Hải Phòng ngày 20 tháng 9 năm 2000Anh Thanh Giang thân quý và kính trọng.Chiều ngày 13/9/2002 nhận được “Tuyển tập Thôi Hữu” của anh gửi tặng. Tôi biết rất ít về đời tư cũng như sự nghiệp văn chương của bác Thôi Hữu nên khi cầm “tuyển tập” một linh cảm về kiến thức, tôi tin rằng tôi sẽ tìm được nhiều điều hay và những ý tưởng uyên thâm và tốt đẹp ở “Nhà báo - nhà văn - nhà thơ” đã trở thành nguời thiên cổ. Như một anh “thày bói nói dựa” tôi đã nghĩ không sai về “tuyển tập”. Thật là tuyệt vời... cứ như là Thôi Hữu đang sống cùng chúng ta và đang nói những điều chúng ta đang trăn trở suy nghĩ. Càng đọc, càng thấy Thôi Hữu như một nhà tiên tri: Tắm mình trong cái bối cảnh hùng tráng và đau thương của dân tộc những ngày đầu của cách mạng Tháng Tám và 5 năm trong kháng chiến trường kỳ (tính đến ngày ông mất) ông dấn thân cho một sự nghiệp thiêng liêng và cao cả, ông tin tưởng chiến đấu vì nó, nhưng chính ngay ở những giờ khắc lịch sử ấy ông đã lường trước được” cái mặt sau của tấm huân chương” cái mà từ khi tôi biết đọc sách của các nhà văn tiền bối chưa từng một ai có một linh cảm tuyệt vời như ông. Những dòng tôi viết dưới đây không dám “phạm thượng” nhận định và đánh giá về Thôi Hữu mà chỉ cảm nghĩ về một bậc cha, chú tài hoa mà bạc mệnh. Nếu có gì thất thố cũng xin chị Tuyết Mai và anh bỏ lỗi!Xin mở đầu bằng một nhận xét của Thép Mới: “Có lẽ Thôi Hữu chưa để lại cho chúng ta một cái gì lớn... ” những ý tưởng lớn vốn không có hình hài, kích thước mà để so sánh lớn hay nhỏ, nhưng khi biết những dòng này tôi thấy Thôi Hữu rất lớn với cuộc đời ngày hôm nay ở những suy nghĩ, trăn trở tưởng như rất nhỏ: “Nhiều người bảo bố tôi là hay chạnh lòng, hay day dứt trước một biểu hiện nhỏ mà ông cảm thấy sứt mẻ trong quan hệ đồng chí... ” Lời của Lan Hương. “Nhà báo Thép Mới cho rằng đó là điểm yếu của bố tôi. Nếu còn sống đến sau này, đời ông sẽ có thể gặp nhiều trắc trở?... Điều của Thép Mới dự đoán cũng là điều khẳng định. Với tấm lòng nhân ái, trung thực, với nhạy cảm về nhân tình thế thái, với nhãn quan chính trị... nếu Thôi Hữu còn sống thì Thôi Hữu sẽ là người đi “mở đường” trước cả nhóm Nhân văn Giai phẩm và ngày hôm nay anh và tôi cùng vô vàn người khác đi theo con đường ấy. Và cái điều không thể tránh khỏi là Thôi Hữu sẽ lần thứ hai vào Hỏa Lò Hà Nội. Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính... chả là những minh chứng hay sao? Không ai muốn chết sớm bao giờ, nhưng chuyện “Tái ông mất ngựa” vẫn cho ta một niềm an ủi.Trong “tuyển tập” tôi “nhặt nhạnh” được Thôi Hữu bao điều “cũ mà mới” và trong những điều ấy có một điều mà chúng ta lại sẵn sàng “xả thân” vì nó: “... Sang đó cậu cố xem xem người ta thiết lập và tổ chức nền dân chủ thế nào. Băng một linh cảm quí báu, anh chàng đó ngay từ ngày đó đã thấy một cái gì chưa thật ổn...! (Lời của Thép Mới) Tuyệt vời thay! Ngay những năm đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có lẽ chỉ có Thôi Hữu là nguời đầu tiên duy nhất “ngờ ngợ” về nền dân chủ này ở buổi đầu trứng nước, là người phát hiện “cái gót A-sin” của những người Cộng sản dù chính ông cũng là một người Đảng viên, Chỉ nghĩ đến điều này thôi, thì cuộc đời tôi phải qùy xuống lạy 3 lạy thì chỉ có 3 người nếu tôi được gặp. Hai người là ông bà Châu ở phòng 1 – nhà B9 - Thủ Lệ I - Cầu Giấy người nuôi dưỡng anh thương binh điên suốt 5 năm trời vì lòng nhân ái, phúc đức của hai ông bà. Và hôm nay, nếu được đứng trước nấm mộ ông ở Võ Tranh xa xôi vì sự dự đoán thiên tài có một không hai ở ông.“... Hỡi sách vở! Các người đã làm ta cao quý, nhưng cũng đã bắt ta làm nô lệ! Nhục nhã cho ta biết bao! Khi các người ra đời, hẳn không ngờ rằng sẽ gặp một nhân loại mau vâng lời như một đứa con nít và mãn nguyện như một kẻ giầu sang. Họ đã yên trí sống theo lời các người khuyên bảo và vui vẻ nằm trong những khuôn khổ mà các người đã tạo tác. Họ nhận cuộc đời như các người đã trình bày cho họ biết, chẳng gắng công tìm kiếm những cuộc đời khác phong phú hơn muôn phần.Ta nằm trong khuôn khổ cũ, cố đặt bày những hình thức mới để che đậy cái tầm thường của những ý tưởng nghìn xưa...”“... Có lẽ ta chẳng có tài sáng tác được như ai. Nhưng sáng tác làm gì, nếu chỉ để bôi thêm một nước vôi nhợt nhạt lên muôn nghìn nước vôi khác như một pho tượng qúa thời?”Hỡi sách vở! Các người là những cây thơm mát mọc ở trên con đường thời gian mờ mịt. Mỗi cây chỉ làm thêm một đoạn đường. Đừng bắt khách bộ hành đứng mãi dưới chân các người. Khách bộ hành sẽ chậm bước và nghèo nàn vì chỉ biết có một thứ hương.Ta sẽ bỏ các người, chẳng phải vì bạc bẽo, mà chỉ để kịp bước thời gian... ”Những lời trên là những “áng thơ triết học” những tiên tri và những sấm truyền. Sấm Trạng Trình tôi chỉ nghe qua và xem lời truyền tụng với những điều huyền bí xa xăm. Còn “Sấm Thôi Hữu” như ông đang đứng trước ta, giảng giải và muốn tranh luận với những kẻ còn tin vào những mớ giáo điều đang han rỉ và đang dần mục nát với thời gian.“Tôi thương xót những chàng trai cùng thế hệ với tôi cũng đang chìm đắm trong lầm than, ngu tối. Cả một luân lý nghìn xưa làm cho họ ươn hèn, nô lệ, cả một sự sống khắt khe đã làm cho họ ích kỷ, ngu đần.Tôi liên tưởng đến những kẻ miệng hô hào những thuyết lý vị tha, ca ngợi những tinh thần cao thượng anh hùng mà thật ra rất hèn hạ, lý tài, hám danh, ích kỷ, kiêu hãnh ở cử chỉ hàng ngày...”Chị Tuyết Mai ơi! anh Thanh Giang ơi! và cùng các cháu nội ngoại của ông, bên chiếc máy chữ vô tri, vô giác tôi muốn “ôm” lấy linh hồn bác mà nói: “Bác ơi! những gì bác nghĩ, bác nói đã trôi qua hơn nửa thế kỷ rồi hôm nay tôi mới được đọc. Thì ra... bác đã nghĩ trước, nói trước cả rồi. Thật là tự hào khi anh chị và các cháu có người cha, người ông tuyệt vời đến “nao lòng”! Những chàng trai cùng thế hệ với bác phỏng còn được mấy người không bị chìm đắm trong lầm than, ngu tối. Tôi chỉ là một kẻ xa lạ đứng bên lề của gia đình anh chị nhưng tôi sung sướng thay, hạnh phúc thay khi những suy nghĩ, những con chữ của chính tôi được xếp hàng đi theo con đường đầy khắc khoải, suy tư của bác từ những năm xưa, để “Rồi ra đi đến đâu đầu cũng ngẩng lên gió lộng”.“... Lúc về Hà Nội, đến các làng ngoại thành quen thuộc, thấy các đồng chí mỗi người một bàn nhưng không còn thân thiết chia xẻ với nhau như hồi còn lăn lóc bên bụi chuối, ổ rơm. Bố tôi buồn mãi và tâm sự với bác Tô Hoài: Ngồi bên ghế mình lại nhớ ổ rơm...! ”. Giờ đây bác đã ở cõi vĩnh hằng xa thẳm thẳm liệu còn nhớ chuyện người xưa: Giới Tử Thôi phò vương tử Trùng Nhĩ khi cơ hàn khoét thịt đùi nấu với rau rừng dâng chúa để rồi chết thui giữa chốn rừng xanh. Rồi Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ dựng cơ đồ, Phạm Lãi lận đận theo Việt Vương Câu Tiễn giành lại sơn hà và Việt Nam ta có Trần Nguyên Hãn đệ nhất công thần theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa... để đến nỗi người chịu cực hình tàn khốc, kẻ phải đào nhiệm cao chạy xa bay và thân anh hùng lại đáy nước gieo mình! Còn thời hiện đại “cẳng đậu đun hạt đậu” và “dê lại giết dê” gây ra bao thảm cảnh, tôi không dám nhắc lại để chốn người hiền bác đỡ đau lòng. Khi gian nan cùng chung vai gánh vác, chia xẻ ngọt bùi. Lúc vinh hoa phú quý thì quên tình xưa nghĩa cũ, âu cũng là lối mòn lịch sử xưa cũng như nay.Những lời nói với “hỡi sách vở... ” của Thôi Hữu phải chăng một linh cảm mơ hồ nào đó mà ông giúp chúng ta ngày hôm nay phân tích một cách nghiêm túc về những sai lầm của học thuyết Marx, nó không tưởng, nó duy ý chí và những câu chữ của nó phải dừng lại trên sách vở làm cột mốc cho một đoạn đường lịch sử, mà đã đến lúc tầm vóc của thời đại không cần đến nó nữa!“... Ta sẽ bỏ các người chẳng phải vì bạc bẽo, mà chỉ để kịp bước với thời gian...! ”Trong thư này nay tôi hay lặp đi lặp lại chữ “tuyệt vời” vì Thôi Hữu tuyệt vời quá với cuộc đời tôi, ông nói hộ tôi những điều tôi chưa đủ hiểu biết để nói. Giá tôi được đọc ông sớm vài ba năm thì khi tôi ra Đảng tôi chả có điều gì phải trăn trở, day dứt. Ta bỏ ngươi chẳng phải vì ta bạc bẽo, ta quên lời thề năm xưa mà chỉ để kịp bước với thời gian... Những lý luận của ngươi đứng lại còn ta đủ trí khôn để không dừng bước theo ngươi!Giở đến trang có bài của Hữu Thọ: Anh nên nằm ở đâu? Đọc xong nỗi bực bội buộc tôi viết thêm vài dòng.“Anh có đủ lại “phẩm hàm” để chúng tôi đề nghị rước anh về Mai Dịch...! Đọc câu này thấy “ghê ghê” cả người khi nghĩ về những người cộng sản. Lúc sống thì bon chen, công hầu khanh tướng khi chết thì toan tính tranh chỗ để nằm. Tôi chợt nhớ đọc một đoạn một bài viết của anh đã lâu có nói về ngôi mộ của Tổng thống Ken-nơ-dy trang nghiêm, giản dị nằm lẫn với dân thường mới thấy lợm giọng về bọn trọc phú hãnh tiến. Trách chi trong dân đã có câu: Khi sống chúng cũng xa dân đến khi chết chúng cũng vẫn xa dân! Xin bác Thôi Hữu cứ yên nghỉ trong lòng dân, nơi an nghỉ của những người tử tế.Anh Thanh Giang ơi! Anh thật là có hồng phúc: Bố vợ thế, con rể thế, thế thời phải thế! Xin anh tiếp tục làm rạng danh cho người đã khuất. Xin cám ơn anh, cám ơn chị Lan Hương (xin tò mò một chút Lan Hương với Tuyết Mai có phải là một không anh?) đã cho tôi được biết một Thôi Hữu tuyệt vời, chỉ tiếc một điều là biết về ông quá muộn.Xin ngừng lời và tạm biệt anh trong tình lưu luyến.Rất thânVũ Cao Quận