Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Thường và gia đình đã mang tới nhiều bất lợi. Tuy Thường đã tới chơi nhiều lần nhưng chỉ gặp chị Huyền, nhóc Phục. Nhưng đây là lần đầu tiên Thường chạm mặt với mẹ Trúc. Bà Phán tuy không phải là khắc nghiệt nhưng bà quá lo xa. Trúc đã nhận ra sự lo ngại trong từng ánh mắt của mẹ cô và nó đã hình thành một nỗi lo lắng mãi cho tới khi đưa Thường ra về. Vừa trở vào, bà Phán đã gọi Trúc lại gần, bảo ngồi xuống ghế sa lông và hỏi: - Cậu Thường đó người ở đâu thế? - Dạ quê anh ấy ở Vũng Tàu. - Sao lại vào trong này học? - Ở ngoài đó không có trường. - Gia đình cậu ấy làm nghề gì? - Dạ nghề đi biển, gia đình có nghề chài lưới truyền thống. - Mới vào đại học phải không? - Dạ. - Mẹ không cấm con quan hệ với bạn trai nhưng không nên đi quá xa trong tình cảm khi còn phải vượt qua việc học của mình. Lúc này mẹ thấy con đi chơi nhiều. Trúc lúng túng nói: - Anh ấy, là một người đàng hoàng, gia đình lao động, tuy nghèo nhưng rất có tư cách. - Mẹ không nói tới chuyện đó. Tóm lại là mẹ không muốn cho con đi quá xa trong tình cảm khi tuổi hãy còn nhỏ. Vấn đề không đơn giản như con tưởng đâu. Trúc thấy là không nên giải thích gì thêm, cô buồn bã đi về phòng mình và nằm vật ra giường ôm chiếc gối dài ngó lên trần nhà bằng cặp mắt vô hồn. Vậy là nỗi lo sợ của Trúc đã thành sự thật, mẹ đã kkhông chấp nhận cho Trúc quan hệ với Thường tuy bà nói rất khéo, nhẹ nhàng, nhưng Trúc hiểu rằng mọi chuyện đã trở thành phức tạp và cô rất buồn, rất ngạc nhiên trước thái độ của mẹ. Trúc bỏ cơm chiều và nằm vùi trong phòng, trời lại mưa lất phất. Những giọt mưa bay qua cửa sổ như những chiếc roi quất vào lòng Trúc, cảm giác một cái đau âm thầm, mềm mại nhưng sâu lắng, khiến người cô vật vờ. Trúc vặn nhạc nhưng không nghe hết bản, tìm một cuốn sách để đọc nhưng không thể xem hết một trang. Cuối cùng Trúc nằm yên lắng nghe tiếng mưa nhẹ ném trên mái nhà và rơi trên những cành cây ngoài vườn. Lúc này những cuộc đi chơi với Thường bắt đầu quay lại trong tâm trí Trúc như một cuộn phim với những hình ảnh sáng bừng lên, rồi mờ dần, nhạt nhòa. Hình ảnh của Thường trong vườn sầu riêng mới đây, tiếng ve ran trong một bầu không gian êm ả, nhữngn chùm chôm chôm đỏ hồng. Ánh mắt của Thường tươi cười trong bóng râm của cây lá... - Trúc ơi. Trúc uể oải ngồi dậy ra mở cửa cho chị Huyền. Hai chị em thoáng nhìn nhau. Chị Huyền ngồi xuống mép giường hỏi: - Sao buồn thế? - Chị đã biết rồi mà. - Chuyện mẹ la ấy à? - Hình như mẹ không thích Thường, mới hồi chiều Thường đến chơi, mẹ tỏ thái độ ra mặt. Tại sao vậy nhỉ? Chị Huyền nói: - Ðơn giản là mấy bà già có con gái lớn, lo xa, vậy thôi. - Không đơn giản như chị nói đâu. Tuy mẹ không nói thẳng ra, nhưng em hiểu đó là sự ngăn cấm. Em buồn quá. - Không lẽ buồn rồi bỏ ăn cơm. - Em không đói. - Nếu như em trước đây chị đã tuyệt thực luôn rồi. Trúc nói như than: - Chị bây giờ thật hạnh phúc, em mong có đựơc cuộc sống bình lặng như chị. - Muốn vậy em phải đợi khi học xong đại học, nghĩa là lớn thêm vài tuổi nữa. Trúc ôm chiếc gối, chớpmắt hỏi: - Chị thấy Thường thế nào? - Cũng được. - "Cũng đựơc" thôi ư? - Chứ em muốn chị trả lời sao nữa? - Chị Huyền bẹo má Trúc và cười. - Anh ấy là một người trung thực. - Yêu rồi à? - Em cũng chưa biết rõ ra sao. Có đáng gọi là tình yêu không nhỉ? - Em không hiểu thì chị làm sao hiểu được. - Hình như là tình yêu thôi, chị ạ. - Sao lại hình như? - Chị Huyền ngó thẳng Trúc hỏi. - Vì em cũng chưa rõ đựơc tình cảm của mình. Chỉ thấy Thường hiện dịên rất đúng lúc, đó là một niềm vui Ðôi lúc như một người thân thiết gắn bó với vui buồn của mình. - Hai chị em nằm bên nhau, ngoài kia trời mưa lớn dần, tiếng mưa nghe nặng hạt. Chị Huyền bỗng ôm choàng lấy Trúc và nói vào tai cô: - Ðích thực là tình yêu rồi chứ không còn hình như đâu, khi mình thấy người khác trở nên thân thiết với mình, chi phối niềm vui nỗi buồn của mình. - Lúc chị yêu anh Nghiêm cũng thế à? - Chị khác chứ. Ðâu có tình yêu nào giống với tình yêu nào. Trúc thở ra một hơi dài. Chị Huyền vuốt má Trúc, cười khẽ: - Lại thở dài rồi. - Chị có nghĩ là mẹ đã khắc nghiệt với Thường không? - Chưa biết. - Anh ấy là một người nhiều tự ái, thái độ của mẹ đã hơi quá đáng với Thường lúc chiều. Em khổ tâm quá. - Phải cố gắng chịu đựng thôi em ơi. Nhưng đừng nên nhịn cơm như vậy. Chị Huyền đứng lên đi loanh quanh trong phòng. Dạo này chị Huyền đẹp ra, đôi mắt lúc nào cũng long lanh, ngời hạnh phúc. Chị thường hát trong phòng tắm, trong hành lang, trong những lúc rảnh rỗi. Có tiếng gõ cửa phòng, và rồi giọng Phục nói như hét: - Chị Trúc ơi ba gọi. Và tiếng chân Phục chạy xuống cầu thang, mất hút. Trúc vào phòng tắm rửa mặt, chải mái tóc rối và ngó mặt mình rất lâu trong gương. Mặt Trúc hơi tái. Trúc ra hỏi chị Huyền: - Ba mới về à? - Lâu rồi, ba hỏi em sao không ăn cơm, biết mẹ trả lời sao không? - Trả lời sao? - Chê cơm. - Ba gọi em làm gì nhỉ? - Chắc là bắt ăn cơm thôi. - Lạy trời cho ba đừng bắt em ăn cơm. Giờ này mà ngồi trước mâm cơm, em sẽ chẳng tài nào nuốt nổi đâu. Hai chị em đi xuống nhà và đựơc gọi ra phòng khách. Ông Phán đang uống trà và trước mặt ông nhóc Phục đang sắp lại bàn cờ tướng. Thấy Trúc xuống, ông Phán ngước lên nói: - Tới đây con gái, đánh với ba vài ván cờ. Cho Huyền làm trọng tài. Trúc thở phào. Nhưng cô làm sao có đủ tỉnh táo để đánh cờ được. Trúc lắc đầu: - Hôm nay con không đánh cờ đựơc đâu ba. - Sao thế? Chị Huyền cười: - Nó đang... rối loạn bộ nhớ. Ông Phán vỗ vỗ lên trán và cười. Ông thuyết phục con gái: - Không sao, đánh một ván cờ tướng là bộ nhớ nó bình thường trở lại. Cờ tướng là một môn thể thao trí tuệ, nó làm cho con người ta có thói quen bình tĩnh trong sự rối loạn. Con ngồi xuống đi, còn nhóc Phục xê ra. Trúc ngồi xuống chiếc ghế Phục vừa nhường lại. Còn Phục ngồi gần chị Huyền, giữ vai trò... chầu rìa. Trong nhà ai cũng biết chơi cờ tướng, kể cả mẹ, nhưng chỉ có Trúc mới là đối thủ của ba thôi. - Trời mưa, uống nước trà đặc, đánh vài ván cờ tướng thì cuộc sống sảng khoái lắm rồi. Trúc nói: - Ba đi trước đi. - À, lại còn chấp ông già đi trước nữa chứ. Nhưng mà phải đánh cho thật ác liệt à nghen, đừng vì rối loạn bộ nhớ mà để thua đấy. - Ðánh ba ván thôi nghen ba, ăn thua gì cũng nghỉ. - Ðồng ý. Ông Phán vô pháo đầu, một nước đi quen thuộc của ông từ hồi nào tới giờ, trong lúc đó Trúc lên tượng. Ông Phán định lên xe ở nước thứ nhất nhưng không hiểu sao ông lại thôi mà đi ngựa. Huyền lắc đầu cười: - Không được, hạ thủ bất huờn. Ba đi lại xe đi. - Cha, quên có trọng tài ngồi bên cạnh. Rồi, cũng đựơc, đi xe thì đi. Ông Phán trở lại nước xe, và bưng tách trà lên uống một ngụm. Ông thở ra một hơi dài, đầy sảng khoái. Nhóc Phục nhồi thuốc vào tẩu, nó gõ tẩu thuốc vào cạnh bàn cạch cạch rồi đưa cho ông Phán. - Giỏi lắm. Không biết ông vừa khen Phục hay khen một nước cờ của Trúc vừa đi. Kết quả ba ván cờ là huề. Mỗi người thắng một bàn còn một bàn huề. Chị Huyền và Phục đã đi ngủ, chỉ còn ông Phán và Trúc ngồi trong ghế sa lông. Nhưng thường lệ sau vài ván cờ ông Phán kể cho con gái nghe công việc của ông một ngày ở bệnh viện. Hôm nay là một ngày làm việc bình thường, không có ca nào nặng. ÔNg Phán bảo đó là một ngày yên ổn của người thầy thuốc. Cuối cùng ông Phán nhìn Trúc, hơi mỉm cười: - Lúc chiều mẹ rầy phải không? - Dạ. - Sao lại rầy thế, con gái nhỏ bé của ba? Bao giờ ông Phán cũng gọi Trúc như vậy, bằng một sự trìu mến của một ông bố thương con rất mực. Thật ra Trúc đã lớn, nhưng vì là con gái nhỏ nhất nhà nên ông Phán vẫn xem Trúc là một đứa bé không hơn không kém. Trúc thấy không cần giấu ba, nên nói: - Mẹ không cho con quan hệ với một người bạn trai. - Ai vậy? - Anh Thường. - À, cái cậu vẫn thường đến chơi nhà mình ấy à. Cái cậu vẫn thường cho nhãn, phải không? - Dạ. - THường học ở đâu? - Dạ, anh ấy học Bách khoa, mới vào năm nay thôi. - Giữa con và Thường như thế nào? - Con không thể nói rõ đựơc, mặc dù con không muốn giấu ba điều gì. - Nếu chỉ là quan hệ bình thường, như một người bạn thì ba thấy không có việc gì phải đặt ra hết. Nhưng mẹ nói lại với ba, giữa con và Thường đã có những biểu hiện tình cảm khá đặc biệt. Ðiều ấy đúng không? - Dĩ nhiên anh ấy là một người bạn thân của con. - Hai đứa đã từng tổ chức đi chơi à? - Dạ, cùng đi với mấy người bạn nữa. - Ba mẹ dĩ nhiên là không khắt khe với con trong quan hệ bạn bè, nhưng nếu không phòng ngừa thì vấn đề phức tạp có thể xảy ra. Con còn đi học và ba chỉ muốn cho con chú tâm vào việc học mà thôi. hãy còn quá sớm ở tuổi của con nếu đặt ra vấn đề tình cảm. Có thể con chưa hiểu tình yêu là gì đâu. Ðó là một vấn đề hết sức phức tạp. Trúc bối rối: - Ba thấy anh Thường như thế nào? - Ba chưa nói chuyện nhiều với cậu ấy, nhưng khách quan nhận xét, cậu ta có vẻ có tư cách. - Vậy mà mẹ có thái độ không ưa anh ấy ra mặt ngay chiều này. Con buồn quá. - Mẹ con nhiều lúc cũng hơi quá đáng. Tuy nhiên cũng có thể giải quyết được, vì mẹ lo cho con. - Con đã lớn và đã biết suy nghĩ. - Ba chỉ khuyên con nên cố gắng học, đó là việc quan trọng hàng đầu của con. Chuyện quan hệ bạn bè là thứ yếu. Nếu có dịp ba sẽ nói chuyện với Thường để tìm hiểu thêm về câu ấy. Trước mắt con không nên buồn phiền gì về mẹ. Con nên nhớ là mẹ sinh con ra trong rừng, lúc máy bay Mỹ đang ném bom, con không hiểu hết sự cực khổ của mẹ đâu. Ông Phán lại nhồi tẩu thuốc khác, lần này ông ngả đầu lên thành ghế rít mấy hơi dài, Trúc cảm thấy mùi khói thuốc làm cô nghẹt thở, Trúc ho mấy tiếng. Ông PHán cười: - Con không chịu đựơc khói thuốc à. Thôi, đi ngủ đi con gái nhỏ bé của ba. - Ba không đi ngủ sao? - Ba còn thức uống trà. Trúc thấy thương ba quá. Ông Phán đúng là một người đàn ông mẫu mực, thương vợ con, sống tất cả cuộc đời mình cho sự nghiệp và cho gia đình. Cuộc đời của ông đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến, đi khắp nơi, tập kết ra Bắc rồi trở về miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, có lúc ông bị thương ở chiến trường ác liệt tưởng đã chết. Ba cực khổ biết bao nhiêu nhưng lúc nào cũng sống rất lạc quan, trầm tĩnh. Ngày trở về Sài gòn, Trúc hãy còn là một cô bé lên sáu, lúc ấy tóc ba hãy xanh, bây giờ Trúc đã mười chín, tóc ba đã lốm đốm bạc. Mười ba năm trôi qua thật nhanh chóng như một giấc mơ. Trúc nhìn ba, ái ngại: - Thôi con đi ngủ đây, ba cũng đừng nên thức khuya. Sáng mai con sẽ nhổ tóc bạc cho ba nhé. Ông Phán cười: - Sáng mai con không đi học à? - Sáng mai con nghỉ một buổi. - Ba lại đi làm. - Thì chiều ba về vậy. - Lúc này không hiểu sao tóc bạc ra nhanh quá. Chẳng mấy chốc ba sẽ thành ông lão tóc trắng cho mà coi. Ông Phán vuốt mái tóc mình, cười cười nhìn con gái. Trúc rời khỏi ghế đi về phía cầu thang. Giờ này chắc mẹ đã ngủ. Trúc bước lên những bậc thang mà nghe cả tiếng chân của chính mình. Cơn mưa mỗi lúc như càng lớn hơn. Bây giờ thì tiếng nước đổ ào ạt ngoài vườn cây. Trúc thoáng lạnh, cô rùng mình khi lên hết những bậc thang và về trước cửa phòng mình. Trúc vào phòng không mở đèn, cô trùm mền mở mắt nhìn bóng tối. Lạ làm sao, khóe mắt Trúc ứa ra hai giọt lệ nóng. Trúc khóc một cách bất ngờ hết sức. Nhiều khi cũng chẳng ai hiểu rõ những giọt nước mắt của mình. Thế là Thường không tới nhà Trúc nữa, từ buổi chiều hôm đó. Anh cũng không ghé trường đón Trúc vào giờ tan học như dạo nào. Trưa nay Trúc cùng về với Bích Hồng, cô bỗng có ý nghĩ rủ bạn cùng đi tới nhà Thường. Bích Hồng cười: - Bộ anh chị giận nhau rồi à? - Không. - Sao Thường lại không tới đón Trúc? - Chắc Thường bận việc gì đó. - Bây giờ tới nhà, chắc Thường có ở nhà không? - Làm sao biết được. Nhưng cứ tới thử xem. Bích Hồng cười: - Ði thì đi. Trúc chở Bích Hồng chạy giữa dòng xe cô đông nghẹt. Qua những con đường trong phố, thỉnh thoảng Trúc bắt gặp một cây phựơng già cuối mùa hoa đã thay lá non. Tuy thế những chùm hoa hiếm hoi sót lại trên cành cây vẫn rực rỡ trong màu lá xanh. Bích Hồng đập vai Trúc: - Chạy tà tà thôi nhỏ ơi, gấp gì mà phóng ào ào thế. Cuộc đời ta còn tươi phơi phới, đừng có gây tai nạn tội nghiệp lắm. - Bích Hồng sợ chết à? - Ta không sợ chết mà chỉ sợ gãy giò thôi. - Gãy giờ ông Tùng cũng thương như thường. Ðừng lo. Một lúc Bích Hồng hỏi: - Ta hỏi thật, mà Trúc cũng phải nói thật, đừng có giấu bạn bè. - Hỏi đi. - Bộ Thường và Trúc giận nhau hả? - Ừa. - Ai giận ai trước. - Cả hai. Giận cùng một lượt. - Sao bày đặt giận nhau chi vậy, thiếu gì chuyện vui sao lại giận nhau làm chi cho chóng già? - Trúc đâu có muốn giận nhau. - Vậy lỗi tại Thường à? - Cứ cho là thế đi. - Vậy thì hãy quay xe lại, đừng thèm tới nhà ông ấy làm gì. Người ta giận, Trúc cũng phải giận lại, nếu cần cứ giận mút chỉ coi ai năn nỉ trước. Nhưng con hẻm vào nhà Thường đã hiện ra. Con hẻm thật dễ nhớ vì nó có một cây cột điện gãy chân sắp ngã nhào, nếu không có mấy sợi dây điện níu lại. - Ngõ vào nhà Thường đây hả? - Bích Hồng hỏi. - Chứ không lẽ ta vào nhà người khác? - Vô duyên, ta hỏi thế mà nhỏ cũng cự nự. Sao hôm nay nhỏ ham gây lộn thế? Trúc làm thinh, vì xe vào ngõ hẻm phải chạy thật cẩn thận, trong hẻm đầy trẻ con. Ở một bãi đất trống cặp theo hẻm bọn trẻ con còn chia nhau đá banh, Trúc đã suýt tông phải một đứa trẻ con ở chỗ này nên hôm nay vẫn còn sợ. - Trúc nhớ nhà không đó, sao con hẻm chạy loằng ngoằng như con rắn thế này? - Sao lại không nhớ. - Trí nhớ của nhỏ tốt thiệt, vào loại siêu rồi đấy. Ta có đi vào con hẻm nào bảy lần cũng vẫn quên như thường. Nhà ông chú của Thường hiện ra bên tay phải gần cuối hẻm. Trúc dừng xe, ngó lên căn gác, cánh cửa sổ quen thuộc hãy còn đóng im ỉm chứng tỏ Thường không có mặt ở nhà. Tuy vậy Trúc vẫn gõ cửa và ngay sau đó có người từ trong nhà đi ra. Ðó là Phượng, đứa em bà con của Thường. Con bé quen với Trúc nên cười nói: - Anh Thường không có nhà. - Ði học chưa về à? - Trúc hỏi. - Em không biết nữa. Lúc này anh ấy đi bất thường lắm, và cũng không nói gì ở nhà cả. Trúc sực nhớ hôm nay là thứ bảy, cuối tuần. Có thể Thường về Vũng Tàu chăng? - Anh Thường có báo là đi về Vũng Tàu chăng? Phượng lắc đầu: - Không. - Anh Thường không về ăn cơm sao? - Cũng chẳng nghe anh ấy nói gì cả. Lúc này cơm nước của ảnh cũng bất thường. Có khi ảnh ăn cơm ở đâu rồi mới về nhà. Có khi đi chơi suốt tới khuya mới về nhà. Chị có biết chuyện gì không? - Chuyện gì? - Trúc ngạc nhiên hỏi. - Hình như anh Thường gặp một chuyện gì buồn lắm, ảnh đi chơi hoài và thường say rượu nữa. Trúc thở ra. Bích Hồng hiểu tiếng thở ra đó của bạn mang ý nghĩa gì. Bích Hồng ái ngại nói: - Như vậy là bất thường rồi. Trúc phải gặp Thường mới đựơc. Phựơng hỏi Trúc: - Hay là chị nhắn gì cho anh Thường, em nói lại cho. - Không. Trúc cắn môi quay xe ra con hẻm. Bích Hồng đấm lưng bạn nói: - Sao không nhắn gì với Thường hết vậy nhỏ? - Biết nhắn gì bây giờ, để suy nghĩ đã. - Rõ ràng là giữa anh chị có chuyện gì trục trặc rồi, nói đi, ta tình nguyện làm trung gian hòa giải cho. - Bích Hồng không hiểu được đâu. - Trúc không chịu nói thì có trời mới hiểu nổi. - Ừa, chỉ có trời mới hiểu thôi. Ta khổ lắm nhỏ ơi. - Lại than thở rồi. Ta ghét cảnh than thở lắm. Chuyện gì cũng giải quyết được hết, đừng có than thở mà nghe não lòng. - Chắc Thường đã về Vũng Tàu rồi. - Sao Trúc biết? - Biết chứ. - Vậy đi Vũng Tàu tìm Thường không? - Thôi đừng có khùng. - Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua mà. - Ta héo ruột gan mà nhỏ còn trêu được sao? - Chứ không lẽ khóc à? - bích Hồng cười. - Ừa, ta cũng muốn khóc lắm đấy. Ðúng như Trúc đoán, trưa hôm đó Thường đã ra bến xe đò về Vũng Tàu. Anh không thể ở lại thành phố trong một buổi chiều cuối tuần với bao nhiêu kỷ niệm đổ xô về như những con sóng biển có sức mạnh xô ngã mình và dìm anh trong nỗi buồn của tiếng ve cuối mùa hạ vỡ ra. Thường đã tự động không gặp Trúc vì anh không thể nào quên được ánh mắt của mẹ cô. Suốt những ngày trôi qua Thường sống trong mặc cảm và tìm mọi cách lãng quên cô gái đã đến với anh bằng một tình yêu đầu đời. Chú bé Ngoan thấy Thường đi xuống con dốc đầy sỏi đá vào nhà, Ngoan không ngạc nhiên vì Thường vẫn trở về Vũng Tàu vào buổi chiều thứ bảy hàng tuần. Chỉ hơi nghi ngờ có chuyện bất thường khi chú nhìn vào đôi mắt của Thường, đôi mắt ấy giống đôi mắt con thuyền trên biển, nó mênh mông quá, buồn bã quá. - Em ở nhà một mình à? - Thường lên tiếng hỏi. - Một mình. Ba má đi biển mấy ngày nay rồi. - Sao chú nhìn anh lạ thế? - Anh sao vậy? - Ngoan dè dặt hỏi. - Bình thường thôi. Có lẽ đi đường nên mệt. Ngoan ngơ ngác: - Anh mà mệt, anh lặn xuống biển cả buổi cũng chả sao, đi xe đò hai tiếng đồng hồ ăn nhằm gì mà kêu mệt. Hình như có chuyện gì đó không vui, đúng không? Thường đã vào nhà, anh ngồi xuống chiếc băng ghế dài mà hôm nào Trúc đã ngồi. Chiều nay thủy triều lên sớm, tiếng sóng ầm ầm vỗ vào bờ đá, cái âm thanh muôn thuở này sao hôm nay Thường thấy buồn. Ngoan ngồi xuống cạnh anh, hỏi: - Anh có gặp chị Trúc thường không? - Có. - Chị ấy vui hay buồn? - Vui. - Có gởi lời thăm em không? - Anh đi vội quá nên Trúc không hay. Thường đi vào vườn nhãn. Mùa này nhãn không còn, những con chim như cũng bay đi nơi khác, không còn nghe chúng đập cánh trong vườn như trước nữa. Cả một khu vườn im vắng lạ lùng. - Anh ăn cơm chưa? - Ngoan theo Thường ra tận ngoài vườn hỏi. - Anh không đói. - Sao lại không đói? Em đã nấu cơm rồi, có mấy con khô nướng... Thường gắt: - Ðã bảo anh không đói, chú vào ăn cơm trước đi. - Tại sao anh buồn thế? - Chuyện bình thường. Chẳng có gì khiến cho Ngoan phải quan tâm. Ngoan bỗng cười: - Thôi, em biết rồi, chắc anh và chị Trúc giận nhau rồi phải không? - Ðừng có đoán mò. - Coi chừng đúng đấy ông anh ạ. Nếu như anh chị giận nhau thì đúng là... chuyện bình thường. - Còn nếu không phải giận nhau? - Thì em chịu, không hiểu nổi. - Vậy thì cũng đừng tìm hiểu làm gì. Sáng mai anh sẽ quá giang ghe người quen đi tìm ghe nhà mình. - Bộ anh.. khùng hả? Biết bao giờ ghe nhà mình về, rồi anh trễ học làm sao? - Anh chán học rồi. - Bây giờ đúng là không có chuyện bình thường rồi. Buổi tối Thường rủ Ngoan ra quán Thùy Vân uống cà phê. Hai anh em ngồi dưới bóng cây thùy dương, khuất trong bóng tối và uống cà phê đen. Nhìn điếu thuốc cháy đỏ trên môi Thường, Ngoan lắc đầu nhè nhẹ và hỏi: - Hồi chị Trúc còn ở đây, anh thường hẹn chị ấy ra quán này uống cà phê, đúng không? Thường gật đầu. Ngoan nói: - thấy chưa, em đoán không sai. Bây giờ không có chị Trúc nên anh rủ em ra đây ngồi để nhớ kỷ niệm, đúng không? - Ðúng. - Ðã nói em đoán ít khi sai mà. - Ðoán hay quá sao Ngoan không đi làm thầy bói? Ngoan cụt hứng, chú bé uống một ngụm cà phê đen, tay gõ thành nhịp trên cạnh bàn theo một điệu nhạc phát ra từ chiếc máy cassette. - Ở nhà có gì lạ không? - Có một tin sốt dẻo là chị điên trong xóm mình nhảy xuống biển tự tử trong một đêm trăng. - Ủa? - Tội nghiệp, gặp lúc nước lớn, sóng lại to nên chị điên bị cuốn phăng đi không ai hay. Thường thở dài, hình dung ra gương mặt cô gái điên đã sống qua những đêm trăng của cuộc đời bất hạnh của mình. Giờ đây trên bãi cát đêm đêm không còn tiếng khóc cừơi của cô gái ấy nữa, tiếng khóc cười đã chìm sâu trong những cơn sóng biển mất rồi. - Tại sao chị ấy tự tử? - Ai mà hiểu nổi người điên. Anh hỏi kỳ. - Chắc là phải có lý do nào đó. - Có trời mới biết được. - Vậy mà chị Trúc định có dịp ra Vũng Tàu tìm thăm chị ấy đấy. - Thế nào em cũng biên thư báo tin cho chị Trúc biết chuyện này. o0o Bích Hồng tới nhà Thường vừa lúc cơn mưa đổ ập xuống. Phượng ra mở cửa, cô bé nhận ra ngay người quen. - Chị là bạn của chị Trúc phải không? - em nhớ dai ghê, anh Thường có nhà không bé? - Có, anh ấy đang ở trên gác. - Em gọi giùm anh Thường, báo là có khách nhé. - Chị cứ đi thẳng lên gác, chắc anh ấy đang học bài. Bích Hồng bước lên những bậc thang. Cô dừng lại trước một căn phòng bừa bãi sách vở, sàn gác đầy bụi, chứng tỏ chủ nhân của nó không buồn quét dọn. - Chào anh Thường, nhận ra người quen chứ? - bích Hồng lên tiếng khi Thường quay ra. Thường ngạc nhiên đến sững sờ anh lúng túng dọn dẹp vội vã những thứ lỉnh kỉnh chung quanh chỗ ngồi của mình để lấy chiếc ghế trống và nói: - Làm sao quên đựơc, mời Bích Hồng ngồi xuống đây, đừng chê chỗ ở chật hẹp nhé. - Không chê sự chật hẹp, nhưng mà chê sự bê bối của chủ nhân. Thường ngượng ngùng nhìn quanh những đồ vật quen thuộc của mình mà bình thường anh thấy không có gì phải quan tâm. Nhưng khi bị cô gái phê bình Thường mới thấy nó chướng. Thường lúng túng giải thích: - Biết làm sao đựơc, tôi không có thì giờ. - Anh mới vừa ở Vũng Tàu trở vào phải không? Thường gật đầu. Bích Hồng nhìn Thường hỏi: - Tội của anh lớn lắm đấy nhé, đi mà không báo trước, báo hại tôi và Trúc đi kiếm rồi về không. - Kiếm làm gì? - Ngộ chưa, để thăm anh chứ làm gì. Không lẽ anh cũng không muốn Trúc tới thăm sao? - Chuyện đó Bích Hồng nên hỏi Trúc tiện hơn. - Thôi, tôi biết hết rồi. Hôm nay tôi có nhiệm vụ mang thư của Trúc tới cho anh đây. chút xíu nữa bị mưa ướt hết rồi. Bích Hồng trao cho Thường bức thư dầy của Trúc. - Anh đọc đi, xem Trúc viết gì ở trỏng. Bích Hồng tế nhị đứng lên tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài mưa cho Thường đựơc tự nhiên đọc thư. Thường ngần ngại một chút rồi xé bức thư trong tâm trạng hoang mang, buồn bã. "Thường thân mến, Vì một lý do riêng, em không thể tới thăm anh được, dù trước đó đã mấy lần em tới tìm anh nhưng không gặp. Hôm nay em nhờ Bích Hồng mang thư này tới cho anh đây. Anh cũng biết rằng em yêu mến anh ra sao, và em cũng buồn bã thế nào khi chiều hôm đó mẹ em có thái độ hơi quá đáng đối với anh. Em biết anh giận, tự ái, và cố tình tránh mặt em. Ðiều ấy cũng đúng thôi, nhưng phải nói là em rất buồn. Trong thời gian qua em học sút đi cũng chính vì buồn nản và sống với nỗi khổ tâm mà không biết giải thích thế nào cho anh hiểu được. Mẹ em thì không khắt khe, nhưng bà lo xa cho mối quan hệ của chúng ta. Em được biết trong thời gian qua anh cũng buồn chán và thường bỏ đi chơi. Có những hôm đi chơi rất khuya và uống rượu say. Anh đi chơi với bất cứ cô nào cũng đựơc, em chẳng có quyền gì để nói. Nhưng mong rằng anh hãy cố gắng học, ba má anh cực khổ quá nhiều, anh không nên vì một chút tự ái mà làm hư hỏng đời mình, làm buồn khổ hai bác đã hy vọng nơi anh. Em không biết nói gì hơn, chuyện xảy ra ngoài ý muốn của em, chẳng sung sướng gì khi thấy anh bị dằn vặt, mặc cảm. Mong anh hiểu cho, lúc nào em cũng yêu mến anh. Chúc anh vui. Thủy Trúc " Thường đọc xong bức thư, anh thở ra một hơi dài. Bích Hồng quay lại ghế ngồi, nhìn Thừơng hỏi: - Sao, thư vui hay thư buồn? - Không vui cũng không buồn. - Nhưng nói chung là có "vấn đề" phải không? Thủy Trúc nó khổ tâm lắm đấy, anh không biết được đâu. Nhất là khi trở nên say sưa, quan hệ tùm lum.. Thường đỏ mặt: - Ai nói? - Chẳng ai nói hết. Bạn bè nhìn thấy. - Khi buồn chán, người ta có quyền đi chơi cho đỡ buồn, uống rượu say cho đỡ buồn. - Xì, anh mà cũng nói cái giọng đó nữa sao. Ðời làm gì mà anh hận? - bích Hồng chẳng hiểu chuyện gì đâu. - Nếu không hiểu tôi đã không tới đây gặp anh. Bạn bè mấy đứa chơi thân với nhau còn hơn chị em ruột, cãi nhau chí chóe đấy, nhưng cũng thương nhau vô cùng. Anh mà làm khổ Thủy Trúc là cả nhóm hỏi tội anh ngay. - Bích Hồng dữ quá. - Dữ cũng được mà hiền cũng đựơc. Bây giờ anh có nhắn gì Thủy Trúc không, tôi nói lại cho? - Bây giờ thì chưa. - mai mốt cũng được, nếu cần thì biên thư, tôi tình nguyện làm người liên lạc không công cho. - Bích Hồng uống nước nhé? - Cám ơn, trời lạnh tôi không khát đâu. - Tôi cũng khổ tâm lắm chứ có sung sướng gì đâu. - Thường than thở. Bích Hồng cười: - Gặp Trúc thì nhỏ than khổ, gặp anh thì anh than khổ. Tôi muốn điên cái đầu. Ðến chừng tôi, chẳng biết tôi than với ai đây? - Tùng và Bích Hồng vui vẻ chứ? - Vui, nhưng cũng gây lộn hoài. Nhưng anh đừng có đánh trống lảng, chẳng lẽ đọc bức thư Thủy Trúc anh không cảm động chút nào sao? - Tôi buồn lắm. - Lại than buồn nữa. Nhưng buồn gì cũng phải nói một tiếng cho Thủy Trúc vui chứ. - nói cái gì bây giờ? - Xời ơi, chuyện của anh mà đi hỏi người khác. Làm sao tôi biết đựơc. - Bích Hồng là người ở ngoài cụôc, sáng suốt hơn tụi này. - Vậy thì tôi khuyên anh đừng nên uống rượu nữa. Con gái ghét thậm tệ những anh chàng say sưa. Còn chuyện anh đi khiêu vũ với mấy cô bạn gái gì đó, Thủy Trúc nó cũng buồn lắm đấy. Cơn mưa đã ngớt hột, Bích Hồng từ giã Thường ra về. Thường ngập ngừng định nói với Bích Hồng chuyện gì đó, nhưng không hiểu sao anh im lặng, chỉ buông một tiếng thở dài rồi đưa Bích Hồng xuống thang gác. - Cám ơn Bích Hồng nhé. - Thường ấp úng. - Thôi, ơn nghĩa gì, mai mốt có về Vũng Tàu nhớ mang quà xứ biển vào thì đựơc. - Bích Hồng thích gì? - Tôi thuộc loại dễ nuôi, cái gì ăn cũng được và cái gì cũng thích cả. Bích Hồng cười giòn, đạp máy xe và phóng đi trong cơn mưa chỉ còn rắc những hạt nhẹ trên mái tóc. Ðúng là con hẻm vào nhà Thường mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Bích Hồng phải phóng xe ào qua những vũng nước đọng. Khi ra khỏi con hẻm sâu Bích Hồng mới mừng thầm và không ngờ trí nhớ của mình cũng thuộc vào loại siêu như Thủy Trúc. - Sao, có gặp đựơc Thường không? - Thủy Trúc chạy ra đón Bích Hồng từ ngoài cổng và lo lắng hỏi. - Gặp. - Thường xem thư rồi nói gì? - Chẳng chịu nói gì cả. Cừ lầm lầm lì lì, phát ngán. - Sao lại không nói? - Ai biết đâu. Không lẽ chàng không nói rồi bắt Bích Hồng phải cạy miệng sao? - Nhưng nói chung mọi chuyện đều tốt cả chứ? - Phải thuyết cho ông ấy một hồi, nhưng chả biết có chịu nghe hay không. Coi bộ Thường cũng thuộc vào loại cứng đầu cứng cổ đấy. Trúc buồn bã nói: - Thôi vậy đựơc rồi,còn nghe hay không là tùy Thường thôi. - Nhưng ta tin thế nào ông Thường cũng phải nghe. Nếu không nghe thì cả nhóm đồng lòng tẩy chay ngay. hai đứa vào nhà. Mấy hôm nay nhà Trúc đang chuẩn bị đám cưới cho chị Huyền. Thấy Bích Hồng tới, chị Huyền mừng rỡ nói: - Ðang lo thiếu một cô phù dâu đây, Bích Hồng tới thật đúng lúc. Nhận làm phù dâu cho chị nhé? - Em xấu òm mà làm phù dâu gì? - Bích Hồng cười. - Thôi đừng có làm bộ nhỏ ơi, Trúc đã nhận lời rồi kìa, đám cưới của chị sẽ có hai cô phù dâu thât xinh đẹp cho nhà trai lác mắt chơi. - Hồi đó tới giờ em có làm phù dâu bao giờ đâu, lọng ca lọng cọng, người ta cười chết. -Dễ ợt, chẳng có gì khó đâu, học mười phút là xong. - Có Thủy Trúc nữa thì em nhận. - nhất định Thủy Trúc phải là phù dâu cho chị rồi. Trúc kéo Bích Hồng về phòng mình, hai đứa nằm lăn ra giường cười rúc rích. Bích Hồng nói: - Bà Huyền sắp sửa lấy chồng ngó xinh ra phết. Bà ấy lấy ai vậy Trúc? - Ông Nghiêm, kỹ sư xây dựng. - Chắc là xứng đôi lắm hả? - Cũng đựơc. - Sao lại cũng đựơc là thế nào? Thủy Trúc cười: - Nghĩa là... cặp ấy cũng được, chớ sao? Nhỏ hỏi kỳ quá, ai còn biết trả lời ra sao nữa. - Xời ơi, chị Huyền có chồng mà nhỏ làm như người nào khác, không phải ở trong gia đình này vậy. - Tính ta thế đấy nhỏ ạ. - Vô tâm. Thủy Trúc úp mặt xuống gối cười rúc rích, nhưng thật trong lòng cô buồn bã vô hạn. Như vậy là giữa Trúc và Thường dù sao cũng đã có một khoảng cách, một khoảng cách không ai tạo ra và không cần thiết. Tuy nhiên, nó đã hình thành và chi phối hai người. Thường không thể nào hiểu được em đã quay quắt như thế nào trong khoảng thời gian này. Anh bây giờ đang làm gì? Trúc hình dung ra căn gác trọ của Thường ở, căn gác mà một vài lần Trúc đã tới. Ở đó cô đã dần quen với những đồ vật của Thường, những sách vở, cách bài trí, cái bàn, chiếc ghế ngồi lọ hoa ít khi có hoa, cây đàn giá lạnh, và... một lớp bụi mỏng trên sàn gác mà chỉ khi nào Trsuc tới nó mới sạch được. Nhớ một vài lần Trúc chê sự bề bộn của Thường, anh cười con trai độc thân không chú ý tới việc chưng dọn căn phòng mình ở. Chứ anh chú ý tới điều gì? Học và nhớ... cô gái mặc áo vàng. Bây giờ thì khoảng cách giữa Trúc và căn gác trọ ấy đã xa, biết anh có còn nhớ cô gái áo vàng ấy nữa không? Bích Hồng đập nhẹ lên vai Trúc hỏi: - Nhỏ đang nghĩ gì thế? - Nhiều thứ lắm. - Cụ thể là cái gì? - Buồn quá nói không nổi. - Ðể tăng thêm sức mạnh ta mời nhỏ đi ăn kem, được không? - Cũng chả thích ăn uống gì. - Nhỏ định tuyệt thực à? - Bích Hồng ghé sát vào tai Trúc hỏi. - Nếu tuyệt thực được ta cũng sẵn sàng. - Thường cũng buồn, cũng kêu, cũng than thở. Nhỏ cũng buồn, cũng chán, cũng kêu than. Ta ở giữa biết làm sao đây? Trúc nằm ngửa, ôm chiếc gối ngang ngực và nhìn vào mắt Bích Hồng hỏi: - Theo nhỏ, ta phải làm sao bây giờ? - Tạm thời đừng gặp Thường nữa và hãy cố gắng học đi, mọi việc rồi sẽ trôi qua như mây trên trời vậy. - nhưng trôi theo hướng nào? Bích Hồng mím môi có vẻ suy nghĩ. Một lúc Bích Hồng đáp: - Theo hướng mưa thuận gió hòa. - Nhỏ làm thầy bói hồi nào vậy? - Bộ nhỏ không muốn nói chuyện rồi sẽ tốt lành sao? - Không đơn giản đâu. Ðúng là không đơn giản như hồi đầu Trúc nghĩ. - Suy cho cùng, chẳng có điều gì đơn giản hết. Hình như sống là một cuộc chống chọi và luôn luôn gặp sự nghiệt ngã. Trúc bỗng hỏi: - Tùng "quen" với Bích Hồng có bị rầy rà như Trúc không? - Giữa Tùng và Bích Hồng đơn giản hơn nhiều. Nói chung thì mọi việc suông sẻ, êm ru. - Sao mọi người đều suông sẻ, êm ru còn Trúc lại gặp sóng gió hoài. - Thôi, ráng chịu đựng cho nó xong, đừng than thở hoài nhỏ ơi. Bây giờ ra phố ăn kem đi. Nghe lời ta đi dạo chơi, đi ăn uống thì mọi việc sẽ quên. Nằm nhà nhớ hoài thì sẽ buồn chán lắm. Vậy thôi. - Ði hết muốn nổi. - Ðể ta dìu nhỏ đi nhé. Bích Hồng cười, vòng tay ôm Trúc xốc dậy. Hai đứa ngò nhau phá ra cười và Trúc đi vào phòng tắm rửa mặt, thay quần áo. Một lúc sau, Trúc trở ra. Bích Hồng kêu lên: - Lại mặc áo vàng. Ta tưởng màu vàng đối với Trúc từ đây trở thành kỷ niệm rồi chứ. - trông có tươi thắm không? - Trúc xoay một vòng trước mặt Bích Hồng và hỏi. - Tươi như nắng ấy. - Nắng sáng hay nắng chiều? - Nắng trưa. - Nắng trưa chói mắt lắm, ta không thích đâu. - Trúc cười. Một lúc sau Trúc đèo Bích Hồng bằng xe Honda phóng ra khỏi nhà. Không khí mát rượi trên đường sau cơn mưa làm đầu óc Trúc thanh thản hơn.