Muốn làm một cái mở bài cho những điều sắp nói bên dưới, mà suy nghĩ mãi ko viết nên câu. Tự hỏi nên bắt đầu từ đâu? Từ những trưa hè nắng gắt chờ mẹ đi làm về muộn, từ những buổi tối mất điện, ko chịu nổi cái nóng bức bối trong căn nhà chật chội và tối tăm, mọi người bưng bát cơm ra hè đường, để lũ trẻ con chúng tôi chạy chơi nô đùa, thi thoảng quay lại chỗ mẹ ngồi, xúc một thìa cơm rồi lại chạy đi chơi tiếp, hay bắt đầu từ nỗi nhớ tuổi thơ thoắt ẩn thoắt hiện trong kí ức chúng tôi đã xa xôi lắm rồi? Ấu thơ trong tôi là những trò chơi con trẻ. Đó là thời bao cấp, mà sao cái cuộc sống mở ra trước mắt chúng tôi lại mang dáng vẻ mê ly và đẹp đẽ đến vậy. Bọn trẻ con đi học về, còn lâu mới đến giờ cơm trưa, lại chạy rông ngoài đường, thôi thì đủ những trò nghịch ngợm. Trò chơi phổ biến nhất là đánh quay. Những con quay tròn xoe, to nhỏ đủ kiểu với cái đinh mũ nhọn bên dưới, dùng dây thừng hoặc sang hơn là dùng dây dù để chơi. Chơi "ăn miếng trả miếng" là lần lượt quay đứa này được "bổ" vào quay đứa kia, mày bổ tao xong tao bổ mày. Chơi lần lượt là lập thành một đội, lượt đầu cả đội cùng ra quay, quay nào quay tít nhất, chết sau cùng thì được xếp nhất, đc bổ sau cùng. Đứa xếp bét phải ra đầu tiên cho những đứa kia bổ. Những vết sứt trên thân quay được gọi là một "vố", càng chơi càng nhiều vố. Không biết từ "Dính một vố" trong làm ăn kinh doanh hay trong đời thường có phải bắt nguồn từ đây mà ra không. Thảm nhất là chơi quay "lồ". Vẽ một cái vòng tròn, khoảng hai đến ba đứa bét bị để quay nằm trong cái vòng đó, cả hội xúm vào chọi cho đến khi nào qua của nó bị bắn ra khỏi vòng thì mới thoát, được bổ con trong vòng. Chao ôi vui vui là. Những con quay đủ màu sắc, làm từ gỗ mít, xà cừ v.v cứ quay tít thò lò, tiếng hò reo vang dội cả khu phố. Nhiều lần tôi bị quay văng vào đầu nảy đom đóm mắt, nhiều lần bổ quay, dây thừng giật ra đằng sau... quấn vào cổ người đi đường, bị mắng té tát, nhiều lần con quay bé xíu của mình bị con quay to bằng cái bát ăn cơm của thằng khác bổ vỡ đôi, mếu máo ôm quay về nhà. Vậy mà vẫn mê lăn mê lóc. Người lớn có cái thú chọi gà, còn bọn trẻ con lại có trò chơi cá chọi. Những con cá chọi nhiều màu sắc, xanh lam, tím than, chì, hồng với những cái đuôi tha thướt. Thả chung vào với nhau, chúng đen thẫm lại, đuôi đổi màu đỏ chót rồi phồng mang trợn mắt đánh nhau. Đánh "thật" thì kẻ thua bị mất luôn con chọi, còn đánh "đùa" thì chỉ phân định thắng thua mà thôi. Có hai kiểu "om" chọi. Thường là cho vào lon sữa bò làm bằng sắt tây hoặc lọ thủy tinh, hoặc chai 65ml cưa cổ. Giấu vào gậm giường hay chổ nào càng tối càng tốt. Hoặc cho ăn no lấy sức, hoặc bỏ đói trước trận chiên.Con chọi đói sẽ ăn vây đối thủ, con chọi no thì lại đánh vào đầu, vào mình là chính. Kẻ thua thì bỏ chạy, mình mẩy nhợt nhạt và trong veo, nhiều khi thấy lờ mờ cả xương sống bên trong. Chúng tôi gọi đó là "sọc dưa". Bây giờ người ta cũng hay gọi những kẻ nhút nhát, "chưa đánh đã chạy" là "đồ sọc dưa" Kẻ thắng thì mình mẩy tơi tả, được chủ nâng niu bắt về chăm sóc, chờ cuộc chọi mới. Cô bé tóc tết hai bím, mắt tròn như hạt nhãn mừng đến phát khóc khi con chọi hồng bé nhỏ của mình lần lượt đánh bại những đối thủ sừng sỏ khác. Thật vui và thật hấp dẫn phải không. Có nhiều khi con chọi thắng lại lăn ra chết trong vinh quang, còn con thua thì vẫn sống bình yên. Nhưng thua một lần thì con chọi đó khó phục hồi, phải om rất lâu mới đánh tiếp được, nhiều con ko đánh được nữa, gọi là bị "chột", bị "nhồng". "Kè", "xù", "nhồng", "bụp", những tiếng lóng trong trò chơi con trẻ bây giờ được người ta dùng trong cuộc sống ngoài đời. Kể cũng lạ. Hè đến rồi. Cả hội rủ nhau đi chọc cơm nguội. Không phải cơm trong nồi, cạo xoàn xoạt, tưới nước mắm ắn ngấu nghiến mỗi khi đi chơi về muộn đâu. Cây cơm nguội, có những quả bé xíu như hạt tiêu màu xanh thẫm. Quả kết từng chùm dày đặc trông rất thích mắt. Kiếm một cái sào tre, móc ở đầu một cái móc sắt, có thể chọc được cả túi nylon to hạt cơm nguội. Đem về ngâm nước cho tươi, dùng làm "đạn dược" bắn súng phốc hay còn gọi là ống phốc. Ống phốc làm bằng cành tre, cành trúc nhỏ. Quy chế hoạt động mô phỏng cái.... bơm xe đạp. Một nửa là cành tre rỗng ruột, một nửa là thân tre vót tròn, có cán để nắm, gọt sao vừa khít với cái ống. Nhét hạt cơm nguội vào đầu ống, đẩy thanh tre vào đầu kia thật mạnh, thế là "bốp", hạt cơm nguội bay ra thật xa, thật mạnh như bắn súng vậy. Nếu không có ống tre, ta có thể thay bằng vỏ bút BIC, cán thì lấy cây đũa tre gọt thành, thật đơn giản mà vui đáo để. Mùa hè bây giờ Hà Nội không còn nhiều cây cơm nguội, cũng như Hải phòng không còn nhiều phượng và Sài Gòn đang vắng dần những con đường có lá me bay. Đoạn phố Đoàn Trần Nghiệp ngày xưa rợp hoa phượng và cơm nguội bên dãy nhà để xe của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, bây giờ là một loạt tiệm sửa xe, quán Karaoke, cửa hàng mỹ nghệ. Nhà máy Trần Hưng Đạo bị phá bỏ, những cây bên hè đường bị đốn chặt, lấy đất để xây một trung tâm thương mại cao ngất, người ra vào tấp nập nhưng màu xanh thì cứ mất dần, và Hà Nội đang vắng dần tiếng ve..... Ấu thơ trong tôi còn chạy theo tiếng lăn lóc của lon sữa bò trong trò ném lon. Chỉ cần năm sáu đứa thôi, bốn cũng được, và phải có một lon làm bằng sắt tây nhé, như vậy khi ném trúng nó mới kêu to. Dép lê hay còn gọi là dép tổ ong, đứa nào chẳng có. Vẽ một cái vòng trong quanh thân lon, xa xa kẻ một vạch ngang lamg mốc đứng ném. Ròi oẳn tù tì, đứa nào thua phải lên đứng trông lon. Cũng buồn cười, chơi oẳn tù tì( one, two, three ) mà lại hô oong đơ toa ( un, deux, trois) theo tiếng Pháp. Một đứa canh lon, cả hội đứng sau cái vạch thi nhau ném. Ném trượt thì lên chỗ cái dép của mình.. đứng rình, ném trúng, cái lon kêu loẻng xoẻng rồi bay đi rõ xa. Thằng canh lon chạy đi nhặt cái lon về đặt lại chỗ cũ, rồi hì hục đuổi theo hội kia đang tất tưởi cầm dép chạy về vạch ngang. Bắt được một thằng bé chạy chậm, nó hỉ hả lột dép ra cầm tay với vẻ mặt rất " kẻ báo thù không bao giờ bị bắt". Thằng bé bị bắt phải lên đứng trông lon, hôm nay nó đen quá, chạy bở hơi tai mà vẫn chưa được xuống, đến tận lúc mẹ gọi về ăn cơm. Dép cứ thế rách quai ngay sau khi mới mua có vài ngày, hồi đó nghèo, làm gì có tiền mua dép mới, thế là lại chờ ông thợ hàn dép đến để thuê ông hàn lại quai, đổi lấy một lô dép rách không dùng nữa của gia đình. Bây giờ không ai đi hàn dép cả, có chăng nghề hàn nhựa được truyền lại ở mấy ông thợ hàn yếm, hàn cốp xe máy mà thôi. Lên đến đại học, lớp tôi vẫn thỉnh thoảng chơi trò ném lon. Cả trai cả gái ném lon loảng xoảng trong hành lang. Lớp trưởng được phân công trông... thầy giám thị. Hò hét vang trường, bị bắt thì cười sằng sặc, Nhiều khi mộ hôi đứa này nhỏ cả vào mặt đưa kia, mặt mũi đứa nào cũng đỏ tưng bừng, đầu tóc bết bát mồ hôi như hồi lên năm lên mười... Ai nhà có tầng thượng, hoặc ở trong khu tập thể có tầng thượng thì được hưởng cái thú thả diều. Diều "con ma" là loại hình vuông, phổ biến nhất. Diều gồm hai que tre cật, một uốn cong hình cây cung, có căng dây nối hai đầu, một để thẳng hình mũi tên, đặt vuông góc với thanh kia. Bốn đầu tre dán vào bốn góc tờ giấy. Ba góc dán thêm những cái đuôi dài ngoằng, một góc và điểm nối hai thanh tre được buộc dây. Như vậy ta đã có một con diều đơn giản mà có thể bay khá cao. Dây diều làm bằng dây gai trắng là phổ biến vì nó rẻ, còn dây gai đỏ hay dùng để vá săm lốp xe đạp thì bền hơn. Dùng chỉ thì dứt ngay, dễ mất diều. Ai khéo tay thì làm diều hình lá, gọi là diều lá đa hay diều vầng trăng. Thêm cái mỏ và cái đuôi xoè thì thành diều con quạ. Đủ trò có thể nghỉ ra với cái diều. Gắn đèn pin nhỏ, gắn ống sáo cho nó kêu vi vu khi lên tít cao, gắn mỏ nhọn để chọc rách diều đối phương, rồi dùng diều mình móc vào diều khác, cậy có sợi dây bền, cướp diều. Con diều bay cao tít, sợi dây căng thẳng tắp, thoạt nhìn cứ như sợi dây đang níu kéo, kiềm giữ không cho diều bay cao hơn. Nhưng nếu dây đứt, ngay lập tức con diều sẽ chao nghiêng và rơi xuống theo cơn gió mạnh, rồi không biết mắc ở xó xỉnh nào. Cũng như cuộc đời con người ta, muốn bay cao bay xa luôn phải dựa vào sợi dây tình cảm gắn liền với gia đình, với quê hương làng xóm. Mất liên hệ với mặt đất, diều sẽ đứt dây và tơi tả, mặc số phận cho gió đùa..... Anh tôi làm diều rất tài, cái diều anh làm luôn đẹp nhất xóm. Tôi luôn đòi bố mẹ lên nhà bác chơi để được lên sân thượng thả diều với anh. Con diều cn ma của tôi ko bay cao được, chỉ khoảng vài ba chục mét dây, còn con diều con quạ của anh luôn bay cao tít tắp, chỉ còn thấy một chấm nhỏ xíu trên bầu trời. Buộc dây vào cột ăng ten, xuống nhà ăn cơm, lúc trở lên thấy diều vẫn bay cao. Hai anh em ngủ luôn trên sân thượng, vừa gió mát, vừa xem diều, vừa được ngắm nhìn Hà Nội sáng đèn đêm. Ngày nay thú chơi diều vẫn được ưa chuộng, mùa hè nếu bạn đi dọc những con đường rộng như Đại Cồ Việt hay Liễu Giai, vẫn thấy những cánh diều vượt lên trên mây trên gió, thật tự do và phóng khoáng. Phải chăng mơ ước bay cao bay xa của con người luôn là vĩnh cửu? Luôn vượt lên trên những chật chội, những nhà cửa đan xen, những chi chít tua tủa ăng ten, những đông đúc và bon chen của phố phường để vươn lên bầu trời bao la lồng lộng? Những trò chơi ấu thơ nhiều không kể hết, nào đá dế, bắt ve, nào câu cá, bắn bi, chơi đồ, nhảy dây, nhảy ngựa.... Những trò chơi thật vui, thật hấp dẫn mà gián tiếp rèn luyện cho con trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Đá bóng, ném lon, chơi đồ, chơi quay, nhảy dây nhảy ngựa không rèn sức lực là gì? Bắn bị chơi diều rèn khéo tay, đổ dế, ô ăn quan, bắt ve rèn tính kiên nhẫn... Ngày nay, trẻ con phần lớn không chơi các trò chơi đó nữa. Bây giờ chúng thích bắn Haft Life, chơi MU, đá bóng điện tử hơn. Ngồi cả ngày bên máy tính, làm sao khoẻ mạnh? Đọc trên báo thấy người ta lên án chương trình học tiểu học nặng nề, cặp sách to làm giảm sức khoẻ trẻ em, bắt chúng phải còng lưng mang vác, cặp mắt kính ngày một dày thêm. Có phải thật sự vì chuyện học hành? Tôi nghĩ chỉ phần nào thôi......