Thiên, con nhà nghèo ở xứ Quảng được cái là con một nên cha mẹ có tâm nguyện cho cậu quý tử học hành thành tài. Thiên học xong bậc tiểu học ở trường làng, muốn thi lên Trung học phải ra Huế. Ông bà già bán mẫu ruộng, bán con trâu, tài sản đời trước truyền lại để cho cậu quý tử tới trường thi. Thiên tuy sinh chốn quê mùa, nhưng thông minh, hiếu học. Bốn năm dùi mài đèn sách, cậu Thiên đỗ Trung Học, chuẩn bị lên Tú Tài được thành học trò ngôi trường mang tên vua chúa: Trường Khải Định. Năm đó cậu Thiên đúng 20 tuổi. Gạo trắng nước trong, không phải làm lụng khổ cực như bao thanh thiếu niên khác ở quê nhà. Thiên trắng trẻo, cao ráo. Con trai mà có cái miệng chúm chím, môi đỏ hồng như môi con gái thoa son. Chỗ Thiên ở xa trường học. Mãi tận Kim Long. Tuy xa nhưng được cái yên tĩnh để học hành. Chỗ trọ chỉ có một căn nhà nhỏ cất sau vườn, kế là một dọc các hàng cau, cũng lẫn thêm vài thứ cây ăn trái như cây ổi, cây mãng cầu, phía góc vườn có một cây vú sữa lâu năm, đến mùa trái chi chít, cây lão, trái nhỏ nhưng ăn ngọt như đường. Chỉ có điều, cành cây cao quá nên rất khó hái. Thiện rất tằn tiện, không đua đòi, tự mua lấy gạo nấu lấy ăn. Thức ăn thì trong vườn rau sam, rau dền mọc chi chít. Trên hàng rào thì lá cây bát ngát đeo tòn ten, đọt xanh non mập vươn tứ tán. Còn có cả bụi chuối sau vườn, buổi nào rổi rãnh, xuống mé sông cầm cái vợt. Tép lội từng đàn trong rong xanh hoặc cỏ lúp xúp bên bờ sông. Vớt mấy vợt là có bữa ăn ngon lành. Tép nấu với củ chuối non, ăn thay cơm cũng được, nhờ vậy mà sắm được chiếc xe đạp cũ để sáng sáng chiều chiều, căm cúi đạp đi đạp về. Chủ nhà là một đôi vợ chồng già, sống bằng lợi tức từ cây trái trong vườn. Ông cụ tuy tuổi đã cao mà còn rất khoẻ, ông có một chiếc ghe nhỏ, sáng sớm ra sông bủa một mẻ cá cho bà cụ kèm cùng rau quả đem ra chợ bán. Con cái lớn lập gia đình ở riêng hết rồi, lâu lâu bồng bế con cái về thăm, lại mang về nải chuối, buồng cau, mớ rau tập tàng của bà mẹ già lo sẵn. Về thăm rồi đi nên nhà có một bữa ồn ào sau đó càng thêm vắng lặng. Người đời trước có câu: "Học trò trong Quảng ra thi Thấy cô gái Huế chân đi không đành" Thì đúng quá đi chớ. Cách nhà Thiên trọ học khoảng năm căn, có một gia đình có tới năm cô gái. Hèn chi nhà giàu quá chừng luôn. Nhà có ngũ long công chúa mà. Chỉ có điều năm chị em mà năm tính nết khác nhau. Cô chị nhu mì, hiền hậu, còn mấy cô em thì nghịch ngợm phá tán. Có bữa cậu Thiên đạp xe đạp ngang qua, liếc vô mé vườn, thấy mấy cô trèo cây đu đưa, còn la hét như khỉ cái. Lạ, nhà thì đông vui như vậy mà sát bên có cái vườn bỏ hoang. Căn nhà xưa lắm đã sập xuống cũng đâu từ lâu rồi, hầu như chỉ còn đống vôi vữa trên cái nền nham nhở cỏ mọc. Xung quanh thôi thì cỏ lùng mọc luông tuồng, cây cối phía sau vườn không có ai sửa sang, rậm rạp hoang dã. Mỗi lần ngang qua, liếc vô nhà mấy cô con gái, cậu Thiên cũng không thể không ngó căn nhà hoang dã này. Về nhà có hỏi thăm ông bà cụ, thì ông bà cụ cho biết: Cái nhà nớ... Ui cha, xưa giàu dễ sợ. Quan gia cha truyền con nối chớ không phải dân dã chi mô. Rồi, khi tàn thì cũng tàn rụi rứa đó. Như ri thì mới biết không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời!". "Vậy tại sao người ta không mua đất xây cái nhà khác. Miếng đất rộng mà vuông vức." "Cậu muốn mua không?" Thiên cười: "Cháu không dám mơ ước đâu, hai bác. Nhà cháu nghèo lắm. Ba mạ cháu từ ngày bán miếng đất, con trâu để lo cho cháu ăn học, đã phải đi làm thuê làm mướn để sống." "Tội..." Bà cụ thở ra. Ông cụ nói tiếp: "Miếng vườn đó không ai dám mua." "Răng rứa bác?" "Nghe nói..." Chỉ là chuyện nghe nói. Phía sau khu vườn có một khu mộ xưa lắm. Mỗi cụ nhớ một cách, chuyện kể không chuyện nào giống chuyện nào. Ngôi mộ đằng sau vườn là vợ bé của ông quan, bị chết trong lúc sanh đẻ. Lại có người nói ngôi mộ xưa rồi, trước đây nhà quan này có một nàng hầu, vì tội tư tình buộc phải thắt cổ chết. Người khác kể, đó là ngôi mộ một cô gái nghèo, cha mẹ bán cô vô nhà quan. Sau bị nghi ăn cắp đồ vật, cô thắt cổ để minh oan cho sự trong sạch của mình. Còn ông già thì cương quyết: "Toàn là chuyện ba láp, tào lao cả. Ngôi mộ đó, lâu rồi con gái của vị quan đương trào, bị chết không biết lý do nào. Nên ngôi mộ trước xây bằng vôi, có bia, tấm bia lâu ngày xiêu đổ, rồi mất. Đời sau nhà nghèo quá nên chỉ lấp thêm đất thôi. Mưa nắng xối xả thấy lồi đá vôi phía đưới đó tề." Còn bà già thì cứ một chuyện kể mãi: "Lâu vậy mà người nằm dưới mồ chưa đầu thai. Vườn đó ma dữ lắm. Nghe nói cô bán hột vịt lộn bán tối đi ngang qua, gặp một cô gái kêu một lúc tới chục hột vịt lộn, nói đi theo cô lấy tiền. Đến ngõ khu vườn nớ cô gái biến mất. Mấy ngày sau, mấy đứa con nít lòn rào vô vườn hái trái cây, còn thấy đủ chục hột vịt lộn nằm trên ngôi mộ. Chuyện rứa mà cũng chưa ớn xương sống lắm mô. Có chú xích lô còn trẻ, đẹp trai, đạp xe qua cầu Bạch Hổ buổi tối, thấy có một cô gái tóc dài vẫy, biểu đưa về Kim Long. Chú ấy đạp xe theo lời chỉ dẫn của cô gái. Tới ngõ khu vườn, cô bảo dừng xe. Chú xích lô chờ lấy tiền thì cô day mặt lại. Một khuôn mặt màu xanh, hai con mắt đỏ và cô cười, có hai cái răng nanh. Chú xích lô hét lên một tiếng, muốn xỉu luôn, rồi đạp xe thí mạng tới mấy nhà lân cận, xin tá túc một lát cho lại hồn. Hỏi chuyện, mới biết là đã gặp con ma trong xóm thường đồn đãi." "Hai bác có chộ lần mô không?" "Chộ" tiếng Huế, có nghĩa là "nhìn thấy". Cả ông bà già đều lắc đầu. Ông già: "Tui nghe kể thì nhiều lắm, nhưng chộ thì chưa chộ lần mô hết. Mấy người trong xóm nói, chọc phá chơi vậy thôi chứ con ma này hiền, họ hay cầu xin lắm. Nhứt là cái nhà có năm cô gái, tháng cúng hai lần, rằm trăng tròn và mùng một trăng trốn. Nghe nói lúc đầu con ma cũng phá dữ lắm, nhưng sau cúng kiến, chắc hạp nên yên." Anh chàng học trò cười thầm trong bụng. Thì ra, ma hay hơn người, chớ con gái với nhau, có khi nào ưa nhau chớ. Cũng có thể là con ma này đẹp lắm, ăn bứt năm cô gái kia, nên mới không ganh tị. Mùa hè năm đó, Thiên lân la làm quen được với cô chị đầu của gia đình kia. Cũng tình cờ thôi, bữa đó, khi chiều trời nổi giông gió, rồi mưa, hơi đất xông lên dầy khịt, bốc một cái mùi làm nhức đầu lắm. Cô Trâm, đi học về gần tới nhà thì một ống quần bị quấn vô dây sên. Nếu cô không nhanh nhẹn phanh xe lại kịp nhảy xuống thì cả người lẫn xe đã té lăn quay rồi. Cô vừa lò cò vừa đẩy xe vô lề thì đúng lúc Thiên trờ tới. Dựng xe vào sát lề, Thiên mau mắn: "Tôi có thể giúp cô được không?" Thiệt tình trong bụng cô Trâm đã để ý tới anh học trò trong Quảng ra thi này lâu rồi. Anh ta coi có vẻ đứng đắn, hiếu học. Đã đến đây lâu rồi mà nghiêm chỉnh, không mắt liếc mày đưa, lanh chanh, lấc cấc như mấy anh chàng gà trống trong tuốt xóm. Người chi mà có đôi môi đỏ hồng, cười chúm chím làm con gái mê hồn. Người chi mà cứ cặm cụi chúi đầu vô quyển sách, người chi mà, coi nụ cười tề... Quần áo đơn giản thôi, đầu tóc bồng bềnh nghệ sĩ chứ không như mấy anh chàng kia, lúc nào cũng bôi bờ-ri-dăng-tin láng bóng. Mấy đứa em gái của Trâm thường rúc rích cười, trêu chọc ngày nào cũng có mấy con ruồi chết, vì té từ trên lớp dầu kia xuống bể đầu, toé máu. Trâm làm dáng, gật đầu mà hất mái tóc cho che bớt mái tóc nhìn trộm của mình. "Dạ..." Con gái Huế vậy đó. Không bằng lòng cũng dạ. Tiếng "dạ" hiểu nghĩa nào thì ra nghĩa đó. Thiên tháo dây sên để gỡ lai quần người đẹp ra, bất đắt dĩ đã có lúc cầm bàn chân giữ cho người đẹp thăng bằng lúc gỡ gấu quần bị vướng dây sên. Thiên sững sờ, đang giữa trời mưa ướt át mà trong lòng ấm nóng hẳn lên, khi nhìn thấy một vệt dầu đen dính trên mu bàn chân trắng nõn với gót sen hồng thắm. "Xin lỗi..." Trâm đã gượng thẳng người, xỏ chân vào chiếc guốc hồi nãy đã văng xuống đất. Đôi má của Trâm còn đỏ hơn gót son hồng dầm dưới mưa ở chân nữa. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Chỉ dăm tháng sau, cô cậu đã phải lòng nhau. Thôi thì hẹn hò đủ cách, hôm Lăng Tự Đức, bữa đổi Vọng Cảnh, quán bánh bèo chân núi Ngự Bình. Trâm bắt đầu dối cha dối mẹ. Kín đáo lắm, nhưng cũng không thoát khỏi cặp mắt của bốn cô em gái. Rồi tới cha mẹ Trâm cũng đem lòng nghi ngờ. Ráo riết quá, cảm hai phải dùng kế hoãn binh, nghĩ là bấm bụng không gặp gỡ nhau một thời gian cho qua tình huống đã. Phía gia đình Trâm, đã cho người đi dò xét cậu học trò trong Quảng ra thi này. Người cha lắc đầu: "Con hư tại mẹ. Bà có biết không, thằng đó nhà nghèo rớt mồng tơi. Bà chìu nó quá nên chừ dạy hết nổi. Kêu nó ra đây." Cô Trâm khúm rúm đứng trước mặt cha mẹ. "Dạ thưa, con lỡ..." "Lỡ răng. Lỡ răng noái nghe coi." "Dạ con lỡ thương người ta..." "Mất dạy. Dám cả gan trả lời ba mạ mi rứa há. Áo mặc không qua khỏi đầu được. Mi mới thương người ta thôi, có chi mà lỡ... Lỡ chi rồi, nói ra hết đi... Con gái như mi, gọt đầu bôi vôi, đem câu cá sấu biết chưa." Cô Trâm khóc oan khóc uổng: "Dạ thưa ba mạ, con chỉ lỡ thương, chớ đạo giáo lễ nghĩa con không dám vượt..." "Mi thề đi. Đứng trước bàn thờ ông bà thắp hương mà thề. Mạ nó thắp nhang cho nó." Trâm còn biết sao hơn. Mà quả thiệt, thể xác, tâm hồn Trâm vẫn còn trong sáng. Có dối cha dối mẹ hẹn hò, lén lút. Nhưng thật chưa tới mức cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Mối tình đầu chỉ là mộng mơ, Trâm vẫn gìn giữ và Thiên cũng chưa một lần sàm sỡ dám xúc phạm tới người yêu. Trâm cầm nén nhang mẹ đưa, lòng xót xa như muối xát, lạy trước bàn thờ tổ tiên. "Nói bỏ là bỏ. Lậm vô rồi chình ình cái bụng ra chừ. Thề đi. Chưa có lỡ, thề bỏ. Thề trước ông bà, thề trước ba mạ mi đây nì. Hay chưa bưa, muốn đi trai gái nữa." Trâm khóc. Lập lại lời cha. Trâm biết cảm giác bị đâm một nhát dao vô tim đau đớn ra sao, mà không chết được. "Mi biết nhà nó nghèo xơ nghèo xác không hè. Ba mạ nó đi làm thuê làm mướn chớ con nhà gia giáo chi mô." "Dạ con biết. Nhưng anh học giỏi lắm." "Học giỏi làm chi. Thân cô thế cô, có cái bằng cạp mà ăn há. Thôi đừng noái nữa. Từ bữa ni trở đi, không được gặp. Nói thôi là thôi." Cô Trâm thút thít khóc. Người cha dịu giọng xuống một chút: "Vô trong đi, còn đứng đó cho tao nổi ma lên. Tao nói rồi, tao bắt gặp một lần nữa tao đánh chết không thương. Tao trói gô đầu lại, không học hành chi hết, tao gả cho bất cứ thằng mô, cụ trâu cũng gả." Trâm biết tính ông già. Đã nói một lời là như cái đinh đóng vô cái cột. Hết tháo ra, tháo ra là sụp đổ hết. Trâm cũng không cầu cứu mẹ. Mẹ như cái bóng lẽo đẽo sau lưng cha, như lời nói lập lại lời cha. Tội nghiệp Trâm, nhà có năm chị em, chỉ có hai phòng dồn chung. Trâm không có phòng riêng để khóc. Cô phải ra vườn, úp mặt vào cây nhãn, cây bưởi, khóc một trận như mưa lụt mà vẫn không vơi sầu khổ. Đáng lẽ mùa Hè, Thiên phải trở về quê. Nhưng hè này, vì lậm với mối tình, nên nhứt quyết ở lại. Cha mẹ không có khoản tiền chu cấp ba tháng hè. Vậy là Thiên rơi vào cơn túng quẫn, túng thiếu. Nhờ hai ông bà già cảm thương thư sinh nghèo, hiếu học, giới thiệu Thiên cho một chủ cồn bắp, sáng sớm phải ra cồn bẻ bắp, chiều tối mịt mới về. Nhờ vậy, bữa đói, bữa no, Thiên sống qua ngày được. Khó khăn lắm Trâm mới báo tin được cho Thiên biết, cuộc tình đã bị bại lộ, cha mẹ không bằng lòng. Lúc này Trâm bị canh giữ gắt lắm nên huỷ hết các buổi hẹn hò. Không ngày nào Thiên không tìm cách đi qua nhà Trâm, không thấy bóng dáng Trâm đâu hết, mà chỉ thấy bốn cô em leo trèo nghịch ngợm như khỉ leo cây. Có cô nhìn ra thấy Thiên, còn đưa hai bàn tay lên mũi, làm dấu chòng ghẹo. Thiên muốn gặp một cô nhờ vả cũng khó, vì họ như tránh hắn, không muốn xớ rớ tới gần. Một buổi chiều đi bẻ bắp về, bà già đưa ra một miếng giấy xếp nhỏ: "Có cô chi đó noái đưa cho cậu để đòi mấy quyển sách chi đó..." "Cô Trâm phải không bác?" "Ừa, như rứa. Nhà có tới năm cô, đủ thứ tên, tui hổng nhớ." "À, tui có mượn mấy quyển sách, quên mất. Bậy..." Thiên không muốn bà già nghi ngờ, nói trống lấp. Rồi đi ra nhà sau, mở tờ giấy ra đọc. Đúng là thư của Trâm. Hẹn mười giờ đêm, chờ ở dưới bến sông trước nhà cô, cô có chuyện muốn nói. Thiên mừng rơn. Chiều đó quên luôn cả ăn cơm, không thấy đói bụng. Cứ hết ngồi lại đứng, chờ cho tới giờ hẹn để ra đi. Thiên cẩn thận ra khỏi vườn bằng cái lổ rào thưa để không ai hay biết. Đêm cuối tháng, trời tối đen như đêm ba mươi. Nhưng đã quen đường lối, Thiên đi tới bờ sông trước nhà Trâm sớm hơn giờ hẹn. Thiên cẩn thận xuống tận bờ, nhà nào thì cũng có một bến sông, có kê bốn hòn đá lớn để có thể trải quần áo lên mà sát bà bông, xung quanh có nhiều bờ bụi kín đáo. Là nơi lý tưởng của các cặp tình nhân hò hẹn. Chờ chừng mười lăm phút thì Trâm đến. Nhận ra nhau theo hình dáng quen thuộc trong bóng tối thôi. Cái bóng của Trâm thon thả làm sao, mớ tóc đen màu mun trôi lẫn trong đêm, vẫn thấy được nét tha thiết. "Em." "Hức...hức..." Thiên nghe tiếng Trâm nức nở. Hắn cầm lấy tay nàng. Bàn tay lạnh ngắt. Tại sao vậy, từ nhà ra đây đâu có bao xa. Chưa hết ngạc nhiên thì Trâm đã rút tay lại: "Đừng đụng em. Đừng đụng em..." Tưởng Trâm hờn giỗi chi đây, Thiên càng sấn tới. Thình lình Trâm đưa tay đẩy mạnh, chút xíu thì Thiên đã trượt chân, rơi tòm xuống sông. Cố gượng đứng dậy, nhảy sâu vô một bụi cỏ, Thiên hỏi: "Em giận anh? Anh mần chi mà em giận anh rứa. Nói cho anh biết để anh sửa..." Trâm vẫn lặng thinh. Hai người đứng yên trong bóng tối. Linh tính báo cho Thiên biết là cuộc tình của hai người có trục trặc chi rồi, chớ răng khi không Trâm đổi tính nết như vậy. Hồi lâu, Trâm bật khóc ra tiếng. "Từ nay anh đừng gặp em nữa. Em..." "Răng không gặp nhau. Chúng mình thương nhau không có tội... Trâm nì, có chuyện chi thì em nói cho anh nghe..." "Không. Không có chi hết. Nhưng em, bữa nay nói rõ cho anh biết. Em không hề yêu anh, chưa hề yêu anh. Em yêu anh là giả đò đó." Thiên cười khan, cay đắng: "Em nói chi lạ rứa. Yêu mà cũng có yêu giả đò..." "Chớ răng. Người ta yêu giả đò chán chi. Từ bữa nay trở đi đừng gặp tui." "Em đoạn tuyệt anh? Răng tự nhiên em thay lòng đổi dạ..." "Ừ, tui rứa đó. Tui giả đò, chừ không muốn giả đò nữa. Nói cho anh biết tôi còn tốt bụng, không để anh lầm tui..." Trâm nói mau, như sợ để lâu rồi không nói được: "Chừ anh biết rồi hí. Tui là đứa con gái xấu rứa đó. Giả đò yêu anh cho vui... Nhưng bữa ni, tui muốn dứt khoát luôn cho nên mới hẹn anh ra đây noái cho anh biết. Tui... tui sắp đi lấy chồng." .... "Đi rồi. Đi rồi. Hay. Hay." "Ê, một hai ba. Dô ta. Dô..." Từ mấy bụi rậm tối thui phun ra mấy vòi nước xối vô mặt Thiên, vô quần áo, vô tóc tai làm Thiên một lần nữa tối tăm mặt mũi. "Dê dê... xấu chưa tề. Nghèo rớt mồng tơi mà cũng trèo cao..." "Té cái chổng đít, bể đầu, phọt máu" "Dê dê, xấu hổ..." Tiếng cười khúc khích của bọn giặc con gái như vây chung quanh Thiên. Thiên nhận ra từ áo quần bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc, mùi nước mắm, nước cống rảnh xú uế từ mấy cái vòi vừa xịt đầy mặt mũi, tóc tai quần áo chàng. Thiên hiểu ra rồi. Mấy giọng cười khúc khích kia là của đứa em gái của Trâm. Không hiểu sao buổi hẹn hò chia tay tàn nhẫn này lại để cho bầy quỷ cái kia biết được mà phá. Thiên ôm đầu chạy một mạch chui qua lổ rào, vô vườn. Cũng may, tuy ở căn nhà sau nhưng cái lu sát gốc cau lúc nào cũng lưng nước với cái gáo dừa để sẵn. Tắm gội khổ sở xong, Thiên ngồi suốt đêm với ngọn đèn dầu. Chiều hôm sau, đi qua nhà nàng, ngó vô, thấy mấy cô em gái leo trèo mấy cây ở sát đường cái. Thấy Thiên, họ cười rộ lên, ngưng đu đưa như khỉ và hát: "Học trò trong Quảng ra thi Thấy cô gái Huế dê chi cho khổ đời...!" Thiên cúi đầu, đạp xe một mạch về nhà. Thêm một ngày bỏ cơm nữa. Còn Trâm, tối hôm đó nói những lời như sát muối vào vết thương với người yêu, nàng trở về phòng nằm như chết rồi. Một lúc lâu, thấy bốn đứa em gái túm tụm trong phòng cạnh, xì xào to nhỏ và cười rúc rích. Lúc cô em kế trở về phòng, thấy chị nằm êm rơ cũng nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh. "Chị Trâm nì..." "Chi rứa?" "Hồi nãy tụi em nghe nói hết rồi. Hay lắm, chị cự tuyệt thằng nớ thiệt tài. Tụi em phục sát đất." Trâm làm thinh. Cô em vặn tắt ngọn đèn dầu. Căn phòng chìm trong một vũng tối. Cô em tiếp: "Thằng nớ chắc tởn tới già. Hi hi..." "Hi, hi, tụi em xịt nước cống vào người hắn, xịt nhiều lắm. Hắn ôm đầu bỏ chạy rồi. Từ nay chị không cần sợ chi hết nghe. Chọc tụi em là chọc đúng ổ ong vè vẻ... Hi hi..." Trâm quay mặt, nước mắt chảy âm thầm. Nàng đã dứt khoát với chàng, đã nói lời tàn nhẫn trái lòng. Nói rồi lòng nàng cũng đã chết. Tin cô Trâm sang Xuân sẽ về nhà chồng làm vết thương trong lòng của Thiên như không ngừng chảy máu. Suốt mùa Đông tàn tạ, rét mướt, Thiên ném bỏ sách vở, loay hoay với một khúc gỗ quý. Thêm một đêm giao thừa thức trắngg, một đầu khúc gỗ biến thành cái trâm cài tóc. Một đầu gỗ khác, khắc lộng hai trái tim lồng vào nhau và một cái lược thưa, dang dở. Đó là món quà cưới Thiên muốn tự tay hoàn tất để tặng nàng. Liên tiếp mấy ngày đầu năm, Thiên rình mò chờ cơ hội nhưng không còn dịp may nào được gặp gỡ Trâm. Có nhiều hôm đón đường, chờ chực, Trâm đều bị đi kèm với mấy cô em gái dữ như chằng, cả hai không dám nhìn nhau nữa. Thấy mấy cô em gái của Trâm, Thiên nhớ lại hôm bị xịt nước mắm đầy mình, sượng trân, chỉ còn biết cúi gầm mặt xuống mà đạp xe đi. Lá thư tình bao đêm nắn nót và xếp gọn nằm trong túi. Mùa Xuân đối với Trâm năm ấy cũng quá kinh khủng. Nhìn cây mai vàng trước sân nở vàng rực bên bể cạn với xác pháo giao thừa còn rơi vãi đầy trên mặt đất, Trâm cảm thấy trái tim mình cũng vỡ vụn, chảy máu như pháo hồng. Chẳng còn bao lâu nữa, Trâm phải về nhà chồng. Lễ giáo mà. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ, vì muốn tống khứ nàng đi, đã gả vội gả vàng cho một người đàn ông mới goá vợ có đứa con nhỏ một tuổi. Cha nàng nói: "Rứa như răng mi mới ưng. Người ta nhà gia thế, có tới ba bốn căn nhà ở Nguyệt Biều, mi tưởng..." Nguyệt Biều Trâm hình dung ra được, ngôi nhà cổ rộng mênh mông, âm u, nàng sẽ sống suốt đời với một người đàn ông mình không thể thương yêu, với bàn thờ, linh vị của một người vợ trước lúc nào cũng nghi ngút hương. Cả ngày đầu năm, người cha nhìn đứa con gái lớn nghiêm khắc: "Nì, đầu năm mi đừng có thụng cái mặt xuống như rứa chớ. Xui cả năm nghe chừ." Cái mặt Trâm ra làm sao. Trâm không soi gương, không biết. Nhưng vui mừng hớn hở thì Trâm làm không được rồi. Thôi thì cứ tránh mặt cha cho xong. Cũng may, ngày mùng một, mấy đứa em về chơi bên bà ngoại làng Hương Thuý, hơi xa xôi nên phải ở lại đêm. Cha mẹ rủ hàng xóm qua chơi, để xâm hương. Trâm lo nước nôi mức bánh xong, kêu mệt xin phép cha đi ngủ sớm. Nằm thao thức hoài. Cô nhớ lại buổi sáng lúc đưa mấy đứa em đi khuất rồi, Trâm còn ngơ ngẩn đứng ở ngoài ngõ một lát. Cô ngó xuống bến sông và nhớ lại bao nhiêu chuyện. Cô nhác thấy bóng Thiên dưới bến sông. Anh ta ngồi trên hòn đá dùng để giặt quần áo, quay lưng lại. Anh ta ngồi bao lâu như vậy rồi? Đã thành tượng đá chưa? Tính đốt ngón tay, không còn bao lăm ngày nữa, sân nhà cũng đầy xác pháo như vậy, và Trâm từ giã nơi đây để về nhà chồng. Không được đâu, mình đã có thề với trời đất, lấy chàng mà. Chỉ lấy anh. Lấy anh thôi. Răng chừ lại lấy người ta? Trâm khóc vùi. Tự nhiên muốn làm một chuyện gì thật liều lĩnh, như tìm cái chết chẳng hạn. Trâm khoác cái áo choàng trắng, có giải thắt lưng rất dài. Không biết sao lại chọn cái áo đó. Nàng trèo cửa sổ ra sau vườn. Đêm lặng lẽ quá, đêm mênh mông giúp nàng trãi nỗi buồn rộng lớn thêm. Đây rồi, cành cây này đã lớn, vững chắc quá. Không được, tội mẹ, tội mấy đứa em. Làm sao mẹ còn có thể ở trong căn nhà này, đi ra ngoài khu vườn này. Sẽ là một ám ảnh suốt đời đối với mẹ "Qua khu vườn hoang kia tề." Như có ai nói thầm bên tai Trâm. Trâm thẫn thờ bước tới bên hàng rào. Ở phía rào này có nhiều lổ hổng để chui qua bên kia. Trâm chui qua được một cách thong thả. Tuy vườn mọc đầy cỏ lùng, cây cối rậm rạp nhưng vẫn có những lối mòn do lũ trẻ con hàng ngày trốn vào chơi, hái trái cây, hái rau tập tàng, nhờ vậy mà Trâm đi loanh quanh được một lúc. Không biết có ai đưa đường không mà Trâm đã tới cạnh ngôi mộ hoang, người trong xóm đồn đãi ở dưới mồ có một người con gái chết oan rất thiêng. Bình thường Trâm sợ ma lắm, nhưng bữa nay tâm trạng bần thần, lại quá đau khổ về tình duyên, còn có ý định tìm cái chết nữa nên Trâm không biết sợ hãi nữa. Mà có lẽ, chỉ có người nằm yên dưới mồ mới hiểu Trâm, mới chịu nghe Trâm tâm sự. Gió như động hơn trên trời, lay động cành lá ào ào. Tiếng cành khô kêu răng rắc như lời nói của đêm muốn cùng san sẻ với tâm sự của Trâm. "Chị à, dù sao chị cũng tới trần gian trước tui. Chị lớn tuổi hơn tui, tui kêu chị bằng chị. Xin lỗi tôi không đem nhang để thắp cho chị. Nhưng bữa nay tôi sẽ về dưới bầu bạn với chị. Tôi không muốn sống nữa." Tiếng cành cây khô lại kêu rắc rắc. Và có một vài tiếng động đâu đây. Trâm nghe như có tiếng chân. Nhìn quanh quất, không thấy bóng ai hết. "Chị về phải không? Chị đừng đi trước chờ tui với. Tui yêu người ta mà không lấy được, thà tui chết để trọn vẹn với tình... Chị nghe tui nói không?" Trâm cảm thấy sau ót mình lành lạnh như có bàn tay ai vừa đụng khẽ lên đó. Cô cố lấy hết can đảm, nhìn lên. Trong đêm Xuân một cành cây lớn vươn ra. Thật là lãng mạn. Như một thiên tình sử trong tiểu thuyết, còn hơn nữa là đằng khác. Trâm vừa lẩm bẩm những lời tha thiết đoạn tuyệt với người tình và chuẩn bị cho cái thòng lọng vào cổ rồi thả người xuống. Chỉ tích tắc thôi, không còn thấy đau khổ nữa... "Bước tới. Leo lên. Leo lên đi..." Trong đầu Trâm, như có tiếng reo hò thúc giục. Bước lên một bước nữa thôi. Bước nữa, bước nữa... Rõ ràng Trâm bước tới, nhưng có ai đã kéo Trâm thụt lùi. Thật ra không có ai hết, chính sự sợ hãi đó thôi. Cũng có thể, ai đó, vô hình đang trì kéo bước chân Trâm ngược lại. Không. Không được đâu. Không có can đảm đâu. "Thiếu tui ba cây nhang đó." Lùi tới góc vườn, Trâm nghe tiếng nói lùng bùng trong tai. Chắc đó là tiếng hồn ma từ đáy mộ vừa bị Trâm đánh thức. May quá, tới góc vườn nhà rồi. Nhanh như con sóc, Trâm chui qua lổ hổng sang vườn nhà, rồi đu lên cửa sổ. Vào tới phòng rồi, chăn trùm đầu kín mít rồi, Trâm tiếp tục run nữa. Bên vườn hoang, có tiếng mèo gào lên, như giận dữ cùng với gió thổi cành run lá cuồng loạn. Gió rung cuồng loạn tới cả căn nhà chòi nhỏ sau vườn của chàng thư sinh trọ học. Trong nhà Thiên có sẵn một chai rượu chàng đã mua về từ mấy hôm trước để nhâm nhi ba ngày tết. Nhưng làm gì có Tết, có Xuân nữa. Thôi thì mượn nó quên sầu đời đêm nay. Một mình độc ẩm. Bụng đói cồn cào, rượu vô lãng đãng. Chàng học trò trong Quảng ra thi trong cơn say, loạng choạng hát một bài tiếng Quảng, múa may cùng hình ma bóng quỷ. Gió bên ngoài đã hú thành tiếng, rên rĩ, bứt lá, bẻ cành. Giữa cơn gió hú, như có tiếng đập cửa, tiếng gọi. Chẳng biết bằng cách nào, cửa mở... giữa cơn mơ hồ, Thiên mở mắt, thấy một cô gái mặt ngọc, tóc dài đã ở bên mình. "Trâm. Em..." Đúng là khuôn mặt của Trâm, sao có đôi mắt lạ lùng đang nhìn chàng. Nửa mê, nửa tỉnh, Thiên quỳ xuống ôm ngang qua thân mình nàng. Sao nàng mỏng quá, nhẹ quá, ôm nàng trong tay mà y như có lúc chỉ ôm không khí, ôm hư vô... "Trâm. Em đã đến, anh mong gặp em biết bao nhiêu." Cô gái quỳ xuống, mặt đối mặt. Giọng nàng như tiếng thở: "Anh. Em yêu anh. Em đã đến rồi nì. Đến rồi nì..." "Anh nhớ em. Anh đau khổ tưởng chết. Có phải thật là em đến không?" "Chi mô mà khổ. Em tới rồi nì." Cô gái vò mái tóc của chàng trai trong tay, nâng mặt chàng lên: "Có phải thật là em đó không?" "Không thật mô. Em không phải người ta. Anh sợ không?" "Không sợ. Không sợ." Chàng học trò bỗng thấy mình như một đại lực sĩ. Chỉ cần một cánh tay, chàng nhẹ nhàng nhấc bổng cô gái lên, mang nàng tới chiếc giường tre. Y trang trút bỏ, cả một khối bạch ngọc lồ lộ chập chờn cùng ánh đèn dầu. Khối ngọc trong vòng tay học trò, khi thì Trâm thẹn thùng, sợ hãi, khi thì là một con bé nghịch ngợm, hung hăng, liều lĩnh. Đêm xuân nồng cháy, chiếc giường tre không ngừng kêu rêm át cả tiếng gió ngoài vườn. Gần sáng, nàng xô chàng ra: "Em phải về. Về liền kẻo không kịp." "Em còn đến nữa không. Em đừng bỏ anh... anh chết mất." Nàng lùa năm ngón tay mềm mại vào tóc chàng: "Hồi tối em thấy anh múa hát. Đêm mai, anh còn rượu, uống một ly, cất tiếng hát là em tới." Nàng mặc quần áo, vội vã đến cả không kịp hôn chàng, biến nhanh ra ngoài như luồng gió. Thiên bàng hoàng không biết là mộng hay thực, rồi mệt mỏi thiếp đi. Chàng nằm rẹp hai ngày không dậy nổi. Bà chủ trọ bưng cho bát cháo, Thiên húp vài muỗng rồi bỏ. Vậy mà đêm đó, vừa nghe tiếng gió hú ngoài vườn, anh chàng đã bật dậy. Chẳng biết sức lực từ đâu tới, sau khi nốc được mấy ly rượu,, chàng học trò xứ Quảng lại một mình múa hát tưng bừng. Quả nhiên chỉ lát sau, cô gái đã trở lại. Trâm đã biến thành gái liêu trai từ bao giờ, tóc thả buông lơi không cài không kẹp, hai chân như lướt trên mặt đất. Nàng đẹp hơn nhan sắc mà trước đây chàng đã gặp gỡ, hẹn hò. Mắt nàng như lúc nào cũng pha chất lân tinh, óng ánh gợn sóng tình. Vừa đến, không cần tâm sự nữa, chàng ôm chầm lấy nàng như sợ nàng biến mất. Vuốt ve, ôm ấp đắm say. Có lúc dưới ánh đèn dầu, nàng nằm nhắm mắt như nàng công chúa ngủ trong rừng, chàng vẫn không thể rời tấm thân nõn nà mà nóng bỏng. Suốt cả tháng trời, cứ hôm nào chàng uống đủ đô rượu thì nàng đến và hai người quấn quýt lấy nhau tiếp tục truy hoan. Chiếc giường tre cơ hồ chịu không nổi đã xiêu vẹo, van xin, nài nỉ hàng đêm và muốn sụm. Một hôm, sau cơn hoan lạc, nàng mới nhìn thấy ở góc bàn cái trâm cài tóc và cái lược làm còn dang dở. Nàng cầm lên coi, chàng nói: "Đã sắp tới ngày em về nhà chồng chưa?" "Em..." Cắn môi tới rớm máu. Chàng ôm nàng vào lòng xót xa: "Đây là vật anh làm để tặng em ngày đi lấy chồng. Và đây là lá thư tình mãi hoài anh không dám gửi." Nàng cầm lấy, khóc: "Cũng đã tới ngày em phải xa anh rồi." Chàng thẫn thờ: "Em đi lấy chồng anh sống không nổi. Thật đó, anh sống không nổi mô." Nàng càng khóc lớn hơn: "Em không còn cách nào khác. Hôm nay là ngày chót em gặp anh. Ngày mai em không tới được nữa..." "Không em không thể xa anh, không thể bỏ anh. Hay mình trốn đi?" Nàng gật đầu: "Anh thề đi. Anh trốn đi với em. Anh thề độc, thề độc địa đi. Anh không bỏ em..." Thiên sung sướng đưa tay thề liền. Thề độc thề địa nữa. Phải, chàng sẽ sắp xếp một chuyến đi. Cả hai đều trốn khỏi xứ Huế. Vì tình, Thiên có thể phụ lòng mẹ cha, bỏ khoa thi, bỏ tương lai tú tài sắp đoạt trong tay. "Tối mai em tới, anh sẽ đưa em đi. Mình sống với nhau, em không sợ ai nữa. Em..." Nàng cười. Nụ cười sao mà xa xôi, bí hiểm quá. "Tối mai... Không đâu. Tôi mai em hẹn anh ở bến sông. Rồi mình đi." Thiên mừng rỡ ôm chặt lấy nàng. Cả hai tiếp tục truy hoan cho tới gần sáng. Tiếng gà gáy canh tư đã thúc giục lắm rồi, nàng mới vội vã bỏ đi. Lúc đó, khu vườn bên ngoài đã lờ mờ hiện trong màn sương. Sáng hôm sau, Thiên nằm thiêm thiếp, đầu nóng như lửa. Chàng lên cơn sốt nặng. Trùm mền, đắp chăn. Ông bà chủ nhà lo lắm, có giúp Thiên một nồi thuốc xông buổi tối. Xông xong, Thiên có khoẻ hơn, nhưng đầu óc còn choáng váng, mắt hoa. Dù vậy, nhớ lời hẹn với người yêu, Thiên thu xếp mấy bộ quần áo, chút tiền bạc dành dụm rồi chờ cho tới hai ba giờ sáng, một mình ra bến sông trước nhà Trâm. Sông nước lấp lánh, nôn nao. Thiên chưa kịp cảm thấy hơi sương đêm lạnh, nàng đã tới. Vẫn nhẹ như gió, lướt trên mặt đất. "Anh sợ em không tới. Đi, mình đi." "Khỏi đi đâu hết ôm em đã. Em lạnh." Nàng áp cả tấm thân vào người chàng, tự tay cởi áo chàng, áo nàng. Áo quần nào ấm bằng hơi nóng thể xác. Nàng vỗ vập, ôm ấp, đòi hỏi. Và đôi lứa quấn chặt, rơi mình xuống bờ cát bên sông. Ai bảo sông Hương khúc Kim Long không từng, biết sôi sục? Vẫn còn mùa xuân để cô gái đi lấy chồng. Đám cưới nhà giàu sẽ làm lớn lắm. Bây giờ không còn ai canh giữ Trâm nữa. Một bữa, cả xóm xôn xao bàn tán có xác chết dưới sông vớt lên chính là xác anh học trò trọ học. Vậy là câu chuyện liêu trai giữa chàng học trò và ma nữ tiểu thư con quan nằm dưới nấm mồ trong ngôi nhà hoang lập tức được truyền tụng. Tình tiết câu chuyện bàn tán càng lúc cang ly kỳ. Đêm đêm, ma nữ từ dưới mồ lên vào phòng chàng học trò, lôi chàng ta ra bờ sông ân ái. Sau đây là đoạn đối đáp lâm ly giữa ma và người. Giọng ma nữ hẳn nhiên phải nhẹ nhàng như gió thoảng: "Anh nói là chết vì em, không hối hận?" "Không hối hận." "Nếu em là ma, anh có yêu em không?" "Anh cũng thành ma để yêu em." "Vậy mình đi nghe." "Anh yêu em?" "Anh nhìn em coi, em là ai?" Chàng học trò mở bừng mắt. Khuôn mặt cúi xuống trên người chàng là một cô gái, mái tóc xoã che khuôn mặt. Lúc đó trời sắp sáng hay có một ánh sáng nào mờ nhạt soi gương mặt người con gái màu xanh. Nàng mỉm cười, đẹp như hằng nga trên cung. Mà sao nụ cười bỗng dại đi, rồi khuôn mặt cũng biến đổi, méo mó, rồi giữa nụ cười nhô ra hai răng nanh... "Eo ôi." Anh chàng kinh hoảng quá, hét lên và vùng vẫy. Nhưng hai cánh tay ma nữ đã như hai gọng kìm, ôm chặt lấy anh học trò, và cả hai lăn xuống dòng tối đen. Câu chuyện Liêu Trai Huế thường được kết luận vậy. Hình như phải mấy ngày đêm xác anh học trò mới nổi lên. Người cha của năm cô gái không khỏi bùi ngùi xúc động, ngầm trách mình cứng rắn nhưng cũng thở ra một hơi dài nhẹ nhỏm. Đúng là anh chàng Thiên chứ ai. Tội chàng quá, Trâm khóc không biết bao nhiêu đêm, nhưng rồi đành chịu cam phậm về nhà chồng. Mong chồng, mong cuộc đời mới sẽ giúp nàng nguôi ngoai mối tình tan vỡ, chia ly kẻ âm người dương. Trước ngày lên xe hoa, Trâm nhớ lại mình còn thiếu nợ hồn ma dưới mồ trong khu vườn hoang kia một nắm nhang. Muốn trả cho xong trước khi về nhà chồng. Trâm mua một bó nhang, chờ cơm chiều xong, trời chạng vạng, một mình lẻn vô sau căn nhà hoang. Bữa đó trời không một cơn gió. Khu vườn càng lặng lẽ hoang vắng. Ngôi mộ đất lở xơ xác nằm trơ vơ. Trâm bỗng nhìn thấy trên mộ, ai để một phong bì thư cũ mèm và một cây trâm bằng gỗ, phía cán khắc lộng hai trái tim lồng nhau, cắm chặt lá thư xuống đất. Trâm mở ra xem, mới hay thư của Thiên gửi cho mình lâu rồi. Còn chiếc trâm cài chắc là một quà tặng cho nàng. Trâm đọc xong lá thư, đốt cho mất tang mất tích. Còn cây trâm giữ lại để cài tóc coi như một kỷ niệm. Đêm đó, Trâm nằm mơ, thấy Thiên cầm tay một người con gái rất đẹp, mớ tóc còn dày và dài hơn tóc thề của Trâm nữa. Thiên không nói gì, nét mặt vui vẻ. Cô gái nói với Trâm: "Cám ơn em đã cho chị một nắm nhang." Nói xong cả hai đều biến mất. Cô gái nào chả có những giấc mơ đêm trước ngày tân hôn. Ngày mai pháo sẽ nổ trước sân. Trâm sẽ có một cuộc đời khác. Chuyện bốn chục năm sau. Tối đầu năm trong một gia đình Việt Nam. Ở một thành phố khác, cũng có thể ở một đất nước khác. Một ông tóc hoa râm, chén chú chén anh với các bạn già cùng lưu lạc gặp lại. Chủ nhà đã ngà ngà say, nhắc lại chuyện xưa, ông cười. "Thì rứa, học trò trong Quảng ra thi mà. Hồi trẻ anh nào chẳng có lúc tầm bậy tầm bạ. Thì cũng tính đánh hoa cả cụm, không được thì đánh lẻ. Mà mình cũng mần chi mô. Bảo hát là hát, bảo ôm là ôm, bảo đi là đi. Bà tui bây chừ đó tề... Nì, mạ nó mô hè, lấy chai Remi trong tủ ra nhậu luôn, bữa ni vui..." "Uống vừa vừa thôi ông ơi: Từ ngày tui lấy ông tới bữa ni, chỉ thấy ông mê rượu." "Bà đừng noái nữa mà tui kể ra bà hổ ngươi. Chớ không phải nhờ rượu, nhờ hát hay mà hồi đó có con ma nữ liều mạng..." "Còn nói nữa, không biết dị. Mấy anh biết không, có một chuyện mà kể hoài, làm như oai lắm." "Để chú ấy kể chuyện Liêu Trai Huế đi, cô Ba". Một ông nói. Bà chủ nhà ngoe nguẩy, đặt chai rượu xuống trước mặt ông chồng rồi cười cười bỏ vào nhà trong. Thì ra đầu năm, các ông hoa râm lai rai kể chuyện xưa tích cũ. Chủ nhân có mái tóc hoa râm từng là chàng học trò xứ Quảng ra Huế học thi. Bà chủ được gọi là cô Ba, nghe đâu chính là cô em thứ ba trong đám "ngũ long công chúa" nghịch như quỷ sứ ở Kim Long thuở nào.