Con bé giương cặp mắt tròn xoe, hỏi: - Rồi sao nữa, Bà? - Thì bà đem bố mày với các bác mày sang đây, chứ còn sao nữa! - Rồi Bà có nhớ Ông không, hở Bà? - Rõ ngớ ngẩn, mày lôi thôi quá! - Bà ngượng, hả Bà? Bà nói đi, cháu không mách mẹ đâu. - Mày lôi thôi quá, cháu. Giống mẹ mày quá hà. Con bé cười ngặt nghẽo khi bị mắng. Nó bắt chước mẹ, hỏi khó bà nội. Mẹ nó yêu Bà lắm. Từ ngày nó lớn một chút, nó thấy mẹ nó hay trêu bà nội như vậy. Và mỗi lần bị mẹ nó trêu, bà thường mắng: "Cô này, sao lôi thôi quá! Lo đi nấu cơm đi, cậu ấy sắp về tới rồi, không có cơm, cậu ấy lại nhăn mặt lên bây giờ." Đã không giận vì bị bà mắng, nó còn nói hùa theo: - Con giống Mẹ quá ha Bà? Bởi vậy con là Con Cá mà mẹ là Mommy Cá. Bà nó lại mắng: - Mày hư quá cháu! Lúc nào cũng gọi mẹ mày là Mommy Cá. Đâu có con cái nhà ai như mày đâu? - Con biết mà Bà, đâu có con nít nhà nào được mẹ gọi là Con Cá đâu, Bà. - Mẹ con nhà mày thiệt là lạ lùng. Tối ngày cứ Con Cá, Mẹ Cá. Có ngày bà đem ra kho tộ, nấu canh chua cho bố mày ăn hết bây giờ. Con bé lắc đầu nguầy nguậy: - Ấy dza! đừng bà ơi! Bà với bố có muốn ăn cá kho tộ thì để con chạy ra tiệm mua cho, chứ đừng có đem con cá này và mommy cá của con ra kho tộ và nấu canh chua, tội lắm bà ơi. - Bà đùa với mày thôi, mẹ con mày lúc nào cũng như con nít. Nói chuyện với nhau riết rồi bà chẳng biết mẹ con mày ra sao nữa. Rồ quá! - Bà à, Mommy-Cá với Con Cá chỉ hơi "mát-mát" một chút thôi. Hoàng Uyên vừa làm cơm, vừa nghe hai bà cháu nói chuyện với nhau. Nàng mỉm cười khi nghe con gái cứ đùa dai với bà nội. Con bé vừa tròn mười bảy, hết năm nay là lên đại học mà tính tình vẫn còn như đứa con nít. Ngày còn nhỏ, Uyên Thi thích nghe nàng nói "Mẹ thương con quá." Nói hoài, nàng nói tắt thành "Thương con quá." Rồi từ từ giảm xuống còn "Thương quá." Vậy mà con bé không chịu, than phiền: - Mẹ nói "thương quá," con đâu biết mẹ thương ai! Mẹ thương bà nội quá, hay mẹ thương bố quá, vậy? Uyên cười, chiều con: - Thương con quá, được chưa? Con bé cười tít mắt, gật gật cái đầu, ra chiều chiến thắng: - Được rồi, được rồi. Rồi không biết từ lúc nào, tên con bé trở thành Con Cá. Và từ lúc tên nó thành Con Cá thì tên của Uyên cũng biến thành Mommy Cá. Tiếng con bé hỏi tiếp: - Bà ơi, rồi ông nội bị té máy bay hở bà? - Con nhỏ này! Ông nội bị Việt Cộng bắn rớt máy bay chứ Ông nội té máy bay bao giờ. - Ủa, rớt máy bay khác với té máy bay, hở bà? - Bà đã nói hoài rồi, mà mày vẫn không chịu nhớ. Mày cứ ưa hỏi vớ vẩn quá! Con bé nhìn mẹ đang đứng trong bếp, nó nháy mắt với Mẹ. Hoàng Uyên mỉm cười, nàng biết con bé đang cố tình khơi chuyện cho Bà nói, chớ thật ra nó biết tỏng là ông nội nó đã bị chết trong một phi vụ ngày xưa. Mỗi lần Bà kể cho nó nghe về Ông, nó hay trêu bà như thế. Khi nó còn nhỏ, mỗi lần Bà kể chuyện cho mẹ nó nghe, lúc nào nó cũng thấy Mẹ lấy Kleenex lau mắt. Sau này lớn lên nó nghe Mẹ kể lại là ngày xưa, ông nội nó đẹp trai lắm, Ông làm phi công, hay lái máy bay đi đánh giặc và lần bay cuối cùng của Ông bi. Việt cộng bắn trúng và đã tử nạn. Từ đó Bà đã một mình lo cho các bác và bố nó. Qua đến Mỹ các bác ở riêng, còn Bà thì ở với bố mẹ nó. Thỉnh thoảng các bác đến thăm Bà, mà mỗi lần nghe Bà nói chuyện, các bác hay la là "Khổ quá! Mợ cứ nói hoài ba cái chuyện cũ rích." Bà nghe vậy thì không nói nữa. Lúc chỉ còn mẹ nó, bà bảo: "Chỉ có cô là còn chịu nghe tôi nói, chứ các anh, các chị ấy thì không muốn nghe nữa." Mỗi lần nghe Bà nói vậy, mẹ nó chỉ cười và vỗ nhẹ vào vai bà. Con bé lại liếng thoắng: - Con vớ vẩn quá, phải không bà? Mà bà ơi, có phải là Ông nội "bảnh giai" lắm, hả bà? - Mày còn phải hỏi, Ông nội mày là bảnh trai nhất. - Vì vậy mà Bà "mê" Ông, hở bà? - Bố mày, mày chỉ giỏi chọc phá thôi. Làm bài vở gì xong chưa cháu? - Hết homework rồi Bà ơi, Bà muốn đuổi con đi chỗ khác chơi, hả Bà? Đưa răng cắn nhẹ vào sợi chỉ xong, Uyên cầm cái áo đưa cho bà Tâm, dịu dàng nói: - Mẹ coi như vậy được chưa, nếu chưa thì con sửa lại. Bà Tâm cầm cái áo, ướm ướm lên người, đáp: - Thôi được rồi. Mà này cô, mấy hôm nữa thì đi dự lễ ra trường của con Bé nhỉ? - Dạ hai tuần nữa. - Sao cô không bảo nó ở đây mà học, đi xa làm gì cho mất công vậy không biết nữa? - Dạ cháu được học bổng mà không cho đi thì cũng tội. Bà Tâm ngập ngừng hỏi: - Cái thằng bé hôm qua đến nhà mình chơi đó, nó con cái nhà ai cô có biết không? - Dạ không, - Nó người gì cô nhỉ? - Dạ, người Tàu - Con Bé nhà mình thích người Tàu đấy à? - Bạn thôi mà mẹ. - Cô nhớ bảo với nó là Tàu đã đô hộ dân ta hơn ngàn năm rồi đấy nhé. - Vâng, con sẽ bảo cháu. - Thế cô đã mách với bác Trang chưa? - Dạ rồi - Bác Trang nói sao? - Dạ, chị nói là đâu có sao. Tàu nó đô hộ mình, bây giờ để con bé nó trị lại thằng bé Tàu, để trả thù dân tộc. Bà Tâm phì cười: - Cô Trang nhà này lúc nào cũng đùa được. Thế Bố nó nói sao? - Dạ, anh nói anh đồng ý với bác Trang. Bà Tâm lắc đầu như chịu thua: - Tôi cũng hết ý kiến với anh chị em nhà này rồi. Nhìn con bé mặc chiếc áo màu đỏ rộng thùng thình, với cái nón ngộ nghĩnh trên đầu, đứng cùng những người bạn trên sân khấu, Hoàng Uyên tìm tay chồng xiết nhẹ. Bên cạnh nàng, bà Tâm đưa khăn lên chấm những giọt nước mắt đang chảy. Mới ngày nào nó còn bé tí mà giờ đây đã học xong trung học và sắp vào đại học. Cháu bà bây giờ là "cô Tú" rồi, cũng áo mão rình ràng, có thua ai đâu. Ngày xưa, chỉ có các ông nghè mới được áo mũ màu đỏ, bây giờ cháu bà cũng được mặc áo đỏ, đội mũ màu đỏ, sang quá! Tuy nhiên có một điều khác là cháu bà, dù áo mão rình ràng mà vẫn như đứa con nít. "Con Bé Tân Thủ Khoa," bà mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Bà yêu nó lắm, không biết rồi những năm tới đây, khi nó đi học xa nhà làm sao bà chịu nổi. Bà quay qua nhìn con trai, gương mặt Huân giống y như chồng bà ngày xưa làm bà nhớ chồng quay quắt. Bà thấy con trai cũng đang cố dấu những giọt lệ hạnh phúc. Bà Tâm sung sướng ngắm cháu đứng đọc diễn văn trên sân khấu. Bà hãnh diện lắm. Con bé vừa xinh xắn, vừa ngoan, lại vừa học giỏi, thế mà lại đi thương một Thằng Bé Tàu. Thật là uổng! Bà nghĩ đến chuyện ngày xưa, công chúa Huyền Trân, vì việc nước mà phải lấy vua Chàm, Chế Bồng Nga (°). Bà tự nhủ tối nay khi về nhà bà sẽ kể chuyện lịch sử này cho cháu nghe. Bà chỉ mong cháu bà quen với một cậu Việt Nam thì tốt biết chừng nào. Bà có thể nói chuyện được với cậu ta như là nói chuyện với con bé, thế nhưng bà chưa bao giờ nói cho ai nghe niềm mơ ước của bà. Ngày xưa, bố mẹ bà đặt đâu, là bà ngồi đó. Nhưng bà may mắn gặp được người chồng bà yêu kính nên mọi sự êm đẹp. Khi Huân lớn, Huân đã tự chọn lựa, rồi về xin phép bà đi cưới. May là Hoàng Uyên hiền lành, dễ thương nên bà cũng đỡ buồn. Tiếng con bé làm bà giật mình: - Bà nội ơi, bà nội có mệt không? Bà ngước nhìn cháu, bên cạnh nó, Thằng Bé Tàu bà mới gặp hôm nào, đang đứng khoanh tay nhìn bà, bà mỉm cười với cháu mà lòng không mấy vui, thì thằng bé đã lễ phép thưa: - Thưa bà có khỏe không ạ? Bà ngạc nhiên nhìn cháu, hỏi: - Bạn con biết nói tiếng Việt à? - Con mới chỉ cho Alan vài câu thôi bà nội à, Alan muốn học tiếng Việt để nói chuyện với bà nội. Bà nhìn Alan với một chút cảm tình, hỏi: - Cám ơn cháu, cháu có khỏe không? - Dạ có, cám ơn bà. Bà Tâm bỗng thấy gần gũi với thằng bé hơn cả những đứa cháu khác của bà nữa. Thôi thì cũng mong nhờ ơn phước của tổ tiên, may ra Alan sẽ thương con bé và rồi mọi việc sẽ cũng đâu ra đó. Bà chợt nhớ lại những câu chuyện của các bà bạn kể cho bà nghe là thời nay, tụi nhỏ đặt đâu thì bố mẹ phải ngồi đó, chứ không còn như thời xưa ở Hà Nội nữa. Bà nhủ thầm: Cô Trang nói vậy mà cũng hay, ăn thua phước nhà mình cả. Bà bỗng nghĩ đến chuyện Chử Đồng Tử ngày xưa, từ tứ cố vô thân, nghèo xác xơ mà còn được My. Nương công chúa thương, lấy làm chồng (°). Thôi cũng là duyên nợ cả. Bà nhìn cô cháu cưng, đứng bên cạnh "Thằng Bé Tàu" rồi mỉm cười./. HiềnVy (°) Tác giả cố tình viết sai những chi tiết về Sử trong truyện để thấy là mặc dù Bà Nội không am tường Sử Việt lắm mà vẫn có thành kiến với Tàu.