Bữa tiệc gặp mặt với những người bạn cũ nhưng thực ra là một sân khấu trá hình kiểu mới, nơi phơi bày những giằng co trong mối quan hệ bẽ bàng giữa một bên là lòng tự trọng của người trí thức, một bên là thế lực ghê rợn của đồng tiền.
Năm nay, tiến sĩ Bao Thanh lại về quê ăn tết. Về cũng lắm cái phiền nhưng anh vẫn phải về vì không nỡ để mẹ già ngóng trông.
Mồng hai tết, trời mưa lâm thâm, Bao Thanh giương ô đến mấy nhà họ hàng chúc tết. Khi về, mưa nặng hạt nhưng qua trường tiểu học hồi trước, anh vẫn theo thói quen nhìn vào cổng trường. Bây giờ ở đó không còn là trường tiểu học quen thuộc khi xưa mà đã là nhà máy gia công lông vũ của Mèo Rừng. Nhà máy bề thế, chăng đèn lồng và cờ biển rực rỡ. Mèo Rừng mua cả trường tiểu học làm nhà máy, hắn phất lên nhanh thật, mà phất to nữa chứ.
Vừa về đến cửa thì đã thấy Lý Nhân Chính dắt xe máy đứng dưới mưa đợi anh, thấy anh là nói luôn: "Bao Thanh, hôm nay mà cậu không chịu đến dự tiệc ở Phú Lợi Hoa với Mèo Rừng thì tớ cứ đứng đây chờ, bao giờ cậu chịu đi mới thôi!". Việc Mèo Rừng mời dự tiệc là một bóng đen trong mấy ngày nghỉ tết của Bao Thanh. Anh đã thoái thác mấy lần, viện cớ mùng ba phải trở về Bắc Kinh để từ chối. Mẹ anh thấy áy náy, dù bà không ưa gì Mèo Rừng cũng phải bảo con: "Người ta đã thật lòng mời, con mà không đến thì người ta lại bảo con làm cao với bạn học cũ".
Mấy tiếp viên mặc xường xám màu đỏ thắm, vắt ngang mình một dải băng màu vàng óng ánh đề hai chữ "Hoan nghênh" ở khách sạn Phú Lợi Hoa, đưa Bao Thanh và Lý Nhân Chính vào một phòng cực sang có tên là Sảnh Paris. Bao Thanh thấy một người đàn ông béo tốt nặc âu phục thong thả rời ghế đứng lên. Hắn không giống Mèo Rừng mà tên khai sinh là Hoàng Kiệt hồi trước, nhưng nhìn trên trán hắn vẫn có vết bớt đỏ nên anh chắc mẩm đó là Mèo Rừng. Hắn toan ôm chầm lấy anh, anh bất giác lùi lại, song bàn tay nóng ấm của hắn vẫn kịp vồ lấy anh: "Cậu không nhận ra tớ à? Tớ thì nhận ra cậu ngay khi hình cậu chỉ thoáng qua trên màn hình". Mấy cô cậu ngồi bên cạnh lập tức phụ hoạ: "Đúng thế. Hôm ấy xem truyền hình, giám đốc Hoàng của chúng em vừa nhìn đã nhận ra tiến sĩ".
Mèo Rừng đưa Bao Thanh đến ngồi cạnh mình. Quanh bàn tiệc, ngoài bạn học cũ là Lý Nhân Chính và cô Trình Thiếu Hồng ra, còn lại đều là nhân viên của Mèo Rừng. Trong đó có cô gái đeo kính trắng luôn đưa mắt nhìn Bao Thanh. Anh không tiện hỏi nhưng Mèo Rừng như đã biết trước, liền giới thiệu đó là Tiểu Chung, con gái thầy giáo dạy vật lý ở trường trung học Mã Kiều. Anh rất mến thầy vì thầy cũng quý mến anh. Anh toan nói gì đó với Tiểu Chung thì cô đã đứng lên, cầm ly rượu tới bên anh, nói: "Anh Bao, từ nhỏ em đã nghe cha em nói anh học giỏi môn vật lý nhất trường. Năm ngoái, khi còn sống, cha em tự hào nói ông đã đào tạo được một tiến sĩ vật lý đấy. Em xin kính anh ly rượu này".
Bao Thanh uống ly rượu đầu tiên. Anh đã chuẩn bị mọi lý do để từ chối uống rượu tiếp nhưng Lý Nhân Chính nài ép rất dai, còn Trình Thiếu Hồng thì vừa uy hiếp vừa buông thả, bắt Bao Thanh phải uống ly rượu giao bôi, ngoặc tay cầm ly vào nhau mà uống. Bao Thanh nhất quyết không chịu, Thiếu Hồng đổ ngay ly rượu xuống sàn: "Anh không uống cũng chẳng làm tôi xấu hổ mà chết được đâu! Bây giờ anh đã tai to mặt lớn, nhưng có nhớ ngày trước ai là kẻ ăn cắp xu chiêng của tôi không, hả?". Cả bàn tiệc bỗng lặng im phăng phắc. Quá bất ngờ, Bao Thanh cự lại: "Bạn quên đấy, chính Mèo Rừng lấy trộm rồi nhét vào túi tôi đấy chứ!". Mèo Rừng bối rối một lát rồi thản nhiên cười: "Thôi, thôi, bây giờ tớ cũng nhớ lại rồi. Đúng là tớ lấy rồi bỏ vào túi cậu. Hồi ấy chúng tớ luôn lấy cậu làm bung xung mà!". Nói xong, Mèo Rừng nháy mắt với Lý Nhân Chính. Bao Thanh nhớ lại, hồi học tiểu học và trung học, Mèo Rừng thường nháy mắt với bọn "đồ đệ" như thế, và mỗi lần thư thế anh đều cảm thấy sợ. Bây giờ anh không sợ nữa nhưng vẫn thấy cấn, bèn úp ngược ly rượu xuống nói: "Tửu lượng mình xoàng lắm, uống thế là nhiều rồi!".
Mèo Rừng nhìn vẻ mặt của Bao Thanh rồi ngoảnh sang trừng mắt nhìn Thiếu Hồng, nổi giận: "Đ. mẹ, nói cái đếch gì thế làm mất vui". Điều làm Bao Thanh quá đỗi ngạc nhiên là Mèo Rừng lại đối xử thô lỗ như vậy vói Thiếu Hồng mà cô này không hề phản kháng. Điều ngạc nhiên hơn nữa là Lý Nhân Chính, anh tưởng cậu này sẽ khuyên Mèo Rừng bớt giận song cậu ta lẳng lặng cầm chai rượu trắng bước tới rót cho Thiếu Hồng. Theo bản năng, Bao Thanh xông tới giật lấy chai rượu. Nhân Chính vừa cười vừa né tránh. Hai người đang dằng co thì Thiếu Hồng bất ngờ chộp lấy chai rượu, đặt phịch lên mặt bàn nói: "Uống thì uống, chết thì thôi, đã luống tuổi rồi còn đáng mấy đồng tiền nữa!".
Trên bàn tiệc ai nấy im phăng phắc. Trong óc Bao Thanh chợt nảy ra ba chữ "tiệc Hồng môn" thời Tam quốc. Nhạy bén nhận ra không khí huỷ diệt trong bữa tiệc ngày một đậm đặc, anh thấy ghế như có kim châm. Mèo Rừng dằn giọng nói: "Chưa uống đủ, không ai được bỏ đi". Bao Thanh hạ giọng nói với hắn: "Mình uống đủ rồi, không thể uống được nữa. Hôm nay phải về sớm, ngày mai lên đường bằng xe khách rồi còn chuyển sang đi tàu hoả". Mèo Rừng cắt ngang: "Cậu sợ không về nổi Bắc Kinh à? Nếu uống rượu mà lỡ xe thì tớ cho chiếc Mẹc của tớ đưa cậu về tận Bắc Kinh". Nói xong, mặt Mèo Rừng hầm hầm sát khí. Bao Thanh cương quyết đứng lên nói: "Thôi, cho mình xin cáo từ". Mèo Rừng không can ngăn, nhưng ánh mắt mọi người trên bàn tiệc đều tỏ ra hoảng hốt, Nhân Chính vội đứng lên cản bước Bao Thanh, lúc này anh mới nhận ra xung quanh đôi mắt đỏ ngầu của cậu này đầy vết rạn chân chim, mái đầu hói một nửa như muốn ngỏ cùng anh nỗi cay đắng. Đúng lúc ấy, Thiếu Hồng loạng choạng bước đến níu lấy cổ Bao Thanh đẩy xuống ghế, nói: "Tiến sĩ nổi danh sao mà khó chiều thế? Tôi đã uống ba cốc rượu phạt rồi mà anh còn chưa vừa ý à? Hay là tôi biểu diễn thoát y vũ nữa nhé?". Bao Thanh chưa kịp nói gì thì Mèo Rừng đã cười khanh khách: "Phải đấy, phạt cô ta một màn thoát y vũ đi".
Xem ra Thiếu Hồng chỉ mượn rượu nói đùa, nhưng bảo cô ta nhảy thật thì Thiếu Hồng tỉnh cả rượu, cô tìm cách thoái thác: "Tiểu Chung còn là thiếu nữ, múa thoát y vũ trước mặt cô bé sao tiện?". Mèo Rừng bảo Tiểu Chung ra ngoài, cô bé đỏ mặt toan đi ra thì bị Thiếu Hồng lôi lại: "Các người muốn coi đàn bà con gái hả? Xem suông mà cũng đòi xem ư? Tiền đâu?". Mèo Rừng quay người vơ luôn túi xách vứt lên bàn tiệc: "Tiền đây, ra giá đi!". Bao Thanh thấy đùa đã đến chỗ quá trớn, bèn nói: "Thiếu Hồng đã uống đủ rượu phạt rồi, lỗi là ở tôi. Tôi làm mọi người mất vui, xin tự phạt một ly vậy!".
Anh vừa uống, không khí trên bàn tiệc lập tức dịu xuống. Anh tự nhủ đợi không khí lắng xuống nữa sẽ cáo từ, nhưng Mèo Rừng bỗng nhiên lại sai tài xế mang đến một cái hộp bọc gấm, trong hộp đặt một chiếc bình sứ. Mèo Rừng bảo anh: "Cậu có chuyên môn, thử xem bình này đáng giá bao nhiêu?". Lý Nhân Chính vội vàng bước tới, cẩn thận lấy bình ra cho anh xem. Tuy anh không quen giám định đồ cổ nhưng thấy đáy bình đề niên hiệu Gia Khánh đời Thanh mà lạc khoản dưới bức tranh hoa cỏ trên bình lại đề tên người vẽ là Đường Dần. Quan sát kỹ một lúc nữa rồi anh bật cười: "Cậu bị lừa rồi, năm Gia Khánh thì Đường Dần đã chết tám hoánh rồi, làm sao còn vẽ được nữa?". Mèo Rừng biến sắc mặt nói: "Cậu xem kỹ lại đi". Bao Thanh đáp: "Không cần xem nữa, đồ cậu mua chắc chắn là giả hoặc là đồ phỏng chế, mua bao nhiêu tiền đấy?. Không nghe thấy tiếng trả lời, anh ngẩng đầu lên, nhận ra tất cả mọi người đều mở to mắt nhìn như cầu khẩn anh thu lại câu vừa nói. Mèo Rừng nổi giận nhìn Nhân Chính, anh này trắng bệch mặt ra, nói: "Ngày mai tôi đi Thượng Hải tìm Tiểu Tam, hắn đã vỗ ngực bảo đảm không phải bình giả". Mèo Rừng hừ đằng mũi liếc xéo Nhân Chính, hỏi: "Cậu ở giữa nhận được bao nhiêu tiền huê hồng?". Nhân Chính cuống lên, thề độc: "Tôi mà nhận đồng nào thì trời đánh thánh vật, ra cửa bị ôtô chẹt chết". Mèo Rừng ngồi xuống, nhìn mọi người, nói: "Làm sao mà như đưa đám cả thế? Đây thua thiệt chứ liên quan đếch gì đến mấy người? Thôi cũng mới có hai trăm ngàn. Đây buôn bán bao nhiêu năm nay chưa bao giờ để đứa nào qua mặt. Bị lừa hai trăm ngàn thì đây kiếm lại hai triệu cho coi".
Tưởng đã làm xong việc cần làm, Bao Thanh cầm thìa toan húp một thìa canh gà thì Mèo Rừng lại đòi cụng ly. Không sao chống đỡ nổi, uống xong anh thấy nôn nao. Nhân Chính dìu anh vào toalét. Nôn xong, nhìn qua cửa sổ thấy mưa đã tạnh, màn đêm đã chuyển sang màu xanh lam. Đâu đó trên thị trấn vang lên mấy tiếng pháo đì đẹt. Anh bảo Nhân Chính: "Tớ phải về thôi, mẹ tớ chắc sốt ruột lắm rồi!". Nhân Chính nói: "Mèo Rừng có cho về, cậu mới được về. Cậu uống thêm với hắn một ly nữa để hắn cho cậu về". Rồi Nhân Chính vừa dìu vừa điệu Bao Thanh trở lại phòng tiệc.
Theo lời Nhân Chính, anh uống với Mèo Rừng một ly nữa rồi cáo từ. Anh chủ động nâng ly, nhưng Mèo Rừng nói: "Rượu cáo từ phải đủ ba ly nữa chứ". Bao Thanh mơ hồ cảm thấy Mèo Rừng đang muốn "trị" mình, chỉ không rõ hắn uống say nên muốn "trị" anh hay là bất mãn với anh điều gì, thầm nghĩ, bây giờ chẳng ai phải sợ ai, mình có ăn nhờ hắn đâu, thôi thì cố nhịn một lát rồi về. Nhưng sự thể lại không như ý nghĩ. Lý tính và lòng nhẫn nại của anh đi đâu cả rồi, người anh mềm oặt từ ghế tụt xuống rồi ngồi bệt trên sàn. Mèo Rừng ép anh ngồi cạnh chân hắn cạn ly rượu cuối cùng trước khi ra về. Đập vào mắt anh là đôi giày da đen bóng và đôi tất bông trắng tinh của Mèo Rừng. Đôi tất của Mèo Rừng trắng đến loá mắt còn chấm bùn màu vàng trên giầy da khiến Bao Thanh cảm thấy bất an. Hành lang ký ức có lúc chỉ một bước là đi qua nhưng ngày xưa thì lẳng lặng trở về. Bao Thanh bỗng nghe thấy tiếng nói thô bạo mà quen thuộc, tiếng nói ấy có uy lực đe doạ và ra lệnh cho anh: "Lau vết bùn đi, lau sạch đi!". Đây là tiếng Mèo Rừng hồi niên thiếu và cũng là tiếng Mèo Rừng đã trở thành tỉ phú một phương như hiện nay: "Mau lau sạch vết bùn đi!". Bao Thanh ngoan ngoãn cầm tờ giấy ăn nhổ một chút nước bọt lên giày da của Mèo Rừng, hấp tấp nói: "Lau rồi đây!" như nhiều năm trước anh đã bị hắn ép phải làm.
Anh nghe thấy tiếng người cười râm ran. Chẳng ngẩng lên nhìn, anh chăm chú dùng khăn lau sạch vết bùn trên giày cho đến khi thấy chiếc giày đã bóng lộn như mới mới thôi. Bỗng anh nghe "bốp" một cái, cảm thấy mặt mình đã bị Mèo Rừng cho một cái bạt tai. Cú tát bất ngờ quá, anh không kịp đề phòng nên lĩnh trọn cú tát, đổ nghiêng người sang một bên, suýt ngã sóng xoài trên sàn. Ngay lúc ấy, anh nghe thấy tiếng Mèo Rừng gầm lên: "Sao chỉ lau giày bên trái, còn chiếc bên phải nữa, lau đi.".
Sáng mồng ba tết, tiến sĩ Bao Thanh trở lại Bắc Kinh. Người trong thị trấn đều biết lần về quê ăn tết nào anh cũng vội vàng. Chị gái và anh rể đưa tiễn đến bến xe, anh nhìn thấy Lý Nhân Chính. Anh quay lưng lại để tránh mặt nhưng Nhân Chính vẫn chạy tới nhét vào tay anh một túi lớn, nói: "Mèo Rừng tặng cậu đấy, hai chai Ngũ lương dịch". Bao Thanh kiên quyết gạt tay Nhân Chính ra: "Tớ không uống, cậu mang về trả cho hắn! Tối hôm qua hắn cho tớ diễn trò khỉ đủ lắm rồi", "Lý Nhân Chính vẫn chìa túi, cẩn thận lựa lời để nói: "Tối hôm qua uống rượu hơi nhiều, Mèo Rừng bảo cậu không nên chấp. Rượu này ngon lắm đấy, Mèo Rừng có lòng biếu cậu để mang về Bắc Kinh mà uống". Bao Thanh nén giận đáp: "Tớ có uống được rượu đâu, về Bắc Kinh cũng chẳng uống. Sao tớ nói bao nhiêu bận mà các cậu vẫn chưa chịu hiểu thế?". Lý Nhân Chính nháy mắt: "Thì tớ cũng biết trí thức như các cậu không hay uống rượu". Ngoảnh sang nhìn anh rể Bao Thanh, Nhân Chính nhét túi đựng rượu vào tay anh ta, nói: "Thế thì anh cầm về mà uống, dù sao tôi cũng không thể trả lại cho Mèo Rừng, đem về hắn lại chẳng chửi cho mục mả".
Bao Thanh không nói chuyện với Lý Nhân Chính nữa, anh lạnh nhạt rút điện thoại di động gọi về cho vợ, Nhân Chính biết ý, đang định cáo từ thì Bao Thanh đã giữ lại, kéo ra ngoài phòng đợi, hỏi: "Tối qua tớ bị bẽ mặt quá thể, cậu là người tốt sao cậu cũng chỉ biết giương mắt nhìn? Cậu nói thật đi, có phải tớ lau giày cho Mèo Rừng rồi còn bị hắn tát cho một cái, phải không? Sao cậu lại để cho hắn mượn rượu làm nhục tớ?". Lý Nhân Chính xua tay: "Làm gì có chuyện đó? Chẳng lẽ cậu lau giày cho hắn và hắn tát cậu hay sao?"
Bỗng Lý Nhân Chính ngẩng phất đầu lên: "Tớ chưa bao giờ lau giày cho hắn, từ nhỏ đến lớn đều chưa bao giờ, càng chưa bao giờ bị hắn bạt tai". Trịnh trọng thanh minh xong, Nhân Chính bỗng cười xoà, thụi vào bụng dưới Bao Thanh một cái rồi bảo: "Cậu không nên để bụng làm gì, không thể chấp người say được! Thôi thì cậu tha thứ cho hắn lần này, bậc đại nhân không ghi lỗi của kẻ tiểu nhân mới phải". Không hiểu sao Bao Thanh bỗng sờ tay lên mặt, sau đó anh nghe Nhân chính nói với giọng cảm thán: "Mỗi người có một vận hội. Hai cậu bây giờ đều thành đạt. Trong số bao nhiêu bạn học cũ, chỉ có cậu là đứng ngồi ngang hàng với hắn. Nếu hắn không say, sao dám bạt tai cậu?".
Họ đang nói chuyện thì xe khách chạy dường dài đã bắt đầu rời bến đỗ cho khách lên. Cánh cửa xe xì một tiếng thật to rồi tự động mở ra khiến bọn Bao Thanh đều giật mình. Tết đã qua rồi, mọi người hớn hở lên xe trở về với công việc.
 

Xem Tiếp: ----