Bảy. - ừ, phải đó, có người mới tới mà. Với giọng đầy hứng thú, nhiều người cùng lên tiếng bảo anh. - Làm lại từ đầu à? Cũng được. Có người nắm lấy be xuồng, kéo sát lại xuồng anh. - Sáng hôm đó - anh bắt đầu - tôi mang bá đỏ chống xuồng ra ruộng thăm lưới. Tôi vừa gỡ được mấy con cá chày thì thấy trời trở lạnh. Tôi lấy thuốc hút. Thuốc tôi đựng trong bọc ni lông, vấn điếu thuốc xong, rờ túi mới biết là mình quên hộp quẹt. Tôi ngó vô nhà, nửa muốn về, nửa muốn nhịn. Đang phân vân thời tôi nghe tiếng máy chạy hu hu, tiếng máy nghe rề rền. Dòm lại, tôi thấy nước cứ lả ra, trắng xóa. Nhìn kỹ, tôi thấy tàu một dọc, không biết mấy chiếc đang chạy xả vô đồng, chạy xấn lại chỗ tôi. Thôi chết, tụi nó càn. Tôi hoảng quá. Tôi liền nhận xuồng. Nhưng mà tôi hãy còn tỉnh, trước khi nhận xuồng, tôi lấy bao thuốc để vô túi, lấy kim tây gài cẩn thận, rồi mới nhảy xuống nước. Trận lụt năm nay thật ghê gớm, cánh đồng của tôi ít nhất cũng hai thước nước. Tôi lật úp xuồng lại, chun vô lườn định chém vè. Tôi nghe tiếng máy tàu hu hu mỗi lúc một gần. Tôi thấy không xong - Chém vè như thế này nó sẽ nắm tóc mình, nó sẽ kéo lên tàu lúc nào cũng không biết. Phải cao chạy xa bay thôi. Tôi chui ra, lắc xuồng, trèo lên, nhắm rừng tràm, rùng mình, chống thẳng. Lúc đó, sức mạnh chẳng biết ở đâu mà có, xuồng tôi lao vun vút như tên bắn. Nước trước mũi xuồng tôi cũng lả ra, bọt trào lên trắng xóa. Nghe tiếng máy rền rền mỗi lúc một gần, tôi biết nó đang rượt tôi. Tàu nó chạy máy, xuồng mình cũng máy, nhưng mà máy gân làm sao mà chạy kịp! Lần xần cái điệu đó thì nó nằm lưng lúc nào không hay. Phải tính đến nước khác. Chưa có kế gì mới, súng nó bỗng nổ rộ lên. Y như cái máy tự động, súng vừa nổ thời tôi cũng vừa trầm mình dưới nước rồi. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc, bọn nó lố nhố có cả bọn chư hầu nữa, chắc Nam Triều Tiên hay Tân Tây Lan chớ không phải Mỹ; Mỹ thì chỉ ngồi trực thăng thôi. Tôi thấy nước trong mũi tàu nó cứ dựng đứng lên. Còn súng của nó bắn nghe mà phát ham. Thằng giàu đạn thật, nó như mình thì kiểm thảo sần đầu. Đạn rơi xung quanh tôi như trấu vãi. Lủm bủm, lèo xèo, lủm bủm, lèo xèo đều hết. "Cạch": Nó bắn trúng xuồng rồi. Xuồng mà chìm tôi chỉ có nước chết đuối. May mà nó chỉ làm mẻ một miếng lái thôi. Phải nói thật là đạn nó chê mình. Đạn vừa bay tới chỗ tôi thời nó tạt ra hai bên hết. - Thôi đừng có lên giọng phách - Một chị nói chen vào, chọc anh. - Đừng có xía vô, để người ta nói - Một chị khác lên tiếng rầy chị kia. Anh Bảy sựng lại một chút, nhưng không mất hứng, vẫn cái giọng hài hước và sôi nổi ấy, anh tiếp: Aà, thì cũng phải cho người ta làm phách một chút chớ. Tôi kể đến đâu rồi há: Aà, nó bắn tôi. Trầm mình hoài như vậy một là ăn đạn, hai là bị bắt sống thôi. Đã đến nước đó thời tao cũng liều mạng. Mạng đổi mạng. Tôi lên xuồng. Nhưng tôi không trèo. Trèo ló đầu cho nó bắn nát óc à? Tôi đâu có dại. Tôi nắm lấy bẹ xuồng ấn xuống rồi nằm sấp gác nửa thân mình rồi lăn lên. Tôi chụp lấy bá đỏ, chẻ culát, lên đạn. Tôi lấy cái xuồng làm công sự. Tôi khạc cho nó mấy phát liền. Tiếng súng dội xuống mặt nước, nổ bung bung, nghe thiệt đã. Nói cho có trời, chẳng biết có trúng được thằng nào không, tôi không thấy, nhưng biết chắc là tàu của nó bị lủng. Nó sựng lại, hai chiếc khác kè lại cho mấy thằng trên tàu lủng đó nhảy qua. Nhìn kỹ, tôi thấy đó là tàu mủ. Vậy là tôi nắm được cái nhược của nó rồi. M113 gặp bá đỏ còn phải ớn, xuồng mủ thì có ra cái nước mẹ gì. Húp nước nắm thôi con ạ! Tôi khạc luôn mấy phát nữa. Xuồng lắc, chắc là trật. - Dở thì nói dở, đổ thừa cái gì - Một chị lại lên tiếng chọc anh. - Hé, để người ta nói mà. Anh Bảy không lấy đó làm giận, anh ngước cổ cười hè hè: - Ơ thì dở. Bắn ba phát - anh tiếp, tôi thấy nước tạt lên, bọn nó hoảng, liền rồ máy, chạy tán. Nó chạy tôi cũng chạy. - Tưởng làm sao, té ra mình cũng chạy. - Phải chạy chớ - anh lớn giọng cãi lại - ở đó để ăn đạn à? Tôi chống hết gân, chạy được một lúc, sắp tới tới rừng tràm, mệt quá. Tôi quay lại dòm chừng. Thấy chúng nó, ba bốn chiếc cứ đứng một chỗ mà rồ máy chạy xả lại tôi. Nước trước mũi tàu nó xối ngược lên trắng dã. Tôi nằm xuống, nã luôn mấy phát. Chúng lại sựng lại rồi quay mũi chạy. Mày chạy tao cũng chạy. Tôi lại lia sào, chống riết vô rừng tràm. Còn khoảng gần một ngàn thước nữa thời tôi mới vô tới rừng. Hết sợ rồi. Tôi quay lại đưa tay ngoắc nó một lần nữa. Thấy tôi ngoắc nó lại nổ súng, rồ máy, chạy tới. Đạn trước mặt tôi, xung quanh tôi như tát nước. Tôi lảy cho nó ba phát nữa. Tôi thấy đầu mũi tàu của nó bốc khói. Khoái quá. Hai chiếc khác liền kề lại. Tôi nã luôn mấy phát liền. Lần này chắc nó nghĩ chơi với tôi chỉ có lỗ thôi. Nó giết được tôi thì cũng chỉ có một thằng, còn tôi giết nó ít nhất cũng bằng hai. Không khéo tàu chìm thì uống nước cả đám. Vậy là nó quay tàu, chạy tát nước, chạy xịt khói đít. Tôi bắn mấy phát đưa nó đi, bọn nó chạy xa rồi, đáng lẽ tôi đâm vô rừng cho mau mới phải. Nhưng tôi lại không. Tại sao cái số mình lận đận, nó khiến cho mình như vậy hay sao há! Tôi muốn hút thuốc, ngặt chưa! Nhưng hộp quẹt đâu mà hút. Tới cơn ghiền tôi đâm ra uể oải. Tôi chống khia khia vô rừng. Tôi bỗng nghe tiếng cào cào. Tôi nghe nó rên hi hi từ đàng xa, lúc đó, tôi mới chống vội chống vàng. Xuồng phóng lên, mũi đạp lên mặt, nước lạch chạch, ào ào, lạch chạch, ào ào. Xuồng đi như bay. Nhưng trời! Nó tới rồi, con cào cào đực nó thấy tôi rồi. Một mình tôi, một chiếc xuồng đang chơi vơi giữa trời nước, nó không thấy làm sao được! Nó có đui đâu! Vậy là nó rề tới. Nó đảo - Thế nào nó cũng "sút" hoả tiễn vào mình. Phải nói thật là lúc đó tôi có quýnh. Chân tôi đứng không vững, xuồng cứ lắc lia. Nhưng tôi kịp nghĩ, quýnh thì chết, bình tĩnh thời may ra có thể sống. Một trong hai lẽ phải chọn lấy một. Chọn thế nào? Tôi chọn lấy cái bình tĩnh. Nước cao hai thước, tôi trầm mình dưới đáy, còn lâu hỏa tiễn mới đụng tới tôi. Nhưng trầm mình dưới nước thời bị động quá. Không thấy đường mà tránh. Có khi vừa nhoi đầu lên hỏa tiễn nó gõ ngay đầu cũng nên. Tôi bỗng nhớ một câu chuyện. Nghe nói ở Củ Chi hay Bời Lời gì đó, có một anh cán bộ đang chạy xe đạp, cào cào từ sau bay tới anh không hay. Nghe tiếng, anh đã thấy nó tới rồi. Hai bên đường trống trơn. Anh không biết lủi đi đâu. Mỗi lần nó tắt máy cắm xuống, "sút" hỏa tiễn anh lại đạp xe chạy, chạy ngoằn ngoèo như con rắn. Trái hỏa tiễn thứ nhứt rơi phía sau lưng anh. Anh cứ chạy lằn quằn lít quýt như vậy. Trái thứ hai rớt phía trái, trái thứ ba rơi bên phải. Đến trái thứ tư anh quay xe, chạy ngược, trái thứ tư cũng xịt khói phía sau đít anh. Đúng bốn trái hỏa tiễn. Vậy là nó hết đạn rồi. Nắm được cái nhược của nó anh dừng lại, ngoảnh mặt cố nhìn lên nó và cười. Nghe chuyện ấy, tôi phục anh cán bộ đó quá. Phục thì phải bắt chước. Mình cũng phải ở trên xuồng. Trầm mình dưới nước, nó bắn không được thời nó sẽ "sút" vô xuồng. Bể xuồng thời chết đuối. - Quýnh mà nghĩ nhiều được như vậy à? - Cũng cô gái hay chọc anh lúc nãy lại chen vô nói. Lần này chị hỏi nghe có lý nên chẳng bị ai phản đối. Bị hỏi bất ngờ, chưa biết trả lời sao, anh cứ "ha hả". - Tại sao? Hỏi sao, à à nói thời nghe lâu vậy chớ lúc đó tôi nghĩ nhanh lắm. ý nghĩ nó nhoang nhoáng qua đầu như trời chớp vậy. Tôi đã nói là phải nhanh trí kia mà. - Thôi, kể tiếp đi anh Bảy - một người lên tiếng giục. - Ơờ, tiếp thì tiếp - anh nói vẫn hào hứng - nó bắt đầu siết, tôi thủ sẵn cây sào, dòm nó. Nó cất lên, nó sắp bắn. Nó tắt máy, nín thở rồi chúi chúi xuống. Một, hai, ba... Tôi lấy hết gân chống thật mạnh xuồng chạy nghe cái rồ. "Cảo cảo xùy... đùng". Một cái rơi phía sau tôi nghe cái chéo. Nhìn lại tôi thấy nước chỗ đó bốc khói. Nó lại cất lên rồi nín thở, chúi xuống. Tôi cho xuồng lách qua trái chống một cái rét - "cảo cảo xùy... đùng"! Trái thứ hai rơi ngay chỗ chiếc xuồng lúc nãy. Thằng bắn giỏi thật. Mỗi lần nghe nó "cảo" tôi thấy lạnh đến tận xương. Nó lại rồ máy cất lên, lại siết lại cất lên cao, rồi lại chúi xuống. Phải nói thật là tôi có hơi ớn. Lần này tôi lách xuồng lật qua bên phải, trở về vị trí cũ. Cũng "cảo cảo xùy... đùng". Lần này nó tưởng tôi lách qua bên trái nó bắn đón. Trái hỏa tiễn tát nước không đụng tới tôi. Ba trái rồi vậy là còn một trái nữa, thôi, ráng lên con! Tôi nói với tôi như vậy. Bên phải bên trái, đằng trước tôi đã lách qua ba hướng rồi. Lách đi đâu nữa đây? Nó vừa chúi xuống, xem chừng nó vừa phụt ra tôi liền đưa sào ra phía trước, chống xuồng chạy lui lại. Đùng... Hú hồn hú vía. Nó bắn xém mũi xuồng, nước tát vô mặt tôi, tôi chới với muốn té. Nè, tại sao nó chỉ có bốn trái hỏa tiễn thôi vậy bà con? Nó cũng lại đảo, lại siết. Nó làm như sắp "sút" tôi nữa vậy. Nhưng tôi đã biết tẩy nó rồi. Anh cán bộ Củ Chi dừng xe nhìn lên và cười. Còn tôi, tôi không làm như vậy. Thấy nó nghiêng nghiêng ngó ngó tôi liền xắn quần trỏ... lên. - Hứ! - Hé! - Đồ quỷ hè! Các chị rộ lên, hứ hé xì xịt và đưa tay phát vào lưng nhau "bách bách". Một người đàn ông tuổi sồn sồn nói xen vào: - Bảo người ta kể, người ta kể cho nghe, sao lại hứ hé? - Chuyện có sao tôi nói vậy, ai bảo các bà bắt tôi kể - anh Bảy đắc ý, ngước mắt hỏi lại. Một chị hay chọc anh, nói: - Thì cũng phải bơn bớt đi một chút chớ! - Khúc đó là khúc mức (1) mà kêu người ta bớt à? - Người đàn ông sồn sồn ấy lại nói. - Thôi đi đồ qủy. Thôi tôi về. - Tự do, bà nào ớn thì cứ về. Tự do. Kể tiếp nữa đi anh Bảy. Anh Bảy tự nãy giờ cứ cười hì hì, nghe có người binh vực mình, như được đà, anh càng thêm hứng. Anh kể tiếp: - Sau đó tôi chụp lấy bá đỏ "để" (2) cho nó mấy phát. Đầm già mà nghe bá đỏ thì "lạnh máy" thôi. Nó liền bay ngước ngước lên. Bay tung lên cao, nó lại đảo. Tôi lại "để" luôn mấy phát nữa. Lúc nãy nó "sút" tôi không trúng, bây giờ tôi bắn nó cũng trật lất. Nó đảo rồi nó bắt loa gọi. Nó nói: - Anh bạn du kích ơi! Quá tầm đạn rồi, đừng bắn nữa uổng đạn! Ưức một cái, nó nói thời mình nghe, mà mình nói thời nó như điếc. Giận quá, tôi đưa tay làm loa hét lên: - Con c...! Thôi tôi nói vậy là bà con biết rồi đó! Tôi lại "để" luôn cho nó mấy phát nữa. Coi bộ nó hoảng, rướn lên, tè tè te, bay xấp xấp (3) rồi chạy tuốt. Xong cái thằng cào cào, tôi nghĩ, không nên chủ quan. Nó kêu phản lực lại thời nát xương chớ chẳng chơi. Tôi liền chống rút vô rừng, vô thật sâu. Y như tôi đoán. Nó quay lại, nó dẫn theo sau một bầy trực thăng năm chiếc. Nó đảo qua khu rừng, thả trái màu. Vậy là bầy trực thăng đó bu xuống bắn. Nó bắn dai như trâu đái. Nó bắn cho tới tối mới chịu rút. Nó rút rồi thời tôi trở ra. Lúc đó, tôi mới thấy đói, lạnh và mệt. Suốt một ngày chống chỏi, gân cốt như dây thun kéo thẳng. Bây giờ nó dùng lại rồi. Xương cốt tôi như rời rã, lặc lìa lặc lọi. Tôi chống ra chỗ đó, nếu nước mà giòn như kiếng thời chỗ đó chắc tan ra thành bụi. Mặt nước vẫn y nguyên. Chỉ có rừng là xơ xác. Thấy có một cái gì đang cháy tôi liền chống xuồng lại. Đó là một cây trâm bầu lớn bị đạn hỏa tiễn, lửa hãy còn nghi ngút. Thật là may đang lúc mất hộp quẹt, tôi liền mở kim tay cái, châm vô đó. Hút. Hút phà phà. Chuyện ngày hôm kia của tôi như vậy đó. Nói đến đó, anh đưa hai tay ra giằng xuống như nhạc trưởng đang đánh nhịp và nói: - Hết!