Giới thiệu nhân vật A - Chàng Chàng vốn là một người làm nghề xoa đầu trẻ tại một trường sư phạm mà tới 95% học trò là nữ. Sau mười năm có vẻ lăn lộn với nghề (và cả với đám học trò thân yêu) mà chẳng thấy nên cơm nên cháo gì, vào một ngày đẹp trời chàng quyết định dứt áo ra đi tìm một chân trời mới. Số phận run rủi đã xô đẩy chàng tới một văn phòng báo chí có cái tên rất ấn tượng là “Chân trời lúc rạng đông” đến từ tận đất nước Phù tang, với chức danh được in trang trọng ngay chính giữa tấm cạc visit bằng tiếng Anh là “Press Servant”. Nhiều người cứ thắc mắc rằng tại sao một con người thông minh sáng láng như chàng lại chưa tìm đưọc người nâng khăn sửa túi trong số mười mấy khoá học trò mà chàng đã bỏ bao công sức vừa dạy vừa dỗ đó. Hay là chàng có vấn đề bệnh lý gì đó tế nhị mà các cô gái không dám gần? Hoàn toàn ngược lại. Theo lời chàng tâm sự, trong một lần nhậu hơi quá chén, cái hành trang tình yêu của chàng cũng nặng ra phết, nói phải tội chứ nếu chàng xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình “hụt” (nghe bảo một trong những cô học trò yêu của thầy đi xuất khẩu lao động sang Nga hiện vẫn đang đánh hàng chủ yếu là đồ lót từ Mát về các vùng quê xa xôi) thì chắc chắn phải thuê hẳn một công tai nơ loại 40 feets chiều cao mới chứa hết. Thế nhưng cái số chàng nó mạt, cứ muộn nhất là đến cuối năm học thầy lại đường thầy, trò đường trò. Cũng chẳng dám bận tâm lắm bởi “con chị nó đi, con dì nó lớn”, cứ mỗi năm chàng nhúp một cô. Xin phép được trích dẫn ra đây một vài mối tình để khỏi mang tiếng cho chàng là người điêu ngoa, ăn không nói có, một căn bệnh nghề nghiệp mà thiên hạ thường ác ý gán cho những người làm báo như chàng. Mối tình thứ nhất đến khi lần đầu tiên chàng bước chân lên bục giảng. Cái giọng trầm, ấm áp và cài phong thái có vẻ phớt học trò của chàng khi dạy một bài thơ tình nổi tiếng của Đại Thi hào Puskin đã làm rung động trái tim khờ dại của một thôn nữ ngây thơ lần đầu tiên bước chân ra Thủ Đô. Suốt năm học đó, trong suốt các tiết học cô nàng chẳng làm được điều gì khác ngoài việc ngước cặp mắt đắm đuối nhìn thầy, đôi môi luôn mở trong tư thế sẵn sàng ăn vã từng “lời vàng ý ngọc” phát ra từ miệng thầy. Sự đam mê đến cuồng dại của cô học trò như tiếp thêm lửa cho những lời giảng của thầy, làm bùng lên tình yêu nghề nghiệp vốn đã rất dễ bén lửa của một thầy giáo mới ra trường, và kết quả là hầu như tiết nào thầy cũng bị cháy giáo án. Mối tình đầu bốc lửa đó bị dội một xô nước rửa bát, chuyện thường ngày ở khu nội trú sinh viên, vào một buổi chiều cuối năm tây. Hôm đó, cô nàng vào phòng thi vấn đáp, nói tiếng “lào” ra tiếng “ý”, bị đánh trượt, phải trở về quê làm nông nghiệp. Vài tháng sau, chắc vì vẫn chưa nguôi ngoai được cái kỷ niệm vừa giàu chất thơ vừa phũ phàng của mối tình đầu, nàng quyết định lấy quách một anh chồng làm nghề xe thồ. Nghe đâu bị ngược đãi kinh lắm: cứ trung bình một tuần một trận đòn, nửa tháng một lần bị dìm xuống ao, và một quý một lần bị quấn tóc treo lên xà nhà. Kể cũng tội, vì nàng chăm ơi là chăm: chăm làm, chăm ăn, chăm khuyên nhủ chồng, chăm răn dạy con cái, chăm góp ý với hàng xóm, và cả chăm đẻ nữa (thấy bảo hai vợ chồng đã có với nhau năm thằng cu cái hĩm rồi). Phải mỗi cái tính lơ đễnh: ai đời đang ngồi quấy cám lợn, hay nhồi bánh đúc vào diều vịt cho chồng thồ ra Hà Nội bán, thỉnh thoảng lại đần mặt ra, rồi bất thần ngâm vống lên mấy câu thơ (thầy đã đọc tặng khi nàng từ tận quê lên trường mời thầy về ăn cỗ cưới), làm thằng chồng cứ tưởng xỏ xiên gì nó, nó đánh cho. Thương lắm! Xin được mạn phép thầy được đọc ra hai câu thơ đó ở đây để mọi người cùng phán xét cái bệnh ghen vô lý của một gã chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay: Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm Cầu cho em được người chồng như tôi đã yêu em Mối tình thứ hai là với một cô nhà ở làng hoa Nhật Tân, có cái tính cách mạnh mẽ đặc thù của dân ngoại đê. Mến thầy, bằng cái giọng vừa năn nỉ, vừa nũng nịu, cô nằng nặc xin được đến nhà thầy học phù đạo vào buổi tối. Cứ sau mỗi buổi học (thường kết thúc vào gần mười giờ đêm), cô lại chơm chớp mắt thỏ thẻ nhờ thầy đưa về. Tuy lúc đầu hơi ngại, nhưng nghĩ thân gái hơ hớ như thế đi đêm trên đê một mình nói phải tội chứ ngộ nhỡ có thằng nào nó liều thì phí một đời hoa, mà mang tiếng cho mình, thầy cũng tặc lưỡi gật bừa. Những cuộc đi dạo dọc con đê của hai con người “già nhân ngãi non thầy trò” này đã không may bị gián đoạn vô thời hạn do một sự cố bất ngờ. Đó là vào một đêm tháng Củ Mật, trời không giăng không sao. Sau khi đưa cô học trò yêu về nhà, đang túc tắc vừa đạp xe vừa chóp chép cái dư vị ngọt như mật hoa, hít hít cái dư hương thơm như hương như hoa của nụ hôn chia tay (thời đó nụ hôn không bị pha trộn vị gây gây của thịt chó và mùi găn gắt của mắm tôm như bây giờ - chú thích của tác giả), thầy bỗng cảm thấy có một vật gì cứng đập đánh bốp một cái vào trán. Một giải sao băng bỗng phụt loé lên trước mắt thầy trước khi đưa thầy vào cõi vô thức. Khi tỉnh dậy, quờ quạng khắp nơi thì thấy đầu, cổ, chân tay vẫn còn đủ cả. Chí có cái xe “Sputnik”, chiếc đồng hồ “Raketa”, chiếc áo bay và đôi giày cô-xư-ghin, gia tài dành dụm suột một năm đi Nga của thầy, đã theo giải sao băng bay vào vũ trụ bao la. May mà chiếc quần xibata sờn do đã bị tích kê hai miếng ở mông là còn sót lại. “Thôi của đi thay người” - thầy tự an ủi. Thế rồi bước thấp bước cao, co ro cúm rúm, thầy quá bộ về nhà, vừa đi vừa hát, hát cho đỡ lạnh, hát cho đỡ sợ, Đêm đông, ta lê bước chân không giầy trên đê Có ai thấu tình cô lữ đêm đông lưng trần Thầy phải nghỉ mất hai tuần để đi bệnh viện thẩm mỹ lại cái trán, nhưng dấu tích của chấn thương xương sọ thì vẫn còn lại đến tận bây giờ: phần tóc phải cạo khi giải phẫu đã không thể nào mọc lại được nữa. Mối tình thứ ba là với cô gái thuộc một gia đình Hà Nội cổ, nền nếp, gia giáo. Sau hơn nửa năm quen nhau, cô mới nhận lời đi chơi công viên Thủ Lệ với thầy, và dứt khoát đòi được ngồi ở chiếc ghế đá đặt dưới cột đèn cao áp. Trong lúc thầy đang say sưa thổ lộ tình cảm, cô học trò cứ cúi gầm mặt xuống đất. Thầy hỏi gì cô cũng cứ im lặng, dứt khoát không ngẩng đầu lên thầy lấy làm lạ, bèn ngó thử xuống xem dưới chân có cái gì thu hút mạnh hơn cả giọng nói, nét mặt và cả đôi tay đang miệt mài bộc lộ tình cảm của mình. Thầy chợt choáng váng khi nhận ra rằng, trong khi vội vã đến điểm hẹn của tình yêu, thầy đã mang nhầm đôi bít tất rách, thò cả hai ngón chân cái ra ngoài. Vừa xấu hổ, vừa tự ái, thầy đứng bật dậy, phăm phăm ra lấy xe về một mình. Khi một người bạn đã nhiều lần trải qua những ca hiểu lầm kiểu này chân tình khuyên nhủ chàng thì chàng quát lên: - Với tư cách cá nhân tôi có thể tha thứ được sự thiếu nghiêm túc đó, nhưng với tư cách một người thầy thì không đời nào. Không thể nào chấp nhận được cái thái độ thiếu tôn trọng đối với một nghề nghiệp cao quý như nghề của chúng ta. Đây thuộc về phạm trù quan điểm. Đấy rồi ông xem, còn tôi, còn ông, cô này mà trở thành một cô giáo tử tế thì tôi sẵn sàng nuốt chửng đôi bít tất hôm nọ. - Ông dốt bỏ mẹ, chẳng hiểu tâm lý phụ nữ gì cả, anh bạn phá lên cười, thế mà cũng mang tiếng là kỹ sư tâm hồn. Người ta đường đường là con gái nhà lành, mới đi chơi lần đầu tiên mà ông tỏ tình bằng một dose mạnh như thế, bé sợ, không dám ngẩng lên nhìn cái mặt ông là phải. Tôi nói cho ông biết nhớ, không hạ đường huyết rồi ngất xỉu ngay tại chỗ là phúc tổ mấy đời nhà ông rồi đấy. Cô bạn của bé vừa mới mách nhỏ cho tôi là bé rất thích ông. Mà con gái là thích thì áo rách, quần rách họ cũng chấp nhận được chứ đừng kể đến bít tất rách như ông. Thôi đừng sĩ diện hão nữa, ông giáo Thứ, đến làm lành với bé đi. Nếu chưa mua bít tất, lấy bít tất mới của tôi mà xỏ. Hàng ngoại nhé Made in China hẳn hoi. Nhưng không không là không, đấng quân tử nhất ngôn nay vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình. B - Nàng Nàng, từng là một cô giáo nuôi dạy hổ, do chán chinh phục cái thế giới đầy những tiếng quậy khóc, la hét đơn ngữ, sặc cái mùi tanh đặc trưng của mồ hôi trẻ con pha lẫn mùi toa lét, đã tìm đến một nơi huyền ảo hơn với những tiếng ồn đa ngữ và mùi thơm của khói thuốc lá, cùng với một thách thức mới là chinh phục thế giới người nhớn. Cho đến thời điểm chàng xuất hiện, nàng cũng kịp nhét vội vào trong cái rương đựng của hồi môn mang về nhà chồng của mình vài ba cái bọc tương tư. Anh chàng thứ nhất làm phù rể cho một đám cưới mà tình cờ nàng được mời làm phù dâu. Trong khi chú rể trao hoa, trao nhẫn và trao nụ hôn cho cô dâu, chàng phù rể cũng kịp trao cho nàng phù dâu mươi cái nhìn tình tứ, một tá nụ cười đầy ẩn ý, và thậm chí còn kịp dẫm vào chân nàng một cái. Họ cũng có dịp đi chơi với nhau dăm bảy lần trước khi chàng phải đi Sài Gòn công tác khoảng nửa năm. Thấy nàng chạy chiếc xe 81 đời đầu đã lên tới cốt 3, lại còn bị lệch càng (do đâm vào vỉa hè khi nhận được lời tỏ tình một gã lái xe lam), anh chàng có nhã ý muốn cho nàng mượn chiếc xe Astrea chưa hết thời hạn rốt đa. Nàng từ chối, nhưng anh chàng cứ để xe lại ở cơ quan nàng, và gửi chìa khoá lại chỗ thường trực nhờ chuyển hộ. Lòng tự trọng của một người con gái không cho phép nàng dùng chiếc xe của một người con trai mà nàng chưa nhận lời chính thức, tuy trong lòng đã cảm thấy xốn xang. Chiếc xe có lẽ cứ đành phải nắm sưu tầm bụi giết thời gian ở nhà để xe cho tới khi anh chàng từ Sài Gòn ra, nếu như ba tháng sau ông thường trực không chìa ra cho nàng tờ invoice báo tiền gửi xe quý. Tính ra mỗi tháng nàng phải trả hơn 300 ngàn đồng (ở đây người ta tính tiền trông xe là 1 Mỹ một ngày đêm). Làm cho người nước ngoài cũng có cái khổ thế đấy! (Chứ không phải như ai vẫn tưởng bở?!) Phải công nhận cái nhà anh Xuân Diệu là hơi bị giỏi khi thốt lên: Yêu là mất ở trong mình một tí Vì mỗi khi yêu thì ví lại rơi... Của đau con xót, xót cho cả mình, xót cho cả anh bạn ngày nào cũng tốn tiền điện thoại liên tỉnh gọi ra thúc giục, van nài dùng xe, nàng nhấc ngay phone gọi đến cơ quan anh chàng hỏi thăm địa chỉ nhà riêng, và thuê hẳn một chuyến taxi tải Thành Hưng chở chiếc kỷ vật của tình yêu mang trả. Kết cục câu chuyện tình theo cách đó làm cả hai sau này đều thấy hụt hẫng. Chỉ có cha mẹ chàng trai là mừng, mừng như bắt được của! Chả là khi con đi Sài Gòn, không thấy để xe ở nhà, gọi điện hỏi thì cu cậu cứ ấm a ấm ớ, hai cụ nghi ngay. Cụ bà tru tréo lên với cụ ông: - Tôi biết ngay mà, cái thằng gà gô nhà mình lại phải lòng con phải gió nào rồi, hồn vía để trên mây, quên khoá xe để trộm nó lấy mất. Thảo nào, suốt một tuần thấy con về muộn, tôi hỏi thì nó cứ nhe nhởn ra cười. Hôm trước khi nó ra tầu, tôi cứ hỏi một đằng nó trả lời một nẻo, tôi đã thấy ngờ ngợ. Thật khổ cái thân già này, có mấy mẫu đất hương hoả ở quê bán tất cho con mua xe. Chúng con ăn ở xưa nay có đều tiếng gì đâu mà giời lại hại chúng con thế này, hở giời? Cái thằng ôn vật kia, mày mà vác cái mặt thớt của mày về thì mày biết tay bà! Bỗng dưng hôm đó, có một cô mặt mũi nghiêm trang như chụp ảnh chứng minh thư đến hỏi đúng tên tuổi, địa chỉ con mình, lại đề nghị được xem hộ khẩu, và trước khi giao xe còn bảo làm giấy biên nhận ghi rõ các bộ phận dễ tháo như cốp, xi nhan, gương, mặt nạ, đồng hồ, hay ổ khoá điện vẫn đầy đủ, hai cụ đoán ngay ra nàng là cảnh sát hình sự ăn mặc cải trang. Có mấy cân khoai sọ và một hũ tương ở quê mang ra biếu, cụ bà cho hết vào cái bị cói, và dúi vào tay nàng bắt nhận cho bằng được. Cụ bà còn xin địa chỉ “để khi nào em nó đi công tác về, vợ chồng chúng tôi sẽ bảo ngay nó đến cám ơn và hậu tạ chị”. Nàng chỉ lí nhí từ chối, và leo lên xe đi thẳng. - Các anh chị công an bây giờ tốt tốt là, thiên hạ họ nói thế nào ấy chứ, - hai cụ cứ tấm tắc khen mãi. Ngay hôm đó cụ ông đã viết lời cảm ơn gửi cho Đài THTW và Đài THHN, và tận cả mấy báo của ngành công an nữa. Anh chàng thứ hai là một thợ chuyên chữa máy photocopy. Khi lần đầu tiên đến chữa máy cho văn phòng nàng, uống có mỗi cốc sữa tươi do nàng pha mà anh chàng này đã như bị bỏ bùa mê, thuốc lú. Ai đời máy vừa chữa xong được ba ngày đã vội gọi điện hỏi xem đã hỏng lại chưa. Và từ đó cứ đều đặn mỗi tuần hai lần, vào thứ tư và thứ bảy, văn phòng đều nhận được lời hỏi thăm đầy tinh thần trách nhiệm về tình trạng sức khoẻ của chiếc máy photocopy. Vô phúc cho anh cu này là mấy lần sau gọi đến văn phòng đều gặp phải ông phân xã trưởng, một người đàn ông đầu tròn như quả bí ngô, tóc lơ thơ mấy sợi, mặt lúc nào cũng xị ra như bị, lại xa vợ đã lâu nên rất ghét nghe những chuyện trai gái tầm phào. Đến lần thứ ba trong vòng có mươi ngày mà phải trả lời cùng một câu hỏi, ông này đã gằn giọng xuống trong máy điện thoại: - Anh hãy nhớ kỹ điều này: máy Nhật là siêu bền, chỉ có sức chịu đựng của người Nhật là có hạn thôi. Nghe nói sau này mỗi khi máy có trục trặc cái nhà ông Nhật Sằng này lại đích thân vác máy đến cửa hàng để sửa. Anh chàng thứ ba là một văn sĩ khá nổi tiếng, học cao biết rộng, viết lắm in nhiều, chỉ có mỗi cái tật nhỏ là không biết đi xe máy. Cứ mỗi lần đi chơi là nàng phải đèo, còn anh chàng ngồi sau ôm chặt lấy nàng chắc vì sợ ngã. Lúc đầu nàng cũng thấy chướng vì bị mọi người trêu chọc, nhưng anh chàng rất khéo vỗ về, nên nàng cũng đánh chữ “kệ” cho xong. Duy có một lần vào mùa mưa ở Hà Nội, xe bị ngập hết bánh, chết máy, nàng phải xuống đẩy bộ. Anh chàng văn sĩ đã không nhảy xuống đẩy giúp nàng thì thôi lại còn co chân lên ngồi xổm trên yên sau (chắc là sợ nước làm bung đế đôi giầy nàng vừa mua tặng). Sau khi đã an toạ ở vị thế mới, cảm hứng nghệ sĩ nổi lên, anh chàng vừa rung đầu gối đánh nhịp, vừa cất tiếng hát não nùng, xót xa cho những vất vả, gian truân mà nàng đang trải qua: Hà Nội mùa này lắm những cơn mưa Váy ngắn, giầy cao, chân em dầm trong nước lạnh Mưa vẫn rơi rơi, ta bên nhau một chiều lướt thướt Thật khổ em tôi, lặn lội cái thân cò... Dân tình đi đường trông thấy nghịch cảnh đấy đã không nhịn được cười, lại nghe anh chàng ngẫu hứng hát thì đồng loạt vỗ tay, hò reo “bis, bis...”, ầm cả hai bên đường. Nàng chẳng nói chẳng rằng đẩy nghiêng xe một cái làm chàng văn sĩ ngã tùm xuống nước. Chàng ta phải hụp lặn ở cái bể bơi lưu động đó mất hơn nửa tiếng mới tìm thấy cái kính cận đã bị vỡ mất một mắt, và đến gần nửa đêm cũng lần mò về được tới nhà. Nghe bảo anh chàng ngã bệnh, nằm liệt giường mất gần một tháng, trong cơn mê sảng cứ hát đi hát lại điệp khúc về mưa. Con người cao thượng này chẳng những không giận gì nàng mà trái lại còn yêu tha thiết hơn, tuy nhiên từ đây chỉ là tình yêu đơn phương, vì chẳng bao giờ nàng còn đến đón chàng đi chơi nữa. Ngày nàng lên xe hoa, tuy không được mời nhưng dò biết được qua bạn bè nàng, bất chấp cái cảm giác nhức nhối của vết thương lòng đang ngày một há to miệng, chàng văn sĩ thuê hẳn một chuyến xe ôm khứ hồi, hiệu Angel đời chót, đến dự đám cưới. Sau khi cơm rượu no say, văn sĩ lừ lừ khiêng bộ mặt đưa đám tới gần bàn cô dâu chú rể chúc mừng hạnh phúc, và tất nhiên là không quên dúi vào tay nàng một chiếc phong bì. Sau tuần trăng mật, khi kiểm kê chiến lợi phẩm, nàng phát hiện ra trong chiếc phong bì đó thay vì tiền mừng là một mảnh giấy được cắt tỉa theo hình một trái tim đã te tua, trên đó ghi đôi dòng thơ: Sông đã ra biển rồi, sao dòng vần thao thiết chảy Em đã có chồng, sao tôi vẫn tương tư Những mối tình như vậy đi qua đời nàng để lại một chút xao xuyến, bâng khuâng cộng với một tí ti hụt hẫng, nhưng không hề khiến nàng thất vọng, hay tìm đến làm bạn với seduxen. Thử một tí chơi cho biết, chứ nàng không thể quên được cái mục tiêu đã được khối óc, con tim và cái bản năng đàn bà của nàng thông qua với 66% phiếu thuận là tìm một tấm chồng cho ra tấm chồng, “bõ công trang điểm má hồng, môi son”! Câu hát ru của bà ngoại khi nàng còn bé vẫn còn như văng vẳng bên tai: Tình như bát bún riêu cua Trông qua đầy hụ, ba lùa hết ngay! Ai đã từng ăn bún riêu cua hẳn không thể quên được cái bát có hình dáng đặc biệt dành riêng cho loại đặc sản vỉa hè truyền thống này, được gọi bằng một cái tên rất “mơi” là bát yêu! Đó là một cái bát có miệng loe to tướng, lòng hóp lại đột ngột. Trên cái miệng loe đó, người ta nhìn thấy đủ cả bảy sắc cầu vồng: sắc tím của tía tô, sắc xám của mắm tôm, sắc xanh của hành lá, sắc nâu của thịt cua, sắc đỏ của cà chua, sắc da cam của gạch cua và sắc vàng của váng mỡ, tất cả nỏi bật trên cái phông trắng mịn của sợi bún. Người chưa từng ăn bún riêu cứ ngỡ sẽ thoả mãn được cái dạ dày háu đói của mình khi nhìn thấy một bát bún riêu đầy đặn như vậy. Nhưng, chẳng phải nói ngoa, đúng ba lần dùng đũa lùa bún vào mồm là sạch sành sanh bát. Nàng đã ăn đến bát thứ ba mà vẫn chưa thấy bõ bèn gì. Đúng là các cụ nói phải, chẳng gì bằng cơm, phải có tí bụng mới khỏi sôi. Sau này chán cơm ăn bún thì lại đi một nhẽ! Hà nội đêm trở gió Chàng gặp nàng ở phòng thường trực một khu building cho các văn phòng nước ngoài thuê, khi ra đó lấy báo. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, linh tính đã mách bảo với chàng rằng Con Tàu Mùa Xuân của chàng sẽ đỗ hẳn ở cái ga thứ 13 này. Chàng là người có đạo nên không bao giờ dám cưỡng lại số mệnh. Vả lại, đã thấy mệt mỏi nên chàng không muốn kéo dài thời gian trên đường làm gì nữa. Chàng mua ngay hai vé nghe nhạc giao hưởng thính phòng, cho vào hai chiếc phong bì, rồi cộp hai cái dấu “Kính Biếu” lên đó. Nhét một chiếc vào ngăn báo của mình, một chiếc bỏ vào ngăn báo của nàng, chàng chờ nàng xuống lấy báo, rồi làm như tình cờ, bước vào mở ngăn báo mình ra. Chàng reo lên khi mở phong bì: - Ồ, tuyệt vời quá! Gửi mua mãi không được vé, hết hy vọng rồi lại nhận được vé mời. Chương trình này cực kỳ, toàn những bản nhạc nổi tiếng thế giới, - chàng giải thích cho ông thường trực lúc đó đang ngủ gà ngủ gật vì người thay ca đã quá ba tiếng rồi vẫn chưa chịu đến. Nàng biết tỏng cái vở bắt quen của anh chàng, nhưng vẫn thấy hơi hiếu kỳ. Lần đầu tiên, nàng gặp một người chưa già lắm mà lại thích nhạc giao hưởng. - Ừ, cứ để yên xem sao, - nàng mỉm cười. Chiều thứ bảy đó, sau khi đá bóng xong, chàng từ chối đi uống bia với anh em đội bóng, phóng ngay về nhà tắm gội sạch sẽ. Chỉnh trang quần áo xong, xịt tí gôm lên đầu, xức tí nước hoa vào người, chàng đến Nhà Hát Lớn đợi từ sáu rưỡi, tuy buổi hoà nhạc bắt đầu từ 8 giờ. Chàng mua một bịch hạt bí, chọn một chỗ khuất đứng đợi. Vừa chờ đợi, chàng vừa lo nàng không đến, bởi nếu thế không tiến hành test được. Yêu đương gió thoảng thì thôi, chứ một khi đã quyết định xe duyên vợ chồng, ăn đời ở kiếp với nhau thì phải “tét tiếc” cho nó đàng hoàng. Ai đã từng một lần đi nghe giao hưởng đều có thể rút ra một nhận xét này: trong cái tĩnh lặng rất có ý thức của phòng hoà nhạc, và trên cái nền rất du dương của những giai điệu cổ điển, người ta rất dễ buồn ngủ nếu không cảm thụ được loại hình âm nhạc bác học này. Theo ba rem mới của chàng, sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, nếu nàng có ngủ, vẫn có thể châm chước được. Đã từng là một người thầy, chàng đã quá hiểu sự què quặt của nền giáo dục nước nhà. Nhưng điều quan trọng là khi ngủ nàng không được ngáy; chàng là người rất thính tai, một tiếng hắt xì hơi của con thạch sùng cũng có thể làm chàng tỉnh giấc. Tám giờ kém năm phút, nàng lững thững bước lên bậc cổng nhà hát. Thế là yên tâm, cái test có thể thực hiện được rồi. Hai tiếng đồng hồ đã trôi qua, chắc độc giả cũng hồi hộp chẳng kém gì người viết, bởi vì nếu nàng không qua được cái test này thì chắc người viết phải vĩnh biệt độc giả ở đây. Rất may là mọi thứ đã trôi qua suôn sẻ, thậm chí nàng còn đạt điểm xuất sắc đến mức one-man jury, sau khi tranh luận một cách căng thẳng nhưng vẫn công tâm, đã đi đến thống nhất là nàng được miễn examination. Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, nàng có người mời đi dạo dưới ánh trăng thơ mộng xứ Bavaria, xuôi thuyền theo dòng Đa nuýp, cưỡi lạc đà đi shopping ở Phiên chợ Ba tư..., và phóng xe đi ăn cháo cả quả ở Mai Hắc Đế!!! Tuy chỉ đi nghe nhạc vào thứ bảy, nhưng thực ra tối nào họ cũng có thời gian ở bên nhau, vì bốn buổi một tuần, chàng luôn đến đón nàng lúc tan học ngoại ngữ, sau khi đi chơi tennis về. Hai tối còn lại chàng đến nhà nàng. Cách đây một năm, nàng đã ghi danh theo học chương trình “Spoken English for tonight” (Tiếng Anh Nói Đêm Nay). Đây là chương trình tiếng Anh vào loại nổi tiếng nhất thế giới dưới góc độ tiện dụng. Nó tạo cho người học một tâm lý cực kỳ thoải mái và chủ động, tự mình cảm thấy khi nào đã đạt đủ trình độ thì xin thi lấy bằng. Chả thế mà có những người mới học có một nửa, thậm chí 1/3 khoá đã được cấp bằng loại ưu. Lại cũng có những người khác, số này ít hơn, học đi học lại tới bốn, năm khoá mà vẫn chưa được cấp bằng. Người ta cứ gọi tắt đó là chứng chỉ “Ai si em?” (ICM), chứ tên đầy đủ của nó là “The International Certificate of Multimedia”, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Chứng chỉ Quốc Tế về Truyền Thông Đa Phương Tiện”. Tệ cái thiên hạ cũng có lắm kẻ rỗi hơi cứ nghĩ xiên nghĩ xẹo, rồi đọc chệch ra thành “The Informal Certificate of Marriage”, tức là Giấy Đăng Ký Kết Hôn Không Chính Thức. Thành thử, đôi khi cũng có những ông bố, bà mẹ nhẹ dạ cả tin, nghe theo luận điệu tuyên truyền của những phần tử xấu, cấm con cái theo học những khoá này. Họ, vô hình trung, đã làm cản trở quá trình hội nhập của lớp trẻ ở Việt Nam. Nhưng mà thôi, ta hãy quên họ đi, hãy để cho lịch sử phán xét họ. Đến nhà nàng chơi, chàng cảm thấy rất ngại hai ông bà già, người mà chàng đã thầm nhắm làm bố mẹ vợ, nên chẳng dám nói năng gì cả, ngoài hai câu chào lúc đến và lúc về. Ngồi không cũng vô duyên, chàng đành dán mắt vào chiếc TV 14 inches nội địa, màu chập chờn lúc có lúc không. Lâu lâu rồi cũng thành quen, chàng chăm chú theo dõi TV một cách thực sự. Đôi khi gặp những vấn đề hay hay, chàng còn lấy bút chì ra ghi chép để ngày hôm sau có tin cho sếp. Sau hơn nửa năm, mẹ nàng gọi nàng vào bếp: - Trong đám bạn bè con tới đây chơi, mẹ trông thấy có mỗi cái nhà bác này là ưng mắt mẹ. Trông đàng hoàng, tử tế lắm. Phải mỗi cái tội nghèo. - Mẹ biết gì mà bảo người ta nghèo? - nàng hỏi lại. - Thì mẹ thấy đến đây cứ chúi mũi vào cái vô tuyến, chẳng nói, chẳng rằng gì cả, mẹ biết ngay, - bà mẹ phân bua. - Thỉnh thoảng lại còn ghi ghi, chép chép nữa, con ạ. Đàn ông chịu khó học hành, phấn đấu như vậy là có phúc đấy, con ạ. - Nhưng mà con với anh ấy đã có gì đâu mà mẹ cứ cuống lên, - nàng giẫy nẩy lên, mặt đỏ ửng. - Cha bố nhà chị, tôi ngần này tuổi đầu, đã ba lần gả chồng cho các chị của chị, hai lần cưới vợ cho các anh của chị, tôi mà lại không đi guốc trong bụng chị à? Cứ nhìn cái vẻ mừng rỡ của chị khi anh ấy đến, rồi ánh mắt nuối tiếc của chị khi anh ấy về là tôi đoán được hết. Chả phải đợi chị thưa với tôi, - bà vừa nói vừa nheo nheo mắt nhìn cô con gái út. - Mẹ này, - nàng nũng nịu gục đầu vào vai mẹ. - Anh ấy đã nói gì với con đâu. - Thôi chả phải nói. Đàn ông nói in ít thôi. Bố chị ngày xưa cũng thế, - bà trầm ngâm nhớ lại, - Hồi đó, chúng tôi đâu có nhiều thời gian tìm hiểu như anh chị bây giờ. Người ta dẫn ông ấy đến nhà ông bà ngoại chị chơi để làm mối cho tôi. Ông ấy ngồi yên một lúc mà chẳng biết nói câu gì, hay tay cứ hết vặn vào rồi lại vặn ra. Bỗng nhiên, thấy cái điếu cày của ông ngoại chị để gần đó, ông ấy vồ lấy, vê thuốc, châm lửa rồi rít lên sòng sọc. Thấy vẫn chưa biết nói gì, ông ấy làm tiếp hai vê nữa, khói phả vả vào mắt tôi cay cay là. Xong vê thứ ba thì hình như ông ấy hơi say, lại đâm ra dạn. Ông ấy mồi tiếp một vê nữa, châm đóm rồi đưa điếu cho tôi: “Em thử đi, cái tăng điếu này hút đượm lắm!”. Tôi lúc đó chẳng nhịn được cười, ông ấy cũng cười. Rồi phải lòng nhau từ đấy. Chị xem, sống với nhau đã năm mươi năm rồi, có với nhau sáu mặt con, mà đã lần nào to tiếng với nhau đâu. Bà ngừng một tí để nhấp ngụm nước rồi nói thêm: - Chị với anh ấy bàn bạc với nhau liệu lúc nào tổ chức thì tuỳ, nhưng tôi nói trước là sang năm chị Kim Lâu không cưới được đâu nhá. Biết anh ấy nghèo, tôi cũng chẳng thách gì cho nó to tát cả, chỉ lo giúp tôi ít trầu cau, với cân chè Thái để chia cho hàng xóm, họ mạc là được. Cưới xong, nếu bên ấy chật, anh chị dọn về luôn đây mà ở cho vui, còn có cái vô tuyến cho anh ấy nghiên cứu tình hình. Nàng vừa buồn cười vì mẹ “bé cái nhầm”, vừa vui vì thế là mẹ đồng ý. Nhưng mà tại sao chàng chẳng chịu nói gì cả? Hay là... Chẳng có “hay là” gì cả, chàng cũng muốn nói lắm, nhưng chẳng biết nói thế nào. Những lời tỏ tình trước kia chàng đều cảm thấy không thể diễn tả được cảm xúc của chàng lúc này, cảm xúc của một người rất muốn lấy vợ. Chàng cứ băn khoăn suy nghĩ mãi, mà ngày Nhà Giáo Việt Nam, thời điểm chàng thấy thích hợp nhất để tỏ tình (vì chàng và nàng đều xuất thân từ nghề giáo), đang đến gần. Sáng 20/11, chàng dậy từ 5 giờ sáng, ngồi vào bàn. Viết rồi lại vò đi, vứt sọt rác. Trong gần ba tiếng đồng hồ chàng đã làm hỏng tới 99 cái bưu thiếp. Còn chiếc cuối cùng, chàng đành viết bừa tâm trạng của mình lúc đó: Mỗi thu đi đời anh lại băm thêm một nhát Bởi băm nhiều nên nhát lắm em ơi (Năm nay chàng đã nhận nhát băm thứ bảy - Chú thích của tác giả) Rồi quên cả rửa mặt, chàng phóng vội đến chỗ làm để kịp nhét chiếc phong bì vào ngăn thư báo trước khi nàng đến. Sáng hôm đó, chàng bị sếp phê bình vì điểm nhầm báo ngày hôm trước. Trước khi ra về, chàng nhận được một bức FAX được gửi đi từ Bưu Điện Bờ Hồ, trên đó ghi vẻn vẹn có một câu: “Mẹ em bảo sang năm em Kim Lâu đấy!”. Đám cưới của họ có rất nhiều người tham dự, ai cũng vui mừng trước hạnh phúc của họ, chỉ trừ có anh chàng văn sĩ mà ta đã có dịp đề cập ở phần trên. Hạnh phúc đến quá nhanh làm cả hai đều thấy ngỡ ngàng, không biết là mơ hay thật. Ngay sau đêm tân hôn, chàng phải ra hiệu đặt in tấm ảnh cưới theo cỡ người thật, thuê đóng khung, và treo lên tường, ngay bên trên giường cưới. Kiểm kê xong tiền mừng, sau khi trừ đi các khoản đầu tư và trả nợ, chàng mua tặng bố mẹ vợ một chiếc Panasonic 21 inches, loại stereo đời mới nhất. Hà Nội ơi, sông sênh mùa cưới đợi chờ, Vẫn con đường Khâm Thiên ngày đó Có đôi uyên ương đi dạo trời đêm. Hồng hà ơi, ngực ai khe khẽ phập phồng, Chàng trai ngượng ngùng dụi đầu vào thiếu nữ, Tiếng yêu ngân vang trong trái tim nàng Mộng mơ nay hẹn ước cùng mùa xuân.