Cha tôi là thợ săn – một người thợ săn nổi tiếng với những huyền thoại khó tin. Người ta đồn đại rất nhiều về ông, về tài tài bắn súng bách phát bách trúng. Người ta bảo, con thú nào vô phúc gặp ông, có nghĩa là không bao giờ còn đường trở về. Muông thú trong rừng sợ ông hơn sợ chúa sơn lâm. Tôi chẳng mấy khi tin. Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm.
Tôi sống với cha tôi trong căn nhà nhỏ ở làng săn ven rừng. Tôi không có mẹ. Tôi chưa bao giờ thấy sự có mặt của bất kỳ người phụ nữ nào trong ngôi nhà này. Cha tôi không nói và tôi cũng không bao giờ hỏi. Nếu người ta phục ông về tài săn thú thì tôi phục ông về sự kín tiếng. Cha tôi rất ít lời. Đôi khi tôi nhìn cái dáng đi uyển chuyển oai vệ, đầy kiêu hãnh của cha tôi và nghĩ, ông giống như một con báo. Con báo chắc gì đã ít nói như ông. Ngày ngày, tôi ở lại trong căn nhà nhỏ, chờ cha tôi cùng đám bạn săn của ông trở về với những con mồi. Cả làng săn lúc ấy thật nhộn nhịp. Đàn ông thì cười nói hỉ hả và lôi rượu ra uống còn đàn bà con gái xẻ thịt lột da những con mồi bắt được để chia cho từng nhà. Cha tôi vẫn ngồi trầm ngầm bên chiếc bàn gỗ, mắt ông hun hút về một nơi vô định.
Người ta thường bảo tôi không giống cha, tuy thừa hưởng của ông cái cằm vuông, chiếc mũi thẳng. Cha tôi kiêu bạc lặng lẽ, tôi ngang ngược ồn ào. Cha thích đi vào rừhg, tôi, ngược lại, ao ước xuống đồng bằng, rời xa rừng núi. Cha tôi dạy tôi cầm lao, tôi chỉ thích cầm bút vẽ. Mỗi chiều, tôi lên núi cao nhìn xuống đồng bằng. Tôi vẽ biển bằng than, bằng bút mực, bằng nước lã. Biển tôi vẽ chẳng bao giờ giống biển ở dưới xa kia.
Cha tôi không hài lòng. Với ông, nghệ thuật chỉ là một thứ ảo tưởng, chúng không đem lại lợi ích, chúng chỉ lừa mị và ru ngủ con người. Tôi lớn lên trong câu nói của cha: Con hãy nối nghiệp cha, con là một thiên tài bẩm sinh về săn bắn. Đừng phí phạm tài năng của mình. Nhưng tôi không cầm đến vũ khí đi săn, tôi nghiến ngấu những cuốn sách hiếm hoi của một người đàn ông cô độc ở cuối làng. Một người đàn ông lạ lùng với những cuốn sách lạ lùng. Một tuần ông chỉ xuống thị trấn một lần và trở lên với những cuốn sách và một gói thuốc lá sợi. Ông cũng ít nói, nhưng mỗi lần ông nói, tôi thấy thấp thoáng trong đó một thế giới khác thế giới mà tôi đang sống. Cũng những chiêm nghiệm, nhưng chúng không mơ hồ, chúng đau đáu về những điều con người ta đã có và người ta đã mất. Tôi thấy những cánh buồm lộng gió, một mái tóc dài và một đôi mắt đen trong đôi mắt nâu xám của ông.
Tôi hay ngồi trò chuyện với người đàn ông ấy, người đàn ông không nhớ nổi tên tuổi của mình nhưng lại có một trí nhớ kỳ lạvề cuộc sống, về những sách vở ông đọc từ thời ấu thơ. Và thật ngạc nhiên, khi biết tôi đam mê hội họa, ông đã dạy tôi học vẽ. Oâng ngồi bất động hàng giờ làm mẫu cho tôi ký họa, ông lôi từ trong một cái thùng sắt hoen rỉ những quyển sách quý về hội hoạ. Ông dạy tôi cách phác họa một bức tranh, thế nào là màu pha và thế nào là màu cơ bản. Tôi ở lỳ cả ngày ở nhà ông và chỉ trở về vào buổi chiều, lại là một đứa con ngoan chờ cha trở về với gương mặt ngây thơ đến vô lý.
Mười bảy tuổi, tôi rời núi xuống đồng bằng. Cha tôi ngồi lặng hàng giờ bên chiếc bàn khi biết tôi có ý định đi học vẽ. Ông trầm ngâm: Con ơi! Nghệ thuật là một thứ nguy hiểm còn hơn cả săn bắn. Con chỉ đề phòng con mồi ở trước mặt, còn nghệ thuật thì phải đề phòng cả trước mặt lẫn sau lưng! Nhưng dù thế nào đi nữa, cha biết cha không thể giữ được con. Vậy mà cha tưởng mình giờ đây đã có thể an nhàn hưởng tuổi già vì có con nối nghiệp. Đi đi và nhớ mau chóng trở về! Con phải nhớ đây mới là nhà của con.
Lần đầu tiên trong đời cha tôi nói với tôi nhiều như thế. Tiễn tôi đi có cha và người đàn ông đơn độc, người thày hội họa đầu tiên của tôi. Ông không nói gì, chỉ vỗ vỗ vào vai tôi và vẫy tay tạm biệt. Cha tôi khóc, nước mắt ông làm tôi quặn lòng. Dáng dấp kiêu bạc của ông như còng xuống, tóc ông lốm đốm hoa râm. Mười bảy tuổi tôi bắt đầu tìm kiếm con đường riêng của mình, mười bảy tuổi tôi rời nhà ra đi.
Tôi đi tầm sư học đạo. Tôi làm thuê trong các xưởng vẽ, xưởng quảng cáo, tôi giao du với các sinh viên trường họa, tôi lân la ở các phòng triển lãm tranh của các họa sĩ đương thời. Tôi vẫn không tìm thấy người sẽ trở thành thầy của tôi. Những bức tranh tôi xem và những họa sĩ tôi gặp chỉ toát lên màu sắc phổ biến tầm thường. Tất cả không mang lại cho tôi cảm giác gì, chỉ nhàn nhạt và đơn điệu.
Tôi gặp nàng trong một phòng tranh như thế. Nàng rực rỡ, nổi bật trên những màu sắc quanh nàng, như thể nàng là một bức tranh hoàn hảo và sống động, như thể nàng mới là những gam màu tuyệt diệu và độc đáo nhất. Vạt áo của nàng phất nhẹ vào tôi khi nàng đi qua. Tôi chưa bao giờ thấy có một cái gì mong manh và gợi cảm đến thế. Tôi chợt khao khát được ôm ghì lấy nàng, che chở cho nàng. Và tôi thẫn thờ theo nàng dọc theo những con phố đông. Bất chợt nàng quay lại:
- Anh là người của thế kỷ trước, phải không?
Tôi lúng túng:
- Sao cô lại nghĩ như vậy? Tôi già nua lắm hay sao, hay là cổ quái?
Nàng nhún vai:
- Chẳng có gì trong hai thứ ấy. Nhưng thời buổi này chẳng người nào còn đủ lãng mạn như anh để lẳng lặng theo sau một cô gái suốt hàng chục dãy phố. Bọn thanh niên bây giờ chỉ sàm sỡ thô bạo hoặc tán tỉnh rẻ tiền. Anh làm tôi ngạc nhiên. Nếu anh không phải là người ở thế kỷ trước thì anh là một kẻ điên khùng vậy!
- Nhỡ tôi theo cô vì một ý đồ xấu xa nào đó? Giết người cướp của chẳng hạn?
Nàng cười phá, tiếng cười lảnh lót lượn vòng quanh tôi:
- Anh? Với cái khuôn mặt thật thà tội nghiệp và non nớt kia sao? Anh cũng biết cách hài hước đấy! Vả lại tôi cũng chẳng giàu có gì. Anh nhìn xem.
Nàng chìa đôi bàn tay thon mảnh dẻ trước mặt tôi. Chỉ một chiếc nhẫn nhỏ xíu. Không còn gì khác.
- Có đấy! Cô có cả một trái tim mà tôi mong muốn chiếm làm của riêng mình!
- Anh tiểu thuyết quá! Đã lâu không ai nói với tôi một câu sặc mùi văn chương như vậy. Anh là ai? Anh làm gì ở cái thành phố chán chường này?
- Tôi đi tìm thầy. Tôi muốn học vẽ!
- Cần gì phải đi tìm. Ơû đây có hàng trăm thày dạy vẽ. Anh thích theo trường phái nào? Trừu tượng hay tả thực? Cổ điển hay hiện đại? Góc phố này cũng có một ông…
- Họ chẳng có gì để tôi phải học cả. Tôi không muốn đứng cùng hàng với họ. Thà tôi về tự vẽ lấy còn hơn.
Nàng nhìn tôi chăm chú:
- Anh có vẻ là một kẻ tự mãn hơn là một thằng khùng. Thôi được. Đi theo tôi!
Chúng tôi vào một cầu thang chật hẹp. Tôi theo nàng lên một căn phòng, nàng mở ùa cánh cửa. Tôi như mê đi. Đập thẳng vào mắt tôi là một bức tranh. Không! Một bờ biển với bãi cát dài hoàng hôn. Một màu đỏ nóng dữ dội. Những búi cỏ lông chông cô độc lăn theo gió. Tôi cảm thấy mình lên cơn sốt, toàn thân tôi nổi da gà và run lên nhè nhẹ…nhè nhẹ…Có điều gì đó quay quắt, đau đáu, giống như đôi mắt của người đàn ông cô độc cuối làng săn. Tôi thấy một kẻ đi tìm, một kẻ cả đời khao khát.
- Ai là tác giả của nó? Ai đã thất vọng đến thế trong suốt cuộc đời mình? – Tôi hỏi, vô thức.
- Tôi!
Tôi quay phắt lại. Một người đàn ông với ánh mắt lạnh lùng. Nhưng tôi biết ông ta là ai. Nàng rất giống ông ta, cả về ánh mắt.
- Bác có thể nhận cháu làm học trò được không?
- Anh còn thiếu một tư chất của người nghệ sỹ. Tài năng và sự đam mê anh cũng có. Nhưng anh không phải là kẻ kiên nhẫn. Nghệ thuật cần sự kiên nhẫn, con trai ạ. Hãy là một người kiên nhẫn trước đã.
Tôi trở về. Đóng cửa suốt ba tháng. Ngày này qua ngày khác ngồi dán mình trong căn gác ọp ẹp thuê với giá rẻ mạt viết mỗi một dòng chữ: Ta phải là một kẻ kiên nhẫn. Ta phải đạt được những gì ta ao ước! Chữ tôi những ngày đầu còn xiêu vẹo, cẩu thả, sau nắn nót dần rồi nét chữ lượn một cách bình thản, ung dung, thư thái. Ngày cuối cùng tôi ngồi từ sáng đến tối viết đầy một quyển vở, cảm thấy lòng rất bình yên, không vội vã, cũng chẳng âu lo điều gì. Những con chữ đều tăm tắp, kiêu hãnh xếp rất trật tự cạnh nhau. Tôi mở cánh cửa, ánh sáng đầy ắp căn phòng. Tôi xòe bàn tay, những đốt tay cầm bút dày cộm, trong veo dưới ánh nắng mặt trời. Tôi đến nhà nàng.
- Cháu nghĩ mình đã đủ kiên nhẫn để học vẽ. Cháu có thể làm bất cứ điều gì để bác bằng lòng dạy cháu vẽ.
- Ta biết. Từ bây giờ, cháu sẽ là học trò của ta. Ta không đòi hỏi cháu phải bắt đầu bằng những bài vẽ mẫu. Cháu hãy vẽ bất cứ điều gì cháu thích, nhưhg phải có ý tưởng của cháu lộ rõ trong đó. Ta cần cái phần hồn của bức tranh trước đã, cháu hiểu không?
Tôi bắt đầu những ngày tháng hạnh phúc nhất đời mình. Nàng thường cùng tôi lang thang dọc những con phố vắng, hoặc đến những đồng cỏ ngút mắt, những trảng cát dài để dựng giá vẽ. Ơû đó, trên một đồi cỏ, chúng tôi đã thuộc về nhau. Tôi gượng nhẹ trải nàng trên cỏ, nàng nằm e thẹn và trong trắng giữa màu xanh mênh mông, tôi đắm đuối đổ ập vào nàng những khao khát nửa thiêng liêng, nửa phàm tục của mình. Tôi hôn nồng nàn lên những ngón chân bé bỏng màu son.
Cha nàng đã truyền tất cả tâm huyết hội họa của ông cho tôi, và nàng cũng ký thác vào tôi cả cuộc đời nàng. tôi làmột kẻ phát điên vì hạnh phúc, về những ân huệ trời đất ban tặng. Cha nàng dùng số tiền ông dành dụm được mở cho tôi một phòng triển lãm. Ngày khai trương triển lãm tôi bán được năm bức tranh với giá khá cao. Người ta đổ xô đến phòng tranh, báo chí ồn ào ca ngợi. Tôi bắt đầu nổi tiếng. Các phương tiện truyền thông đại chúng gọi tôi là Kẻ Phù Phép Trong Hội Họa. Rất nhiều các công ty lớn nước ngoài muốn cộng tác với tôi. Tiền bạc đổ vào tôi như suối. Hạnh phúc nhất là thầy tôi và nàng. họ tự hào và hãnh diện về tôi. Thành công và tiền bạc đã nằm trong tay, tôi xin thầy cho tôi được cưới nàng. ông đồng ý.
Nàng trở thành vợ tôi. Tôi mua một căn nhà nhỏ, đưa cha nàng về sống cùng. Cuộc sống êm ả và hạnh phúc.
+° ° °
Một buổi tối, tôi đang ngồi trong phòng tranh của mình, mọi người đã ra về hết thì một người đàn bà bước vào. Nàng thản nhiên đến ngồi trước mặt tôi. Một người đàn bàngoài ba mươi tuổi, gương mặt không son phấn, đẹp bình thản và quyến rũ lạ lùng. Nàng cất tiếng:
- Tôi muốn cậu vẽ cho tôi một bức chân dung. Bao nhiêu tiền cũng được. Tôi tin là cậu làm tôi vừa lòng.
Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi. Nếu người ta nói có một ngày nào đó bầu trời sẽ sụp xuống thì có lẽ là lúc này. Giọng nói của nàng, ánh mắt của nàng, đôi môi của nàng…tất thảy đều ngân vang lời hứa hẹn. Chúng có thể làm cho cậu con trai mới lớn phải đỏ mặt, tim đập rộn ràng và khép chặt vạt áo lại. Tôi thấy choáng, mặt đất ngả nghiêng, nhưng vẫn cố làm ra vẻ bình thường:
- Tôi không phải là người vẽ chân dung thuê. Chị vui lòng tìm một người khác vậy.
Nàng đặt những ngón tay ấm áp lên tay tôi. Tôi ngạt thở, như ma quỷ xui khiến, tôi ôm choàng lấy nàng. da thịt nàng như trôi qua tay tôi, bồng bềnh hắt sáng.
Tôi bắt đầu những tháng ngày sống mộng mị. Tôi yêu vợ nhưng cũng không thể xa người đàn bà kỳ diệu ấy. Người đàn bà như có ma lực. Tôi đảo điên vì nàng, thèm muốn hòa tan trong nàng. tôi bỏ bê công việc lẫn phận sự của một người đàn ông trong gia đình. Tôi không vẽ được bức tranh nào nữa. Những ý tưởng cứ trôi tuột qua tay tôi như da thịt nàng. tôi đưa nàng đến những nơi hoang vắng, những thành phố lạ rong chơi. Những đêm trắng, những quán ăn, những bộ quần áo đắt tiền. Tất cả vắt kiệt sức lực lẫn tiền bạc của tôi.
Tôi để nàng ở lại trong một thành phố nhỏ, quay trở về nhà. Vợ tôi ngồi trước những bức tranh trong căn phòng tối, hình dáng tiều tụy, hao hụt. Đã lâu, chẳng còn ai ngó ngàng đến tranh của tôi nữa. Đám tranh nhợt nhạt những gam màu chết, chúng rơi vào lối mòn cũ kỹ của những kẻ luôn tự xoa dịu và vuốt ve mình. Chúng nghèo nàn và chán chường. Tôi giật mình, sao bây giờ tôi mới nhận ra điều ấy?
Cha vợ tôi bảo tôi vào phòng ông, chỉ cho tôi chiếc ghế, bảo:
- Cha cũng là đàn ông, nên cha hiểu được nỗi yếu lòng của con, nhưng cha không thể tha thứ cho sự mù quáng. Con là một người chồng, con phải nhớ, có thể không làm cho vợ mình hạnh phúc nhưng không thể đem bất hạnh về cho gia đình. Đó là một tội ác! Cha không bắt buộc con phải rời xa người đàn bà ấy nếu con thật lòng yêu cô ta, con hãy yêu cầu vợ con viết đơn ly dị. Cha sinh ra nó, cha biết nó không phải đứa hẹp hòi đâu!
Tôi sụp xuống:
- Con xin cha! Cha hãy tha thứ cho con! Con yêu vợ con! Người đàn bà kia chỉ là chuyện một sớm một chiều, con sẽ dứt bỏ cô ta. Cha hãy tin con, hãy cho con một cơ hội.
- Được! Cha tin con! Nhưhg con là đàn ông, vậy hãy chứng tỏ tính đàn ông của mình. Hãy đến nói thẳng với người đàn bà kia. Dù sao con phải đưa cô ấy về, không thể để cô ấy tự về một mình được. Gia đình và hạnh phúc của con tùy thuộc vào con. Cha sẽ khuyên giải vợ con. Nó yêu con và cha tin nó sẽ rộng lòng tha thứ.
Vợ tôi không nói lời nào, chỉ lẳng lặng chuẩn bị cho tôi lên đường. Gương mặt vắng lặng heo hút của nàng làm tôi thất xót xa, tôi muốn đưa tay ôm nàng song thấy lòng hổ thẹn, đành khẽ bảo nàng hãy tin và chờ tôi sớm trở về, trọn vẹn thuộc về nàng.
Tôi lên đường với một quyết tâm tràn ngập trong lòng. Người đàn bà ấy như ngọn lửa thiêu rụi hạnh phúc, thời gian và ý tưởng sáng tạo của tôi. Tôi phải mau chóng chia tay với cô ta, trở lại với cuộc sống gia đình và bù đắp cho vợ tôi những tháng ngày thiếu hụt. Nàng đã khổ quá nhiều.
Nhưng khi gặp người tình, tôi bỗng quên hết ý định của mình. Tôi chìm ngập trong dục vọng và phủ lên mình người đàn bà đầy ma lực ấy những mê đắm tội lỗi. Tôi quên bóng dáng mòn mỏi chờ đợi của vợ, quên tất thảy những gì cha vợ tôi đã nói với tôi.
Một ngày, người đàn bà ấy bỏ lại tôi trong căn nhà thuê ở ngoại ô một thành phố biển với vài mẩu chữ nguệch ngoạc, báo cho tôi biết rằng cô ta đã chán một kẻ dẻ cùi tốt mã, rằng đã lâu tôi cũng như những kẻ tầm thường khác. Cô ta từng hy vọng tôi sẽ làm nên một điều gì đó thật phi thường, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ là một kẻ bất tài mà thôi. Cô ta sẽ đi đến một nơi phồn hoa với một người đàn ông giàu có.
Tôi đập tan toàn bộ đồ đạc rồi đáp xe về thành phố của mình. Suốt một ngày trời tôi ngồi bó gối trên xe, đói khát, mệt lả và nguyền rủa mình hàng ngàn lần. Từ cái ngày cuối cùng tôi trở về đến nay đã hơn hai năm. Chẳng biết vợ tôi và cha nàng đã sống thế nào, liệu họ có còn tha thứ cho tôi không?
Chỉ còn một quang cảnh đổ nát và những bức tường ám khói đón tôi. Vợ tôi và cha nàng đã chết trong vụ cháy nhà. Phòng tranh xưa người ta đã lấy lại, đã lâu tôi không ngó ngàng đến nó, cha vợ tôi cũng không còn đủ khả năng trang trải tiền thuê nhà. Tôi ngã sụp xuống trước mộ hai người. Chẳng bao giờ có thể rửa sạch tội lỗi của tôi với họ. Tôi đã không kịp nói với vợ tôi rằng tôi yêu nàng biết bao nhiêu. Tôi cũng chẳng còn cơ hội nào để làm vui lòng cha vợ, người thầy đã đem lại cho tôi tất cả hạnh phúc và vinh quang. Những thứ mà khi mất đi rồi, tôi mới biết nó quý giá biết chừng nào.
Tôi trở về làng săn.

*

Tôi đã ra đi với trái tim nóng bỏng những khao khát, những dự định. Tôi trở về với trái tim cằn cỗi nguội lạnh. Những danh lợi phù du đã làm tôi mờ mắt, nỗi đam mê thể xác khiến tôi què quặt linh hồn. Tôi trở về với hai bàn tay trắng, chẳng có gì ngoài một khẩu súng săn làm quà cho cha. Tôi sẽ lại trở thành đứa con ngoan, ngồi đợi cha đi săn trở về.
Tôi bước vào sân nhà, gọi cha và vấp ngã. Khi ngẩng lên, tôi thấy cha tôi đứng kề sát trên đôi nạng gỗ. Cha tôi đó, với mái tóc bạc phủ bụi thời gian, dáng dấp kiêu hãnh xưa không còn và đôi mắt người đã mờ, không còn trông rõ nữa. Khẩu súng săn làm quà giờ đây cha tôi không còn sử dụng được, đôi tay người phải chống nạng đi lại thay cho đôi chân đã mất, hậu quả của một lần gặp đá lở. Người thầy hội hoạ đầu tiên của tôi cũng không còn. Ông mất vì sốt rét.
Mười ba năm tôi rời làng săn. Mười ba năm với những biến đổi không ngờ. Những danh vọng phù phiếm không còn có ý nghĩa gì với tôi nữa, vì chúng, tôi đã đánh mất rất nhiều điều còn quý giá hơn triệu lần như thế.
Tôi lại lên núi cao. Tôi nhìn xuống đồng bằng, thầm mong thời gian qua chỉ như cơn ác mộng, tôi lại trở lại là tôi xưa. Nhưng tôi không còn thấy gì bên dưới. Do sương phủ dày hay do đôi mắt của tôi đã mờ vì những đau khổ chính mình gây nên?
Cha tôi mất ít năm sau đó. Ông dặn lại tôi rằng, làm người đừng có quá nhiều tham vọng. Con hãy nhìn đám cây mọc trong rừng, vì sao những cái cây mọc nơi đất thấp lại vững vàng trong dông bão hơn những cây mọc ở đất cao.
Tôi chôn cha tôi trong vườn nhà để tôi vẫn có thể cảm thấy cha bên cạnh như những ngày thơ ấu, để cha được yên nghỉ thanh thản trong chính mảnh đất của mình.
Tôi lại lên núi cao.

Xem Tiếp: ----