Xế chiều, lúc thằng Câm đang ngồi loay hoay rửa sạch những lon bia bên bờ biển cho trôi cát dính, một bàn tay kéo giật làm nó té bệt xuống đất. Sóng biển tràn lên ướt mông quần. Câm giận dữ ú ớ quay lại. Điệu bộ cuống cuồng và thảng thốt của bà Tư làm nó ngớ người.
- Lẹ đi Câm ơi!
Thằng Câm vội vã lồm cồm ngồi dậy quơ vội những lon bia gom vào bọc. Bà Tư kéo giật cánh tay nó lôi đi, khuôn mặt lộ ra vẻ căm phẫn. Thằng Câm sợ hãi chạy theo, không biết rằng ánh mắt đó không phải dành cho nó. Nó bươn dốc bằng cả hai tay. Thoáng chốc nó kịp nhào đến bên mẹ nó. Mẹ thằng Câm gần như đã lịm đi, nhưng nỗi đau nào đó khiến người đàn bà quằn quại điên dại. Thằng Câm thấy người mẹ đầy máu. Đám đàn bà la hét gì đó. Một người đàn ông từ bên nhóm kia tách ra cúi xuống vực mẹ thằng Câm chạy trở ra cổng khu du lịch. Máu loang chỗ mẹ nó nằm. Thằng Câm nhìn sang. Ba nó đang gầm thét vùng ra khỏi vòng tay của ba người đàn ông.
Không ai kể cho thằng Câm nghe về chuyện đã xảy ra khi nó dưới bãi biển. Ba nó tìm đến khu bán hải sản, bắt vợ đưa tiền nhậu. Nhưng hôm đó du khách đến bãi ít, tiền bán không đủ lời, mẹ thằng Câm đã không chịu đưa tiền. Đứa bé sắp chào đời khiến người đàn bà tội nghiệp muốn phòng chút tiền vốn còm. Ba thằng Câm gầm lên. Mẹ nó hoảng hốt chạy lên con dốc cát. Ba thằng Câm có chút hơi men đạp gánh bún đổ tung. Đám người bán nhốn nháo không ai dám lại gần. Ai cũng biết ông ta nổi tiếng hung bạo. Đến khi ông ta chụp khúc cây rượt theo vợ lên đồi cát và phang chí tử vào người, vào cái bụng đã nổi lớn của vợ, đám đàn bà la hét cầu cứu.
°
Mẹ thằng Câm nằm luôn trên trạm y tế mấy ngày. Mẹ nó vẫn thiêm thiếp, mặc cho bé Út ôm mẹ gọi, mắt hãy còn ướt nhòe vì cả ngày khóc mếu. Thằng Câm ngồi im nhìn mẹ nó thở phập phồng. Cái đau đớn mà mẹ nó chịu đựng không phải chỉ là thể xác. Em bé trong bụng của mẹ đã chết rồi.
Vùng biển nghèo chạy tuôn mồ hôi mà cuộc sống vẫn khốn khó. Cũng như nhiều người phụ nữ khác ở đây, mẹ thằng Câm làm đủ thứ: cào muối, gánh muối, ướp cá làm mắm v.v... Ông chồng càng ngày càng coi thường người vợ gầy đét và đen nhẻm suốt ngày lam lũ. Ở vùng biển quên này, những người vợ tảo tần sớm hôm và hy sinh cả đời cho chồng con nhưng không khi nào được chồng coi trọng dù luôn là người trang trải gồng gánh cho cả nhà. Nhưng không ai than phiền vì điều đó. Chưa có một người đàn bà nào cảm thấy họ chịu nhiều sự bất công. Thấy làm sao được khi bước chân chưa bao giờ rời qua xóm, và khi quanh mình ai cũng như ai? Những ông chồng luôn đẩy ngực cho rằng mình là trụ cột chính vì đi biển mang tiền về mà không hay số tiền còm cõi ấy không đủ chi dùng cho chính bản thân anh ta. Và bản tính gà trống luôn khiến anh ta vênh váo chứng tỏ ta là đàn ông bằng cách la hét thị uy với vợ, thẳng tay tát cho một cái nếu muốn và thằng đàn ông mạnh mẽ nhất là kẻ có trong tay nhiều vợ nhỏ nhất!!!
Khi bãi biển cát trắng mịn bên khu rừng dương được khách du lịch tìm tới mỗi ngày mỗi đông, những người phụ nữ địa phương ra đó bán đồ biển. Ở đó, họ đã nhìn thấy những điều mà cuộc đời họ, mẹ và bà nội, bà ngoại, bà cố của họ chưa từng thấy: Những đôi vợ chồng già có, trẻ có, đối xử với nhau thật yêu thương, tôn trọng. Họ mới hiểu ra trong đời có những người đàn ông như thế: nhẹ nhàng thoa kem lên người vợ, cẩn thận bóc vỏ ghẹ, vỏ tôm cho con cái ăn với điệu bộ rất nhẹ nhàng và tươi tắn. Họ không khi nào nói nặng lời mà gọi "em ơi" rất ngọt ngào. Và người vợ cũng thật hạnh phúc rót bia cho chồng uống hoặc đùa giỡn sóng với chồng con. Những cặp tình nhân thì khỏi phải nói. Những phụ nữ đến đây thật hạnh phúc!
Ban đầu những người phụ nữ địa phương tự nhủ với chính mình: tại vì những người ấy có tiền. Sau nữa họ bắt đầu trò chuyện với nhau, xa xa gần gần rằng những người đàn ông thành phố không bao giờ chửi mắng đánh đập vợ con??? Họ thầm mong ước vì họ đã nhìn thấy có những cuộc đời khác.
Có một điều mẹ thằng Câm không bao giờ kể, rằng có một lần khi ba thằng Câm đến bãi dương đánh vợ hai bạt tai rồi rời khỏi đó khi vợ nhẫn nhịn không dám nói một câu, lặng lẽ đưa cho chồng ít tiền, lúc đó đã có một du khách nhìn thấy. Thấy thì nhiều người thấy, nhưng người đàn ông đó một lúc sau kêu mẹ thằng Câm mang tô bún tới. Ông ngồi trông đồ cho vợ và con gái tắm dưới biển, nhờ mẹ thằng Câm kêu cho mấy lon bia. Khi mẹ thằng Câm lấy bia của chị Hai đem lại, dặn:
- Anh uống xong cho cháu nó mấy cái vỏ bia bán kiếm tiền ăn kẹo. Cháu nó đứng kia.
Má thằng Câm chỉ nó đứng gần đó. Ông khách nhìn nhận mặt:
- Con lớn của chị hả?
- Dạ, cháu bị câm điếc.
- Câm bẩm sinh?
- Dạ.
- Không chắc, có thể cháu điếc nhưng không câm, chị có đưa cháu đi bác sĩ chưa? - chị lắc đầu - Sao chị không cho cháu đi học trường khuyết tật? Nếu cháu chỉ điếc người ta sẽ dạy cho cháu nói.
Khắp người mẹ thằng Câm rùng lên. Vì giọng nói ấm áp quan tâm của người đàn ông và nhất là vì ông ấy nói thằng Câm sẽ có thể nói.
- Chồng chị hay đánh chị lắm hả?
Mẹ thằng Câm cúi mặt giấu những vết bầm. Nhận ra mình thật mất lịch sự, người đàn ông thở dài:
- Nếu chồng đã không thương yêu mình thì chịu đựng làm gì? Chị tìm cách lo cho thằng bé, chẳng lẽ để nó câm điếc tha thẩn suốt ngày ngoài biển nhặt vỏ lon?
Cuộc chuyện trò ngắn ngủi nhưng đã khiến cho mẹ thằng Câm nuôi hy vọng mong manh về đứa con trai của mình. Một điều khác lạ mà mẹ nó không hiểu rõ nhưng luôn ám ảnh đầu là: chồng không yêu thương mình sao mình lại phải chịu đựng? Đó là những suy nghĩ phản kháng đầu tiên mà không bao giờ mẹ thằng Câm dám nói.
°
Hai hôm nay mẹ nó đã khỏe lên nhiều. Ngày hôm qua, mẹ ôm bé Út khóc rất nhiều. Mẹ còn vuốt tóc nói với thằng Câm gì đó. Nó không hiểu nhưng chỉ biết ánh mắt mẹ rất buồn, nhìn nó xót xa. Nó chẳng biết phải làm gì, cầm tay mẹ rưng rưng. Chiều nay thằng Câm mang lên cháo trứng, cầm theo hai mảnh lá dừa định bụng tết cho mẹ xem con cào cào nó vừa học được.
- Hai đứa lên thăm mẹ hả?
Cô y tá nhìn nó dò hỏi khi hai anh em vừa bước vào. Rồi chợt nhớ thằng Câm không nghe được, cô thở dài dẫn hai anh em đến chỗ mẹ nó. Ngay từ xa, thằng Câm đã thấy cái giường trống trơn. Cô y tá bế bé Út lên:
- Mẹ của con bỏ đi rồi.
Bé Út không hiểu, nó òa khóc. Hai người áo trắng khác đi lại, ra dấu cho thằng Câm hiểu mẹ nó đã rời khỏi trạm y tế. Thằng Câm gần như giật bé Út xuống, hộc tốc chạy về nhà đón mẹ. Cô y tá nhìn theo hai anh em nó nói với đồng nghiệp:
- Chị ấy không về nhà, trốn kiểu này là trốn ba nó, bỏ đi luôn rồi.
- Ông chồng như vậy, sống chung có ngày bị ổng đánh chết không chừng.
Việc mẹ nó bỏ đi khiến bà nội nó sụp hẳn. Bé Út hai tuổi chưa biết gì ngoài chuyện nhớ mẹ khóc suốt ngày. Ba thằng Câm lồng lộn như con gà trống bị thương hoặc bị rút hết lông đuôi. Người đàn ông duy nhất trong nhà bây giờ chính là thằng Câm. Mười tuổi, thằng Câm tiếp tục nhặt lon bia trong khu du lịch kiếm tiền cho nội mua gạo. Ba nó không đụng đến tiền của nó nữa, nhưng bằng đó vẫn không đủ cho anh em nó ăn no. Bé Út lớn tuổi mà không lớn người.
Gần hai năm sau, khi thằng Câm đang lang thang ngoài bờ biển với bọc lon, mẹ nó đã chạy nhào đến ôm chặt nó vào lòng. Tiếng hức hức bật ra từ miệng thằng Câm đầy đau đớn hờn tủi. Hai mẹ con ôm nhau khóc ròng dưới rừng dương.
- Mẹ về thăm con và em, mẹ không ở đây được... Mẹ sẽ kiếm tiền cho con ra thành phố chữa bệnh, rồi con sẽ biết nói, Câm à.
Mẹ bưng mặt thằng Câm nói, ánh mắt chứa chan hy vọng. Mọi người xung quanh à lên: mẹ thằng Câm về thành phố. Chỉ có thằng Câm là chẳng hiểu gì.
Một chốc sau, hai mẹ con kéo tay nhau về nhà thăm nội và bé Út. Cả nhà mừng tủi ôm nhau chưa được bao lâu, chưa hỏi thăm được gì thì ba thằng Câm về tới. Con gà trống chứng tỏ sự kiêu hùng của mình bằng con dao rựa rút phăng từ góc bếp. Mẹ thằng Câm chạy.
Tao giết, giết! Dám vác xác về đây tao giết mày!
Cả xóm náo loạn. Thằng Câm vút chạy theo mẹ nhưng thoáng chốc mẹ nó đã mất dấu trong xóm ngoằn ngoèo. Mẹ nó chạy thoát rồi biến mất tăm như hai năm trước. Khi thằng Câm quay về nhà, ba nó vẫn điên khùng hăm dọa chém giết như để chứng tỏ ta là thằng đàn ông chính hiệu. Lần đầu tiên, thằng Câm nổi lên một sự giận dữ với chính ba nó. Lần đầu tiên thằng Câm nhận ra cha nó chỉ là một thằng đàn ông hèn mạt, hung bạo. Ở ngoài bãi nhiều, nó thấy những người cha từ nơi nào đó đến tắm biển, chăm sóc cho con cái của họ, cõng chúng trên vai và chơi đá banh, cho chúng những món ngon nhất. Thằng Câm thầm ước mình có một người cha như thế, điều ước cũng mong manh như của mẹ nó.
Thêm bốn năm trôi qua, mẹ thằng Câm không một lần về quê thăm anh em nó. Thằng Câm không biết từ đâu bà nó có tiền mua kẹo chewing gum cho nó bán thêm ngoài bãi. Bé Út được đi học, buổi nào không học thì ra bãi dương bán kẹo với anh. Thằng anh đưa kẹo cho em bán rồi hí húi tết những con cào cào bằng lá dừa trong khu du lịch. Lúc nào cũng phải đủ cặp hai con đực và cái. Ai cũng khen nó khéo tay. Thằng Câm còn tết em bé có hai tay cử động khi giật giật cọng dừa tặng cho du khách. Du khách nhiều người mến thằng bé câm khi nghe kể chuyện mẹ nó đã bỏ đi, sau khi nhận cặp cào cào lá dừa đã cho nó tiền.
Câu chuyện buồn thêm vì ba thằng Câm đã chết cách đó một năm khi ông ta chạy ra ghềnh đá trắng tìm gái. Say men ông té vào bãi đá chết tươi. Hai anh em Câm ở với bà nội. Ngày nào, ngày nào và ngày nào thằng Câm cũng ra bãi với nỗi nhớ mẹ. Khát khao cháy bỏng của nó là mẹ sẽ chạy đến ôm chầm lấy nó như lần nào. Thằng Câm sẽ đưa mẹ về nhà, mẹ sẽ ở lại luôn vì không còn người đàn ông hung ác kia nữa. Thằng Câm không cần biết nói, nó chỉ cần có mẹ, bé Út cũng cần có mẹ.
Nhưng đoạn cuối vẫn chưa đến. Bây giờ, ở bất cứ nơi đâu nếu ai đó có quen biết và gặp gỡ người đàn bà bất hạnh ấy hay nếu mẹ thằng Câm đọc được câu chuyện này, nếu còn nhớ đến bãi dương, nhớ đến những dốc cát trắng cao đến nỗi có tên là Dốc Lết, nhớ đến thằng con trai câm và bé gái út hãy quay về, như một con sóng vỗ bờ. Rồi mọi nỗi đau sẽ qua đi.
 

Xem Tiếp: ----