Mặc dầu bị coi là người có nhiều “tật xấu xã hội” nhưng giáo sư Lê vẫn là thầy giáo giỏi trong trường đại học. Những giờ giảng của ông làm cho tất cả sinh viên đều thích...
Ông có cách nói hóm hỉnh, khúc triết. Đặc biệt khi ông dẫn ra những câu danh ngôn cổ kim Đông Tây thì thôi rồi, bạn sẽ có một khoái cảm trí tuệ không gì sánh được…
Nhưng thôi, bây giờ tôi chưa muốn chia sẻ những khoái cảm trí tuệ mà tôi muốn nói đến thứ khoái cảm khác giống như thứ khoái cảm mà bạn đang chén một hộp sữa chua hay một que kem.
Vâng! Bạn mới ở nông thôn ra ngoài thành phố phải không? Cái gì quyến rũ bạn? Những ngôi nhà cao tầng? Nhầm to rồi, không phải! Những bộ váy áo đủ màu và bộ đồ jeans bó sát lấy đôi mông mảnh dẻ? Cũng không phải nốt!
Tôi muốn tiết lộ cho bạn cái bí mật này. Đối với bọn con gái chúng tôi thì thành phố chính là tuổi xuân, là danh vọng, là thiên đường, là một ông chồng, là những hy vọng, cám dỗ và cạm bẫy.
Tôi phải nói toẹt ra là tôi chẳng sợ gì. “Cám dỗ, ồ, cám dỗ! Tôi có thể chống lại tất cả trừ cám dỗ!”… Tôi nhớ lại một câu thoại, trong vở kịch của Sêchxpia và tôi cảm thấy khoái tỉ vô vùng.
Lại nói đến kịch. Chúng tôi có một ban kịch. Đạo diễn là một anh đang học năm thứ tư Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh này để tóc dài, bị sứt môi, bởi vậy nói năng không ai nghe thấy gì.
Anh đặc biệt tốt bụng. Anh hay cho chúng tôi ăn những món ăn mang ở quê ra: mùa đông thì chè lam với hạt dẻ, mùa hè thì bánh khoai sọ, nhiều khi có cả chuối khô, có cả những con cua rạm mặn tê cả lưỡi.
Chúng tôi tập những vở kịch phỏng theo tác phẩm của các nhà cổ điển phương Tây, mặc những bộ quần áo tuyệt đẹp tự chế ra: Những bộ váy có khung sắt bên trong, tóc giả và rất nhiều những dải lụa nhỏ xanh đỏ.
“Ái tình, ơi ái tình! Ngươi là làn khói sinh ra bởi hơi thở nghẹn ngào!”. Anh đạo diễn sứt môi vò đầu bứt tai: “Ái tình ải ả á (phải trả giá)!”. Chúng tôi ôm bụng cười lăn lộn.
Buổi chiều mùa đông chập choạng đi qua với những chiếc lá bàng vàng khô quăn queo, cả những chiếc lá bàng vàng tươi có những vệt đốm màu đỏ tía rơi đầy ở trên sân trường, mùi băng phiến rẻ tiền, chiếc cạp quần trễ hở rốn, ai đó ép người tôi vào dưới chân cầu thang và thúc đầu gối vào giữa khe đùi.
Giáo sư Lê đi đi lại lại trên bục giảng. Trông ông rất giống với một nhân vật của J.M.Coetzee. Giáo sư Lê có khuôn mặt của một hiền triết thông minh và buồn rầu.
- Những tiếng lòng líu la líu lo…
Giáo sư Lê húng hắng ho. Ông nói cho chúng tôi nghe sự bế tắc của nghệ thuật. Ông đã từng viết sách về đề tài này: “Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng… Suốt đời nó loay hoay. Có lẽ giống như tình dục, không ăn thì đói nhưng không phải là cơm hay ăn chóng lớn”.
Ông ta đang tự nói về mình. Rõ ràng là thế. Những tiếng lòng líu la líu lo…
Khu tôi ở có tới trên dưới một nghìn cô gái khoảng độ tuổi hai mươi. Sinh viên, nữ công nhân xưởng may, xưởng đóng giày, cave, tất cả đều diện như nhau và đều hiền lành tử tế.
Khoảng cuối giờ chiều, bọn nghiện hút lảng vảng đi ra ngoài đường để mua ma túy. Xoẹt một cái, một cặp trai gái ăn mặc như những công chức đi làm ở Sở vụt xe máy tạt qua.
Đấy là một trong vài chục “cửa hàng” bán lẻ ma túy di động, tất cả dân cư sống trong vùng này đều biết tỏng. Mấy người bán hàng rong đi qua rao khản cả giọng. Một chiếc xe đạp chở bật lửa ga, băng cát-xét với các móc chìa khóa xanh đỏ… Anh bán hàng ghé vào tai tôi thì thào:
- Cô em, có hàng mới đây. Đĩa VCD… Sex… Có mười đồng bạc.
Tháng Sáu nắng kinh khủng. Đang là mùa bóng đá. Tất cả các quý ông sành điệu đều biết rõ về Tốtti hay Beckham hơn cả những người ruột thịt ở trong nhà mình. Đấy là sĩ diện của họ, là hiểu biết, là trí tuệ. Đó là phong cách S - tyle.
- Sự quá tải của tham vọng. Còn gì nữa? Sự vô cảm tràn lan khắp nơi. Con cái ích kỷ và ỷ lại. Hoang tưởng thiên tài… Còn gì nữa? Không có gì sinh lợi, tất cả đều nhăm nhe để móc túi nhau.
Điều đáng sợ nhất là khả năng kháng sinh của chúng ta suy giảm, chúng ta nhìn thấy cái chết đến gần mà bất lực. Còn gì nữa? Những tiếng lòng líu la líu lo…
Tôi bất đắc dĩ chứng kiến việc giáo sư Lê đến thăm khu nhà trọ của học trò mình. Có lẽ vì bổn phận phải làm chứ thâm tâm ông hẳn chẳng muốn đến nơi này làm gì. Đây là xóm Liều, là lò luyện ngục.
Lúc ấy khoảng 6 giờ chiều. Trời nóng oi ả, thứ nóng đặc biệt khó chịu ở thành phố, ở nơi đông người. Mùi mồ hôi, mùi da thịt con gái (lạy giời, may mà có thứ mùi này) át đi mùi xú uế.
Một sinh viên quê ở Thái Nguyên chết vì sốc ma túy, thằng này học ở lớp giáo sư Lê làm chủ nhiệm. Gia đình đến nhận xác con mang về. Xác chết nắm đắp chiếu ở giữa sân gạch. Ông chủ cho thuê nhà cáu kỉnh, chỉ muốn tống khứ cái xác đi ngay sớm phút nào hay phút ấy, càng nhanh càng tốt.
Bọn sinh viên mang đến không biết bao nhiêu là vòng hoa trắng. Điều ấy gây nên một cảm giác vừa chua xót, vừa kệch cỡm rởm đời. Bọn nữ sinh viên lớp tôi mặc quần bò cạp trễ hở rốn. Đi đưa tang mà vẫn làm điệu. Phúng viếng xong lại cười như nắc nẻ:
- Hôm nay là nó, ngày mai là mình. Ma túy: khi mất tất cả, không còn hy vọng, sống là ô nhục, cái chết sẽ là bổn phận.
- Chỉ tiếc thằng này mới 2X tuổi… Tuổi 20 yêu dấu…
Giáo sư Lê ngồi đối diện với bà mẹ nhà quê khốn khổ. Ông có vẻ lúng túng. Bà mẹ mắt ráo hoảnh, môi mím lại, kiềm chế, hai bàn tay để dưới gầm bàn.
Tôi lặng lẽ quay đi, nước mắt tự dưng ứa ra. Toàn thân bà ấy đang than khóc, hai bàn tay vặn vẹo vào nhau, bà ta cấu vào mép bàn, móng tay xước cả ra, những vụn gỗ rơi lả tả trên nền sân gạch.
Giáo sư Lê tỏ rõ sự bất lực. Ông nói lấy lệ gì đó về lòng tiếc thương và tiền bảo hiểm sinh viên. Ánh mắt ông ta gặp mắt tôi và tôi nhận ra ở đấy một nỗi sợ hãi như một người vừa bị đánh rất đau. Tôi rịn mồ hôi ở ngực, giữa hai khe vú. Tôi sợ. Tôi vội vã bỏ đi.
Ngày Chủ nhật, tôi và bốn đứa con gái cùng lớp có ý định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ ghi tên học lên để lấy bằng thạc sĩ. Cả bọn chúng tôi phải đến nhà cô giáo Hường làm cỗ giúp cô.
Cô giáo Hường là giáo sư, chuyên gia hàng đầu về “những vấn đề Bắc Âu và Nam Mỹ” (?). Cô giáo người gày đét, hơi giống một “bộ thánh cốt sống” nhưng mắt thì sáng vô cùng.
Cô giáo sống độc thân bởi (theo lời cô nói) “bọn đàn ông đi qua đời tôi đều là những kẻ tầm thường, dung tục “độc thân không vợ đã buồn. Độc thân có vợ lại càng buồn hơn”. Tôi sống với những quyển sách vì tôi muốn giữ cho mình sạch sẽ. Tôi dâng trọn mình cho tri thức”…
Cô giáo Hường hôm nay tiếp tân ở nhà, một việc có lẽ hy hữu. Khách là một nhà văn nữ người Pháp, bà này đã từng được giải thưởng Gông - cua. Có khoảng chừng mười nhà văn và giáo sư bạn của cô giáo Hường đến dự..
Năm đứa con gái chúng tôi trổ tài nấu nướng. Cô giáo Hường rất kỹ tính, các món ăn đều ngon lành, tao nhã. Trong bữa tiệc, giáo sư Lê hỏi bà nhà văn:
- Thưa bà, làm thế nào mà bà vớ được một giải thưởng đáng giá như thế?
Bà nhà văn cười:
- Có lẽ vì gặp may thôi, ông ạ. Người ta đã chọn hai ông nhà văn khác. Đã có hai phe ở trong hội đồng xét giải, mỗi phe ủng hộ một ông, chẳng bên nào chịu bên nào.
Cuối cùng, để tôn trọng nhau, sau khi đã cãi vã với nhau hết nước hết cái, người ta chọn tôi là một nhà văn dự bị. Tôi ngẫu nhiên trúng! Thật đúng như người Việt Nam vẫn nói: ở hiền thì lại gặp lành!
Mọi người đều cười. Câu chuyện lõm bõm lọt vào tai “bọn ô sin” chúng tôi đang ngồi ăn vụng dưới bếp. Chiều xuống dần. Tôi rất thích những ánh nắng còn sót lại cuối giờ chiều, thứ ánh nắng rất loãng, có pha chút uể oải và hơi hiu quạnh. Nó gây ra cảm giác bồn chồn kinh khủng.
Tôi đứng ở cửa sổ trông ra ngoài vườn, chợt nhận ra cô giáo Hường đáng thương không biết chừng nào: Cô ấy không có lấy một người đàn ông nào “của mình”, không có ai chăm sóc, chiều chuộng, không có ai chia sẻ với cô vẻ đẹp của thứ ánh sáng man dại đáng sợ kia…
- Rất đẹp, có phải không?
Tôi giật mình. Giáo sư Lê đứng sau lưng tôi, thậm chí tôi còn cảm thấy những ngón tay ở bàn tay ông lướt đâu đó ở eo lưng mình, mùi của ông, một thứ mùi đàn ông đậm đặc và ngây ngất khiến tôi không thể không hít nhẹ. Cử chỉ gian manh ấy khiến tôi lúng túng, thậm chí như người bị ngạt thở.
- Thầy…
- Em đừng sợ… Tôi không làm gì em đâu. Có phải em đang tìm gì ở ngoài vườn kia phải không?
- Dạ không…
- Nếu tôi là em thì tôi chẳng thi lấy bằng thạc sĩ làm gì. Trường đại học nó sẽ nghiền nát tuổi thanh xuân của em thành cám…
- Em muốn được như cô giáo Hường.
Giáo sư Lê cười khẽ.
- Một mẫu người hy sinh… Đúng không?
- Dạ không!
- Tôi đã để ý đến em từ bốn năm nay, ngay khi em vào năm thứ nhất, hồi ấy em còn đeo kính, đúng không nào?
- Không, tôi chẳng bao giờ đeo kính. Mắt tôi rất tốt. Có lẽ giáo sư Lê đã nhầm tôi với ai đó. Tuy thế, tôi không cãi lại ông.
- Em có bao giờ nghĩ rằng tuổi thanh xuân là một báu vật nhưng rất mong manh hay không?
Ông ta đang hỏi gì, tại sao ông lại hỏi thế? Tôi cảm thấy giáo sư Lê đang tán tỉnh tôi, điều ấy khiến tôi đỏ bừng cả mặt.
Tôi đã 22 tuổi, tôi đã là một thiếu nữ. Ở tuổi tôi, tất cả những câu chuyện của đàn ông dù đứng đắn kiểu gì cuối cùng cũng hay quay trở về trò quấy rối tình dục. Đấy là sự thật, là sự trớ trêu của thói đời.
Trên đường về, giáo sư Lê đi cùng mấy đứa con gái chúng tôi. Ông có vẻ bịn rịn khác thường. Ông mời chúng tôi mỗi người một ly kem. Chúng tôi nói chuyện linh tinh. Giáo sư Lê nói:
- Chúng ta tìm tòi, hiểu biết, để cố gắng thoát ra khỏi vô minh. Trong khi đó vô minh là trường cửu, là vĩnh viễn.
Giáo sư Lê nhìn ra phía xa xa, ông chìm đi trong những ý nghĩ nội tâm. Tôi bỗng thấy thương ông như thương một người sa cơ lỡ vận.
Tôi về nhà trọ, vào trong buồng tắm. Đầu óc tôi nhẹ tênh. Nước mát lạnh. Tôi tắm rửa rất lâu, rất kỹ. Thân thể tôi thanh khiết, tất cả đều sạch sẽ, thơm tho, ngay ngắn, không gợn một chút bụi trần phàm tục nào.
Tôi biết, tôi đang sở hữu một báu vật. Sao lại mong manh? Ừ, tại sao lại mong manh? Tôi nhớ đến lời giáo sư Lê. Tôi không hiểu. Tôi nhớ đến ánh mắt ông, ánh mắt ấy lướt qua cánh tay, eo lưng, lướt qua đùi tôi và dừng lại ở chỗ kín.
Không! Không đời nào? Tôi điên rồi chăng? Tại sao tôi lại đi hoài nghi ông ấy? Ông ấy là một bậc thầy, một người uyên bác và sâu sắc.
Tôi lấy một chiếc váy ngủ bằng vải lanh mặc vào người. Một câu thơ của một nhà thơ nữ trẻ đang nổi danh: “Tôi khỏa thân trong chật hẹp sự đời. Ngoài kia cuộc sống đang trôi…”.
Tôi đứng ở cửa sổ ngôi nhà trọ nhìn ra con hẻm. Giờ này là giờ đi bộ của những người đàn bà có tuổi sống ở trong xóm. Một nỗi sợ hãi ríu chân họ lại. Mười, hai mươi năm nữa tôi cũng như họ, tôi sẽ trở nên béo phì, nặng nề và ngu xuẩn, vừa đi vừa đếm bước chân mình.
Tôi rùng mình, tôi muốn chạy ra ngoài đường, chạy trốn cái hiện thực này, đi đâu cũng được, chạy về phía trước. Rõ ràng có một sự vô nghĩa mênh mông đang trùm lấy tôi, giống như hơi nóng của buổi chiều hè, giống như bầu không khí rất khó thở và ngột ngạt.
Rất may rồi đêm cũng xuống. Bóng đêm xóa nhòa tất cả. Một giấc ngủ dài nhẹ nhàng sắp xếp lại những lộn xộn trong vũ trụ.
Còn hơn một tháng nữa kết thúc năm học, tôi sẽ ra trường. Tôi đã làm xong luận văn tốt nghiệp, một bản luận văn mà chính tôi cũng thấy là vô bổ. Tất cả bọn sinh viên trong lớp đều làm như thế.
Chúng tôi vào thư viện, chép lại những luận văn cũ, đảo ngữ, sắp xếp những câu văn lằng nhằng rắc rối dài lê thê để sao cho phù hợp với chủ đề. Hôm chấm luận văn, chúng tôi mất nhiều thời giờ vào việc đi thuê áo dài, đánh môi son, mời thợ chụp ảnh.
Tôi mặc một chiếc áo dài màu trắng và đeo một chiếc dây chuyền giả ngọc trai tuyệt hảo. Tất cả đều là đồ đi thuê. Chiếc dây chuyền hơi già so với tuổi tôi nhưng tôi thích thế. Tôi thích là vì nó có vẻ giống với sợi dây chuyền trong truyện “Món đồ trang sức” của Guy - đờ Mông - pát - xăng. Đại để đó là một truyện viết về sự nhầm lẫn tai hại, nó làm phí toi cuộc đời của một gia đình.
Chúng tôi kết thúc năm học đại học cuối cùng vào một ngày hè rực rỡ những hoa phượng vĩ. Cả lớp thuê một du thuyền để đi lại loanh quanh xung quanh Hồ Tây. Rất nhiều bèo lục bình nở hoa tim tím.
Chúng tôi hát những bài hát ưa thích. Cả lớp đã ở bên nhau bốn năm vui, buồn, yêu thương, thù hận. Bọn con trai đến xin chữ ký. Chúng tôi ký tên vào những chiếc áo sơ-mi đang mặc.
Tôi ngạc nhiên vì có đến mấy đứa tôi không biết tên là gì. Chẳng lẽ nào tôi lại vô tâm đến thế? Tôi thấy ân hận. Tôi bỗng chợt nhận ra bốn năm đại học trôi nhanh đúng là như “bóng câu qua cửa sổ”.
Tôi đã lướt qua nó. Tôi đã đi học mà giống như đi trên một chuyến tàu hỏa tốc hành, tôi ngồi ở cửa sổ và đưa mắt nhìn ra những cột mốc vùn vụt trôi nhanh...
Giáo sư Lê và cô giáo Hường tần ngần xúc động. Cuối giờ chiều khi sắp chia tay mấy đứa con gái ngồi ôm nhau khóc. Chúng tôi ý thức rằng từ nay chúng tôi sẽ bị “bỏ rơi”, chúng tôi sẽ bị đẩy ra khỏi vòng tay bố mẹ, thầy cô, từ nay chúng tôi sẽ rơi vào vòng tay “xã hội”: Chúng tôi vào đời, sẽ bơ vơ, đói khát và có khả năng bị làm nhục...
Giáo sư Lê nói: Chúng ta buộc phải chấp nhận sự dung tục ở trong cuộc sống như không khí, như nước rửa hàng ngày. Các em ra trường, đi làm, lấy vợ, lấy chồng, rồi sẽ sinh con đẻ cái.
Vợ chồng cãi nhau, phản bội, oán thù! Con cái bỏ đi hoang, bạc bẽo với cha mẹ đẻ. Những người bạn tưởng là tri âm sẽ lấy cắp tiền của chúng ta. Dù cho thế nào đi nữa các em cũng phải tin rằng cuộc sống tươi đẹp. Nhớ chưa nào?
Hiểu rằng cuộc sống thực ra vốn dĩ là thế và ta hãy chịu đựng nó, cố gắng làm cho nó tươi đẹp hơn lên. Nếu không chịu đựng được nữa, không làm được gì cho nó bớt xấu xa đi thì lúc ấy hãy tìm đến những người bạn cũ và nhớ đến tuổi thanh xuân trong trắng của mình. Hãy nhớ đến giờ phút này.
Giáo sư Lê bỏ kính ra lau mắt. Thực ra lúc ấy cũng chẳng còn ai để ý đến việc ông đang nói gì. Tôi chỉ cảm thấy rằng ông đang nói với chúng tôi một điều rất tối hậu, phải lâu lâu nữa chúng tôi mới hiểu ra được ý nghĩa những điều ông nói.
Khi lên bờ, giáo sư Lê đi tách riêng ra. Dòng người và xe nườm nượp trôi ở trên đường như mê sảng. Tôi lững thững đi về nhà trọ một mình, cảm thấy cô đơn khôn tả.
Tuy nhiên, càng đi tôi càng thấy dễ chịu hơn. Tôi đi một lúc lâu, qua vài con phố. Trong thành phố năm triệu dân này, tôi là một hạt cát vô danh, nhỏ nhoi, vớ vẩn. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như mình đang rơi tự do từ trên cao xuống một nơi rất xa lạ.
Tuy thế, tôi rất yên tâm, cảm thấy như được một sức mạnh nào đang bảo hộ.
Linh tính mách tôi như có điều gì. Tôi quay đầu lại, ngạc nhiên thấy giáo sư Lê đi sau lưng tôi một đoạn.
Tôi dừng bước. Giáo sư Lê đi đến. Ông lúng túng nói:
- Tôi thấy em khóc và đi như người mê sảng...
Tôi ngạc nhiên đưa tay lên mặt. Nước mắt tôi trào ra giàn giụa. Tôi cảm thấy buồn cười. Thật trẻ con và ngu ngốc.
Tôi và giáo sư Lê đi bên nhau im lặng. Một cảm giác trìu mến và biết ơn đối với ông tràn đầy lòng tôi.
Nếu ông ấy ôm và hôn mình lúc này-tôi nghĩ-mình sẽ để mặc ông ấy làm thế.
Giáo sư Lê lấy thuốc lá ra hút. Thường ngày ông không hút thuốc bao giờ. Có lẽ bây giờ ông đang bối rối.
- Nếu như bây giờ chúng ta vào hotel kia, thuê một căn phòng, gọi một bữa ăn tối nhẹ rồi ngồi tán phét thì có nên không?- Giáo sư Lê hỏi tôi, tôi cảm thấy ông đang run bắn người lên, điều ấy khiến tôi buồn cười.
Tôi im lặng bước đi. Tôi hình dung chúng tôi vào trong khách sạn. Chắc chắn lúc ấy tôi sẽ như kẻ đã bị thôi miên. Trên chiếc giường nệm trắng tinh, tôi nằm ngửa nhìn lên trần nhà nơi có treo một bóng đèn trùm sáng rực.
Tôi cảm thấy bàn tay âm ấm của giáo sư Lê lần lần cởi dần từng chiếc cúc áo trên người. Ông nín thở. Rồi một sức nén như của bản năng nguyên sơ trào dâng. Ông kéo chiếc quần jeans của tôi xuống thấp. Chắc là ông sẽ hiểu hành động của tôi chẳng khác nào một hành động đồng lõa.
Ông đi sâu vào người tôi dần dần từng tí một. Tôi tưởng như mình ngất đi.
- Những tiếng lòng líu la líu lo...
Giáo sư Lê nói. Tôi hốt hoảng vấp ngã khiến ông phải đưa tay đỡ vội lấy tôi. Con đường phía trước điện giăng như sao sa...
- Đây là chỗ rẽ, tôi phải về rồi-Giáo sư Lê bảo tôi-Chào em, chúc em may mắn!
Giáo sư Lê quay đi, ông sải những bước dài như chạy trốn. Hay là ông ngượng vì vừa rồi tôi không đáp lại lời mời của ông đi vào khách sạn? Tôi không biết nữa.
Gánh nặng của bốn năm học đại học trĩu trên vai tôi. Tôi cựa mình và cảm thấy nó như vừa được trút khỏi vai tôi. Tôi thấy mình như được giải thoát. Tôi thấy người nhẹ bỗng và cảm tưởng có thể bay lên.
Phía trước là bầu trời-Tôi nghĩ-Và những tiếng lòng líu la líu lo...

Xem Tiếp: ----