“Có nhiều khi tôi quá buồn, tôi ước mơ tìm về dưới bến sông xưa”. Miên không dưng buồn thật, buồn thảng thốt và không hề chờ đợi. Mình đang nhớ ai phải không, ba mẹ nơi quê nhà, anh Hai hay người yêu Hà Nội?. Những hình ảnh người thân quen cứ nhập nhoà trong cô, như có thể cảm nhận cả tiếng nói cười còn vang lên đâu đây. Miên thuận tay giở quẻ bói đầu tiên: “Nguyên nhân nỗi buồn của tôi? -Vì bạn là người hay đa sầu, đa cảm”. Một câu trả lời không nói lên được gì cả. Miên nghĩ, có lẽ nên đi thư viện thì hơn. Miên tự thấy lâu nay mình vẫn thờ ơ với thư viện, một nỗi thờ ơ không bắt buộc, cũng không chủ định. Bây giờ cô muốn giở giọng triết lý một chút về lòng đam mê, một nỗi đam mê thân yêu quen thuộc liệu có bị thiêu cháy bơi nỗi buồn dấm dẵng này không? “Miên ơi, sang đây một chút, mình có chuyện này...”. Miên ừ hờ hững. Mấy ngày nay Uyên ốm bệnh, cô biết thể nào mình cũng sắp bị tra tấn bởi hàng trăm chuyện về những anh chàng hào hoa nhiều màu của Uyên. Miên đã quá quen như vậy rồi và cùng với thời gian, cô tập cho mình biết nhẫn nại lắng nghe, nhẫn nại và hơi cay đắng một chút. “Uyên đã đỡ hơn chưa?” “Khá hẳn rồi, trưa nay Hoàng mang thuốc lên cho Uyên đấy, hắn...”. Mỉm cưòi không định trước vì biết thế là trói vào “tông” nỗi niềm rồi đây. Khéo léo dứt ra thiên truyện không bao giờ kể hết của Uyên, Miên quay trở lại chiếc giường tầng hai cũ quen thuộc, lâu đài nhỏ bé của mình và thôi không đi thư viện nữa. Đam mê là cái gì cơ chứ khi con người ta không thể và không tài nào dứt hẳn những ám ảnh của đời sống?! Chết thật, lại một bài hát về Hà Nội. Sao không phải tình cờ vào lúc này Uyên được nghe một ca khúc nào đó về miền quê để thấy nhớ ba mẹ đến khóc có đỡ hơn không? Cái gì cũng nhắc nhớ Hà Nội, Hà Nội mãi thế này, có lẽ Miên đến điên lên vì quay quắt mất. Miên đâm giận anh. Anh cứ tưởng gửi về cho Miên những gì mang màu sắc Hà Nội là có thể gửi được tất cả “những gì Hà Nội dành cho Miên để em luôn có anh ở bên cạnh”?. Anh không biết rằng sự ảo vọng nuôi hình ảnh anh bám riết quanh cuộc sống Miên, còn khó chịu và chua xót vì khổ tâm hơn là cứ để anh ở đâu đó. Rồi Miên nghĩ lại mà thương anh, thương mình. Anh không có lỗi, anh tốt và yêu Miên đến như vậy, lúc nào cũng sợ lo Miên buồn. Nhưng chẳng biết lòng tốt và cái khoảng cách lăng lắc xa ấy sẽ chở hành trình tình yêu của anh và Miên về đâu nữa? ° Vy đi học mới về, hăm hăm hở hở gọi: “Miên ơi, tối nay không đi giảng đường nghe?” “Sao vậy, có chương trình gì hấp dẫn không?” “Bí mật, bảy giờ Vy chờ Miên ở nhà xe, sẽ có cái hay hay đấy cô nhỏ ạ!”. Vy cười hơi tinh quái và trêu chọc. Miên cười chào, bật ra cái ý nghĩ so sánh tình cờ về hai cô bạn thân của mình. Uyên mang đầy vẻ già dặn trước tuổi với hàng chục cái đuôi loẳng ngoẵng bám theo mỗi ngày, còn Vy thì vô tư hơn, cười cười nói nói “chẳng yêu ai và cũng chẳng ai yêu mình”. Miên như là trung tâm điểm cho hai đứa, có một mảnh tình đủ để biết yêu và đủ để giữ lòng không quá hơn hớn thản nhiên nói cười. Bộ ba của Miên ngấm ngầm vẫn hình thành mối quan hệ từ tựa như chị cả - chị thứ - em út song đôi trong tình bạn. Miên thấy cũng hay hay. -Đi nơi nào đây Vy? -Lên đường Trần Thúc Nhẫn. -Ủa, đường nớ đâu có phải tụi mình thường đi? Miên có vẻ băn khoăn. -Mọi hôm khác, hôm nay khác, nhưng Vy dặn trước là lúc nữa lên đó, Miên không được la toáng lên rồi bất khả khẩu đó nghe. -Con nhỏ này, mày làm thám tử tâm lý đó hở, được thôi, nhưng ta chỉ e để Uyên ở nhà một mình, nhỏ sẽ buồn chết. Yên tâm đi nhỏ, Uyên nó chẳng buồn đâu, phải biết tàn nhẫn mà sống cho mạnh mẽ hơn chứ? Vy lại giở giọng điệu điên rồ của bọn Miên ra, đành chịu. Miên thấy mình chẳng thể hồi hộp bằng vẻ mặt của Vy và cũng không thèm dò hỏi thêm điều gì nữa. Một anh chàng ra mở cửa, thêm một anh chàng trạc trạc tuổi như vậy ra chào tụi Miên. “Mấy em vào trong này chơi”. Miên hơi ngớ người một chút. Giọng nói của cả hai đều đặc sệt Hà Nội. Vy vẫn cười tươi rói, vẫn cái vẻ tinh quái trẻ con ấy, Miên thấyVy ngây thơ chi lạ. Anh chàng ốm ốm tên Tiến, người cao to hơn tên Hạnh, cả hai người đều kèm theo cái danh “thi sĩ “ ở phía sau đủ đe dọa dân trí thức yêu bóng vía như Miên. Vy viết văn, giới văn chương hay tìm đến nhau, làm bạn với nhau dễ và tự nhiên như người Hà Nội. Người tên Tiến đọc cho tụi Miên nghe một bài thơ về tự khúc tuổi, kiểu thơ hơi cuồng loạn nhưng rất mang ấn tượng. Miên rùng mình sợ. Miên sợ không dưng một ngày nào đó Tiến sẽ là người giết chết những chiếc lá một cách không thương tiếc. Miên cứ có cảm giác như vậy thôi. Rồi ra tình, Miên nghĩ đến anh. Có lẽ vì giọng nói thâm trầm Hà Nội của người cao gầy đang ngồi trước mặt. Vy cười tán thưởng rất nhiệt tình. Anh Hạnh kêu to đầy bất ngờ: “Chao ôi là nụ cười”. Tiến nhìn qua Vy, một chốc dừng lại để quan sát rồi nói hiền lành: “Lần đầu tiên mình gặp một nụ cười đẹp đến như vậy”. Miên thấy Vy đỏ bừng mặt, thẹn thò rất đáng yêu. Bất giác Miên thấy mình co người lại, len lén va chạm một ảo giác cô đơn từ miền nào sâu thẳm dội về. Miên thấy thoáng một chút buồn, một chút tự ái và xấu hổ lướt qua, thật nhanh nhưng rồi Miên cũng nhanh chóng gắng gượng làm vui, và giống như tiếp tục thản nhiên nói nói cười cười với những người mới Hà Nội. Đêm ấy, dường như duy nhất chiếc giường tầng nơi ký túc xá mới biết Miên đã trở giấc bao nhiêu lần. Lại thêm một vết thương lòng rất nhẹ, Hà Nội và sự im lặng của đêm bày cho Miên cách soi mình trong tình yêu và nỗi nhớ. ° Bọn Miên kéo nhau ra bờ sông nơi có đầy hơi thở của gió và mịn vàng trăng. Lần này có cả mấy người thân quen giới văn nghệ sĩ, Uyên và cây đàn guitare của cả nhóm. Uyên hỏi Miên: “Anh chàng Hà Nội ấy như thế nào? “ “Có thể hợp với những buổi tối lang thang điên khùng của tụi mình nhưng hơi bị kiêu. Tóm lại, trên tầm đấy, cô nhỏ ạ”. Miên cười nửa đùa nửa thật trả lời. Thực ra, Miên cũng không biết thế nào là thế nào để trả lời Uyên cả. Uyên bảo:’’Để Uyên tán anh chàng Tiến ấy thử sao nhé?!”. Miên giãy nãy: “Đừng, van cậu, mình cảm thấy...” Uyên vẫn không chịu. Vừa gặp hai anh chàng lò dò ra đến nơi, Uyên đã tấn công ngay. Cô nàng ran gai góc, thông minh và rất có kinh nghiệm và rất hiểu giá trị của giọng nói mềm mại của mình. Miên nghe mà hơi ái ngại cho Tiến dù anh chàng còn miệng lưỡi đáo để hơn cả Uyên. Còn Vy cứ cười suốt buổi làm Miên có cảm giác không hài lòng nhưng ngay đó, Miên lại thấy mình không xứng đáng với cái lối suy nghĩ có vẻ ghen tỵ nhỏ nhen ấy. Có lẽ, người yêu của Miên chẳng thích cô ích kỷ và hẹp hòi như thế đâu. Buồn quá, buồn ngấn mắt mà không biết bày tỏ cùng ai, không lẽ lại hối hận vì một cuộc đi chơi với bạn bè thế này? Miên xoay người lại hát một tình khúc Phú Quang mà cô đặc biệt yêu thích: “Có nhiều khi tôi quá buồn, tôi ước mơ quanh chỗ tôi ngồi mọc lên nhiều cây cỏ...”. Mỗi lần hát bài này, trong lòng Miên dâng lên một nỗi xót thương gần như là thông cảm với người nhạc sỹ bị cầm tù suốt trong căn phòng chật hẹp của đời sống. Bởi vì Miên nghĩ, nếu là người được sống trong mênh mông ra tận của làng quê thì sá gì cái ước mơ khi cây cỏ đã là bạn, là máu thịt của chính họ. Miên hát vu vơ rồi vu vơ nghĩ đến một lời thề hứa, “kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình cho đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên...”. Miên yêu thích một cách không ran vã, không ồn ào sự đam mê đó, giống như Miên đã yêu Hà Nội. Anh như một dòng sông lặng, còn tình yêu của anh lại hệt như vầng trăng trong trẻo nằm lơ lửng trong dòng sông mênh mông ấy. Và như thế Miên luôn thấy khao khát, luôn cần sự kiếm tìm và dấn thân có khi bằng sự tự hành khổ, nhưng cũng có khi phải trộn lẫn một chút ảo vọng làm men yêu thương. Anh chàng Hạnh cũng ca nghêu ngao. Tiến hát một loạt bài về Hà Nội và như chỉ chờ có thế, cả nhóm cùng vào cuộc đầy say sưa và hứng thú. Miên sợ mình quay quắt nên tế nhị im lặng rồi lại tự thấy mình thiếu xứng đáng, không thể khác được, lại ùa vào ồn ã theo đam mê bản năng. Hà Nội như từng mảnh vỡ được Miên tìm kiếm, tẩn mẩn ghép lại trong một nỗi cách xa đầy nhung nhớ. Cuối cùng, Tiến cũng khéo léo tách được Miên ra khỏi đám bạn bè đang đầy lòng hào hứng ấy. Miên thấy mình hơi lạ khi nhận lời ra ngồi riêng với anh. Lẽ ra Tiến phải tranh thủ “ghi bàn” trước Uyên, người mà anh luôn miệng khen và xin theo trước khi về Hà Nội chứ? “Anh thích cái nhìn hiền lành của em.”. Anh chàng đúng là một tay tham lam, Miên tự nhủ và cũng không hỏi lại nữa. Không hiểu sao lần này Miên không hề muốn nghi ngờ. Miên sợ chạm vào một cái gì đó quá đỗi mong manh và ảo vọng. “Em có vẻ buồn thế?”. “Tiến hát cho em nghe một bài gì đó đi!”.”Ái, chà, Miên có vẻ như đang tương tư đấy nhỉ”. Tiến cười nhưng rồi cũng hát, giọng anh trầm ấm, chậm rãi. Tiếng hát thiết tha trong khi Miên đăm đắm nhìn dòng sông cứ đổi dòng liên tục. Miên không tán thưởng, không ra tay, Miên muốn người con trai đang bên cùng nhận lấy ở Miên một lời cảm ơn không bắt buột nhưng rất chia xẻ. Tiến ngừng hát một lúc lâu, rồi hỏi Miên vẫn bằng giọng trầm và ấm: “Miên này, mai anh về lại Hà Nội, Miên có gửi gì ra ngoài ấy không?”. Miên sững người. Tiến biết quá nhiều về Miên đến thế sao, rồi tự nhiên nghĩ ra có lẽ từ Uyên hay Vy. Nhưng Miên chẳng có ý trách cả hai người, anh vẫn dạy Miên phải biết trân trọng tình bạn và yêu thương những người bạn đã nuôi dưỡng hạnh phúc của họ. Miên không hiểu hết, càng không biết nhưng hạt giống tốt tươi của tình yêu đang được vun trồng hay chỉ là... Tiến lại hát cho Miên nghe một ca khúc anh tự sáng tác. Miên bật cười khi nghe cái tên thật trẻ trung và hồn nhiên”khu vườn mười bảy”. Miên bất ngờ khi biết tâm hồn người bạn mới bên cạnh của cô đặc biệt hơn cô tưởng. Một sự tưởng không thân thiện và gần như ác y trước đây. Tự nhiên Miên ao ước có anh ở bên cạnh, lúc này đây, chỉ để hiểu hơn một tấm lòng. Nhưng điếu đó xem ra khí không đáng yêu một chút nào với người bạn đang ngồi bên cạnh Miên. Gió ở dưới sông lùa lên lạnh ngắt. Miên nhận chiếc áo khoác của Tiến và trùm vào người thật tự nhiên, cho dù những gam sắc màu của trái tim trộn lẫn nhau hơi gấp lên một chút. Miên không dám nghĩ đến điều gì đằng sau ấn tượng xa xa ban đầu Miên gặp. Miên sợ cả sự linh cảm của chính mình. “Miên này, có lẽ em không tin nhưng...Ngày mai anh về, cầu mong sẽ không để lại nơi này quá nhiều những gì của Hà Nội cho Huế và cả với Miên. Anh chỉ muốn biết thêm một điều, em có khi nào...?” Đêm lướt qua nặng nề và lạnh căm căm một nỗi thất vọng đến kinh người. ° Miên đã không chọn lựa. Có lẽ, với Miên chỉ có mỗi một Hà Nội, là người con trai mà tình yêu của anh cho Miên cảm giác dịu dàng của trăng, của bàng bạc những ánh sáng mịn vàng buồn. Tối hôm đó, Miên vẫn nhớ dòng sông nhập nhoạng trôi vào nhau, thôi không chịu đổi dòng nữa. Miên còn nhớ vầng trăng đã sáng trong ngần, soi dưới đáy nước, long lanh như những bóng hoa đang mỉm cười. Mấy ngày sau, Uyên và Vy nhìn Miên với đầy vẻ nghi ngờ. Uyên cứ lẩm bẩm về chuyện chiếc áo khoác, phàn nàn hèn gì Miên ngăn cản không cho mình “tông” anh chàng đó. Vy thì khác, Vy vẫn hay cười nhưng Miên thôi không thấy vẻ trẻ con và ngây thơ như trước nữa. Còn Miên, sau những gì đã có, cô không hối hận, không buồn nhưng vẫn đau lòng, và nghĩ, không cần phải thanh minh rai. Dĩ nhiên, cô vẫn rất tin cậy ở thời gian. Mỗi tối đi lông nhông với hai nhỏ bạn, Miên cứ nghêu ngao hát những bài hát quen thuộc có bóng dáng đất Bắc, bình thản để mặc những nghi ngờ, những dày vò vô tâm của nỗi nhớ. Miên đã thôi không sợ sự cách xa nữa. Quay quắt là một thứ hạnh phúc cũng quý giá mà Miên vừa mới nhận ra, thứ hạnh phúc đau đáu lạ lùng mà lâu nay, anh vẫn dành cho Miên trọn vẹn. Thảng hoặc, Miên lại thấy tiêng tiếc là hôm đó đã không kịp dặn Tiến đừng giết chết những chiếc lá, những chiếc lá hiền lành ẩn giấu cội nguồn của bình yên. Tuy nhiên cô vẫn mang một dự cảm không mơ hồ về ngày mai, khi có thể được gặp lại Tiến trong một hoàn cảnh có thể, Tiến sẽ mừng rỡ mà nhận ra Miên vẫn giữ vẹn nguyên hình ảnh của đêm sáng trăng tuyệt đẹp bên bờ sông bàng bạc gió. Huế, 5/1999