Thư ngỏ gửi ông Phan Khắc Hải –Thứ trưởng bộ Văn hoá Thông tinTôi đã được đọc 2 bài viết của 2 tác giả Nguyễn Thanh Giang và Bắc Sơn, nhưng chỉ đến khi tôi được đọc bài viết “Một việc làm vô văn hoá của Bộ Văn hoá vi phạm hiến pháp và luật pháp” của tác giả Nam Sơn, tôi mới được biết cụ thể “đầu cua, tai nheo” cái sự ra lệnh thu hồi và tiêu huỷ 4 cuốn sách của 5 tác giả trong đó có tôi. Tôi cứ ngỡ ông là Thứ trưởng Bộ Văn hoá - thông tin một bang mới của Trung Quốc hoặc ông có dây mơ, rễ má gì với hậu duệ của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng. Vẫn lại cái chuyện “phần thư khanh nho” đốt sách, chôn nhà nho, những hành động man rợ trước đây đã hơn hai ngàn năm lại dám cả gan diễn ra trong thế giới văn minh đầu thế kỷ 21 này!Bốn tác giả: Trần Độ, Trần Khuê, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thanh Giang là những người vào bậc thầy cuả tôi, họ viết hay quá, đúng quá, đang thấm sâu vào lòng người.... làm ông “sợ” mà ông ra lệnh “cấm” còn có “cái lý” của nó, chứ tôi chỉ là một tên lính già đầu bạc “nguyên phong” u ơ vài ba điều giãi bầy cùng bàn bè, cùng con cháu mai sau thì có tội gì mà cũng cấm, cũng tiêu huỷ thu hồi. Cũng nhắc ông cần đọc lại bài “Đọc lại Mác về báo chí tự do” của tác giả Nguyễn Khắc Mai đăng ở báo xưa & Nay số 105 - Tháng 12-2001, Mác có định nghĩa: “Bản chất của báo chí tự do - đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. Báo chí bị kiểm duyệt đó là cái quái dị không có tính cách, là con quái vật được văn minh hoá, cái quái thai được tẩm nước hoa...”Và Mác còn nói: “ở nước có chế độ kiểm duyệt, bất cứ tập sách nào bị cấm, tức là không qua kiểm duyệt mà xuất bản là “một sự biến”. Sách ấy được coi là “kẻ tử vì đạo” thì không thể không có hành quang và những tín đồ…” hoặc Mác còn nhận xét thêm: “Tệ lớn nhất - tệ giả dối gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt... Nó “làm cho nhân dân quen coi cái phạm pháp là tự do, coi tự do là phi pháp, coi cái hợp pháp là cái không tự do. Chế độ kiểm duyệt bóp chết tinh thần quốc gia như thế đấy!”Và đi xa hơn nữa là ông thứ trưởng còn chỉ thị cho các cơ quan chức năng xem xét và xử lý đối với các tác giả.Ông khỏi lo... 2 ngày sau Đại Hội Đảng IX tức là ngày 24-4-2001 tôi đã bị bắt và ngồi tù rồi! Vậy mà khi dư luận trong nước dấy lên sự phản đối việc bắt giữ tôi và các tổ chức nhân Quyền thế giới chất vấn chính phủ ta về việc bắt giữ CCB Vũ Cao Quận thì bà Phan Thuý Thanh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao chối bai bải là không hề có việc bắt tôi, chuyện bắt tôi bỏ tù là chuyện bịa đặt, vu khống của kẻ xấu. Vậy là lần này ông có ý định bắt bỏ tù cả 5 người không?...Về việc ký quyết định sai trái vô văn hoá, vô pháp luật của ông đã được các ông Thanh Giang, Bắc Sơn và Nam Sơn (và chắc sẽ còn nhiều người nữa) phân tích, phê phán đã quá đầy đủ, quá sâu sắc nên với trình độ “nghiệp dư” của tôi, tôi không có gì để bổ sung nữa. Khi nghe có quyết định sai trái của ông, người chiến sĩ liên lạc cũ của tôi ở chiến trường Tây Nguyên năm xưa (hiện giờ cũng là một nhà sử học) xa cách nhau gần 20 năm trời đã lặn lội từ Hà Nội về Hải Phòng dò hỏi thăm tìm bằng được tôi, người thủ trưởng cũ của anh. Hàn huyên thì nhiều nhưng khi chia tay anh nói: “Em có quen biết Phan Khắc Hải. Thôi anh đừng trách hắn, hắn phải ký quyết định cũng chỉ vì cái ghế và miếng cơm manh áo mà thôi!”Thế ra ông cũng là một nhà Marmitisme. Trong giai đoạn hiện nay, nhập nhằng hai tiếng “Mác-xít” với “Mác-mít-tít” na ná giống nhau nên cũng lừa được khối người.Tôi bị bệnh cùng với tuổi già nên rất ngại khi viết lách, nhưng đúng là “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, cũng cần có đôi lời!Là một người đã làm tới cấp Thứ trưởng cũng nên có chút ít lòng tự trọng khi biết cần phải đặt bút ký cái gì và cũng cần biết từ chối ký cái gì, để lại cho con cháu ông một phần nhân cách.Cụ Vũ Trọng Phụng mất đã lâu nhưng để lại đời những nhân vật văn học “đáng nể” cho hậu thế. Tôi cũng xin phép nhà thơ Xuân Sách trích mấy câu thơ phác hoạ chân dung để nhiều người có quyền chức cũng cần suy ngẫm và cũng là câu kết cho bài viết này:Đã đi qua một thời “Giông tố”.Qua một thời “cơm thầy, cơm cô”.Còn để lại thằng “Xuân tóc đỏ”.Vẫn nghênh ngang cho tới tận bây giờ! Kính!Đầu Xuân Nhâm Ngọ 2002Người lính già Vũ Cao Quận