Ra trường, Loan không đi nhận nhiệm sở, bỏ tất cả, theo chị Hạnh, nguời chị bà con, dẫn dắt chạy thuốc tây. Bản chất chân thật và tin người đã giúp Loan rất nhiều trong sự buôn bán hàng chạy này. Môi trường chạy hàng thuốc tây, đa số là các chị có chồng đi cải tạo, các chị có chút học thức, ngày xưa quen được chiều chuộng, nay phải bung ra va chạm với đời. Vì không phải là dân buôn bán chuyên nghiệp, còn nhạy cảm với những lời dối đầu cắt đuôi cho nên lòng tin giữa người và người là mấu chốt quan trọng nhất đối với các chị để thành công trong đường làm ăn này. Loan thật lòng với mọi người. Cô gái, sau bốn năm Sài Gòn mất tên trên bản đồ, vẫn giữ được phong lối Sài Gòn từ cách chưng diện, giao tiếp. Bao giờ cũng quần pat nhung, quần jeans, áo thun một màu giản dị, bên hông đeo túi vải xanh hay da nâu sờn màu, giầy sandal, giầy bata. Quần đen, áo bà ba, quần ống voi, áo ca rô, dép mủ...không bao giờ thấy Loan dùng đến như những cô gái cùng thời muốn hòa đồng với cảnh sống sau ngày Miền Nam mất. Chính vì thế mà nhiều người cảm thấy ở Loan hình ảnh Sài Gòn ẩn hiện, một cảm giác tin tưởng. Vì một điều lạ là môi trường buôn bán thuốc tây này không hề có giọng nặng nề Nghệ An, Hà Tỉnh 75, hay choi chói "bắc 75" xen vào. Làm sao sống nổi với những chị đang chắt chiu từng đồng để nuôi chồng, nuôi em, nuôi anh, đang học tập ở những trại cải tạo mịt mù; làm sao sống nổi với những thành kiến "chuyện vui 75" mà các chị dùng để chế nhạo, như là một cách tự an ủi nổi niềm thất bại của người dân miền Nam. Người miền Nam, có nghĩa là người Việt Nam từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào, tin tưởng nhau hơn. Tư tưởng đó, thành kiến đó, ít ai nói ra nhưng ai cũng để dạ.
Hàng ngày, buổi sáng Loan đạp xe đạp từ Thủ Đức, 12 km, xuống Sài Gòn đến nơi tập trung trao đổi hàng hóa, chạy hàng cho khách mua từ tỉnh đến, cho bạn hàng với nhau. Khoảng đường Trương Công Định, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng... là nơi chạy hàng của giới mua bán thuốc tây. Có khi là hàng mua đi bán lại trong ngày, có khi là hàng tích trử chờ thời cơ, chờ đúng giá, chờ đúng người mua. Thuốc tây do thân nhân từ nước ngoài gởi về, do nhóm người buôn lậu vượt biên giới, do cán bộ ăn cắp từ bệnh viện, từ các tổ chức cứu trợ...., tung ra thị trường chợ đen vì mọi mặt hàng thuốc men đều nhà nước quản lý. Con thường dân làm sao xin được giấy giới thiệu mua thuốc, ra chợ đen là món nào cũng có. Vấn đề tối trọng là phải tin tưởng nhau, vì thuốc men không phải là món ăn chơi. Chỉ cần lầm thuốc giả, là có thể làm hại mạng người. Loan và người chị họ có một nơi cất dấu những hàng đáng giá, nhà người quen trong con hẽm Trương Công Định vì sợ công an chợp được là mất vốn. Giỏ chia làm hai lớp, lớp dưới là một vài loại thuốc viên nhỏ đắt tiền, phía trên là thuốc bổ, thuốc cảm thông thường.
Ba Má bán căn nhà ở Nguyễn Trãi, mua một khu vườn nhỏ ở Thủ Đức, còn bao nhiêu cho Loan là chị cả trong gia đình làm vốn buôn bán. Mất vốn là cả nhà khốn khổ. Chiếc xe đạp là cứu cánh chạy hàng, đôi lúc phải chạy ra tuốt chợ Thị Nghè, Tân Định, Tân Bình, Hòa Bình...để tìm hàng. Có ngày nhàn hạ, chị em rủ nhau ăn hàng, tán dóc. Có ngày chạy tất bật, chạy tất bật có nghĩa là ngày huy hoàng. Chiều, đạp xe về Thủ Đức, 12 km. Mệt nhoài người, tắm giặt, ăn uống xong, loay hoay với ba má và ba đứa em còn đang đi học, ngủ một giấc tới sáng. Cứ thế ngày này qua ngày kia, quên cả tuổi trẻ. Sau ba năm Loan trả được lại vốn đã mượn của Ba Má, bữa cơm gia đình có miếng thịt miếng cá tươi, dành dụm cho được thằng em trai trốn nghĩa vụ vượt biên, hiện đang ở trại tị nạn, chờ đi định cư. Môi trường vượt biên lạ lắm. Khi đã đưa được một người trong gia đình đi vượt biên thành công là uy tín vững vàng, biết bao người đến hỏi tìm mối đi. Lúc đầu Loan dự trù đưa các em ra đi từ từ rồi tới phiên mình. Cứ mỗi lần giới thiệu ba người khách cho tổ chức vượt biên nào đó thì Loan được đưa kèm theo một người của mình. Lần này, Loan đã chuẩn bị chuyến đi tới cho cả ba chị em mà chỉ tốn có ba cây vì Loan dẫn dắt thêm năm người nữa. Loan có được nhiều mối mai đưa người đi vượt biên là bởi tấm lòng chân thật hết lòng với mọi người, tạo được lòng tin là cái vốn hiếm có trong thời buổi buôn bán chụp dựt này.
Từ hai tháng nay, Ba Má không cho Loan đạp xe lên xuống Sài Gòn nữa, đường xa nguy hiểm. Thân con gái một mình, mang theo thuốc men, tiền bạc, đi về giờ giấc tương đối nhất định, dể là con mồi cho tụi cướp dọc đường xa lộ Sài Gòn ngày càng tung hoành. Loan đón xe đò Thủ Đức - Lê Hồng Phong mỗi ngày từ đó. Tốn tiền xe đò vừa cho cái xe đạp để trên mui, vừa vé, vòng đi vòng về. Loan tiết kiệm, nhưng Ba má bắt buộc, đành phải theo cho Ba Má yên tâm.
Hôm nay trời gần tối, Loan đứng đón xe đò ngã tư Lê Văn Duyệt - Hồng Thập Tự, trước bệnh viện Từ Dủ. Xe ngừng vì chú tài trẻ quen mặt Loan đón xe mỗi ngày. Đưa được xe đạp lên mui, chuyến xe chiều đông người, người đứng cũng chật như nêm. Loan len từ từ đến giữa xe, tìm chỗ đứng, chỗ vịn tay cho vững. Tay xách cái giỏ đựng ít bánh tây cho Má và cà phê con chồn cho Ba mặc dù Ba kêu mắc, không chịu uống, má kêu mắc để dành không chịu ăn hết. Vai đeo cái giỏ tiền và một ít thuốc tây chưa tiêu thụ hết trong ngày, nét mệt mõi hiện rõ trên gương mặt càng thêm rám nắng vì cả ngày này qua ngày kia bương bả ngoài đường. Mắt nhìn đăm đăm phía trước, cánh tay mảnh mai, cổ tay nhỏ cố gồng những ngón tay mảnh dẻ để níu chặc cây sắc kế bên, người ngã chúi mỗi khi xe thắng ngừng đón đưa khách lên xuống, đã làm yếu lòng một người đàn ông ăn mặc khá chải chuốt so với những người đa số là dân buôn bán trên chuyến này, đang ngồi hàng ghế nơi Loan đứng. Ông nói nhỏ, giọng Bắc pha tám mươi phần trăm giọng Nam:
- Cô mệt, cô ngồi đây đi, tôi đứng được.
Không chờ phản ứng của Loan, ông đứng dậy, nhường chỗ cho Loan ngồi. Ngay lúc đó người hàng khách ngồi kế bên cũng đứng dậy, để len ra phía trước chờ xuống trạm tới. Người đàn ông nhường Loan len vô ngồi ghế gần cửa sổ. Thường ngày gặp những trường hợp như thế này, Loan chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn, không buồn nói thêm một câu, chỉ muốn được ngồi, nghỉ ngơi cho quãng đường còn lại đúng ra chỉ cần 30 phút nhưng vì phải ngừng để cho khách xuống khách lên liên tục nên mất ít nhất 1 giờ. Hôm nay cũng nổi mệt mỏi thường lệ, Loan vừa tìm thế ngồi, không cám ơn, nhưng lại vừa chịu khó đùa:
- Bộ tôi coi già nua như một cụ già hay sau mà ông áp dụng bài học công dân giáo dục? Bây giờ đâu có trường nào dạy môn này nữa.
Ông ta cười:
- Tôi học môn này lâu lắm rồi, dễ gì quên.
- Nhưng trong sách Công Dân Giáo Dục không dạy nhường chỗ cho người trẻ, tôi còn trẻ chớ hả?
Người đàn ông xoay người, làm bộ ngắm Loan, làm bộ suy nghĩ.
- Chắc còn trẻ...
- Trời ơi! ông nói "chắc"...sao ông không có chữ nào khá hơn sao? "Chắc" có nghĩa là không trẻ lắm. Bài Công Dân Giáo Dục không dạy "lăng gà" sao?
- "Lăng gà" có nghĩa là gì vậy?
- Giọng ông không phải giọng "bắc bảy mươi lăm", sao không hiểu chữ "lăng gà", không phải "chuyện vui bộ đội" chứ?
- Cô chưa giải thích chữ "lăng gà" rồi còn cho thêm chữ "bắc bảy mươi lăm", thêm chữ "chuyện vui bộ đội", còn chữ nào nữa không, nói luôn đi.
- Giọng ông là giọng "bắc năm mươi tư"
- Cha... cái này là tôi phải về nhà tra tự điển mấy cái chữ lạ lùng này đây.
- Ông tra tự điển Bách khoa cho tới khi tóc bạc răng long cũng không tìm ra. Tiếng lóng mà, đâu có nằm trong tự điển. Thôi để tôi giải thích cho nếu thực sự ông là "con nhà dòng". "Lăng gà" là một trong những "chuyện vui bộ đội", chuyện khá dài, nhưng ông cứ biết "lăng gà" là "ga lăng", nói hay làm gì đó cho vui lòng, đẹp lòng con gái đàn bà, nịnh đầm đó. "Bắc năm mươi tư" là những người Bắc trốn cộng sản di cư vào Nam năm 1954, giọng pha Nam, nghe nhẹ nhàng, ấm lòng người. Còn "bắc bảy mươi lăm"...
- Thôi... tôi hiểu rồi. Vậy tôi không phải "bắc năm tư".
- Ô!
- "Bắc bốn mươi mốt", cô nghe chữ này chưa? Gốc tôi là "bắc 41" nhưng tôi là người Nam. Còn "bắc bảy mươi lăm" là những người Bắc vào Nam từ năm 1975, đúng không?
- Thông minh nhưng thiếu.
- Thiếu?
- Ừ, thiếu. Là giọng Bắc oang oang, không coi ai ra gì. Là những người cộng sản tràn vô Nam chứ không phải di cư trốn cộng sản?
- Cái chữ "tràn" này để bàn sau. Còn chữ"chuyện vui bộ đội"?
- Không biết chữ này nữa sao? Hồi đó giờ ông sống ở thiên đường chắc? Nhà dòng bị đóng cửa hơn bốn năm nay rồi mà.
- À, tôi đi du học lâu rồi.
Người đàn ông thật thà. Ông không hiểu rằng khi mới quen biết tình cờ một người trên xe đò mà đã "khoe" là du học mới về tức là khoe khoang, trịch thượng, nhất là khoe với thiếu nữ. Ông đâu biết cái mã "du học" đang được nhiều cô ngắm nghé, một cách tìm đường ra nước ngoài công khai, tránh hiểm nguy. Loan không ưa lối khoe khoang đó. Loan hỏi chọc mỉa mai:
- Ông du học ờ Kampuchea hay Laos?
Người đàn ông không hiểu ý mỉa mai trong câu hỏi đó, vội vàng trả lời:
- Không không, tôi du học ở Đức, 8 năm rồi.
- À há!
Nhìn nét mặt vội vàng đính chính, không một mảy may khó chịu hay cười theo lối hỏi mỉa mai của mình, Loan hiểu nhanh là người đàn ông này không có ý khoe mà chỉ vì thật tình.
Tiệm kem Bặch Đằng nằm trên Lê Lợi càng về chiều càng đông người, ngắm dáng Loan đi nhanh, nhẹ, từ bên kia đường, mái tóc lưng chừng đong đưa theo bước chân, dáng dong dỏng cao, vai đeo túi vải jeans, quần jeans, áo thun trắng, giày bata trắng, kiếng mát, Hưng thầm nghĩ: "Hôm nào cũng thế, cô nàng đúng là dân Sài Gòn, thật trẻ trung, thật thể thao". Loan cười nhìn Hưng, nhận ánh mắt chiêm ngưỡng từ Hưng, tự nhiên ngồi xuống cái ghế Hưng kéo cho mình. Loan nhắm mắt, Hưng xoay xoay tấm giấy được bọc cứng có hình các loại kem, Loan quơ quơ ngón tay trỏ, chấm chọn một ly kem trên bảng thực đơn: Kem dâu! Mắt Loan cay cay. Ly kem dâu, hai cây bánh kẹp, thêm một trái dâu lớn, nhà thờ Đức Bà, giọng Thành âu yếm...Loan ngập ngừng, nhìn Hưng nài nỉ:
- Cho em chọn kem khác nghen, em không thích mùi dâu.
Với tay để tay mình lên bàn tay Loan, xoa nhè nhẹ, giọng Hưng ngọt ngào, mắt Hưng đắm đuối:
- Loan chọn kem cho anh luôn.
Cả tháng nay rồi, kể từ khi quen Hưng, Loan thường nghỉ chạy hàng sớm, Loan đi chơi với Hưng. Nói là đi chơi chứ thật ra Loan thường chỉ muốn ngồi ở một quán nước, quán kem nào đó nghỉ ngơi, không muốn lang thang phố Sài Gòn đã mang bộ mặt thiểu nảo từ mấy năm nay, càng lúc càng xuống. Những cửa hàng kính bóng loáng, chưng bày đẹp mắt lộng lẩy được thay thế bằng những mẫu hàng hợp tác xã tạp nhạp lộn xộn thiếu thẩm mỹ. Những cô thiếu nữ duyên dáng trong chiếc áo dài lụa mềm được thay thế bằng những chị áo kiểu, quần đen hay quần tây quê mùa, nét mặt mệt mõi sau kệ kính. Sài Gòn không còn gì để đi dạo ngắm phố, để thèm thuồng nhìn những món hàng trưng bày trong tủ kính. Góc Lê Lợi - Tự do cả hai bên của công viên bùng binh Nguyễn Huệ đã xuất hiện một vài cửa hàng chưng bày hàng ngoại quốc trang nhả. Nhưng nơi đây chỉ dành cho những người như Hưng với một danh hiệu mới do nhà nước đặt ra "Việt Kiều Yêu Nước" và những người ngoại quốc đến làm việc tại Việt Nam hay một vài du khách ngoại quốc dám gồng mình đến thăm Việt Nam trong giai đoạn này.
Hưng đề nghị:
- Mình xem phim ở mini Rex nha! Anh đi ngang qua đó thấy có một phim Hung Gia Lợi, vô coi thử?
- Em sợ coi phim lắm, sợ nghe tiếng người chuyển ngữ với giọng choe chóe như cán bộ đang đọc bài cho tụi em viết hồi mới tiếp thu trường. Phim bây giờ không có phụ đề Việt ngữ, không cảm thấy trọn vẹn vì không nghe được chính giọng nói của diễn viên mặc dù mình không hiểu ngôn ngữ của họ, toàn là những phim tuyên truyền. Ngay cả rạp chiếu phim nhi đồng ở đường Tự Do, thỉnh thoảng em dẫn Út đi coi, cũng chiếu toàn phim tuyên truyền, coi xong chỉ muốn về nhà gội đầu ngay.
- Hôm nay em có nói với nhà là mình sẽ ở lại chơi khuya, mình đi taxi về?
- Dạ có! Đi taxi từ Sài Gòn về Thủ Đức rồi Tam Hà, anh ngon dữ ha. Taxi khó kiếm lắm. Em chưa đi taxi bao giờ cả từ sau 75. Mắc lắm!
- Anh muốn có một tối với em, thật ấm cúng, yên tỉnh. Anh biết một chỗ: Nhà hàng sân thượng Rex. Ở đó mình có thể ngắm cả Sài Gòn về đêm, mát thoải mái và thơ mộng lắm.
Sân thượng tầng lầu năm, gió mát, khung cảnh yên tịnh, một vài bàn còn khách, đa số là người khách ngoại quốc, ánh đèn nửa mờ nửa ảo, thật thơ mộng. Sau bữa cơm tối thật "Tây", sau một ngày mõi mệt chạy hàng, trên sô pha dài, Loan ngồi dựa ngực Hưng, chân duỗi dài gát thành ghế, bản nhạc Capri C´est Fine thiết tha kêu gọi mời mọc văng vẳng đâu đây. Môi Hưng mơn man trên tóc Loan. Với tay choàng đan tay Loan, Hưng kéo tay Loan đặt trên gáy mình, những ngón tay mềm mại lần mò gải nhè nhẹ trong tóc Hưng. Đã lâu lắm rồi, ( Bốn năm rồi còn gì, bốn năm mất Thành, bốn năm lận đận tìm kế sinh nhai cho cả gia đình, bốn năm không màng đến những lời chọc ghẹo tán tỉnh, hai lần vượt biên hụt, bốn năm đời sống đầy trắc ẩn cho từng bước chân, bốn năm của tuổi trẻ...) hôm nay Loan tự thả lòng mình, cho phép mình hưởng lại những giây phút trọn vẹn này.
Hưng hỏi:
- Anh muốn mời em đi Vũng Tàu vài ngày. Anh muốn tắm biển, em cần nghỉ ngơi, chúng mình cần thời giờ cho nhau, tìm hiểu nhau hơn.
Loan ngồi thẳng lưng, quay nhìn mắt Hưng, ánh mắt thật lòng của người đàn ông đã quen với nếp sống tây phương, đã có người tình tây phương, đã sống chung với người tình của mình vài năm mà không cần cưới hỏi. Loan hiểu. Cách cư xử, cách giao thiệp bạn bè, cách ăn mặc của mình đã tạo cho Hưng một ấn tượng về một cô gái quen lối sống của văn minh tây phương, cho nên Hưng không ngần ngại khi mở lời mời Loan đi chơi vài ba ngày với mình dù lằn mức tình cảm của hai người chỉ đến những nụ hôn nhanh khi chia tay trong khu vườn tối phía sau nhà Loan ở Thủ Đức, chỉ là những xiết vai khi Hưng xúc động vì lời nhạc Loan hát nho nhỏ cho Hưng, những ngón tay đan nhau khi đi dạo. Và Hưng cũng chưa nói tiếng yêu thương mặc dù ánh mắt Hưng long lanh, nụ cười Hưng ngọt ngào khi ở bên Loan. Loan cắn môi, xoay lưng trở lại vị trí ngồi lúc nảy, kéo tay Hưng quanh người mình, ngập ngừng:
- Anh cho Loan suy nghĩ vài ngày. Loan cần thì giờ để thu xếp công chuyện nữa. Bỏ đi xa là mất mối hàng, anh biết là gia đình em sống vào lợi tức này. Và...
- Anh chỉ còn ở Việt Nam có một tháng nữa. Anh muốn mình có cơ hội hiểu biết nhau hơn. Nhưng nếu em thấy mình không thể thì anh không nài nỉ. Ngày mai anh đi Hà Nội hai ngày, anh về lại khoảng chiều thứ tư, anh đến nhà em hay hẹn em ở tiệm kem Bạch Đằng như thường lệ?
- Anh đến nhà em đi. Em cần tắm rửa, nghỉ ngơi chút sau một ngày mệt mõi. Anh đến khoảng 8 giờ tối ha!
- Em nghe lời anh, mỗi ngày về sơm sớm, em nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách, ăn uống đầy đủ, lấy sức cho ngày mai. Không nhạc, không sách, làm sao em sống được, nghe lời anh. Em không giữ sức, em mà bịnh xuống rồi ai lo cho gia đình em. Em còn phải sống cho em nữa, em còn trẻ lắm, đừng mang cái trách nhiệm nặng nề trên vai em.
- Dạ.
Loan cảm động. Lâu lắm mới có người để ý đến những nhu cầu nho nhỏ nhưng thiết thực đó, những nhu cầu không ai có thì giờ nghĩ tới hay hưởng thụ, không ai khuyên ai như thế đã bốn năm nay. Hưng chú tâm đến sự thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày của Loan. Loan lặng người trong suy nghĩ. Lòng mình thực sự đang dần dần yếu đuối vì những săn sóc nho nhỏ đó, mình thèm khát những âu yếm săn sóc, mình thèm được chiều chuộng. Và nổi vui nho nhỏ trên mỗi bước chân đến quán kem Bạch Đằng những chiều hẹn hò, những xúc động thoáng nhanh... Mình đã biết đánh chút phấn hồng, tô chút môi cam hồng bóng mong chờ...
Biển buổi chiều không bao giờ yên lặng. Loan cố vượt sóng, bơi đuổi Hưng. Lâu lắm rồi, Loan không còn đi bơi thường mỗi buổi trưa như trước nữa. Loan bơi không được nhanh nhẹn như mình tưởng, mới chừng năm chục mét đã thấy mệt trong khi đầu Hưng nhấp nhô tuốt ngoài xa. Không thèm bơi đuổi theo Hưng nữa, Loan nằm ngữa người, dang hai tay quấy nước nhè nhẹ để giữ thăng bằng, thả người cho từng lớp sóng đưa từ từ vô bờ, nhắm mắt, để mặc nước biển bắn tung lên mặt theo từng cơn sóng êm hơn khi ra xa bờ, mơ mơ màng màng. Tay Hưng nắm tay Loan, kéo Loan sát thân hình mình. Hai tay cặp nhau, Một tay quậy nhẹ, cả Hưng và Loan thả ngữa cho sóng đưa đẩy. Hai làn da mơn man nhau theo nhịp sóng, lúc chạm lúc rời, ngây ngây. Loan buông tay Hưng, cong chân lấy đà, đổi thế nằm, duổi hai tay thẳng ra phía trước, mặt úp xuống nước, hai chân vổ mạnh để vô bờ cho nhanh.
Ngã nhoài người trên bãi cát mịn nhưng không được trắng lắm, hai tay duổi thẳng theo thân hình, Loan nghiêng mặt âu yếm nhìn ánh mắt Hưng ngây dại, cũng vừa nằm dài xuống kế bên. Tay Hưng lòn vào gáy Loan, gát đầu Loan lên cánh tay mình. Loan xoay người, áp má lên vai Hưng, hít mạnh mùi biển mặn trên da thịt Hưng. Giọng Hưng nhỏ, nhẹ như hơi thở:
- Mình về khách sạn?
- Ưm...
Vừa bước vô phòng, Hưng ôm chặt Loan, nâng mặt Loan, đôi môi nóng mềm hôn nhè nhẹ lên vầng trán rộng, lên đôi mắt nhắm hờ, lên đôi môi đầy ướt, tham lam hôn đắm đuối hơn khi nhận được cử động hôn trả từ cánh môi Loan. Kéo Loan nằm dài ra gường. Thân hình căng cứng mạnh bạo, Hưng nằm nửa người trên người Loan, bàn tay Hưng vuốt vai Loan, kéo tấm áo tắm một mảnh hở gần cả khoảng lưng, môi Hưng tìm kiếm, nâng niu từng phần da thịt Loan mềm nóng. Người Loan mềm, rướng cong theo từng vuốt ve âu yếm của bàn tay, của đôi môi cẩn thận khám phá. Hưng ngạc nhiên, lẫn chút thích thú khi nhận ra sự đón nhận thụ động từ Loan, khi biết rằng đây là lần đầu tiên Loan biết yêu. Bản tính kiêu hảnh của người đàn ông Á đông dù đã quen với nếp sống tây phương vẫn còn trong Hưng.
Cơn đói làm Hưng chỉ trong nhoáng mắt là đã no cứng bụng. Nhìn Loan nhỏ nhẹ từ tốn tiếp tục bữa cơm chiều muộn màng, Hưng cố tìm nét thay đổi trên mặt Loan đã được đánh chút phấn hồng cam, trên môi Loan thỉnh thoảng nhếch nhẹ cười với mình, trên ánh mắt nhìn Hưng cười long lanh. Không chút thay đổi. Hưng tò mò, Hưng muốn tìm hiểu tâm tư người con gái lần đầu nhận hưởng trong đời. Hưng chịu thua.
Cơm xong, Loan tìm hỏi người trực phòng tiếp tân, tài xế taxi của khách sạn, anh xích lô... Tìm một quán cà phê chỉ hát "nhạc vàng", không ai biết. Loan than: "Tội nghiệp Vũng Tầu" Và tiếc rẻ là không đem theo cassette để cả hai có thể ngồi ở một bờ đá vắng lặng nào đó nghe nhạc trong đêm vắng, dưới chân vang nhè nhẹ tiếng sóng vổ bờ. Hưng chọc:
- Em không sợ công an tịch thu máy sao?
- Anh là bùa hộ mạng cho em. Ai dám đụng "Việt kiều yêu nước".
Hưng khó chịu mỗi lần Loan dùng chữ "Việt kiều yêu nước" với giọng mỉa mai, châm chọc. Hưng không muốn làm mất không khí ấm cúng của những ngày ngắn ngủi này nên lờ đi. Loan cũng biết mình đã đi quá lố, Loan nũng nịu:
- Thôi thì mình hát cho nhau nghe. Cái này là em thiệt. Anh biết ít nhạc quá.
Trên băng đá trong khu vườn của khách sạn, lần đầu tiên Hưng nghe lời nhạc:
Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng.
Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đã khóc thương cho người yêu
Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên em mãi thôi.
Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.
Loan nhìn Hưng, dò hỏi, nói nhỏ:
- Anh nghe bài này rồi bỏ đi nha, đừng kể cho ai nghe là em hát cho anh.
- Sao vậy? Phản động? Chỉ là nổi thương tiếc Sài Gòn mà!
- Không có quyền thương tiếc! Phải vui mừng! Ngày xưa, anh còn nhớ biết bao nhiêu truyện, bao nhiêu thơ, bao nhiêu nhạc tiếc nhớ Hà Nội được phổ biến ở miền Nam sau năm mươi tư, có ai cấm không? Chỉ có câu này là mang nổi oái ăm cho cả bài hát: Sài Gòn ơi! Tôi xin hứa rằng tôi trở về. Bài hát chỉ được hát truyền miệng, không rõ tác giả. Nhạc vàng còn không cho nghe tự do thì nhạc này cấm tiệt cũng không oan ức chi mấy. Thôi đừng bận tâm, để em hát bài Màu Tím Hoa Sim cho anh nghe.
.... Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em! em ơi giây phút cuối
Không được nghe em nói
Không được trông thấy nhau một lần
Ngày xưa nàng thích hoa sim tím
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa....
Hưng ngập ngừng:
- Nước mình chiến tranh triền miên, dân mình gian lao mấy chục năm, hòa bình rồi mà sao đa số người miền Nam đều mang một nổi ấm ức nào đó? Đất nước thanh bình, sao không vui? Sao không cùng nhau xây dựng lại?
Hưng không nhận được ánh mắt chợt tối, cái nhếch môi trên gương mặt Loan trong bóng tối. Loan cố kềm giữ, giọng mềm nhũng:
- Phải nói là nước mình hết chiến tranh, hết chiến tranh tại nước mình, nhưng dân mình vẫn còn đi đánh giặc ở nước khác anh ạ! Để củng cố đảng cộng sản trên toàn cỏi Đông Dương. Và thanh niên miền Bắc được ưu tiên miễn đi đáng giặc vì họ đã chiến đấu cho miền Nam trong hai mươi năm, bây giờ đến phiên dân miền Nam.
- Em nghe những chuyện này ở đâu vậy? Em nghe nhiều tin đồn. Những tin không thấy nhắc đến trên báo chí. Em...
- Báo chí? Em ước chi.... mà thôi anh ạ! Một điều em muốn nói là nước mình hết chiến tranh nhưng không có thanh bình. Anh thử quan sát thật kỷ gương mặt mọi người, nét lo âu, ánh mắt nhìn tới nhìn lui, nụ cười không hết, không còn lòng tin... không tìm đâu được nổi bình an trên gương mặt người dân từ lâu rồi anh, bốn năm rồi đó anh.
- Em nói chuyện giống bà chị anh. Chồng chị mất trong chiến tranh nên chị không ưa chính quyền thì còn có thể thông cảm. Còn em và nhiều người...Em không thấy đây là lúc mọi người nên nắm tay cùng xây dựng.
- Nắm tay? Ở vị trí nào? Người ta kéo, mình nhắm mắt chạy theo? Anh có nhận thấy là tất cả các cơ quan quan trọng về mặt kinh tế hay an ninh đều nằm trong tay cán bộ người Bắc, bất kể học lực. Ngay cả những đảng viên tập kết kỳ cựu miền Nam, những người trong Mặt trận giải phóng miền Nam đã từng chiến đấu, có ai ngồi ghế thủ trưởng không? Trường học, bệnh viện, hành chánh cấp quận trở lên có thủ trưởng người miền Nam nào không?
- Em còn phân chia người Nam người Bắc, nước mình thống nhất rồi mà.
- Em buồn ngủ rồi, về phòng nghen anh.
- Không, lần này anh không để em chấm dứt lưng chừng nữa. Hồi nảy em nói: "Em ước chi..." Ý em muốn nói gì?
Giọng Hưng không vui. Loan ngập ngừng:
- Em ước chi... anh không là "việt kiều yêu nước".
- Cái danh hiệu đó do nhà nước tự đặt ra chứ bọn anh có ai thích bị gọi như vậy đâu. Bọn anh hưởng ơn lộc của dân, được đưa ra nước ngoài du học, được trốn tránh chiến tranh. Bây giờ đất nước thanh bình, bọn anh muốn góp phần xây dựng.
- Anh chấp nhận cách hòa bình này?
- Không chấp nhận cũng không làm gì hơn được. Cuộc chiến này đâu phải do chính người Việt mình quyết định.
Nửa nũng nịu, nửa cương quyết, Loan níu cánh tay Hưng:
- Em buồn ngủ, em về phòng đây, anh không đi theo, anh ngồi một mình ma bắt ráng chịu.
Bao giờ Loan cũng tìm cách lẩn tránh khi cả hai vô tình chạm vào vấn đề này. Chính sự lẩn tránh này đã làm Hưng hoang mang, không cảm thấy gẩn gủi thật sự với Loan khi nói chuyện xã hội, Loan có cái nhìn khắc khe quá không? Loan thích bàn chuyện thơ văn, nhạc....nhưng Hưng lại dốt chuyện thơ văn, chữ nghĩa, nên rốt cục Loan thành người giảng giải văn chương cho Hưng. Loan kể cho Hưng nghe những giai thoại văn chương thật thích thú. Hưng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì kiến thức văn chương được tích trử lâu đời nơi Loan, nhất là ca dao, dân ca, thật mới mẻ cho Hưng. Từ trước đến giờ, với Hưng, sách vở chỉ là những triết học dầy cộm, luật học đầy từ ngữ nặng nề, kinh tế học khô khan...
Thật ra, từ khi quen Loan, Hưng bắt đầu quan tâm hơn đến những diễn tiến chung quanh mình, có cái nhìn khắc khe hơn, bắt đầu biết phê phán hơn là khi Hưng mới về Việt Nam cách đây hai tháng, mặc dù ngoài miệng Hưng thường phàn nàn là Loan có nhiều thành kiến. Những người trong gia đình Hưng cũng có cách nói chuyện gần như Loan, và cũng tìm cách lẩn tránh khi đề tài thảo luận đến hồi gây cấn. Trong chuyến ra Hà Nội vừa rồi để bàn thảo thêm về vấn để quản lý một chi nhánh ngân hàng sẽ được mở tại Đà Nẳng mà anh tưởng rằng anh sẽ nhận lảnh trách nhiệm. Hưng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên vì khả năng chuyên môn quá thô sơ trong ngành kinh tế, ngành ngân hàng, ngạc nhiên vì kiến thức về tình hình kinh tế thế giới quá hạn hẹp và chủ quan, ngạc nhiên vì thái độ không thiết tha với tư tưởng phục vụ khách hàng, không xem khách hàng là bạn đồng hành, ngạc nhiên vì lối làm việc quan liêu và nhất là thái độ lo sợ, không tin tưởng, tránh đối đầu, tránh làm việc với những người như Hưng mặc dù chính sách kêu gọi, mời mọc thành phần mà nhà nước vuốt ve bằng danh hiệu "việt kiều yêu nước" về Việt Nam làm việc. Việt Nam chưa biết, chưa dám dùng nhân tài, còn say cơn say chiến thắng, bốn năm! Hưng bắt đầu cảm thấy những lời nói của Loan, của gia đình hoàn toàn là không phải là do thành kiến hay mặc cảm của người thất trận. Nhưng Hưng vẫn chưa chịu là mình ngây thơ, lý tưởng không đúng chỗ như mọi người nghĩ, mặc dù không ai nói ra.
Loan khỏe thật, chỉ thích đi bộ, tìm xuống các làng chài ở Bến Đình để tận hưởng mùi cá khô, mùi nước mắm. Bắt Hưng theo mình thăm hết chùa này đến chùa khác. Vì chùa thường nằm trên những ngọn đồi cao, phải lên cả chục bậc thang đá. Loan không chịu cho Hưng nắm tay. Loan bảo: " Tay trong tay, khó đi lắm, không theo nhịp bước tự nhiên của riêng mình" Hưng phân vân: "Ý Loan muốn nói gì đây? Cô nàng khó hiểu quá! Lúc thì yêu đam mê cuồng nhiệt, lúc thì kín đáo như con ốc đóng cái phên cửa thu mình trong cái vỏ cứng mang sắc thái mỹ miều." Những ngôi chùa vẫn mang nhiều nét đẹp cổ kính ngày xưa nhưng giờ thì vắng tanh vì không còn nhiều phật tử đến viếng, cúng quả cho chùa nhiều như những năm trước kia, nhất khách thập phương từ Sài Gòn. Chùa phải tự túc hoàn toàn. Hưng kiên nhẫn theo Loan, ngồi bên Loan trong những lần hầu chuyện với Sư Ông hay Sư Bà của mỗi ngôi chùa. Nghe Loan nhỏ nhẹ hầu chuyện, Hưng thích thú khám phá ở Loan một cô gái thấm nhuần triết lý đạo Phật trong lớp vỏ cứng cỏi của lớp trẻ Sài Gòn, tự cho mình là hiện thân của một giới trẻ Sài Gòn xưa, hiện thân của sự mất mát vì đổi đời, sống để mà sống, không lý tưởng, tự cao trong nổi đau thất trận của Sài Gòn. Loan tò mò muốn tìm hiểu hoàn cảnh tu hành của chính các vị sư còn ở lại chùa, tò mò về những sinh hoạt thường lệ phải có ở một ngôi chùa. Loan thở dài, Loan đăm chiêu, nói nhỏ với Hưng khi ra khỏi chùa: " Thầy không dám kể anh ạ! Ngày rằm mà chỉ có vài ba khách thập phương... từ chùa lớn đến chùa nhỏ".
Cảnh chùa vắng lặng buổi trưa, được ăn bữa cơm chay thanh đạm, được ngồi dưới gốc cây xoài già thiu thiu ngủ, gió biển, mùi biển Quên hết. Tận hưởng. Ba ngày.
Thức dậy, không thấy Loan bên mình, Hưng lắng nghe tiếng động từ phòng tắm. Im bặt. Quần áo lót nằm rãi rác trên nền gạch bông từ đêm qua vẫn còn đó. Ngạc nhiên, Hưng gọi nhỏ:
- Loan!
Im lặng.
- Em?
Vẫn im lặng.
Nhìn ra cửa sổ, nắng lên khá cao, Hưng định ngồi dậy thì nghe tiếng mở khóa cửa phòng. Tóc ướt, rối tung, mảnh khăn tắm choàng quanh người, chân không, Loan từ ngoài bước vào, nhìn Hưng ánh mắt long lanh cười, vừa khóa trái cửa phòng vừa hỏi:
- Thức rồi hả ông bạn lười? Tắm sáng sớm tuyệt dịu quá. Biển im ơi là im, bải vắng ơi là vắng...
- Còn anh thì đói ơi là đói. Bạn đi lâu chưa? Bỏ người tình nằm chèo queo một mình buổi sáng trời phạt nhá!
Bỏ cái khăn tắm xuống, Loan nằm dài lên giường, vờn đôi môi hơi tái lên cánh mũi, lên trán Hưng, đùa:
- Đói phở hay đói bánh mì ốp la?
Ghì mạnh mặt Loan vào mặt mình, Hưng than:
- Tui đói bạn mà bạn làm bộ làm tịch.
Vừa đẩy Loan nằm bật ngữa, vừa tham lam hôn môi Loan còn mặn nước biển, Hưng vừa luồn tay vào hai vai áo tắm, kéo mạnh xuống. Bàn tay Loan đã biết cử động đúng cách, đúng chổ. Người Loan đã biết chủ động đúng thời, biết thụ hưởng và biết cho. Một thân thể cứng mạnh, một thân thể mềm dẽo uốn theo tửng nụ hôn. Loan cảm nhận sự chiêm ngưỡng từ những vuốt ve của đôi môi nóng, của bàn tay ấm. Hưng đã cho Loan niềm hảnh diện về thân hình mình, người nữ. Chỉ khi yêu và được yêu, người nữ mới biết rằng da mình mịn màng hơn, ngực mình cứng đầy hơn, eo mình thon nhỏ hơn....người nữ mới biểu lộ được hết nữ tính của mình.
Trên taxi từ Vũng Tàu về lại Sài Gòn, Hưng dò hỏi:
- Ba ngày nay có vui như em muốn không?
- Em sống trong hạnh phúc. Quên hết! Em không ước gì hơn nữa. Bây giờ bắt đầu nghĩ đến ngày mai đón xe đò xuống Sài Gòn, ừm, không biết khách hàng còn nhớ em không đây. Anh vui?
Hôn lên tóc Loan, giọng Hưng âu yếm:
- Em hỏi dư thừa, anh không muốn về.
- Em
- Dạ?
- Tuần sau anh ra Hà Nội lần nữa, rồi ghé Đà Nẳng. Lần này là lần bàn thảo cuối cùng trước khi anh có một quyết định dứt khoát là anh sẽ chấp nhận những điều kiện để trở về Việt Nam làm việc hay không. Nói chuyện qua điện thoại, không tin được, nhiêu khê lắm. Anh muốn mọi hợp đồng phải có chứng từ rõ ràng. Nhà nước cần những người như anh chứ anh không cần họ. Chắc cũng phải mươi ngày mình mới gặp nhau được. Anh bắt đầu nhớ em rồi. Mười ngày, nhớ anh không?
Những ngón tay đan chặt nhau, giọng Loan lẻm lỉnh:
- Chưa tới mười ngày, ai biết là có nhớ hay không mà nói trước.
- Khi anh trở về, anh muốn hỏi ý em trước khi anh quyết định.
- Sao anh lại hỏi ý em. Em có nhiều thành kiến không hợp với cái nhìn của anh cũng như nhiều "việt kiều yêu nước".
Hưng nhìn ra quang cảnh hai bên đường, bóp tay Loan, giọng Hưng xa vắng:
- Sao em biết được?
Quay nhìn vào mắt Loan, Hưng hỏi:
- Em có muốn đi chơi lần nữa không. Nha Trang hay Đà Lạt? Mình đi máy bay cho đở mất thì giờ.
Loan nũng nịu:
- Em thích về miền nam, miền Tiền Giang, Hậu Giang. Em chưa đi đâu xa hơn Long An.
- Anh cũng vậy. Hồi còn ở Việt Nam, anh chỉ biết Tam Hà. Sài Gòn xa Tam Hà có 20 km, anh còn chưa rành bằng em. Anh về rồi mình thu xếp nhá!
Tin bốc người đến đột ngột. Loan được ba chổ. Tối nay phải nằm ổ ở Cầu Ông Lảnh, gần bến Chương Dương để chờ "taxi" đón bất cứ lúc nào. Tàu lớn đang nằm ngoài. Loan bàn với Ba Má:
- Lần này con muốn dẫn Út và Linh theo. Linh đang đến tuổi nghĩa vụ, Út còn nhỏ, sẽ bảo lảnh cho Ba Má và Lan dể hơn. Lan ở lại với ba má. Lan đang chuẩn bị thi ra trường. Nếu đi không thành, con sợ Lan hỏng chân, phải có thế đứng hai nơi, phải hoàn tất cái bằng dù có dùng hay không dùng. Con sẽ gởi Lan cho vài người bạn lo cho Lan nếu con thoát được, nếu Lan muốn đi sớm. Lan tháo vát, Ba Má đừng lo. Tiền bạc con đã chuẩn bị để Ba Má và Lan xoay trở được vài năm. Nếu con có bề nào, Lan có thể tiếp tục công việc làm ăn của con, bạn bè con sẽ hướng dẫn Lan.
Loan suy nghĩ một lát rồi nhìn Ba Má, giọng quả quyết:
- Anh Hưng sẽ đến thăm con nay mai, Ba Má cho anh ấy biết sự thật dù con thoát được hay không. Con không muốn dấu diếm anh Hưng về ý định vượt biên của con nữa. Anh Hưng hết lòng với con. Con muốn để anh Hưng hiểu hoàn cảnh của con, để anh tự tìm cách giải quyết.
Lan sắp xếp kẹo chanh, thịt khô, bánh bột đậu nành khô, bánh gạo khô, thuốc men... đã dự trử sẳn. Lan hỏi chị nửa đùa nửa khóc:
- Chị đem theo túi hoa ngọc lan khô hay những cành rong biển chưa kịp khô?
Loan lặng người. Những cành ngọc lan nâu khô còn thoang thoảng thơm trong túi vải màu xanh nhạt hình bầu dục, bằng bàn tay Loan, được viền tỉ mỉ bằng cọng chỉ cũng màu xanh, nằm sâu trong hộc tủ áo hơn năm năm nay. Túi hoa khô Loan nắm chặc như để tìm thêm nghị lực những lúc tưởng mình ngã lòng bỏ cuộc. Mấy cọng rong biển màu rêu đậm nằm trên tủ áo còn mọng nước, còn nồng nàn mùi biển mặn. Nước mắt Loan đầm đìa, giọng Loan nghẹn ngào:
- Chị không đem theo cái gì hết. Nếu thoát, chị sẽ bắt đầu từ trang giấy trắng. Anh Hưng không tha thứ cho chị đâu.
 

Xem Tiếp: ----