(Có một truyện dài tên Cậu Chó mà tôi chưa được thưởng thức, chỉ nghe bàn tán xôn xao một thời. Câu chuyện sau đây chẳng có liên hệ chi với chuyện dài đó.) Không biết vì lý do nào, nó bị chủ sa thải, và rơi vào nhà tôi. Nó là một con chó loại nhỏ bằng bắp chân. Hình dáng y hệt một con nai tý hon có khuôn mặt con chồn. Hai mắt tròn, to, long lanh sáng như hai viên bi chai ướt át. Hai tai vểnh lên cao, chân dài, thân hình thon nhỏ cân nặng chưa được ba ký lô. Nói theo ông anh tôi, thì chưa đủ một tô rựa mận. Nó gia nhập gia đình tôi một cách tình cờ, vì thực sự tôi cũng chưa có ý định nuôi chó, mà chồng tôi thì có vẻ ớn và ngán loài chó một cách rõ ràng. Anh nại lý do là cả đời chó không bao giờ đánh răng, mà cứ thích liếm tay, liếm mặt người khác, bao nhiêu là vi khuẩn, vi trùng có dịp xâm nhập. Cứ thử nghĩ, có một giai nhân lộng lẫy như tiên, mà cả tháng chưa đánh răng, thì có anh chàng điên nào đủ can đảm dám ghé môi hôn chăng? Hơn nữa, loài chó thường làm trung gian mang bọ chét, rận, chấy, dễ lây lan qua cho người, rất khó tránh. Như thế thì có thể vô tình đem bệnh hoạn đến cho con người. Nhưng lý do chính, anh không nói ra, mà tôi biết rõ, là anh kỳ thị và có định kiến với loài chó. Bởi vì, thời anh mới chín mười tuổi, đã chứng kiến cảnh cô bé bảy tuổi hàng xóm lên cơn dại chó, gầm gừ và chết thảm thiết. Cô bé nầy thường hay ôm ấp vuốt ve con chó nhà láng giềng. Một hôm chó phát bệnh dại, thè lưỡi chạy chầm chậm ngoài đường, táp hụt nhiều người bộ hành. Lũ học trò nhỏ đi học về sợ hãi, rú lên, xô nhau chạy tán loạn. Bác cảnh sát phải nạp đạn hai lần, đến gần con chó khoảng một thước, bắn hơn cả hơn chục phát đạn mới trúng một viên, con chó quay mòng mòng và ngã lăn ra chết. Cả phố cười vang vì phục cái tài thiện xạ của bác cảnh sát. Mặt bác cảnh sát đỏ gay vì xấu hổ và leo lên xe đạp đi một nước, chẳng nói năng gì. Ngoài ra, chồng tôi cũng bị chó cắn đôi lần khi còn bé, nên có thành kiến về chó là phải. Khi anh tôi đem con chó về, thì chồng tôi cũng không phản đối, mà cũng chẳng tán thành. Lần đầu tiên con chó gặp chồng tôi, nó vẫy đuôi chào mừng, anh chỉ mĩm cười nửa miệng rồi quay đi, không thèm ban cho nó một cái vuốt ve, một tiếng huýt sáo. Thế mà sau một tuần, tôi thấy chồng tôi lể mể ôm về một bao thức ăn cho chó, loại ngon nhất, đắt nhất, và kèm thêm thức ăn trong hộp.Tôi không biết làm sao mà con chó chinh phục được cảm tình của chồng tôi mau lẹ thế. Bởi không ai hiểu chồng bằng vợ, khi đã có thành kiến về cái gì, thì khó ai mà lay chuyển anh nỗi. Ban đầu, chồng tôi gọi con chó là nó, rồi gọi là em nó, sau nữa, gọi là cậu chó, thăng chức cho có. Tôi và anh tôi, thấy cách xưng hô lạ, hay, cũng kêu bằng danh từ cậu chó. Từ không quen biết, cậu chó đã chinh phục mau lẹ cảm tình của cả ba người trong nhà. Phải công nhận cậu có tài, vì ông anh tôi cũng không phải là loại người yếu lòng, dễ lung lạc, va thường không ưa chăm sóc ai, cũng không ưa ai chăm sóc mình. Thế mà mỗi sáng, mỗi chiều, ông cẩn thận lấy mấy cục bò viên, gói vào giấy ni lông, bỏ vào lò hâm cho ấm, để lên cái dĩa sành nhỏ, lễ mễ bưng ra cho cậu xơi Cậu chó nằm dài trên tấm thảm chà chân mà thong thả nhai và thưởng thức vị béo, ngọt của thịt bò vò viên. Đôi mắt cậu long lanh ướt át, đẹp hơn cả mắt các cô thiếu nữ đương thì. Những khi anh tôi nằm trên ghế dài đọc sách, thì cậu phóng lên, nằm kê mõn trên chân anh. Cả hai đều im lặng, anh tôi thì chăm chú đọc, cậu thì lim dim mắt, thỉnh thoảng nhúc nhích vành tai, như lắng nghe tiếng huyền diệu xa xôi nào đó trong không gian. Thường thường, khi thấy cảnh ấm cúng hạnh phúc đó, chồng tôi cười mà trêu anh tôi: "Cậu chó sướng quá nhỉ! Có khối cô mong được kê cái đầu lên chân đó để lim dim mắt mà không được. Phước phần nào tổ tiên để lại cho cậu thế?". Người và chó, cả hai trông hạnh phúc phát tiết ra ngoài mặt. Có những lúc cậu chó đang ăn, vội chổng tai lên, rồi bỏ ăn mà chạy ra hướng cửa. Tôi ngạc nhiên không biết tại sao, thì chỉ liền mấy phút sau đó, thấy xe anh tôi về đậu trước cỗng. Thì ra cậu nhận được tiếng máy xe từ rất xa, cách đến mấy ngã tư đường, biết anh tôi về, vội bỏ ăn, chạy ra chào mừng. Cái hành động nầy, được chồng tôi khôi hài ví với chuyện các bậc minh quân bên Tàu đời xưa, đang ăn mà nghe có người hiền đến, thì vội nhả thức ăn, chạy chân đất ra mà tiếp đón.Mỗi ngày, anh tôi ra vườn ngồi nhả khói thuốc lên trời cao, cậu đến bên cạnh, cạ mình vào anh tôi, đuôi ve vẫy, hình như cả hai đang mơ mộng, đang vui với trời đất, vui với một ngày bình an, thanh thản. Cậu chó thường ngủ trong một cái chuồng nhỏ, đặt trong buồng anh tôi. Đã thành thói quen, mỗi đêm, khi anh tôi mở cửa buồng, thì cậu biết đã đến giờ đi ngủ, phóng vội vào chuồng và nằm yên lặng cho đến sáng. Khi anh tôi dậy, mở cửa thì cậu vội vã phóng ra vườn làm vệ sinh. Có khi đã vào trong chuồng mà cậu chó kêu ư ử nho nhỏ như mốn đòi hỏi chuyện gì đó, anh tôi tằng hắng một tiếng, cậu im rơ, nằm yên cho đến sáng. Mỗi khi anh tôi đi về khuya, thấy cậu chó cứ dương mắt nhìn ra ngoài chờ đợi, tôi nhốt vào chuồng cho cậu ngủ, cậu chỉ nằm yên chừng năm phút, rồi nhè nhẹ lén đi ra, ngồi trước cửa, buồn rầu chờ đợi anh tôi. Cậu nhất định không đi ngủ, nếu anh tôi chưa về. Anh tôi vốn là người rong chơi ngày tháng rộng, lang bạt giang hồ, đố ai biết anh đêm nào ngủ ở đâu, ngày nào rong chơi miền thảo dã nào, thế mà vì cái đợi chờ của cậu chó, mỗi đêm phải ra về, về sớm, không thì sợ cậu đợi chờ tội nghiệp. Như là sợ con mọn lo, sợ người vợ hiền mòn mõi trông chồng, anh phải về. Về cho cậu chó đi ngủ. Anh tôi thương mến cậu chó, như cha thương con, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ. Chồng tôi trêu rằng, anh tôi là nghiêm đường của cậu chó. Cậu chó rất lể phép, khi nào cũng đi sau lưng anh, không bao giờ cậu dám đi trước mặt anh. Chồng tôi nói rằng, cậu chó „vừa kính, vừa thương“ ông anh tôi. Mỗi khi tôi đi làm về, cậu chó chồm lên, ôm lấy chân tôi, đuôi quẫy lia lịa và kêu ưng ửng trong cổ họng. Không phải cậu nịnh tôi, để tôi cho ăn, cậu vui mừng, tỏ tình thương, tỏ cái lòng chân thật, cậu không cầu mong gì cả. Nếu tôi cúi xuống vuốt lên lưng cậu, thì cậu nằm dài ra, chổng bốn chân lên, nhõng nhẽo, nũng nịu. Chồng tôi thường hay cho cậu ăn chút chút, khi thì cục xương gà, khi thì tép bò khô, khi thì miếng thức ăn thừa trong tủ lạnh. Bởi vậy, mỗi khi thấy chồng tôi, thì cậu chó thè lưỡi ra, liếm láp quanh mồm lia lịa, rồi nhảy cỡn lên, như hân hoan sung sướng lắm. Chồng tôi nói rằng, chắc cậu cũng chẳng có tình nghĩa gì đâu, chỉ hy vọng được ăn thôi, cứ nhìn cái lưỡi cậu liếm láp lia lịa thì rõ lòng dạ cậu. Thỉnh thoảng, chồng tôi cũng bỏ thì giờ ngồi vuốt ve cậu, nói chuyện triết lý với cậu, như nói cho một người hiểu biết nghe. Tôi rình nghe mà cười. Nhiều lần thấy tôi tắm cho cậu chó, chồng tôi nói lớn: „Thế mới biết em thương anh không bằng thương cậu chó. Lấy nhau mấy chục năm nay, mà có khi nào em tắm cho anh đâu?“. Lần tôi đem cậu chó đi chích ngừa bệnh, mua thuốc cho cậu uống, anh tôi vuốt ve cậu mà nói: „Cậu mầy hơn ta rồi đấy, mấy chục năm nay, ta đâu có chích choác gì, đâu có thuốc phòng bệnh chống bệnh gì. Cậu mầy ngon quá mà.“ Cả nhà không ai nói ra, nhưng ai cũng dành cho cậu một khoảng ấm áp trong tim. Ngay cả việc tình duyên của cậu, cũng được lo lắng lưu ý đặc biệt. Cậu được mai mối cho một nàng chó của ông bà Mỹ già ở thành phố kế cận. Nàng chó nầy, nhỏ thon, lông trắng như bông, môi mũi hồng hào, mắt tròn xoe, sáng đẹp đẽ. Nàng chó nầy xinh xắn như cô tiên, được chủ cưng chiều như một tiểu thư đài các. Về mặt ngoại hình, thì cậu chó nhà tôi, với nàng chó nầy như đôi đũa lệch, như thằng bán than mà đèo bòng công chúa. Ông bà già Mỹ chưa thấy dung nhan cậu chó. Chồng tôi sợ cậu bị nhà vợ chê, nên đặt kế hoạch làm đẹp cho cậu, mua thuốc nhuộm tóc màu vàng và màu đen, định tô cho đậm hẵn những vệt vàng và vệt đen có sẵn trên thân cậu, xóa những vệt lem luốc không rõ vàng, không rõ đen. Nhưng tôi và anh tôi phản đối. Tôi bảo không muốn lừa dối ai bằng cách nhuộm chó. Chồng tôi hỏi tại sao đàn bà bôi xanh bôi đỏ được, nhuộm tóc được, sửa mắt sửa mũi, hút mỡ, độn ngực được, mà cậu chó nhà mình không có quyền trang điểm một chút cho ra vẽ hào hoa hơn? Nếu nhà gái chê, lỡ duyên của cậu, thì ngàn năm một thuở, cậu đành ngậm ngùi làm kiếp trai già còn tân. Còn anh tôi thì vì „ thương con mà thành mù quáng“, anh thấy cậu chó đẹp lắm, cho là một loài hiếm, vì có lông vằn từng vệt đen vàng xen kẻ, như bộ da ông cọp. Bỡi thế, mà cậu chó còn có bí danh là Tiger (ông cọp). Khi ông bà Mỹ già nhắn đem cậu chó đến làm rể, thì chồng tôi tiếc cho cậu, chưa được trau chuốt lại cái dung nhan lem luốc, cho đỡ mang vẽ bần hàn con nhà ruộng, con nhà núi. Tôi chỉ vội vã đem cậu đi tắm cho sạch sẽ, để đi cưới vợ, mà cậu sợ nước, bỏ chạy trốn. Tắm xong, tôi sấy khô lông, và bôi chút nước hoa thoang thoảng lên đầu cậu. Chồng tôi nằm nhà thở dài chờ tin buồn, là cậu bị từ hôn. Tôi và anh tôi cắm hai đóa hoa hồng bên cửa xe, dẫn cậu ra đi. Xem bộ cậu hí hững lắm. Không biết cậu có linh tính chi không. Khi dẫn cậu vào nhà, hai ông bà Mỹ cười, và vì lịch sự, nói rằng: „Không đến nỗi tệ, không đến nỗi tệ“. Vừa thấy cậu, thì nàng tiểu thư chó vẫy đuôi, mắt sáng rạng rỡ nhìn cậu đắm đuối và liếm mép. Cậu thì tỉnh bơ, như không thấy người đẹp trước mắt, cứ nhìn dáo dác và đứng khép nép bên chân anh tôi. Cậu ngượng chăng? Tưởng cậu e thẹn với người lớn, anh tôi bèn giả vờ đi ra ngoài cho đôi trẻ tự do làm ăn. Thấy anh tôi bước ra, cậu vội vã cong đuôi chạy theo. Tôi ẵm cậu quay trở lại để gần nàng tiểu thư chó đang làm điệu bộ, muốn làm quen. Tôi vuốt ve trên lưng cậu chó, cậu lại nằm chổng cẳng ra nhõng nhẽo. Có ai đi hỏi vợ mà như thế nầy bao giờ? Nàng chó thích thú đến gần và hôn nhẹ vào lưng cậu, rồi nàng liếm trên mặt cậu. Một lúc sau, hai bên làm quen, hôn hít nhau tự do trước mặt hai họ. Nàng chó nằm ép bụng xuống, hai chân cào lia lịa trên mặt thảm, kêu ư ử trong họng, thân mình uốn éo, mắt nhìn cậu đắm đuối, rồi đưa mông về hướng cậu, như thúc dục, như gọi mời. Anh tôi thấy cậu tỉnh khô, chẳng làm ăn gì, bực mình mắng một câu: " Đúng là ngu như chó. Không biết cái chó gì cả". Nhưng rồi cuối cùng, mọi việc đều êm xuôi, cậu ban cho nàng tiểu thư chó hai lần ơn mưa móc. Nàng tiểu thư chó xoắn xít lấy cậu. Ông cụ Mỹ khen cậu là bé ngoan (good boy). Xong cuộc tình, cậu đứng thở dốc, anh tôi xót con, muốn đem cậu về, sợ cậu ở đây thì còn hao mòn thân xác hơn nữa. Ông bà cụ Mỹ đề nghị cho cậu chó ở rể một tuần, anh tôi không chịu. Tiểu thư chó đến bên cậu thè lưỡi âu yếm chăm sóc chồng, liếm lên mặt, lên vai. Cậu thừ người đứng yên lặng nhìn anh tôi như dọ hỏi. Khi anh tôi bước ra cửa, cậu vùng chạy theo, không thèm chia tay người đẹp chó, nàng chạy theo chàng ra đến tận cửa xe, cậu nhảy thốc lên ghế ngồi, không thèm ngó lại nàng đang vẫy đuôi cuống quýt. Anh tôi mắng:“ Bạc tình đến thế kia à? ". Sau đó, ông bà già vợ của cậu còn nhắn nhe nhiều lần, nhưng anh tôi thương cậu, sợ cậu mất sức, hẹn qua năm sau cho chúng gặp lại. Chồng tôi thì khuyên anh tôi cho cậu đi ở rể vài tháng cho sướng thân cậu, mấy khi cậu được cái hạnh phúc yêu đương, đời mà không tình yêu, thì cũng xem như chết rồi mà chưa chôn vậy. Về mặt tình, thì cậu chó nhà tôi quả thật tệ, nhưng về phương diện thu phục lòng người, thu phục tình thương, thì cậu là thượng thặng. Cậu đã thu phục tình thương của ba anh em chúng tôi cấp kỳ, dễ dàng, tài tình. Tôi nghiệm ra, nếu mình chân thành thương yêu ai, thì tình thương được đáp lại ngay. Trong tình thương cũng phải bày tỏ ra bằng cử chỉ hàng ngày, chứ không phải thâm trầm che dấu bên trong. Che dấu tình thương, dễ bị hiểu lầm là lạnh nhạt. Những câu nói rất thường của những kẽ mới yêu nhau, nhưng không bao giờ chán tai người nghe, những cử chỉ lập đi lập lại, nhưng vẫn làm người nhận vui thích và cảm thấy lòng ấm áp. Cậu chó không bao giờ tranh đua với ai, không ganh tị, không trách móc, không giận hờn ai trong gia đình. Ngay cả khi chồng tôi vô tình dẫm lên đuôi cậu, cậu kêu la, bỏ chạy, nhưng ngay tức thì sau đó, cậu vẫy đuôi, quên giận hờn, quên đau. Thế thì ai mà không thương cho được? Ngày xưa, khi các cụ đồ đi thi bị rớt quay về nhà, thì chỉ có con chó ra vẫy đuôi chào mừng mà thôi. Cụ ông đem so sánh, cụ bà bảo rằng: „Con chó nó có thức khuya dậy sớm, tần tảo nuôi ông ăn học đâu mà nó thấy buồn“. À thì ra loài chó còn là thứ quân tử, không màng đến bã công danh. Loài chó, như mọi người biết, chủ có nghèo khó đói khổ đến đâu, cũng không bao giờ bỏ chủ. Trong lúc đó, con người, ngay cả vợ chồng, khi sa cơ thất thế còn có kẽ bỏ nhau, khi giàu sang có thể thay chồng đổi vợ. Cái tài chinh phục lòng người của cậu chó cho tôi bài học quý báu. Tôi bắt chước cậu, bày tỏ tình thương với chồng tôi. Thỉnh thoảng tôi dúi đầu vào ngực chồng thật lâu, hít thở cái mùi thân thiết, và đem hết cái âu yếm tỏa ra trong mình, gắng truyền qua tấm ngực ấm áp của chồng. Chồng tôi vuốt ve trìu mến trên lưng, trên tóc tôi. Tôi có cảm giác như thời mới biết nhau, mới quen, mới thương nhau. Sung sướng hạnh phúc tràn đày.Tôi cũng bắt chước cậu chó, cho tình thương đi mà không đòi hỏi, không trách móc, không giận hờn. Tôi bỗng thấy nhận lại được tình thương nhiều vô tận. Hạnh phúc trong gia đình tràn đầy như nước triều dâng. Chồng tôi cũng cảm nhận được những thay đổi trong gia đình, những vui sướng, những ấm êm, những an bình. Tôi thầm cảm ơn cậu chó, đã cho tôi bài học vun xới tình thương tuyệt vời, mà sách vở chỉ là thứ lý thuyết suông, như nước chảy qua cầu, như ảnh hình nhìn xuyên qua cửa sổ con tàu.Bài học của cậu chó thực tiển, tận mắt, đơn sơ, nhưng hiệu quả vô cùng. Bây giờ tôi mới nghiệm ra, tại sao những cao thủ võ lâm thời xưa, nhìn động tác chiến đấu của loài vật mà bắt chước, sáng chế ra các chiêu thức như hầu quyền, hổ quyền, xà quyền v.v... Có lẻ cái khôn ngoan và sinh hoạt của giống thú cũng có rất nhiều điều đáng cho con người học hỏi. Cậu chó nhà tôi, và cả họ hàng nhà chó gần khắp nơi trên thế giới, ( trừ các nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa) chẵng cần lao động mệt nhọc chi cả, mà lại có đời sống ấm no, cơm bưng nước rót, chẳng hề nghĩ đến sinh kế, không sợ thị trường chứng khoán trồi sụt, không cần biết đến chỉ số Dow Jones, Nasdaq mỗi ngày, không cần biết đến chu kỳ kinh tế thăng trầm, suy thoái, cũng không cần lo, cần biết đến những chính sách đối ngoại đối nội của chính phủ, cứ phè cánh ra mà được thương yêu, cưng chìu, bảo bọc, an nhàn. Có những người giàu bạc tỉ, có kẽ quyền uy ngất trời, danh vọng ngút ngàn, cũng không mua, không có được cái an nhàn sung sướng hạnh phúc của cậu, trong lúc cậu không có một đồng xu lận lưng, không có một chương mục ngân hàng, không một tư hữu nào cả. Cậu vốn thất học, mù chữ, chẳng hề biết đến một trang sách học làm người, một chữ trong sách thánh hiền, mà cậu sành tâm lý, biết cách lung lạc lòng người hiệu quả. Toàn cả gia đình tôi đem hết tình thương ra mà hậu hĩ đãi cậu. Ban đầu, chồng tôi gọi cậu chó bằng nó, với thái độ miệt thị, xem thường. Nhưng khi bị cậu chinh phục, bắt đầu thương yêu, thì gọi là em no ù. Đến khi cảm cái tài, cái đức của cậu, thì gọi bằng cậu chó. Sau đó, anh thấy học được của cậu nhiều điều hay, lạ, bổ ích, hiệu nghiệm, làm cho gia đình hạnh phúc hơn, làm cho mọi người chung quanh thương mến nhau hơn, thì bèn tôn sư, kêu cậu bằng ông thầy. Rồi anh nghiệm ra, những điều học hỏi từ cậu có thể còn đúng, còn có giá trị muôn đời, thì anh nâng cậu lên là „ ông thầy. Một hôm đi chợ về, tôi thấy sau vườn khói um mù, chồng tôi vừa đi vừa nhảy nhót quanh một cái thùng sắt lửa nghi ngút, như dáng múa của người da đỏ đang hành lễ. Theo sau là cậu chó vẫy đuôi chạy loăng quăng. Thỉnh thoảng anh quay lại vái cậu chó mấy cái và gọi cậu là ngài. Cậu thơ ngây vẫy đuôi gục gặc đầu chí thú, kêu ư ử trong cổ họng. Tôi nhìn vào thùng xem chồng tôi đốt gì, thì thấy cả mấy chục cuốn sách triết lý đang cháy. Nào là Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, Trang Tử, Platon, Descarte, Hegel, Jean Paul Sartre... và cả mấy chục cuốn sách thuộc loại nhức đầu khác nữa. Toàn là loại sách triết học đông tây kim cổ mà thường ngày anh quý như vàng ròng, trân trọng dìn giữ. Tôi vốn không lạ gì với hành động đôi khi gàn dở của chồng, vì anh bị nhiễm nặng các tư tưởng triết lý, đạo giáo. Nhưng hôm nay tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao anh đem những cuốn sách quý báu đó ra hỏa thiêu và tôn cậu chó lên chức ngài. Tôi hỏi lý do. Anh đáp rằng:" Mấy chục cuốn sách triết học đông tây kim cổ nầy, chẳng ích lợi thiết thực chi cho hạnh phúc gia đình, cho cuộc sống nhân sinh bằng cái triết lý tình thương chân thật của ngài chó đây. Ngài là một bực tuyệt khôn, đại trí. Loài người thường kiêu hãnh tưởng mình khôn ngoan nhất, nhưng biết đâu loài chó nó cười cho thối đầu. Khôn hơn sao phải lao động cực khổ để cung phụng, thương yêu, phục vụ kẽ ăn rồi nằm không? Loài chó chỉ ban cho loài người chút tình thương thôi, rồi phè ra mà sung sướng một đời. Thế thì ai khôn hơn ai?" Chồng tôi xá thêm cậu chó mấy cái cung kính lắm. Bao nhiêu sách triết lý đều thiêu thành tro bụi, tàn bay lả tả.