Tôi về lại Hà Nội vào một ngày Hè oi bức. Tháng sáu, nóng ngộp thở, trời trong, gió lặng. Ðứng trong phòng khách sạn, nhìn qua cửa sổ, bờ hồ Hoàn Kiếm bây giờ không giống lắm trong ký ức tôi. Cho hành lý vào tủ xong, chúng tôi tản bộ ra hồ. Từ lâu, tôi vẫn ao ước được thấy lại cảnh hồ lịch sử này. Rời Hà Nội từ khi vừa lên mười, trí nhớ của tôi về Hà Nội cũng mong manh lắm. Tôi chỉ còn nhớ mang máng hình ảnh Hồ Gươm thật là nên thơ. Vào những ngày chờ giấy tờ để lên tầu thủy vào Nam, năm năm mươi tư (1954), anh tôi đã dẫn chúng tôi đi chơi Hồ và các nơi khác của Hà Nội nhiều lần. Sau này, những bài học lịch sử, địa lý, cộng thêm vào những bài văn viết về Hà Nội, đã làm giàu thêm trí tưởng tượng của tôi về thành phố này. Hình ảnh Hà Nội với Tháp Rùa trên Hồ Gươm trong tôi, tuy mong manh nhưng rất đẹp. Cảnh pháo bông nở tròn trịa trên bầu trời Hồ Gươm, rực rỡ phản chiếu với mặt nước phẳng lặng vào ngày hội Tết năm nào, vẫn là những vì pháo bông đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Cho đến sau này, những đêm lễ Ðộc Lập Mỹ, nhìn pháo bông trên bãi Laguna Beach, tôi vẫn thấy không đẹp bằng pháo bông trên Hồ Gươm năm xưa. Tôi vẫn muốn tìm lại cây phượng đỏ, rũ bông trên mặt Hồ ngày nắng Hạ. Tôi đã từng mơ màng kể cho Hiền nghe những chuyện về Hà Nội, trong ký ức tôi, những mơ mộng của tôi về cảnh Hồ Gươm. Hiền không có một ý niệm nào về Hà Nội, nàng lớn lên bên sông Hương núi Ngự, (Có lẽ, con gái Huế vốn mơ mộng, đa tình, nên không giỏi về địa lý và lịch sử thì phải!) Băng qua đường, những ước mơ của tôi đã thành sự thật. Tay trong tay, chúng tôi im lặng rảo bước bên bờ Hồ. Trời nóng, gió ngưng, không khí ngột ngạt, cho tôi cảm giác là Hồ không nên thơ, tươi mát như tôi hằng mong tưởng. Có lẽ trí tưởng tượng của tôi đã nuôi dưỡng một cảnh Hồ không thực chăng? Hay vì thời thế thay đổi, cộng với thời tiết nóng bức, ngột ngạt, làm Hồ không còn nên thơ như thuở trước? Cây Phượng đỏ vẫn rộ nở, khoe mình lộng lẫy trên một mặt nước không sạch lắm. Tháp Rùa vẫn soi bóng trên mặt Hồ như xưa, nhưng không đẹp như những gì tôi đã mang bên mình trên bốn mươi năm. Rêu phong, chân tháp cỏ mọc lộn xộn, như râu của một người lâu ngày không cạo. Tôi lẳng lặng ngắm Hồ, lòng bùi ngùi, tiếc nuối. Sự sống chung quanh tôi dường như rất chậm. Không có những tà áo dài thướt tha như tôi vẫn hằng tưởng tượng. Chỉ có sự mệt mỏi của những người dạo chơi bên bờ hồ, hình như họ ra hồ chơi vì nhà cửa chật chội, nóng bức. Có lẽ, họ mong tìm được một làn gió mát hiếm hoi của Hà Nội tháng sáu chăng? Vài người phanh ngực áo để lộ bộ xương sườn thật rõ. Tôi uể oải ngồi xuống ghế đá ngắm Hồ. Vài đứa trẻ con xúm lại mời mua hình phong cảnh. Tôi từ chối, chúng đưa ra những tấm ảnh khỏa thân, dâm đảng mời mua. Có lẽ nhìn dáng dấp của chúng tôi, chúng biết là Việt kiều nên cố sức mời mọc. Tôi mỉm cười, lắc đầu từ chối, sau cùng chúng cũng nản chí, bỏ đi. "Lạc luộc nóng đây! Lạc luộc nóng đây!" Tiếng rao hàng của một bé gái, làm tôi chú ý. Hiền nhìn tôi, tròn mắt thích thú, ý như ngầm bảo: "Thích nhé, "lạc", chứ không phải đậu phụng như mình vẫn cãi nhau đâu anh nhé?" Lâu lắm tôi mới nghe lại chữ Lạc, nên tôi đặc biệt chú ý đến em bé rao hàng. Em nhìn như chừng mười tuổi, vóc người nhỏ thó, da đen thẳm. Tôi cảm thấy một cái gì gần gũi với cô bé. Tôi gọi mua lạc, vừa ăn, vừa nghe em tâm sự với nhà tôi. Em ăn nói rành rõi, khôn ngoan. "Giờ này sao em không đi học?" Hiền hỏi. "Cháu học buổi sáng thôi cô, chiều cháu bán lạc, giúp mẹ nuôi hai đứa em nữa. Bố cháu chết ở dưới quê, mẹ phải lên Hà Nội kiếm việc nuôi tụi cháu. Mỗi ngày, cháu lãnh mười cân lạc, bán rong cho khách dạo chơi bờ hồ." Em đáp dài dòng, giọng đều đều, không có vẻ gì vội vã. "Thế hôm nay em còn bao nhiêu lạc?" Hiền hỏi, khi nghe cô bé kể là những hôm bán không hết, phải đem về, thì cả nhà phải ăn lạc thế cơm. "Chừng ba cân, cô ạ." Hiền thương cảm, đề nghị: "Cô mua cho em hết phần lạc còn lại, nhưng cô nhờ em đem lạc về cho các em của em ăn dùm, vì cô không ăn được nhiều lạc như vậy. Mà em tên gì nhỉ?" Mắt cô bé sáng rực, mừng rỡ: "Cháu tên Thúy, mà cô mua tất, thật hả cô?" Hiền cười, dịu dàng: "Thật chứ! bao nhiêu tất cả, cô trả tiền cho Thúy đây." Cho tiền vào túi áo, lấy chiếc kim tây cài cẩn thận xong, Thúy ngồi xuống, gỡ nón ra, quạt phe phẩy, tiếp câu chuyện: "Ngày kia giỗ bố cháu, cháu muốn về quê giỗ bố, mà không có tiền mua vé tầu." Hiền nhìn Thúy, hỏi: "Ði tầu gì để về tới quê em vậy?" Cô bé thản nhiên đáp: "Tầu lửa cô ạ, nhưng cháu chỉ đến ga Việt Trì thôi, rồi từ đó, phải đi bộ về làng chừng hai cây số nữa. Có lần cháu về đến ga, thì trời tối quá, cháu phải ngủ lại ở sân ga, đến sáng hôm sau mới về làng được." Hiền xúc động: "Không có ai đón em sao?" Cô bé bồi hồi lắc đầu: "Có ai biết đâu mà đón, cô! Ông bà nội cháu ở làng xa, không có xe cộ gì. Thư từ cũng không đến đấy được. Nên cháu về, ông bà thấy, thì biết cháu về, chứ không nhắn ai trước được. Ngày mai, nếu bán hết sớm thì cháu sẽ đi chuyến tàu sớm, may ra về làng kịp, trước khi trời tối, khỏi ngủ lại sân ga. Ngủ ở sân ga cũng sợ lắm cô, lại còn bị muỗi đốt nữa." Tiếng Hiền hỏi, với giọng bùi ngùi: "Tiền tầu mất bao nhiêu, cháu?'' "Năm ngàn, cô ơi!" "Mỗi ngày bán hàng, cháu kiếm được bao nhiêu?" "Chừng vài trăm ạ." Giọng Hiền xót xa: "Vậy phải để dành lâu lắm mới đủ một chuyến về thăm quê, hở cháu?" Giọng Thúy não nề: "Cả năm đó cô ơi! Cực lắm mới để dành được, vì cháu còn phụ mẹ trả tiền nhà trọ, tiền ăn nữa." Hiền quay qua phía tôi, dùng Anh ngữ, nàng nói: "Em cho Thúy tiền tầu về giỗ bố cháu và mua luôn mười cân đậu phụng ngày mai cho Thúy luôn anh nhé?" Tôi gật đầu, đáp: "Em muốn cho bao nhiêu cũng được." Tôi yên lặng nghe Thúy nói chuyện với vợ tôi. Tôi chợt tìm thấy tôi trong cô bé bán lạc này. Bốn mươi năm trước, tôi cũng cỡ tuổi này. Tôi nhớ những ngày ngồi giúp mẹ luộc lạc bên bờ ao ở Sơn Tây, quê tôi. Tôi nhớ mẹ hay luộc lạc gần cầu ao, lấy nước từ ao lên để luộc. Mẹ dùng ba cục gạch làm bếp, dùng thùng sắt tây đựng dầu hôi, rửa sạch, để nấu lạc. Tôi vẫn chưa quên được có một lần, tôi ham chơi bên bờ ao, bỏ lạc cháy, bị mẹ rầy, tôi khóc, mẹ khóc theo. Những lần lạc bán không hết, anh em tôi được ăn thế cơm. Bố tôi mất sớm trong chiến tranh, mẹ tôi phải tần tảo nuôi ba anh em tôi thực là vất vả. Tôi là con trai, nên mẹ không bắt gánh hàng đi bán như cô bé này. Lạc luộc xong, hoặc mẹ gánh đi bán, hay mẹ bày ra trước cửa nhà ông bác, cho chúng tôi ở nhờ, để bán. Một ngày nọ, có người mua gọi tôi là "thằng bé bán lạc", cái tên mà tôi chưa nghe ai gọi tôi bao giờ. Hôm đó, mẹ tôi đã sững sờ và buồn rười rượi. Sau này lớn lên, tôi càng biết rõ ràng hơn là mẹ đã rất đau khổ vì tôi bị gọi như vậy. Mẹ tôi vẫn tự hào là con nhà gia giáo. Ông nội tôi là thầy học của mẹ. Mẹ sinh ra vào những năm đầu của thế kỷ này, được ông bà ngoại gởi đi học chữ Nho với cụ xứ Trừu, tên của ông nội tôi, mà trong sử Việt Nam có đề cập đến. (Gọi là cụ Xứ, vì cụ đầu xứ thuở đó.) Cụ Xứ thương và quí cô học trò duy nhất của mình, nên vài năm sau đó, cụ đi cưới cô học trò cho con trai mình, là bố tôi. Mẹ tôi có tay buôn bán của họ ngoại, nên mẹ đã tạo nên sự nghiệp lớn ở quê chồng, nhưng với mẹ, chuyện học vấn vẫn là việc chính. Chiến tranh đến làm thay đổi mọi sự. Cha tôi theo kháng chiến, rồi tử nạn. Mẹ đi nhận xác cha, về chôn chưa xanh cỏ thì cơ nghiệp cũng tiêu tan. Chính sách tiêu thổ kháng chiến, bắt mẹ tôi phải vỗ tay hoan hô, khi mọi người đến đập phá dinh cơ mà mẹ đã tốn bao nhiêu công khó dựng lên. Mẹ không biết gì về chính trị, nhưng mẹ rất căm thù cộng sản vì lẽ đó. Sự nghiệp tiêu tan, nhà tan, cửa nát, mẹ chỉ còn lại anh em tôi, và mẹ hy vọng vào chúng tôi, những đứa con trai của mẹ, sẽ học hành giỏi, thành tài, chứ không thể là "thằng bé bán lạc." Tôi không biết mẹ cô bé này, có giống mẹ tôi của hơn bốn mươi năm về trước hay không, nhưng tôi thấy cô bé này, có nhiều hình ảnh của tôi, ngày truớc. Cô bé còn giống Dĩ An, con gái tôi, đang ở cách chúng tôi một thái bình dương. Dĩ An mười một tuổi, cũng dáng gầy gầy, rắn rỏi, nhanh nhẹn. Ðây là lần đầu tiên tôi trở lại quê, sau hơn bốn mươi năm, nên tôi không mang Dĩ An đi cùng. Có lẽ, nếu gặp Thúy, chắc Dĩ An sẽ thương cô bé này lắm, và sẽ dốc hết tiền mình có để cho hết cô bé này. Tôi mỉm cười khi Hiền trao thêm tiền cho Thúy, rồi dặn dò: "Vậy mai cháu đừng đi bán hàng nữa nhé, cháu đón chuyến tầu sớm mà về giỗ bố, cô tặng thêm cháu mấy ngàn nữa, cháu mang về mua hương thắp giỗ bố." Thúy nhận tiền, mừng rỡ, nói cám ơn rồi chào chúng tôi từ giã. Tôi tìm tay Hiền, lòng thanh thản, quên bẵng cái nóng bức khó chịu. Trời bắt đầu tối, các cửa tiệm bên kia đường đã lên đèn, tiếng "nhạc vàng" từ một nhà hàng gần đó vọng lại, bản "Con đường tình ta đi" của Phạm Duy. Chúng tôi rời ghế đá, trở lại khách sạn, vì ngày mai tôi sẽ đưa Hiền về thăm Sơn Tây. /. Nguyễn Phục Hưng viết chung với Hiền Vy 1996 Lời tác giả: Khi viết truyện Cô Bé Bán Lạc Bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã dùng bút hiệu Tuệ An, với đoạn kết khác hơn. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi đã quyết định bỏ đoạn kết đó vì không muốn độc giả nghĩ không đẹp về những em bé bán rong trên đường tại Việt Nam. Đoạn kết đó, có thể đọc tại: http://www.phusa.net/xaHoi/xaHoi/DSQT6304_Cobebanlac...htm